TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 164/2018/DS-PT NGÀY 20/11/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG GÓP VỐN
Ngày 20 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 98/2018/TLPT-DS ngày 16/8/2018 về việc “Tranh chấp hợp đồng góp vốn”. Do bản án dân sự sơ thẩm số: 21/2018/DS-ST ngày 02/07/2018 của Tòa án nhân dân huyện Krông Năng bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 145/2018/QĐ-PT ngày 28/9/2018, Quyết định hoãn phiên tòa số: 156/2018/QĐ-PT ngày 16/10/2018 và Thông báo chuyển lịch phiên tòa dân sự phúc thẩm số: 932/2018/TB-TA ngày 29/10/2018, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Phạm Thị Kim H – sinh năm 1966; trú tại: Thôn QT, xã ET, huyện KN, tỉnh Đắk Lắk. (Có mặt)
2. Đồng bị đơn:
2.1. Bà Lương Thị N – sinh năm 1964; trú tại: Thôn QT, xã ET, huyện KN, tỉnh Đắk Lắk. (Có mặt)
2.2. Bà Nguyễn Thị T – sinh năm 1969; trú tại: Thôn QT, xã ET, huyện KN, tỉnh Đắk Lắk. (Có mặt)
3. Người làm chứng:
3.1. Ông Nguyễn Văn H (Chồng của bà Phạm Thị Kim H); trú tại: Thôn QT, xã ET, huyện KN, tỉnh Đắk Lắk. (Vắng mặt)
3.2. Ông Lương Văn V (Chồng của bà Lương Thị N); trú tại: Thôn QT, xã ET, huyện KN, tỉnh Đắk Lắk. (Vắng mặt)
3.3. Ông Lê Văn T (Chồng của bà Nguyễn Thị T); trú tại: Thôn QT, xã ET, huyện KN, tỉnh Đắk Lắk. (Vắng mặt)
3.4. Ông Ma Văn D; trú tại: Buôn ĐS, xã ĐN, huyện L, tỉnh Đắk Lắk. (Vắng mặt)
3.5. Bà Huỳnh Thị H; trú tại: Thôn EC, xã ET, huyện KN, tỉnh Đắk Lắk. (Vắng mặt)
3.6. Bà Nguyễn Thị N1; trú tại: Thôn TC, xã ĐY, huyện EH, tỉnh Đắk Lắk. (Vắng mặt)
3.7. Bà Lý Thị N2; trú tại: Thôn 6, xã EK, huyện EH, tỉnh Đắk Lắk. (Vắng mặt)
3.8. Bà Lường Thị T1; trú tại: Thôn 6, xã EK, huyện EH, tỉnh Đắk Lắk. (Vắng mặt)
4. Người kháng cáo: Nguyên đơn bà Phạm Thị Kim H, đồng bị đơn bà Lương Thị N và bà Nguyễn Thị T.
NỘI DUNG VỤ ÁN
*/ Nguyên đơn bà Phạm Thị Kim H trình bày: Bà Phạm Thị Kim H, bà Nguyễn Thị T và bà Lương Thị N là chị em cùng xóm. Tháng 5/2014, do muốn tăng thêm thu nhập, bà H cùng bà Lường Thị T1, bà Lý Thị N2, bà Lương Thị N, bà Nguyễn Thị T, ông Ma Văn D có góp vốn để mở xưởng trồng nấm tại Công ty cổ phần TNM CNX tại thôn TC, xã ĐY, huyện EH, tỉnh Đắk Lắk. Được một khoảng thời gian ngắn, bà Lường Thị T, bà Lý Thị N2, ông Ma Văn D xin nghỉ do việc gia đình và xin được rút vốn thì đã được trả lại vốn góp ban đầu. Số vốn góp do bà H, bà N và bà T góp được góp thành nhiều lần, góp vốn bằng tiền mặt. Tính đến tháng 12/2014, bà H, bà N và bà T mỗi gia đình đã góp số tiền là 56.000.000 đồng x 03 người = 168.000.000 đồng,
Khi góp vốn làm ăn, bà H, bà N và bà T chỉ thỏa thuận miệng với nhau, không lập thành hợp đồng, hình thức góp vốn bằng tiền mặt, phương thức góp tiền thành nhiều lần, thiếu đến đâu góp đến đó. Ba người phân công bà T phụ trách thu, chi, giữ tiền; bà N đi liên hệ trung tâm để học cách làm nấm, mua giống nấm. Cuối tháng quyết toán chi tiêu cả ba cùng ký vào sổ sách. Bà H, bà T, bà N không có thỏa thuận trong quá trình góp vốn ai tự ý nghỉ thì không được hoàn lại tiền.
