TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
BẢN ÁN 21/2018/DS-PT NGÀY 30/01/2018 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 30 tháng 01 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 115/2017/TLPT-DS ngày 14 tháng 11 năm 2017 về tranh chấp đòi quyền sử dụng đất.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 51/2017/DS-ST ngày 28 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh Bạc Liêu bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 117/2017/QĐ-PT ngày 20 tháng 12 năm 2017 giữa các đương sự:
- Đồng nguyên đơn:
1. Bà Huỳnh Thị N1, sinh năm 1967 (có mặt)
2. Bà Huỳnh Thị M1, sinh năm 1956
3. Ông Huỳnh M1, sinh năm 1960
4. Bà Huỳnh Thị M2, sinh năm 1964
5. Bà Huỳnh Thị N2, sinh năm 1968
Cùng địa chỉ: Ấp G, xã V, thành phố B, tỉnh Bạc Liêu.
6. Ông Huỳnh Văn M, sinh năm 1954
Địa chỉ: Ấp N, xã V, thị xã V, tỉnh Sóc Trăng.
7. Bà Huỳnh Thị Q, sinh năm 1960
Địa chỉ: Ấp T, xã L, huyện Đ, tỉnh Bạc Liêu.
8. Ông Huỳnh M2, sinh năm 1970
Địa chỉ: Ấp P, xã L, thị xã V, tỉnh Sóc Trăng.
9. Bà Huỳnh Thị S, sinh năm 1972
Địa chỉ: Khóm V, Phường N, thị xã V, tỉnh Sóc Trăng.
Người đại diện theo ủy quyền của các đồng nguyên đơn ông M, bà M1, ông M1, bà Q, bà M2, bà N2, ông M2, bà S: Bà Huỳnh Thị N1, sinh năm 1967; địa chỉ: Ấp G, xã V, thành phố B, tỉnh Bạc Liêu.
Người bảo vệ quyền và lợi ích của bà Huỳnh Thị N1: Ông Nguyễn Duy S và ông Trần Văn O - Luật sư của Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn K. (ông O có mặt, ông S vắng mặt)
- Bị đơn: Ông Nguyễn Thanh S, sinh năm 1940; địa chỉ: Ấp G, xã V, thành phố B, tỉnh Bạc Liêu. (có mặt)
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Thanh S: Ông Dương Chí N - Trợ giúp viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bạc Liêu (có mặt).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Trịnh Thị U, sinh năm 1946
2. Ông Nguyễn Thanh C, sinh năm 1979
Cùng địa chỉ: Ấp G, xã V, thành phố B, tỉnh Bạc Liêu.
Người đại diện theo ủy quyền của bà U, ông C: Ông Nguyễn Thanh S, sinh năm 1940; địa chỉ: Ấp G, xã V, thành phố B, tỉnh Bạc Liêu.
3. Ủy ban nhân dân thành phố B, tỉnh Bạc Liêu
Địa chỉ: Số X, đường T, Phường M, thành phố B, tỉnh Bạc Liêu.
Người đại diện theo pháp luật của Ủy ban nhân dân thành phố B: Ông Lưu Hoàng L - Chức vụ: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố B, tỉnh Bạc Liêu (có đơn xin vắng mặt).
- Người kháng cáo: Nguyên đơn bà Huỳnh Thị N1.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Bà Huỳnh Thị N1 là nguyên đơn và đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của các đồng nguyên đơn khác trong vụ án trình bày:
Ông Huỳnh Ư (chết năm 2005) và vợ là bà Lâm Thị T (chết năm 2011) có 09 người con gồm: Bà Huỳnh Thị N1, ông Huỳnh Văn M, bà Huỳnh Thị M1, ông Huỳnh M1, bà Huỳnh Thị Q, bà Huỳnh Thị M2, bà Huỳnh Thị N2, ông Huỳnh M2, bà Huỳnh Thị S.
