Bản án 16/2020/DS-ST ngày 04/05/2020 về tranh chấp quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BA TRI - TỈNH BẾN TRE

BẢN ÁN 16/2020/DS-ST NGÀY 04/05/2020 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 04 tháng 5 năm 2020, tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Ba Tri xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 115/2019/TLST-DS ngày 17/5/2019 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất” theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 13/2020/QĐST - DS ngày 13 tháng 3 năm 2020 và quyết định hoãn phiên toà số: 05/2020/QĐST - DS ngày 13 tháng 4 năm 2020 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: ông Lê Quang T (L), sinh năm 1964; địa chỉ ấp 7, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre (có mặt).

2. Bị đơn: ông Thiều Văn C, sinh năm 1958; địa chỉ ấp 7, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre (có mặt).

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Trần Thị B, sinh năm 1959; địa chỉ ấp 7, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre (có mặt).

3.2. Bà Nguyễn Thị M1, sinh năm 1942; địa chỉ ấp 7, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre (vắng mặt).

4. Người làm chứng do nguyên đơn mời tại phiên toà:

4.1 Ông Đinh Văn B, sinh năm 1954; địa chỉ ấp 7, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre (có mặt).

4.2 Bà Đinh Thị C, sinh năm 1945; địa chỉ ấp 7, xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 03/12/2018, đơn khởi kiện bổ sung ngày 11/11/2019 và trong quá trình tố tụng, nguyên đơn ông Lê Quang T trình bày:

Đất tranh chấp có diện tích 173,4m2, thuộc một phần thửa 310, tờ bản đồ 4, MĐSD đất bào đìa. Nguồn gốc đất là một phần trong tổng diện tích đất 22.000m2 của ông bà nội là ông Lê Quang X và bà Trần Thị H. Sau khi ông bà nội chết, ông và người bác là Lê Quang S phân chia mỗi người hưởng 11.000m2. Khi đó, trong phần hưởng của ông có thửa đất 310. Sau này, do ông S trao đổi đất với ông Nguyễn Hoàng D nên hộ ông D được khoán đất với tổng diện tích là 6.600m2 (diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 7.630m2), nay là các thửa 309, 311, 312 cùng tờ bản đồ 4. Trong đó, hai thửa 309, 311 có nguồn gốc là phần hưởng của ông S; thửa 312 có nguồn gốc là phần hưởng của ông. Riêng thửa đất 310 không đưa vào tập đoàn nhưng do sự nhầm lẫn của cán bộ đo đạc nên đã ghi sai tên chủ sử dụng là bà Nguyễn Thị M2 và hiện chưa quyền sử dụng đất cho ai. Sau khi được phân chia, từ năm 1985, ông đã sử dụng thửa đất 310. Đến năm 2015, mới phát sinh tranh chấp với ông C. Trước đây, trên đất tranh chấp có đìa và trâm bầu. Sau này, ông lấp đìa và trồng cây dầu gió. Từ năm 2016 đến nay, đất tranh chấp bị ông C lấn chiếm, ngăn cản không cho ông sử dụng và xịt thuốc làm hư hỏng có do ông trồng. Do đó nay ông khởi kiện yêu cầu ông C trả lại cho ông phần đất tranh chấp đã lấn chiếm.

Ông đồng ý bản vẽ đo đạc ngày 19/9/2019 và biên bản định giá tài sản ngày 23/8/2019 làm cơ sở giải quyết vụ án, không yêu cầu đo đạc, định giá lại.

