TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 20/2024/KDTM-PT NGÀY 25/01/2024 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ
Ngày 25/01/2024, tại trụ sở Tòa án nhân dânthành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án Kinh doanh thương mại thụ lý số 275/2023/TLPT-KDTM ngày 06/12/2023 về việc “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ”.
Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 44/2023/KDTM-ST ngày 30/8/2023 của Tòa án nhân dân quận C, thành phố Hà Nội bị kháng cáo. Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 879/2023/QĐXX-PT ngày 28/12/2023 và Quyết định hoãn phiên tòa số 39/2024/QĐPT ngày 12/01/2024, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q1 Trụ sở: 28-30 B, phường B, Q1, thành phố H.
Đại diện hợp pháp theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn T – Chức vụ: Giám đốc.
Đại diện hợp pháp theo ủy quyền: Ông Đỗ Hữu P – Nhân viên Công ty Luật TNHH Công Lý T, Đoàn Luật sư Thành Phố Hà Nội. (Theo Giấy ủy quyền số 04/GUQ – DVCIQ1 ngày 03/01/2024).
Địa chỉ: Khu 1, thị trấn T1, huyện H1, Hà Nội.
Địa chỉ nhận văn bản: Phòng 412-CT3 khu chung cư Asin –Số 30 đường D, phường C, quận N, Hà Nội.
2. Bị đơn: Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Đ.
Trụ sở: Số 2, phố D, phường YH, quận C, Thành phố Hà Nội.
Người đại diện hợp pháp theo pháp luật: Ông Nguyễn Tiến H2 – Chức vụ: Tổng giám đốc.
Đại diện theo ủy quyền: Bà Lý Thị Thu H3 – Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Đ (theo Giấy ủy quyền số 08/2023/UQ ngày 26/12/2023).
Địa chỉ: Chung cư TNT K, quận H4, thành phố Hà Nội
NỘI DUNG VỤ ÁN
1. Theo đơn khởi kiện và quá trình Toà án giải quyết vụ án, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:
Ngày 28/10/2019, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q1 (MST: 03008533xx) (Sau đây gọi là “Công ty Công ích Q1”) và Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Đ (MST: 01095198xx), (Tên cũ là Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại 319, sau đây gọi là “Công ty Đ”) có ký kết Hợp đồng kinh tế V/v cung cấp và trồng cỏ, cây kiểng số 86-RC/HĐ/319IV-Q1, với giá trị hợp đồng là 849.917.640 đồng.
Nội dung chính của Hợp đồng là Bên A (là Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại 319- nay là Công ty Đ) đồng ý giao và Bên B (Công ty Công ích Q1) đồng ý nhận thực hiện việc cung cấp và trồng cây kiểng tại đường trục chính và Khu liên hợp TDTT Rạch Chiếc (Đoạn từ Ngã ba Cát Lái đến Khu A, Giai đoạn 1). Khối lượng công việc bao gồm: Cung cấp và trồng cỏ, cây kiểng; Cung cấp đất trồng cây; Phóng hố trồng cây và cung cấp cây chống; Dọn, đổ xà bần và phát cỏ dại và tưới nước bảo dưỡng 90 ngày sau khi trồng.
Ngày 18/11/2019, hai bên đã ký kết thêm Phụ lục hợp đồng số 86.1- RC/PLHĐ/ĐS-Q1, để điều chỉnh pháp nhân và các thông tin khác của bên A (Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại 319) tại Hợp đồng kinh tế V/v cung cấp và trồng cỏ, cây kiểng số 86-RC/HĐ/319IV-Q1 ngày 28/10/2029. Tại Phụ lục hợp đồng bên A (Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại 319) sẽ được điều chỉnh thành Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Đ (MST: 01095198xx), địa chỉ tại: Số 2, phố Nguyễn Thị Duệ, phường Yên Hòa, quận C, Thành phố Hà Nội và người đại diện hợp pháp theo pháp luật: Ông Nguyễn Tiến H2, chức vụ: Tổng giám đốc. Đồng thời, tại Phụ lục hợp đồng nêu trên, hai bên cùng thỏa thuận thay đổi phương thức thanh toán tại Điều 3 của Hợp đồng với nội dung thay đổi là: “Sau khi kí hợp đồng bên A tạm ứng cho bên B 30% giá trị Hợp đồng sau khi nhận được giấy đề nghị tạm ứng”.
