TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
BẢN ÁN 16/2019/DSPT NGÀY 26/07/2019 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Ngày 26 tháng 7 năm 2019, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 11/2019/TLPT-DS ngày 06/5/2019 về việc “Tranh chấp thừa kế tài sản”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 05/2019/DS-ST ngày 26/03/2019 của Tòa án nhân dân huyện Yên Mỹ bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 14/2019/QĐ-PT ngày 10 tháng 6 năm 2019, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Đ, sinh năm 1963; (Vắng mặt).
Địa chỉ: thôn YL, xã NgH, huyện YM, tỉnh Hưng Yên;
2. Bị đơn: Ông Nguyễn Văn Đ1, sinh năm 1962; (Có mặt).
Địa chỉ: thôn DT, xã NL, huyện YM, tỉnh Hưng Yên;
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Ông Phạm Đức Thảo và ông Tạ Văn Tú, luật sư công ty Luật TNHH An Quốc, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội (có mặt).
3. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
3.1. Bà Nguyễn Thị Ng, sinh năm 1966; (Vắng mặt).
Địa chỉ: thôn LT, xã LX, huyện YM, tỉnh Hưng Yên;
3.2. Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1969; (Vắng mặt).
Địa chỉ: thôn TC, xã TL, huyện YM, tỉnh Hưng Yên;
3.3. Bà Trần Thị X, sinh năm 1960; (Có mặt).
3.4. Chị Nguyễn Thị T1, sinh năm 1981; (Có mặt).
3.5. Anh Nguyễn Văn Đ2, sinh năm 1983; (Vắng mặt).
3.6. Chị Nguyễn Thị Nh, sinh năm 1989; (Có mặt).
Địa chỉ: thôn DT, xã NL, huyện YM, tỉnh Hưng Yên;
Người kháng cáo: ông Nguyễn Văn Đ1.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện đề ngày 21 tháng 3 năm 2018 và quá trình giải quyết tại Tòa án, nguyên đơn bà Nguyễn Thị Đ trình bày:
Bố mẹ bà là cụ Nguyễn Văn B và cụ Vũ Thị R có năm con chung là liệt sỹ Nguyễn Văn B1, ông Nguyễn Văn Đ1, các bà Nguyễn Thị Đ, Nguyễn Thị Ng và Nguyễn Thị T. Cụ Nguyễn Văn B chết ngày 26 tháng 4 năm 1994, cụ Vũ Thị R chết ngày 07 tháng 7 năm 2015, và liệt sỹ Nguyễn Văn B1 hy sinh năm 1979, không có vợ con. Tài sản của hai cụ gồm có đất ở diện tích 644m2 có nguồn gốc cha ông để lại cùng 02 tiêu chuẩn ruộng gồm 1,8 sào ở xứ đồng Son; 1,8 sào ở xứ đồng Cửa Miếu và 3,5 thước (84m2) tiêu chuẩn liệt sỹ Nguyễn Văn B1. Cụ Nguyễn Văn B chết không có di chúc, sau khi cụ Bảo chết, cụ Rện sống cùng vợ chồng ông Đ1 nhưng do cách cư xử của ông Đ1 và bà X nên mẹ bà (cụ Rện) đã xây dựng nhà, công trình phụ trên diện tích đất nông nghiệp để chuyển đến sống. Ngày 06 tháng 4 năm 2011 cụ Vũ Thị R đã lập di chúc tặng cho nhà đất và các công trình gắn liền, thờ cúng liệt sỹ nội dung “cho ba con gái được thừa kế chế độ thờ cúng liệt sỹ, nhà đất và công trình xây dựng gắn liền trên mảnh đất 03 với diện tích 735m2 nằm tại thửa số 04 bản đồ số 82/7 để làm nhà thờ gia tiên và anh trai liệt sỹ sau khi tôi mất… còn việc quản lý nhà đất công trình xây dựng gắn liền trên mảnh đất ấy tôi và hai cô con gái út thống nhất giao cho cô con gái lớn là Nguyễn Thị Đ chông coi thờ cúng”. Di chúc của cụ R đã được Ủy ban nhân dân xã NL xác nhận và sau đó ngày 30 tháng 4 năm 2011 các anh chị em cùng các con cháu trong nội tộc và gia đình họp bàn