Bản án 05/2017/DSST-TC ngày 29/09/2017 về tranh chấp quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TAM ĐƯỜNG, TỈNH LAI CHÂU

BẢN ÁN 05/2017/DSST-TC NGÀY 29/09/2017 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 29/09/2017, tại Trụ sở Toà án nhân dân huyện T Đ, tỉnh Lai Châu, xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 09/2017/TLST-DS, ngày 10 tháng 7 năm 2017, về việc Tranh chấp quyền sử dụng đất,Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 04/2017/QĐXXST-DS ngày 14 tháng 9 năm 2017 giữa các đương sự:

Nguyên đơnÔng Trần Y - Sinh năm 1954

Địa chỉ: Bản C, xã S B, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu (Có mặt).

Ông Lò Văn T- Sinh năm 1957.

Địa chỉ: Bản M, thị trấn T Đ, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu (Có mặt).

Ông Lò Văn D – Sinh năm 1952.

Địa chỉ: Bản M, thị trấn T Đ, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu (Có mặt).

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lò Văn T, sinh năm 1976.

Địa chỉ: Bản M, thị trấn T Đ, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu (Có mặt).

Ủy quyền tham gia phiên tòa theo văn bản ủy quyền ngày 25/9/2017 (Có mặt).

Bị đơn: Ông Vàng A S, sinh năm 1963.

Địa chỉ: Bản C, xã S B, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Anh Vàng A C, sinh năm 1994, theo văn bản ủy quyền ngày 10/7/2017.

Địa chỉ: Bản C, xã S B, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu (Có mặt)

Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1. Ban quản lý rừng phòng hộ huyện T Đ, tỉnh Lai Châu.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Danh T – Phó trưởng ban, theo văn bản ủy quyền ngày 19/8/2017 (Có mặt).

2. Bà Giàng Thị T, sinh năm 1964.

Địa chỉ: Bản C, xã S B, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu (Có mặt)

Những người làm chứng:

Người làm chứng 1: Ông Hảng A S, sinh năm 1960.

Địa chỉ: Bản C, xã S B, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu (Có mặt) Người làm chứng 2. Ông Vàng A C, sinh năm 1963.

Địa chỉ: Bản C, xã S B, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu (Có mặt)

Người làm chứng 3. Ông Phan Văn P, sinh năm 1961

Địa chỉ: Bản K, xã B L, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu (Vắng mặt).

Người làm chứng 4. Ông Tao Văn Nhấn

Địa chỉ: Bản M, thị trấn T Đ, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu (Vắng mặt).

Người làm chứng 5. Ông Vũ Ngọc Vin, sinh năm 1960

Trú tại: Bản T, thị trấn T Đ, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu (Vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện, bản tự khai cùng ngày 07/7/2017, các lời khai tại Tòa án nhân dân huyện T Đ, tỉnh Lai Châu, các nguyên đơn ông Trần Y, ông Lò Văn T, ông Lò Văn D đều trình bày: Các ông đều được Nhà nước giao cho diện tích đất rừng phòng hộ tại bản C, xã S B, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu, đã được cấp giấy CNQSDĐ cho từng hộ gia đình với mục đích chăm sóc và bảo vệ rừng tái sinh và hàng năm Nhà nước chi trả dịch vụ môi trường rừng, gần đây ông Vàng A S, bà Giàng Thị T  tự ý vào diện tích đất rừng của ba gia đình các ông phá cây cối, làm đường đi vào lán chăn nuôi dê khi chưa được sự đồng ý của cả ba gia đình các ông. Nay các ông S, ông T, ông D đề nghị Tòa án giải quyết nội dung cụ thể như sau:

- Ông Trần Y nhận chuyển nhượng diện tích đất rừng trên của ông Tao Văn N từ năm 2002, việc giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất do bà Hoàng Thị S là vợ ông Y trực tiếp giao dịch, có hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, được UBND xã B L (nay là xã S B) huyện T Đ xác nhận. Đến năm 2011 được UBND huyện T Đ, tỉnh Lai Châu cấp giấy CNQSDĐ với diện tích 595.880 m2 tại thửa đất số 63a, tờ bản đồ số 04, cấp theo Nghị định số 63/CP của Chính phủ mang tên Trần Y, nay ông S tự ý vào phá rừng làm lán nuôi dê, nuôi lợn, trồng sắn, dong, ngô, đào và một số cây ăn quả khác khoảng 22 ha (tương đương 200.000 m2) ông không xác định được diện tích cụ thể, hai bên xảy ra tranh chấp vì ông S cho rằng diện tích đất trên do ông S sử dụng từ trước nên không trả cho ai, nay ông Y đề nghị Tòa án buộc ông Vàng A S phải trả lại diện tích đất khoảng 22 ha trong tổng số 595.880 m2 đã nhận chuyển nhượng của ông Tao Văn N tại tại thửa đất số 63a, tờ bản đồ số 04 mang tên Trần Y cho gia đình ông bảo vệ và chăm sóc.

Tại phiên tòa ông Trần Y khai, trong tổng số khoảng 21,5 ha đất đang tranh chấp với gia đình ông S có khoảng hơn 6.000 m2 gia đình ông S đang canh tác và trồng một số cây ăn quả như cây đào, chanh  và một số cây khác, ông sẵn sàng tiếp tục cho phép ông Sù canh tác, tuy nhiên ông S phải công nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông và ông có quyền đòi lại đất khi có nhu cầu sử dụng và không được phép lấn chiếm thêm.

Nếu ông S không đồng ý thì ông nhất trí bồi thường một phần giá trị sản hiện có trên đất. Đối với 01 lán gỗ diện tích khoảng 35 m2 có trên đất có thể tháo dỡ và di dời được, ông yêu cầu ông S có nghĩa vụ tự di dời để trả lại đất cho gia đình ông.

- Ông Lò Văn T được UBND huyện T Đ, tỉnh Lai Châu cấp giấy CNQSDĐ ngày 30/1/2002 với diện tích 174.622 m2 tại thửa đất số 64a-2, tờ bản đồ số 04.

