Bản án 213/2022/HS-PT về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

BẢN ÁN 213/2022/HS-PT NGÀY 30/08/2022 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 30 tháng 8 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 139/2022/TLPT- HS ngày 30 tháng 6 năm 2022 đối với bị cáo Trần Ngọc S, do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 10/2022/HS-ST ngày 20 tháng 5 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.

- Bị cáo có kháng cáo: Trần Ngọc S, sinh ngày 28/12/1994, tại: huyện B, tỉnh Quảng Nam; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Thôn 4, xã T, huyện B, tỉnh Quảng Nam; nghề nghiệp: giáo viên; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Cadong; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Minh K và bà Phạm Thị M; có vợ và 01 con (sinh năm 2019); tiền án, tiền sự: không; bị cáo tại ngoại. Có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc S: bà Nguyễn Linh D, Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Nam. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng tháng 8, tháng 9 năm 2019 (không rõ ngày), các bị cáo Đinh Văn T, Trần Ngọc S, Hồ Văn D vào khu vực rừng (thường gọi là rừng Đ) thuộc xã T, huyện B để đặt bẫy thú. Lúc đi đặt bẫy thì phát hiện trong khu vực này có một cây gỗ Xoan đào nên nảy sinh ý định cưa hạ, khai thác để lấy gỗ về gia công các đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Do 03 người sẽ khó khăn cho việc cưa xẻ cây gỗ nên đã rủ bị cáo Hồ Quốc P đi cùng để khai thác và được bị cáo P đồng ý. Tiền công của bị cáo P là 200.000 đồng/ngày, do bị cáo Đinh Văn T trả. Thực tế, bị cáo Đinh Văn T đã trả công cho bị cáo Hồ Quốc P số tiền 400.000 đồng. Do không có cưa để hạ cây nên các bị cáo mượn máy cưa của ông Hồ Thanh H và chuẩn bị các vật dụng, nhu yếu phẩm cần thiết để sáng hôm sau đi lên khai thác cây gỗ. Khi đi đến đoạn đường gần lối đi vào rừng, các bị cáo cất xe vào bên đường, rồi cùng đi bộ khoảng 01 tiếng đồng hồ thì đến vị trí gốc cây Xoan đào. Bị cáo T và bị cáo D chuẩn bị máy cưa, gắn lam, xích và đổ xăng nhớt vào máy. Còn bị cáo P và bị cáo S thì lấy rựa phát cây bụi xung quanh cây Xoan đào. Sau khi phát dọn xong, bị cáo T và bị cáo D thay phiên nhau cưa hạ cây, bị cáo S và bị cáo P không biết dùng máy cưa nên ngồi xem. Bị cáo T và bị cáo D cưa cây ngã thì bị cáo S và bị cáo P dùng rựa phát dọn dọc hai bên cây. Sau đó, bị cáo T và bị cáo D cưa cây ra thành nhiều đoạn, rồi chia cây gỗ ra làm 04 phần, trong đó bị cáo T nhận 02 phần (phần của bị cáo P do bị cáo T nhận, vì bị cáo T trả công cho bị cáo P), bị cáo S và bị cáo D mỗi người nhận 01 phần. Số gỗ còn lại của cây (gốc cây, bìa cây…) bị bọng hoặc giá trị thấp nên các bị cáo bỏ lại trên rừng, tại địa điểm cây gỗ bị hạ. Tại biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 03/10/2019, xác định tại khu vực rừng tự nhiên thuộc khoảnh 2 và khoảnh 3, tiểu khu 822, Thôn 01 (nay là Thôn 4), xã T, huyện B, do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện B quản lý có 08 cây gỗ bị cưa hạ, trong đó có 02 cây gỗ Xoan đào (nhóm VI), 01 cây gỗ Xoan mộc (nhóm VI), 01 cây gỗ Bùi (nhóm VII) và 04 cây gỗ Chò (nhóm VI). Cơ quan tiến hành tố tụng xác định các bị cáo T, S, D, P khai thác 01 cây Xoan đào tại vị trí số 02, trong số 08 cây bị cưa hạ nêu trên. Ngày 20 tháng 5 năm 2020, cơ quan chức năng lập biên bản xác định vị trí, tọa độ của cây Xoan đào mà các bị cáo đã khai khác, cụ thể: tọa độ (X: 546493; Y: 1681380); vị trí cây thuộc khoảnh 2, khoảnh 3, tiểu khu 822 Thôn 4, xã T, huyện B; loại rừng phòng hộ là rừng tự nhiên. Tại bản kết luận định giá số:

14/KL-HĐĐGTS ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự xác định giá trị của cây gỗ Xoan đào này như sau: cây gỗ Xoan đào bị cưa hạ với khối lượng 10,158m3, tương ứng với số tiền thiệt hại là 60.948.000 đồng. Số gỗ còn tại hiện trường có khối lượng là 5,674m3, trị giá là 34.044.000 đồng. Tại bảng kê xác định lại giá trị lâm sản tịch thu ngày 05/11/2021 của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự huyện Bắc Trà My xác định khối lượng gỗ bị thiệt hại (sau khi trừ hư, bộng) thì khối lượng gỗ của cây Xoan đào bị khai thác trái phép là 9,556m3, giá trị thiệt hại là 57.336.000 đồng.