Bà Lâm Thị T có diện tích đất cụ thể như sau: Thửa số 432 diện tích 400m2, thửa 1124 diện tích 1700m2, thửa số 435 diện tích 150m2, thửa số 14 diện tích 13.830m2, thửa số 12 và thửa số 13 không xác định rõ diện tích tờ bản đồ số 05, thửa số 49 diện tích 2.400m2 tờ bản đồ số 06. Phần diện tích đất trên bà Lâm Thị T đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 06 tháng 5 năm 1991. Riêng đối với hai thửa số 12 và thửa số 13 tờ bản đồ số 05 thì chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trước khi chết bà Lâm Thị T có lập di chúc để lại cho con là bà Huỳnh Thị M2 được hưởng phần diện tích thửa đất số 49, diện tích 2.400m2 tờ bản đồ số 06 và một phần thửa số 14 diện tích 2.880m2 tờ bản đồ số 05. Bà N1 được hưởng phần còn lại của thửa số 14 diện tích 10.950m2. Đối với thửa 432, 435 bà T đã cho con là ông Huỳnh M1 từ lâu, tại thời điểm lập di chúc bà T chỉ còn sử dụng thửa số 14, 49 nên lập di chúc cho bà N1 và bà Huỳnh Thị M2. Thửa số 1124, 12, 13 đã cho ông Nguyễn Thanh S từ năm 1982, ông S đang sử dụng nên bà T không đề cập đến thửa đất này trong di chúc.
Đối với thửa 1124, 12, 13 tờ bản đồ số 05, vào năm 1982 Ủy ban nhân dân xã V, thành phố B, tỉnh Bạc Liêu có vận động bà T và ông Ư chia cho ông Nguyễn Thanh S một phần đất để ở và sản xuất nông nghiệp, do hoàn cảnh gia đình ông S khó khăn, không có chỗ ở và đất sản xuất nên vợ chồng bà T đã đồng ý cho ông S 02 công đất và một phần đất biền ven sông, phần đất biền ven sông có nhiều cây tạp, ao, ông S đã tự khai phá sử dụng và có tổng diện tích như hiện nay ông S đang sử dụng. Khi Nhà nước vận động cho đất cho ông S thì có nói khi nào Nhà nước lo chỗ ở cho ông S xong thì trả lại đất cho bà T, nhưng ông S sử dụng đến nay. Khi cho đất không có làm giấy tờ.
Vào năm 1984 Ủy ban nhân dân xã V, thành phố B có thành lập Tập đoàn sản xuất 31. Tập đoàn đã khoán cho gia đình ông S thêm 04 công đất ruộng để sản xuất, đất này là của bà T. Đến năm 1988 thì Tập đoàn này giải thể, Tập đoàn đã giao lại đất cho ông S, ông S có trả lại cho bà T 02 công đất, không trả hết 04 công đã giao ban đầu. Bà T đã yêu cầu ông S trả lại nhiều lần nhưng ông S không trả, gia đình bà T tự lấy lại thêm 02 công để sử dụng. Ông S yêu cầu phải trả tiền làm cỏ đắp bờ, gia đình bà T đã trả cho ông S 05 ngày tiền công, cụ thể bao nhiêu tiền thì không nhớ.
Phần đất bà Lâm Thị T cho ông Nguyễn Thanh S trước đó tại thửa 1124, 12, 13 thì ông S vẫn tiếp tục sử dụng. Đến năm 2012 do gia đình bà Huỳnh Thị N1 không có đường vận chuyển tôm ra sông nên xin ông S một lối đi ngang 05m nhưng ông S không cho, gia đình bà N1 đã tự lấy sử dụng làm lối đi một phần đất có chiều ngang khoảng 03m. Sau đó, gia đình bà N1 không có chỗ để kéo điện nên đã xây dựng một chòi nhỏ trên lối đi đã lấy của ông S, nên không còn lối đi ra sông. Sau đó, bà N1 yêu cầu ông S cho thêm một lối đi ra sông 05 nữa nhưng ông S không đồng ý. Do đó, anh chị em bà N1 khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông S trả lại toàn bộ diện tích đất mà bà T đã cho trước đây là 5.114,70m2, đất tại ấp G, xã Vĩnh T, thành phố B, tỉnh Bạc Liêu.
Tại phiên tòa sơ thẩm bà Huỳnh Thị N1 chỉ yêu cầu ông Nguyễn Thanh S giao trả quyền sử dụng đất diện tích 3.765,1m2.
