Bản án 16/2017/LĐ-PT ngày 13/11/2017 về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 16/2017/LĐ-PT NGÀY 13/11/2017 VỀ TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Ngày 13 tháng 11 năm 2017 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 31/2017/TLPT-LĐ ngày 12/9/2017 về việc “Tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.

Do bản án lao động sơ thẩm số: 27/2017/LĐ-ST ngày 27/7/2017 của Toà án nhân dân thành phố Cà Mau bị kháng cáo và kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 31/2017/QĐ-PT ngày 25 tháng 10 năm 2017 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Lê A T, sinh năm 1980 (có mặt).

Địa chỉ: Số 30A, Khu ĐTHT, ấp BS, xã LVL, tpcm, tỉnh Cà Mau.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Hồ N L - Văn phòng luật sư Luật T N – Thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. (có mặt)

- Bị đơn: Cty CP CNCM.

Địa chỉ: Số 202 - 204, đường QT, k3, p5, tpcm, tỉnh Cà Mau.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn:

Bà Lê N Q, sinh năm 1982, theo Giấy ủy quyền số: 37/GUQ-CNCM ngày 25 tháng 7 năm 2017 (có mặt). Địa chỉ: Số 11, LK24, TQD, k6, p9, tpcm, tỉnh Cà Mau.

- Người kháng cáo: Ông Lê A T – Nguyên đơn.

- Viện Kiểm sát kháng nghị: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn ông Lê A T trình bày: Ông làm việc tại Đội thi công số 03 thuộc Cty TNHH MTV CTN và CTĐTCM nay là Cty CP CNCM (viết tắt là Công ty) theo Hợp đồng lao động ngày 13/02/2001, thời hạn 01 năm. Sau khi kết thúc hợp đồng, ông không ký thêm hợp đồng lao động nào khác với Công ty, nhưng vẫn tiếp tục làm việc tại Công ty cho đến khi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Ngày 17/9/2015 ông nhận được Quyết định số 284/QĐ-CTN ngày 11/9/2015 của Công ty về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông, cho ông nghỉ việc hưởng chế độ và chốt sổ bảo hiểm xã hội đến ngày 31/8/2015. Tiền lương ông được hưởng trước khi nghỉ việc là 3.767.500 đồng/tháng.

Việc Công ty quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông là trái pháp luật vì: Công ty không phối hợp với Công đoàn cơ sở, không đảm bảo thời hạn để thực hiện phương án giải quyết lao động đã xâm hại đến quyền lợi của ông, nên ông yêu cầu Tòa án giải quyết cụ thể như sau:

- Hủy Quyết định số 284/QĐ- CTN ngày 11/9/2015 về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông.

- Nhận ông trở lại làm việc.

- Buộc Công ty truy trả tiền lương trong thời gian ông không được làm việc 24 tháng, tính từ ngày 01/9/2015 đến ngày xét xử sơ thẩm bằng số tiền 90.420.000 đồng.

- Bồi thường cho ông 02 tháng tiền lương do chấm dứt hợp đồng lao động trái luật bằng số tiền 7.535.000 đồng.

- Truy đóng bảo hiểm y tế, xã hội, thất nghiệp cho ông từ tháng 9/2015 đến nay.

- Buộc Công ty tiếp tục trả lương cho ông từ ngày 01/8/2016 đến ngày xét xử sơ thẩm.

- Buộc Công ty bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần mà ông phải gánh chịu bằng số tiền 31.000.000 đồng.

Ngoài ra, ông T không còn yêu cầu gì khác.

Đại diện theo ủy quyền của bị đơn - Bà Lê N Q trình bày: Căn cứ Quyết định số 1201/QĐ - UBND ngày 21/8/2012 của UB CM về việc cổ phần hóa Cty TNHH MTV CTN và CTĐTCM, Công ty đã xây dựng phương án sắp xếp lao động dôi dư theo quy định pháp luật.

Quá trình xây dựng phương án, các bộ phận, đơn vị trực thuộc có tổ chức họp thảo luận phương án sắp xếp lao động dôi dư theo chỉ đạo của Công ty, phương án sắp xếp lại lao động dôi dư được trình Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau thẩm định và được UB CM phê duyệt tại Quyết định 1246/QĐ-UBND ngày 26/8/2015.

Mặc dù, Công ty không tổ chức Đại hội công đoàn cơ sở nhưng khi lấy ý kiến chốt danh sách lao động dôi dư tại các bộ phận, đơn vị trực thuộc có Công đoàn tham gia. Mặt khác, khi xây dựng phương án sắp xếp lao động, Công ty cũng có thông qua Ban chấp hành công đoàn cơ sở. Ngày 11/8/2015, Đội thi công số 3 nơi ông T làm việc cũng có tổ chức cuộc họp lấy ý kiến tín nhiệm sắp xếp lại nhân sự của đội trước khi Công ty cổ phần hóa.

