TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 209/2019/DSPT NGÀY 18/11/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HẠT GIỐNG
Ngày 18 tháng 11 năm 2019, tại Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 33/2019/DS-PT ngày 22/01/2019, về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hạt giống”. Do bản án dân sự sơ thẩm số 15/2018/DSST ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện Ea Sup, tỉnh Đắk Lắk bị kháng cáo và kháng nghị.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 165/2019/QĐ-PT ngày 10 tháng 10 năm 2019, Quyết định hoãn phiên tòa số 184/2019/QĐ- PT ngày 30/10/2019 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn:
- Bà Đặng Thị G, sinh năm: 1964; Địa chỉ: Thôn A, thị trấn E, huyện S, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt (có đơn xin xét xử vắng mặt).
- Ông Huỳnh Thanh D; Địa chỉ: Thôn A, thị trấn E, huyện S, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.
- Ông Trương Thái H; Địa chỉ: Thôn X, xã C, huyện S, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.
- Bà Văn Thị B; Địa chỉ: Thôn V, xã C, huyện S, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.
2. Bị đơn: Ông Đỗ Đức N và bà Nguyễn Bính T; Cùng địa chỉ: Thôn P, thị trấn E, huyện S, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Ông Trần Quang V; Địa chỉ: Số 47 L, thị trấn E, huyện S, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.
- Bà Nguyễn Thị T1; Địa chỉ: Quầy sạp M, khu chợ C, Chợ trung tâm thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.
4. Người làm chứng:
- Chị Nguyễn Thị T, sinh năm 1981; Địa chỉ: Thôn F, xã K, huyện S, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.
- Ông Đặng Văn P, sinh năm 1971; Địa chỉ: Thôn A, thị trấn E, huyện S, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.
- Bà Lê Thị T; Địa chỉ: Thôn A, thị trấn E, huyện S, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.
- Bà Cao Thị T; Địa chỉ: Thôn N, xã K, huyện S, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.
- Bà Phạm Thị T; Địa chỉ: Thôn A, thị trấn E, huyện S, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.
- Chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1983; Địa chỉ: Thôn J, xã Z, huyện S, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.
- Ông Vũ Ngọc S, Địa chỉ: Thôn X, xã C, huyện S, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.
- Bà Trương Thị H1, Địa chỉ: Thôn X, xã C, huyện S, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.
- Bà Nguyễn Thị S, Địa chỉ: Thôn X, xã C, huyện S, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt
- Anh Bùi Quang T1; Địa chỉ: Thôn A, thị trấn E, huyện S, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt
- Bà Đặng Thị D; Địa chỉ: Thôn A, thị trấn E, huyện S, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.
- Bà Ngô Thị V1; Địa chỉ: Thôn A, thị trấn E, huyện S, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt
Ông Hứa Xuân H2; Địa chỉ: Thôn A, trị trấn E, huyện S, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.
Người kháng cáo: Ông Đỗ Đức N và bà Nguyễn Bích T Viện kiểm sát nhân dân huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk kháng nghị.
NỘI DUNG VỤ ÁN
1. Nguyên đơn trình bày:
1.1 Theo đơn khởi kiện ngày 25/12/2016, bản tự khai và quá trình tố tụng tại Tòa án nguyên đơn bà Đặng Thị G trình bày:
Vào ngày 15/7/2016 bà G có mua hạt giống củ đậu của ông Đỗ Đức N và bà Nguyễn Bích T, số lượng 30kg với giá 430.000đ/1kg thành tiền là 17.000.000đ. Khi mua thì hai bên có cam kết với bà G là bán giống 03 tháng, giống đảm bảo chất lượng tức là từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch là 03 tháng, nếu sai thì ông N phải chịu trách nhiệm (Thỏa thuận bằng miệng). Tuy nhiên sau khi trồng sau thời gian 03 tháng kể từ ngày trồng thì cây không thu hoạch được, củ đậu không đạt chất lượng (Củ đậu nhỏ nặng từ 10 đến 100g, da sần sùi, hình chóp, thịt củ đậu bị chai sượng) như ông N đã cam kết lúc bán giống. Sau đó bà G có liên hệ với ông N thì ông N nói mua giống từ ông Trần Quang V, sau đó ông N cùng chúng bà G đã đi kiểm tra thực tế tại vườn trồng củ đậu của bà G thì thấy cây củ đậu phát triển bình thường, nhưng không có củ mặc dù đã được trồng thời gian 3 tháng. Ngày 23/9/2016, tại biên bản họp tại nhà ông V, sau khi ông N đi kiểm tra ruộng củ đậu của bà G về thì ông N cũng thừa nhận đây là giống 06 tháng. Ngày 23/9/2016 ông N có lập 01 giấy biên nhận về việc cung cấp hạt giống củ đậu cho bà G.
