Bản án 166/2019/DS-PT ngày 25/09/2019 về tranh chấp chia di sản thừa kế

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 166/2019/DS-PT NGÀY 25/09/2019 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Vào ngày 25 tháng 9 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 10/2018/TLPT-DS ngày 04 tháng 12 năm 2018 về việc “Tranh chấp chia di sản thừa kế”. Do Bản án dân sự sơ thẩm số 13/2018/DS-ST ngày 28/06/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi bị Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị và đương sự kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 1164/2019/QĐ-PT ngày 09/09/2019, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Trần Phú N, sinh năm 1962; Địa chỉ: Tổ dân phố 2, thị trấn L1, huyện T1, tỉnh Quảng Ngãi, vắng mặt.

Ông N ủy quyền tham gia tố tụng cho bà Phạm Thị Th theo giấy ủy quyền đề ngày 14/4/2017, bà Th có mặt.

2. Bị đơn: Ông Trần Phú T, sinh năm 1963; Địa chỉ: Tổ dân phố 2, thị trấn L1, huyện T1, tỉnh Quảng Ngãi, có mặt.

Ông T ủy quyền tham gia tố tụng cho ông Hồ Ngọc P theo giấy ủy quyền đề ngày 14/4/2017 và ngày 31/7/2017, ông P có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Trần Thị P1, sinh năm 1959; Địa chỉ: Cananda.

Bà P1 ủy quyền tham gia tố tụng cho bà Phạm Thị L theo giấy ủy quyền đề ngày 12/5/2017, bà L có mặt.

3.2. Ông Trần Phú T (Em), sinh năm 1966; Địa chỉ: Số 213/10/1 đường L2, phường X, quận T2, thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Trần Phú T (Em) ủy quyền tham gia tố tụng cho chị Phạm Thị Th theo giấy ủy quyền đề ngày 4/8/2017, bà Th có mặt.

3.3. Bà Phạm Thị L, sinh năm 1937, có mặt ;

3.4. Bà Trịnh Thị Thanh N1, sinh năm 1963, có mặt.

3.5. Bà Huỳnh Thị A (Th1), sinh năm 1965, có mặt.

3.6. Chị Trần Thị Xuân H, sinh năm 1988, vắng mặt;

3.7. Chị Trần Thị Như Tr, sinh năm 1998, vắng mặt;

3.8. Chị Trần Hoàng Bảo A1, sinh năm 1997, vắng mặt.

Cùng địa chỉ: Tổ dân phố 2, thị trấn L1, huyện T1, tỉnh Quảng Ngãi.

Bà A ủy quyền tham gia tố tụng cho ông Hồ Ngọc P theo giấy ủy quyền đề ngày 14/4/2017 và ngày 31/7/2017, ông P có mặt.

Chị Tr ủy quyền tham gia tố tụng cho bà Trịnh Thị Thanh N1 theo giấy ủy quyền đề ngày 19/4/2017, bà N1 có mặt.

Người kháng cáo: Ông Trần Phú N.

Viện kiểm sát kháng nghị: Quyết định kháng nghị số 36/QĐKNPT-VKS-DS ngày 26 tháng 7 năm 2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo án sơ thẩm nội dung vụ án như sau:

Tại đơn khởi kiện đề ngày 30/3/2017, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án của ông Trần Phú N và tại phiên tòa sơ thẩm người đại diện theo ủy quyền của ông N, chị Phạm Thị Th trình bày:

Thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16, diện tích 1.276,4m2 tọa lạc tại tổ dân phố 2, thị trấn L1, huyện T1, tỉnh Quảng Ngãi có nguồn gốc của ông bà nội là cụ Trần V (chết năm 1969) và cụ Phan Thị S (chết năm 2007) để lại, trên thửa đất có ngôi nhà cấp IV do cụ V xây dựng. Cụ V và cụ S có người con trai duy nhất là ông Trần Phú V1 (chết năm 1965). Ông Trần Phú V1 và vợ là bà Phạm Thị L có 04 người con là Trần Thị P1, Trần Phú N, Trần Phú T (sinh năm 1963) và Trần Phú T (gọi là T em, sinh năm 1966). Sau khi cụ V chết cụ S, bà L, ông N, bà P1, ông T và ông T (em) quản lý sử dụng và sinh sống trên thửa đất này. Năm 1979, bà Phạm Thị L cùng với Bà Trần Thị P1, ông Trần Phú N, ông Trần Phú T và ông Trần Phú T (em) vào Sài Gòn làm ăn, lúc này chỉ có cụ S ở lại quản lý thửa đất. Năm 1984, ông Trần Phú T về sống cùng với cụ S, năm 2004 vợ chồng ông Trần Phú T, bà Huỳnh Thị A (Th1) xây trường mầm non tư thục trên thửa đất này. Năm 2007, thì bà Phạm Thị L về sống cùng với cụ S và vợ chồng ông Trần Phú T và bà Huỳnh Thị A (Th1) được vài tháng thì cụ S chết, cụ S và cụ V chết không để lại di chúc. Năm 2011, vợ chồng ông Trần Phú N và bà Trịnh Thị Thanh N1 về sống với bà L và vợ chồng ông Trần Phú T, bà Huỳnh Thị A (Th1) trong ngôi nhà do cụ V để lại.

Ngày 15/6/2016, ông N thuê Công ty cổ phần tư vấn xây dựng và thương mại Tân Thịnh Đông đo đạc lại thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16, thị trấn L1 và diện tích đất thực tế của thửa đất là 1.266,6m2.