đều nhất trí với di chúc của cụ nên đã lập Biên bản họp nội tộc và gia đình nội dung ba chị em gái được thừa kế tài sản như di chúc để làm nơi thờ cúng bố mẹ và anh là liệt sĩ. Do sau khi cụ R chết, ông Đ1 đã đến trồng 14 cây bưởi trên đất không cho ba chị em gái sử dụng diện tích đất đã được cụ R chia cho ba con gái nên bà khởi kiện yêu cầu chia di sản của bố, mẹ là tiêu chuẩn ruộng nông nghiệp của cụ Nguyễn Văn B và cụ Vũ Thị R cùng tài sản cụ R xây dựng trên đất theo quy định của pháp luật, đối với đất ở là tài sản của bố mẹ hiện gia đình ông Nguyễn Văn Đ1 đang sử dụng bà không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Bị đơn ông Nguyễn Văn Đ1 công nhận đã nhận được Thông báo thụ lý vụ án cùng bản sao các tài liệu do bà Nguyễn Thị Đ xuất trình nhưng không trình bày ý kiến về vụ kiện và không đến Tòa án để giải quyết vụ án.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án bà Nguyễn Thị Ng và Nguyễn Thị T nhất trí với trình bày của nguyên đơn và đề nghị giao cho Bà Đ quản lý, sử dụng phần di sản hai bà được hưởng.
Bà Trần Thị X, chị Nguyễn Thị T1, anh Nguyễn Văn Đ2, chị Nguyễn Thị Nh đã nhận được Thông báo thụ lý vụ án cùng bản sao các tài liệu do Bà Đ xuất trình nhưng không trình bày ý kiến về vụ kiện và không đến Tòa án để giải quyết vụ án. Ủy ban nhân dân xã NL cung cấp:
Khi còn sống cụ Nguyễn Văn B và cụ Vũ Thị R chung sống trên diện tích đất ở 554m2 được kê khai đăng ký thửa đất số 265 trong bản đồ năm 1980 thôn DT, xã NL nay là thửa đất số 32, tờ bản đồ số 01, diện tích 644m2.
Tiêu chuẩn đất nông nghiệp của cụ Nguyễn Văn B được chia chung với hộ gia đình ông Nguyễn Văn Đ1 tổng số 06 người; năm 2003 sau khi dồn ruộng đổi thửa, diện tích đất nông nghiệp mỗi khẩu là 629.5m2, theo bản đồ chỉnh lý năm 2015 tại các xứ đồng: Cửa Chùa thuộc tờ bản đồ số 04, thửa số 167 diện tích 866,7 m2; Sành Ngoài thuộc tờ bản đồ số 06, thửa số 797 diện tích 785 m2; Tam Quan thuộc tờ bản đồ số 04, thửa số 808 diện tích 236 m2 và thửa số 852 diện tích 1740 m2; Mạ Chiêm thuộc tờ bản đồ số 04, thửa số 323 diện tích 244,5 m2.
Cụ Vũ Thị R là thân nhân thờ cúng liệt sỹ nên khi dồn ruộng, đổi thửa không bị trừ diện tích nhiều hơn bình quân địa phương và được chia riêng một thửa, theo bản đồ chỉnh lý năm 2015 thuộc tờ bản đồ số 04, thửa số 246 diện tích 734,6 m2.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 05/2019/DS-ST ngày 26/3/2019 của Tòa án nhân dân huyện YM đã quyết định: Căn cứ vào Điều 623, khoản 3 Điều 631, khoản 1 Điều 632, Điều 634, điểm b khoản 1 Điều 650, khoản 2 Điều 651, khoản 3 Điều 658 và khoản 2 Điều 660 Bộ luật dân sự. Điều 91, Điều 92, khoản 2 Điều 227 và khoản 2 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự. Luật phí và lệ phí. Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, xử:
[1] Chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của bà Nguyễn Thị Đ đối với di sản của cụ Nguyễn Văn B và cụ Vũ Thị R là đất nông nghiệp diện tích 629,5m2 chia chung với hộ gia đình ông Nguyễn Văn Đ1 và đất nông nghiệp diện tích 734,6m2, nhà ở, bếp đều thuộc thôn DT, xã NL, huyện YM, tỉnh Hưng Yên.