Tiền vốn góp được chi cho học phí để học trồng nấm, ăn uống, mua dụng cụ phục vụ cho việc trồng nấm gồm: 01 cái lò hấp và 06 cái kệ sắt trị giá 37.000.000 đồng; 21 cây tiếp tròn dài 6m trị giá 3.780.000 đồng; 03 cuộn ống tưới trị giá 1.500.000 đồng; 01 cái cân 5kg và 01 cái cân 30 kg (Không biết chính xác số tiền); 01 Tivi Samsung 14 inch trị giá 1.000.000 đồng; 100 cây tre để làm giàn trị giá 1.000.000 đồng; 01 bình xịt thuốc bằng điện trị giá 1.500.000 đồng; 01 bình ga và 01 bếp ga 12kg trị giá 1.500.000 đồng; 01 đồng hồ điện 5kg (Không biết chính xác số tiền); 50m dây điện trị giá 400.000 đồng; 01 bơm nước trị giá 1.500.000 đồng; 33 trụ xi măng trị giá 2.300.000 đồng; 09 xe tải rơm trị giá 29.000.000 đồng; 01 buồng cấy nấm không nhớ giá trị; đồng hồ đo nhiệt; 50 khối mùn cưa trị giá 12.000.000 đồng đã làm được 14.000 bịch nấm mèo và nấm dai đang treo trên giàn. Trước khi mua các tài sản trên, các thành viên đều thống nhất ý kiến đồng ý mua. Bà T là người ghi chép, quản lý và giữ sổ sách ghi chép việc chi tiêu của xưởng nấm, còn bà H và bà N chỉ theo dõi. Hiện nay các tài sản đã mua phục vụ cho việc trồng nấm kể trên bà Lương Thị N đang quản lý ở Công ty cổ phần TNM CNX, tại thôn TC, xã ĐY, huyện EH, tỉnh Đắk Lắk.
Từ tháng 8/2014 đến tháng 12/2014, xưởng nấm đã thu hoạch được nấm lai rai, số tiền bán nấm không nhớ rõ bao nhiêu. Tiền bán nấm được nhập vào tiền vốn của ba người và để dùng chi ăn uống, mua nguyên vật liệu làm tiếp theo. Ba người làm ăn chưa được chia lợi nhuận, tiền bán nấm chi tiêu cho ăn uống nhiều khi còn không đủ và phải góp tiền thêm để mua nguyên vật liệu làm nấm tiếp theo.
Tháng 9/2014, chồng bà H là ông Nguyễn Văn H bị ốm phải nhập viện, nên phải thuê bà Nguyễn Thị N1 làm công thay chồng bà H tại xưởng nấm. Bà N1 làm thuê được 03 tháng thì nghỉ. Sau đó, chồng bà H lại tiếp tục bị bệnh phải nhập viện, nên bà H đề nghị thay người khác vào làm thay để đưa chồng đi bệnh viện, nhưng bà T và bà N không đồng ý. Do đó, bà H cũng nghỉ làm nấm vào tháng 12/2014.
Trong quá trình trồng nấm không thỏa thuận thuê nhân công làm thêm. Bà H, bà N và bà T góp vốn bằng nhau, góp công bằng nhau, gia đình bà T, bà N bỏ bao nhiêu công làm thì gia đình bà H bỏ bấy nhiêu công làm, nhà ai thiếu người phải tự đi thuê người làm để đủ công làm như các gia đình khác. Khi bà H nghỉ ở trại nấm để đưa chồng đi bệnh viện thì tại cơ sở còn 14.000 bịch nấm mèo và nấm dai đang treo trên giàn chưa rạch bịch, số nấm này phải đến khoảng tháng 12/2014 (Âm lịch) mới được thu hoạch. Khi bà H nghỉ làm thì bà N, bà T vẫn tiếp tục làm ở xưởng nấm nên bà N và bà T đã thu hoạch toàn bộ mẻ nấm nói trên. Đến tháng 6/2015, bà Lương Thị A khởi kiện yêu cầu bà H phải thanh toán số tiền nợ chung đã vay là 6.670.000 đồng trong thời gian ba người trồng nấm, khi đó bà H mới biết bà T, bà N đã tự ý thanh lý tài sản mà không thông báo cho bà H. Tại phiên tòa sơ thẩm, bà H cho rằng chi phí ăn uống là 3.000.000 đồng/người/tháng x 06 tháng = 18.000.000 đồng.
Do bà H không được thu lợi từ việc trồng nấm nên bà H khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà Lương Thị N, bà Nguyễn Thị T phải trả cho bà H số vốn đã góp (Sau khi đã khấu trừ 10.000.000 đồng tiền học phí) là 46.000.000 đồng và tiền công làm nấm là 54.000.000 đồng (Trong đó, tiền công của bà H trong 06 tháng + Ông Nguyễn Văn H 03 tháng + Bà Nguyễn Thị N1 03 tháng x 4.500.000 đồng/tháng = 54.000.000 đồng).
*/ Bị đơn bà Nguyễn Thị T trình bày: Tháng 6/2014, do muốn tăng thêm thu nhập nên bà Nguyễn Thị T, bà Phạm Thị Kim H, bà Lương Thị N, ông Ma Văn D cùng rủ nhau trồng nấm (Nấm rơm, nấm mèo, nấm dai và nấm linh chi) tại thôn TC, xã ĐY, huyện EH. Bà T không quen biết bà Lường Thị T1, bà Lý Thị N2 nên việc bà T1, bà N2 góp vốn như thế nào với bà N thì bà T không rõ, khi vào làm chỉ có bà T, bà N, bà H và ông D. Được một khoảng thời gian, ông Ma Văn D nghỉ do việc gia đình và xin được rút vốn thì đã được trả lại vốn đã góp ban đầu, nguồn gốc 10.000.000 đồng tiền ông D góp vốn là mượn của bà N, nên số tiền 10.000.000 đồng này chuyển sang tiền vốn góp của ba người.