Bị đơn ông Nguyễn Thanh S trình bày: Vào năm 1978 ông S là thương binh, hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có chỗ ở và đất sản xuất. Ủy ban nhân dân xã V, thành phố B, tỉnh Bạc Liêu vận động vợ chồng bà Lâm Thị T nhường cơm sẽ áo, trang trải đất đai cho những người không có đất. Vợ chồng bà T đã đồng ý cho ông S 05 công ruộng và một phần đất bãi bồi ven sông để ông S dựng nhà ở. Vào năm 1984 Ủy ban nhân dân xã V, thành phố B có thành lập Tập đoàn sản xuất 31. Tập đoàn đã khoán cho gia đình ông S thêm 04 công đất ruộng để sản xuất, đất này là của vợ chồng bà T. Đến năm 1988 thì Tập đoàn này giải thể, Tập đoàn đã giao lại đất cho ông S, ông S đã trả lại 04 công đất cho vợ chồng bà T. Cũng trong thời gian này bà T yêu cầu ông S trả thêm cho bà T tiền hoa lợi đối với số đất trước đây bà T đã cho theo dạng nhường cơm sẽ áo. Ủy ban nhân dân xã V có đứng ra hòa giải giữa ông S và bà T, ông S đồng ý trả cho bà T thêm một công đất ruộng, ông S còn sử dụng 04 công ruộng và phần đất bãi bồi ven sông. Đối với phần đất bãi bồi ven sông, gia đình ông S đã khai phá, bồi đắp thêm dần dần trong quá trình sử dụng.
Ngày 06/5/1991, ông S đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất nêu trên tại các thửa 12 diện tích 500m2 đất ở và 1.350m2 đất vườn tạp, thửa số 13 diện tích 1.300m2 đất trồng lúa, thửa 1124 diện tích 1.700m2 trồng lúa. Vào năm 2012 bà Huỳnh Thị N1 đã tự ý chiếm của ông S một phần đất ngang 03m và dài hết thửa đất 55,65m = 166,95m2. Ông S cũng chấp nhận cho bà N1 sử dụng phần này.
Hiện nay qua đo đạc thực tế ông S đang sử dụng tổng cộng diện tích 3.765,1m2. Nguồn gốc diện tích đất đang tranh chấp là của bà Lâm Thị T, nhưng bà T đã đồng ý cho ông S theo dạng nhường cơm sẽ áo, trang trải đất đai vào năm 1978. Ông S đã sử dụng ổn định đến nay và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, ông S không đồng ý trả lại đất theo yêu cầu của bà N1.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ủy ban nhân dân thành phố B, bà Trịnh Thị U, ông Nguyễn Thanh Còn vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án, nên không có lời trình bày.
Từ nội dung trên Bản án dân sự sơ thẩm số 51/2017/DS-ST ngày 28/9/2017 của Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh Bạc Liêu quyết định:
Áp dụng khoản 9 Điều 25; khoản 1 Điều 33; khoản 1 Điều 35; Điều 34; điểm b khoản 2 Điều 227; khoản 1 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm c khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự; Điều 256 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 203 Luật đất đai; Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Điều 27 Pháp lệnh số 10/2009/PL-UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án; Điều 17 Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Huỳnh Thị N1, ông Huỳnh Văn M, bà Huỳnh Thị M1, ông Huỳnh M1, bà Huỳnh Thị Q, bà Huỳnh Thị M2, bà Huỳnh Thị N2, ông Huỳnh M2, bà Huỳnh Thị S đối với ông Nguyễn Thanh S về việc yêu cầu ông Nguyễn Thanh S giao trả quyền sử dụng đất diện tích 3.765,1m2 tại ấp G, xã V, thành phố B, tỉnh Bạc Liêu.
- Hủy một phần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A 158773 ngày 06/5/1991, Ủy ban nhân dân thị xã B (nay là thành phố B) cấp cho bà Lâm Thị T đối với thửa 1124, tờ bản đồ số 05.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản tranh chấp, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 02/10/2017, nguyên đơn bà Huỳnh Thị N1 có đơn kháng cáo với nội dung: Bà N1 yêu cầu xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án và hủy bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh Bạc Liêu.
Tại phiên tòa, nguyên đơn bà Huỳnh Thị N1 thay đổi yêu cầu kháng cáo với nội dung sửa toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà.