[2] Xác nhận cụ Nguyễn Văn B chết ngày 26 tháng 4 năm 1994 không có di chúc; cụ Vũ Thị R chết ngày 07 tháng 7 năm 2015 có di chúc.
[3] Di chúc ghi ngày 06 tháng 4 năm 2011 của cụ Vũ Thị R không hợp pháp do vi phạm về hình thức.
[4] Di sản của cụ Nguyễn Văn B và cụ Vũ Thị R là 629,5m2 đất nông nghiệp chia chung với hộ gia đình ông Nguyễn Văn Đ1 tại các xứ đồng Cửa Chùa thuộc tờ bản đồ số 04, thửa số 167 diện tích 866,7 m2; Sành Ngoài thuộc tờ bản đồ số 06, thửa số 797 diện tích 789 m2; Tam Quan thuộc tờ bản đồ số 04, thửa số 808 diện tích 236 m2 và thửa số 852 diện tích 1740 m2; Mạ Chiêm thuộc tờ bản đồ số 04, thửa số 323 diện tích 244,5 m2; 734,6m2 đất nông nghiệp cùng nhà ở, bếp trên đất thuộc tờ bản đồ số 04, thửa số 246 tổng giá trị 421.208.000 đồng được chia theo luật.
[5] Xác nhận ông Nguyễn Văn Đ1 trồng 14 cây bưởi trên diện tích đấtnông nghiệp 734,6m2 thuộc tờ bản đồ số 04, thửa số 246 giá trị 3.080.000 đồng.
[6] Thanh toán công sức quản lý và chi phí cho việc bảo quản đất nông nghiệp của cụ Nguyễn Văn B cho ông Nguyễn Văn Đ1 số tiền 94.425.000 đồng.
[7] Giá trị tài sản chung của cụ Nguyễn Văn B và cụ Vũ Thị R chia thừa kế là 317.633.000 đồng.
[8] Hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nguyễn Văn B và cụ Vũ Thị R là ông Nguyễn Văn Đ1, bà Nguyễn Thị Đ, bà Nguyễn Thị Ng và bà Nguyễn Thị T được hưởng phần di sản bằng nhau giá trị 79.408.250 đồng.
Công nhận sự thỏa thuận bà Nguyễn Thị Ng và bà Nguyễn Thị T giao toàn bộ phần di sản được hưởng cho bà Nguyễn Thị Đ, phần di sản được hưởng của bà Nguyễn Thị Đ giá trị 238.224.750 đồng.
[9] Phân chia di sản bằng hiện vật:
[9.1] Giao ông Nguyễn Văn Đ1 quản lý, sử dụng 629,5m2 đất nôngnghiệp của cụ Nguyễn Văn B chia chung với hộ gia đình ông Nguyễn Văn Đ1tại thôn DT, xã NL, huyện YM, tỉnh Hưng Yên (diện tích đất nông nghiệp của cụ Bảo trong mỗi thửa đất nông nghiệp bằng 1/6 diện tích thửa đất) ở các xứ đồng: Cửa Chùa thuộc tờ bản đồ số 04, thửa số 167 diện tích 866,7 m2 kích thước phía Bắc giáp đất nông nghiệp Phạm Văn K + Vũ Thị L 40m, phía Đông giáp đất nông nghiệp Phạm Văn Th 20m, phía Nam giáp đất nông nghiệp Phạm Văn Ng + Phạm Văn K 40m, phía Tây giáp đất nông nghiệp Phạm Văn H 22m; Sành Ngoài thuộc tờ bản đồ số 06, thửa số 797 diện tích 785 m2 kích thước phía Bắc giáp đất nông nghiệp Lưu Thị C 25m, phía Đông giáp đất nông nghiệp Vũ Thị L + Nguyễn Văn Ch 31m, phía Nam giáp đất nông nghiệp Phạm Thị Th 25m, phía Tây giáp đất nông nghiệp Lê Thị S + Nguyễn Thị V + Nguyễn Thị Ng 30m; Tam Quan thuộc tờ bản đồ số 04, thửa số 808 diện tích 236 m2 và thửa số 852 diện tích 1740m2 kích thước phía Bắc giáp đất nông nghiệp Nguyễn Văn H 9m và Trần Đình T + Trần Đình T + Trần Đình H 58m, phía Đông giáp đất nông nghiệp Trần Đình T 27m và Phạm Văn L 28m, phía Nam giáp đất nông nghiệp Phạm Tất Th + Phạm Văn L 63m, phía Tây giáp giao thông thủy lợi 54m; Mạ Chiêm thuộc tờ bản đồ số 04, thửa số 323 diện tích 244,5 m2 kích thước phía Bắc giáp đất nông nghiệp Nguyễn Văn M 21m, phía Đông giáp đất nông nghiệp Nguyễn Thị Ch + Phạm Văn Đ 10m, phía Nam giáp đất nông nghiệp Nguyễn Văn H 22m, phía Tây giáp đất nông nghiệp Nguyễn Văn Tr và Trần Đình T 11m được giá trị 188.850.000 đồng (Một trăm tám mươi tám triệu tám trăm năm mươi nghìn đồng).