Trước đó vào những năm 2000 toàn bộ khu vực đất hiện tại chỉ là đồi núi trọc không có ai canh tác, gia đình ông là hộ sử dụng diện tích đất này đầu tiên. Qua các năm gia đình ông vẫn thực hiện chăm sóc, bảo vệ, hàng năm đều ký hợp đồng với Ban quản lý rừng phòng hộ huyện T Đ và được thanh toán tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định và hàng năm gia đình ông đều trích lại 20 % số tiền nhận được từ việc chi trả dịch vụ môi trường rừng cho đội bảo vệ rừng bản C 12, xã S B. Gia đình ông thường xuyên kiểm tra, phát dọn đường băng cản lửa và trông coi, hiện tại cây đã phát triển tốt. Gần đây gia đình ông Sùng tự ý vào phá rừng, trồng cây táo mèo, làm đường đi qua để lên khu vực lán chăn nuôi dê tại phần đất rừng lấn chiếm của gia đình ông Trần Y, ông S cho rằng toàn bộ diện tích đất nói trên thuộc quyền sử dụng của ông S. Nay ông T đề nghị Tòa án buộc trả lại hiện trạng toàn bộ diện tích đất rừng đã được Nhà nước giao cho gia đình ông để gia đình ông chăm sóc, bảo vệ. Đối với một số cây thông gia đình ông S đã trồng trên diện tích 3413 m2  đất của gia đình ông và gia đình ông D, ông vẫn để cho ông S sở hữu và được phép khai thác.

- Ông Lò Văn D được UBND huyện T Đ, tỉnh Lai châu cấp giấy CNQSDĐ ngày 30/01/2002 với diện tích 174.622 m2 tại thửa đất số 64a-1, tờ bản đồ số 04, cấp theo Nghị định số 63/CP của Chính phủ. Từ năm 2013-2014 gia đình ông S tự ý vào phá rừng, trồng cây táo mèo, làm đường đi qua để lên khu vực lán chăn nuôi dê tại phần đất rừng lấn chiếm của gia đình ông Trần Y, ông đã làm đơn đề nghị UBND xã S B giải quyết nhưng ông S không nghe vì cho rằng toàn bộ diện tích đất nói trên thuộc quyền sử dụng của ông S. Nay ông D đề nghị Tòa án buộc trả lại hiện trạng toàn bộ diện tích đất rừng đã được Nhà nước giao cho gia đình ông để gia đình ông chăm sóc, bảo vệ. Tổng diện tích đất rừng phòng hộ gia đình ông được cấp là 174.622 m2, diện tích đất rừng của gia đình ông cùng nằm trong tổng thể giấy  CNQSDĐ với gia đình ông Lò Văn T với tổng diện tích 349.244 m2. Trong đó đất của gia đình tôi tại thửa số 64a-1 còn đất của gia đình ông T tại thửa số 64a-2.

Nay ông yêu cầu Tòa án buộc gia đình ông Vàng A S phải trả lại diện tích 174.622 m2 cho gia đình ông tiếp tục trông coi và bảo vệ.

Đối với một số cây thông gia đình ông S đã trồng trên diện tích 3413 m2 đất của gia đình ông và gia đình ông T, ông vẫn để cho ông Sùng sở hữu và được phép khai thác.

Tại phiên tòa ông Lò Văn T và người đại diện theo ủy quyền nhất trí để ông Vàng A S được quyền sở hữu số cây thông có trên diện tích đất đồng sử dụng của các ông. ông S có quyền khai thác và sau khi khai thác xong phải trả lại diện tích đất đã trồng.

Đối với chi phí tố tụng như chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, chi phí định giá tài sản của các nguyên đơn đã nộp, đề nghị Tòa án xử lý theo quy định của pháp luật.

Bị đơn ông Vàng A S và người đại diện theo ủy quyền Vàng A C khai: Gia đình ông chuyển từ huyện  S P, tỉnh Lào Cai đến bản C từ năm 1995 và đã được nhập khẩu cho cả gia đình làm ăn, sinh sống tại đây và có một khu đất thuộc tờ bản đồ số 4, thửa số 64, tại Km 19 dọc Quốc lộ 4D với diện tích khoảng 36 ha được gia đình khai phá từ năm 1998, gia đình ông có đào hào phát quang bảo vệ, đến năm 2002 được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, gia đình ông đã canh tác trên diện tích đất này, diện tích đất được cấp gấy CNQSDĐ nằm sát với phần đất đang có tranh chấp. Đến năm 2008 Nhà máy thủy điện Sông Đà 7 xây dựng nhà máy thủy điện tại vị trí đất của gia đình ông, ông đồng ý di dời, nhường đất xây dựng lòng hồ thủy điện và được bồi thường với số tiền 30.000.000 đồng, gia đình ông đã nhận số tiền nói trên và di dời lên vị trí mới, chính là vị trí đang tranh chấp với gia đình ông Trần Y, gia đình ông Lò Văn T và ông Lò Văn De, thời điểm gia đình ông di dời đến không ai có ý kiến gì, gia đình ông đã xin trưởng bản, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không ai biết. Gia đình ông đã canh tác trên đó, đên năm 2016 gia đình ông Y, ông T và ông D đến và nói khu đất gia đình ông bảo vệ từ trước là đất của gia đình ông Y, ông T và ông D. Khi làm thủ tục cấp giấy CNQSDĐ do trong gia đình ông không ai biết chữ. Nay các hộ gia đình ông Y, ông T và ông D yêu cầu ông trả lại số diện tích đất trên ông không đồng ý. Trước đó vào năm 2006 đã có tranh chấp với ông Trần Y, UBND xã B L(cũ) đã tiến hành làm việc vào ngày 12/7/2006 theo đó diện tích đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của ông.