Ý kiến phát biểu của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Huỳnh Thị N1: Tòa án cấp sơ thẩm không xác minh rõ việc mâu thuẫn về nguồn gốc đất, thời hạn sử dụng đất là không đúng. Tòa án chỉ căn cứ công văn của Ủy ban xã là không chính xác. Cấp sơ thẩm thụ lý khởi kiện bổ sung, nhưng không xem xét đến là không đúng theo quy định của pháp luật. Ủy ban cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông S là cấp đại trà không đo đạc thực tế hơn nữa đất trên là của bà T cho ông S mượn chứ không phải của ông S. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự hủy bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố B.
Ý kiến phát biểu của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Thanh S: Cấp sơ thẩm xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của đồng nguyên đơn là phù hợp với quy định của pháp luật. Vì đất này ông S đã sử dụng liên tục công khai không tranh chấp. Ông S không lấn chiếm đất như bà N1 trình bày. Ông S được nhà nước giao đất trước năm 1993 theo chính sách trang trải ruộng đất nên bà N1 không có quyền đòi. Đất tranh chấp tại thửa 1124 cấp cho bà T là do cấp trùng thửa. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Huỳnh Thị N1; giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.
Ý kiến đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu tại phiên tòa phúc thẩm:
- Về thủ tục tố tụng: Thông qua kiểm sát việc giải quyết vụ án từ khi thụ lý vụ án đến thời điểm này thấy rằng Thẩm phán đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án. Quá trình giải quyết Tòa án tống đạt các văn bản tố tụng cho đương sự và Viện kiểm sát đúng theo quy định. Tại phiên tòa hôm nay, Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về phiên tòa phúc thẩm.
- Về nội dung: Nguồn gốc đất tranh chấp là của bà Lâm Thị T, nhưng bà T đã cho ông S theo chính sách nhường cơm sẻ áo vào năm 1978 và ông S đã sử dụng ổn định đến nay. Năm 1991, ông S được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các thửa 12, 13 và thửa 1124 với tổng diện tích 4.850m2, đồng thời bà T cũng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa 1124. Theo Công văn số 516 của Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố B xác định việc cấp giấy cho bà T là cấp trùng thửa. Tại thời điểm cấp giấy và sau thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thửa 1124 do ông S là người trực tiếp quản lý, sử dụng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà T đối với thửa 1124 là không đúng quy định. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ.
Tuy nhiên, theo đơn khởi kiện bổ sung của đồng nguyên đơn đòi ông S phải trả diện tích đất tranh chấp là 5.114,7m2, nhưng sau đó rút một phần yêu cầu khởi kiện chỉ yêu cầu đòi 3.765,1m2, nhưng phần tuyên án lại tuyên thiếu phần đình chỉ đối với việc rút một phần yêu cầu khởi kiện. Xét thấy, việc tuyên thiếu này là vi phạm tố tụng, nhưng không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên và các đương sự cũng không khiếu nại đối với nội dung này nên chỉ cần rút kinh nghiệm đối với cấp sơ thẩm.
Vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 51/2017/DS-ST ngày 28/9/2017 của Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh Bạc Liêu.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu toàn bộ các tài liệu chứng cứ có lưu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa. Sau khi nghe ý kiến trình bày của các đương sự, phát biểu của người bảo vệ quyền và lợi ích cho bà N1, ông S và đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Theo xác định của đồng nguyên đơn thì nguồn gốc đất tranh chấp là của ông Huỳnh Ư và bà Lâm Thị T. Đối với đất đang tranh chấp (thửa 1124, 12, 13 tờ bản đồ số 5) vào năm 1982 Ủy ban nhân dân xã V, thành phố B, tỉnh Bạc Liêu có vận động bà T và ông Ư chia cho ông Nguyễn Thanh S một phần đất để ở và sản xuất nông nghiệp, do hoàn cảnh gia đình ông S khó khăn, không có chỗ ở và đất sản xuất. Do đó, vợ chồng bà T đã đồng ý giao cho ông S 02 công đất và một phần đất biền ven sông, phần đất biền ven sông có nhiều cây tạp, ao, ông S đã tự khai phá sử dụng và có tổng diện tích như hiện nay ông S đang sử dụng, qua đo đạc thực tế là 3.765,10m2. Bị đơn ông Nguyễn Thanh S xác định: Thống nhất nguồn gốc đất tranh chấp là của bà Lâm Thị T, nhưng bà T đã đồng ý cho Nhà nước trang trải ruộng đất cho ông theo chính sách nhường cơm sẽ áo vào năm 1978. Ông S đã sử dụng ổn định đến nay và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, ông S không đồng ý trả lại đất theo yêu cầu của bà N1.