[9.2] Giao bà Nguyễn Thị Đ quản lý, sử dụng nhà ở, bếp cùng 14 cây bưởi trên diện tích 734,6m2 đất nông nghiệp tại thôn DT, xã NL, huyện YM, tỉnh Hưng Yên thuộc tờ bản đồ số 04, số thửa 246, kích thước phía Bắc giáp đất nông nghiệp Nguyễn Thị Á + Nguyễn Thị H 16m và Nguyễn Thị H 10m, phía Đông giáp đất nông nghiệp Nguyễn Thị H 06m và rãnh (đường trục thôn) 22m, phía Nam giáp đất nông nghiệp Phạm Văn S 30m, phía Tây giáp đất nông nghiệp Phạm Thị T 26m; được giá trị 226.288.000 đồng (Hai trăm hai mươi sáu triệu hai trăm tám mươi tám nghìn đồng).
(Diện tích đất nông nghiệp giao ông Nguyễn Văn Đ1 và bà Nguyễn Thị Đ xác định theo sơ đồ kèm theo).
[10] Công nhận sự tự nguyện của bà Nguyễn Thị Đ, bà Nguyễn Thị Ng và bà Nguyễn Thị T không yêu cầu ông Nguyễn Văn Đ1 trả chênh lệch tài sản.
Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 15/4/2019, ông Nguyễn Văn Đ1 kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Ông Nguyễn Văn Đ1 trình bày: Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét đến công sức quản lý ruộng đất; số tiền (thóc) vợ chồng ông vay mượn để trả nợ thay cho các cụ B, cụ R mới được Nhà nước cấp suất ruộng nông nghiệp theo quy định.
- Luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Đ1 trình bày: Đề nghị Tòa án phúc thẩm xem xét thêm phần công sức quản lý của ông Đ1 do đã trả nợ thay các cụ B, cụ R thì mới được chia suất ruộng nông nghiệp. Đề nghị phân chia đất của hai cụ B, R thành các phần bằng nhau cho các bên; giao đất thờ cúng liệt sỹ Nguyễn Văn B1 cho ông Đ1 quản lý sử dụng.
- Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm: Thẩm phán, HĐXX phúc thẩm và Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đương sự đã chấp hành đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình. Về đường lối giải quyết vụ án, Viện kiểm sát đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự: Bác kháng cáo của bị đơn ông Nguyễn Văn Đ1, sửa bản án sơ thẩm về việc chia hiện vật cho ông Đ1 dồn về một xứ đồng để thuận lợi cho việc thi hành án.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng:
[1.1] Tại phiên tòa, vắng mặt Nguyên đơn bà Nguyễn Thị Đ, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Ng, Nguyễn Thị T nhưng đã có đơn xin xét xử vắng mặt. Vắng mặt anh Nguyễn Văn Đ2 không kháng cáo nhưng đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai và có mặt ông Đ1 là người được anh ủy quyền. Theo quy định tại Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án tiếp tục xét xử vụ án theo thủ tục chung.
[1.2] Về thời hiệu khởi kiện:
Cụ Nguyễn Văn B chết ngày 26 tháng 4 năm 1994, cụ Vũ Thị R chết ngày 07 tháng 7 năm 2015 nên yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế của cụ B và cụ R của bà Nguyễn Thị Đ là trong thời hiệu yêu cầu chia di sản theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự.
Bị đơn ông Nguyễn Văn Đ1 và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều không phản đối những tình tiết, tài liệu, văn bản, kết luận của cơ quan chuyên môn nên Tòa án giải quyết vụ việc theo những chứng cứ đã thu thập có trong hồ sơ theo quy định tại các Điều 91 và 92 Bộ luật tố tụng dân sự.