Với nội dung vụ án như trên, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 10/2022/HS- ST ngày 20/5/2022 của Tòa án nhân dân huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đã quyết định: tuyên bố bị cáo Trần Ngọc S phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 232; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), xử phạt bị cáo Trần Ngọc S 06 (Sáu) tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bị bắt đi thi hành án.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo.

Ngày 24/5/2022, bị cáo Trần Ngọc S kháng cáo xin hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án: sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Trần Ngọc S có đơn kháng cáo trong hạn luật định theo quy định tại các Điều 331, 332, 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự nên kháng cáo của bị cáo là hợp pháp. Xét kháng cáo của bị cáo thì thấy: bị cáo Trần Ngọc S cùng các bị cáo khác đã có hành vi cưa hạ 01 cây Xoan đào tại khu vực rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, để làm vật dụng trong nhà, khối lượng gỗ sau khi trừ bộng, hỏng là 9,556m3 có giá trị thiệt hại là 57.336.000 đồng. Bị cáo S bị Tòa án cấp sơ thẩm kết án và xử phạt 06 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 232 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ pháp luật và không nặng. Sau khi xét xử sơ thẩm, phát S tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới, đó là gia đình bị cáo có nhiều người có công với cách mạng nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm theo hướng giữ nguyên mức hình phạt và cho bị cáo hưởng án treo.

Người bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc S trình bày quan điểm bào chữa: đề nghị Hội đồng xét xử xem xét đến hoàn cảnh, nhân thân của bị cáo (như: gia đình bị cáo có công với cách mạng, bị cáo đang là giáo viên hợp đồng của trường tiểu học, có con còn nhỏ và vợ không có công việc làm) để cho bị cáo được hưởng án treo.

Bị cáo không tranh luận, xin hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Trần Ngọc S có đơn kháng cáo theo đúng quy định tại các Điều 331, 332 và 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự nên kháng cáo của bị cáo là hợp pháp.

[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trần Ngọc S đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như Tòa án cấp sơ thẩm đã quy kết và xin hưởng án treo.

[3] Xét lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của các bị cáo khác, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, vật chứng của vụ án và các tài liệu, chứng cứ được Cơ quan điều tra chứng minh có tại hồ sơ vụ án. Hội đồng xét xử phúc thẩm có đủ cơ sở kết luận: vào khoảng tháng 8, tháng 9 năm 2019, tại khoảnh 2, khoảnh 3, tiểu khu 822 thuộc Thôn 1 (nay là Thôn 4), xã T, huyện B, tỉnh Quảng Nam, bị cáo Trần Ngọc S cùng các bị cáo: Đinh Văn T, Hồ Văn D và Hồ Quốc P đã có hành vi khai thác trái phép 01 cây Xoan đào thuộc khu vực rừng phòng hộ là rừng tự nhiên để lấy gỗ đem về làm vật dụng trong nhà;

khối lượng gỗ (sau khi trừ bộng, hỏng) là 9,556m3, giá trị thiệt hại là 57.336.000 đồng. Với hành vi nêu trên, bị cáo Trần Ngọc S bị Tòa án cấp sơ thẩm kết án về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 232 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là có căn cứ, đúng pháp luật.

[4] Xét kháng cáo của bị cáo thì thấy: Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất của vụ án, mức độ và hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra; đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xử phạt bị cáo S 06 tháng tù là có căn cứ pháp luật và không nặng. Sau khi xét xử sơ thẩm, phát S tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới, đó là: gia đình bị cáo có nhiều người có công với cách mạng (ông nội được tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba; bà nội được tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhì...) được Uỷ ban nhân dân xã T xác nhận. Xét thấy, bị cáo không phải là người trực tiếp cưa hạ cây Xoan đào (mà do các bị cáo Đặng Văn T, Hồ Văn D trực tiếp cưa hạ); đồng thời, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, có khả năng tự cải tạo và việc không buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù cũng không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Do đó, Hội đồng xét xử có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị cáo cũng như quan điểm của Kiểm sát viên, người bào chữa cho bị cáo, sửa bản án sơ thẩm về hình phạt theo hướng giữ nguyên mức hình phạt 06 tháng tù nhưng áp dụng thêm Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cho bị cáo hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách, để tạo điều kiện cho bị cáo tự cải tạo dưới sự giám sát, giáo dục của chính quyền địa phương nơi cư trú.

[5] Bị cáo Trần Ngọc S không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[6] Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355 và điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Ngọc S, sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 10/2022/HS-ST ngày 20/5/2022 của Tòa án nhân dân huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam về hình phạt đối với bị cáo Trần Ngọc S.

Căn cứ vào điểm d khoản 1 Điều 232; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 và Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);

Xử phạt bị cáo Trần Ngọc S 06 (Sáu) tháng tù cho hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”; thời gian thử thách là 12 (Mười hai) tháng, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (ngày 30/8/2022).

Giao bị cáo Trần Ngọc S cho Ủy ban nhân dân xã T, huyện B, tỉnh Quảng Nam để giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.

Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Bị cáo Trần Ngọc S không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (30/8/2022).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

242
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 213/2022/HS-PT về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

Số hiệu:213/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Nam
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 30/08/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;