Đến ngày 20/04/2020, hai bên tiếp tục ký kết thêm Phụ lục hợp đồng số 86.2- RC/PLHĐ/ĐS-Q1, điều chỉnh giá hợp đồng là: 872.368.640 đồng.
Theo Điều 3 của Hợp đồng, việc thanh toán chia làm 03 (Ba) đợt:
Đợt 1: 30% giá trị Hợp đồng, Công ty Đ thanh toán cho Công ty Công ích Q1 là 254.975.292 đồng;
Đợt 2: 95% giá trị Hợp đồng, Công ty Đ phải thanh toán cho Công ty Công ích Q1 là 516.179.062 đồngtrong thời gian 07 ngày kể từ ngày biên bản nghiệm thu được ký kết.
Đợt 3: 5% còn lại, Công ty Đ phải thanh toán Công ty Công ích Q1 là 40.587.041 đồng sau 90 ngày bảo dưỡng.
Căn cứ theo Hợp đồng kinh tế số 86-RC/HĐ/319IV-Q1, tổng giá trị thực hiện hợp đồng là 811.741.425 đồng. Quá trình thực hiện hợp đồng Công ty Công ích Q1 đã thực hiện trồng cây xanh theo các hạng mục đã ký kết giữa hai bên. Và đã bàn giao cho Công ty Đ. Hai bên cũng đã tiến hành nghiệm thu công trình theo Biên bản nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành ngày 25/4/2020 (bút lục 10) và đối chiếu công nợ theo Biên bản đối chiếu công nợ ngày27/4/2020 (bút lục 11). Tuy nhiên Công ty Đ đã vi phạm nghiêm trọng các điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng, cụ thể là điều khoản thanh toán (Điều 3). Công ty Đ mới chỉ tạm ứng cho Công ty Công ích Q1 được khoản tiền đợt 01 là 254.975.292 đồng theo Phụ lục hợp đồng số 86.1-RC/PLHĐ/ĐS-Q1 ngày 18/11/2019và còn nợ lại số tiền 556.766.133 đồng theo như Biên bản đối chiếu công nợ và Thư xác nhận nợ giữa hai bên (bút lục 13, 20).
Trong quá trình thực hiện hợp đồng trên đến nay, Công ty Đ vẫn chưa thanh toán cho Công ty Công ích Q1 số tiền nợ gốc là 556.766.133 đồng và tiền lãi phát sinh do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Công ty Công ích Q1 đã có đơn khởi kiện gửi tới Tòa án nhân dân Q1, thành phố H để giải quyết vụ việc trên và Tòa án nhân dân Q1 đã chuyển đơn và tài liệu khởi kiện cho Tòa án nhân dân quận C để giải quyết theo thẩm quyền.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Công ty Công ích Q1 (nguyên đơn) đề nghị Tòa án giải quyết những vấn đề sau:
1. Yêu cầu Công ty Đ thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo Hợp đồng đã ký kết với Công ty Công ích Q1 với số tiền còn lại phải thanh toán là 556.766.133 đồng.
2. Yêu cầu Công ty Đ trả tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán là 175.000.000 đồng, bao gồm tiền lãi chậm thanh toán của đợt 2 (Từ 02/5/2020 đến 30/6/2023) là 163.000.000 đồng và đợt 3 (Từ 25/7/2020 đến 30/6/2023) là 12.000.000 đồng. Với mức lãi suất: 10%/năm.