[2] Về di sản:
Bà Đ yêu cầu chia di sản của bố, mẹ là tiêu chuẩn ruộng nông nghiệp và tài sản tạo lập trên đất nông nghiệp. Nhận thấy lời khai và chứng cứ do nguyên đơn cung cấp được người liên quan thừa nhận phù hợp với cung cấp của Ủy ban nhân dân xã NL, và chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ có đủ căn cứ xác định: cụ Nguyễn Văn B được chia 629,5m2 đất nông nghiệp và được chia chung với hộ gia đình ông Nguyễn Văn Đ1 giá trị 188.850.000 đồng (đơn giá 300.000đ/m2 đất nông nghiệp); cụ Vũ Thị R được chia 734,6m2 đất nông nghiệp thuộc thửa số 246, tờ bản đồ số 04 năm 2015, giá trị 220.380.000 đồng; tài sản cụ R xây dựng trên đất nông nghiệp gồm nhà ở, bếp giá trị 2.828.000 đồng. Do vậy yêu cầu chia thừa kế đất nông nghiệp của cụ Nguyễn Văn B và cụ Vũ Thị R cùng tài sản là nhà, bếp cụ R xây trên đất tổng giá trị 412.058.000 đồng của bà Nguyễn Thị Đ phù hợp với Điều 612 Bộ luật dân sự nên được chấp nhận toàn bộ. Đối với đất ở diện tích 644m2 thuộc thửa đất số 32, tờ bản đồ số 01 thôn DT, xã NL, huyện YM, tỉnh Hưng Yên do các đương sự không có yêu cầu nên không đặt ra để giải quyết.
[3] Về di chúc của cụ Vũ Thị R:
Di chúc lập ngày 06 tháng 4 năm 2014 có điểm chỉ của cụ R, nội dung di chúc thể hiện ý chí cho ba con gái tài sản sau khi chết. Tuy nhiên, cụ Vũ Thị R là người không biết chữ, di chúc được lập tại nhà có chữ ký làm chứng của ba người con gái là người thừa kế của người lập di chúc và không được đánh số thứ tự mỗi trang, không được công chứng hoặc chứng thực theo quy định. Căn cứ các Điều 652, 653, 654, 656 Bộ luật dân sự 2005, di chúc của cụ R là không hợp pháp. Do đó di sản của cụ Vũ Thị R được chia theo pháp luật theo quy định tại Điều 650 Bộ luật dân sự 2015.
[4] Về người thừa kế và hàng thừa kế:
Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án đều không có tranh chấp về hàng thừa kế và phù hợp với chứng cứ đã thu thập trong hồ sơ nên có đủ căn cứ xác định cụ Nguyễn Văn B và cụ Vũ Thị R có năm con chung là liệt sỹ Nguyễn Văn B1 hy sinh năm 1979 không có người thừa kế, ông Nguyễn Văn Đ1, bà Nguyễn Thị Đ, bà Nguyễn Thị Ng và bà Nguyễn Thị T. Theo nguyên đơn, người liên quan thì do ông Đ1 cư xử không đúng với cụ R nên cụ phải làm nhà chuyển đến ở trên đất nông nghiệp nhưng không có cơ sở xác định ông Nguyễn Văn Đ1 vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng cụ Vũ Thị R và không ai có yêu cầu xác định người không được quyền hưởng di sản nên hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nguyễn Văn B và cụ Vũ Thị R là ông Đ1, Bà Đ, bà Ng và bà T mỗi người được hưởng phần di sản bằng nhau theo quy định tại khoản 2 Điều 651 Bộ luật dân sự.
[5] Xét yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật của bà Nguyễn Thị Đ thấy:
Ông Nguyễn Văn Đ1 đã quản lý, sử dụng đất nông nghiệp của cụ Nguyễn Văn B từ khi được chia nên theo quy định tại khoản 3 Điều 658 Bộ luật dân sự sẽ thanh toán trả ông Nguyễn Văn Đ1 chi phí cho việc bảo quản, và công sức quản lý di sản. Xét thực tế thời gian ông Đ1 quản lý, sử dụng đất nông nghiệp của cụ B gần bằng thời gian xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu được quy định tại Điều 236 Bộ luật dân sự nên việc cấp sơ thẩm tính công sức quản lý và chi phí cho việc bảo quản di sản bằng 1/2 giá trị đất nông nghiệp của cụ B là 94.425.000 đồng (188.850.000 đồng:2) là đã đảm bảo quyền lợi của gia đình ông Đ1.
