TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
BẢN ÁN 20/2021/DS-PT NGÀY 18/03/2021 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN VÀ YÊU CẦU HỦY GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 18 tháng 3 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 78/2020/TLST-DS ngày 09 tháng 11 năm 2020 về việc Tranh chấp thừa kế tài sản và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2020/DS-ST ngày 22/09/2020 của Toà án nhân dân huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn bị kháng cáo, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 06/2021/QĐ-PT ngày 08 tháng 01 năm 2021 và Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 14/2021/QĐ-PT ngày 28/01/2021, Quyết định hoãn phiên tòa số 18/2021/QĐ-PT ngày 25/02/2021, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn:
1. Bà Chu Thị C; địa chỉ: thôn H, xã H, thành phố L, tỉnh Lạng Sơn; có mặt;
2. Bà Chu Thị H; địa chỉ: thôn H, xã H, thành phố L, tỉnh Lạng Sơn; có mặt;
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Bà Hoàng Thị Kim K - Luật sư của Văn phòng luật sư K; Đoàn luật sư tỉnh Lạng Sơn; có mặt;
- Bị đơn:
1. Bà Chu Thị N; địa chỉ: thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; có mặt;
2. Bà Chu Thị N1 (tên gọi khác: Chu Ngọc N1); địa chỉ: thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; có mặt;
3. Bà Nông Thị T; địa chỉ: thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt;
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn Chu Thị N1: Ông Tô Thế L và ông Nhâm Mạnh H - Luật sư thuộc văn phòng luật sư Tô Thế L - Đoàn Luật sư thành phố H; có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập: Ông Hoàng Văn D; địa chỉ: thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt;
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Chu Thị K; địa chỉ: thôn B, xã N, huyện B, tỉnh Bình Phước; vắng mặt;
2. Ông Chu Quán N; địa chỉ: thôn B, xã N, huyện B, tỉnh Bình Phước; vắng mặt;
3. Ông Chu Quang K; địa chỉ: thôn B, xã N, huyện B, tỉnh Bình Phước; vắng mặt;
4. Anh Hoàng Văn H; địa chỉ: thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt;
5. Ông Hoàng Văn Q; địa chỉ: thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt;
6. Ông Hoàng Thế C; địa chỉ: thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt;
7. Ông Hoàng Văn T; địa chỉ: Thôn N, xã L, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt;
8. Ông Hoàng Văn T1; địa chỉ: Thôn N, xã L, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt;
9. Ông Nông Minh T (tên gọi khác: Nông Văn T); địa chỉ: thị trấn Đ, huyện Đ; tỉnh Lạng Sơn; có mặt;
10. Anh Nông Thánh T; địa chỉ: thị trấn C, huyện C, tỉnh Lạng Sơn; có mặt;
11. Bà Vi Thị H; địa chỉ: thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt;
Người đại diện hợp pháp của bà Vi Thị H: Anh Mã Đức T, địa chỉ: thị trấn Đ, huyện Đ; tỉnh Lạng Sơn (Theo hợp đồng ủy quyền ngày 19/8/2020); vắng mặt;
12. Bà Hoàng Thị C; địa chỉ: thị trấn Đ, huyện Đ; tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt;
13. Ủy ban nhân dân huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn.
Người đại diện hợp pháp của Ủy ban nhân dân huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn:
Ông Nguyễn Chiến H – Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn (Theo Văn bản ủy quyền số 1044/QĐ-UBND ngày 28/5/2020 của Ủy ban nhân dân huyện Đ); vắng mặt;
14. Ủy ban nhân dân thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn.
Người đại diện hợp pháp của Ủy ban nhân dân thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn: Ông Vương Văn H – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Đ (Theo Văn bản ủy quyền số 44a/QĐ-UBND ngày 16/4/2020 của Ủy ban nhân dân thị trấn Đ); vắng mặt.
15. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn.
Người đại diện hợp pháp của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn: Bà Nông Thị N – Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn (Theo văn bản ủy quyền ngày 17/6/2020); vắng mặt.
- Người kháng cáo: Chu Thị C là nguyên đơn; bà Chu Thị N, bà Chu Thị N1 là bị đơn;
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án và Bản án dân sự sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ông Chu Đ, chết năm 2003 tại khu 2 thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn và bà Nông Thị C, chết năm 1999 tại huyện B, tỉnh Bình Phước sinh được 07 người con gồm: Chu Thị N; Chu Thị K; Chu Thị C; Chu Thị H; Chu Quán N; Chu Thị N1; Chu Quang K. Quá trình chung sống ông bà tạo lập được khối tài sản chung gồm có: Thửa đất số 05, tờ bản đồ địa chính số 28c thị trấn Đ, huyện Đ, tổng diện tích là: 1.226,5 m², trong đó đất ở 400 m² và đất liền kề trồng cây lâu năm 826,5m². Trên thửa đất này, ông bà đã xây một ngôi nhà cấp IV (gạch cay và lợp ngói) để gia đình ở từ năm 1978. Năm 1987, ông Chu Đ vào huyện B, tỉnh Bình Phước tạo lập được một số tài sản như đất, nhà cửa và một số vật dụng gia đình, sau đó đón bà Nông Thị C và các con là Chu Thị K, Chu Quán N, Chu Quang K vào sinh sống tại Bình Phước. Trước khi chết, ông Chu Đ đã làm văn bản phân chia tài sản ở Bình Phước, không có ai tranh chấp và thắc mắc gì. Nay chỉ còn tài sản ở Khu 2, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn. Năm 2015, dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đoạn Km 47-58 trên quốc lộ X thuộc thị trấn Đ đã ảnh hưởng đến di sản là 01 ngôi nhà cấp IV và 546,5 m² đất (trong đó 146,5 m² đất trồng cây hàng năm khác và 400 m² đất ở tại đô thị) của bố mẹ để lại.