2. Tại Bản trình bày ý kiến gửi đến Tòa ngày 30/6/2023, người đại diện hợp pháp theo pháp luật của bị đơn Công ty Đ trình bày:
Theo yêu cầu Công ty Công ích Q1, buộc Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng Đ thanh toán số tiền là 556.766.133 đồng. Tuy nhiên, số tiền này không khớp với chứng từ mà Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng Đ đang có.
3. Tại phiên tòa sơ thẩm:
Nguyên đơn giữ nguyên ý kiến như đã trình bày ở trên và giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.
Bị đơn vắng mặt không có ý kiến trình bày.
Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 44/2023/KDTM-ST ngày 30/8/2023 của Tòa án nhân dân quận C, Hà Nội quyết định:
1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q1 đối với bị đơn Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng Đ.
Xác định bị đơn Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng Đ còn nợ nguyên đơn Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q1 số nợ gốc theo Hợp đồng kinh tế V/v cung cấp và trồng cỏ, cây kiểng số 86-RC/HĐ/319IV-Q1 ngày 28/10/2019 và các Phụ lục hợp đồng số 86.1-RC/PLHĐ/ĐS-Q1 ngày 18/11/2019 và các Phụ lục hợp đồng số 86.1-RC/PLHĐ/ĐS-Q1 ngày 18/11/2019 và Phụ lục hợp đồng số 86.2- RC/PLHĐ/ĐS-Q1ngày 20/04/2020 ký giữa nguyên đơn Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q1 và Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng Đ số tiền 556.766.133 đồng và tiền lãi chậm thanh toán là 175.000.000 đồng, bao gồm tiền lãi chậm thanh toán của đợt 2 (Từ 02/5/2020 đến 30/6/2023) là 163.000.000 đồng và đợt 3 (Từ 25/7/2020 đến 30/6/2023) là 12.000.000 đồng.
Tổng số tiền cả gốc và lãi là: 731.766.133 đồng.
2. Buộc bị đơn Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng Đ phải có nghĩa vụ thanh toán cho nguyên đơn Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q1 tổng số tiền cả gốc và lãi là: 731.766.133 đồng, bao gồm: Nợ gốc là 556.766.133 đồng và tiền lãi chậm thanh toán là 175.000.000 đồng.
3. Kể từ ngày 31/8/2023 cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc và lãi chậm thanh toán thì bị đơn Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng Đ còn phải tiếp tục chịu lãi theo mức lãi suất quy định tại Điều 468 BLDS 2015 tương ứng với thời gian chậm thanh toán và số tiền chậm thanh toán.
Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, quyền thi hành án và kháng cáo theo quy định của pháp luật.
4. Sau khi xét xử sơ thẩm Không đồng ý với bản án sơ thẩm, bị đơn Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng Đ có đơn kháng cáo đối với một phần Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 44/2023/KDTM-ST ngày 30/8/2023 của Tòa án nhân dân quận C về phần quyết định lãi suất chậm thanh toán, với lý do: Tại Hợp đồng kinh tế số 86- RC/HĐ/319IV-Q1 ngày 28/10/2019 các bên không có thỏa thuận về lãi suất chậm trả.
Ngoài đơn kháng cáo, người kháng cáo cung cấp tài liệu, chứng cứ là bản sao Hợp đồng số 86-RC/HĐ/319IV-Q1 ngày 28/10/2019 và các phụ lục Hợp đồng kèm theo.
