Bản án 20/2019/LĐ-ST ngày 22/10/2019 về tranh chấp hợp đồng lao động

TOÀ ÁN NHÂN DÂN QUẬN GÒ VẤP, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 20/2019/LĐ-ST NGÀY 22/10/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Ngày 22 tháng 10 năm 2019, tại Phòng xử án của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 06/2019/TLST-LĐ ngày 29 tháng 3 năm 2019 về: “Tranh chấp về hợp đồng lao động” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 220/2019/QĐXXST-LĐ ngày 26 tháng 8 năm 2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số 188/2019/QĐST-LĐ ngày 24 tháng 9 năm 2019 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Trường Đại học T; Địa chỉ: phường T, Quận B, TP. Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Phan Thanh H, sinh năm 1971;

Địa chỉ: phường T, Quận MH, TP. Hồ Chí Minh là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền đề ngày 17 tháng 4 năm 2019).

- Bị đơn: Ông Z, sinh năm 1971; Địa chỉ cư trú: Phường MB, quận G, TP. Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn có đơn xin vắng mặt; bị đơn được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện đề ngày 20 tháng 9 năm 2018 và quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là Trường Đại học T do ông Phan Thanh H là người đại diện theo ủy quyền trình bày: Vào ngày 01/9/2017, ông Z và Trường Đại học T có ký kết với nhau hợp đồng lao động dài hạn số 517/2017/TDT-HDLV. Theo hợp đồng, ông Z được tuyển dụng vào làm việc tại Trường Đại học T với chức danh công việc là nghiên cứu viên Khoa quản lý khoa học và phát triển kỹ thuật; mức lương hàng tháng là 22.750.000 đồng; thời hạn hợp đồng là 12 tháng từ ngày 01/9/2017 đến ngày 31/8/2018.

Sau khi ký hợp đồng, Trường Đại học T đã chuyển cho ông Z 03 tháng lương sau khi đã trừ thuế gồm tháng 9/2017 là 21.372.062 đồng, tháng 10/2017 là 21.437.500 đồng và tháng 11/2017 là 21.437.500 đồng. Tổng cộng là 64.247.062 đồng. Việc chi trả này được thực hiện tại Ngân hàng TMCP Phương Đông - Chi nhánh Tân Thuận thông qua ủy nhiệm chi, đã được Ngân hàng TMCP Phương Đông - Chi nhánh Tân Thuận xác nhận. Phía Trường cũng đã yêu cầu ông Z phải cung cấp hồ sơ, bằng cấp chuyên môn để Trường làm giấy phép lao động, đồng thời ông Z phải tham gia công việc mà ông đã cam kết với nhà trường. Tuy nhiên, ông Z chưa làm việc bất cứ ngày nào, cũng không tham gia bất kỳ hoạt động nào của Trường cũng như công bố các ấn bản theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Sau nhiều lần nhắc nhở và lập biên bản ghi nhận lại sự việc ông Z không thực hiện công việc. Đến ngày 15/01/2018, Trường Đại học T có công văn số 63/2018/TĐT-CV gửi ông Z, yêu cầu ông phải hoàn trả toàn bộ kinh phí đã nhận là 64.247.062 đồng vì ông đã không cung cấp đầy đủ thông tin để nhà trường hoàn tất thủ tục làm giấy phép lao động, đã từ chối tham gia tất cả những lời mời làm việc từ phía nhà trường, không thực hiện đúng các cam kết với nhà trường. Tuy nhiên ông Z vẫn không hợp tác.

Nhận thấy, ông Z sau khi ký hợp đồng lao động với Trường Đại học T đã không thực hiện bất kỳ cam kết nào với nhà trường, không làm việc một ngày nào cho nhà trường dù đã nhận tiền lương theo thỏa thuận. Hợp đồng lao động dài hạn số 517/2017/TDT-HDLV ký ngày 10/9/2017 giữa ông Z và Trường Đại học T đã vi phạm điều cấm của luật vì theo quy định tại Điều 169 Bộ luật lao động thì lao động là công dân nước ngoài lao động tại Việt Nam phải có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Trong trường hợp này, mặc dù ông Z có đầy đủ điều kiện vào làm việc tại Việt Nam nhưng ông không tiến hành các thủ tục cần thiết để xin cấp giấy phép lao động hợp pháp nên chưa đủ điều kiện để ký kết các hợp đồng lao động tại Việt Nam. Hợp đồng lao động đã ký giữa Trường Đại học T và ông Z đã vi phạm các quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 và Điều 50 Bộ luật lao động.

