TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN THANH KHÊ, THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 17/2021/HSST NGÀY 29/01/2021 VỀ TỘI SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ LÀ LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM, PHỤ GIA THỰC PHẨM
Ngày 29/01/2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 03/2021/TLST-HS ngày 08/01/2021 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 03/2021/QĐXXST-HS ngày 15/01/2021 đối với các bị cáo:
1. Phan T, tên gọi khác: T, sinh năm 1970 tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Nơi cư trú: Số K123H54/47 đường L, phường K, quận K, thành phố Đà Nẵng; Nghề nghiệp: Buôn bán.; Trình độ văn hóa: 9/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Phan Đắc K, sinh năm 1939 và bà Tô Thị D, sinh năm 1940.
Có vợ là Tô Thị D1, sinh năm 1973, có 03 con, con lớn nhất sinh năm 1994, con nhỏ nhất sinh năm 2006;
Tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo bị tạm giữ ngày 14.7.2020, bị tạm giam ngày 21/7/2020, có mặt tại phiên tòa.
2. Tô Thị D1, tên gọi khác: không, sinh năm 1973 tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Nơi cư trú: Số K123H54/47 đường L, phường K, quận K, thành phố Đà Nẵng; Nghề nghiệp: Buôn bán; Trình độ văn hóa: Không biết chữ; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nữ; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Tô Hữu C, sinh năm 1938 và bà Lê Thị L, sinh năm 1939.
Có chồng là Phan T, sinh năm 1973, có 03 con, con lớn nhất sinh năm 1994, con nhỏ nhất sinh năm 2006;
Tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo đang chấp hành Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Tòa án nhân dân quận K, thành phố Đà Nẵng, có mặt tại phiên tòa.
* Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Trần Khắc T1, sinh năm 1984. Địa chỉ: Tổ 01, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Vắng mặt.
2. Bà Trần Lê Ly N, sinh năm 1979. Nơi ĐKHKTT: Số K143/2 đường S, quận C, thành phố Đà Nẵng. Địa chỉ: Thôn B, xã P, huyện V, thành phố Đà Nẵng. Vắng mặt.
3. Bà Nguyễn Thị T2, sinh năm 1966. Địa chỉ: Số 17 đường B, phường N, quận C, thành phố Đà Nẵng. Vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau :
Trong khoảng thời gian từ tháng 02.2020, Phan T mua bao bì giả nhãn hiệu hạt nêm Knorr; bột ngọt A-One và bột ngọt Ajinomoto của một người tên H trên đường Đ, thành phố Đà Nẵng với giá 1.500đồng/01 bao bì. Sau đó, T mua hạt nêm nhãn hiệu Bếp Hồng; Đầu Bếp với giá 210.000 đồng/01 bao (loại 10kg/01 bao) của anh Trần Khắc T, mua bột ngọt có nhãn hiệu Trung Quốc in hình hai con tôm màu đỏ của chị Trần Lê Ly N với giá 820.000đ/01 bao (loại 25kg/01 bao) rồi cho vào bao bì giả, cân đúng trọng lượng ghi trên bao bì để tạo ra thành phẩm hạt nêm Knorr, bột ngọt A-one, bột ngọt Ajinomoto giả. T trực tiếp thực hiện việc sản xuất hạt nêm, bột ngọt giả tại nhà ở K123/54/47 đường L, phường K, quận K, thành phố Đà Nẵng;
Tô Thị D1 là vợ của T biết rõ việc T sản xuất hạt nêm Knorr, bột ngọt A- one, bột ngọt Ajinomoto giả tại nhà. Vào ngày 10/7/2020, D1 có mua của T1 10 bao hạt nêm Bếp Hồng với giá 210.000 đồng/01 bao (loại 10kg/01 bao) để T sản xuất hạt nêm giả tại nhà.
Sau khi làm giả hạt nêm Knorr, bột ngọt A-one, bột ngọt Ajinomoto thì T đem đến chợ K thuộc phường B, quận C, thành phố Đà Nẵng tìm người bán lại kiếm lời. Ngày 13/7/2020, T đem một số thành phẩm hạt nêm, bột ngọt giả đến quầy gia vị của D1 tại chợ K để D1 bán lại kiếm lời, D1 đã bán 14 gói hạt nêm Knorr giả loại 900g với giá 32.000đồng/01 gói cho chị Nguyễn Thị T2, D1 nhờ T đem hạt nêm Knorr giả tới giao cho chị T2 nhưng T không gặp chị T2 nên để hàng tại quầy và chưa lấy tiền.