Tại phiên tòa một lần nữa anh Vàng A C người đại diện theo ủy quyền của bị đơn khẳng định tổng số 361.581 đất rừng phòng hộ tại thửa số 64, tờ bản đồ số 4, giấy CNQSDĐ số T692752 mang tên Vàng A S tại bản C, xã B L, huyện P T, (nay là xã S B, huyện T Đ), tỉnh Lai Châu đã được giải tỏa một phần khoảng từ 03 đến 04 ha để xây dựng Nhà máy thủy điện Nậm Thi – Sông Đà 7, hiện còn hơn 30 ha không bị giải tỏa, sau khi bị giải tỏa một phần đất trên gia đình anh đã nhận bồi thường và chuyển đến khu đất đang có tranh chấp vào năm 2008.

Người có quyển lợi và nghĩa vụ liên quan Giàng Thị T khai: Diện tích đất đang tranh chấp với các hộ gia đình ông Trần Y, ông Lò Văn T và ông Lò Văn D do gia đình bà khai phá từ năm 1994, diện tích đất này là do bà và chồng bà là ông Vàng A S tự khai hoang, trước đó toàn bộ khu vực này là đất hoang không có ai sử dụng. Đến năm 2002 gia đình bà được Nhà nước cấp giấy CNQSDĐ, bà không biết diện tích cụ thể được cấp là bao nhiêu. Đối với phần diện tích đang tranh chấp với các hộ gia đình ông Y, ông T và ông D hiện chưa được cấp giấy CNQSDĐ. Nay các ông Trần Y, ông Lò Văn T, ông Lò Văn D yêu cầu Tòa án buộc gia đình bà trả lại diện tích đất này bà không đồng ý.

Đại diện theo ủy quyền của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện T Đ, ông Phạm Danh T trình bày: Ban quản lý rừng phòng hộ huyện T Đ (Ban) là cơ quan được giao làm chủ đầu tư trồng mới rừng phòng hộ trên địa bàn huyện từ nguồn vốn của ngân sách Nhà nước, trong đó năm 2014 và năm 2015 thực hiện hỗ trợ đầu tư trồng rừng phòng hộ tại xã S B. Tại thời điểm đó các hộ gia đình, cá nhân có Giấy đề nghị trồng rừng được UBND xã xác nhận gửi Ban, Ban phối hợp với xã, bản và chủ hộ khảo sát, rà soát, lập dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư. Sau khi có quyết định phê duyệt đầu tư Ban trực tiếp ký hợp đồng trồng rừng với các hộ gia đình theo hồ sơ được phê duyệt, Nhà nước hỗ trợ đầu tư cây giống, công trồng và công chăm sóc (01 năm trồng và 03 năm chăm sóc) theo dự toán được phê duyệt. Số diện tích, số cây sau khi trồng và chăm sóc hết giai đoạn đầu tư nêu trên tiếp tục được giao cho hộ gia đình nhận khoán chăm sóc, quản lý và bảo vệ và được hưởng các quyền lợi theo nghĩa vụ các quy định pháp luật hiện hành và dự án quy định.

Gia đình ông Vàng A S – Bản C, xã S B là một trong các hộ đã ký hợp đồng trồng rừng phòng hộ bằng loài cây Sơn tra theo dự án trồng rừng phòng hộ và thực hiện trồng trong vòng 02 năm, năm 2014 là 7000 m2, năm 2015 là 9.500 m2. Như vậy gia đình ông Vàng A S được Ban quản lý rừng phòng hộ ký kết hợp đồng, nghiệm thu, thanh toán tiền công trồng và chăm sóc theo quy định (01 năm trồng, 03 năm chăm sóc). Việc thanh toán tiền công trồng và chăm sóc hàng năm có danh sách cụ thể. Đến hết năm 2017 diện tích rừng trồng từ năm 2014 sẽ hết giai đoạn đầu tư trồng, chăm sóc và được chuyển sang giai đoạn quản lý và bảo vệ. Khi cấp cây giống cho gia đình ông S, Ban quản lý rừng phòng hộ căn cứ giấy đề nghị của chủ hộ trồng rừng, lập hồ sơ thiết kế trình phê duyệt, hợp đồng trồng, chăm sóc rừng trồng phòng hộ có xác nhận của UBND xã S B là cơ sở để đầu tư, nghiệm thu và thanh toán theo quy định. Việc xảy ra tranh chấp với hộ gia đình ông Lò Văn T và ông Lò Văn D vào đầu năm 2017.

Nay Ban quản lý rừng phòng hộ huyện yêu cầu các hộ gia đình đang tranh chấp diện tích rừng trồng phòng hộ mà Ban quản lý rừng trồng phòng hộ đã ký kết hợp đồng trồng, chăm sóc với gia đình ông Vàng A S – Bản C, sau khi được giải quyết xong vụ án, nếu xác định là đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình nào thì hộ gia đình đó đều phải có nghĩa vụ quản lý, bảo vệ rừng trồng cây Sơn tra có trên đất và được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về rừng theo quy định. Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm cây rừng, vi phạm Luật bảo vệ và Phát triển rừng.

Lời khai của những người làm chứng:

Ông Tao Văn N khai: Năm 2000 – 2011 Nhà nước có chủ trương giao đất rừng cho dân quản lý, bảo vệ rừng đầu nguồn bản C, gia đình ông đã đăng ký và được cấp tổng diện tích 595.880 m2 để khoanh nuôi bảo vệ, được cấp giấy CNQSDĐ ngày 30/01/2002. Trước khi được cấp khu vực này là đồi núi trọc, nhân dân bản C thường xuyên đốt rừng làm nương gây ra cháy rừng, khu đất trên không có ai trồng trọt hay chăn nuôi gì trên đó. Đến ngày 30/10/2002 do gia đình ông không có lao động nên đã chuyển nhượng cho gia đình ông Trần Y, bà Hoàng Thị S và không lấy tiền vì đây là đất do Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất.