Do cây củ đậu không cho thu hoạch được, củ không đạt chất lượng phải nhổ bỏ hoàn toàn nên bà G đã làm đơn yêu cầu Ủy ban nhân dân thị trấn E can thiệt giải quyết buộc ông N bồi thường thiệt hại cho bà G nhưng các bên không thỏa thuận được.
Vì vậy, bà G khởi yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông N phải bồi thường toàn bộ chi phí do bán giống củ đậu không đảm bảo chất lượng làm thiệt hại kinh tế cho bà G với tổng số tiền 171.301.000đ, bao gồm các khoản sau: Tiền thuê đất 1,5 ha: 10.000.000đ; tiền hạt giống 17.000.000đ; tiền thuê cày đất 03 đợt thành tiền 6.000.000đ; tiền mua vôi 15 bao x 40.000đ/ bao = 600.000đ; tiền phân các loại: 67 bao = 24.501.000đ; tiền thuê người làm công: 557 công 150.000đ/1 công= 83.000.000đ; tiền công phun thuốc 10 lần x 2.000.000đ/ lần = 20.000.000đ; tiền mua rơm, thuê chở và công lấy rơm: 8.900.000đ. Tại phiên tòa bà G chỉ yêu cầu ông N bà T bồi thường 70% trong tổng thiệt hại đã kê trên.
1.2 Theo đơn khởi kiện ngày 25/12/2016, bản tự khai và quá trình tố tụng tại Tòa án nguyên đơn ông Trương Thái H trình bày:
Vào tháng 5/2016 ông H có mua hạt giống củ đậu của ông Đỗ Đức N và bà Nguyễn Bích T, số lượng 15 kg với giá 500.000đ/ 1kg thành tiền là 7.500.000đ. Khi mua thì hai bên có cam kết với ông H là bán giống 03 tháng, giống đảm bảo chất lượng tức là từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch là 03 tháng, nếu sai thì ông N, bà T phải chịu trách nhiệm (thỏa thuận bằng miệng). Tuy nhiên, sau khi trồng sau thời gian 03 tháng kể từ ngày trồng thì cây không thu hoạch được, củ đậu không đạt chất lượng (Củ đậu nhỏ nặng từ 10 đến 100g, da sần sùi, hình chóp, thịt củ đậu bị chai sượng) như ông N, bà T đã cam kết lúc bán giống. Sau đó ông H có liên hệ với ông N thì ông N nói mua giống từ ông Trần Quang V, ông N cùng ông H đã đi kiểm tra thực tế tại vườn trồng củ đậu của ông H thì thấy cây củ đậu phát triển bình thường, nhưng không có củ mặc dù đã được trồng thời gian 3 tháng. Ngày 23/9/2016, tại biên bản họp tại nhà ông V thì ông N cũng thừa nhận đây là giống 06 tháng. Ngày 23/9/2016 ông N có lập 01 giấy biên nhận về việc cung cấp hạt giống củ đậu cho ông H.
Do cây củ đậu không cho thu hoạch được, củ không đạt chất lượng phải nhổ bỏ hoàn toàn nên ông H đã làm đơn yêu cầu Ủy ban nhân dân thị trấn E can thiệp giải quyết buộc ông N bồi thường thiệt hại cho ông H nhưng các bên không thỏa thuận được.
Vì vậy ông H khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông N, bà T phải bồi thường toàn bộ chi phí do bán giống củ đậu không đảm bảo chất lượng làm thiệt hại kinh tế cho ông H với tổng số tiền 66.712.000đ, bao gồm các khoản sau: Tiền thuê đất 0,6 ha: 4.000.000đ; tiền hạt giống 7.500.000đ; tiền thuê cày đất 02 đợt thành tiền 3.132.000đ; tiền mua vôi 08 bao x 40.000đ/ bao = 320.000đ; tiền phân các loại: 21 bao = 7.460.000đ; tiền thuê người làm công: 264 công x 150.000đ/1 công = 39.600.000đ; tiền công phun thuốc, tiền thuốc là 1.700.000đ; tiền mua rơm, thuê chở và công lấy rơm: 2.800.000đ. Tại phiên tòa ông H chỉ yêu cầu ông N bà T bồi thường 70% trong tổng thiệt hại đã kê trên.