Trong quá trình tố tụng, bị đơn ông Thiều Văn C trình bày:

Đất tranh chấp 173,4m2 có nguồn gốc của ông nhận chuyển nhượng từ ông Nguyễn Hoàng D vào năm 2009, thuộc một phần thửa 309, tờ bản đồ 4, diện tích chung 2.075m2, MĐSD Lúa hiện do ông đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được UBND huyện B cấp ngày 24/02/2009. Khi chuyển nhượng, hai bên không đo đạc lại mà chỉ làm thủ tục chuyển quyền theo diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thửa đất 309 có hiện trạng là đất trồng lúa, tại vị trí tranh chấp có hiện trạng gò cao và tiếp giáp kênh. Trước năm 1995, đất tranh chấp do ông D sử dụng. Năm 1995, do nhận thuê đất từ ông D nên ông đã sử dụng cả ba thửa 309, 311, 312, trong đó có phần tranh chấp. Khoảng năm 1997, ông dùng đất bờ kênh lấp xuống phần tranh chấp nên đã làm thay đổi hiện trạng đất và trồng bạch đàn trên đất vào năm 2000. Năm 2009, ông D chuyển nhượng lại cho ông cả ba thửa đất trên với tổng diện tích là 7.630m2, trong đó có cả phần tranh chấp thuộc một phần thửa đất 309. Đến năm 2015, do ông T tự ý chặt bạch đàn của ông nên hai bên phát sinh tranh chấp. Qua các lần hoà giải của chính quyền địa phương, ông T đã nhận sai và đồng ý bồi thường cho ông với số tiền là 5.000.000 đồng. Tuy nhiên, sau này ông T lại tranh chấp và cho rằng diện tích đất 173,4m2 là của ông T. Do đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của ông, thuộc một phần thửa 309 nên ông không đồng ý trả lại theo yêu cầu của nguyên đơn.

Ông đồng ý bản vẽ ngày 19/9/2019 và biên bản định giá tài sản ngày 23/8/2019 làm cơ sở giải quyết vụ án, không yêu cầu đo đạc, định giá lại

Trong quá trình tố tụng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Bà Trần Thị B thống nhất với trình bày của chồng bà là ông Thiều Văn C, không bổ sung.

- Bà Nguyễn Thị M1 trình bày: các thửa 309, 310, 311 cùng tờ 4 trước đây có nguồn gốc của ông Lê Quang X1 (cha chồng) chia cho chồng bà là ông Lê Quang X. Năm 1983, ông X đưa hai thửa 309, 311 vào tập đoàn, riêng thửa 310 là đất đìa nên vẫn tiếp tục sử dụng. Trong thời gian vào tập đoàn, ông X trao đổi hai thửa 309, 311 cho bà Lê Thị A và ông Nguyễn Hoàng D. Năm 1990, tập đoàn cấp lại cho hộ ông D, bà A hai thửa 309, 311. Năm 1990, ông X chết, bà bỏ trống thửa 310 đến năm 1993 thì cho lại ông T. Thời điểm năm 1993, thửa 310 có hiện trạng là đìa và bàu (miệng đìa), tổng diện tích khoảng 500m2, có tứ cận phía Bắc giáp kênh, phía tây giáp đất ông B, phía đông giáp phần đất nền mạ của bà A, ông D, phía nam giáp đất bà A, ông D. Diện tích phần nền mạ của ông D, bà A, bà không rõ bao nhiêu. Năm 1995, khi nhà nước đo đạc lập bản đồ địa chính, do đã cho ông T nên gia đình bà không kê khai, đăng ký thửa 310. Do đó, việc sổ mục kê ghi tên chủ sử dụng là Nguyễn Thị M2, bà không rõ. Bởi bà hiện không có liên quan đến đất tranh chấp, không có tên gọi khác là “M2”, và trong thân tộc cũng không có ai tên gọi là “Nguyễn Thị M2”.

Tại phiên tòa:

- Ông Lê Quang T thay đổi trình bày về nguồn gốc thửa 310. Cụ thể, ông cho rằng thửa 310 có nguồn gốc của ông được ông bà nội cho từ trước năm 1985. Diện tích chung của thửa 310 trước đây là 1.800m2, nhưng theo trích lục bản đồ năm 1995 là 329m2 và giữ nguyên yêu cầu ông C trả lại diện tích đất 173,4m2.