Lúc 04 giờ 30 phút ngày 14/7/2020, Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Thanh Khê tiến hành kiểm tra lô hàng gia vị tại trước nhà số K123/54/47 đường L, phường K, quận K, thành phố Đà Nẵng mà T và D1 đang chuẩn bị đưa đi bán thì T không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Kiểm tra bên trong nhà thì thu giữ tổng cộng trong và trước nhà gồm: 240 gói hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 55g; 148 gói hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 170g; 97 gói hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 400g; 61 gói hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 900g; 348 gói bột ngọt A-One loại 100g; 270 gói bột ngọt A-One loại 453,6g; 50 gói bột ngọt Ajinomoto loại 01kg; 01 bao hạt nêm Bếp Hồng loại 10kg, chưa sử dụng hết nguyên liệu bên trong; 01 bao hạt nêm Đầu Bếp loại 10kg, chưa sử dụng hết nguyên liệu bên trong;
05 bao bì hạt nêm Bếp Hồng loại 10kg, đã sử dụng hết nguyên liệu bên trong; 11 bao bì bột ngọt chữ Trung Quốc, in hình 2 con tôm, loại 25kg, đã sử dụng hết nguyên liệu bên trong; 01 máy ép bao bì; 01 cân và 01 đồ xúc nguyên liệu.
Cùng ngày, Công an quận Thanh Khê tiến hành kiểm tra quầy hàng gia vị của Tô Thị D1 tại chợ K thì tạm giữ: 03 gói hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 170g; 02 gói hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 400g; 11 gói bột ngọt A-One loại 100g; 46 gói bột ngọt A-One loại 453,6g.
Tiếp tục kiểm tra quầy hàng gia vị của chị Nguyễn Thị T2 tại địa chỉ số 17 đường B, thành phố Đà Nẵng thì tạm giữ: 14 gói thành phẩm hạt nêm Knorr “Thịt thăn xương ống & Tủy” loại 900g.
Qua kiểm tra và giám định thì:
* Đối với hạt nêm Knorr:
- Mẫu hạt nêm Knorr: Có 02/25 chỉ tiêu, gồm hàm lượng đạm, Vitamin A không phù hợp với tiêu chuẩn mà Cục An toàn Thực phẩm - Bộ Y tế đã công bố tại Bản xác nhận công bố phù hợp với quy định An toàn Thực phẩm số 35738/2016/ATTP-XNCB ngày 21/12/2016 đối với hạt nêm nhãn hiệu Knorr. Tất cả các mẫu Knorr thu được do T sản xuất có hàm lượng đạm từ 4,46 đến 4,63; không phát hiện hàm lượng Vitamin A; trong khi tiêu chuẩn công bố hàm lượng đạm ≥13 (tương đương 34,3% đến 35,6% <70%), thấp hơn 70% so với chỉ tiêu; Vitamin A là 0,81 - 2,43 (tương đương 0%, thấp hơn 70% theo quy định). Như vậy, Knorr do T sản xuất là “Thực phẩm giả” theo điểm b khoản 8 Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ (được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ).
Tại bản kết luận giám định 82/GĐ-TL ngày 04/8/2020 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an thành phố Đà Nẵng xác định: Toàn bộ vỏ bao bì Hạt nêm Knorr cần giám định không phải do cùng một mẫu in ra. (bút lục số 100) Căn cứ Bảng báo giá do Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam niêm yết và số lượng hạt nêm Knorr do T sản xuất, tổng số lượng hạt nêm Knorr giả là 145,97kg tương đương giá trị hàng thật cùng loại là: 12.433.000đồng (Trong đó, số lượng hạt nêm Knorr giả T chưa kịp tiêu thụ bị tạm giữ là 133,37kg tương đương giá trị hàng thật là 11.397.000đồng, số lượng hạt nêm Knorr giả D1 và T đã tiêu thụ 12,6kg tương đương giá trị hàng thật là 1.036.000đồng).
* Đối với bột ngọt A-One, Ajinomoto:
- Bột ngọt A-One: Hàm lượng Mononatri Glutamate: 99,7-99,8 (100,7- 100,8%) không thấp hơn 70% chỉ tiêu công bố: ≥ 99. (bút lục số 119-120).
- Bột ngọt Ajinomoto: Hàm lượng Mononatri Glutamate: 99,7 (100,7%) không thấp hơn 70% chỉ tiêu công bố: ≥ 99. (bút lục số 121).