5. Tại Tòa án cấp phúc thẩm:
Tại cấp phúc thẩm và tại phiên tòa hôm nay, Công ty Công ích Q1 vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và Công ty Đ giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
* Công ty Đ trình bày các nội dung kháng cáo như sau:
Công ty Đ xác nhận ngày 28/10/2019 có ký kết Hợp đồng kinh tế số 86- RC/HĐ/319IV-Q1 và các Phụ lục hợp đồng với Công ty Công ích Q1 việc cung cấp và trồng cỏ, cây kiểng. Theo Biên bản nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành ngày 25/4/2020 thì tổng giá trị thực hiện hợp đồng là 811.741.425 đồng. Công ty Đ đã thanh toán được đợt 1 là 254.975.292 đồng, tương đương 30% giá trị Hợp đồng. Số tiền còn nợ đợt 2 và đợt 3 là 556.766.133 đồng. Công ty Đ không đồng ý thanh toán tiền lãi chậm thanh toán vì tại Hợp đồng kinh tế số 86- RC/HĐ/319IV-Q1 ngày 28/10/2019 các bên không có thỏa thuận về lãi suất chậm trả. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét sửa bản án sơ thẩm về phần lãi suất chậm trả.
* Công ty Công ích Q1 (nguyên đơn) trình bày như sau:
Quá trình thực hiện Hợp đồng kinh tế số 86-RC/HĐ/319IV-Q1, Công ty Công ích Q1 đã thực hiện trồng cây xanh theo các hạng mục đã ký kết giữa hai bên và đã bàn giao cho Công ty Đ. Hai bên cũng đã tiến hành nghiệm thu công trình theo Biên bản nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành ngày 25/4/2020 và đối chiếu công nợ theo Biên bản đối chiếu công nợ ngày 27/4/2020, tổng giá trị thực hiện hợp đồng là 811.741.425 đồng. Tuy nhiên Công ty Đ mới chỉ tạm ứng cho Công ty Công ích Q1 được khoản tiền đợt 01 là 254.975.292 đồng và còn nợ lại số tiền 556.766.133 đồng theo như Biên bản đối chiếu công nợ và Thư xác nhận nợ giữa hai bên.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng trên đến nay, Công ty Đ vẫn chưa thanh toán cho Công ty Công ích Q1 số tiền nợ gốc là 556.766.133 đồng và tiền lãi phát sinh do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Do đó, Tòa án nhân dân quận C chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty Công ty Công ích Q1 là có căn cứ và đúng pháp luật. Do đó, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tại cấp phúc thẩm, Công ty Công ích Q1 cung cấp lãi suất trung bình của 03 ngân hàng thương mại để tính lãi chậm trả theo Điều 306 Luật thương mại. Tuy nhiên, Công ty Công ích Q1 vẫn giữ nguyên yêu cầu tính lãi chậm trả theo văn bản trình bày ý kiến ngày 01/6/2023 là: Mức lãi suất: 10%/năm. Số tiền chậm thanh toán đợt 2: Từ ngày 02/5/2020 đến ngày 30/6/2023 là 163.000.000 đồng. Số tiền chậm thanh toán đợt 3: Từ ngày 25/7/2020 đến ngày 30/6/2023 là 12.000.000 đồng. Không yêu cầu tính lãi chậm trả từ ngày 30/6/2023 đến ngày xét xử sơ thẩm 30/8/2023.
Các đương sự thống nhất xác nhận ngoài các tài liệu chứng cứ đã nộp cho Tòa án ra thì không còn tài liệu chứng cứ nào khác để nộp cho Tòa án và đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
6. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội trình bày quan điểm và đề xuất hướng giải quyết vụ án:
- Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án từ thủ tục thụ lý vụ án, mở phiên tòa và tại phiên tòa xét xử phúc thẩm. Tại phiên tòa, đương sự đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
- Về nội dung: Căn cứ các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ xét thấy việc ký kết hợp đồng giữa hai bên là tự nguyện, đã được xác định bằng chữ ký và con dấu của những người có thẩm quyền. Hợp đồng đã được các bên tự nguyện thực hiện và không có tranh chấp cho đến khi thanh toán hợp đồng, chốt nợ giữa hai bên nên được xác định là hợp pháp. Có cơ sở xác định Công ty Đ còn nợ Công ty Công ích Q1 số tiền chi phí dịch vụ là: đợt 2: 516.179.062 đồng và đợt 3: 40.587.041 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm quyết định buộc Công ty Đ phải có trách nhiệm trả cho Công ty Công ích Q1 tổng số tiền còn nợ là 556.766.133 đồng là có căn cứ.
