TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
BẢN ÁN 18/2020/DS-PT NGÀY 19/08/2020 VỀ YÊU CẦU CHIA THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT THEO DI CHÚC
Ngày 19 tháng 8 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 29/2020/TLPT ngày 17 tháng 02 năm 2020, về Yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 01/2019/DS-ST ngày 17 tháng 12 năm 2019 của Toà án nhân dân huyện L bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 35/2020/QĐPT-DS ngày 03 tháng 6 năm 2020, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Anh Lò Văn B, sinh năm 1998. Địa chỉ: Bản G, xã M, huyện L, tỉnh Sơn La. Có đơn xin xét xử vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền: Bà Lò Thị K, sinh năm 1963. Địa chỉ: Bản G, xã M, huyện L, tỉnh Sơn La. Có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Bùi Việt Anh, bà Dương Thị H - Luật sư Văn phòng luật quốc tế Bình An, thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội. Có mặt.
Bị đơn: Ông Lèo Văn H. Địa chỉ: Bản G, xã M, huyện L, tỉnh Sơn La. Có đơn xin xét xử vắng mặt.
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Ông Lò Văn N, sinh năm 1959, địa chỉ: bản G, xã M, huyện L, tỉnh Sơn La. Có đơn xin xét xử vắng mặt.
- Bà Lò Thị K, sinh năm 1963, địa chỉ: bản G, xã M, huyện L, tỉnh Sơn La. Có mặt.
- Bà Lò Thị O, sinh năm 1966, địa chỉ: bản G, xã M, huyện L, tỉnh Sơn La. Vắng mặt.
- Bà Lò Thị Y, sinh năm 1968, địa chỉ: bản G, xã M, huyện L, tỉnh Sơn La. Có mặt.
- Bà Lò Thị H, sinh năm 1978, đang chấp hành án tại Trại giam Yên Hạ - Sơn La, có đơn xin xét xử vắng mặt.
- Chị Quàng Thị H, sinh năm 1992, địa chỉ: Bản G, xã M, huyện L, tỉnh Sơn La. Vắng mặt.
Người kháng cáo: Nguyên đơn anh Lò Văn B.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Theo đơn khởi kiện, bản tự khai và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nguyên đơn anh Lò Văn B trình bày:
Anh B là cháu nội của cụ Lò Văn A, cụ Lò Thị C. Địa chỉ: Bản G, xã M, huyện L. Sau khi anh B sinh được hai tháng thì bố chết, mẹ bỏ đi lấy chồng khác để lại anh cho ông bà nội chăm sóc nuôi dưỡng, đến năm 2012, cụ C viết chữ vào sau bức ảnh của cụ và anh B chụp chung với nhau có nội dung, cụ C và cụ A để lại toàn bộ tài sản cho anh B trong đó có mảnh nương trồng nhãn và vườn tre, được mọi người gọi là (Pú Sang ông A) hai bên đường lên Pú Mèo.
Đến ngày 20/4/2015, cụ Lò Thị C có lập bản di chúc với nội dung toàn bộ tài sản của cụ A, cụ C để lại cho Lò Văn B và bà Lò Thị H gồm: 02 thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt GCNQSDĐ) mang kí hiệu số Q 545248, cấp ngày 23/02/2000, mang tên Lò Văn A, có tổng diện tích là 2.470m2, địa chỉ thửa đất tại: Bản G, xã M, huyện L, tỉnh Sơn La. Trong bìa đỏ có hai thửa đất gồm: thửa số: 31, tờ bản đồ số Q16-2 có diện tích là 270m2; thửa số: 52, tờ bản đồ số Q16-2 có diện tích là 2.200m2. Đến ngày 28/7/2015 (âm lịch) cụ C chết, anh Lò Văn B đã sử dụng toàn bộ số tài sản do cụ A, cụ C để lại. Đầu năm 2016, ông Lò Văn H đã chiếm mảnh đất thuộc thửa số 52, tờ bản đồ số Q16-2 diện tích là 2.200m2. Do đó, anh B khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết, buộc ông Lò Văn H trả lại toàn bộ diện tích đất đã lấn chiếm là 2.200m2.