Tại bản kết luận giám định 105/GĐ-TL ngày 09/10/2020 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an thành phố Đà Nẵng xác định: Toàn bộ vỏ bao bì bột ngọt A- One, bột ngọt Ajinomoto cần giám định không phải do cùng một mẫu in ra.
Căn cứ Bảng báo giá do Công ty TNHH Saigon Ve Wong, Công ty Ajinomoto Việt Nam niêm yết và số lượng thành phẩm bột ngọt A-One, bột ngọt Ajinomoto do T làm giả là 229,23kg tương đương giá trị hàng thật là 13.220.088đồng. Trong đó, số lượng bột ngọt giả T giao cho D1 tiêu thụ là 21,96kg tương đương giá trị hàng thật là 1.627.338đồng. Theo quy định tại Mục 6 ban hành kèm Thông tư số 05/2018/TT-BYT ngày 05/4/2018 của Bộ Y tế thì bột ngọt A-One và bột ngọt Ajinomoto là “Phụ gia thực phẩm”. Mặc dù qua giám định, bao bì các mẫu bột ngọt thành phẩm do T sản xuất nêu trên là giả nhưng căn cứ vào chứng thư giám định thì các chỉ tiêu chất lượng của các mẫu bột ngọt này đều phù hợp theo tiêu chuẩn. Vì vậy, hành vi này của T và D1 là vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 13, Điều 14 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ.
* Vật chứng thu giữ bao gồm:
- 235 gói hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 55g; 143 gói hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 170g; 92 gói hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 400g; 56 gói hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 900g; 343 gói bột ngọt A-One loại 100g; 265 gói bột ngọt A-One loại 453,6g; 45 gói bột ngọt Ajinomoto loại 1kg; 01 bao hạt nêm Bếp Hồng loại 10kg chưa sử dụng hết nguyên liệu bên trong; 01 bao hạt nêm Đầu Bếp loại 10kg chưa sử dụng hết nguyên liệu bên trong; 05 bao bì hạt nêm Bếp Hồng loại 10kg đã sử dụng hết nguyên liệu; 11 bao bì bột ngọt chữ Trung Quốc, in hình 2 con tôm loại 25kg đã sử dụng hết nguyên liệu; 01 máy ép bao bì; 01 cân; 01 đồ xúc nguyên liệu;
01 ĐTDĐ hiệu Samsung J7, gắn sim số 0905.603.236.
- 05 bao bì hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 55g; 05 bao bì hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 170g; 05 bao bì hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 400g; 05 bao bì hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 900g; 05 bao bì bột ngọt A-One loại 100g; 05 bao bì bột ngọt A-One loại 453,6g; 05 bao bì bột ngọt Ajinomoto loại 1kg.
- 06 gói bột ngọt A-One loại 100g; 41 gói bột ngọt A-One loại 453,6g; 01 ĐTDĐ hiệu OPPO, gắn sim số 0907.850.230. Trả lại sau giám định: 03 bao bì hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 170g; 02 bao bì hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 400g; 05 bao bì bột ngọt A-One loại 100g; 05 bao bì bột ngọt A-One loại 453,6g.
- 09 gói thành phẩm hạt nêm Knorr “Thịt thăn xương ống & Tủy” loại 900g. Trả lại sau giám định: 05 bao bì gói thành phẩm hạt nêm Knorr “Thịt thăn xương ống & Tủy” loại 900g.
Bản Cáo trạng số 11/CT-VKS ngày 06/01/2021của Viện kiểm sát nhân dân quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng đã truy tố các bị cáo Phan T, Tô Thị D1 về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” theo khoản 1 Điều 193 Bộ luật hình sự.
Kiểm sát viên thực hành quyền công tố Nhà nước tại phiên tòa trình bày luận tội giữ nguyên Cáo trạng truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng:
- Khoản 1 Điều 193, điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51, Điều 54 Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo Phan T từ 12 tháng tù đến 18 tháng tù.
- Khoản 1 Điều 193, điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51, 54, Điều 65 Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo Tô Thị D1 từ 09 tháng tù đến 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách theo quy định .
Đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử xử lý vật chứng của vụ án, cụ thể: Tuyên tịch thu tiêu hủy các loại hàng giả thu giữ được và tịch thu nộp ngân sách nhà nước 01 máy ép nhiệt bao bì và 02 cái cân, 02 điện thoại di động.
Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trình bày như sau:
- Ông Trần Khắc T1 trình bày: Ông có bán cho Phan T một số hạt nêm hiệu Bếp Hồng và Đầu Bếp. Ông T1 không biết T sử dụng để sản xuất đóng gói hàng giả.
- Bà Trần Lê Ly N trình bày: Bà N có bán cho Phan T bột ngọt hiệu Con Tôm và hạt nêm hiệu Bếp Việt. Bà N không biết T sử dụng để sản xuất đóng gói hàng giả. Sản phẩm bột ngọt Con Tôm và hạt nêm Bếp Việt được phép bán ngoài thị trường để sử dụng làm thực phẩm chế biến các món ăn.
- Bà Nguyễn Thị T2 trình bày: Bà là chủ đại lý tạp hóa tại chợ K, Đà Nẵng. Trong thời gian kinh doanh bà có mua một số sản phẩm bột ngọt và hạt nêm của bà D1 ông T nhưng bà không biết đó là hàng giả vì sản phẩm có nhãn mác là bột ngọt Aone, Ajinomoto và hạt nêm Knorr.
Các bị cáo nói lời sau cùng: Xin được giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình, xã hội.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa; Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thu thập đúng trình tự quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân quận Thanh Khê, Điều tra viên cũng như Kiểm sát viên đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ mà pháp luật quy định. Các hành vi, quyết đinh tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố là hợp pháp được xem xét để làm cơ sở giải quyết vụ án.
[2] Tại phiên toà hôm nay, các bị cáo Phan T, Tô Thị D1 đã khai nhận toàn bộ sự việc sản xuất, buôn bán mặt hàng giả là bột ngọt Ajinomoto, bột ngọt A - One và hạt nêm Knorr xảy ra tại K123/54/47 đường L, phường K, quận K, thành phố Đà Nẵng. Lời khai nhận của các bị cáo phù hợp với các tài liệu, chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập có trong hồ sơ vụ án. Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để xác định: Từ tháng 02/2020 đến ngày 14/7/2020, Phan T đã có hành vi mua hạt nêm Bếp Hồng, Đầu Bếp; mua bột ngọt có nhãn hiệu Trung Quốc in hình hai con tôm màu đỏ về để sản xuất hạt nêm Knorr, bột ngọt A-one, bột ngọt Ajinomoto giả. Tô Thị D1 là vợ của T đã giúp sức trong việc mua 10 bao hạt nêm Bếp Hồng làm nguyên liệu để T sản xuất hạt nêm Knorr giả, đồng thời D1 bán hạt nêm Knorr giả do T sản xuất để kiếm lời. Số lượng hạt nêm Knorr do T làm giả và tiêu thụ là 145,97 kg tương đương hàng thật là 12.433.000đồng. Hành vi của các bị cáo đã phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” quy định tại Điều 193 của Bộ luật hình sự.
Các bị cáo có đầy đủ năng lực hành vi và nhận thức được rằng việc sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động kinh doanh hợp pháp của các tổ chức kinh tế, xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý kinh tế, mà cụ thể là trật tự quản lý việc sản xuất buôn bán hàng hóa, chống hàng giả của các cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng do không có ý thức chấp hành pháp luật, muốn có tiền nhanh mà không phải lao động nhiều nên bị cáo Phan T và Tô Thị D1 đã cố ý thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Trong khoảng thời gian từ tháng 02.2020 đến ngày 14.7.2020, bị cáo T đã mua các loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm khác gồm hạt nêm Bếp Hồng, Đầu Bếp, bột ngọt Con Tôm về sản xuất thành những mặt hàng thương hiệu bột ngọt A-One, bột ngọt Ajinomoto và hạt nêm Knorr của Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam và bán ra thị trường lấy tiền chênh lệch, thu lợi bất chính.
Theo quy định của Nhà nước thì bột ngọt A-One, bột ngọt Ajinomoto là phụ gia thực phẩm còn hạt nêm Knorr là thực phẩm. Qua công tác Giám định của Cơ quan chuyên môn đã xác định toàn bộ các sản phẩm thu giữ về bột ngọt A-One, bột ngọt Ajinomoto do bị cáo T sản xuất thì các chỉ tiêu chất lượng đều phù hợp theo tiêu chuẩn, chỉ giả về bao bì nhãn mác nên căn cứ Nghị định số 185/2013/NĐ- CP của Chính Phủ, hành vi của bị cáo T chỉ xử lý hành chính, Công an quận Thanh Khê kiến nghị và Ủy ban nhân dân quận Thanh Khê đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Hội đồng xét xử không xem xét trách nhiệm hình sự của bị cáo T đối với hành vi sản xuất, buôn bán bột ngọt A-One, bột ngọt Ajinomoto.