Nay, Trường Đại học T yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng lao động dài hạn số 517/2017/TDT-HDLV ký ngày 01/9/2017 giữa ông Z và Trường Đại học T là vô hiệu toàn bộ và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu theo quy định của pháp luật. Cụ thể: Buộc ông Z phải giao trả lại toàn bộ số tiền đã nhận là 64.247.062 đồng và trả tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ hoàn trả tiền theo mức lãi suất 10%/năm kể từ ngày 15/01/2018 là ngày Trường gửi công văn thông báo cho ông Z đến ngày giải quyết xong vụ án bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Nhà trường cũng không giữ bất kỳ tài sản hay giấy tờ gì của ông Zubi Ghassan.

Quá trình giải quyết vụ án, bị đơn là ông Z đã được Tòa án tống đạt Thông báo về việc thụ lý vụ án và triệu tập hợp lệ nhưng vẫn không có mặt tại Tòa án để làm bản tự khai, tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải cũng như tham gia phiên tòa nên Tòa án không ghi nhận được ý kiến của bị đơn.

Tại phiên tòa, nguyên đơn là Trường Đại học T do ông Phan Thanh H là người đại diện theo ủy quyền vắng mặt có đơn xin xét xử vắng mặt và gửi đơn đề ngày 18/10/2019 xin rút lại phần yêu cầu bị đơn trả tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ hoàn trả tiền theo mức lãi suất 10%/năm kể từ ngày 15/01/2018 đến ngày giải quyết xong vụ án bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Nguyên đơn vẫn giữ yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng lao động dài hạn số 517/2017/TDT-HDLV ký ngày 01/9/2017 giữa ông Z và Trường Đại học T là vô hiệu toàn bộ và yêu cầu bị đơn trả lại số tiền đã nhận là 64.247.062 đồng ngay khi án có hiệu lực pháp luật.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Gò Vấp tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:

Về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án: Thẩm phán chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về xác minh, thu thập chứng cứ; cấp, tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng; quyết định đưa vụ án ra xét xử và chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát đúng thời hạn. Tại phiên tòa Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa thực hiện đúng quy định về nội quy phiên tòa sơ thẩm. Nguyên đơn thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, bị đơn không thực hiện đúng quy định tại Điều 70, Điều 72 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về việc giải quyết vụ án: Đối với yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng lao động dài hạn số 517/2017/TDT-HDLV ký ngày 01/9/2017 giữa ông Z và Trường Đại học T là vô hiệu toàn bộ. Xét hợp đồng lao động nêu trên đã vi phạm quy định của Bộ luật lao động về giấy phép lao động đối với công dân nước ngoài lao động tại Việt Nam nên căn cứ quy định của Bộ luật lao động và Bộ luật dân sự 2015, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn tuyên bố hợp đồng lao động nêu trên vô hiệu toàn bộ.

Về yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, đề nghị chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn trả lại số tiền đã nhận là 64.247.062 đồng. Đình chỉ yêu cầu trả tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ hoàn trả tiền theo mức lãi suất 10%/năm kể từ ngày 15/01/2018 đến ngày giải quyết xong vụ án bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật do nguyên đơn rút yêu cầu.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết: Căn cứ hồ sơ vụ án thể hiện Trường Đại học T và ông Z có giao kết hợp đồng lao động. Do phía ông Z vi phạm nghĩa vụ hợp đồng nên xảy ra tranh chấp. Trường Đại học T đã yêu cầu Hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động nhưng không thành. Vì vậy, có cơ sở xác định đây là vụ án tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 32 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Ngày 08/10/2018, Tòa án nhân dân quận Gò Vấp đã thụ lý đơn khởi kiện của Trường Đại học T. Ngày 21/01/2019 Tòa án có quyết định chuyển vụ án dân sự số 01/2019/QĐ-TA đến Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết theo thẩm quyền. Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sau đó xác định vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp nên ngày13/3/2019 đã ra quyết định số 212/2019/QĐST-DS chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân quận Gò Vấp giải quyết. Căn cứ theo phiếu lý lịch tư pháp số 2 ngày 27/6/2017 của Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh, xác nhận: Ông Z, nơi tạm trú: Phường MB, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh. Tại giấy miễn thị thực cấp ngày 14/6/2016 cho ông Z được nhập cảnh vào Việt Nam nhiều lần đến ngày 13/6/2021 và theo kết quả xác minh của Công an Phường 14, quận Gò Vấp xác nhận: Đương sự Z - sinh năm 1971, trước đây cư ngụ tại địa chỉ Phường MB, quận G từ tháng 10/2015 đến tháng 4/2018, hiện không còn cư ngụ tại đây do đã bán căn hộ, chuyển đi đâu không rõ.