1. 3 Theo đơn khởi kiện ngày 25/12/2016, bản tự khai và quá trình tố tụng tại Tòa án nguyên đơn bà Văn Thị B trình bày:
Vào ngày 25/5/2016 bà B có mua hạt giống củ đậu của ông Đỗ Đức N, số lượng 21 kg với giá 490.000đ/ 1kg thành tiền là 10.290.000đ. Khi mua thì ông N bà T có cam kết với bà B là bán giống 03 tháng, giống đảm bảo chất lượng tức là từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch là 03 tháng, nếu sai thì ông N phải chịu trách nhiệm (thỏa thuận bằng miệng). Tuy nhiên, sau khi trồng sau thời gian 03 tháng kể từ ngày trồng thì cây không thu hoạch được, củ đậu không đạt chất lượng (Củ đậu nhỏ nặng từ 10 đến 100g, da sần sùi, hình chóp, thịt củ đậu bị chai sượng) như ông N đã cam kết lúc bán giống. Sau đó bà B có liên hệ với ông N thì ông N nói mua giống từ ông Trần Quang V, sau đó ông N cùng bà B đã đi kiểm tra thực tế tại vườn trồng củ đậu của bà B thì thấy cây củ đậu phát triển bình thường, nhưng không có củ mặc dù đã được trồng thời gian 3 tháng. Ngày 23/9/2016, tại biên bản họp tại nhà ông V thì ông N cũng thừa nhận đây là giống 06 tháng. Ngày 23/9/2016 ông N có lập 01 giấy biên nhận về việc cung cấp hạt giống củ đậu cho bà B.
Do cây củ đậu không thu hoạch được, củ không đạt chất lượng phải nhổ bỏ hoàn toàn nên bà B đã làm đơn yêu cầu Ủy ban nhân dân thị trấn E can thiệp giải quyết buộc ông N bồi thường thiệt hại cho bà B nhưng các bên không thỏa thuận được.
Vì vậy, nay bà B yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông N, bà T phải bồi thường toàn bộ chi phí do bán giống củ đậu không dảm bảo chất lượng làm thiệt hại kinh tế cho bà B với tổng số tiền 62.370.000đ, bao gồm các khoản sau: Tiền thuê đất: 3.000.000đ; tiền hạt giống 12.270.000đ; tiền thuê cày đất 02 đợt thành tiền 2.000.000đ; tiền phân các loại: 09 bao =4.500.000đ; tiền thuê người làm công trồng và lên luống: 35 công x 160.000đ/1 công = 5.600.000đ; tiền công phun thuốc, tiền thuốc là 2.000.000đ; tiền mua rơm, thuê chở và công lấy rơm: 3.000.000đ; Tiền thuê người làm công, cắt đọt: 188 công x 160.000đ/công = 30.000.000đ.
1.4 Theo đơn khởi kiện ngày 25/12/2016, bản tự khai và quá trình tố tụng tại Tòa án nguyên đơn ông Huỳnh Thanh D trình bày:
Vào ngày 06/7/2016 ông D có mua hạt giống củ đậu (sắn) của vợ chồng ông Đỗ Đức N và bà Nguyễn Bích T, số lượng 21 kg với giá 514.000đ/ 1kg thành tiền là 10.800.000đ. Khi mua thì ông N bà T bên có cam kết với ông D là bán giống 03 tháng, giống đảm bảo chất lượng tức là từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch là 03 tháng, nếu sai thì ông N phải chịu trách nhiệm (Thỏa thuận bằng miệng). Tuy nhiên sau khi trồng sau thời gian 03 tháng kể từ ngày trồng thì cây không thu hoạch được, củ đậu không đạt chất lượng (Củ đậu nhỏ nặng từ 10 đến 100g, da sần sùi, hình chóp, thịt củ đậu bị chai sượng) như ông N đã cam kết lúc bán giống. Sau đó ông D có liên hệ với ông N thì ông N nói mua giống từ ông Trần Quang V, sau đó ông N cùng ông D đã đi kiểm tra thực tế tại vườn trồng củ đậu của ông D thì thấy cây củ đậu phát triển bình thường, nhưng không có củ mặc dù đã được trồng thời gian 3 tháng, Ngày 23/9/2016, tại biên bản họp tại nhà ông V thì ông N cũng thừa nhận đây là giống 06 tháng. Ngày 23/9/2016 ông N có lập 01 giấy biên nhận về việc cung cấp hạt giống củ đậu cho ông D.
Do cây củ đậu không thu hoạch, củ không đạt chất lượng phải nhổ bỏ hoàn toàn nên ông D đã làm đơn yêu cầu Ủy ban nhân dân thị trấn E can thiệp giải quyết buộc ông N bồi thường thiệt hại cho ông D nhưng các bên không thỏa thuận được.
Vì vậy, ông D khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông N, bà T phải bồi thường toàn bộ chi phí do bán giống củ đậu không dảm bảo chất lượng làm thiệt hại kinh tế cho ông D với tổng số tiền 90.120.000đ, bao gồm các khoản sau: Tiền thuê đất 0,8 ha: 4.200.000đ; tiền hạt giống 10.800.000đ; tiền thuê cày đất 02 đợt thành tiền 2.800.000đ; tiền mua vôi 08 bao x 40.000đ/ bao = 320.000đ; tiền phân các loại: 34 bao =11.350.000đ; tiền thuê người làm công: 325 công x 150.000đ/1 công = 48.750.000đ; tiền công phun thuốc, tiền thuốc là 9.000.000đ; tiền mua rơm, thuê chở và công lấy rơm: 3.100.000đ. Tại phiên tòa ông D chỉ yêu cầu ông N bà T bồi thường 80% trong tổng thiệt hại đã kê trên.