Ông Hảng A S khai: Ông sinh ra và lớn lên tại bản C và làm trưởng bản C từ năm 1986 cho đến năm 2003. Gia đình ông S chuyển đến bản Cvào năm 1995 và sinh sống từ đó cho đến nay, đối với diện tích đất đang tranh chấp với ông Trần Y, ông chỉ biết trước đây gia đình ông Vàng A S có thả trâu trên đó, ông không nhớ là ông có chia đất cho gia đình ông Vàng A S hay không, chỉ biết toàn bộ khu vực này vào những năm 2000 là đất đai rộng rãi, hộ gia đình nào muốn sử dụng thì tự làm, ông không biết có những hộ gia đình nào canh tác trên diện tích đất đang tranh chấp, chỉ biết vào năm 2008 khi xây dựng nhà máy thủy điện xã S B thì gia đình ông S bị thu hồi một phần đất phía dưới, sau khi bị giải tỏa gia đình ông S đã chuyển lên phần đất đang tranh chấp.

Ông không biết diện tích đất đang tranh chấp được cấp cho ai vào thời gian nào và cũng không biết những ai đã sử dụng diện tích đất này.

Ông Vàng A C khai: Ông sinh ra và lớn lên tại bản C và là chú họ của ông Vàng A S, ông làm trưởng bản C từ năm 2003 đến nay. Gia đình ông S chuyển đến bản C từ năm 1995, ông không chia đất cho gia đình ông S canh tác. Năm 1998 gia đình ông S làm lán chăn nuôi dê tại khu vực đến định cư từ trước và đến năm 2002 được cấp giấy CNQSDĐ, sau này phần đất của ông S bị giải tỏa làm thủy điện nên đã chuyển đến sinh sống và canh tác trên diện tích đất đang có tranh chấp từ đó đến nay, ông không biết diện tích đất đang có tranh chấp giữa ông S với các hộ gia đình ông Y, ông T và ông D đã được nhà nước cấp giấy CNQSDĐ cho ai vào thời gian nào.

Ông Phan Văn P khai: Năm 2006 ông không được tham gia trong thành phần hòa giải để giải quyết tranh chấp đất đai giữa gia đình ông Trần Y và gia đình ông Vàng A S.

Ông Vũ Ngọc V khai: Ông là cán bộ địa chính xã B L (cũ) nay tách ra thành xã B L, xã S B và thị trấn T Đ. Năm 2000 khu vực rừng đầu nguồn thuộc bản C hàng năm xảy ra cháy rừng, thực hiện chủ trương của Nhà nước giao cho từng hộ cá nhân quản lý, chính quyền địa phương đã tổ chức họp dân tuyên truyền cho nhân dân tác dụng của việc bảo vệ rừng đầu nguồn, hộ nào có đất rừng có nhu cầu bảo vệ, chăm sóc rừng thì tiến hành kê khai, việc cấp đất rừng được thực hiện theo Luật đất đai 1993 và Nghị định 164 của Chính phủ. Tại thời điểm giao đất được thực hiện theo dự án, ai có nhu cầu thì trực tiếp kê khai với đoàn đo đạc của Sở địa chính Lai Châu và làm thủ tục giao đất theo thửa đất và theo sơ đồ địa chính đã đo vẽ từ trước, không tiến hành giao thực địa. Ông không trực tiếp giao đất mà chỉ chỗ đất nơi gia đình ông S làm lán để chăn nuôi trâu bò tại khu vực Km 19 thuộc bản Chu Va 12, chứ không giao đất cho gia đình ông S tại khu vực đang có tranh chấp với các hộ ông Y, ông D và ông T.

Biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 14/8/2017 thể hiện: Đối với diện đất đang có tranh chấp giữa ông Trần Y và ông Vàng A S: Tại thửa số 63a, tờ bản đồ số 04, tổng diện tích 595.880 m2, trong giấy CNQSDĐ mang tên Trần Y, bà Hoàng Thị S có diện tích tranh chấp là 21,5 ha nằm trong tổng diện tích 595.880 m2, loại đất rừng phòng hộ. Tài sản trên diện tích 6.196 m2 trong tổng số 21,5 ha  đất đang tranh chấp cụ thể như sau: 03 cây bưởi cao trung bình 01 mét; 20 cây chanh cao trung bình 01 mét, 246 cây đào cao trung bình 1,5 mét; 11 cây Sơn tra cao trung bình 60 cm; 01 cây mận; 01 lán gỗ lợp Proximang kích thước 7 m x 5 m tương đương 35 m2. Diện tích đất trồng ngô là 420 m2.

Đối với diện đất đang có tranh chấp giữa ông Lò Văn T, Lò Văn D và ông Vàng A S: Thửa đất số 64a-1 và 64a-2, tờ bản đồ số 04 có tổng diện tích 349.244 m2, giấy CNQSDĐ mang tên ông Lò Văn T, ông Lò Văn D có: Diện tích cây thông là 3.431 m2 trồng từ năm 2004; Diện tích trồng cây Sơn tra theo dự án của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện T Đ năm 2014 là 7.00 m2; năm 2015 là 9.500 m2 tổng cộng 16.500 m2, mật độ bình quân 10 cây/100 m2, tương đương 1.650 cây.

Kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản huyện T Đ thể hiện: Bưởi: 01 cây bán kính 01 mét = 360.000 đồng; Bưởi gieo hạt: 02 cây bán kính 0,5 mét =246.000 đồng; Chanh: 20 cây bán kính trung bình 1,25 mét = 4.080.000 đồng; Đào 246 cây bán kính trung bình 1,5 mét = 88.560.000 đồng; Sơn tra 11 cây bán kính trung bình 01 mét = 3.960.000 đồng; Mận: 01 cây bán kính 0,9 mét = 192. 000 đồng. Tổng cộng 97.416.000 đồng.