Như vậy, tại thời điểm ký hợp đồng lao động dài hạn số 517/2017/TDT-HDLV ngày 01/9/2017, bị đơn có nơi cư trú tại địa chỉ Phường MB, quận G. Nguyên đơn không biết địa chỉ nào khác của bị đơn nên căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 5 và khoản 1 Điều 6 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 5 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, có cơ sở xác định đơn khởi kiện của nguyên đơn đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú cuối cùng của bị đơn mà người khởi kiện biết được gần nhất, tính đến thời điểm khởi kiện và được cơ quan có thẩm quyền cấp, xác nhận. Căn cứ điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự và điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 5 năm 2017 của Tòa án nhân dân Tối cao thì việc ông Z thay đổi nơi cư trú gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong hợp đồng lao động mà không thông báo cho Trường Đại học T biết về nơi cư trú mới theo quy định tại khoản 3 Điều 40 Bộ luật Dân sự 2015 được coi là cố tình giấu địa chỉ, nên xác định bị đơn có nơi cư trú cuối cùng tại địa chỉ Phường MB, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 35, và điểm a khoản 1 Điều 40 của Bộ luật tố tụng dân sự xác định vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.

[2] Về sự vắng mặt của các đương sự: Tại phiên tòa, nguyên đơn là Trường Đại học T do ông Phan Thanh H là người đại diện theo ủy quyền vắng mặt, có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa, ông Z đã được Tòa án tống đạt các văn bản tố tụng theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn vắng mặt không có lý do, không có lời khai và các tài liệu, chứng cứ giao nộp cho Tòa án để thể hiện sự phản đối yêu cầu của nguyên đơn. Như vậy, ông Z đã tự tước bỏ quyền được chứng minh của mình nên phải chịu hậu quả của việc không chứng minh theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự. Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 227 và khoản 3 Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự và lấy yêu cầu khởi kiện, lời khai của nguyên đơn và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để xem xét giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 92 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[3] Về yêu cầu của nguyên đơn: Theo đơn khởi kiện và quá trình giải quyết vụ án thì nguyên đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng lao động dài hạn số 517/2017/TDT-HDLV ký ngày 01/9/2017 giữa ông Z và Trường Đại học T là vô hiệu toàn bộ do ông Z là công dân nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam nên đã vi phạm điều cấm của luật.

[4] Qua xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời trình bày của đương sự, Hội đồng xét xử xét thấy, theo quy định tại Điều 3 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 xác định: “1. Người nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. 2. Giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc Liên hợp quốc cấp, gồm hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu (sau đây gọi chung là hộ chiếu)”. Căn cứ hộ chiếu số 30643489 do Nhà nước Israel cấp cho ông Z có cơ sở xác định ông Z là công dân của nước Israel. Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 169 Bộ luật lao động năm 2012 thì một trong những điều kiện của lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam là phải có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ các trường hợp quy định tại Điều 172 của Bộ luật này. Theo hợp đồng lao động thì ông Z có học vị Tiến sỹ về năng lượng, chức danh công việc là Nghiên cứ viên, Khoa quản lý khoa học và phát triển kỹ thuật. Ông Z không có chứng cứ chứng minh không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại Điều 172 của Bộ luật lao động nên ông phải có giấy phép lao động trước khi ký hợp đồng lao động với Trường Đại học T. Theo lời trình bày tại Tòa án và các văn bản Trường Đại học T đã gửi cho ông Z thể hiện cho đến nay, ông cũng không hợp tác cung cấp thông tin để nhà trường hoàn tất thủ tục làm giấy phép lao động. Như vậy, từ khi ký hợp đồng lao động số 517/2017/TDT-HDLV ngày 01/9/2017 đến nay, ông Z vẫn chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép lao động là đã vi phạm điều cấm của luật, vi phạm các quy định tại điểm a khoản 1 Điều 50 Bộ luật lao động; điểm c khoản 1 Điều 117, Điều 123 Bộ luật dân sự 2015.

Vì lẽ đó, nguyên đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng lao động dài hạn số 517/2017/TDT-HDLV ký ngày 01/9/2017 giữa ông Z và Trường Đại học T vô hiệu toàn bộ là có cơ sở để chấp nhận.