Hiện nay trên thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16 có một ngôi nhà ba gian, giếng nước và 01 cây nhãn là tài sản của cụ V, cụ S. Phía trước nhà có mái hiên lợp tôn và sân bê tông, nhà cấp IV, cầu trượt, nhà vệ sinh dùng cho dạy trẻ, chuồng nuôi gia súc do vợ chồng ông Trần Phú T và bà Huỳnh Thị A (Th1) xây dựng. Phía sau ngôi nhà của cụ V, cụ S có nhà ngang, diện tích 29,5m2 do vợ chồng ông Trần Phú N và bà Trịnh Thị Thanh N1 xây dựng. Hiện nay, bà Phạm Thị L, vợ chồng ông Trần Phú N, bà Trịnh Thị Thanh N1 và các con Trần Thị Xuân H, Trần Thị Như Tr; vợ chồng ông Trần Phú T, bà Huỳnh Thị A (Th1) và con là Trần Hoàng Bảo A1 đang sinh sống trên ngôi nhà do cụ V, cụ S để lại. Trước năm 2007, cụ S cúng giỗ cụ Trần V và ông Trần Phú V1, sau khi cụ S chết thì không ai lo, từ năm 2011 đến nay vợ chồng ông N và bà N cúng giỗ cụ V, cụ S và ông V1.

Nay, ông Trần Phú N yêu cầu Tòa án giải quyết: Chia di sản thừa kế thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16, diện tích 1.266,6m2 tại Tổ dân phố 2, thị trấn L1, huyện T1, tỉnh Quảng Ngãi và các tài sản trên đất của cụ Trần V và Phan Thị S để lại, thành 05 phần cho các đồng thừa kế Trần Phú N, Trần Phú T, Trần Thị P1 và Trần Phú T (em) mỗi người được nhận 253m2 đất, còn 01 phần di sản là 253m2 giành để thờ cúng, khi khởi kiện ông yêu cầu giao cho ông phần di sản thờ cúng, nay ông yêu cầu giao cho Trần Phú T (Em). Sau khi Tòa án phân chia, thì trên diện tích đất của người được chia có tài sản thì phải thanh toán lại giá trị tài sản cho người bỏ tiền ra xây dựng.

Theo đơn phản tố ngày 28/7/2017, biên bản hòa giải và quá trình giải quyết vụ án của ông Trần Phú T và người đại diện theo ủy quyền của ông T, ông Hồ Ngọc P trình bày:

Thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16, diện tích 1.266,6m2 tọa lạc tại tổ dân phố 2, thị trấn L1, huyện T1, tỉnh Quảng Ngãi có nguồn gốc của ông bà nội là cụ Trần V (chết năm 1969) và cụ Phan Thị S (chết năm 2007) để lại. Vào ngày 25/10/1992 cụ Phan Thị S viết giấy giao trọn quyền sử dụng toàn bộ ngôi nhà và đất nói trên cho vợ chồng ông Trần Phú T và bà Huỳnh Thị A (Th1). Năm 2004, vợ chồng ông T, bà A (Th1) đã xây dựng ngôi trường mầm non trên thửa đất với tổng diện tích 400m2 lúc này cụ S còn sống, nhưng cụ V và bà L cũng như ông N, ông T, bà P1 tất cả đều không có ý kiến. Năm 1999, Nhà nước cân đối giao đất theo Nghị định 64/CP của Chính phủ cho hộ bà Phan Thị S và ông Trần Phú T, bà A, cháu A1 nên di sản của cụ S chỉ còn một phần. Ông T yêu cầu Tòa án chia cho ông T 02 kỷ phần thừa kế, ngoài kỷ phần ông T được hưởng, ông yêu cầu chia cho ông T một kỷ phần đối với công nuôi dưỡng, chăm sóc, quản lý di sản, đóng thuế đất cho Nhà nước trong thời gian cụ S già yếu, đau bệnh và sau khi cụ S chết ông T là người thờ cúng.

Tại đơn khởi kiện yêu cầu độc lập ngày 12/5/2017 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Bà Trần Thị P1 đại diện theo ủy quyền của bà P1, bà Phạm Thị L trình bày:

Bà là con của bà Phạm Thị L và ông Trần Phú V1 (chết năm 1965) là cháu nội của cụ Trần V, cụ Phan Thị S; cha của bà (ông Trần Phú V1) là con trai duy nhất của cụ V và cụ S, cụ V và cụ S chết không để lại di chúc. Ông bà nội của bà để lại thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16, diện tích 1.266,6m2 tại tổ dân phố 2 thị trấn L1, huyện T1, tỉnh Quảng Ngãi trên đất có ngôi nhà cấp IV do ông bà nội bà xây dựng; khi cha cưới mẹ bà về thì cha mẹ sống chung với ông bà nội đến năm 1965 thì cha chết, năm 1969 thì ông nội Viên chết. Sau khi cha và ông nội chết thì bà nội Siêng cùng mẹ và các anh em của bà tiếp tục sống trong căn nhà do ông nội bà để lại và sử dụng thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16. Năm 1980, bà cùng mẹ bà và Trần Phú N, Trần Phú T, Trần Phú T (em) vào Sài Gòn làm ăn. Đến năm 1984 Trần Phú T về sống cùng bà nội Siêng, năm 1989 bà xuất ngoại sang Canada sinh sống cho đến nay. Hiện nay, ngôi nhà của ông bà nội để lại dùng để ở và làm nhà thờ, những người sinh sống trong ngôi nhà gồm bà Phạm Thị L; vợ chồng ông Trần Phú N bà Trịnh Thị Thanh N1 và các con là Trần Thị Xuân H, Trần Thị Như Tr; vợ chồng ông Trần Phú T và bà Huỳnh Thị A (Th1) cùng con nuôi là Trần Hoàng Bảo A1. Lúc bà nội bà còn sống thì việc cúng, giỗ ông nội và cha của bà do bà nội lo, sau khi bà nội chết thì không có người lo và từ năm 2011 thì vợ chồng ông Trần Phú N, bà Trịnh Thị Thanh N1 cúng giỗ ông bà nội và cha bà nên bà thống nhất giao phần đất có căn nhà cho ông Trần Phú N, bà Trịnh Thị Thanh N1.