Đối với hành vi sản xuất, buôn bán hạt nêm Knorr, Hội đồng xét xử xét thấy, Tất cả các mẫu Knorr thu được do T sản xuất có hàm lượng đạm từ 4,46 đến 4,63; không phát hiện hàm lượng Vitamin A; trong khi tiêu chuẩn công bố hàm lượng đạm ≥13 (tương đương 34,3% đến 35,6% <70%), thấp hơn 70% so với chỉ tiêu; Vitamin A là 0,81 - 2,43 (tương đương 0%, thấp hơn 70% theo quy định). Như vậy, hạt nêm Knorr do T sản xuất là “Thực phẩm giả” theo điểm b khoản 8 Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ (được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ). Và với hành vi này, bị cáo T phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”, tội phạm và hình phạt quy định tại khoản 1 điều 193 Bộ luật hình sự.
[3] Cân nhắc vai trò, trách nhiệm của từng bị cáo trong vụ án đồng phạm này, Hội đồng xét xử thấy rằng:
Bị cáo Phan T là người thực hành, người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Bị cáo là người liên hệ với chủ đại lý thực phẩm Trần Lê Ly N, Trần Khắc T1 để mua bột ngọt Con Tôm và hạt nêm Bếp Hồng rồi trực tiếp đóng bao bì, hoàn thành sản phẩm và trực tiếp liên hệ các cửa hàng tạp hóa để bán hàng. Trong việc sản xuất, buôn bán này, bị cáo có thu lợi nhưng hiện nay không xác định cụ thể số tiền thu lợi là bao nhiêu. Với vai trò cũng như tính chất mức độ của hành vi phạm tội, Hội đồng xét xử thấy cần thiết xử phạt bị cáo mức hình phạt tương xứng, cần cách ly bị cáo một thời gian để giáo dục ý thức pháp luật cho bị cáo và phòng ngừa chung cho xã hội.
Trong vụ án đồng phạm này, bị cáo Tô Thị D1 tham gia với vai trò là người giúp sức. Bị cáo D1 biết chồng là Phan T sản xuất buôn bán hàng giả nhưng vẫn giúp sức một số công việc đơn giản, cụ thể là có mua 10 bao hạt nêm và có tiêu thụ một số lượng hạt nêm giả. Tuy vai trò giúp sức không tích cực nhưng bị cáo cùng phải chịu trách nhiệm hình sự với bị cáo T về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”, Hội đồng xét xử cũng xem xét hình phạt tương xứng với vai trò và tính chất của hành vi mà bị cáo đã thực hiện.
[4] Tình tiết giảm nhẹ: Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa hôm nay, các bị cáo đã thành khẩn khai báo, thực sự ăn năn hối cải về hành vi của mình, gia đình các bị cáo có hoàn cảnh khó khăn có xác nhận của chính quyền địa phương, nhân thân các bị cáo tốt, chưa có tiền án, tiền sự. Hai bị cáo là vợ chồng, hiện nay đang nuôi 02 con còn nhỏ. Vì vậy, các bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Hội đồng xét xử xét thấy các bị cáo có 03 tình tiết giảm nhẹ, trong đó có 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự nên áp dụng điều 54 Bộ luật hình sự để xử phạt các bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật quy định.
Bị cáo Tô Thị D1 tham gia trong vụ án này với vai trò là người giúp sức có vai trò không đáng kể, bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nơi cư trú rõ ràng. Hiện nay, chồng bị cáo là Phan T đang bị tạm giam trong vụ án này trong lúc vợ chồng có 02 con còn nhỏ, bị cáo là lao động chính trong gia đình để nuôi dạy các con nên Hội đồng xét xử áp dụng Điều 65 Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo và giao bị cáo về chính quyền địa phương nơi bị cáo cư trú cũng có tác dụng giáo dục đối với bị cáo và phòng ngừa chung cho xã hội.