Theo lời khai của bà Chu Thị C thì khi chết ông Chu Đ, bà Nông Thị C không để lại di chúc, cũng không có sự ủy quyền cho bà Chu Thị N1 làm bất cứ việc gì liên quan đến tài sản nhà đất của bố mẹ để lại. Sau khi bố mẹ chết, chị em trong gia đình thống nhất thỏa thuận bằng miệng tạm thời để cho bà Chu Thị N1 ở và trông coi tài sản, sau này chị em trong gia đình sẽ phân chia để sử dụng. Tuy nhiên, bà Chu Thị N1 đã tự ý kê khai di sản nhà và đất của bố mẹ sang tên Chu Thị N1 trong khi đó tất cả các chị em khác trong gia đình không biết và không nhất trí. Năm 2015, dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đoạn Km 47-58 trên quốc lộ X đã bồi thường đất và tài sản trên đất với tổng số tiền là 707.000.000 đồng. Bà Chu Thị N1 và bà Chu Thị N đã tự ý kê khai nhận tiền đền bù và đất tái định cư. Ngoài ra bà Chu Ngọc N1, bà Chu Thị N còn được bồi thường một số tài sản trên đất, chi phí di dời chỗ ở, hỗ trợ việc làm, thuê nhà…số tiền được bồi thường này bà xác định không phải là di sản thừa kế và không yêu cầu giải quyết. Nay bà Chu Thị C xác định di sản thừa kế yêu cầu chia gồm: Diện tích đất còn lại của thửa 05, tờ bản đồ địa chính số 28c thị trấn Đ, đã được tách thành 02 thửa là thửa 75; thửa 76 tờ bản đồ 28c Khu 2, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; tiền đền bù nhà, đất ở khu 2, thị trấn Đ khi nhà nước thu hồi là 588.000.000 đồng (không yêu cầu tiền đền bù các tài sản do bà Chu Thị N và bà Chu Ngọc N1 tạo dựng, các chi phí, hỗ trợ… khi nhà nước thu hồi đất) và 03 lô đất tái định cư gồm: Thửa đất số 213, tờ bản đồ số 19, diện tích 76,5 m² đã được Uỷ ban nhân dân huyện Đ (UBND huyện Đ) giao đất cho bà Chu Ngọc N1; thửa đất số 200, tờ bản đồ số 19, diện tích 76,5m² đã được UBND huyện Đ giao đất cho bà Chu Thị N; thửa đất số 201, tờ bản đồ số 19, diện tích 76,5 m² đã được UBND huyện Đ giao đất cho bà Nông Thị T (con gái bà Chu Thị N). Ngôi nhà 02 tầng do bà Chu Ngọc N1 xây dựng trên thửa đất 76; nhà cấp IV của bà Chu Thị N xây dựng trên thửa 75 và ngôi nhà 2,5 tầng trên thửa đất số 201 của bà Nông Thị T xây dựng không tranh chấp nhà, chỉ tranh chấp đất.
Theo lời khai của bị đơn bà Chu Thị N trình bày: Năm 1984 ông Chu Đ chia cho bà một mảnh đất khoảng 150m2, sau đó bà đã làm nhà và sinh sống trên mảnh đất đó đến nay. Năm 2003 sau tang lễ của ông Chu Đ, gia đình đã họp để chia tài sản do bố mẹ để lại thành phần gồm có ông Chu Văn Út; bà Chu Thị Sơn; Chu Thị N; Chu Thị C; Chu Quán N; Chu Quang K; Chu Thị N1 và thống nhất chia tài sản do bố mẹ để lại làm 04 phần: Bà Chu Thị N 01 phần (phần đất mà bố cho từ năm 1984), bà Chu Thị N1, 01 phần và ngôi nhà, bà Chu Thị K 01 phần, ông Chu Quán N 01 phần. Biên bản do bà Chu Thị N1 lập và giữ. Tuy nhiên đến năm 2014 bà Chu Thị N1mới chia cho bà Chu Thị N 01 phần đất ở còn phần đất vườn bà Chu Thị N vẫn sử dụng. Năm 2015 khi dự án làm đường tránh đi qua, bà Chu Thị N được đền bù với tổng số tiền là 189.000.000 đồng, trong đó tiền đền bù đất là 120.000.000 đồng và tiền đền bù nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng vật nuôi, chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm, hỗ trợ di chuyển chỗ ở và thuê nhà… là 69.000.000 đồng. Bà Chu Thị N không nhất trí toàn bộ số tiền đền bù bà đã được nhận 189.000.000 đồng; 03 lô đất tái định cư thửa 200, 201, 213 và 40m2 đất thuộc thửa đất số 75 là di sản thừa kế; bà yêu cầu được sở hữu toàn bộ số tiền đền bù bà đã được nhận và được quản lý, sử dụng lô đất tái định cư thửa số 200 và 40m2 đất thuộc thửa đất số 75; yêu cầu các đồng thừa kế thanh toán tiền công chăm sóc, nuôi dưỡng bà ngoại là cụ Hoàng Thị N trong thời gian 24 tháng (từ tháng 9/1995 đến tháng 9/1997), mỗi tháng 3.000.000 đồng, tổng số tiền là 72.000.000 đồng.