Bà P1 thống nhất với yêu cầu khởi kiện của ông Trần Phú N, là chia thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16 tại Tổ dân phố 2, thị trấn L1, huyện T1, tỉnh Quảng Ngãi của các cụ Trần V và Phan Thị S để lại thành 05 phần cho các đồng thừa kế (hàng thừa kế thứ 02): Trần Phú N, Trần Phú T, Trần Thị P1 và Trần Phú T (em) mỗi người được nhận 253m2 đất, còn 01 phần di sản là 253m2 giành để thờ cúng giao cho Trần Phú N để lo thờ cúng ông bà. Riêng phần di sản thừa kế Bà Trần Thị P1 được hưởng là 253m2 bà P1 tự nguyện giao lại cho bà Phạm Thị L, bà L được sử dụng và định đoạt đối với phần di sản là quyền sử dụng đất mà bà P1 được chia, theo sự thỏa thuận giữa bà P1 và bà L thì mọi chi phí tố tụng, án phí liên quan đến vụ án bà L chịu.

Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Trần Phú T (Em), đại diện là chị Phạm Thị Th trình bày:

Ông T (em) thống nhất về quan hệ huyết thống và nguồn gốc thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16 tại Tổ dân phố 2, thị trấn L1, huyện T1, tỉnh Quảng Ngãi cũng như hàng thừa kế di sản của cụ Trần V và Phan Thị S để lại. Ông T (em) thống nhất với yêu cầu khởi kiện của ông Trần Phú N là yêu cầu Tòa án giải quyết: chia di sản thừa kế là thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16 tại Tổ dân phố 2, thị trấn L1, huyện T1, tỉnh Quảng Ngãi của các cụ Trần V và Phan Thị S để lại thành 05 phần cho các đồng thừa kế (hàng thừa kế thứ 02): Trần Phú N, Trần Phú T, Trần Thị P1 và Trần Phú T (em) mỗi người được nhận 253m2 đất, còn 01 phần di sản là 253m2 giành để thờ cúng giao cho Trần Phú T (em). Ông T (em) yêu cầu được nhận phần di sản có ngôi nhà cụ Trần V và Phan Thị S để lại.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Phạm Thị L trình bày:

Thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16, diện tích 1.266,6m2 tọa lạc tại tổ dân phố 2, thị trấn L1, huyện T1, tỉnh Quảng Ngãi có nguồn gốc của cha mẹ chồng là cụ Trần V và cụ Phan Thị S để lại không có di chúc. Cụ V và cụ S có 04 người cháu là Trần Thị P1, ông Trần Phú N, ông Trần Phú T và ông Trần Phú T (em) đều đã lập gia đình cuộc sống còn khó khăn nên có nhu cầu chia phần di sản thừa kế do ông bà nội để lại để lo cho cuộc sống gia đình. Vì vậy bà thống nhất với yêu cầu khởi kiện của ông Trần Phú N là chia di sản thừa kế đối với thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16 tại Tổ dân phố 2, thị trấn L1, huyện T1, tỉnh Quảng Ngãi của cụ Trần V và Phan Thị S để lại. Ngày 03/4/2018 bà Phạm Thị L có yêu cầu chia cho bà 01 kỷ phần thừa kế do bà có công tôn tạo, bảo quản đất, giữ gìn trong thời gian dài đối với thửa đất.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Trịnh Thị Thanh N1 trình bày:

Trên thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16, diện tích 1.266,6m2 tọa lạc tại tổ dân phố 2, thị trấn L1, huyện T1, tỉnh Quảng Ngãi có một ngôi nhà do ông bà nội chồng bà (cụ Trần V và cụ Phan Thị S) để lại. Năm 2008, vợ chồng bà có xây dựng thêm chái nhà phía sau nhà có diện tích 29,5m2 nên khi Tòa án chia phần di sản bà yêu cầu người nhận đất được chia có phần chái nhà do vợ chồng bà xây dựng phải thối lại giá trị bằng tiền cho vợ chồng bà. Hiện nay giá trị phần còn lại của phần chái nhà này không nhiều nên trong quá trình giải quyết vụ án nếu Tòa án có định giá tài sản thì bà đồng ý với giá do Hội đồng định giá đưa ra.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Trần Thị Xuân H và chị Trần Thị Như Tr trình bày: Các chị là con gái của ông Trần Phú N, hiện nay các chị có hộ khẩu và sinh sống chung với cha mẹ tại ngôi nhà trên thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16, tọa lạc tại tổ dân phố 2, thị trấn L1, huyện T1, tỉnh Quảng Ngãi; đây là di sản của ông bà cố nội để lại cho cha và cô chú là Trần Thị P1, Trần Phú T, Trần Phú T (em), các chị không có đóng góp công sức cùng như tiền bạc trong khối tài sản này. Vì vậy các chị không có yêu cầu gì trong việc chia di sản thừa kế.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Huỳnh Thị A (Th1), đại diện là ông Hồ Ngọc P trình bày: Thống nhất với trình bày và yêu cầu của chồng bà là ông Trần Phú T.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Trần Hoàng Bảo A1 trình bày:

Chị là con nuôi của ông Trần Phú T và bà Huỳnh Thị A, chị sinh sống và lớn lên trong ngôi nhà trên thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16, tọa lạc tại tổ dân phố 2, thị trấn L1, huyện T1, tỉnh Quảng Ngãi; chị nghe cha mẹ nói là bà nội Siêng viết giấy cho cha mẹ chị nhà và đất thuộc thửa đất nêu trên nên cha mẹ đã xây dựng trường mầm non trên thửa đất, đây là tài sản của cha mẹ chị, chị không có đóng góp gì. Việc tranh chấp đất giữa cha mẹ chị và các cô chú trong gia đình chị không có ý kiến và chị đồng ý với ý kiến của cha mẹ chị là ông Trần Phú T và bà Huỳnh Thị A (Th1).