Sau khi còn lại ba người, thì các bên có thỏa thuận miệng ai tự ý nghỉ thì không được hoàn lại tiền vốn đã góp. Khi rủ nhau trồng nấm ba người chỉ thỏa thuận miệng, không lập thành văn bản. Hình thức góp vốn của ba người là bằng tiền mặt và có vay nợ của một số người, góp tiền nhiều lần, thiếu đến đâu góp đến đó, tính đến tháng 12/2014 bà T đã góp tổng cộng là 56.000.000 đồng. Khi góp vốn có lập biên lai thu tiền, bà T và người đóng tiền cùng ký vào biên lai đó, bà T giữ một bản, người đóng tiền giữ một bản. Ba người thỏa thuận bà T được phân công làm thủ quỹ, còn bà H làm kế toán, hai người có nghĩa vụ ghi sổ sách và cuối tháng cả ba cùng công khai tài chính. Số tiền đóng góp được dùng chi phí cho ăn uống, mua các trang thiết bị, nguyên vật liệu làm nấm, tiền học phí học trồng nấm.
Để phục vụ cho việc trồng nấm ba người đã thống nhất mua các tài sản gồm: 01 lò hấp nấm và kệ sắt; cây tiếp tròn; ống nước tưới; 01 cái cân 5kg; 01 cái cân 30 kg; 01 Tivi Samsung 14 inch; cây tre để làm giàn; 01 bình xịt thuốc bằng điện; 01 bình ga và 01 bếp ga; đồng hồ điện; dây điện; trụ xi măng; 09 xe rơm; 01 buồng cấy nấm; đồng hồ đo nhiệt; 50 khối mùn cưa. Do thời gian đã lâu nên bà T không nhớ được số lượng, chủng loại, đặc điểm và số tiền đã mua các tài sản trên, còn đối với máy bơm nước là máy bơm cũ của nhà bà N đưa qua sử dụng, các sổ sách ghi chép chi tiêu đã bị thất lạc, nên bà T không thể cung cấp cho Tòa án được. Hiện các tài sản trên chưa phân chia và không ai quản lý, đang còn để lại ở xưởng nấm tại thôn TC, xã ĐY, huyện EH.
Sau khi cùng nhau góp vốn, góp công để trồng nấm, từ tháng 8/2014 đến tháng 12/2014 xưởng nấm đã được thu nấm lai rai, số tiền bán nấm bà không nhớ rõ bao nhiêu do sổ sách đã bị thất lạc. Tiền bán nấm được dùng để chi cho ăn uống, mua nguyên vật liệu làm nấm tiếp theo. Ba người làm ăn chưa được chia lợi nhuận, tiền bán nấm chi tiêu cho ăn uống nhiều khi còn không đủ và phải góp tiền thêm để mua nguyên vật liệu.
Bà T, bà N và bà H không thỏa thuận thuê nhân công, gia đình bà N, bà H bỏ bao nhiêu công để làm thì gia đình bà T cũng bỏ bấy nhiêu công để làm, gia đình bà T không thiếu công nào.
Ngày 18/12/2014 (Âm lịch), bà H tự ý bỏ dở việc trồng nấm. Trước khi bỏ, bà H có đến nói với bà T và bà N là bà nghỉ trồng nấm không làm nữa vì chồng bà ốm phải đi bệnh viện, thì bà T, bà N không đồng ý vì cả ba còn đang nợ tiền của rất nhiều người nên phải cố gắng làm mà trả nợ (Cả 03 người vay của nhiều người để có tiền vốn góp vào), thì bà H có nói bà H nhất quyết nghỉ, kệ bà T và bà N muốn làm gì thì làm. Sau khi bà H nghỉ được khoảng mấy ngày, đến khoảng ngày 05/01/2015 thì bà T cũng nghỉ làm ở xưởng nấm vì điều kiện trồng nấm khó khăn, thiếu nước, thời tiết xấu, thiếu vốn và không có tiền để đóng góp mở rộng sản xuất. Sau khi bà T nghỉ thì còn một mình bà N làm ở cơ sở trồng nấm.
Bà H cho rằng sau khi nghỉ làm còn 14.000 bịch nấm mèo và nấm dai đang treo trên giàn thì bà T không chấp nhận, số nấm mèo và nấm dai chết hết vì không có nước tưới. Nếu làm ăn thuận lợi thì bà H đã không tự ý nghỉ làm mà không lấy lại tài sản đã góp và ở lại thu mẻ nấm còn lại.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bà T cho rằng chi phí ăn uống là 3.000.000 đồng/người/tháng x 06 tháng = 18.000.000 đồng.
Nay bà H khởi kiện yêu cầu bà T và bà N phải trả lại tiền vốn đã góp 46.000.000 đồng (Sau khi đã khấu trừ 10.000.000 đồng tiền học phí) và trả tiền công làm nấm là 54.000.000 đồng thì bà T không chấp nhận, vì bà T cũng bỏ vốn và bỏ công như bà H.