Di sản chia thừa kế của cụ Nguyễn Văn B và cụ Vũ Thị R giá trị 317.633.000 đồng (412.058.000 đồng-94.425.000 đồng) do đó phần di sản mỗi người được hưởng là 79.408.250 đồng (317.633.000 đồng:4).
- Bà Nguyễn Thị Ng và bà Nguyễn Thị T tự nguyện cho Bà Đ phần di sản của mình được hưởng nên phần di sản được hưởng của bà Nguyễn Thị Đ là 238.224.750 đồng (79.408.250 đồng x 3);
- Phần di sản được hưởng, cùng chi phí cho việc bảo quản, và công sức quản lý di sản của ông Nguyễn Văn Đ1 giá trị là 173.833.250 đồng.
Yêu cầu được nhận di sản bằng hiện vật là tiêu chuẩn đất nông nghiệp của cụ Vũ Thị R cùng các tài sản trên đất của bà Nguyễn Thị Đ là chính đáng, phù hợp với ý chí của cụ Rện, phù hợp biên bản họp nội tộc và gia đình ngày 30 tháng 4 năm 2011, cùng quá trình quản lý sử dụng đất nông nghiệp của cụ B vàcụ R. Theo quy định tại khoản 2 Điều 660 Bộ luật dân sự, việc phân chia hiện vật như sau:
- Giao Bà Đ quản lý sử dụng tiêu chuẩn đất nông nghiệp diện tích 734,6m2 của cụ Vũ Thị R giá trị 220.380.000 đồng cùng tài sản trên đất là nhà ở, bếp giá trị 2.828.000 đồng, và 14 cây bưởi ông Đ1 trồng trên đất giá trị 3.080.000 đồng. Tổng giá trị 226.288.000 đồng.
- Giao ông Nguyễn Văn Đ1 tiếp tục quản lý, sử dụng 629,5m2 đất nông nghiệp của cụ Nguyễn Văn B chia chung cùng gia đình ông giá trị 188.850.000 đồng. Việc cấp sơ thẩm chia cho ông Đ1 629,5m2 tương ứng với 1/6 diện tích các thửa tại các xứ đồng Cửa Chùa, Sành Ngoài, Tam Quan, Mạ Chiêm (6 khẩu được chia chung tại các xứ đồng trong đó có tiêu chuẩn của cụ B) nhưng không có sơ đồ chia kèm theo, không có tứ cận vị trí các phần ruộng giao cho ông Đ1 là chưa cụ thể, không có khả năng thi hành án và không khoa học. Nên cấp phúc thẩm sẽ điều chỉnh lại.
Căn cứ kết quả định giá, xác định đất ruộng nông nghiệp chia cho cụ Bảo chung với gia đình ông Đ1 tại các xứ đồng Cửa Chùa, Sành Ngoài, Tam Quan, Mạ Chiêm đều có giá trị như nhau là 300.000đ/m2. Do vậy cần chia cho ông Đ1 được quản lý sử dụng 629,5m2 đất nông nghiệp của cụ B tại một xứ đồng là Cửa Chùa tại tờ bản đồ số 4, thửa số 167 đo năm 2015 (có sơ đồ kèm theo).
Đối trừ nghĩa vụ về tài sản, ông Nguyễn Văn Đ1 phải trả chênh lệch giá trị tài sản cho Bà Đ 11.936.750đ. Do Bà Đ không yêu cầu nên cấp sơ thẩm đã chấp nhận sự tự nguyện của bà không buộc ông Đ1 phải trả chênh lệch là phù hợp với quy định của pháp luật.
[6] Về yêu cầu của ông Đ đề nghị xem xét công sức, quyền lợi của vợ chồng ông khi dồn vay tiền, thóc (4 tạ) nộp thay bố mẹ toàn bộ số tiền thuế nông nghiệp nên hai cụ B, R mới được chia các tiêu chuẩn ruộng:
Tại giai đoạn sơ thẩm, mặc dù đã được triệu tập nhiều lần nhưng ông Đ1 và gia đình không hợp tác các cơ quan chức năng để giải quyết vụ kiện. Ông và gia đình không trình bày ý kiến, không đến Tòa án huyện Yên Mỹ để làm việc.