Ngày 01/9/2017 ông Phạm Danh T – Phó trưởng ban quản lý rừng phòng hộ huyện T Đ cung cấp cho Tòa án bản sao các tài liệu như: Giấy đề nghị trồng rừng phòng hộ của ông Vàng A S, biểu thanh toán tiền công lao động trồng rừng phòng hộ đầu nguồn hộ ông S, biểu thanh toán tiền công lao động chăm sóc rừng phòng hộ năm thứ 2,3,4, hộ ông S, biểu thanh toán tiền công lao chăm sóc rừng phòng hộ đầu nguồn hộ ông S phòng hộ năm 2014; Quyết định số 1307 của UBND huyện T Đ về việc phê duyệt bồi thường, hỗ trợ tái định cư xây dựng nhà máy  thủy điện Nậm Thi; Bảng tổng hợp chi tiết phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư dự án xây dựng nhà máy thủy điện Nậm Thi và 01 phiếu chi  ngày 15/12/2009 của Công ty cổ phần thủy điện Nậm Thi – Sông Đà 7 đối với hộ gia đình ông Vàng A S với số tiền hỗ trợ tái định cư là 234.912.804 đồng và số tiền bồi thường cây trên đất đối với phần diện tích đất rừng bị giải tỏa là 30.000.000 đồng.

Ông Lò Văn T, ông Lò Văn D giao nộp cho Tòa án bản sao giấy CNQSDĐ mang tên Lò Văn T, Lò Văn D; ông Trần Y giao nộp bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Tao Văn N, Vũ Ngọc H, Phạm Phú C là những hộ gia đình đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho gia đình ông, đơn xin mượn đất làm trang trại của vợ ông là bà Hoàng Thị S gửi UBND tỉnh Lai Châu và UBND huyện P T và một số hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Ông Vàng A S giao nộp 01 bản sao giấy CNQSDĐ số T692752 mang tên Vàng A S, bản sao biên bản làm việc của UBND xã B L (cũ) ngày 12/7/2006 về việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất vào năm 2006 với ông Trần Y.

Tòa án nhân dân huyện T Đ đã tiến hành hòa giải nhiều lần để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án nhưng đều không thành, các nguyên đơn đều giữ nguyên yêu cầu buộc bị đơn phải trả lại những diện tích đất đang có tranh chấp cho gia đình mình, bị đơn không đồng ý trả đất vì cho rằng số đất trên là do gia đình tự khai phá và sử dụng.

Đại diện viện kiểm sát nhân dân huyện T Đ phát biểu quan điểm:

Về thủ tục tố tụng: Từ khi thụ lý đến giai đoạn vụ án được đưa ra xét xử, Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã tuân thủ đầy đủ, chính xác trình tự thủ tục tố tụng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, cũng như các văn bản pháp lý liên quan.

Về nội dung đề nghị HĐXX căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án, căn cứ vào quy định của pháp luật chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn để buộc bị đơn có nghĩa vụ trả lại toàn bộ diện tích đất đang tranh chấp vì có căn cứ chứng minh nguồn gốc và quyền sử dụng đất của các nguyên đơn là hợp pháp. Về giá trị tài sản có trên đất đề nghị HĐXX xem xét công sức tạo dựng của bị đơn để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho tất cả các đương sự (các đề nghị cụ thể có bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm).

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, trên cơ sở xem xét khách quan, toàn diện ý kiến của các bên đương sự Hội đồng xét xử có cơ sở nhận định:

[1]. Về nguồn gốc, quyền sử dụng đất của những diện tích đất đang có tranh chấp: Đối với diện tích 21,5 ha (215.000 m2) đất tranh chấp giữa gia đình ông Trần Y và gia đình ông Vàng A S: Các chứng cứ, tài liệu thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án và do các đương sự cung cấp có cơ sở khẳng định nguồn gốc diện tích 21,5 ha (215.000 m2) đất có trong giấy CNQSDĐ số BA 732507, thửa đất số 63a, tờ bản đồ số 4, tổng diện tích 595.880 m2  mang tên ông Trần Y, bà Hoàng Thị S, địa chỉ Bản C, xã S B, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu có nguồn gốc là của ông Tao Văn N, trú tại bản 46, xã B L, huyện P T (nay là xã S B, huyện T Đ), tỉnh Lai Châu, được UBND huyện P T cấp giấy CNQSDĐ ngày 30/01/2002, mang tên Tao Văn N, đến ngày 30/10/2002 ông N chuyển nhượng lại cho ông Trần Y, bà Hoàng Thị S có giấy chuyển nhượng viết tay không qua chứng thực của UBND xã B L (cũ), đến ngày 22/02/2007, giữa ông Tao Văn N và bà Hoàng Thị S (vợ ông Trần Y) đã lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoàn chỉnh và có xác nhận của UBND xã B L. Đến ngày 23/3/2011 ông Trần Y, bà Hoàng Thị S được UBND huyện T Đ cấp giấy CNQSDĐ đối với diện tích đất này. Thời điểm năm 2002 gia đình ông Vàng A S cũng được UBND huyện P T  (nay là huyện T Đ) cấp giấy CNQSDĐ số T 692752, với diện tích 361.581 m2  đất rừng phòng hộ tại thửa đất số 64, tờ bản đồ số 4. Tuy nhiên đến năm 2008 khi thực hiện dự án xây dựng nhà máy thủy điện Nậm Thi – Sông Đà 7 diện tích đất nói trên của gia đình ông S bị giải tỏa một phần khoảng 03 đến 04 ha với số tiền bồi thường cây trên đất là 30.000.000 đồng và đã nhận bồi thường, hiện tại còn hơn 30 ha. Cùng thời điểm ông S chuyển gia đình lên dựng lán, canh tác và chăn nuôi trên diện tích đất đã cấp cho gia đình ông Trần Y, bà Hoàng Thị S. Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa ông Vàng A S và người đại diện hợp pháp là anh Vàng A C khẳng định diện tích đất này do gia đình ông S khai phá, xin phép được trưởng bản vào năm 1998 là không có căn cứ bởi lời khai của trưởng bản C thời điểm đó là ông Hảng A S khẳng định không hề chia đất cho gia đình ông S tại vị trí đang có tranh chấp, chỉ biết ông gia đình ông S được cấp đất đến năm 2008 đã bị giải tỏa một phần để xây dựng nhà máy thủy điện.