*/ Bị đơn bà Lương Thị N trình bày: Tháng 6/2014, do muốn tăng thêm thu nhập nên bà Lương Thị N, ông Ma Văn D, bà Phạm Thị Kim H, bà Nguyễn Thị T cùng rủ nhau trồng nấm (Nấm rơm, nấm mèo, nấm dai và nấm linh chi) tại thôn TC, xã ĐY, huyện EH. Ban đầu có bà N, bà Lường Thị T1, bà Lý Thị N2 nhưng do thấy số tiền góp vốn nhiều nên T1, N2 xin rút. Khi đó bà H, bà T chưa tham gia góp vốn. Làm được một thời gian, ông Ma Văn D xin nghỉ do việc gia đình và xin được rút vốn thì đã được trả lại vốn đã góp ban đầu. Nguồn gốc tiền ông D góp vốn là mượn của bà N, nên số tiền 10.000.000 đồng chuyển sang cho bà N. Bà N, bà H và bà T đều thống nhất số tiền 10.000.000 đồng thành vốn góp của ba người, chia đều mỗi người 3.300.000 đồng, nên bà T, bà H mỗi người còn nợ bà N 3.300.000 đồng.
Sau khi còn lại ba người làm thì ba người thỏa thuận miệng ai tự ý nghỉ thì không được hoàn lại tiền vốn đã góp, khi rủ nhau trồng nấm chỉ thỏa thuận miệng chứ không lập thành văn bản. Hình thức góp vốn bằng tiền mặt, góp tiền nhiều lần, thiếu đến đâu góp đến đó. Tính đến tháng 12/2014, bà N đã góp tổng cộng 56.000.000 đồng. Ba người thỏa thuận bà T được phân công làm thủ quỹ, còn bà H làm kế toán, hai người có nghĩa vụ ghi sổ sách và cuối tháng cả ba cùng công khai tài chính. Tiền vốn góp được chi phí cho ăn uống, mua các nguyên vật liệu làm nấm, tiền học phí.
Để phục vụ cho việc trồng nấm ba người đã thống nhất mua các tài sản như sau: 01 lò hấp nấm và kệ sắt; cây tiếp tròn; ống nước tưới; 01 cái cân 5kg; 01 cái cân 30 kg; 01 Tivi Samsung 14 inch; cây tre để làm giàn; 01 bình xịt thuốc bằng điện; 01 bình ga và 01 bếp ga; đồng hồ điện; dây điện; trụ xi măng; 09 xe rơm; 01 buồng cấy nấm; đồng hồ đo nhiệt; 50 khối mùn cưa. Thời gian đã lâu nên bà N không nhớ được số lượng, chủng loại, đặc điểm, số tiền đã mua các tài sản trên, còn đối với máy bơm nước là máy bơm cũ của nhà bà N đem đi sửa lại để sử dụng chứ không mua mới. Hiện các tài sản trên chưa phân chia và không ai quản lý đang còn để lại ở xưởng nấm tại thôn TC, xã ĐY, huyện EH.
Từ tháng 8/2014 đến tháng 12/2014, trại nấm được thu nấm lai rai, số tiền bán nấm không nhớ rõ bao nhiêu, sổ sách đã bị thất lạc. Tiền bán nấm được dùng chi ăn uống, mua nguyên vật liệu làm tiếp theo. Ba người làm ăn chưa được chia lợi nhuận, tiền bán nấm chi tiêu cho ăn uống nhiều khi còn không đủ và phải góp tiền thêm để mua nguyên vật liệu.
Bà N, bà T và bà H không thỏa thuận thuê nhân công, gia đình bà T, bà H bỏ bao nhiêu công để làm thì gia đình bà N cũng bỏ bấy nhiêu công để làm, gia đình bà N không thiếu công nào.
Ngày 18/12/2014 (Âm lịch), bà H tự ý bỏ dở việc trồng nấm, trước khi bỏ, bà H có đến nói với bà N, bà T là nghỉ trồng nấm, bà không làm nữa vì chồng bà ốm phải đi bệnh viện thì bà N, bà T không đồng ý vì đang còn nợ tiền rất nhiều người, phải cố gắng làm mà trả nợ và bà H có nói bà H nhất quyết nghỉ, kệ bà và bà T muốn làm gì thì làm. Sau khi bà H nghỉ được khoảng mấy ngày, thì khoảng ngày 05/01/2015 bà N, bà T cũng cũng nghỉ làm ở xưởng nấm, vì điều kiện trồng nấm khó khăn, thiếu nước, thời tiết xấu, thiếu vốn và không có tiền để đóng góp mở rộng sản xuất.
Bà H cho rằng sau khi nghỉ làm còn 14.000 bịch nấm mèo và nấm dai đang treo trên giàn thì bà N không chấp nhận, số nấm mèo và nấm dai chết hết vì không có nước tưới. Nếu làm ăn thuận lợi thì bà H đã không tự ý nghỉ làm mà không lấy tài sản đã góp và ở lại thu mẻ nấm còn lại.
Vì vậy, bà H khởi kiện yêu cầu bà N, bà T phải trả lại tiền vốn đã góp 46.000.000 đồng (Sau khi đã khấu trừ 10.000.000 đồng tiền học phí) và trả tiền công làm nấm là 54.000.000 đồng thì bà N không chấp nhận, vì bà N cũng bỏ vốn và bỏ công như bà H, bà T.