Bị đơn bà Chu Thị N1 trình bày: Năm 1988 ông Chu Đ vào miền Nam làm ăn sinh sống, đến năm 1991 ông chuyển vợ con và cắt hộ khẩu vào trong tỉnh Bình Phước. Lúc đó bà Chu Ngọc N1 vừa học xong lớp 12, sinh sống tại huyện Đ cùng bà ngoại là bà Hoàng Thị N, khi đó bà ngoại đã già yếu không đi được nên bà ở lại và chăm sóc bà ngoại, thời điểm đó các chị của bà đã lập gia đình. Từ đó một mình bà Chu Ngọc N1 trông nom, chăm sóc cụ Hoàng Thị N, năm 2001 cụ Hoàng Thị N chết, bà đã đứng ra lo mai táng cho bà ngoại theo phong tục tập quán, cho đến nay vẫn thờ cúng và chăm sóc phần mộ hàng năm. Năm 1999 bà Nông Thị C chết ở trong miền Nam, bà đứng ra làm lễ báo hiếu theo phong tục tập quán cho mẹ. Năm 2003 ông Chu Đ ra thăm con bị bệnh rồi chết, bà cũng đứng ra lo mai táng cho bố. Sau tang lễ của bố, gia đình đã họp để chia tài sản do bố mẹ để lại làm 04 phần bà Chu Thị N 01 phần, Chu Ngọc N1 01 phần đất và ngôi nhà bố mẹ để lại, bà Chu Thị K 01 phần, ông Chu Quán N 01 phần. Năm 2004 bà mang biên bản phân chia tài sản đi làm thủ tục và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2008 bà làm một căn nhà tạm để ở do nhà cũ đã xuống cấp. Năm 2008 và năm 2011 bà Chu Thị N1 chia cho bà Chu Thị N và bà Nông Thị T mỗi người một mảnh đất để làm nhà ở. Năm 2015 do nhà đất bị ảnh hưởng dự án đường tránh nên nhà nước thu hồi đất, bà được bồi thường đất và tài sản trên đất tổng số tiền 547.862.641 đồng, trong đó tiền đất bà đang quản lý là 248.062.200 đồng; diện tích đất tặng cho bà Nông Thị T được bồi thường 120.000.000 đồng; ngôi nhà do bố mẹ để lại được đền bù 100.000.000 đồng, còn lại là tiền bồi thường tài sản khác trên đất và chi phí di dời, hỗ trợ việc làm, thuê nhà... Sau khi nhận tiền bồi thường, bà Chu Ngọc N1 đã chia cho ông Chu Quán N 45.000.000 đồng; ông Chu Quang K 45.000.000 đồng; bà Chu Thị K 30.000.000 đồng; bà Chu Thị C 15.000.000 đồng; bà Chu Thị H 12.500.000 đồng.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Nông Thị T trình bày: Về số tiền đền bù giải phóng mặt bằng: Năm 2011 bà Chu Ngọc N1 chia cho chị 01 phần đất để làm nhà ở. Năm 2015 khi có dự án làm đường tránh đi qua chị được đền bù đất với tổng số tiền là 120.000.000 đồng (một trăm hai mươi triệu đồng) chia thành 02 đợt. Tuy nhiên do đất đó được bà Chu Ngọc N1 cho nên vợ chồng chị chỉ ký nhận còn việc kiểm đếm và nhận số tiền đó là do bà Chu Ngọc N1 thực hiện, vợ chồng chị không được sử dụng số tiền đó. Vì vậy, toàn bộ số tiền được đền bù thì bà Chu Ngọc N1 và các đồng thừa kế tự yêu cầu tòa án giải quyết, không liên quan đến vợ chồng chị. Đối với lô đất tái định cư hiện nay vợ chồng chị Nông Thị T đã xây nhà và sinh sống tại thửa đất số 201, tờ bản đồ số 19, thị trấn Đ có nguồn gốc như sau: Năm 2008 chị Nông Thị T cùng mẹ là Chu Thị N, anh trai là Nông Thánh T chuyển khẩu về chung sống với bà Chu Thị N1 tại thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn. Sau đó một thời gian thì ba mẹ con tách hộ khẩu riêng. Đến năm 2013 chị Nông Thị T lập gia đình và tách khẩu ra thành một hộ gia đình riêng. Do vợ chồng chị Nông Thị T sinh sống trên khu đất bị thu hồi có hộ khẩu thuộc khu vực đó, ngoài ra không có mảnh đất nào khác trên địa bàn thị trấn Đ nên vợ chồng chị Nông Thị T đủ điều kiện được mua 01 lô đất tái định cư theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 79 Luật Đất đai. Số tiền để mua lô đất tái định cư là tiền tích góp của vợ chồng chị, không liên quan đến tiền đền bù giải phóng mặt bằng, cũng không phải di sản thừa kế của ông bà ngoại để lại.
Ngày 31/01/2019, Tòa án nhân dân huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn thụ lý vụ án lần thứ nhất. Quá trình giải quyết vụ án, bà Chu Thị C, Chu Thị H yêu cầu chia di sản thừa kế của gồm số tiền đền bù là 707.000.000 đồng và 03 lô đất tái định cư thửa 200, 201, 213 và 40m2 đất thuộc thửa đất số 75 do bà Chu Thị N đang quản lý, sử dung và 640m2 bà Chu Thị N1 đang quản lý, sử dụng cho 07 chị em mỗi người được hưởng một kỷ phần bằng nhau.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2019/DS-ST, ngày 31/10/2019, Tòa án nhân dân huyện Đình Lập đã quyết định, xác định di sản thừa kế của cụ Chu Đ và bà Nông Thị C gồm: Tiền đền bù 588.000.000 đồng; 03 lô đất tái định cư thửa 200, 201, 213 tổng giá trị 600.000.000 đồng; 02 thửa đất tại thị trấn Đ giá trị 1.450.000.000 đồng. Tổng giá trị di sản là 2.638.000.000 đồng. Trích cho bà Chu Thị N1 hưởng công sức trông nom, chăm sóc cụ Hoàng Thị N, lo mai táng cụ N, cụ Đ và thờ cúng theo phong tục bằng diện tích đất tại thửa số 75 là 18m2; thửa số 76 là 357m2 tương ứng với giá trị là 937.500.000 đồng. Bà N được sử dụng các tài sản trên đất và được trừ toàn bộ chi phí san gạt và xây kè, phần bà N được hưởng là 837.500.000 đồng. Di sản thừa kế còn lại là 1.700.500.000 đồng được chia bằng tiền mặt cho ông Chu Quán N, ông Chu Quang K, bà Chu Thị K mỗi người được 242.928.000 đồng; chia bằng hiện vật cho bà Chu Thị C lô tái định cư thửa đất số 213, bà C tự nguyên trả bà N số tiền đã nộp và tiền công làm thủ tục lô đất là 106.000.000 đồng; chia bằng hiện vật cho bà Chu Thị H lô tái định cư thửa đất số 200, bà C tự nguyện trả bà N số tiền đã nộp và tiền công làm thủ tục lô đất là 106.000.000 đồng; chia bằng hiện vật cho bà Chu Thị N 22m2 đất tại thửa số 75 và giá trị lô đất tái định cư thửa đất số 201, giao đất cho chị Nông Thị T, chị Nông Thị T và anh Hoàng Văn H tiếp tục được sử dụng lô đất nhưng phải trả cho bà Niên giá trị lô đất là 200.000.000 đồng; chia bằng hiện vật cho bà Chu Thị N1 77m2 đất đã làm nhà và 106m2 đã san gạt tại thửa số 76; bà Chu Thị N1 được hưởng khoản tiền công trông giữ, bảo quản làm tăng giá trị di sản là 77.788.000 đồng; công nhận thỏa thuận bà Chu Thị N1 giao 100m2 đất có ngôi mộ cho ông Hoàng Thế C, Hoàng Văn D, Hoàng Văn Q, Hoàng Văn T, Hoàng Văn T1, Hoàng Văn T2; ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về nghĩa vụ chịu chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định.