Khi Tòa án tỉnh thụ lý vụ án theo trình tự phúc thẩm, ông mới yêu cầu theo đơn đề ngày 15/7/2019. Ngoài lá đơn trên, ông Đ1 cũng không xuất trình được chứng cứ chứng minh việc nộp thóc trả sản phẩm cho hai cụ B, R. Mặt khác, căn cứ Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự thì đây là yêu cầu phản tố. Thời hạn để bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố là trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Hơn nữa, khi giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã áng trích cho ông Đ1 ½ giá trị đất nông nghiệp là di sản chia thừa kế của cụ B tương ứng với số tiền 94.425.000 đồng là đã xem xét thỏa đáng công sức của vợ chồng ông Đ1. Do vậy, yêu cầu trên của ông Đ1 không có cơ sở chấp nhận .
[7] Đối với quan điểm của luật sư đề nghị chia hiện vật theo hướng chia ruộng của cụ B, ruộng của cụ R cho cả nguyên đơn và bị đơn để đảm bảo sự công bằng, giao đất thờ cúng liệt sỹ Nguyễn Văn B1 cho ông Đ1, HĐXX nhận định:
Theo kết quả xác minh tại xã NL, thì có việc UBND xã giao cho cụ R diện tích ruộng nhiều hơn so với tiêu chuẩn (734,6 m2 / 629,5m2) do cụ là thân nhân thờ cúng liệt sỹ B1 (con trai cụ). Tuy nhiên, số đất này xã giao cho cụ R, thuộc quyền quản lý, sử dụng của cụ nên khi cụ chết nó là di sản thừa kế và thực tế đã được phân chia theo quy định của pháp luật cho các đồng thừa kế.
Về giá trị đất nông nghiệp của hai cụ B, R theo kết quả định giá có giá trị như nhau là 300.000đ/m2. Do vậy, việc chia hiện vật như quan điểm của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Đ1 là không cần thiết, không đảm bảo giá trị sử dụng của hiện vật được phân chia. Hơn nữa, ý nguyện của cụ Rện trước khi mất là giao phần đất ruộng của cụ cho ba con gái.
Vì vậy, quan điểm của luật sư là không có căn cứ chấp nhận.
Với những phân tích và nhận định nêu trên, cần bác yêu cầu kháng cáo của ông Nguyễn Văn Đ1. Tuy nhiên, cần sửa một phần bản án sơ thẩm giao vị trí hiện vật (ruộng nông nghiệp) ông Đ1 được phân chia dồn về một nơi là xứ đồng Cửa Chùa để thuận lợi cho đương sự trong việc quản lý, sử dụng và đảm bảo cho việc thi hành án như quan điểm của VKS là phù hợp.
[8] Do sửa án sơ thẩm nên ông Đ1 không phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự. Các Điều 609; 610; 611; 612; 613; 623; 649; điểm b khoản 1 Điều 650; 651; khoản 3 Điều 658; 660 Bộ luật dân sự 2015. Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Bác toàn bộ kháng cáo của ông Nguyễn Văn Đ1; sửa một phần bản án sơ thẩm số 05/2019/DS-ST ngày 26/3/2019 của Tòa án nhân dân huyện Yên Mỹ về vị trí hiện vật là ruộng nông nghiệp ông Đ1 được phân chia. Xử:
[1] Chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của bà Nguyễn Thị Đ đối với di sản của cụ Nguyễn Văn B và cụ Vũ Thị R là đất nông nghiệp diện tích 629,5m2 chia chung với hộ gia đình ông Nguyễn Văn Đ1 và đất nông nghiệp diện tích 734,6m2, nhà ở, bếp đều thuộc thôn DT, xã NL, huyện YM, tỉnh Hưng Yên.
[2] Xác nhận cụ Nguyễn Văn B chết ngày 26 tháng 4 năm 1994 không có di chúc; cụ Vũ Thị R chết ngày 07 tháng 7 năm 2015 có di chúc.
[3] Di chúc ghi ngày 06 tháng 4 năm 2011 của cụ Vũ Thị R không hợp pháp do vi phạm về hình thức.