- Ông Thiều Văn C và bà Trần Thị B giữ nguyên trình bày, không đồng ý trả đất theo yêu cầu của ông T.

- Bà Nguyễn Thị M1 vắng mặt không lý do.

- Người làm chứng ông Đinh Văn B trình bày: ông là chú họ của ông T, là chủ sử dụng thửa 184, tờ 7 (thửa mới), có vị trí giáp ranh với các thửa 310, 311, 309. Hiện ông giữ nguyên trình bày nhu trong quá trình tố tụng đã khai. Cụ thể, thửa 310 có nguồn gốc của ông Lê Quang X1, là đất bàu, đìa, diện tích khoảng 400m2, có chiều ngang khoảng 10m (từ kênh vô), chiều dài cặp kênh khoảng 40m, theo bản vẽ thì vắt qua các thửa 309, 311 và 151. Trong đó, phần miệng đìa (chiều dài giáp kênh khoảng 4m) và đường nước xả (khoảng 1m) nằm phía trên đầu thửa 309, phần còn lại trên đầu thửa 151 là đất trống. Sau đó, ông X1 để lại thửa 310 cho ông Lê Quang X. Khoảng năm 1994, ông X chết, đất bỏ trống một vài năm. Đến khoảng năm 1997, ông T bắt đầu sử dụng. Việc ông T sử dụng thửa 310, ông không rõ trong họ tộc, gia đình có thoả thuận hay không, chỉ biết vợ, con, anh, chị, em của ông X không có ai tranh chấp. Riêng các thửa 309, 311 có nguồn gốc của ông X1 cho bà A. Sau này, đất vào tập đoàn và khoán lại cho hộ bà A, ông D. Đến khoảng năm 1993, ông D, bà A cho ông C thuê và sau đó chuyển nhượng cho ông C. Hiện trạng là đất trồng lúa, trong đó bờ ruộng tương đối nhỏ, khoảng ít tấc, không giáp kênh mà giáp với bàu, đìa của ông T. Ông xác định đất tranh chấp thuộc thửa 310. Thời điểm năm 1997, trên thửa 310, ông T thỉnh thoảng tát bắt cá, đến mùa thì đốn trâm bầu. Sau này, ông T lấp đìa bằng phẳng, trồng cây bạch đàn, về sau thì trồng có. Tuy nhiên, từ khoảng 2009 đến nay, do ông cho thuê thửa 184 nên không còn rõ việc sử dụng đất tranh chấp của hai bên, chỉ nghe ông C có sử dụng, tu bổ và trồng cây bạch đàn trên đất tranh chấp. Sau đó, hai bên tranh chấp về số bạch đàn bị chặt nhưng không rõ sự việc thế nào. Thời điểm cấp giấy chứng nhận lần đầu tại địa phương, về thủ tục đo đạc, kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất do ông không biết nên không rõ đất tranh chấp thuộc thửa 309 hay 310, vì sao thửa 310 trong số mục kê ghi tên “Nguyễn Thị M2” và chưa cấp quyền sử dụng đất cho ai.

- Người làm chứng bà Đinh Thị C trình bày: bà có quan hệ họ hàng với ông T, là chủ sử dụng thửa đất giáp ranh với thửa 184 của ông B. Hiện bà giữ nguyên trình bày như trong quá trình tố tụng đã khai. Cụ thể, mặc dù bà thường ra khu vực đất trên cắt có nhưng không biết vị trí đất tranh chấp và tứ cận của các thửa 310, 309, 311. Về nguồn gốc đất, bà cũng không rõ. Chỉ biết tại khu vực đó, trước đây, có một đìa và một bàu của bà cô. Sau này, rể của cô là Lê Quang X1 sử dụng. Sau đó, ông X1 cho ông X và ông X giao lại ông T. Trước đây, đìa, bàu đều có diện tích khoảng 1 công (tương đương 1.000m2). Phần đìa nay là phần đất hiện ông T đang trồng có, phần bàu nay là phần đất trồng lúa do ông C sử dụng. Theo bà biết, đìa không còn một phần là do ông T lấp, một phần là do Nhà nước vét kênh lấp thêm lên. Còn các thửa 309, 311 có nguồn gốc của bà A, ông D chuyển nhượng ông C, diện tích đất chuyển nhượng, bà không rõ. Thời điểm đo đạc cấp giấy chứng nhận lần đầu tại địa phương, do bà không nhớ và không rõ việc đo đạc tại các thửa 309, 310,311 diễn ra như thế nào nên không biết đất tranh chấp thuộc thửa 309 hay 310. Và do không biết vị trí đất tranh chấp nên bà không rõ quá trình sử dụng đất của hai bên, cũng như không biết thời điểm hai bên bắt đầu phát sinh tranh chấp.