Sau xét xử, bà Chu Thị C, Chu Thị H, Chu Thị N, Chu Thị N1, Nông Thị T kháng cáo bản án sơ thẩm; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn kháng nghị đề nghị hủy Bản án sơ thẩm;
Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 08/2020/DS-PT, ngày 19/02/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn quyết định hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2019/DS-ST, ngày 31/10/2019, Tòa án nhân dân huyện Đình Lập vì cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, vi phạm trong đánh giá chứng cứ; không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Nông Minh T – người nhận chuyển nhượng thửa đất số 213 với bà Chu Thị N1 vào tham gia tố tụng và chưa thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ thể hiện công sức chăm sóc cụ Hoàng Thị N, chi phí mai táng cụ Hoàng Thị N và cụ Chu Đ; công sức tu bổ, tôn tạo, quản lý di sản… Ngày 23/3/2020, Tòa án nhân dân huyện Đình Lập thụ lý lại vụ án để giải quyết theo thủ tục chung.
Quá trình giải quyết lại vụ án, bà Chu Thị C yêu cầu chia đều di sản thừa kế cho 7 người gồm: Chu Thị C, Chu Thị N; Chu Thị K; Chu Thị H; Chu Quán N; Chu Thị N1; Chu Quang K. Bà Chu Thị C yêu cầu chia di sản thừa kế mỗi người được hưởng các kỷ phần bằng nhau. Yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà Chu Ngọc N1 (Chu Thị N1), bà Chu Thị N và bà Nông Thị T. Đối với yêu cầu của ông Hoàng Văn D, Hoàng Thế C, Hoàng Văn Q, Hoàng Văn T1, Hoàng Văn T về ngôi mộ của dòng họ Hoàng trên thửa đất 76, bà nhất trí thỏa thuận tách phần diện tích đất mộ theo kết quả đo đạc ngày 25/6/2020 diện tích 138,9m2. Đối với phần diện tích đất giáp với đất bà Vi Thị H, bà yêu cầu giải quyết theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hai bên gia đình đã được cấp.
Bà Chu Thị N1 xác định di sản thừa kế do bố mẹ để lại chỉ là số tiền đền bù đối với 200m2 đất là 240.000.000 đồng; diện tích đất bà đã san ủi, xây kè thuộc thửa 76 (trừ diện tích hiện nay bà đã xây nhà ở) chia đều cho 05 người gồm: Ông Chu Quán N, bà Chu Thị K, ông Chu Quang K, bà Chu Thị C, bà Chu Thị H, nhưng phải trả cho bà tiền san ủi, xây kè 120.000.000 đồng. Bà Chu Thị N1 không nhất trí 03 lô đất tái định cư thửa 200, 201, 213 là di sản thừa kế. Lô đất tái định cư thửa 213 cấp cho bà, năm 2017 bà đã chuyển nhượng cho ông Nông Văn T giá 400.000.000 đồng để lấy tiền làm nhà. Không chấp nhận diện tích đất mà bà đã xây dựng nhà là di sản thừa kế vì nhà này hiện nay bà làm nơi để thờ cúng ông bà và bố mẹ.
Ngoài ra bà Chu Thị N1 yêu cầu các đồng thừa kế phải trả cho bà tiền nuôi dưỡng, chăm sóc cụ Hoàng Thị N trong thời gian 09 năm, tổng số tiền 540.000.000 đồng; tiền mai táng phí cụ Hoàng Thị N 70.000.000 đồng - 75.000.000 đồng; tiền mai táng phí cụ Chu Đ 95.600.000 đồng; tiền san ủi, xây kè diện tích đất thuộc thửa 76 là 120.000.000 đồng; tiền thuế từ năm 2004 đến năm 2015 mỗi năm 1000.000 đồng; tiền trông giữ di sản là 30% tổng giá trị di sản thừa kế; yêu cầu trích từ tiền đền bù ra 40.000.000 đồng để xây mộ cho cụ Hoàng Thị N và cụ Chu Đ; tiền hương khói cho bà Hoàng Thị N từ năm 2001 đến nay là 19.000.000 đồng; tiền hương khói cho ông Chu Đ từ năm 2003 đến nay là 16.000.000 đồng. Phần diện tích đất giáp với đất bà Vi Thị H, bà Chu Ngọc N1 yêu cầu quản lý sử dụng đúng theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà Chu Ngọc N1. Phần diện tích đất mộ của dòng họ Hoàng bà Chu Ngọc N1 nhất trí thỏa thuận theo kết quả đã đo đạc ngày 25/6/2020.