Bị đơn ông Lò Văn H và bà Lò Thị O trình bày:
Năm 1989, vợ chồng ông đã tự khai phá rừng bông lau tại địa điểm đường lên Pú Mèo, khu vực dưới mương của bản Bản G, xã M, huyện L, diện tích khoảng 5.000m2. Đầu năm 1994, gia đình ông đã trồng cây nhãn nhưng không có hiệu quả nên đầu năm 2017, ông bà đã chặt đi và ghép mới. Đến khoảng tháng 3/2017, anh Lò Văn B cho rằng đất ông đang sử dụng đã chiếm đất của cụ A cụ C mà có. Ông H, bà O cho rằng đất cụ A, cụ C anh B đòi lại là mảnh đất giáp với đất của ông đang sử dụng, hiện nay con cả của cụ A, cụ C là ông Lò Văn N đang quản lý, sử dụng ông không được lấn chiếm đất của cụ A, cụ C. Do đó, không nhất trí với nội dung khởi kiện của anh Lò Văn B.
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:
- Ông Lò Văn N trình bày: cụ Lò Văn A, cụ Lò Thị C là bố mẹ đẻ, khi hai cụ còn sống đã tạo dựng được một số tài sản, trong đó: có một mảnh nương ở Pú Mèo diện tích khoảng 6.500m2 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện nay bà Lò Thị K đang sử dụng một mảnh khoảng 2.000m2, số còn lại ông đang quản lý sử dụng. Ông N cho rằng khi hai cụ mất không để lại di chúc, bà Lò Thị K đã nhờ Lò Văn Minh làm một bản di chúc trước khi cụ C mất. Do vậy, đối với tài sản của hai cụ để lại ông là người được quản lý, sử dụng và định đoạt. Đối với anh Lò Văn B khởi kiện ông Lèo Văn H đòi lại mảnh đất nương ở Pú Mèo là không đúng, mảnh đất nương ông H đang sử dụng không phải của cụ A, cụ C khai phá.
Thửa đất của hai cụ khai phá là thửa đất hiện tại ông đang quản lý, sử dụng và không nằm trong GCNQSDĐ của anh B đang khởi kiện đòi lại thửa số 52, tờ bản đồ số Q16-2 có diện tích 2.200m2. Ông N khẳng định không biết thửa đất số 52, tờ bản đồ số Q16-2 diện tích 2.200m2 nằm ở vị trí nào ở khu vực Pú Mèo nên không nhất trí yêu cầu khởi kiện của anh B.
- Bà Lò Thị H trình bày:
Việc cụ A, cụ C lập bản di chúc là hợp pháp, khi lập hai cụ còn minh mẫn, có chỉnh sửa một chút trong bản di chúc nhưng sự chỉnh sửa đó thể hiện ý chí và nguyện vọng của cụ C. Bà H yêu cầu xem xét giải quyết đúng nội dung bản di chúc. Hiện nay bà đang chấp hành án phạt tù nên không yêu cầu xem xét giải quyết về việc chia phần tài sản bà được hưởng.
- Bà Lò Thị Y trình bày:
Bà là con gái của cụ A, cụ C, khi hai cụ còn sống đã viết bản di chúc bằng chữ dân tộc Thái, mong muốn của hai cụ sau khi mất để lại toàn bộ tài sản cho cháu Lò Văn B. Khối tài sản của hai cụ gồm: 01 ngôi nhà sàn và một số mảnh nương diện tích khoảng 8.000m2 ở khu vực Pú Sang (được cấp bìa đỏ là 2.200m2). Hiện nay mảnh đất này ông Lèo Văn H và ông Lò Văn N đang quản lý, sử dụng 2 phần. Theo bà Y cho rằng bản di chúc là hợp pháp, bản thân bà không yêu cầu chia thừa kế để lại cho cháu B.
- Chị Quàng Thị H trình bày:
Chị là con gái ruột của bà Lò Thị Niến, cháu ngoại của cụ A, cụ C (bà Niến đã chết). Việc anh Lò Văn B khởi kiện yêu cầu ông Lèo Văn H trả lại mảnh đất nương, chị không có ý kiến gì đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
- Bà Lò Thị K trình bày:
Việc gia đình bà có tranh chấp đất với vợ chồng ông Lèo Văn H, bà Lò Thị O, bà K thừa nhận việc tranh chấp đất không phải đất của gia đình bà mà là đất của anh Lò Văn B. Hiện nay anh B đang có tranh chấp với vợ chồng ông H, bà K cho rằng bản di chúc là hợp pháp, bản thân bà không yêu cầu chia thừa kế để lại cho cháu B.