Về yêu cầu tính lãi do chậm thanh toán: Theo quy định tại Điều 357 Bộ Luật Dân sự 2015 và Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 thì mặc dù Hợp đồng kinh tế số 86 không thỏa thuận về lãi chậm thanh toán nhưng Công ty Công ích Q1 có quyền yêu cầu về lãi chậm thanh toán đối với số tiền chậm thanh toán theo quy định của pháp luật. Do đó, Toà án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của Công ty Công ích Q1 buộc Công ty Đ phải thanh toán tiền lãi với số tiền chậm thanh toán là đúng quy định của pháp luật. Công ty Công ích Q1 chỉ yêu cầu mức lãi suất chậm trả là 10%/năm là phù hợp với các quy định của pháp luật và có lợi cho bị đơn nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận. Tuy nhiên, yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm do không yêu cầu nguyên đơn cung cấp lãi suất quá hạn trung bình theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại năm 2005.
Căn cứ phân tích trên, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự không chấp nhận kháng cáo của Công ty Đ, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Về án phí: các đương sự phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, căn cứ kết quả hỏi và tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1]. Xét về thủ tục kháng cáo:
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 30/8/2023, bị đơn là Công ty Đ vắng mặt. Ngày 19/9/2023, Công ty Đ nhận được Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 44/2023/KDTM-ST ngày 30/8/2023 của Toà án nhân dân quận C. Ngày 21/9/2023, Toà án nhân dân quận C nhận được đơn kháng cáo đề ngày 20/9/2023 của Công ty Đ đối với Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm nêu trên. Đơn kháng cáo do người đại diện theo pháp luật của Công ty Đ ký. Đơn kháng cáo và biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm làm và nộp trong thời hạn luật định nên kháng cáo được chấp nhận. Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết là đúng thẩm quyền.
Về người tham gia tố tụng: Tòa án đã tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng của Tòa án cho các đương sự trong vụ án. Tại phiên tòa hôm nay, các đương sự có mặt theo Giấy triệu tập nên Tòa án tiến hành xét xử vụ án theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
[2]. Về nội dung kháng cáo:
Ngày 28/10/2019, Công ty Công ích Q1 và Công ty Đ ký kết Hợp đồng kinh tế số 86-RC/HĐ/319IV-Q1 về việc cung cấp và trồng cỏ, cây kiểng và các Phụ lục hợp đồng số 86.1-RC/PLHĐ/ĐS-Q1ngày 18/11/2019 và Phụ lục hợp đồng số 86.2-RC/PLHĐ/ĐS-Q1ngày 20/4/2020. Việc ký kết hợp đồng và các phụ lục Hợp đồng giữa hai bên là tự nguyện, đã được xác định bằng chữ ký và con dấu của những người có thẩm quyền. Các hợp đồng này đã được các bên tự nguyện thực hiện và không có tranh chấp nên được xác định là hợp pháp.
Công ty Công ích Q1 đã thực hiện xong nghĩa vụ cung cấp và trồng cỏ, cây kiểng theo Hợp đồng kinh tế số 86. Theo Biên bản nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành ngày 25/4/2020 thì tổng giá trị thực hiện hợp đồng là 811.741.425 đồng. Công ty Đ mới tạm ứng được đợt 1 thanh toán 30% giá trị Hợp đồng là 254.975.292 đồng (đợt 1). Số tiền còn nợ phải thanh toán Đợt 2 và Đợt 3 là 556.766.133 đồng. Công ty Đ đã có văn bản thừa nhận chưa thanh toán hết giá trị hợp đồng cho Công ty Công ích Q1. Do đó, Toà án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện buộc Công ty Đ phải thanh toán cho Công ty Công ích Q1 số tiền còn nợ 556.766.133 đồng là có căn cứ. Hiện nay, các bên đều thừa nhận và không kháng cáo về tính hợp pháp của hợp đồng và số tiền gốc còn nợ nêu trên nên có hiệu lực thi hành.