Chị Nông Thị T không chấp nhận việc đưa lô đất tái định cư vợ chồng chị đang ở tại thị trấn Đ, huyện Đ là di sản thừa kế. Không chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế đối với diện tích đất trên.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Chu Quán N, ông Chu Quang K, bà Chu Thị K đều thống nhất trình bày: Các ông bà hiện ở trong Bình Phước đi lại khó khăn nên đề nghị chia di sản thừa kế bằng tiền, đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập ông Hoàng Văn D trình bày: Ngôi mộ tổ của gia đình ông đã có từ trước khi gia đình nhà bà Chu Ngọc N1 đến khai phá. Khi bà Chu Ngọc N1 san ủi thửa đất gia đình ông đã yêu cầu bà Chu Ngọc N1 xây kè và làm cam kết không xâm phạm vào ngôi mộ tổ của gia đình. Ông Hoàng Văn D nhất trí thỏa thuận ranh giới và cắm mốc theo kết quả đo đạc ngày 25/6/2020 diện tích khu mộ là 138,9m2. Các ông Hoàng Văn Q, Hoàng Thế C, Hoàng Văn T1, Hoàng Văn T đều nhất trí với ý kiến của ông Hoàng Văn D.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan anh Nông Văn T trình bày: Năm 2017 anh nhận chuyển nhượng với bà Chu Ngọc N1 thửa đất số 213, diện tích 76,5m2 tại thị trấn Đ, huyện Đ với giá 400.000.000 đồng. Khi mua chỉ làm giấy mua bán viết tay, chưa làm hợp đồng chuyển nhượng theo quy định do đất đang có tranh chấp, anh đã thanh toán đầy đủ tiền cho bà Chu Ngọc N1. Do vậy, anh yêu cầu tiếp tục được quản lý sử dụng lô đất số 213 này.
Người đại diện theo ủy quyền của bà Vi Thị H là anh Mã Đức T trình bày: Trong quá trình bà Chu Ngọc N1 san ủi đất đã lấn sang một phần đất của gia đình anh tại thửa đất số 54, diện tích lấn sang theo kết quả đo đạc ngày 25/6/2020 là 10,8m2. Nay anh yêu cầu được quản lý, sử dụng diện tích đất đúng theo ranh giới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho mẹ anh là bà Vi Thị H.
Bà Hoàng Thị C trình bày: Theo kết quả đo đạc ngày 25/6/2020 có một phần diện tích nguyên đơn, bị đơn yêu cầu chia thừa kế nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà nhưng bà không tranh chấp. Bà và bà Chu Ngọc N1 đã quản lý đất theo đúng ranh giới như hiện nay ổn định, không có tranh chấp. Phần đất của bà Chu Ngọc N1 quản lý đã san ủi, xây kè ổn định. Bà không có yêu cầu, đề nghị gì.
Người đại diện theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân thị trấn Đ, huyện Đ ông Vương Văn H trình bày: Diện tích đất 28,7m2 tại khu 2, thị trấn Đ, huyện Đ không thuộc thửa đất số 05 diện tích 1.226,5m2 (nay là diện tích đất còn lại của thửa 75 và thửa 76), diện tích đất này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình cá nhân nào. Việc bà Chu Thị N lấn chiếm diện tích đất này để làm nhà ở là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai. Như vậy diện tích đất 28,7m2 thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân thị trấn Đ, các đương sự không có quyền yêu cầu chia thừa kế diện tích đất này.
Người đại diện theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân huyện Đ ông Nguyễn Chiến H trình bày: Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa số 05, tờ bản đồ 28c cho bà Chu Thị N1 như sau: Ông Chu Đ là bố đẻ của bà Chu Thị N1 có đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đề ngày 30/11/2000 (người ký đơn là bà Chu Thị N1), Ủy ban nhân dân thị trấn Đ xác nhận ngày 20/12/2002, sau đó bà Chu Thị N1 có đơn xin đề nghị chuyển tên đăng ký đất đai sang tên chủ hộ là Chu Thị N1, vì bố đã chết để lại cho bà Chu Thị N1 sử dụng thửa đất này được Ủy ban nhân dân thị trấn Đ xác nhận ngày 04/02/2004 và Phòng địa chính xác nhận ngày 30/3/2004. Trình tự cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa số 05 tờ bản đồ 28c, diện tích 1.226,5m2 cho bà Chu Thị N1 được thực hiện theo đúng quy định, đúng đối tượng đang được sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp với ai tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đối với thửa đất số 200, tờ bản đồ số 19, diện tích 76,5m2 được cấp cho bà Chu Thị N; thửa đất số 201, tờ bản đồ số 19, diện tích 76,5m2 được cấp cho bà Nông Thị T; thửa đất số 213, tờ bản đồ số 19, diện tích 76,5m2 được cấp cho bà Chu Ngọc N1. Đây là các trường hợp được Nhà nước giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 79 Luật Đất đai và khoản 1 Điều 6 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thì hộ bà Chu Thị N1, bà Chu Thị N và bà Nông Thị T bị thu hồi hết đất ở và không còn đất ở, nhà ở nào khác trên địa bàn nơi có đất bị thu hồi, là hộ đủ điều kiện để giao đất tái định cư và gia đình bà Chu Ngọc N1, bà Chu Thị N và Nông Thị T đã có đơn xin giao đất tái định cư cùng đề ngày 27/9/2015 được Ủy ban nhân dân thị trấn Đ niêm yết, công bố, công khai theo quy định. Quy trình thực hiện giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Chu Ngọc N1, bà Chu Thị N và bà Nông Thị T được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đất đai. Do vậy yêu cầu hủy các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nguyên đơn đưa ra là không có cơ sở.
Người đại diện theo ủy quyền của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Lạng Sơn bà Nông Thị N trình bày: Việc Sở Tài nguyên và Môi trường cấp 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa 75, thửa 76 cho hộ bà Chu Ngọc N1 là do tách thửa. Uỷ ban nhân dân huyện Đ đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 29/4/2004 đối với thửa số 05 tờ bản đồ 28c diện tích 1.226,5m2. Năm 2015 Uỷ ban nhân dân huyện Đ thu hồi đất để làm đường tránh, diện tích đất còn lại của thửa số 05 tách thành 02 thửa là thửa 75, 76. Năm 2017 bà Chu Ngọc N1 làm hồ sơ xin tách sổ, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 02 thửa đất trên là đúng quy định của pháp luật đất đai. Do đó, bà Chu Thị C, Chu Thị H yêu cầu hủy 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ bà Chu Ngọc N1 là không có cơ sở.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2020/DS-ST ngày 22 tháng 9 năm 2020 và Quyết định sửa chữa, bổ sung Bản án sơ thẩm số 01/2020/QĐ-SCBSBA ngày 06/10/2020 của Toà án nhân dân huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn đã quyết định chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Chu Thị C và bà Chu Thị H, cụ thể:
- Xác định di sản thừa kế của cụ Chu Đ và cụ Nông Thị C để lại gồm: Tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất 588.000.000 đồng và giá trị 02 thửa đất số 75 và thửa số 76 tại khu 2 thị trấn Đ là 674.539.000 đồng. Tổng giá trị di sản là: 1.262.539.000 đồng (một tỷ hai trăm sáu mươi hai triệu năm trăm ba mươi chín nghìn đồng). Sau khi trừ đi các chi phí mai táng cụ Hoàng Thị N, cụ Chu Đ, chi phí san gạt, xây kè, xây bể, tiền bảo quản, tôn tạo làm tăng giá trị của di sản cho bà Chu Ngọc N1 là 180.362.000 đồng. Di sản thừa kế còn lại là 1.082.177.000 đồng (một tỷ không trăm tám mươi hai triệu một trăm bẩy mươi bẩy nghìn đồng).