Người làm chứng ông Nguyễn Văn H (Chồng của bà H) trình bày: Tháng 5/2014, vợ ông là bà Phạm Thị Kim H cùng bà Nguyễn Thị T, bà Lương Thị N, bà Lường Thị T1, bà Lý Thị N2, ông Ma Văn D cùng góp vốn để trồng nấm tại
Công ty cổ phần TNM CNX ở thôn TC, xã ĐY, huyện EH, mục đích để tăng thu nhập, hình thức góp vốn bằng tiền mặt, làm được thời gian ngắn bà T1, bà N2, ông D nghỉ làm ở xưởng nấm, nên được trả lại tiền vốn góp. Sau đó vợ chồng ông cùng vợ chồng bà N, bà T vẫn tiếp tục làm ở xưởng nấm. Tính đến tháng 12/2014, bà H, bà N và bà T mỗi gia đình đã góp số tiền 56.000.000 đồng, tổng ba gia đình góp được 168.000.000 đồng. Số tiền góp được dùng để chi tiền học phí trồng nấm, ăn uống, mua dụng cụ phục vụ cho việc trồng nấm. Ông H chỉ biết làm, ông không biết bà H, bà N, bà T thỏa thuận và mua các dụng cụ trồng nấm như thế nào. Đến tháng 9/2014, ông H bị bệnh phải nhập viện nên bà H phải thuê bà N1 vào làm thay ông để bằng công như gia đình bà T, bà N. Khi ông H nghỉ làm thì nấm đã cho thu hoạch và hoàn tất giàn treo, còn sau này công việc tại xưởng nấm như thế nào thì ông không biết.
Người làm chứng ông Lương Văn V (Chồng của bà N) và ông Lê Văn T (Chồng của bà T) trình bày: Ông V và ông T không phải là người nắm giữ kinh tế trong gia đình mà vợ của các ông là bà N, bà T là người giữ kinh tế. Trong việc đầu tư làm nấm, bà N, bà T tự bỏ tiền ra đầu tư, khi nào cần công làm nấm thì nói chồng sang làm. Chi tiêu trong gia đình do vợ của các ông lo liệu, chuyện tiền bạc đầu tư nấm với bà H các ông không biết gì và không liên quan.
Người làm chứng bà Nguyễn Thị N1 trình bày: Ngày 16/9/2014, bà N1 được bà Phạm Thị Kim H thuê để phụ làm ở trại nấm tại Công ty cổ phần TNM CNX, địa chỉ: Thôn TC, xã ĐY, huyện EH, tỉnh Đắk Lắk, để làm thay cho chồng bà H là ông Nguyễn Văn H. Việc các bên góp vốn như thế nào bà hoàn toàn không biết. Bà làm tại trại nấm từ ngày 16/9/2014 đến ngày 16/12/2014, giá thuê là 4.000.000 đồng/tháng, ăn và ở tại cơ sở trồng nấm. Khi vào làm thì bà thấy tại cơ sở đã có đầy đủ các vật dụng phục vụ cho việc trồng nấm, gồm: 04 phòng dùng để treo nấm làm bằng cây tre và dây thép; 33 trụ xi măng và 21 ống tiếp sắt dùng để treo nấm mèo; 01 cái lò hấp và 06 cái kệ; 02 cái cân; 03 cuộn ống tưới nước; 01 máy bơm nước; 01 bình xịt thuốc; 01 bếp ga và 01 bình ga; 01 cái Tivi; 01 cái buồng cấy nấm khung bằng sắt có treo bạt kín xung quanh; 01 cuộn ni lông để gói rơm; 01 cái đo nhiệt độ; 09 xe tải rơm; 01 cuộn dây điện nhưng bà không biết dài bao nhiêu mét. Trong quá trình bà làm tại trại nấm thì nấm vẫn thu hoạch đều, bà trực tiếp hái nấm cùng bà T, bà N và ghi vào sổ sách cho bà H. Còn việc bán nấm do bà T, bà N là người trực tiếp đi bán, bà chỉ là người làm công nên không biết việc thu chi như thế nào. Khi bà N1 chuẩn bị nghỉ làm ở xưởng nấm, bà có nói với bà N là bà H muốn đưa người khác vào làm để thay bà thì bà N nói không đồng ý đưa người khác vào, mà bà N và bà T cùng nhau trả lại cho bà H 25.000.000 đồng. Đến ngày 16/12/2014 (Dương lịch), do việc gia đình nên bà N1 nghỉ làm ở xưởng nấm, khi bà nghỉ thì tại cơ sở trồng nấm còn 8.000 bịch nấm dai và 5.000 bịch nấm mèo đang treo trên giàn, đến khoảng tháng 01/2015 mới thu hoạch và 09 xe tải rơm tại xưởng chưa sử dụng. Bà H đã trả đầy đủ tiền công cho bà N1. Sau khi bà N1 nghỉ thì bà không biết bất cứ sự việc gì liên quan đến cơ sở trồng nấm.
Người làm chứng bà Huỳnh Thị H trình bày: Bà không nhớ ngày cụ thể, nhưng sáng đó bà cùng bà H ra xưởng nấm của bà H, bà N và bà T. Bà H nói với hai bà T, N là chồng bị đau phải đưa đi bệnh viện chữa bệnh trong một thời gian nên thay thế người khác vào làm, thì bà N không đồng ý. Bà H1 chỉ biết sự việc như vậy, ngoài ra bà không biết bất cứ việc gì về hùn vốn và làm ăn của bà H, bà N và bà T.