Công ty Đ có đơn kháng cáo đối với một phần Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm về phần quyết định lãi suất chậm thanh toán, với lý do: Tại Hợp đồng kinh tế số 86-RC/HĐ/319IV-Q1 ngày 28/10/2019 các bên không có thỏa thuận về lãi suất chậm trả.
Xét thấy:
Tại Điều 3 của Hợp đồng kinh tế số 86-RC/HĐ/319IV-Q1 và Phụ lục Hợp đồng số 86.1 thì thời gian thanh toán tiền cho nguyên đơn chia làm 03 đợt:
Đợt 1: Thanh toán 30% giá trị Hợp đồng. Công ty Đ đã thanh toán cho Công ty Công ích Q1 là 254.975.292 đồng.
Đợt 2: Thanh toán 95% giá trị Hợp đồng. Công ty Đ phải thanh toán cho Công ty công ích Q1 là 516.179.062 đồng trong thời gian 07 ngày kể từ ngày biên bản nghiệm thu được ký kết.
Đợt 3: Thanh toán 5% còn lại. Công ty Đ phải thanh toán Công ty Công ích Q1 là 40.587.041 đồng sau 90 ngày bảo dưỡng.
Hiện nay, Công ty Đ chưa thanh toán số tiền phải thanh toán đợt 2 là 516.179.062 đồng và số tiền phải thanh toán đợt 3 là 40.587.041 đồng. Như vậy, Công ty Đ đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo các điều khoản đã thỏa thuận tại Điều 3 Hợp đồng kinh tế số 86.
Tại Điều 357 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền: “1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. 2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này”.
Tại Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 quy định về Quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Theo quy định tại Điều 357 Bộ Luật Dân sự 2015 và Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 thì mặc dù Hợp đồng kinh tế số 86 không thỏa thuận về lãi chậm thanh toán nhưng Công ty Công ích Q1 có quyền yêu cầu về lãi chậm thanh toán đối với số tiền chậm thanh toán theo quy định của pháp luật. Do đó, Toà án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của Công ty Công ích Q1 buộc Công ty Đ phải thanh toán tiền lãi với số tiền chậm thanh toán là đúng quy định của pháp luật.
* Về mức lãi suất chậm trả:
Theo hướng dẫn tại Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm quy định: “Trường hợp hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 306 của Luật Thương mại năm 2005 thì khi xác định lãi suất chậm trả đối với số tiền chậm trả, Tòa án căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 (ba) ngân hàng thương mại (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam,...) có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm thanh toán (thời điểm xét xử sơ thẩm) để quyết định mức lãi suất chậm trả, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Tại cấp phúc thẩm, theo yêu cầu của Tòa án, Công ty Công ích Q1 cung cấp lãi suất quá hạn trung bình của 03 ngân hàng thương mại để tính lãi chậm trả theo Điều 306 Luật thương mại, hiện nay đang ở mức là: 15,35%/năm. Tuy nhiên, Công ty Công ích Q1 đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm vẫn áp dụng mức lãi suất là 10%/năm theo tại bản tự khai ngày 01/6/2023. Xét mức lãi suất 10%/năm là thấp hơn mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của 03 Ngân hàng và có lợi cho cho Công ty Đ. Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận mức lãi suất chậm trả là 10%/năm.
* Về thời gian chậm trả:
Công ty Công ích Q1 chỉ yêu cầu tính lãi đến ngày 30/6/2023 và không yêu cầu tiền lãi từ ngày 01/7/2023 đến ngày mở phiên tòa xét xử sơ thẩm. Xét thấy đây là sự tự nguyện của Công ty Công ích Q1 và không trái với các quy định của pháp luật, có lợi cho bị đơn nên có sơ sở chấp nhận.