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 13/2018/DS-ST ngày 28/16/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi quyết định:

Căn cứ khoản 5 Điều 26, khoản 3 Điều 35, khoản 2 Điều 147, Điều 157, 161, 165, 266, 273, 464 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Điều 679 Bộ luật dân sự năm 1995; Điều 357, khoản 1 Điều 611, Điều 612, 618, 623, 645, 649, 650, 652 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 98, 99, 100 Luật đất đai năm 2013; Điều 12, 26, 27Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1/ Chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế của ông Trần Phú N, Bà Trần Thị P1, ông Trần Phú T, ông Trần Phú T (em) đối với 783,3m2 đất và tài sản trên đất là ngôi nhà ba gian, một giếng đào, một cây nhãn là di sản của cụ Phan Thị S tại thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16, tại thị trấn L1, huyện T1, tỉnh Quảng Ngãi.

2/ Không chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế của ông Trần Phú N, Bà Trần Thị P1, ông Trần Phú T (em) đối với diện tích 483,3m2 đất nông nghiệp ông Trần Phú T được cân đối theo Nghị định 64/CP thuộc thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16, tại thị trấn L1, huyện T1.

3/ Xác định những người thừa kế thế vị di sản của cụ Phan Thị S gồm có: Bà Trần Thị P1, ông Trần Phú N, Trần Phú T, Trần Phú T (em).

4/ Xác định di sản thừa kế của cụ Phan Thị S tại thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16, tại thị trấn L1, huyện T1 gồm: 783,3m2 đất và ngôi nhà ba gian, một giếng đào, một cây nhãn.

5/ Không xem xét yêu cầu của bà Phạm Thị L về việc chia cho bà một kỷ phần thừa kế.

6/ Không chấp nhận yêu cầu chia cho ông Trần Phú N, ông Trần Phú T (em) thêm một kỷ phần thừa kế để dùng vào việc thờ cúng.

7/ Chấp nhận yêu cầu chia cho ông Trần Phú T một kỷ phần thừa kế về công sức chăm sóc cụ Phan Thị S, giữ gìn, tu bổ thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16, tại thị trấn L1, huyện T1, tỉnh Quảng Ngãi.

8/ Ghi nhận sự tự nguyện của bà Huỳnh Thị A (Th1), ông Trần Phú T đồng ý chặt bỏ toàn bộ số cây trên đất do bà A (Th1), ông T trồng gồm: 01 cây xoài, 11 cây sanh, 01 cây sung, cây chuối và các loại cây khác trên phần đất Tòa án giao cho các đồng thừa kế khác mà không yêu cầu trả lại giá trị.

9/ Chia di sản của cụ S để lại là 783,3m2 tại thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16, tại thị trấn L1, trong đó có 300m2 đất ở và 483,3 m2 đất trồng cây hàng năm khác, thành 05 kỷ phần, mỗi kỷ phần được nhận là 156,66m2 đất (trong đó có 60m2 đất ở và 96,66m2 đất trồng cây hàng năm khác). Đối với tài sản trên đất do cụ V, cụ S để lại gồm nhà ba gian, giếng đào và cây nhãn có tổng giá trị tài sản là 120.810.000 đồng chia làm 05 kỷ phần, Bà Trần Thị P1 (bà Phạm Thị L nhận), ông Trần Phú N, Trần Phú T (em) mỗi người một kỷ phần, mỗi kỷ phần được nhận là 24.162.000 đồng; chia cho ông Trần Phú T 02 kỷ phần trị giá 48.324.000 đồng. Cụ thể như sau:

9.1 Ông Trần Phú N được chia, nhận một kỷ phần là 156,66m2 đất (trong đó có 60m2 đất ở và 96,66m2 đất trồng cây hàng năm khác). Trên phần đất ông Trần Phú N được chia có một chuồng nuôi gia súc của ông T, bà A (Th1) và một phần tường rào, buộc ông T, bà A (Th1) phải tháo dỡ.

9.2 Ông Trần Phú T được chia, nhận hai kỷ phần là 313,32m2 đất (trong đó có 100m2 đất ở và 213,32m2 đất trồng cây hàng năm khác). Trên diện tích đất được chia có trường mẫu giáo, nhà vệ sinh, sân bê tông, mái che bằng tôn do ông Trần Phú T, bà Huỳnh Thị A (Th1) xây dựng.

- Trên phần đất ông Trần Phú T được chia, nhận có cây nhãn, giếng đào, ông T toàn quyền sở hữu. Ông Trần Phú T phải thanh toán lại giá trị giếng đào, cây nhãn cho ông Trần Phú N, Bà Trần Thị P1 (bà L nhận) và ông Trần Phú T (em) mỗi người là 786.000 đồng.

- Đối với diện tích đất ông Trần Phú T được cân đối giao theo Nghị định 64/CP của Chính phủ là 483,3m2 đất trồng cây hàng năm khác, ông T có quyền sử dụng.

- Đối với tường rào bao quanh thửa đất, cổng ngõ và cầu trượt do ông Trần Phú T, bà Huỳnh Thị A (Th1) xây dựng, buộc ông T và bà A (Th1) phải tháo dỡ một phần tường rào, cổng ngõ, một phần cầu trượt trên phần đất chia cho các đồng thừa kế là Trần Thị P1 (Bà L nhận), ông Trần Phú N, ông Trần Phú T (em).