2 Bị đơn trình bày:
2.1 Tại bản tự khai, biên bản lấy lời khai và quá trình tố tụng tại Tòa án bị đơn ông Đỗ Đức N trình bày:
Vợ chồng ông N và bà T thừa nhận có bán hạt giống củ đậu cho ông D, bà G, bà B và ông H về số lượng, giá tiền như lời trình bày của các hộ dân trên là đúng, khi bán hai bên chỉ thỏa thuận bằng miệng là hạt giống củ sắn 03 tháng trồng mùa mưa đảm bảo chất lượng. Nguồn gốc giống là ông N mua của ông Trần Quang V sau đó về bán lại cho ông D, bà G, ông H và bà B. Sau khi phát hiện củ đậu đã trồng được 03 tháng nhưng không cho thu hoạch được thì các hộ dân có báo cho vợ chồng ông N biết và ông N đã báo lại cho ông V biết sự việc trên và ông V đã ủy quyền cho ông N xuống nơi trồng củ đậu để xem xét thực tế. Ngày 23/9/2016, tại biên bản họp tại nhà ông V, sau khi ông N đi kiểm tra ruộng củ đậu của các hộ dân về thì ông N cũng thừa nhận đây là giống 06 tháng. Ngày 23/9/2016 ông N có lập 01 giấy biên nhận về việc cung cấp hạt giống củ đậu cho bà B, bà G, ông D, ông H.
Ông N cam đoan loại hạt giống củ đậu đã bán cho ông D, bà G, bà B và ông H là hạt giống củ đậu loại 03 tháng, hạt giống đảm bảo chất lượng, việc ông D, ông H, bà G và bà B trồng củ đậu hơn 03 tháng mà không cho thu hoạch, củ đậu không đảm bảo chất lượng là lỗi thuộc về các hộ dân trên do gieo trồng không đúng thời vụ, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ông N cam kết sẽ chứng minh được việc các hộ dân trồng củ đậu mà không cho thu hoạch và củ đậu không đảm bảo chất lượng là lỗi thuộc về các hộ dân.
Việc ông D, ông H, bà G, bà B yêu cầu bồi thường thiệt hại thì ông N không đồng ý bồi thường. Vì ông N bán hạt giống củ đậu cho các hộ dân đúng như cam kết giữa hai bên, việc củ đậu không đảm bảo chất lượng là do lỗi của về quy trình gieo trồng chăm sóc, cũng như trồng không đúng thời vụ củ đậu. Ông N và bà T không có lỗi nên vợ chồng ông không đồng ý bồi thường. Yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật, bên nào sai thì bên đó chịu trách nhiệm.
2.2 Quá trình tố tụng tại Tòa án bị đơn bà Nguyễn Bí ch T trình bày:
Bà T đồng ý như lời trình bày, ý kiến của ông N. Bà không thay đổi hay bổ sung thêm gì. Việc ông D, bà B, bà G và ông H yêu cầu bồi thường thiệt hại thì vợ chồng bà không đồng ý bồi thường. Vì vợ chồng bà bán hạt giống củ đậu cho các hộ dân đúng như cam kết giữa hai bên, việc củ đậu không đảm bảo chất lượng là do lỗi của về quy trình gieo trồng chăm sóc, cũng như trồng không đúng thời vụ củ đậu. Vợ chồng bà không có lỗi nên vợ chồng bà không đồng ý bồi thường. Yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật, bên nào sai thì bên đó chịu trách nhiệm.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:
3.1 Quá trình tố tụng tại Tòa án ông Trần Quang V trình bày: Ông V thừa nhận là ông V có bán hạt giống củ đậu cho ông Đỗ Đức N theo yêu cầu đặt hàng của ông N, ông N đặt hàng cho ông V mua loại giống củ đậu 03 tháng, hạt giống rời không bao bì nhãn hiệu gì, với số lượng 200kg, sau khi ông N đặt hàng thì ông V đã gom hạt giống củ đậu theo yêu cầu của ông N và giao đủ số lượng hạt giốn g 200kg cho ông N (Khi giao hàng hai bên có viết giấy biên nhận với nhau). Nguồn gốc giống ông V bán cho ông N là ông V đã mua của bà Nguyễn Thị T1 bán ở quầy sạp số 170 khu chợ C, chợ thành phố B, đường Y , Tp. B. Số hạt giống này ông V bán lại toàn bộ cho ông N, sau đó ông N bán lại cho các hộ dân. Sau khi gieo trồng không đạt năng suất, ông N và các hộ dân có đến nhà ông V, là ông V bán giống củ đậu không phải hạt giống 03 tháng, củ không đảm bảo chất lượng thì ông V nói ông N xuống xem xét thực tế rồi đến ngày 23/9/2016 ông V và ông N đã họp các hộ dân lại để tìm cách giải quyết.