[4] Di sản của cụ Nguyễn Văn B và cụ Vũ Thị R gồm:
- 629,5m2 đất nông nghiệp chia chung với hộ gia đình ông Nguyễn VănĐ1 (tại các xứ đồng Cửa Chùa thuộc tờ bản đồ số 04, thửa số 167 diện tích 866,7 m2; Sành Ngoài thuộc tờ bản đồ số 06, thửa số 797 diện tích 789 m2; Tam
Quan thuộc tờ bản đồ số 04, thửa số 808 diện tích 236 m2 và thửa số 852 diện tích 1740 m2; Mạ Chiêm thuộc tờ bản đồ số 04, thửa số 323 diện tích 244,5 m2);
- 734,6m2 đất nông nghiệp cùng nhà ở, bếp trên đất thuộc tờ bản đồ số 04, thửa số 246.
Tổng giá trị di sản 412.058.000 đồng được chia theo pháp luật.
[5] Xác nhận ông Nguyễn Văn Đ1 trồng 14 cây bưởi trên diện tích đất nông nghiệp 734,6m2 thuộc tờ bản đồ số 04, thửa số 246 giá trị 3.080.000 đồng.
[6] Thanh toán công sức quản lý và chi phí cho việc bảo quản đất nông nghiệp của cụ Nguyễn Văn B cho ông Nguyễn Văn Đ1 số tiền 94.425.000 đồng.
[7] Giá trị tài sản chung của cụ Nguyễn Văn B và cụ Vũ Thị R chia thừa kế là 317.633.000 đồng.
[8] Hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nguyễn Văn B và cụ Vũ Thị R là ông Nguyễn Văn Đ1, bà Nguyễn Thị Đ, bà Nguyễn Thị Ng và bà Nguyễn Thị T được hưởng phần di sản bằng nhau giá trị 79.408.250 đồng.
Công nhận sự thỏa thuận bà Nguyễn Thị Ng và bà Nguyễn Thị T giao toàn bộ phần di sản được hưởng cho bà Nguyễn Thị Đ, phần di sản được hưởng của bà Nguyễn Thị Đ giá trị 238.224.750 đồng.
[9] Phân chia di sản bằng hiện vật:
[9.1] Giao ông Nguyễn Văn Đ1 quản lý, sử dụng 629,5m2 đất nông nghiệp của cụ Nguyễn Văn B chia chung với hộ gia đình ông Nguyễn Văn Đ1 tại xứ đồng Cửa Chùa thuộc tờ bản đồ số 04, thửa số 167 đo vẽ năm 2015, giá trị được chia: 188.850.000 đồng.
[9.2] Giao bà Nguyễn Thị Đ quản lý, sử dụng nhà ở, bếp cùng 14 cây bưởi trên diện tích 734,6m2 đất nông nghiệp tại thôn DT, xã NL, huyện YM, tỉnh Hưng Yên thuộc số thửa 246, tờ bản đồ số 04 năm 2015, giá trị được chia: 226.288.000 đồng.
(Diện tích đất nông nghiệp giao ông Nguyễn Văn Đ1 và bà Nguyễn Thị Đ xác định theo sơ đồ kèm theo).
[10] Công nhận sự tự nguyện của bà Nguyễn Thị Đ, bà Nguyễn Thị Ng và bà Nguyễn Thị T không yêu cầu ông Nguyễn Văn Đ1 trả chênh lệch tài sản.
[11] Án phí:
[11.1] Án phí sơ thẩm:
- Bà Nguyễn Thị Đ phải chịu 11.314.000 đồng án phí chia tài sản, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí 10.000.000 đồng đã nộp theo Biên lai thu số 011956 ngày 22/3/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện YM, Bà Đ còn phải nộp tiếp số tiền 1.314.000 đồng.
- Ông Nguyễn Văn Đ1 phải chịu 9.442.500 đồng án phí chia tài sản.
[11.2] Án phí phúc thẩm:
- Ông Nguyễn Văn Đ1 không phải chịu án phí phúc thẩm. Hoàn trả ông Đ1 300.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0002836 ngày 19/4/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện YM.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị cấp phúc thẩm không xét có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 16/2019/DSPT ngày 26/07/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản
Số hiệu: | 16/2019/DSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hưng Yên |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 26/07/2019 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về