9.3 Bà Trần Thị P1 được chia, nhận (bà P1 giao cho bà Phạm Thị L nhận) một kỷ phần là 156,66m2 đất (trong đó có 90m2 đất ở và 66,66m2 đất trồng cây hàng năm khác), trên diện tích đất được chia có ngôi nhà ba gian. Bà L có quyền sở hữu ngôi nhà ba gian.

- Bà Phạm Thị L phải thanh toán lại cho ông N 23.376.000 đồng giá trị di sản là nhà ba gian, thanh toán cho ông Trần Phú T 49.365000 đồng (trong đó 46.752.000 đồng giá trị 2 kỷ phần thừa kế là nhà ba gian + 2.613.000 đồng giá trị chênh lệch đất ở) và thanh toán cho ông Trần Phú T (em) 24.682.500 đồng (trong đó 23.376.000 đồng giá trị 1 kỷ phần di sản là nhà ba gian + 1.306.500 đồng giá trị chênh lệch đất ở).

- Ông Trần Phú T, bà Huỳnh Thị A (Th1) phải tháo dỡ tường rào trên phần diện tích đất giao, chia cho Bà Trần Thị P1 (bà L nhận thay), bà L không phải trả lại giá trị tường rào cho ông Trần Phú T, bà Huỳnh Thị A (Th1).

9.4 Ông Trần Phú T (em) được chia, nhận một kỷ phần là 156,66m2 đất (trong đó có 50m2 đất ở và 106,66m2 đất trồng cây hàng năm khác). Trên phần đất chia, giao cho ông T (em) có diện tích mái che bằng tôn 53,8m2 và diện tích sân bê tông là 97,5m2, ông T (em) được quyền sở hữu. Ông Trần Phú T (em) phải trả lại giá trị mái che bằng tôn 13.107.500 đồng và giá trị sân bê tông 9.750.000 đồng, tổng cộng là 22.931.000 đồng cho ông Trần Phú T, bà Huỳnh Thị A (Th1).

- Trên phần đất chia, giao cho ông Trần Phú T (em) có một phần tường rào, cổng ngõ và một phần cầu trượt buộc ông Trần Phú T, bà Huỳnh Thị A (Th1) phải tháo dỡ.

Phần diện tích đất di sản được chia cho các đồng thừa kế có sơ đồ bản vẽ kèm theo và là một bộ phận không tách rời bản án. Bà L, ông N, ông T, ông T (em) được quyền liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất được chia, nhận theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí, chi phí tố tụng khác và quyền kháng cáo của đương sự.

Ngày 26 tháng 7 năm 2018, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng có kháng nghị số 36/QĐKNPT-VKS-DS đối với bản án.

Ngày 10 tháng 7 năm 2018, ông Trần Phú N kháng cáo bản án.

Những tài liệu chứng cứ Tòa án cấp phúc thẩm ủy thác thu thập được:

- Biên bản làm việc ngày 03/9/2019 giữa Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và đại diện Ủy ban nhân dân thị trấn L1 về nguồn gốc tài liệu thể hiện ông T kê khai theo Nghị định 64/CP.

- Sổ đăng ký kê khai theo Nghị định 64/CP của Ủy ban nhân dân thị trấn L1.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay ông Trần Phú N, vẫn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo, Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên kháng nghị, các đương sự không hòa giải với nhau về việc giải quyết vụ án.

Trong phần phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đương sự đã thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình. Về nội dung vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, và kháng cáo của ông Trần Phú N, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, lời trình bày của các đương sự và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét khách quan, toàn diện và đầy đủ chứng cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:

[1] Căn cứ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, Bản án sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật cần giải quyết trong vụ án về “tranh chấp di sản thừa kế” là có căn cứ đúng pháp luật. Cụ Trần V (chết năm 1969), cụ Phan Thị S (chết năm 2007), cụ V và cụ S có một người con duy nhất là ông Trần Phú V1 có vợ là bà Phạm Thị L (ông V1 chết năm 1965).

Ông V1, bà L sinh được 4 người con là: Bà Trần Thị P1, ông Trần Phú N, Trần Phú T, Trần Phú T (Em), căn cứ Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2015, Bản án sơ thẩm xác định những người thừa kế thế vị di sản của cụ S là Bà Trần Thị P1, ông Trần Phú N, Trần Phú T, Trần Phú T (em) là có cơ sở. Các đương sự trong vụ án không có kháng cáo về diện và hàng thừa kế.

[2] Di sản thừa kế: Thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16, diện tích 1.266,6m2, tại thị trấn L1, huyện T1, tỉnh Quảng Ngãi và ngôi nhà ba gian, giếng đào, cây nhãn là tài sản của cụ Trần V và cụ Phan Thị S. Sau khi cụ V chết, phần di sản của cụ V được giao toàn bộ cho cụ S theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 679 Bộ luật dân sự năm 1995.

[3] Xét kháng cáo của ông Trần Phú N và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, Hội đồng xét xử xét thấy:

Sau khi ông V1 chết, vào năm 1979 bà Phạm Thị L cùng với các con là Trần Thị P1, Trần Phú N, Trần Phú T, và Trần Phú T (em) vào Sài Gòn sinh sống, khi đó chỉ có mình cụ S ở lại quản lý nhà đất. Năm 1984 ông Trần Phú T quay về quê và sinh sống cùng cụ S. Ngày 24 tháng 10 năm 1998 Ủy ban nhân dân huyện T1 tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định 365/QĐ – UB về việc duyệt đề án giao đất nông nghiệp cho cá nhân, hộ gia đình theo Nghị định 64/CP của Chính phủ cho đơn vị thị trấn L1. Tại bản khai danh sách nhân khẩu ngày 17 tháng 6 năm 1991 (BL206) thể hiện trong hộ của cụ S có cụ S và ông Trần Phú T. Tại sổ cân đối theo nghị định 64 có tên ông Trần Phú T trong danh sách được giao đất theo Nghị định. Tại công văn số 1477/UBND ngày 10 tháng 8 năm 2017 (BL224) thể hiện tại thời điểm giao đất theo Nghị định 64/CP thì hộ gia đình cụ S có 02 nhân khẩu được giao đất. Từ những nội dung trên xét thấy, Bản án sơ thẩm xác định nhân khẩu được Ủy ban nhân dân thị trấn L1 cân đối giao diện tích đất trồng cây hàng năm khác, tại thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16, thị trấn L1, cho cụ Phan Thị S và ông Trần Phú T theo quy định của Nghị định 64/CP là có căn cứ đúng pháp luật phù hợp với các quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm cân đối đất.

Trong quá trình giải quyết vụ án ông Trần Phú N có cung cấp đơn xin xác nhận đề ngày 10/8/2017 có nội dung, thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16, diện tích 1266,6m2, tại thị trấn L1, huyện T1 không vào hợp tác xã và được Hợp tác xã nông nghiệp Tân An xác nhận “Hợp tác xã không quản lý mảnh vườn nói trên”. Tuy nhiên, tại biên bản làm việc ngày 13/6/2018, ông Nguyễn Đình Đông giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân An rút lại lời xác nhận này vì thửa đất thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16, thị trấn L1 không thuộc địa bàn quản lý của Hợp tác xã nông nghiệp Tân An.

Trong quá trình xét xử phúc thẩm Tòa án cấp phúc thẩm đã thực hiện biện pháp thu thập chứng cứ để yêu cầu Ủy ban nhân dân thị trấn L1 cung cấp toàn bộ bản phô tô xác nhận của Ủy ban, sổ đăng ký theo nghị định 64/CP. (Biên bản làm việc ngày 03/9/2019 giữa Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và đại diện Ủy ban nhân dân thị trấn L1 về nguồn gốc tài liệu thể hiện ông T kê khai theo Nghị định 64/CP - Sổ đăng ký kê khai theo Nghị định 64/CP của Ủy ban nhân dân thị trấn L1).

Tại bản kháng nghị của Viện kiểm sát cho rằng cần phải hủy án sơ thẩm để thu thập đầy đủ chứng cứ là không có cơ sở.

Từ những viện dẫn và phân tích nêu trên xét thấy: đơn kháng cáo và nội dung kháng nghị cho rằng chưa đủ cơ sở để xác định diện tích đất tại thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16 được cân đối theo Nghị định 64/CP cho ông Trần Phú T là không có căn cứ được chấp nhận.

[4] Xét kháng nghị của Viện kiểm sát cho rằng cần phải xem xét công sức của bà L theo yêu cầu của bà L trong việc có công sức bảo quản tôn tạo giữ gìn đất đồng thời kháng nghị cho rằng việc phân chia đất theo án sơ thẩm theo vị trí đất là không công bằng, Hội đồng xét xử xét thấy:

Vào năm 1979 bà L đã không còn ở tại nhà đất nêu trên (đi từ 1979 đến năm 1980 chính thức cắt hộ khẩu). Đến năm 2007 sau khi cụ S chết thì bà mới quay trở về, khi này bà L đã 70 tuổi, bà L không chứng minh được việc ở liên tục trên đất nói trên, trong khi đó ông Trần Phú T chứng minh được việc ông nộp thuế nhà đất, xây dựng tường rào trên đất v.v. Vợ chồng ông T còn có công sức trong việc chăm sóc cụ S trong khoảng thời gian dài trước khi cụ qua đời. Tại phiên tòa sơ thẩm bà L thừa nhận khi cụ S mất bà không có mặt lo tang lễ, vì bà đi theo Hội thánh đức chúa trời (BL345 -346). Ngoài ra bà L còn cho rằng bà có gửi tiền về chăm lo cho cụ S khi già yếu tuy nhiên tại bút lục số 295 thể hiện có việc bà L gửi thư nói bà A (Th1) lo chăm sóc nội dùm bà L và khi nào bà L có tiền sẽ về thăm nội và các con. Như vậy, bản án sơ thẩm không xem xét công sức đóng góp của bà L là đúng với thực tế và đúng pháp luật.

[4.1] Nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát cho rằng, việc phân chia như án sơ thẩm là không công bằng và số liệu giữa diện tích đất được phân chia theo quyết định của bản án và sơ đồ có khác nhau; Hội đồng xét xử xét thấy:

Sau khi trừ đi diện tích đất được cân đối theo Nghị định 64/CP thì di sản của cụ S được chia thành 05 phần trong đó ông Nguyễn Phú T được chia 02 kỷ phần (01 kỷ phần do có công sức đóng góp tôn tạo di sản chăm sóc cụ S). Tổng diện tích đất mà ông T được phân chia theo Nghị định 64/CP và hưởng thừa kế là 796,62m2. Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét thực tế trên toàn bộ diện tích đất, các công trình nhà cửa mà các bên đương sự đang thực tế sử dụng ổn định để xem xét chia cho phù hợp. Qua xem xét thực tế thì nhà của ông Trần Phú T vào năm 2004 khi cụ S còn sống có biết việc ông T xây dựng nhà, cùng các công trình khác để mở lớp dạy trẻ và được phép hoạt động. Bản án sơ thẩm đã căn cứ diện tích đất mà ông T được hưởng để chia cho ông T phần diện tích đất có nhà và công trình lớp học của ông T để chia cho ông T là phù hợp với thực tế sử dụng, tránh gây phá dỡ, nhà có giá trị lớn hơn đất là không cần thiết. Đối với các kỷ phần khác cũng được chia diện tích tương ứng với kỷ phần của mình được chia và trên đất có nhà, công trình xây dựng của đương sự đó đang sử dụng là phù hợp, đồng thời việc chia như án sơ thẩm vẫn đảm bảo công năng sử dụng về lối đi trên phần đất của đương sự được chia. Do vậy ý kiến kháng cáo và kháng nghị về nội dung nêu trên là không có cơ sở chấp nhận.