[2] Xét kháng cáo của nguyên đơn bà Huỳnh Thị N1, Hội đồng xét xử thấy rằng: Nguồn gốc đất tranh chấp giữa bà Huỳnh Thị N1 và ông Nguyễn Thanh S là của bà Lâm Thị T. Đây là tình tiết, sự kiện không cần phải chứng minh theo quy định tại khoản 1 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[3] Theo bà N1 trình bày khi Nhà nước vận động cho đất cho ông S có nói khi nào Nhà nước lo chỗ ở cho ông S xong thì trả lại đất cho bà T. Tuy nhiên, bà N1 không chứng minh được việc Nhà nước có hứa sẽ trả đất cho gia đình bà. Theo Ủy ban nhân dân xã V, thành phố B, tỉnh Bạc Liêu (bút lục 206) và ông S xác định phần đất gia đình ông Nguyễn Thanh S sử dụng là đất trang trải theo chính sách nhường cơm sẻ áo từ năm 1982 và ông S sử dụng ổn định cho đến nay, như vậy việc thay đổi người sử dụng đất từ gia đình bà N1 sang ông S sử dụng là do chính sách trang trải ruộng đất của Nhà nước chứ không phải gia đình bà N1 cho ông S.
Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 4 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 quy định: Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất và không xem xét giải quyết khiếu nại về việc đòi lại đất mà Nhà nước đã giao cho người khác sử dụng theo chính sách ruộng đất trước ngày 15/10/1993 trong trường hợp đất đã chia cho người khác khi hưởng ứng cuộc vận động san sẻ bớt một phần ruộng đất để chia cho người không có ruộng tại miền Nam sau ngày giải phóng, đồng thời tại khoản 5 Điều 26 Luật Đất đai quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Như vậy, có cơ sở xác định đất của bà T đã được Nhà nước trang trải cho ông S theo chính sách nhường cơm sẻ áo. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các đồng nguyên đơn là có căn cứ.
[4] Phần đất tranh chấp ông S đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các thửa 12, 13, 1124 tờ bản đồ số 5 vào ngày 06/5/1991. Tuy nhiên, đối với thửa 1124 tờ bản đồ số 5 ông S và bà T đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng ngày 06/5/1991. Xét thấy, tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa 1124 thì ông S là người trực tiếp quản lý, sử dụng đất, nên việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên cho bà T là không đúng quy định pháp luật. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên hủy bỏ một phần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Lâm Thị T đối với thửa 1124 ngày 06/5/1991 là có căn cứ.
[5] Tại đơn khởi kiện bổ sung của bà Huỳnh Thị N1, ông Huỳnh Văn M, bà Huỳnh Thị M1, ông Huỳnh M1, bà Huỳnh Thị Q, bà Huỳnh Thị M2, bà Huỳnh Thị N2, ông Huỳnh M2, bà Huỳnh Thị S ngày 10/9/2017 (bút lục 259 - 260) yêu cầu ông Nguyễn Thanh S giao trả quyền sử dụng đất diện tích 5.114,70m2 tại ấp G, xã V, thành phố B, tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm bà Huỳnh Thị N1 chỉ yêu cầu ông Nguyễn Thanh S giao trả quyền sử dụng đất diện tích 3.765,1m2, sau khi xét xử sơ thẩm bà N1 kháng cáo toàn bộ bản án và tại phiên tòa phúc thẩm bà N1 xác định bà kháng cáo yêu cầu chấp nhận khởi kiện của bà và bà không rút phần khởi kiện bổ sung. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm thể hiện rõ ý chí của bà là rút yêu cầu khởi kiện bổ sung vì do bà nhầm lẫn, lẽ ra cấp sơ thẩm phải đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của bà, nhưng xét thấy thiếu sót này không ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự nên cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.