Theo biên bản xác minh của những người làm chứng:
Lò Văn Xuấn cho biết ông và vợ chồng ông A bà C có quan hệ là họ hàng với nhau nên thường xuyên qua lại, ông A và bà C nói sau khi chết để lại toàn bộ tài sản của ông bà cho cháu Lò Văn B. Phần của các con ông bà đã cho tài sản khi đi xây dựng gia đình, anh Lò Văn N con trưởng nhưng không quan tâm chăm sóc ông bà. Đến năm 2015, khi bà C ốm ông có đến thăm lúc đó bà vẫn tỉnh táo, minh mẫn đưa cho ông xem bản di chúc của bà, nội dung bản di chúc để lại toàn bộ tài sản cho cháu B và cháu Lò Văn Thành (con bà Lò Thị H) và bảo ông ký với tư cách là người làm chứng.
Ông Lò Văn O cho biết ông và vợ chồng ông A bà C có quan hệ là họ hàng nên hay qua lại thăm hỏi nhau, ông A và bà C tâm sự sau khi ông bà chết sẽ lại toàn bộ tài sản cho cháu nội Lò Văn B và cháu ngoại là Lò Văn Thành (con của Lò Thị H) vì hai cháu có hoàn cảnh khó khăn cháu B thì mồ côi bố, mẹ bỏ đi lấy chồng khác, cháu Thành mẹ bị bắt đi tù về tội ma túy. Đến năm 2013, ông A chết, năm 2015 bà C ốm ông có đến thăm bà vẫn tỉnh táo, minh mẫn có đưa cho ông xem bản di chúc và thông qua cho mọi người ở đó nghe, nội dung bản di chúc để lại toàn bộ tài sản cho cháu B và cháu Thành và bảo ông ký với tư cách là người làm chứng (bản di chúc do ai viết, viết vào thời gian nào ông không biết).
Ông Lò Văn H cho biết khi nghe tin bà C bị ốm, ông lên thăm thời gian vào tháng 4 năm 2015, khi đó bà còn tỉnh táo, minh mẫn bà có đưa cho ông xem bản di chúc và bảo ông ký với tư cách là người làm chứng (bản di chúc do ai viết ông không biết), bản di chúc ông xem được bà C ký bằng chữ thái, bản di chúc có bị sửa chữa nhưng ông không biết ai sửa (nội dung bản di chúc ông không rõ).
Bà Lò Thị Nên khai biết gia đình ông A, bà C có mảnh đất nương ở khu vực Pá Sang là do ông A, bà C tự khai phá và canh tác cho đến khi ông A bà C chết, ông bà có trồng cây tre và cây nhãn trên mảnh nương đó, hiện nay mảnh nương đó ông Lèo Văn H đang sử dụng, còn việc ông A bà C có cho ông H hay không thì bà không biết.
Ông Tòng Văn K cho biết ông Lò Văn A là anh rể, khi ông bà còn sống ông bà vẫn thường xuyên tâm sự sau khi chết ông bà để lại toàn bộ tài sản gồm: nhà ở, đất vườn đất nương cho cháu Lò Văn B, hiện nay ai quản lý sử dụng các tài sản của ông A bà C ông không biết.
Ông Lèo Văn Ắ cho biết mảnh đất nương khu vực Pú Sang đường lên Pú Mèo do ông A bà C khai phá từ năm 1990, đã trồng nhãn và tre trên đó. Hiện nay gia đình ông Lèo Văn H đang sử dụng, không phải do ông H, bà O khai phá vì thời gian đó gia đình ông cũng khai H một mảnh nương ở cùng khu vực đó, giáp đất nương của gia đình ông A bà C. Việc ông A bà C để lại mảnh nương này cho ai ông không biết.
Ông Cà Văn P cho biết ông và gia đình ông A bà C là người hàng xóm ở gần nhau, khi ông bà còn sống có nói mảnh đất nương Pú Sang đường lên Pú Mèo, ông bà đã trồng nhãn và tre trên đó, hiện nay gia đình ông Lèo Văn H đang sử dụng, còn việc ông A bà C để lại cho ai ông không biết.