Về nội dung kháng nghị cho rằng: Số liệu giữa phần diện tích đất của ông T được chia theo quyết định của bản án và sơ đồ có sự chênh lệch. Xét thấy:

Việc quyết định của bản án phân chia kỷ phần về diện tích được hưởng là đúng pháp luật. Tuy nhiên trong vụ án này thì cần phải chia theo sơ đồ cụ thể vì còn phụ thuộc vào tài sản trên đất của các đương sự như đã phân tích nêu trên, do vậy diện tích đất như quyết định trong bản án và sơ đồ thực tế cũng có thể chênh lệch nhau, thế nhưng tổng diện tích đất của ông T được hưởng cũng không thay đổi theo quyết định của bản án. Cơ quan thi hành án sẽ thi hành việc cắm mốc, bàn giao đất theo sơ đồ bản vẽ, vì sơ đồ là một văn bản không thể tách rời bản án, mục đích của sơ đồ bản vẽ là giúp cho việc thi hành án được chính xác cụ thể. Kháng nghị của Viện kiểm sát về nội dung này cũng không được chấp nhận.

Tại phiên tòa hôm nay ông Nguyễn Phú T không yêu cầu bà Phạm Thị L phải thanh toán khoản tiền 49.365.000 đồng như án sơ thẩm đã tuyên. Xét thấy yêu cầu này của ông T là tự nguyện, Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận không buộc bà L phải có nghĩa vụ thanh toán lại cho ông T khoản tiền 49.365.000 đồng.

Từ những nhận định nêu trên xét thấy kháng cáo của ông Trần Phú N và kháng nghị của VKS là không có căn cứ chấp nhận, bác kháng cáo và kháng nghị, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Về án phí: Ông Trần Phú N và bà Phạm Thị L thuộc hộ nghèo do vậy miễn án phí dân sự sơ thẩm, phúc thẩm cho ông N và án phí sơ thẩm cho bà L.

Vì các lẽ nêu trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308, Bộ luật Tố tụng dân sự:

Không chấp nhận đơn kháng cáo của ông Trần Phú N và Quyết định kháng nghị số 36/QĐKNPT-VKS-DS ngày 26 tháng 7 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số: 13/2018/DS-ST ngày 28/16/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về những nội dung liên quan đến kháng cáo, kháng nghị.

Ghi nhận sự tự nguyện của ông Trần Phú T để sửa một phần bản án sơ thẩm, không buộc bà L phải thanh toán lại 49.365.000 đồng, cho ông Trần Phú T.

Tuyên xử:

1/ Chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế của ông Trần Phú N, Bà Trần Thị P1, ông Trần Phú T, ông Trần Phú T (em) đối với 783,3m2 đất và tài sản trên đất là ngôi nhà ba gian, một giếng đào, một cây nhãn là di sản của cụ Phan Thị S tại thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16, tại thị trấn L1, huyện T1, tỉnh Quảng Ngãi.

2/ Không chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế của ông Trần Phú N, Bà Trần Thị P1, ông Trần Phú T (em) đối với diện tích 483,3m2 đất nông nghiệp ông Trần Phú T được cân đối theo Nghị định 64/CP thuộc thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16, tại thị trấn L1, huyện T1.

3/ Xác định những người thừa kế thế vị di sản của cụ Phan Thị S gồm có: Bà Trần Thị P1, ông Trần Phú N, Trần Phú T, Trần Phú T (em).

4/ Xác định di sản thừa kế của cụ Phan Thị S tại thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16, tại thị trấn L1, huyện T1 gồm: 783,3m2 đất và ngôi nhà ba gian, một giếng đào, một cây nhãn.

5/ Không xem xét yêu cầu của bà Phạm Thị L về việc chia cho bà một kỷ phần thừa kế.

6/ Không chấp nhận yêu cầu chia cho ông Trần Phú N, ông Trần Phú T (em) thêm một kỷ phần thừa kế để dùng vào việc thờ cúng.

7/ Chấp nhận yêu cầu chia cho ông Trần Phú T một kỷ phần thừa kế về công sức chăm sóc cụ Phan Thị S, giữ gìn, tu bổ thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16, tại thị trấn L1, huyện T1, tỉnh Quảng Ngãi.

8/ Ghi nhận sự tự nguyện của bà Huỳnh Thị A (Th1), ông Trần Phú T đồng ý chặt bỏ toàn bộ số cây trên đất do bà A (Th1), ông T trồng gồm: 01 cây xoài, 11 cây sanh, 01 cây sung, cây chuối và các loại cây khác trên phần đất Tòa án giao cho các đồng thừa kế khác mà không yêu cầu trả lại giá trị.