Người làm chứng ông Ma Văn D trình bày: Tháng 5/2014, ông cùng bà Nguyễn Thị T, bà Lương Thị N, bà Phạm Thị Kim H, bà Lường Thị T1, bà Lý Thị N2 cùng góp vốn trồng nấm tại thôn TC, xã ĐY, huyện EH. Tiền vốn góp của ông là do bà N cho ông vay 10.000.000 đồng để hùn vốn. Khoảng 10 ngày sau, bà N yêu cầu ông góp thêm tiền vốn, nhưng do ông không có tiền để góp nên ông nghỉ không tham gia trồng nấm cùng bà T, bà N, bà H nữa. Đối với số tiền 10.000.000 đồng ông vay của bà N để góp vốn, thì chuyển sang cho bà N đã được sự đồng ý của bà T, bà H nên giữa ông và bà N không còn nợ nần gì nhau. Khi ông còn làm việc ở trại nấm thì nấm vẫn chưa được thu. Kể từ thời điểm ông nghỉ thì ông không liên quan gì đến việc làm ăn chung của ba người.
Người làm chứng bà Lường Thị T1 trình bày: Tháng 5/2014, bà cùng bà Nguyễn Thị T, bà Lương Thị N, bà Phạm Thị Kim H, ông Ma Văn D, bà Lý Thị N2 cùng góp vốn trồng nấm tại thôn TC, xã ĐY, huyện EH. Số tiền thống nhất góp vào mỗi người là 5.000.000 đồng, góp tiền được khoảng 10 ngày, do bận công việc gia đình nên bà cùng bà Lý Thị N2 nghỉ không tham gia góp vốn trồng nấm nữa. Sau đó bà Lương Thị N đã trả lại số tiền vốn góp cho bà là 5.000.000 đồng và bà N2 5.000.000 đồng. Bà T1 không biết những người ở lại đã mua các tài sản gì để phục vụ cho việc trồng nấm và lợi nhuận như thế nào, vì bà mới dọn dẹp nhà xưởng và mua được ít mùn cưa thì đã nghỉ và xin rút vốn đã góp. Khi làm tại cơ sở trồng nấm cả nhóm không thỏa thuận công, bản chất ở đây là góp vốn và góp công để thu lợi nhuận nên khi nghỉ bà cũng không yêu cầu trả tiền công. Sau khi nghỉ thì xưởng nấm vẫn hoạt động, còn việc những người đó góp vốn mở rộng sản xuất và có lợi nhuận không thì bà không biết. Nay bà Phạm Thị Kim H khởi kiện yêu cầu bà Nguyễn Thị T, bà Lương Thị N đòi lại số tiền vốn đã góp thì quan điểm của bà T1 là bà xin rút vốn được thì bà H cũng rút vốn được.
Người làm chứng bà Lý Thị N2 trình bày: Trước đây bà N2 cùng làm tại lò gạch cũ với bà N, nên tháng 5/2014 bà có nộp 5.000.000 đồng cho bà Lương Thị N để góp tiền trồng nấm. Bà N2 không biết bà Nguyễn Thị T, bà Phạm Thị Kim H, ông Ma Văn D, bà chỉ nghe bà N nói góp tiền để trồng nấm với mọi người.
Góp tiền được khoảng 10 ngày, do bận công việc gia đình nên bà cùng bà T1 nghỉ không tham gia góp vốn trồng nấm nữa. Sau đó bà Lương Thị N đã trả lại số tiền vốn góp cho bà là 5.000.000 đồng và bà T1 5.000.000 đồng. Khi làm tại cơ sở trồng nấm cả nhóm không thỏa thuận công, bản chất ở đây là góp vốn và góp công để thu lợi nhuận nên khi nghỉ cũng không yêu cầu trả tiền công. Sau khi nghỉ thì xưởng nấm vẫn hoạt động, còn việc những người đó góp vốn mở rộng sản xuất và có lợi nhuận không thì bà không biết. Nay bà Phạm Thị Kim H khởi kiện yêu cầu bà Nguyễn Thị T, bà Lương Thị N đòi lại số tiền vốn đã góp thì quan điểm của bà N2 là bà xin rút vốn được thì bà H cũng rút vốn được.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 21/2018/DS-ST ngày 02/7/2018 của Tòa án nhân dân huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:
Căn cứ khoản 3 Điều 25, điểm a khoản 1 Điều 33, điểm a khoản 1 Điều 35, khoản 2 Điều 227, khoản 1 Điều 147, Điều 158, khoản 1 Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015; các Điều 401, Điều 412, khoản 1 Điều 426 của Bộ luật dân sự 2005; Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị Kim H.
Buộc bà Lương Thị N phải trả cho bà Phạm Thị Kim H số tiền 20.000.000 đồng. Buộc bà Nguyễn Thị T phải trả cho bà Phạm Thị Kim H số tiền 8.000.000 đồng.
Áp dụng Điều 357 của Bộ luật dân sự 2015 để tính lãi suất khi đương sự có đơn yêu cầu thi hành án.