Quan điểm của Viện kiểm sát:

- Về thủ tục: Thẩm phán được phân công thụ lý giải quyết vụ án đã thực hiện đúng, đầy đủ quy định tại các điều 48, 203 Bộ luật tố tụng dân sự. Hội đồng xét xử và Thư ký tại phiên tòa đã tuân theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về việc xét xử sơ thẩm vụ án. Đương sự thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự. Vụ án đủ điều kiện đưa ra xét xử theo quy định tại Điều 220 Bộ luật tố tụng dân sự.

- Về nội dung:

+ Xét nguồn gốc đất, theo ông T trình bày thửa 310 có nguồn gốc của Lê Quang X1 để lại cho con Lê Quang X (chết 1990, vợ là Nguyễn Thị M1). Năm 1993, ông T được bà M1 cho đất, sử dụng từ đó đến nay nhưng chưa đăng ký cấp quyền sử dụng. Hiện trạng thửa 310 là đất đìa, bờ đìa, có vị trí giáp kênh và các thửa 309, 311, 312 (của ông C), 184 (của ông Đinh Văn B), 151 (của Lê Kim P). Lời trình bày của ông T được bà M1 cùng những người làm chứng khác cho ông T thừa nhận. Tuy nhiên, sổ mục kê của UBND xã A thể hiện chủ sử dụng của thửa 310 là Nguyễn Thị M2; qua xác minh, Nguyễn Thị M2 và Nguyễn Thị M1 là một người. Điều đó chứng tỏ ông T chỉ là người sử dụng thực tế thửa 310 chưa phải là chủ sử dụng pháp lý. Đối với các thửa 309, 311, 312 đều là đất lúa. Trong đó, thửa 309 có bờ ruộng giáp kênh và giáp thửa 310 cũng có nguồn gốc của ông X1 để lại cho ông X, sau là bà Lê Thị A (vợ ông D). Năm 2009, ông D chuyển nhượng (hợp pháp) toàn bộ 03 thửa trên cho ông C.

+ Quá trình quản lý sử dụng: so sánh giữa diện tích thực tế và diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từng thửa đất (309, 311, 310) thấy có sự chênh lệch nên không sử dụng diện tích đo đạc từng thửa làm căn cứ giải quyết vụ kiện. Đối với lời khai Nguyễn Hoàng D ngày 23-10-2019, có nội dung: trước năm 2009, đất ông không giáp bờ kênh mà cách bờ trâm bầu (bờ đìa) 15 - 17m, chỉ sang nhượng đất lúa, không sang nhượng bờ công điền, bờ trâm bầu, bờ kênh. Lời trình bày của ông D chỉ phù hợp hình thể thửa 311 (bị thửa 310 vây bọc), không đúng hình thể thửa 309, 312 nên không đủ cơ sở xác định đất tranh chấp là bờ đìa thuộc thửa đất 310. Dựa vào trích lục họa đồ do các bên cung cấp, hồ sơ địa chính năm 1995, bản đồ địa chính năm 1994 và năm 2014, UBND xã A xác định: tại khu vực đất tranh chấp có con kênh chảy vắt qua đầu các thửa 310, 309. Trước đây kênh và bờ kênh rộng khoảng 06m; năm 2000, nạo vét lại lòng kênh rộng khoảng 06m, hai bờ kênh mỗi bên rộng khoảng 05m, kênh có lấn vô các thửa 310, 309 nhưng không rõ diện tích cụ thể. Đối chiếu họa đồ hiện trạng thửa đất tranh chấp ngày 19/9/2019, phần (1 +2) 226,6m2 là đất bờ kênh do thửa 310 tạo thành; phần (3) 173,4m2 thuộc thửa 309. Từ nhận định này thấy ông T tranh chấp diện tích đất 173,4m2 (phần 3) là không đúng.