9/ Chia di sản của cụ S để lại là 783,3m2 tại thửa đất số 227, tờ bản đồ số 16, tại thị trấn L1, trong đó có 300m2 đất ở và 483,3 m2 đất trồng cây hàng năm khác, thành 05 kỷ phần, mỗi kỷ phần được nhận là 156,66m2 đất (trong đó có 60m2 đất ở và 96,66m2 đất trồng cây hàng năm khác). Đối với tài sản trên đất do cụ V, cụ S để lại gồm nhà ba gian, giếng đào và cây nhãn có tổng giá trị tài sản là 120.810.000 đồng chia làm 05 kỷ phần, Bà Trần Thị P1 (bà Phạm Thị L nhận), ông Trần Phú N, Trần Phú T (em) mỗi người một kỷ phần, mỗi kỷ phần được nhận là 24.162.000 đồng; chia cho ông Trần Phú T 02 kỷ phần trị giá 48.324.000 đồng. Cụ thể như sau:

9.1 Ông Trần Phú N được chia, nhận một kỷ phần là 156,66m2 đất (trong đó có 60m2 đất ở và 96,66m2 đất trồng cây hàng năm khác). Trên phần đất ông Trần Phú N được chia có một chuồng nuôi gia súc của ông T, bà A (Th1) và một phần tường rào, buộc ông T, bà A (Th1) phải tháo dỡ.

9.2 Ông Trần Phú T được chia, nhận hai kỷ phần là 313,32m2 đất (trong đó có 100m2 đất ở và 213,32m2 đất trồng cây hàng năm khác). Trên diện tích đất được chia có trường mẫu giáo, nhà vệ sinh, sân bê tông, mái che bằng tôn do ông Trần Phú T, bà Huỳnh Thị A (Th1) xây dựng.

- Trên phần đất ông Trần Phú T được chia, nhận có cây nhãn, giếng đào, ông T toàn quyền sở hữu. Ông Trần Phú T phải thanh toán lại giá trị giếng đào, cây nhãn cho ông Trần Phú N, Bà Trần Thị P1 (bà L nhận) và ông Trần Phú T (em) mỗi người là 786.000 đồng.

- Đối với diện tích đất ông Trần Phú T được cân đối giao theo Nghị định 64/CP của Chính phủ là 483,3m2 đất trồng cây hàng năm khác, ông T có quyền sử dụng.

- Đối với tường rào bao quanh thửa đất, cổng ngõ và cầu trượt do ông Trần Phú T, bà Huỳnh Thị A (Th1) xây dựng, buộc ông T và bà A (Th1) phải tháo dỡ một phần tường rào, cổng ngõ, một phần cầu trượt trên phần đất chia cho các đồng thừa kế là Trần Thị P1 (Bà L nhận), ông Trần Phú N, ông Trần Phú T (em).

9.3 Bà Trần Thị P1 được chia, nhận (bà P1 giao cho bà Phạm Thị L nhận) một kỷ phần là 156,66m2 đất (trong đó có 90m2 đất ở và 66,66m2 đất trồng cây hàng năm khác), trên diện tích đất được chia có ngôi nhà ba gian. Bà L có quyền sở hữu ngôi nhà ba gian.

- Bà Phạm Thị L phải thanh toán lại cho ông N 23.376.000 đồng giá trị di sản là nhà ba gian và thanh toán cho ông Trần Phú T (em) 24.682.500 đồng (trong đó 23.376.000 đồng giá trị 1 kỷ phần di sản là nhà ba gian + 1.306.500 đồng giá trị chênh lệch đất ở). Ghi nhận sự tự nguyện của ông Trần Phú T, không buộc bà L phải thanh toán lại 49.365.000 đồng, cho ông Trần Phú T.

- Ông Trần Phú T, bà Huỳnh Thị A (Th1) phải tháo dỡ tường rào trên phần diện tích đất giao, chia cho Bà Trần Thị P1 (bà L nhận thay), bà L không phải trả lại giá trị tường rào cho ông Trần Phú T, bà Huỳnh Thị A (Th1).

9.4 Ông Trần Phú T (em) được chia, nhận một kỷ phần là 156,66m2 đất (trong đó có 50m2 đất ở và 106,66m2 đất trồng cây hàng năm khác). Trên phần đất chia, giao cho ông T (em) có diện tích mái che bằng tôn 53,8m2 và diện tích sân bê tông là 97,5m2, ông T (em) được quyền sở hữu. Ông Trần Phú T (em) phải trả lại giá trị mái che bằng tôn 13.107.500 đồng và giá trị sân bê tông 9.750.000 đồng, tổng cộng là 22.931.000 đồng cho ông Trần Phú T, bà Huỳnh Thị A (Th1).

- Trên phần đất chia, giao cho ông Trần Phú T (em) có một phần tường rào, cổng ngõ và một phần cầu trượt buộc ông Trần Phú T, bà Huỳnh Thị A (Th1) phải tháo dỡ.

Phần diện tích đất di sản được chia cho các đồng thừa kế có sơ đồ bản vẽ kèm theo và là một bộ phận không tách rời bản án. Bà L, ông N, ông T, ông T (em) được quyền liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất được chia, nhận theo quy định của pháp luật.

Án phí phúc thẩm: Miễn án phí dân sự phúc thẩm cho ông Trần Phú N.

Án phí sơ thẩm: Miễn một phần án phí dân sự sơ thẩm cho bà Phạm Thị L và ông Trần Phú N.

Ông N không phải nộp 18.169.751 đồng (mười tám triệu một trăm sáu mươi chín nghìn bảy trăm năm mươi mốt đồng). Phải nộp 733.000 đồng án phí sơ thẩm số tiền tạm ứng án phí 733.000 đồng đã nộp theo biên lai số AA/2014/0002893 ngày 05/4/2017 nay chuyển thành tiền án phí sơ thẩm.

Bà Phạm Thị L không phải nộp 18.486.751 đồng (mười tám triệu bốn trăm tám mươi sáu nghìn bảy trăm năm mươi mốt đồng). Phải nộp 312.000 đồng án phí sơ thẩm số tiền 312.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số AA/2016/0000173 ngày 01/6/2017 nay chuyển thành tiền án phí sơ thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo kháng nghị có hiệu lực pháp luật.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

626
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 166/2019/DS-PT ngày 25/09/2019 về tranh chấp chia di sản thừa kế

Số hiệu:166/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 25/09/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;