Ông V cam đoan việc ông bán hạt giống củ đậu cho ông N là hạt giống loại 03 tháng, giống đảm bảo chất lượng theo như ông N đặt hàng. Việc ông N bán lại hạt giống cho các hộ dân thì ông V không liên quan. Các hộ dân mua lại giống của ông N trồng nhưng không thu hoạch được do nhiều yếu tố. Vì vậy, ông V đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
3.2 Quá trình tố tụng tại Tòa án bà Nguyễn Thị T1 trình bày: Bà có bán giống củ đậu cho ông Trần Quang V bán ở quầy sạp số 170 khu chợ C, chợ thành phố B, đường Y, Tp. B theo đơn đặt hàng của ông V, tôi bán giống cho ông V và nhiều người khác là giống củ đậu đạt chất lượng, và không bị phản ánh về việc trồng không năng suất. Việc ông V bán giống củ đậu cho ông N rồi ông N bán lại cho các hộ dân khác thì bà T1 không liên quan. Các hộ dân mua lại giống của ông N trồng nhưng không thu hoạch được do củ đậu không đảm bảo chất lượng là do nhiều yếu tố. Vì vậy, bà T1 đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 15/2018/DSST ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện Ea Sup, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:
- Áp dụng: Khoản 2 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 11; Điều 430; Điều 432; Điều 445; Điều 360; Điều 361; Điều 363 Bộ luật dân sự; khoản 1 Điều 47 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí lệ phí Tòa án.
Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của các đồng nguyên đơn ông Huỳnh Thanh D, ông Trương Thái H, bà Đặng Thị G và bà Văn Thị B.
- Buộc vợ chồng ông Đỗ Đức N, bà Nguyễn Bích T phải bồi thường cho ông Huỳnh Thanh D số tiền: 54.072.000đ. (Năm mươi bốn triệu không trăm bảy mươi hai ngàn đồng) - Buộc vợ chồng ông Đỗ Đức N, bà Nguyễn Bích T phải bồi thường cho ông Trương Thái H số tiền: 40.027.000đ (Bốn mươi triệu không trăm hai mươi bảy ngàn đồng).
- Buộc vợ chồng ông Đỗ Đức N, bà Nguyễn Bích T phải bồi thường cho bà Văn Thị B số tiền: 37.422.000đ (Ba mươi bảy triệu bốn trăm hai mươi hai ngàn đồng).
- Buộc vợ chồng ông Đỗ Đức N, bà Nguyễn Bích T phải bồi thường cho bà Đặng Thị G số tiền: 102.780.000đ (Một trăm lẻ hai triệu bảy trăm tám mươi ngàn đồng).
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán, về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 29/11/2018, bị đơn ông Đỗ Đức N, bà Nguyễn Thị T kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Ngày 17/12/2018, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk kháng bản án sơ thẩm đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên nội dung đơn khởi kiện; Viện kiểm sát giữ nguyên quyết định kháng nghị.
Tại phần tranh luận ông N trình bày: Nguyên đơn mua hạt giống của tôi về trồng, do trồng không đúng thời vụ, không có kỹ thuật chăm sóc, nên cây củ đậu không cho thu hoạch, nguyên đơn kiện tôi là vô lý. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của tôi, không chấp nhận đơn khởi kiện của các nguyên đơn.
Tại phần tranh luận nguyên đơn trình bày:
Ông H trình bày: Ông N bán hạt giống cho tôi trồng khi bán cam kết là giống củ đậu ba tháng, khi chúng tôi trồng thì không phải giống củ đậu ba tháng mà là giống sáu tháng, nên cây củ đậu không cho thu hoạch làm thiệt hại cho tôi. Vì vậy tôi không chấp nhận kháng cáo của ông N và bà T. Yêu cầu ông N và bà T phải bồi thường cho tôi 70% số tiền bị thiệt hại do không thu hoạch được củ đậu là 66.712.000 đồng.
Ông D trình bày: Quan điểm của ông D cũng giống như quan điểm của ông H đã trình bày ở trên. Ông không chấp nhận kháng cáo của ông N và bà T. Ông yêu cầu ông N và bà T phải bồi thường cho ông 80% số tiền bị thiệt hại do không thu hoạch được củ đậu là 90.120.000 đồng.
Bà B trình bày: Quan điểm của bà B cũng giống như quan điểm của ông H đã trình bày ở trên. Bà không chấp nhận kháng cáo của ông N và bà T. Bà yêu cầu ông N và bà T phải bồi thường cho bà số tiền bị thiệt hại do không thu hoạch được củ đậu là 62.370.000 đồng.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trình bày:
Ông V trình bày: Ông N có mua giống cây củ đậu của ông, khi mua ông N không yêu cầu tôi bán giống cho ông phải có bao bì, nhãn mác. Việc các hộ dân trồng cây củ đậu không cho thu hoạch không phải do lỗi của tôi. Song nếu ông N có thiện chí bồi thường, thì tôi sẽ hỗ trợ một phần chi phí hạt giống cho các hộ dân.