- Đối với thời gian chậm thanh toán Đợt 2:
Tại Điều 3 của Hợp đồng kinh tế số 86-RC/HĐ/319IV-Q1các bên có thỏa thuận: Công ty Đ phải thanh toán cho Công ty công ích Q1 số tiền đợt 2 là 95% giá trị Hợp đồng, tương ứng 516.179.062 đồng trong thời gian 07 ngày kể từ ngày biên bản nghiệm thu được ký kết.
Ngày 25/4/2020, các bên ký biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành. Do đó, từ ngày 02/5/2020, Công ty Đ phải thanh toán cho Công ty công ích Q1 số tiền đợt 2.
Số tiền lãi phải thanh toán do chậm thanh toán đợt 2 từ ngày 02/5/2020 đến 30/6/2023 (1162 ngày) là: 516.179.062 đồng * 10%/năm * 1162 ngày = 164.328.786 đồng.
- Đối với thời gian chậm thanh toán Đợt 3:
Tại Điều 3 của Hợp đồng kinh tế số 86-RC/HĐ/319IV-Q1 các bên có thỏa thuận: Công ty Đ phải thanh toán cho Công ty công ích Q1 số tiền đợt 3 là 5% giá trị Hợp đồng còn lại, tương ứng 40.587.041 đồng sau 90 ngày bảo dưỡng.
Theo Hợp đồng thì thời gian bảo dưỡng 90 ngày sẽ là từ ngày 25/4/2020 đến ngày 23/7/2020. Do đó, từ ngày 24/7/2020, Công ty Đ phải thanh toán cho Công ty công ích Q1 số tiền đợt 3.
Số tiền lãi phải thanh toán do chậm thanh toán đợt 3 từ ngày 24/7/2020 đến 30/6/2023 (1072 ngày) là: 40.587.041 đồng * 10%/năm * 1072 ngày = 11.920.358 đồng.
Tổng số tiền lãi chậm thanh toán đợt 2 và đợt 3 là: 164.328.786 đồng + 11.920.358 đồng = 176.249.144 đồng.
Tại cấp phúc thẩm, Công ty công ích Q1 giữ nguyên yêu cầu thanh toán tổng số tiền lãi chậm thanh toán đợt 2 và đợt 3 tính đến ngày 30/6/2023 là 163.000.000 đồng + 12.000.000 đồng = 175.000.000 đồng là có lợi cho bị đơn nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
Căn cứ phân tích trên, Hội đồng xét xử quyết định không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Đ.
[3]. Các nội dung khác liên quan đến quyết định của bản án sơ thẩm:
- Tại bản trình bày ngày 01/6/2023 và tại phiên tòa, Công ty Công ích Q1 chỉ yêu cầu tính lãi đến ngày 30/6/2023 và không yêu cầu tiền lãi từ ngày 01/7/2023 đến ngày mở phiên tòa xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm không quyết định đình chỉ xét xử đối với yêu cầu tính lãi chậm trả từ ngày 01/7/2023 đến ngày xét xử sơ thẩm là thiếu sót. Do đó, cần sửa một phần bản án sơ thẩm về phần quyết định tính lãi chậm trả nêu trên.
- Tại cấp sơ thẩm, Tòa án không yêu cầu Công ty Công ích Q1 cung cấp lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của 03 Ngân hàng theo quy định tại Điều 306 Luật thương mại năm 2005, đã chấp nhận yêu cầu mức lãi suất 10%/năm là thu thập chứng cứ chưa đầy đủ. Do đó, đề nghị của đại diện Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm cần phải rút kinh nghiệm về nội dung nêu trên là có căn cứ.
Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận nên Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Đ phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ Điều 357, Điều 468, Điều 513, Điều 515, Điều 518, Điều 519 Bộ luật dân sự 2015;
- Căn cứ Khoản 1 điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Khoản 1 Điều 147; Điều 271; Điều 273; Điều 278; Điều 280, khoản 2 Điều 308; Điều 309Bộ luật Tố tụng dân sự;
- Căn cứ Điều 74, Điều 87, Điều 306 Luật thương mại 2005;
- Căn cứ Điều 11, Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm.
- Căn cứ Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng Đ; sửa một phần bản án sơ thẩm. Xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q1 đối với bị đơn Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng Đ.
Xác định Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng Đ còn nợ Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q1 số nợ gốc theo Hợp đồng kinh tế V/v cung cấp và trồng cỏ, cây kiểng số 86-RC/HĐ/319IV-Q1 ngày 28/10/2019 và các Phụ lục hợp đồng số 86.1-RC/PLHĐ/ĐS-Q1ngày 18/11/2019 và Phụ lục hợp đồng số 86.2- RC/PLHĐ/ĐS-Q1ngày 20/04/2020 số tiền 556.766.133 đồng (Năm trăm năm mươi sáu triệu bảy trăm sáu mươi sáu nghìn một trăm ba mươi ba đồng) và tiền lãi chậm thanh toán là 175.000.000 đồng (Một trăm bảy mươi lăm triệu đồng), bao gồm tiền lãi chậm thanh toán của đợt 2 (Từ 02/5/2020 đến 30/6/2023) là 163.000.000 đồng (Một trăm sáu mươi ba triệu đồng) và đợt 3 (Từ 25/7/2020 đến 30/6/2023) là 12.000.000 đồng (Mười hai triệu đồng).
Tổng số tiền cả gốc và lãi mà Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng Đ phải có nghĩa vụ thanh toán cho nguyên đơn Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q1 đến thời điểm hiện tại là: 731.766.133 đồng (Bảy trăm ba mươi mốt triệu bảy trăm sáu mươi sáu nghìn một trăm ba mươi ba đồng), bao gồm: Nợ gốc là 556.766.133 đồng (Năm trăm năm mươi sáu triệu bảy trăm sáu mươi sáu nghìn một trăm ba mươi ba đồng) và tiền lãi chậm thanh toán là 175.000.000 đồng (Một trăm bảy mươi lăm triệu đồng).
2. Buộc Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng Đ phải có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q1 tổng số tiền cả gốc và lãi là:
731.766.133 đồng (Bảy trăm ba mươi mốt triệu bảy trăm sáu mươi sáu nghìn một trăm ba mươi ba đồng), bao gồm: Nợ gốc là 556.766.133 đồng (Năm trăm năm mươi sáu triệu bảy trăm sáu mươi sáu nghìn một trăm ba mươi ba đồng) và tiền lãi chậm thanh toán là 175.000.000 đồng (Một trăm bảy mươi lăm triệu đồng).
3. Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng Đ còn phải chịu khoản tiền lãi đối với số tiền phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chậm thanh toán.
4. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q1 buộc Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng Đ thanh toán tiền lãi chậm trả từ ngày 01/7/2023 đến ngày 30/8/2023.
5. Về án phí:
* Án phí dân sự sơ thẩm:
Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Đ phải chịu 33.270.646 đồng (Ba mươi ba triệu hai trăm bảy mươi triệu sáu trăm bốn mươi sáu đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.
Hoàn trả Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q1 số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 14.235.323 đồng (Mười bốn triệu hai trăm ba mươi lăm nghìn ba trăm hai mươi ba đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2020/0019468 ngày 31/5/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự quận C, thành phố Hà Nội.
* Án phí dân sự phúc thẩm:
Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Đ phải chịu 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm (đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí số 0000067 ngày 23/10/2023 tại Chi Cục Thi hành án dân sự quận C, thành phố Hà Nội).
Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thi thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
6. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 20/2024/KDTM-PT về tranh chấp hợp đồng dịch vụ
Số hiệu: | 20/2024/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Nội |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 25/01/2024 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về