[5] Về xử lý vật chứng:
- 235 gói hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 55g; 143 gói hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 170g; 92 gói hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 400g; 56 gói hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 900g; 349 gói bột ngọt A-One loại 100g; 306 gói bột ngọt A-One loại 453,6g; 45 gói bột ngọt Ajinomoto loại 1kg;
- 01 bao hạt nêm Bếp Hồng loại 10kg chưa sử dụng hết nguyên liệu bên trong; 01 bao hạt nêm Đầu Bếp loại 10kg chưa sử dụng hết nguyên liệu bên trong;
05 bao bì hạt nêm Bếp Hồng loại 10kg đã sử dụng hết nguyên liệu; 11 bao bì bột ngọt chữ Trung Quốc, in hình 2 con tôm loại 25kg đã sử dụng hết nguyên liệu;
- 05 bao bì hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 55g; 08 bao bì hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 170g; 07 bao bì hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 400g; 10 bao bì hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 900g; 10 bao bì bột ngọt A-One loại 100g; 10 bao bì bột ngọt A-One loại 453,6g; 05 bao bì bột ngọt Ajinomoto loại 1kg;
Là những vật không còn giá trị sử dụng nên Hội đồng xét xử căn cứ Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự để tuyên tịch thu tiêu hủy.
- 01 máy ép bao bì; 01 cân; 01 đồ xúc nguyên liệu; 01 ĐTDĐ hiệu Samsung J7, gắn sim số 0905.603.236, 01 ĐTDĐ hiệu OPPO, gắn sim số 0907.850.230 là công cụ phạm tội nên Hội đồng xét xử tuyên tịch thu nộp ngân sách nhà nước.
[6] Về án phí hình sự sơ thẩm: Mỗi bị cáo phải chịu 200.000đ.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố Các bị cáo Phan T (Toán), Tô Thị D1 phạm tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm".
1. Căn cứ: Khoản 1 Điều 193; Điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54 của Bộ luật hình sự.
- Xử phạt : Bị cáo Phan T 01 (một) năm 03 (ba) tháng tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 14.7.2020.
2. Căn cứ: Khoản 1 Điều 193; Điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54, Điều 65 Bộ luật hình sự.
- Xử phạt : Bị cáo Tô Thị D1 12 (mười hai) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 24 tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Giao bị cáo Tô Thị D1 về Ủy ban nhân dân phường K, quận K, thành phố Đà Nẵng để theo dõi, giám sát trong thời gian thử thách.
Nếu bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ hai lần trở lên thì Tòa án có thể buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
Bị cáo tiếp tục chấp hành Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho đến khi có Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Về xử lý vật chứng: Căn cứ Điều 46 Bộ luật hình sự; khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự.
* Tuyên tịch thu tiêu hủy:
- 235 gói hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 55g; 143 gói hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 170g; 92 gói hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 400g; 56 gói hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 900g; 349 gói bột ngọt A-One loại 100g; 306 gói bột ngọt A-One loại 453,6g; 45 gói bột ngọt Ajinomoto loại 1kg;
- 01 bao hạt nêm Bếp Hồng loại 10kg chưa sử dụng hết nguyên liệu bên trong; 01 bao hạt nêm Đầu Bếp loại 10kg chưa sử dụng hết nguyên liệu bên trong;
05 bao bì hạt nêm Bếp Hồng loại 10kg đã sử dụng hết nguyên liệu; 11 bao bì bột ngọt chữ Trung Quốc, in hình 2 con tôm loại 25kg đã sử dụng hết nguyên liệu;
- 05 bao bì hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 55g; 08 bao bì hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 170g; 07 bao bì hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 400g; 10 bao bì hạt nêm Knorr “Thịt thăn, xương ống & tủy” loại 900g; 10 bao bì bột ngọt A-One loại 100g; 10 bao bì bột ngọt A-One loại 453,6g; 05 bao bì bột ngọt Ajinomoto loại 1kg;
* Tuyên tịch thu nộp ngân sách nhà nước:
- 01 máy ép bao bì; 01 cân; 01 đồ xúc nguyên liệu;
- 01 ĐTDĐ hiệu Samsung J7, gắn sim số 0905.603.236 và 01 ĐTDĐ hiệu OPPO, gắn sim số 0907.850.230.
Các vật chứng trên hiện đang được tạm giữ tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 06.01.2021.
4. Về án phí hình sự sơ thẩm: Các bị cáo Phan T, Tô Thị D1, mỗi bị cáo phải chịu 200.000đ.
Án xử công khai, các bị cáo có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liê quan vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án.
Bản án 17/2021/HSST ngày 29/01/2021 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm
Số hiệu: | 17/2021/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quận Thanh Khê - Đà Nẵng |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 29/01/2021 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về