- Từ các cơ sở đã nêu, áp dụng các điều 197, 199, 221 Bộ luật dân sự, đề nghị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Qua nghiên cứu toàn bộ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và thẩm tra công khai các chứng cứ tại phiên tòa, qua kết quả tranh luận, Hội đồng xét xử nhận định:

Về thủ tục tố tụng: Tại phiên tòa, bà Nguyễn Thị M2 mặc dù đã được tống đạt hợp lệ nhưng tại phiên toà vẫn vắng mặt không lý do. Do đó việc đưa vụ án ra xét xử là phù hợp với quy định tại các điều 227, 228 Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: xét yêu cầu khởi kiện của ông Lê Quang T yêu cầu ông Thiều Văn C trả lại diện tích đất 173,4m2 (phần 3), Hội đồng xét xử xét thấy.

[1] Về nguồn gốc: qua kết quả xác minh có căn cứ xác định thửa 310 của ông T trước đây có nguồn gốc của ông Lê Quang X1 để lại cho ông Lê Quang X, sau đó, bà Nguyễn Thị M1 (vợ ông X) cho lại ông T vào năm 1993; thửa 309 của ông C cũng có nguồn gốc của ông X1 để lại cho ông X. Năm 1983, ông X đưa các thửa 309, 311 vào tập đoàn và trao đổi cho ông Nguyễn Hoàng D và bà Lê Thị A. Năm 1990, tập đoàn cấp lại cho hộ ông D, bà A các thửa 309, 311, 312, và ông D cho ông C thuê lại vào năm 1995. Năm 1997, ông D được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2009, ông D chuyển nhoạng cho ông C tổng diện tích 7.630m2, bao gồm các thửa 309, 311, 312 cùng tờ bản đồ 4. Khi chuyển nhoạng, hai bên không đo đạc thực tế mà chỉ làm thủ tục chuyển quyền diện tích đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

[2] Về quá trình sử dụng và hiện trạng đất tranh chấp: căn cứ vào kết quả xác minh thửa 310 là đất đìa, các thửa 309, 311, 312 là đất Lúa. Trong đó, các thửa 309, 310, 311 có vị trí giáp ranh nhau. Ông T sử dụng thửa 310 từ năm 1993 cho đến nay, ông C sử dụng thửa 309 từ năm 1995 cho đến nay. Trong thời gian sử dụng, ông C tu bổ, bồi lắp và trồng cây bạch đàn trên đất tranh chấp. Năm 2015, ông T san lấp làm hư hỏng cây bạch đàn của ông C trên đất tranh chấp nên phát sinh tranh chấp. Qua hoà giải, ông T đã nhận sai và bồi thường cho ông C số tiền là 5.000.000 đồng. Hiện trạng đất tranh chấp hiện nay là đất gò, trên đất có trồng có.