Bà T1 trình bày: Bà có bán hạt giống cho ông V, ông V đã bán số hạt giống này cho ông N. Khi mua ông V không yêu cầu tôi bán giống cho ông phải có bao bì, nhãn mác. Việc các hộ dân trồng cây củ đậu không cho thu hoạch không phải do lỗi của tôi. Nếu ông N có thiện chí bồi thường, thì tôi sẽ hỗ trợ một phần chi phí hạt giống cho các hộ dân.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm:
- Về việc chấp hành pháp luật tố tụng:
Quá trình thụ lý và giải quyết vụ án Thẩm phán, Hội đồng xét xử và thư ký đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án. Các đương sự đã thực hiện đúng quy định tại các Điều 70, 71, 72 và Điều 234 Bộ luật tố tụng dân sự.
- Xét đơn kháng cáo của đương sự và Quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Ea Súp:
Về hình thức: Quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Ea Súp ban hành đúng thời hạn. Đơn kháng cáo của ông N và bà T làm trong quy định, đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên kháng nghị của Viện kiểm sát và đơn kháng cáo của ông N bà T là hợp lệ.
Về nội dung:
+ Về xác định mối quan hệ tranh chấp: Tòa án xác định quan hệ tranh chấp của vụ án là: “Tranh chấp hợp đồng mua bán giống cây trồng” là chưa chính xác. Vì quan hệ mua bán giống cây trồng đã chấm dứt từ thời điểm bên mua nhận được hạt giống, bên bán nhận đủ tiền bán hạt giống. Nên cần xác định quan hệ tranh chấp của vụ án là “Tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” theo quy định tại khoản 6 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
+ Về xác định tư cách tố tụng: Tòa án đưa bà Nguyễn Thị T1 tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là không chính xác, cần xác định tư cách tố tụng của bà T1 là người làm chứng.
+ Về thu thập chứng cứ: Tòa án thu thập chưa đầy đủ, chưa khách quan, toàn diện, vi phạm Điều 97 Bộ luật tố tụng dân sự, cụ thể:
Cấp sơ thẩm chưa yêu cầu bà B cung cấp các tài liệu chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ. Tại đơn khởi kiện bà G xác định có mua của ông N 41kg hạt giống nhưng tại bản tự khai ngày 09/02/2017 bà G lại khai có mua của ông N 35kg hạt giống và mua thêm của ông Huỳnh Thanh D 6kg hạt giống để về trồng. Ông N trình bày hộ bà G mua hạt giống của ông N trồng nhưng còn thiếu nên mua lại hạt giống của hộ ông U để trồng thêm; hộ ông H ngoài mua hạt giống của ông N thì còn mua hạt giống của ông N1, Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ những nội dung nêu trên.
Cấp sơ thẩm chưa làm rõ nguyên nhân vì sao cây đậu lại phát triển hơn bình thường, đồng thời về các điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu, kỹ thuật chăm sóc các hộ đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật hay chưa và chưa xác định được chính xác yếu tố nào dẫn đến kết quả không thu hoạch được. Việc các hộ trồng trễ 1,5 tháng so với thời vụ có ảnh hưởng đến sản lượng hay không.
Việc ông N bán giống cho các hộ là do các hộ có nhu cầu và nhờ ông N lấy hạt giống về bán cho họ. Các hộ đều biết hạt giống không có bao bì nhãn mác, không có địa chỉ đơn vị cung cấp mà chỉ là hạt giống trôi nổi trên thị trường nhưng vẫn chấp nhận mua. Theo Phòng Nông nghiệp huyện S xác nhận là huyện không có kế hoạch, định hướng phát triển cây củ đậu trên địa bàn huyện nên không có tập huấn, tuyên truyền, không khuyến khích việc trồng cây củ đậu. Về quy trình trồng, chăm sóc không có cơ quan chuyên môn giám định, xác nhận các hộ có làm đúng quy trình hay không. Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có ảnh hưởng tới kết quả hay không thì không có cơ sở để kết luận. Hơn nữa cấp sơ thẩm căn cứ vào Biên bản kiểm tra ruộng trồng củ đậu ngày 16/11/2016 của Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị cơ quan để làm căn cứ xác định mức độ lỗi là không đúng, bởi lẽ: Khi tiến hành kiểm tra ruộng đậu không có sự có mặt của ông N và bà T, tại biên bản kiểm tra ruộng trồng củ đậu ngày 16/11/2016 có thể hiện: Đoàn kiểm tra chỉ quan sát bằng mắt thường thực tế tại ruộng, để khách quan và tính đúng đắn về chất lượng giống cũng như chất chất lượng củ đậu thì cần phải có có cơ quan có chức năng, thẩm quyền để kiểm tra, kiểm định về chất lượng. Vì vậy chưa có đủ cơ sở để xác định lỗi trong vụ án thuộc về ai, không đủ căn cứ để chấp nhận đơn khởi kiện của các nguyên đơn.