- Chia di sản thừa kế của cụ Chu Đ và cụ Nông Thị C cho 07 người gồm: Chu Thị N; Chu Thị K; Chu Thị C; Chu Thị H; Chu Quán N; Chu Ngọc N1;
Chu Quang K, mỗi người được chia kỷ phần là 154.596.000 đồng (một trăm năm mươi tư triệu năm trăm chín mươi sáu nghìn đồng).
- Chia kỷ phần bằng tiền mặt cho ông Chu Quán N; ông Chu Quang K và bà Chu Thị K, mỗi người được nhận là 154.596.000 đồng (một trăm năm mươi tư triệu năm trăm chín mươi sáu nghìn đồng). Sau khi khấu trừ số tiền ông Chu Quán N và ông Chu Quang K mỗi người đã nhận là 45.000.000 đồng, ông Chu Quán N và ông Chu Quang K mỗi người còn được nhận là 109.596.000 đồng; sau khi khấu trừ số tiền bà Chu Thị K đã nhận là 30.000.000 đồng, bà Chu Thị K còn được nhận là 124.596.000 đồng.
- Chia kỷ phần bằng hiện vật cho bà Chu Thị C là 53,85m2 đất tại thửa 76.2.1, vị trí đỉnh thửa là A9, A24, A, B, giá trị của thửa đất là 100.161.000 đồng. Sau khi khấu trừ 15.000.000 đồng đã nhận, bà Chu Thị C còn được nhận thêm 39.435.000 đồng. Bà Chu Thị C được quản lý, sử dụng diện tích kè đá ở phía sau thửa đất và 01 bể nước trên diện tích đất được chia.
- Chia kỷ phần bằng hiện vật cho bà Chu Thị H là 53,85m2 đất tại thửa 76.2.2, vị trí đỉnh thửa là A, B, B6, B7; giá trị của thửa đất là 100.161.000 đồng. Sau khi khấu trừ 12.500.000 đồng đã nhận, bà Chu Thị H còn được nhận thêm 41.935.000 đồng. Bà Chu Thị H được quản lý, sử dụng diện tích kè đá ở phía sau thửa đất được chia.
- Chia kỷ phần bằng hiện vật cho bà Chu Thị N là 40m2 đất (thửa 75), vị trí đỉnh thửa là A10, A11, A12, A13, A14, A20, A21, A22, A23 và 83m2 đất (thửa 76.4), vị trí đỉnh thửa là A15, B1, A16, A19, A5, A22, A21,A20, giá trị của 02 thửa đất là 140.482.000 đồng, bà Chu Thị N còn được nhận thêm 14.114.000 đồng. Số tiền 14.114.000 đồng sẽ được trừ vào số tiền bồi thường bà Chu Thị N đang quản lý. Sau khi khấu trừ bà Chu Thị N có trách nhiệm giao cho bà Chu Ngọc N1 số tiền 105.886.000 đồng để bà Chu Ngọc N1 thanh toán cho các đồng thừa kế khác. Bà Chu Thị N được quản lý, sử dụng 01 cây hồng trên thửa đất được chia.
- Chia kỷ phần bằng hiện vật cho bà Chu Ngọc N1 là 97,7 m2 đất (thửa 76.1), vị trí đỉnh thửa là A9, A10, A23, A24 và 28,8m2 đất (thửa số 76.6), vị trí đỉnh thửa là A1, A2, A17, A18, giá trị của 02 thửa đất là: 333.735.000 đồng. Bà Chu Ngọc N1 phải trả lại phần vượt quá kỷ phần được hưởng là 179.139.000 đồng. Bà Chu Ngọc N1 được quản lý, sử dụng 01 cây bạch đàn, 01 cây nhãn và diện tích kè đá ở phía sau trên thửa đất được chia.
- Bà Chu Ngọc N1 phải trả kỷ phần còn thiếu cho ông Chu Quán N 109.596.000 đồng (một trăm linh chín triệu năm trăm chín mươi sáu nghìn đồng); trả cho ông Chu Quang K 109.596.000 đồng (một trăm linh chín triệu năm trăm chín mươi sáu nghìn đồng); trả cho bà Chu Thị K 124.596.000 đồng (một trăm hai mươi tư triệu năm trăm chín mươi sáu nghìn đồng); trả cho bà Chu Thị C 39.435.000 đồng (ba mươi chín triệu bốn trăm ba mươi lăm nghìn đồng); trả cho bà Chu Thị H 41.935.000 đồng (bốn mươi mốt triệu chín trăm ba mươi lăm nghìn đồng).
- Không chấp nhận yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà Chu Ngọc N1, bà Chu Thị N và bà Nông Thị T.
- Công nhận thỏa thuận giữa các đương sự, theo đó xác định khuôn viên ngôi mộ của họ Hoàng có diện tích 138,9m2 đất tại thửa đất số 76.5, vị trí đỉnh thửa là A2, A3, A4, A19, A16, A17.
- Chấp nhận yêu cầu của bà Vi Thị H được quyền quản lý, sử dụng diện tích đất tại thửa đất số 54.1, diện tích 8,0m2, vị trí đỉnh thửa là A7, A8, B7, B6 và thửa 54.2, diện tích 2,8m2, vị trí đỉnh thửa là B8, B9, A7, B6.