Xét Biên bản làm việc ngày 12/07/2006 của UBND xã B L, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất giữa gia đình ông Vàng A S và gia đình ông Trần Y: HĐXX xét thấy biên bản làm việc này không có mặt gia đình ông Trần Y, buổi làm việc cũng không thể hiện việc UBND xã tiến hành làm việc để giải quyết phần đất nào trong tổng thể diện tích đất đang có tranh chấp giữa hai gia đình ông S và ông Y, bên cạnh đó ông Phan Văn P là chủ tịch HĐND xã thời điểm lập biên bản có tên trong biên bản làm việc khẳng định ông không hề được tham gia phiên họp giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất giữa hai gia đình ông Y và ông S, vì vậy không có căn cứ cho rằng diện tích đất đang tranh chấp UBND xã đã quyết định thuộc quyền sử dụng của gia đình ông S.

Đối với tổng diện tích 349.244 m2 đất rừng phòng hộ của hai hộ gia đình ông Lò D, ông Lò Văn T. Trong đó diện tích 174.622 m2 tại thửa số 64a-1, tờ bản đồ số 4 mang tên Lò Văn D và diện tích 174.622 m2  tại thửa số 64a-2, tờ bản đồ số 4 mang tên Lò Văn T: Các chứng cứ, tài liệu thu thập được có cơ sở khẳng định vào năm 2002, các hộ gia đình Lò Văn D, Lò Văn T đã được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất qua việc cấp giấy CNQSDĐ. Theo lời khai của ông Lò Văn T, ông Lò Văn D tại phiên tòa, vào năm 2004 khi ông Vàng A S tiến hành trồng cây thông trên  phần diện tích đất của gia đình ông S tiếp giáp với diện tích đất đã cấp cho các ông vào năm 2002, lúc đó chính ông Trần Y là người đã cho ông S cây giống, ông T và ông D cứ tưởng ông S trồng cây thông để làm ranh giới đất của ông Sg và đất của ông T và ông D, các ông không biết ông S đã trồng thông lên một phần diện tích đất của gia đình các ông. Quá trình giải quyết vụ án gia đình ông Vàng A S không có bất cứ chứng cứ, tài liệu nào chứng minh gia đình mình đã khai phá diện tích đất đang có tranh chấp với gia đình ông T, ông D vào năm 1998 và sử dụng ổn định từ đó cho đến nay nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như lời khai của ông S, anh C và bà T.

Tại khoản 16 Điều 3, Luật đất đai 2013 quy định “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất

Tại khoản 5 Điều 26 Luật đất đai năm 2013 có quy định “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Như vậy HĐXX có căn cứ khẳng định quyền sử dụng đất đối với 21,5 ha tương đương 215.000 m2 đất rừng phòng hộ trong giấy CNQSDĐ mang tên hộ ông Trần Y, bà Hoàng Thị S tại thửa số 63, tờ bản đồ số 4; Quyền sử dụng đất đối với diện tích 174.622 m2 tại thửa số 64a-1, tờ bản đồ số 4 mang tên Lò Văn D và diện tích 174.622 m 2 tại thửa số 64a-2, tờ bản đồ số 4 mang tên Lò Văn T là có căn cứ và hợp pháp, cần buộc gia đình ông Vàng A S trả lại những diện tích đang tranh chấp.

[2]. Về những cây cối, hoa màu và tài sản gia đình ông Vàng A S tạo dựng được trên những diện tích đất đang có tranh chấp:

Đối với số tài sản gồm: 246 cây đào, 20 cây chanh, 11 cây sơn tra, 03 cây bưởi, 01 cây mận có tổng giá trị tài sản theo định giá là 97.416.000 đồng HĐXX nhận định như sau: Mặc dù gia đình ông Vàng A S đã sử dụng trái phép diện tích đất của hộ gia đình ông Trần Y, bà Hoàng Thị S từ khoảng năm 2008 cho đến thời điểm hiện tại, tuy phần đất có các tài sản nêu trên không thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Vàng A S, cũng như khối tài sản này không thuộc đối tượng khởi kiện trong vụ án nhưng gia đình ông Sđã có công tạo dựng khối tài sản có trên đất, tại thời điểm giải quyết vụ án số cây ăn quả do gia đình ông S trồng được trên đất ông Y, bà S một số cây đã cho thu hoạch quả như 20 cây chanh và một số cây đào, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông Vàng A S, đồng thời giải quyết toàn diện, triệt để vụ án trên cơ sở ghi nhận công sức của gia đình ông S trong việc tạo dựng khối tài sản này HĐXX cần buộc gia đình ông Trần Y phải có nghĩa vụ bồi thường giá trị tài sản trên đất cho ông S. Tuy nhiên xét về lỗi của gia đình ông Vàng A S HĐXX xét thấy gia đình ông Vàng A S đã tự ý vào canh tác, sản xuất bất hợp pháp trên phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình ông Trần Y, đối với ông Trần Y khi biết gia đình ông Ssử dụng bất hợp pháp phần đất do mình được phép sử dụng đã không quyết liệt trong việc ngăn cản gia đình ông S. Vì vậy tổng giá trị tài sản có trên đất gia đình ông Trần Y phải có trách nhiệm bồi thường 70 % giá trị trên tổng số tiền 97.416.000 đồng, tương đương số tiền 68.191.200 đồng cần buộc ông Trần Y phải bồi thường cho gia đình ông Vàng A S. Tại phiên tòa người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là anh Vàng A C không đồng ý nhận số tiền này vì cho rằng diện tích đất có tài sản thuộc quyền sử dụng của gia đình anh, tuy nhiên để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn nên cần buộc ông Trần Y phải bồi thường số tiền này.