Bà Quàng Thị Đ là người ở cùng bản với ông A bà C cho biết, khi ông bà con sống có nói chuyện mảnh đất nương Pú Sang đường lên Pú Mèo, đã trồng nhãn và tre trên đó, hiện nay gia đình ông Lèo Văn H đang sử dụng, còn việc ông A bà C để lại cho ai bà không biết.
Bà Đinh Thị K là người ở cùng bản với ông A bà C cho biết, mảnh đất nương Pá Sang đường lên Pú Mèo, đã trồng nhãn và tre trên đó. Hiện nay gia đình ông Lèo Văn H đang sử dụng, trước khi chết ông bà có viết di chúc để lại mảnh nương trên cho cháu B.
Ông Quàng Văn Đ là trưởng bản G, xã M, huyện L cho biết mảnh đất nương đang tranh chấp giữa cháu Lò Văn B và ông Lèo Văn H, nguồn gốc đất trên là của gia đình ông A bà C, còn việc ông bà để lại cho ai ông không biết.
Tại Bản án số: 01/2019/ST-DS ngày 17/12/2019 của Tòa án nhân dân huyện L, quyết định. Căn cứ khoản 1 Điều 147; khoản 1 Điều 161; 168; 228 Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 652; 653 Bộ luật dân sự 2005; các Điều 167; 202; 203 Luật đất đai 2013; khoản 3 Điều 26 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
1. Không chấp nhận yêu cầu đòi lại đất để thừa kế quyền sử dụng đất của anh Lò Văn B. Yêu cầu ông Lèo Văn H và bà Lò Thị O trả lại diện tích đất 2.200m2 thuộc thửa số 52, tờ bản đồ số Q16-2 trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Q 545248, số vào sổ CGCNQSSĐ số 00248/QSDĐ - 41/QĐ-UB ngày 23/02/2000.
Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn giải quyết về án phí, chi phí tố tụng, quyên kháng cáo cho các đương sự có mặt, vắng mặt theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 26/12/2019 nguyên đơn anh Lò Văn B có đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Ý kiến tranh luận của Luật sư Bùi Việt A, Dương Thị H bảo vệ quyền và lợi ích của nguyên đơn trình bày:
Về tố tụng, Tòa án cấp sơ thẩm có sự vi phạm trong việc xác định quan hệ pháp luật, ông Lò Văn H không phải là đối tượng khởi kiện về yêu cầu chia thừa kế tài sản theo di chúc. Do xác định quan hệ pháp luật không chính xác dẫn đến việc xác minh thu thập chứng cứ không đầy đủ. Việc xác định tư cách người tham gia tố tụng của Tòa án cấp sơ thẩm thiếu, bà Quàng Thị Điển là người đang sử dụng đất nương của cụ A 1.500m2 tại khu Pá Sang (đổi đất ao lấy đất nương của ông H). Bà Lò Thị Niến (đã chết) có 02 người con nhưng chỉ đưa một mình chị Quàng Thị H, không đưa anh Quàng Văn Xương vào tham gia tố tụng là thiếu sót.
Căn cứ vào GCNQSDĐ đã được cấp có đủ cơ sở chứng minh cụ A, cụ C có thửa số 52, tờ bản đồ số Q16-2 tại khu Pá Sang, còn ông Lò Văn N, Lèo Văn H, Quàng Thị Điển là người đang sử dụng đất tại khu Pá Sang không có giấy tờ gì. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng không đủ căn cứ xác định vị trí thửa số 52 tại khu Pá Sang là không có căn cứ.
Từ căn cứ cứ nêu trên, đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm giao hồ sơ vụ án về cấp sơ thẩm giải quyết lại.
Ý kiến tranh luận của bà K, bà Y nhất trí với đề nghị của Luật sư.
Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa: Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, đã chấp hành và thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Quan điểm giải quyết vụ án của Kiểm sát viên:
Về quan hệ pháp luật Tòa án cấp sơ thẩm xác định không chính xác nhưng phần quyết định của bản án đã xác định đúng yêu cầu chia thừa kế tài sản theo di chúc nên cần sửa quan hệ pháp luật. Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của anh Lò Văn B, giữ nguyên Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện L.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án; ý kiến trình bày của các đương sự; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa; quan điểm giải quyết vụ án của Kiểm sát viên. Hội đồng xét xử nhận định:
* Về tố tụng:
[1] Bà Lò Thị H kháng cáo đối với bản án sơ thẩm nhưng không nộp tiền tạm ứng án phí, mặc dù Tòa án đã có thông báo, căn cứ vào khoản 2 Điều 276 Bộ luật Tố tụng dân sự thì được coi là từ bỏ việc kháng cáo.
- Tại phiên tòa phúc thẩm người đại diện theo uỷ quyền của anh Lò Văn B là bà Lò Thị K đề nghị rút toàn bộ đơn kháng cáo. Tuy nhiên, căn cứ vào “giấy ủy quyền” ngày 10/10/2017 thì anh B chỉ ủy quyền cho bà K tham gia phiên tòa. Tại đơn xin xét xử vắng mặt ngày 17/8/2020 thì anh B vẫn nêu: “Tôi giữ nguyên ý kiến trình bày của mình như trong các bản tự khai, biên bản ghi lời khai của Tòa án nhân dân huyện L”. Như vậy, anh B không ủy quyền cho bà K định đoạt đến quyền lợi của anh mà chỉ ủy quyền cho bà K tham gia phiên tòa. Do vậy, đề nghị của bà K tại phiên tòa xin rút kháng cáo không được Hội đông xét xử chấp nhận.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử chỉ xem xét đối với kháng cáo của anh Lò Văn B.
Về quan hệ pháp luật: Anh B khởi kiện yêu cầu được hưởng thừa kế theo di chúc đối với diện tích đất 2.200m2 do cụ A cụ C để lại. Như vậy, quan hệ pháp luật của vụ án phải xác định là “Yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc”. Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật là Tranh chấp thừa kế là nêu chung không đầy đủ cần rút kinh nghiệm.
* Về nội dung:
[2] Xét kháng cáo của nguyên đơn anh Lò Văn B:
Về nguồn gốc đất đang có tranh chấp cụ Lò Văn A, Lò Thị C để lại di chúc cho anh Lò Văn B, thửa đất số 52, tờ bản đồ Q16-2 diện tích 2.200m2 đã được cấp GCNQSDĐ số Q 545248, số vào sổ 00248/QSDĐ - 41/QĐ-UB ngày 23/02/2000 của UBND huyện L, mang tên Lò Văn A, địa chỉ thửa đất bản G, xã M, huyện L, tỉnh Sơn La.
Theo anh B khai thì cụ A, cụ C để lại di chúc cho anh thửa đất đang có tranh chấp nêu trên; bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Lò Văn N không thừa nhận tính hợp pháp của di chúc. Tòa án cấp sơ thẩm đã ra Quyết định trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết của các bản di chúc. Tại kết luận giám định số: 150/C54-P5 ngày 26/7/2018 của Viện khoa học hình sự - Bộ công an kết luận: “Chữ viết, chữ ký cần giám định trên các mẫu A3, A4 do cùng một người viết, ký ra (hai ảnh chụp phía sau có chữ viết, chữ ký là A3, A4);
Không đủ cơ sở kết luận chữ viết, chữ ký cần giám định trên các mẫu ký hiệu A3, A4 so với chữ viết, chữ ký cần giám định trên các mẫu ký hiệu A1, A2 có phải do cùng một người viết, ký ra hay không;
Không đủ cơ sở kết luận chữ viết, chữ ký cần giám định trên các mẫu ký hiệu A1, A2 có phải do cùng một người viết, ký ra hay không (A1, A2 chữ viết, chữ ký trong 02 bản di chúc)”. Như vậy, chưa đủ căn cứ để xác định cụ C ký vào tài liệu mà anh B cho rằng di chúc của cụ C để lại cho anh.
Về nội dung của di chúc để lại đất nương nhưng không ghi rõ số thửa, diện tích tứ cận giáp danh, chỉ nêu “khu Pá Sang dọc hai bên đường lên Mèo”. Anh Lò Văn B là người được thừa kế chỉ căn cứ vào GCNQSDĐ đã được cấp là thửa số 52, tờ bản đồ Q16-2 diện tích 2.200m2, không xác định được vị trí thửa đất, tứ cận tiếp giáp với đất của ai, trên đất đã trồng loại cây gì. Do đó, việc anh B xác định thửa đất nương được thừa kế, hiện tại vợ chồng ông Lèo Văn H, bà Lò Thị O đang quản lý, sử dụng là chưa đủ cơ sở.