[5] Về xử lý hợp đồng lao động vô hiệu: Nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả lại số tiền đã nhận là 64.247.062 đồng. Hội đồng xét xử xét thấy, căn cứ văn bản số 41/2018/CV-OCB ngày 14/9/2018 của Ngân hàng TMCP Phương Đông xác nhận: Đã chuyển lương tháng 9/2017 là 21.372.062 đồng, tháng 10/2017 là 21.437.500 đồng và tháng 11/2017 là 21.437.500 đồng vào tài khoản của ông Z dựa trên ủy nhiệm chi và danh sách nhân viên nhận lương của Trường Đại học T. Theo trình bày của nguyên đơn thì số tiền bị đơn đã nhận 64.247.062 đồng là số tiền đã trừ thuế. Cũng theo trình bày của nguyên đơn thì sau khi ký hợp đồng lao động, ông Z đã không thực hiện bất kỳ cam kết nào với nhà trường, không làm việc ngày nào, không tham gia bất kỳ hoạt động nào cũng như công bố các ấn bản theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Điều này cũng phù hợp với các tài liệu, chứng cứ là các lịch công tác tuần và các biên bản làm việc do nguyên đơn cung cấp, thể hiện ông Z không đến tham gia các buổi họp, làm việc và tập huấn theo thông báo của Trường Đại học T. Vì vậy, không có cơ sở để xem xét, giải quyết quyền và lợi ích của ông Z theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 52 của Bộ luật lao động. Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử thấy cần căn cứ vào Điều 4, Điều 131 và Điều 407 Bộ luật dân sự năm 2015 để chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn trả lại số tiền đã nhận là 64.247.062 đồng.

[6] Về phần yêu cầu trả tiền lãi: Ngày 18/10/2019, nguyên đơn có đơn xin rút lại phần yêu cầu bị đơn trả tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ hoàn trả tiền theo mức lãi suất 10%/năm kể từ ngày 15/01/2018 đến ngày giải quyết xong vụ án bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Căn cứ vào khoản 2 Điều 244 của Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu này của nguyên đơn.

[7] Xét việc bị đơn vi phạm nghĩa vụ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn nên việc nguyên đơn yêu cầu buộc bị đơn trả lại toàn bộ số tiền trên ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật là có cơ sở để chấp nhận.

[8] Xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Gò Vấp về việc giải quyết vụ án là có cơ sở và phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[9] Về án phí lao động sơ thẩm: Do chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nên bị đơn phải chịu án phí lao động sơ thẩm trên số tiền phải trả cho nguyên đơn là: 64.247.062 đồng x 03% = 1.927.412 đồng. Trả lại cho nguyên đơn tiền tạm ứng án phí đã nộp.

[10] Về quyền kháng cáo: Các đương sự được quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 32; điểm c khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 40; khoản 2 và khoản 4 Điều 91; khoản 2 Điều 92; điểm e khoản 1 Điều 192; khoản 2 Điều 227; khoản 1 và khoản 3 Điều 228; khoản 2 Điều 244; Điều 271; khoản 1 Điều 273; khoản 1 Điều 280 và khoản 1 Điều 516 của Bộ luật tố tụng dân sự;

Căn cứ vào Điều 4; khoản 3 Điều 40; điểm c khoản 1 Điều 117; Điều 123; Điều 131 và Điều 407 của Bộ luật Dân sự năm 2015;

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 50; điểm b khoản 2 Điều 52 và điểm d khoản 1 Điều 169 của Bộ luật lao động năm 2012;

Căn cứ Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014;

Căn cứ Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 5 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án.

Căn cứ khoản 2 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Căn cứ Luật Thi hành án dân sự.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Trường Đại học T:

1.1. Tuyên bố hợp đồng lao động dài hạn số 517/2017/TDT-HDLV ký ngày 01 tháng 9 năm 2017 giữa Trường Đại học T và ông Z vô hiệu toàn bộ;

1.2. Ông Z có trách nhiệm hoàn trả cho Trường Đại học T số tiền đã nhận là:

64.247.062 đồng (Sáu mươi bốn triệu, hai trăm bốn mươi bảy ngàn, không trăm sáu mươi hai đồng).

Hoàn trả ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.

2. Đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu của Trường Đại học T yêu cầu ông Z trả tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ hoàn trả tiền theo mức lãi suất 10%/năm kể từ ngày 15/01/2018 đến ngày giải quyết xong vụ án bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

3. Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Về án phí:

4.1. Án phí lao động sơ thẩm ông Z phải chịu là: 1.927.412 đồng (Một triệu, chín trăm hai mươi bảy ngàn, bốn trăm mười hai đồng);

4.2. Trả lại cho Trường Đại học T số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 1.027.953 đồng (Một triệu, không trăm hai mươi bảy ngàn, chín trăm năm mươi ba đồng) theo Biên lai thu số 0001304 ngày 05 tháng 10 năm 2018 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.

5. Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đương sự không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2954
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 20/2019/LĐ-ST ngày 22/10/2019 về tranh chấp hợp đồng lao động

Số hiệu:20/2019/LĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận Gò Vấp - Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 22/10/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;