- Chấp nhận yêu cầu của anh Nông Minh Tyêu cầu được quản lý sử dụng thửa đất số 213, diện tích 76,5m2, tờ bản đồ 19, bản đồ địa chính thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn.
Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về nghĩa vụ chịu lãi chậm trả, trách nhiệm làm thủ tục điều chỉnh, đăng ký kê khai quyền sử dụng đất, nghĩa vụ chịu án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo của các đương sự.
Trong hạn luật định, bà Chu Thị N kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết cho bà Chu Thị N được hưởng chi phí bảo quản di sản; tiền công chăm sóc bà Hoàng Thị N; công làm tăng giá trị di sản; Tòa án cấp sơ thẩm xác định giá trị đất của thửa 75, 76 không đúng với thực tế của địa phương.
Bà Chu Thị C, Chu Thị H kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị sửa bản án sơ thẩm với lý do: Cần xác định 03 lô đất tái định cư là di sản thừa kế; tiền mai táng phí, trông giữ di sản mà Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết cho bà Chu Thị N1 là quá cao; Tòa án cấp sơ thẩm xác định bà Chu Thị C đã nhận 15.000.000 đồng, bà Chu Thị H đã nhận 12.500.000 đồng từ số tiền đền bù là không có căn cứ.
Bà Chu Thị N1 kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu hủy bản án sơ thẩm với lý do: Tòa án nhân dân huyện Đ giải quyết vụ án có yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không đúng thẩm quyền; Bản án sơ thẩm xác định sai giá trị di sản thừa kế dẫn đến việc chia kỷ phần di sản thừa kế sai; không tính đầy đủ tiền và công sức nuôi dưỡng, chăm sóc, mai táng, hương khói cho cụ Hoàng Thị N và Chu Đ, công sức san ủi, xây kè, xây bể, xây mộ, nộp thuế, trông giữ, tôn tạo làm tăng giá trị của di sản thừa kế.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo;
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn Chu Thị N1 đề nghị hủy bản án sơ thẩm.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn.
Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn:
- Về thủ tục tố tụng: Hội đồng xét xử, thẩm phán, thư ký và các đương sự chấp hành đúng các quy định của pháp luật.
- Về nội dung kháng cáo của các đương sự: Không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của các đương sự; tuy nhiên xem xét quyền lợi của bị đơn bà Chu Thị N1 thấy rằng án sơ thẩm tính công chăm sóc bố, chi phí mai táng, xây kè đá… cho bà N bằng một kỷ phần là có phần thiệt thòi, nên cần sửa bản án sơ thẩm theo hướng tính công sức… cho bà N bằng hai kỷ phần.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về sự vắng mặt của người tham gia tố tụng: Tại phiên tòa, bị đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt không có lý do, mặc dù phiên tòa đã được triệu tập hợp lệ lần thứ ba, một số đã có đơn xin xét xử vắng mặt. Xét, quá trình giải quyết vụ án, người tham gia tố tụng vắng mặt nói trên đã cung cấp lời khai, văn bản nêu ý kiến và đề nghị giải quyết vắng mặt. Do đó, căn cứ khoản 3 Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt những người tham gia tố tụng nói trên.
[2] Xét nội dung kháng cáo của các đương sự Chu Thị N, Chu Thị C, Chu Thị H và Chu Ngọc N1 thấy rằng:
[3] Đối với kháng cáo của bà Chu Thị N yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết cho bà Chu Thị N được hưởng chi phí bảo quản di sản; tiền công chăm sóc bà Hoàng Thị N; công làm tăng giá trị di sản; Tòa án cấp sơ thẩm xác định giá trị đất của thửa 75, 76 không đúng với thực tế của địa phương; kháng cáo như vậy nhưng bà không đưa ra được căn cứ nào xác đáng để chứng minh cho yêu cầu của bà, tại phiên tòa phúc thẩm bà cũng không đưa ra được căn cứ nào mới. Xét, cấp sơ thẩm đã xem xét toàn diện, tính toán đến công sức bảo quản di sản, công chăm sóc phụng dưỡng bố mẹ để ấn định kỷ phần được hưởng thừa kế là phù hợp; cần phải hiểu rõ đó cũng chỉ là tương đối bởi công chăm sóc phụng dưỡng bố mẹ vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ của người con theo quy định của pháp luật và cũng là đạo đức của con cái đối với bố mẹ nên không thể đem cân đong đo đếm bằng giá trị vật chất cụ thể để tính toán, cho nên cho dù là có cân nhắc tính toán theo quy định của pháp luật thì cũng chỉ mang tính tương đối; về vấn đề giá cả, tuy bà Niên cho rằng án sơ thẩm tính toán không phù hợp giá cả tại địa phương nhưng bà cũng không đưa ra được giá cả nào là hợp lý để làm căn cứ. Vì vậy án sơ thẩm căn cứ vào giá cả của Hội đồng định giá làm cơ sở để giải quyết vụ án là phù hợp. Với lý do đó không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Chu Thị N.