[3] Quá trình giải quyết vụ án ông Lò Văn N là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan xác nhận (cụ A, cụ C) là bố mẹ đẻ có một mảnh đất nương ở khu Pá Sang đường lên đồi Mèo, diện tích khoảng 6.500m2. Hiện tại bà K đang sử dụng một mảnh khoảng 2000m2, số diện tích đất còn lại ông N là người đang quản lý, sử dụng không liên quan đến đất của ông H, bà O.
Tại biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 21/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện L. Xác định diện tích thửa đất đang có tranh chấp do các đương sự chỉ vị trí giáp danh khu đất nương Pá Sang cụ A là 10.400m2, trong đó: ông H đang sử dụng 5.783m2, ông N đang sử dụng 02 thửa có tổng diện tích 3.027m2; bà Quàng Thị Điển đang sử dụng 1.500m2, phần đất của bà Điển đang sử dụng là lấy đất ao đổi đất nương của ông H. Anh B không xác định được vị trí thửa đất số 52, tờ bản đồ Q16-2 diện tích 2.200m2 nằm ở vị trí nào, ai là người đang quản lý, sử dụng.
Tòa án cấp sơ thẩm đã xác minh vị trí thửa đất số 52 tại UBND xã M; phòng Tài nguyên và Môi trường huyện L; Trung tâm thông tin Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La, đều không có sơ đồ nên không xác định được vị trí thửa đất số 52, nằm tại vị trí nào của khu Pá Sang. Tuy nhiên, ông Lò Văn N con trai của (cụ A, cụ C) thừa nhận ông là người đang quản lý, sử dụng đất nương của (bố mẹ) tại khu Pá Sang 02 thửa, diện tích 3.027m2; bà K em gái ông đang quản lý, sử dụng một thửa khoảng 2000m2.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của anh B xuất trình thêm sơ đồ khu đất, biên bản xác minh lập ngày 11/8/2020 của Văn phòng luật sư Quốc tế Bình An, tại UBND xã M xác định: thửa số 52, tờ bản đồ Q16-2, diện tích đất 2.200m2 do UBND huyện L cấp cho ông Lò Văn A ngày 23/02/2000, hiện tại ông Lò Văn N (con trai cụ A) là người đang quản lý, sử dụng 5.900m2. Trong vụ án này có đủ căn cứ để xác định (cụ A, cụ C) có để lại di sản là Quyền sử dụng đất, tuy nhiên anh B không yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật mà yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc. Do đó diện tích đất là di sản của cụ A, cụ C để lại chưa được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét giải quyết trong vụ án là có căn cứ. Nếu có yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật thì sẽ được xem xét, giải quyết bằng vụ án khác.
Từ sự phân tích nêu trên, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của anh Lò Văn B đối với Yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện L.
[5] Về án phí: Anh Lò Văn B phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, do kháng cáo không được chấp nhận.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn anh Lò Văn B, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số: 01/2019/DSST ngày 17/12/2019 của Tòa án nhân dân huyện L như sau:
1. Không chấp nhận yêu cầu đòi lại đất để thừa kế quyền sử dụng đất của anh Lò Văn B. Yêu cầu ông Lèo Văn H và bà Lò Thị O trả lại diện tích đất 2.200m2 thuộc thửa số 52, tờ bản đồ số Q16-2 trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Q 545248, số vào sổ CGCNQSSĐ số 00248/QSDĐ-41/QĐ-UB ngày 23/02/2000.
2. Về án phí: Căn cứ khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Anh Lò Văn B phải chịu 300.000đ án phí dân sự phúc thẩm, được khấu trừ vào số tiền 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp, theo biên lai thu số: 0002393 ngày 26/12/2019, tại Chi cục thi hành án dân sự huyện L, tỉnh Sơn La.
3. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm về án phí, chi phí tố tụng không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án (ngày 19/8/2020).
Bản án 18/2020/DS-PT ngày 19/08/2020 về yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc
Số hiệu: | 18/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Sơn La |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 19/08/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về