[4] So sánh giữa diện tích thực tế và diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, căn cứ vào trích lục bản đồ, giấy chứng nhận quyền sử dụng các thửa đất liên quan và bản vẽ đo đạc thực tế ngày 19/9/2019, thấy rằng có sự chênh lệch. Cụ thể thửa 310 có diện tích thực tế là 323,6m2, ít hơn so với diện tích trong trích lục bản đồ địa chính là 5,4m2 (323,6/329); thửa 309 có diện tích thực tế là 1.946,8m2, ít hơn so với diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 128,2m2 (1.946,8/2.075). Trong khi diện tích tranh chấp là 173,4m2. Nếu diện tích thực tế của thửa 310 cộng thêm phần tranh chấp thành diện tích 497m2, sẽ nhiều hơn 168m2 so với diện tích trong trích lục bản đồ địa chính. Bên cạnh đó, tại thời điểm đo đạc thành lập bản đồ địa chính năm 1994, tại khu vực các thửa đất 309, 310, 311, 312, chủ sử dụng đất không được hướng dẫn ranh và hiệp thương ranh khi đo đạc (BL 131). Bản thân ông T sử dụng thửa 310 cũng không thực hiện quyền kê khai, đăng ký. Do đó, sự chênh lệch về diện tích khi đối chiếu trong trường hợp này không là chứng cứ chứng minh ông C lấn đất của ông T. Đồng thời, căn cứ vào lời trình bày của ông T tại các biên bản hoà giải ngày 23/6/2015, 23/3/2017, 18/5/2017 (BL 66, 69, 70, 16), trích lục bản đồ các thửa đất 309, 310, bản đồ tổng thể khu vực đất tranh chấp, kết quả xác minh (BL 71, 110, 111, 132 - 136) có căn cứ xác định đất tranh chấp thuộc thửa 309 và thửa 309 tại vị trí phía bắc là tiếp giáp kênh, không có căn cứ xác định đất tranh chấp thuộc thửa 310 nhu trình bày của ông T.

[5] Từ các phân tích trên, có căn cứ xác định đất tranh chấp thuộc một phần của thửa 309 có nguồn gốc của ông D, bà A chuyển nhượng cho ông C từ năm 2009, và do ông D, bà A sử dụng từ trước năm 1975. Từ năm 1995, đất tranh chấp do ông C sử dụng đến năm 2015 mới phát sinh tranh chấp với nguyên đơn. Việc ông T cho rằng đất tranh chấp thuộc một phần của thửa đất 310 và liên tục sử dụng từ trước năm 1985 đến năm 2015 là không có căn cứ. Do đó, căn cứ vào các điều 197, 199, 221 Bộ luật dân sự, Hội đồng xét xử xét thấy không có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

[6] Xét quan điểm đề nghị giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[7] Về chi phí tố tụng: 4.091.000 đồng. Theo quy định tại khoản 2 Điều 157, khoản 2 Điều 165 Bộ luật tố tụng dân sự, do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn không được chấp nhận nên nguyên đơn phải chịu.

[8] Về án phí DS - ST: do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn không được chấp nhận nên nguyên đơn phải chịu. Tuy nhiên do nguyên đơn thuộc đối tượng thân nhân của liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ nên được miễn nộp theo quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 157, khoản 2 Điều 165, các điều 227, 228 Bộ luật tố tụng dân sự; các điều 197, 199, 221 Bộ luật dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

1. Bác yêu cầu khởi kiện của ông Lê Quang T về việc yêu cầu ông Thiều Văn C trả lại diện tích đất 173,4m2 (phần 3) thuộc một phần thửa đất 310, tờ bản đồ 4, tọa lạc tại xã A, huyện B, tỉnh Bến Tre (có bản vẽ kèm theo).

2. Chi phí tố tụng: 4.091.000đ (bốn triệu chín mươi mốt ngàn đồng) ông Lê Quang T phải chịu (đã nộp xong).

3. Án phí DS-ST không có giá ngạch: ông Lê Quang T được miễn nộp số tiền 300.000đ (ba trăm ngàn đồng) do thuộc đối tượng thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ. Do đó, trả lại cho ông T số tiền tạm ứng án phí đã nộp 300.000đ (ba trăm ngàn đồng) theo biên lai thu số 0001996 ngày 14/5/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ba Tri.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Các đương sự có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự vắng mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

271
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 16/2020/DS-ST ngày 04/05/2020 về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:16/2020/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Ba Tri - Bến Tre
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 04/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;