[6] Tại đơn yêu cầu phản tố của ông S ngày 30/3/2016 (bút lục 168) yêu cầu bà Huỳnh Thị N1 bồi thường cho ông số tiền 75.000.000 đồng số tiền bình quân trong 03 (ba) năm ông canh tác nuôi tôm trên phần đất tranh chấp, mà bà N1 ngăn cản không cho ông canh tác. Tại biên bản lấy lời khai của ông Nguyễn Thanh S ngày 23/5/2017 (bút lục 177), ông S xác định ông không yêu cầu phản tố đối với bà N1, ông chỉ không đồng ý trả đất lại cho bà N1, ngoài ra ông S không có yêu cầu gì khác. Như vậy, Tòa cấp sơ thẩm không ra thông báo thụ lý đối với yêu cầu phản tố là thiếu sót. Tuy nhiên, do ông S đã rút yêu cầu phản tố nên không ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự trong vụ án nên cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm đối với trường hợp trong vụ án có yêu cầu phản tố theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[7] Đối với nội dung trình bày của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Huỳnh Thị N1 đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm, thấy rằng: Nguồn gốc đất tranh chấp giữa bà N1 và ông S được các bên thừa nhận là đất của vợ chồng bà Lâm Thị T và vợ chồng bà T cho ông S từ năm 1978 theo chính sách trang trải ruộng đất đây là tình tiết sự kiện được các bên thừa nhận nên không có mâu thuẫn về nguồn gốc đất và thời gian sử dụng đất như Luật sư trình bày. Việc Ủy ban cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông S là đúng trình tự thủ tục theo quy định vì tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ông S là người trực tiếp quản lý và sử dụng diện tích đất tại thửa 1124. Do đó, không có căn cứ chấp nhận đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà N1.
[8] Từ những phân tích nêu trên, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn bà Huỳnh Thị N1 và đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Huỳnh Thị N1. Có căn cứ chấp nhận ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông S và đề xuất của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 51/2017/DS-ST ngày 28/9/2017 của Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh Bạc Liêu.
[9] Án phí dân sự phúc thẩm bà Huỳnh Thị N1 phải chịu theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự;
Áp dụng Điều 256 Bộ luật Dân sự năm 2005; khoản 5 Điều 26, Điều 203 Luật Đất đai; Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Không chấp nhận kháng cáo của bà Huỳnh Thị N1, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 51/2017/DS-ST ngày 28/9/2017 của Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh Bạc Liêu.
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Huỳnh Thị N1, ông Huỳnh Văn M, bà Huỳnh Thị M1, ông Huỳnh M1, bà Huỳnh Thị Q, bà Huỳnh Thị M2, bà Huỳnh Thị N2, ông Huỳnh M2, bà Huỳnh Thị S đối với ông Nguyễn Thanh S về việc yêu cầu ông Nguyễn Thanh S giao trả quyền sử dụng đất diện tích 3.765,1m2 tại ấp G, xã V, thành phố B, tỉnh Bạc Liêu.
2. Hủy một phần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A 158773 ngày 06/5/1991 do Ủy ban nhân dân thị xã B (nay là thành phố B) cấp cho bà Lâm Thị T đối với thửa 1124 tờ bản đồ số 5.
3. Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản tranh chấp: Chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản tranh chấp là 5.100.000 đồng các đồng nguyên đơn phải chịu. Bà Huỳnh Thị N1 đã nộp số tiền 6.000.000 đồng, đã chi hết 5.100.000 đồng, bà N1 đã được hoàn lại 900.000 đồng.
4. Về án phí:
- Án phí dân sự sơ thẩm: Bà Huỳnh Thị N1, ông Huỳnh Văn M, bà Huỳnh Thị M1, ông Huỳnh M1, bà Huỳnh Thị Q, bà Huỳnh Thị M2, bà Huỳnh Thị N2, ông Huỳnh M2, bà Huỳnh Thị S chịu 200.000 đồng.
Bà Huỳnh Thị N1 đã nộp tạm ứng án phí số tiền 1.580.000 đồng theo lai thu số 006115 ngày 05/01/2016 và số tiền 300.000 đồng theo lai thu số 0007655 ngày 11/9/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố B, được đối trừ án phí và bà N1 được nhận lại số tiền 1.680.000 đồng.
- Án phí dân sự phúc thẩm: Bà Huỳnh Thị N1 phải chịu 300.000 đồng. Bà N1 đã nộp tạm ứng số tiền 300.000 đồng theo biên lai thu số 0007691 ngày 05/10/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố B, tỉnh Bạc Liêu được chuyển thu án phí.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án
Bản án 21/2018/DS-PT ngày 30/01/2018 về tranh chấp đòi quyền sử dụng đất
Số hiệu: | 21/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bạc Liêu |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 30/01/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về