Xét thấy, Toà án sơ thẩm đã đánh giá, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, khách quan, xác định quan hệ tranh chấp chưa chính xác ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Vì vậy, căn cứ vào khoản 3 Điều 308 và Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đề nghị Hội đồng xét xử - Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử: Chấp nhận đơn kháng cáo của ông N và bà T. Chấp nhận Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 681/QĐKNPT-VKS-DS ngày 13/12/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Ea Súp. Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 15/2018/DS-ST ngày 29/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu thu thập được trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ kết quả tranh luận tại phiên toà, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:
Xét kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Ea Súp:
1. Về tố tụng:
- Quá trình giải quyết vụ án ông N có cung cấp File ghi âm cuộc hội thoại giữa ông N và các đồng nguyên đơn (Bút lục 75-77) có chứa đựng nội dung liên quan đến việc mua giống, chất lượng giống cây củ đậu, năng suất cây củ đậu trồng, việc thu hoạch củ đậu giữa các đồng nguyên đơn và bị đơn; File ghi âm còn thể hiện ngoài mua hạt giống của ông N, bà G còn mua thêm hạt giống của ông U, ông H mua thêm của hạt giống của ông N1 để trồng. Ngoài ra tại đơn khởi kiện bà G xác định có mua của ông N 41kg hạt giống; tại bản tự khai ngày 09/02/2017 (bút lục 41) bà G khai có mua của ông N 35kg hạt giống và mua thêm của ông D 6kg hạt giống để trồng.
Tại bút lục số 84, bà B trình bày ngoài hạt giống bà B mua của ông N thì bà B còn mua thêm hạt giống của bà G để trồng. Cấp sơ thẩm chưa làm rõ ngoài giống mua của ông N, bà B có mua giống của bà G không, số lượng hạt giống bà B mua của bà G là bao nhiêu, diện tích đất bà B trồng hạt giống mua của bà G bao nhiêu trong tổng diện tích đất bà B trồng củ đậu, để xác định thiệt hại bà B yêu cầu ông N bồi thường trên cơ sở số lượng giống thực tế được trồng trên diện tích cây củ đậu bà B yêu cầu ông N bồi thường.
Các nội dung nêu trên, cấp sơ thẩm chưa làm rõ, cấp sơ thẩm không triệu tập ông U và ông N1 đến Tòa án làm việc, đối chất giữa các đương sự để làm rõ sự việc, xác định sự thật khách quan của vụ án liên quan yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn; chưa đối chất giữa các đương sự về chi phí đầu tư, chăm sóc cây củ đậu, giá trị thiệt hại về tài sản mà nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải bồi thường là vi phạm Điều 97; Điều 99; Điều 100 BLTTDS.
- Phần thủ tục bắt đầu phiên tòa Hội đồng xét xử chưa giải thích cho đương sự về việc Tòa án sẽ công bố bản án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án, theo quy định của Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP, ngày 16/3/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là thiếu sót. Phần tranh tụng tại phiên tòa hội đồng xét xử không điều khiển để các đương sự trình bày về yêu cầu, chứng cứ, quan điểm về việc giải quyết vụ án, theo quy định tại Điều 248 Bộ luật tố tụng dân sự; không gửi văn bản tố tụng và bản án cho các đương sự là vi phạm Điều 269 BLTTDS.
2. Về nội dung:
Đồng nguyên đơn khởi kiện yêu cầu ông N và bà T bồi thường thiệt hại về tài sản do bán hạt giống không đảm bảo chất lượng. Cấp sơ thẩm chưa xác định được nguyên nhân cây đậu phát triển không bình thường, không cho thu hoạch ngoài nguyên nhân do nguyên đơn trình bày là do giống củ đậu bị đơn bán cho nguyên đơn không đảm bảo chất lượng, còn có nguyên nhân khác không. Tại biên bản kiểm tra ruộng trồng củ đậu của phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn lập ngày 16/11/2016 có ghi: ...“Chúng tôi chỉ quan sát bằng mắt thường thực tế tại ruộng, để khách quan và tính đúng đắn về chất lượng giống, cũng như chất chất lượng củ đậu thì cần phải có có cơ quan có chức năng, thẩm quyền để kiểm tra, kiểm định về chất lượng”... Song, Cấp sơ thẩm căn cứ vào biên bản kiểm tra ruộng củ đậu nói trên để xác định mức độ lỗi; Căn cứ vào chi phí thực tế nguyên đơn đã chi phí, đầu tư trồng củ đậu theo lời khai của nguyên đơn làm căn cứ xác định thiệt hại tính bằng tiền buộc bị đơn phải bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn, mà không yêu cầu nguyên đơn cung cấp tài liệu, chứng cứ xác định thiệt hại theo định mức đầu tư cho chi phí trồng và chăm sóc cây củ đậu của Cơ quan chuyên môn là không khách quan, toàn diện làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên đương sự.