- Không chấp nhận một phần khởi kiện của bà Phạm Thị Kim H về việc yêu cầu bà Lương Thị N và bà Nguyễn Thị T phải trả cho bà H tiền công lao động 54.000.000 đồng.
- Về án phí dân sự sơ thẩm:
Bà Phạm Thị Kim H phải chịu 3.600.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm, được khấu trừ vào số tiền 2.750.000 đồng tạm ứng án phí DSST đã nộp theo các biên lai thu số 0038387 ngày 18/7/2016 và số 0002452 ngày 25/8/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Năng. Bà Phạm Thị Kim H còn phải nộp 850.000 đồng tiền án phí DSST.
Bà Lương Thị N phải chịu 1.000.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm. Bà Nguyễn Thị T phải chịu 400.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về quyền kháng cáo và quyền thi hành án cho các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 14/7/2018, nguyên đơn bà Phạm Thị Kim H kháng cáo bản án sơ thẩm số 21/2018/DS-ST ngày 02/7/2018 của Tòa án nhân dân huyện Krông Năng với nội dung: Vợ chồng bà H, ông H đã đóng góp công sức lao động làm nấm với bà N và bà T trong 06 tháng tương đương 54.000.000 đồng, bản án sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện đối với phần tiền công lao động nói trên là không đúng. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét buộc bà N và bà T phải trả cho vợ chồng bà số tiền công lao động nói trên.
Ngày 27/9/2018, bà Phạm Thị Kim H kháng cáo bổ sung đề nghị xem xét chấp nhận tiền công lao động cho bà là 54.000.000 đồng; nếu không chấp nhận thì không được khấu trừ số tiền 18.000.000 đồng tiền ăn của bà và phải trả cho bà 18.000.000đ ăn trưa nữa là 36.000.000đ
Ngày 16/7/2018 và ngày 25/7/2018, bị đơn bà Lương Thị N và bà Nguyễn Thị T kháng cáo bản án sơ thẩm với nội dung: Bản án sơ thẩm tuyên buộc bà N phải trả 20.000.000 đồng và buộc bà T phải trả 8.000.000 đồng cho bà H là không có căn cứ. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn bà Phạm Thị Kim H giữ nguyên nội dung đơn khởi kiện và nội dung đơn kháng cáo thì bà H thay đổi chỉ xem xét không khấu trừ 18.000.000đ tiền ăn của bà chứ bà không yêu cầu 36.000.000đ như đơn kháng cáo bổ sung; bị đơn bà Lương Thị N và bà Nguyễn Thị T giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk phát biểu quan điểm:
Về tố tụng: Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án, thẩm phán, Hội đồng xét xử, các đương sự đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về nội dung: Đối với đơn kháng cáo bổ sung của bà H ngày 27/9/2018 yêu cầu không được khấu trừ số tiền 18.000.000 đồng tiền ăn của bà và phải trả cho bà 18.000.000đ ăn trưa nữa là 36.000.000đ. Tại phiên tòa hôm nay thì bà xác định chỉ kháng cáo yêu cầu không được khấu trừ số tiền 18.000.000 đồng tiền ăn của bà. Nội dung kháng cáo này của bà H không nằm trong nội dung kháng cáo ban đầu mà vượt quá phạm vi kháng cáo, trong khi bà H kháng cáo bổ sung khi đã hết thời hạn kháng cáo nên căn cứ khoản 2 Điều 284 Bộ luật tố tụng dân sự để không chấp nhận nội dung kháng cáo bổ sung này của bà H.
Đối vớc các nội dung trong hạn luật định của bà H, bà T, bà N là không có căn cứ chấp nhận, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 – Không chấp nhận kháng cáo của bà H, bà N, bà T, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Xét kháng cáo bổ sung của bà Phạm Thi Kim H ngày 27/9/2018 với hai nội dung: Xem xét chấp nhận tiền công lao động 54.000.000 đồng cho bà thì đây là nội dung nằm trong phạm vi kháng cáo ban đầu của bà H nên được xem xét chấp nhận; Đối với nội dung kháng cáo thứ hai là nếu không chấp nhận khoản tiền công 54.000.000 đồng thì không được khấu trừ số tiền 18.000.000 đồng tiền ăn của bà. Hội đồng xét xử xét thấy nội dung kháng cáo này của bà H không nằm trong nội dung kháng cáo ban đầu mà vượt quá phạm vi kháng cáo, trong khi bà H kháng cáo bổ sung khi đã hết thời hạn kháng cáo nên HĐXX căn cứ khoản 2 Điều 284 Bộ luật tố tụng dân sự để không chấp nhận nội dung kháng cáo bổ sung này của bà H để xem xét theo trình tự phúc thẩm.