[4] Đối với kháng cáo của Bà Chu Thị C, Chu Thị H kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị sửa bản án sơ thẩm với lý do: Cần xác định 03 lô đất tái định cư là di sản thừa kế; tiền mai táng phí, trông giữ di sản mà Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết cho bà Chu Thị N1 là quá cao; Tòa án cấp sơ thẩm xác định bà Chu Thị C đã nhận 15.000.000 đồng, bà Chu Thị H đã nhận 12.500.000 đồng từ số tiền đền bù là không có căn cứ. Xét, về ba lô đất tái định cư; khi nhà nước thu hồi đất để làm đường thì trên diện tích đất bị thu hồi có ba hộ gia đình đang sinh sống trên đó gồm hộ bà Chu Thị N1, hộ bà Chu Thị N và hộ bà Nông Thị T. Do đủ điều kiện để được giao đất tái định cư nên cả ba hộ đều được Nhà nước giao đất tái định cư và phải trả tiền sử dụng đất cho Nhà Nước bằng tiền cá nhân. Như vậy, việc được nhận đất tái định cư là do nhu cầu về chỗ ở và đáp ứng đủ các điều kiện đồng thời phải trả tiền sử dụng đất cho Nhà Nước, đó là điều kiện và tiền của cá nhân các hộ gia đình, không phải việc khi thu hồi đất Nhà Nước đền bù bằng đất và tiền cho người có đất bị thu hồi. Do đó không thể coi ba lô đất tái định cư đã cấp cho các hộ bà Chu Thị N, bà Chu Thị N1, Nông Thị T là di sản để chia thừa kế. Về ý kiến cho rằng tiền chi phí mai táng, chi phí trông giữ di sản Tòa ấn định là quá cao; mặc dù đưa ra ý kiến như vậy nhưng bà Chu Thị C, Chu Thị H cũng không đưa ra được căn cứ nào làm cơ sở để Tòa xem xét, cho nên việc Tòa sơ thẩm đã căn cứ vào kết quả của Hội đồng xem xét thẩm định giá tài sản để ấn định là đúng quy định. Đối với số tiền bà Chu Thị C đã nhận 15.000.000 đồng, bà Chu Thị H đã nhận 12.500.000 đồng từ số tiền đền bù do bị thu hồi 200m2 đất là 240.000.000 đồng; mặc dù bà Chu Thị C và bà Chu Thị H cho rằng chưa được nhận với bà Chu Thị N1nhưng không đưa ra được căn cứ nào để chứng minh, tuy nhiên theo lời khai của bà Chu Thị N1đều khai nhận sau khi nhận tiền đền bù bà đã chia cho ông Chu Quán N, ông Chu Quang K mỗi người 45.000.000 đồng, bà Chu Thị K 30.000.000 đồng, bà Chu Thị C 15.000.000 đồng, bà Chu Thị H 12.500.000 đồng; ông Nhất, ông Khánh, bà Khoa cũng đều thừa nhận, quá trình điều tra xác minh không ai có ý kiến về việc này và bản thân bà Chu Thị C, Chu Thị H cũng không có ý kiến khác, nên các ý kiến của bà C, bà Hạnh không có căn cứ để xem xét.
[5] Đối với kháng cáo của bà Chu Thị N1 cho rằng: Tòa án nhân dân huyện Đình Lập giải quyết vụ là không đúng thẩm quyền; xác định sai giá trị di sản thừa kế dẫn đến việc chia kỷ phần di sản thửa kế sai; không tính đầy đủ tiền và công sức nuôi dưỡng, chăm sóc, mai táng, hương khói cho cụ Hoàng Thị N và Chu Đ, công sức san ủi, xây kè, xây bể, xây mộ, nộp thuế, trông giữ, tôn tạo làm tăng giá trị của di sản thừa kế. Hội đồng xét xử nhận thấy: Đây là vụ kiện tranh chấp di sản thừa kế, đối tượng là quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất là di sản thừa kế, không có tranh chấp quyền sử dụng đất với người thứ ba, cho nên khi giải quyết chia di sản thừa kế không phụ thuộc vào đất đó đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chưa, đồng nghĩa với việc không phải xem xét hủy hay không hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nếu có căn cứ rõ ràng phải hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mới giải quyết được vụ án thì khi đó sẽ xác định thẩm quyền; như vậy Tòa án nhân dân huyện Đình Lập thụ lý giải quyết vụ án không sai thẩm quyền. Về các ý kiến khác, cũng như đã phân tích nêu trên về công sức nuôi dưỡng, chăm sóc, mai táng, hương khói bố mẹ vừa là nghĩa vụ trách nhiệm của con theo quy định của pháp luật và cũng là đạo đức của con đối với bố mẹ nên không thể cân đo tính toán bằng giá trị vật chất cụ thể; với yêu cầu kháng cáo của bà tuy nêu giá cả không tính toán đầy đủ nhưng bà cũng không đưa ra được căn cứ nào để chứng minh, xét thấy án sơ thẩm đã xem xét đầy đủ công sức trông giữ, tôn tạo di sản phù hợp phong tục tập quán và giá cả tại địa phương; do đó không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bà Chu Thị N1.
[6] Như vậy, yêu cầu kháng cáo của người kháng cáo không có căn cứ để chấp nhận nên cần giữ nguyên bản án sơ thẩm; các ý kiến của Kiểm sát viên và của luật sư tại phiên tòa phù hợp với nhận định nêu trên được Hội đồng xét xử chấp nhận; còn các ý kiến khác không phù hợp với nhận định nên không được chấp nhận.
[7] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận, nên người kháng cáo phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; đương sự thuộc đối tượng được miễn án phí không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
[8] Các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự; Điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị Quyết 326/2016/UBTV-QH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của các đương sự Chu Thị N, Chu Thị C, Chu Thị H và Chu Ngọc N1 (Chu Thị N1).
1. Xử giữ nguyên bản án sơ thẩm số: 05/2020/DS-ST ngày 22 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn.
2. Án phí dân sự phúc thẩm:
2.1. Bà Chu Thị N được miễn tiền án phí phúc thẩm.
2.2. Bà Chu Thị C phải chịu 300.000 đồng tiền án phí phúc thẩm. Xác nhận bà Chu Thị C đã nộp theo biên lai số: AA/2012/04305 ngày 23/10/2020 tại Chi cục thi hành án Dân sự huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn.
2.3. Bà Chu Thị H phải chịu 300.000 đồng tiền án phí phúc thẩm. Xác nhận bà Chu Thị H đã nộp theo biên lai số: AA/2012/04304 ngày 23/10/2020 tại Chi cục thi hành án Dân sự huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn.
2.4. Bà Chu Ngọc N1 (Chu Thị N1) phải chịu 300.000 đồng tiền án phí phúc thẩm. Xác nhận bà Chu Ngọc N1 (Chu Thị N1) đã nộp theo biên lai số: AA/2012/04301 ngày 19/10/2020 tại Chi cục thi hành án Dân sự huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 20/2021/DS-PT ngày 18/03/2021 về tranh chấp thừa kế tài sản và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Số hiệu: | 20/2021/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Lạng Sơn |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 18/03/2021 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về