3. Về xác định tư cách tham gia tố tụng của bà T1:
Trong quá trình giải quyết vụ án ông N không có yêu cầu gì đối với trách nhiệm của bà T1 trong việc bán hạt giống liên quan đến hạt giống ông mua của ông V. Tuy nhiên, theo tài liệu có trong hồ sơ và trình bày của đương sự xác định: Bà T1 là người bán hạt giống cho ông V, ông V bán hạt giống cho ông N từ nguồn hạt giống đã mua của bà T1. Do đó bà T1 là những người liên quan đến nguồn hạt giống cũng như chất lượng hạt giống ông N đã bán cho các đồng nguyên đơn. Vì vậy, cấp sơ thẩm xác định bà T1 là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là phù hợp.
4. Về quan hệ pháp luật:
Ông N thừa nhận có bán giống củ đậu cho các hộ dân, việc mua bán không lập hợp đồng bằng văn bản mà chỉ thực hiện bằng miệng, nhưng xác định các hộ dân mua hạt giống củ đậu của ông N là hạt giống ba tháng (có biên bản họp lập ngày 23/9/2016 bút lục 42 tập 5 của hồ sơ). Các bên đã thực hiện xong quyền và nghĩa vụ của mình. Ông N đã giao giống, các đồng nguyên đơn đã thanh toán xong tiền. Phía đồng nguyên đơn cho rằng khi thực hiện việc mua bán ông N có thỏa thuận bằng miệng ông N bán giống ba tháng, giống đảm bảo chất lượng, nếu sai ông N chịu trách nhiệm. Tại biên bản lấy lời khai của ông N (bút lục 28) ông N thừa nhận số hạt giống ông đã bán cho các hộ là hạt giống 06 tháng hai bên còn thỏa thuận nếu giống 06 tháng thì phía cung cấp phải bồi thường cho người dân. Tại giấy biên nhận ngày 25/5/2016 (bút lục 13 tập 5 của hồ sơ) ông N khẳng định ông bán giống củ đậu cho các hộ là giống ba tháng, nếu sai giống 06 tháng ông hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Như vậy khi giao kết hợp đồng và quá trình thực hiện hợp đồng ông N cam kết sẽ chịu trách nhiệm với những người mua hạt giống của ông nếu giống không đúng và không đảm bảo chất lượng. Do đó, tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa các đồng nguyên đơn là tranh chấp phát sinh trong hợp đồng mua bán giống cây trồng giữa các đồng nguyên đơn và bị đơn. Cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp hợp đồng mua bán giống cây trồng là có căn cứ. Vì vậy, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Ea Sup cho rằng cấp sơ thẩm xác định sai quan hệ pháp luật tranh chấp, đây là “Tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” là không có cơ sở để chấp nhận.
5. Về việc áp dụng pháp luật: Các bên thỏa thuận việc mua bán hạt giống vào ngày 06/7/2016 khi bộ luật dân sự năm 2015 chưa có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, Bản án sơ thẩm áp dụng bộ luật dân sự năm 2015 để giải quyết vụ án là không đúng.
Nhận thấy, cấp sơ thẩm xác định bà Nguyễn Thị T1 là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, nhưng không đưa lời khai của bà T1 vào phần nội dung bản án là thiếu sót, cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.
Từ những phân tích và nhận định trên xét thấy cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, điều tra, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ mà cấp phúc thẩm không khắc phục được; áp dụng không đúng pháp luật; giải quyết vụ án chưa khách quan, toàn diện, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Do đó, cần chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đăk Lăk và chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn – Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 15/2018/DSST ngày 29/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.
[3] Về án phí:
[3.1] Về án phí dân sự sơ thẩm: Nghĩa vụ chịu án phí được xác định lại khi vụ án được giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
[3.2] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo được chấp nhận nên ông N và bà T không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
[1] Căn cứ khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự;
[1.1] Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Đỗ Đức N và bà Nguyễn Thị T.
[1.2] Chấp nhận một phần kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk;
[1.3] Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 15/2018/DSST ngày 29/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Ea Sup, tỉnh Đắk Lắk, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk xét xử vụ án theo thủ tục sơ thẩm, theo quy định của pháp luật.
[2] Về án phí:
[2.1] Về án phí dân sự sơ thẩm: Sẽ được xác định khi vụ án được giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
[2.2] Về án phí dân sự phúc thẩm: Bị đơn bà ông Đỗ Đức N và bà Nguyễn Thị T không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, được nhận lại 300.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai số AA/2017/0006556/ 14/12/2018, tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện S, tỉnh Đắk Lắk.
[3] Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 209/2019/DSPT ngày 18/11/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán hạt giống
Số hiệu: | 209/2019/DSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 18/11/2019 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về