Xét kháng cáo ngày 14/7/2018 của bà Phạm Thị Kim H đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên buộc bà Lương Thị N và bà Nguyễn Thị T phải trả tiền công lao động 54.000.000 đồng cho bà. Hội đồng xét xử thấy rằng, bản chất của việc góp vốn làm ăn chung giữa bà H, bà T và bà N và cũng đã được các bên thừa nhận và thống nhất là cùng góp của và cùng góp công để làm ăn. Do đó, việc bà H khởi kiện yêu cầu bà N và bà T phải trả tiền công lao động cho bà 54.000.000 đồng là không có căn cứ. Vì vậy, cấp sơ thẩm bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện này của bà H về yêu cầu này là có căn cứ, cấp phúc thẩm không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo này của bà H để xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[2] Xét kháng cáo của bị đơn bà Nguyễn Thị T không chấp nhận trả cho bà H 8.000.000 đồng và kháng cáo của bà Lương Thị N không chấp nhận trả 20.000.000 đồng cho bà H, thì thấy:
Quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, bà T, bà N đều thừa nhận số vốn mỗi người góp vào là khoảng 56.000.000 đồng nên được coi là chứng cứ không cần chứng minh. Việc góp vốn làm ăn với nhau chỉ là sự thỏa thuận miệng, không có văn bản nào khác; phía bà T, bà N cho rằng các bên thống nhất người nào rút khỏi việc làm ăn thì mất vốn; phía bà H thì khẳng định không có sự thỏa thuận này. Nhưng các bên lại thống nhất tại thời điểm bà H nghỉ thì còn một số tài sản mua sắm cho việc làm ăn chung vẫn đang còn tồn tại, nhưng hiện tại thì tài sản này các bên xác định không còn và cũng không biết các tài sản này ở đâu, đã mất mát hay hư hỏng thế nào. Rõ ràng về trách nhiệm chịu rủi ro khi quản lý tài sản sau khi bà H nghỉ thuộc về bà N và bà T nhưng lại để mất mát tài sản là thuộc lỗi của bà T, bà N về quản lý tài sản. Do đó, cấp sơ thẩm đã xác định việc bà T, bà N phải trả cho bà H một khoản tiền tương ứng với mức độ lỗi và khấu trừ chi phí thực tế là có căn cứ. Vì vậy cấp phúc thẩm không có căn cứ để thỏa mãn yêu cầu kháng cáo của bà T và bà N.
[3] Về vi phạm của cấp sơ thẩm: Bà H khởi kiện đòi số tiền góp vốn là 46.000.000 đồng, bản án sơ thẩm chỉ chấp nhận 28.000.000 đồng mà không tuyên bác một phần yêu cầu khởi kiện của bà H đối với số tiền 18.000.000 đồng để buộc bà H phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với 18.000.000 đồng này là vi phạm. Tuy nhiên, do bà H và các đương sự không có kháng cáo về phần này, nếu cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm để buộc bà H phải chịu thêm tiền án phí dân sự sơ thẩm là làm bất lợi cho người kháng cáo, nên cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.
Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy kháng cáo của bà H, bà T, bà N là không có căn cứ chấp nhận, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[4] Về chi phí tố tụng: Hoàn trả cho bà H 2.000.000 đồng tiền tạm ứng chi phí thẩm định tài sản.
[5] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên bà H, bà N, bà T phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
[1] Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự;
Áp dụng các Điều 401, Điều 412, khoản 1 Điều 426 của Bộ luật dân sự 2005; khoản 4 Điều 27 Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
- Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Phạm Thị Kim H, bà Lương Thị N, bà Nguyễn Thị T - Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số: 21/2018/DS-ST ngày 02/7/2018 của Tòa án nhân dân huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk.
[2] Tuyên xử:
2.1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị Kim H.Buộc bà Lương Thị N phải trả cho bà Phạm Thị Kim H số tiền 20.000.000 đồng.
Buộc bà Nguyễn Thị T phải trả cho bà Phạm Thị Kim H số tiền 8.000.000 đồng.
Áp dụng Điều 357 của Bộ luật dân sự 2015 để tính lãi suất khi đương sự có đơn yêu cầu thi hành án.
2.2 Không chấp nhận một phần đơn khởi kiện của bà Phạm Thị Kim H về việc yêu cầu bà Lương Thị N và bà Nguyễn Thị T phải cùng có trách nhiệm trả cho bà H 54.000.000 đồng tiền công lao động.
[3] Về chi phí tố tụng: Hoàn trả cho bà Phạm Thị Kim H 2.000.000 đồng tiền tạm ứng chi phí thẩm định tài sản.
[4] Về án phí:
4.1 Án phí dân sự sơ thẩm:
Bà Phạm Thị Kim H phải chịu 3.600.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm, được khấu trừ vào số tiền 2.750.000 đồng tạm ứng án phí DSST đã nộp theo các biên lai thu số 0038387 ngày 18/7/2016 và số 0002452 ngày 25/8/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Năng. Bà Phạm Thị Kim H còn phải nộp 850.000 đồng tiền án phí DSST.
Bà Lương Thị N phải chịu 1.000.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm. Bà Nguyễn Thị T phải chịu 400.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.
4.2. Án phí dân sự phúc thẩm:
Bà Phạm Thị Kim H, bà Lương Thị N, bà Nguyễn Thị T mỗi người phải chịu 300.000 đồng tiền án phí dân sự phúc thẩm, mỗi người được khấu trừ vào tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo các biên lai thu số 0002737 ngày 17/7/2018, biên lai thu số 0002762 ngày 27/7/2018 và biên lai thu số 0002732 ngày 16/7/2018 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự ./.
Bản án 164/2018/DS-PT ngày 20/11/2018 về tranh chấp hợp đồng góp vốn
Số hiệu: | 164/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 20/11/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về