Đối với 01 lán gỗ lợp Proximang diện tích 35 m2  có trên diện tích đất mang tên Trần Y, bà Hoàng Thị S của gia đình ông Vàng A S HĐXX xét thấy kết cấu xây dựng đối với lán gỗ lợp Proximang là kết cấu có thể tháo dỡ và di dời, gia đình ông S đã dựng lán bất hợp pháp trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của người khác nên cần phải tự tháo dỡ để trả lại đất cho chủ sử dụng đất. Đối với diện tích 420 m2  trồng ngô, đây là loại cây ngắn ngày, tại thời điểm xem xét thẩm đinh tại chỗ, số ngô trên diện tích đất này đã đến giai đoạn trổ bông, sắp cho thu hoạch, xét thấy gia đình ông S đã trồng vì vậy có quyền thu hoạch ngô và trả lại đất cho ông Trần Y, bà Hoàng Thị S.

Đối với diện tích cây sơn tra có gia đình ông Vàng A S trồng trên diện tích đất mang tên ông Lò Văn D, Lò Văn T: Trong thửa đất số 64a -1, tờ bản đồ số 4 của ông Lò Văn D, thửa đất số 64a -2, tờ bản đồ số 4 của ông Lò Văn T có diện tích 7000 m2  cây sơn tra trồng năm 2014 và 9.500 m2  cây sơn tra trồng năm 2015 với mật độ bình quân 10 cây/100 m2, độ cao trung bình của cây là 60 cm. Theo lời khai của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện T Đ thì toàn bộ số cây giống được Nhà nước cấp, công trồng cây được chi trả theo quy đinh, sau khi trồng người trồng sẽ được thanh toán tiền công chăm sóc trong vòng 03 năm. Như vậy đến năm 2017 số lượng 7.000 m2 đất trồng cây sơn tra của ông Vàng A S trên phần đất của ông Lò Văn D, Lò Văn T sẽ không còn được cấp tiền công chăm sóc, còn lại 9.500 m2  còn lại trồng năm 2015 còn được thanh toán công chăm sóc đến năm 2018. Tại phiên tòa đại diện theo ủy quyền của  Ban quản lý rừng phòng hộ khẳng định đối với hộ ông Vàng A S đã nhận số tiền hơn 12.000.000 đồng chăm sóc, bảo vệ trong vòng 04 năm. Như vậy đối với công trồng cây sơn tra gia đình ông S đã được thanh toán và hàng năm gia đình ông S đều nhận được số tiền chi trả công chăm sóc. Tuy gia đình ông S đã được thanh toán đầy đủ công trồng, công chăm sóc hàng năm đối với tổng cộng 16.500 m2  đất trồng cây sơn tra từ Ban quản lý rừng phòng hộ huyện, nhưng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của ông S trong việc trông coi diện tích cây sơn tra trong vòng 04 năm qua, HĐXX cũng cần tính công trông coi, bảo vệ cho ông S từ năm 2014 đến thời điểm hiện tại mỗi năm là 3.000.000 đồng tương 12.000.000 đồng, tại phiên tòa người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là anh Vàng A C không đồng ý nhận số tiền này vì cho rằng diện tích đất đã trồng cây sơn tra là thuộc quyền sử dụng của gia đình anh, tuy nhiên để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của ông S nên cần buộc các ông Lò Văn D, Lò Văn T phải liên đới bồi tường cho ông gia đình S để tiếp tục chăm sóc diện tích cây sơn tra và được quyền thu hoạch khi cây cho quả.

[3] Về ý kiến của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện T Đ, tỉnh Lai Châu:

Quá trình giải quyết vụ án, đại diện theo ủy quyền của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện T Đ khẳng định Ban quản lý rừng phòng hộ huyện T Đ là chủ đầu tư dự án trồng và phát triển cây sơn tra trên địa bàn huyện T Đ trong đó có xã S B, theo nội dung thực hiện dự án thì người trồng được cấp cây giống, công trồng và công chăm sóc trong vòng 03 năm. Tài liệu thanh toán chi phí trồng, chăm sóc cây sơn tra đối với gia đình ông Vàng A S thể hiện ông S đã nhận đủ số cây, nhận đủ tiền công trông và chăm sóc. Nay Ban quản lý rừng phòng hộ huyện T Đ yêu cầu các hộ gia đình đang có tranh chấp nếu diện tích đất đã trồng cây sơn tra thuộc quyền sử dụng của gia đình nào thì gia đình đó cần tiếp tục chăm sóc, bảo vệ và được quyền thu hoạch khi cây cho quả. HĐXX xét thấy yêu cầu này là có căn cứ, việc xác định được diện tích đất có cây sơn tra thuộc quyền sử dụng của gia đình các ông Lò Văn D và Lò Văn T vì vậy cần tiếp tục giao số diện tích cây sơn tra nói trên cho gia đình ông D, ông T chăm sóc, bảo vệ và khai thác.

[4]. Về chi phí tố tụng (Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và chi phí định giá tài sản): Quá trình giải quyết vụ án, theo yêu cầu của các nguyên đơn Tòa án nhân dân huyện đã tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, tiến hành đo đạc đối với 21,5 ha đất đanh có tranh chấp giữa hai gia đình ông Trần Yvới gia đình ông Vàng A S, diện tích 349.244 m2  của hai hộ Lò Văn Ti và Lò Văn D đang tranh chấp với gia đình ông S cũng như thành lập Hội đồng định giá tài sản, tổng chi phí hết 2.500.00 đồng. Do yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn được Tòa án chấp nhận nên bị đơn phải chịu chi phí tố tụng. Nguyên đơn ông Trần Y đã nộp tổng cộng 2.000.000 đồng vào các ngày 08/8/2017 và 05/9/2017, ông Lò Văn T đã nộp 500.000 đồng vào ngày 08/8/2017, tổng cộng là 2.500.000 đồng, nay cần buộc bị đơn phải trả lại số tiền chi phí tố tụng cho các nguyên đơn đã nộp.

[5] Về án phí: Bị đơn phải chịu án phí đối với yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận, khoản tiền 30 % trong tổng số tiền 97.416.000 đồng tương đương số tiền 29.224.800 đồng là 1.461.240 đồng. Nguyên đơn ông Trần Y phải chịu án phí của khoản tiền 70 % trong tổng số tiền 97.416.000 đồng tương đương số tiền 68.191.200 đồng là 3.409.560 đồng. Ông Lò Văn D, ông Lò Văn T phải chịu án phí đối với khoản tiền 12.000.000 đồng bồi thường công sức cho ông Vàng A S tương đương số tiền 600.000 đồng.

Vì các lẽ trên

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng: Khoản 9 Điều 3, khoản 5 Điều 26, Điều 97, Điều 126, Điều 136, khoản 1 Điều 203 của Luật đất đai năm 2013; Điều 105, Điều 107, Điều 109, Điều 274, Điều 275, Điều 279, Điều 280, Điều 468 của Bộ luật dân sự; Khoản 9 Điều 26, Điều 35, Điều 147, Điều 157, Điều 165, Điều 271, Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án. Xử

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Y, ông Lò Văn T, ông Lò Văn D.

Buộc ông Vàng A S phải trả lại cho ông Trần Y 21,5 ha (215.000 m2) đất rừng phòng hộ tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BA 732507, vào sổ cấp GCN số: CH00003, cấp ngày 23/3/2011, tại thửa đất số 63a, tờ bản đồ số 4. Địa chỉ: Xã S B, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu, có tứ cận, tiếp giáp như sau: Phía Đông và Đông Bắc giáp đất rừng phòng hộ của ông Lò Văn T, Lò Văn D; Phía Nam giáp suối; Phía Tây giáp đất rừng phòng hộ của ông Trần Y.

Ông Trần Y được quyền sở hữu: 246 cây đào, 03 cây bưởi, 11 cây sơn tra, 20 cây chanh và 01 cây mận có trên đất. Ông Vàng A S có nghĩa vụ di dời 01 lán gỗ, mái lợp Proximang diện tích 35 m2 có trên đất.

Buộc ông Vàng A S phải trả lại cho các ông Lò Văn D, Lò Văn T tổng diện tích 349.244 m2 đất rừng phòng hộ đồng sử dụng. Trong đó diện tích 174.622 m2 tại thửa số 64a-1, tờ bản đồ số 4 vào sổ cấp giấy CNQSDĐ số 00545 QSDĐ/QĐ-UB/H-UBND ngày 30/01/2002, trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T 692102 mang tên Lò Văn D, địa chỉ thửa đất: Xã S B, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu và diện tích 174.622 m2 tại thửa số 64a-2, tờ bản đồ số 4 vào sổ cấp giấy CNQSDĐ số 00543 QSDĐ/QĐ-UB/H- UBND ngày 30/01/2002, trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T 692104 mang tên Lò Văn T, địa chỉ thửa đất: Xã S B, huyện T Đ, tỉnh Lai Châu, có tứ cận, tiếp giáp như sau: Phía Bắc giáp Quốc lộ 4D hướng Tam Đương – Sa Pa; Phía Nam giáp suối; Phía Đông giáp rừng phòng hộ của ông Vàng A S; Phía Tây giáp rừng phòng hộ của ông Trần Y.

Các Lò Văn D, Lò Văn T được quyền sử dụng, khai thác diện tích 16.500 m2 của cây sơn tra tương đương số lượng 1.650 cây có trên đất.

Buộc ông Trần Y phải bồi thường cho ông Vàng A S 70 % trong tổng số 97.416.000 đồng giá trị tài sản trên đất là 68.191.200 đồng. Buộc các ông Lò Văn D, Lò Văn T phải liên đới bồi thường cho ông Vàng A S số tiền trông coi, bảo vệ diện tích 16.500 m2 cây sơn tra trong vòng 04 năm là 12.000.000 đồng, trong đó ông Lò Văn D, ông Lò Văn T mỗi người phải chịu 6.000.000 đồng.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án không thi hành thì còn phải chịu lãi suất theo lãi suất chậm trả của Ngân hàng Nhà nước, tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

"Trường hợp Bản án, Quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2, Luật thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 7a và Điều 9, Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành được quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự"

2.  Về án phí: Ông Trần Y phải chịu 3.409.560 đồng án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch, ông Y đã nộp 300.000 đồng tạm ứng án phí theo Biên lai số 0003054 ngày 07/7/2017 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện T Đ nay ông Y phải nộp thêm 3.109.560 đồng. Ông Lò Văn D, ông Lò Văn T mỗi người phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch, ông D đã nộp 300.000 đồng tạm ứng án phí theo Biên lai số 0003053, ngày 07/7/2017 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện T Đ, nay 300.000 đồng đã nộp chuyển thành án phí. Ông T đã nộp 300.000 đồng tạm ứng án phí theo Biên lai số 0003055, ngày 07/7/2017 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện T Đ nay 300.000 đồng đã nộp chuyển thành án phí.

Ông Vàng A S phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm và 1.461.240 đồng án phí dân sự có giá ngạch.

3. Về chi phí tố tụng: Buộc ông Vàng A S phải trả cho ông Trần Y 2.000.000 đồng, trả cho ông Lò Văn T 500.000 đồng chi phí tố tụng.

4. Quyền kháng cáo: Các nguyên đơn; Người đại diện theo ủy quyền của Nguyên đơn; Bị đơn; Người đại diện theo ủy quyền của Bị đơn Vàng A S; Người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Ban quản lý rừng phòng hộ huyện T Đ và Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Giàng Thị T có quyền kháng cáo bản án trong hạn là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Nguyên đơn Lò Văn D, Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện T Đ có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn là 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết công khai.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1081
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 05/2017/DSST-TC ngày 29/09/2017 về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:05/2017/DSST-TC
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tam Đường - Lai Châu
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;