Việc Công ty ra Quyết định số 284/QĐ- CTN ngày 11/9/2015 về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông T là đúng quy định, nên Công ty không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của ông T.

Từ nội dung trên, bản án lao động sơ thẩm số: 27/2017/LĐ-ST ngày 27/7/2017 của Toà án nhân dân thành phố Cà Mau quyết định:

Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Lê A T đối với Cty TNHH MTV CTN và CTĐTCM nay là Cty CP CNCM

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 11/8/2017 nguyên đơn là ông Lê A T có đơn kháng cáo với nội dung không đồng ý toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông T.

Ngày 11/9/2017 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau có Quyết định kháng nghị số 03/QĐKNPT-VKS-LĐ với nội dung đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông T.

Tại phiên toà phúc thẩm, nguyên đơn rút một phần kháng cáo về việc yêu cầu Công ty bồi thường tiên tổn thất tinh thần 10 tháng lương với số tiền là 31.000.000 đồng; Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau rút một phần kháng nghị về yêu cầu buộc Công ty nhận ông T trở lại làm việc, các vấn đề khác của đơn kháng cáo và kháng nghị vẫn giữ nguyên.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của ông T, sửa bản án sơ thẩm.

Đại diện theo ủy quyền của bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau phát biểu quan điểm: Về thủ tục tố tụng đã được tiến hành đúng theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và các đương sự cũng chấp hành đúng với quyền và nghĩa vụ của các đương sự được pháp luật quy định và đề nghị chấp nhận một phần kháng cáo của ông T và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cà Mau, sửa bản án sơ thẩm của Toà án nhân dân thành phố Cà Mau.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Xét nội dung kháng cáo của ông Lê A T và kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:

Về căn cứ và lý do chấm dứt hợp đồng lao động: Căn cứ vào quy định tại Nghị định số 91/2010/NĐ-CP va Thông tư số 38/2010/TT-BLĐTBXH thì việc Công ty cho ông T - người lao động (viết tắt NLĐ) dôi dư nghỉ việc do việc sắp xếp lại lao động và giải quyết cho NLĐ dôi dư nghỉ việc là có diễn ra trên thực tế và dựa trên cơ sở sắp xếp lại Doanh nghiêp Nhà nước (DNNN) theo Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Quyết đinh cổ phần hóa Doanh nghiệp; đồng thời Công ty cũng đã giải quyết chính sách theo đúng quy đinh của pháp luật là trả trợ cấp mất việc làm và giải quyêt chế độ BHXH cho ông T.

Tuy nhiên xét về trình tự, thủ tục xây dựng phương án lao động của Công ty để làm căn cứ chấm dứt hợp đồng đã có vi phạm, cụ thể như sau: Công ty không phối hợp với tổ chức Công đoàn để tổ chức Đại hội công nhân viên chức hoăc Đại hội đại biểu công nhân viên chức để Đại hội cho ý kiến về danh sách lao động. Công ty lấy lý do doanh nghiệp có nhiều người lao động nên không thể tổ chức đại hội là không có cơ sở chấp nhận,  bởi lẽ theo quy định của Thông tư sô 38/2010/TT-BLĐTBXH nêu trên , thì Công ty có thể tổ chức đại hội Đại biểu . Vi phạm của Công ty là nghiêm trong vì đây là DNNN, hầu hết NLĐ đã có thời  gian làm việc lâu dài , có đóng góp cho DNNN. Do đó, việc sắp xếp lại lao đông đòi hỏi phải công khai , minh bạch . Việc xác định số lượng lao đông dôi dư và NLĐ nào thuôc diện dôi dư phải nghỉ viêc phải được đưa ra đại hội để tập thể NLĐ xem xét . Công ty không tổ chức Đai hội , để đại hội xem xét , cho y kiến về danh sách lao đông; và Công ty cũng không phối hợp , không trao đổi thống nhất vơi Công đoàn để xác đinh có bao nhiêu NLĐ dôi dư va NLĐ nào thuộc diện dôi dư phải nghỉ việc. Vì vậy, vi pham nêu trên đủ cơ sơ để Tòa án phai huỷ quyết định chấm dứt Hợp đồng lao động giữa Công ty và ông T.

Do Quyết định số 284 được ban hành không đúng trình tự thủ tục như các nhận định nêu trên nên cần chấp nhận kháng cáo của ông T và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau về việc hủy quyết định số 284/QĐ-CTN ngày 11/9/2015.

[2] Do chấp nhận yêu cầu hủy Quyết định số 284/QĐ–CTN nên Công ty phải có trách nhiệm vật chất đối với ông T theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động cụ thể Công ty phải trả cho ông T các khoản sau đây:

- Buộc Công ty bồi thường cho ông T bằng 02 tháng tiền lương (theo mức lương bình quân 06 tháng liền kề tại thời điểm nghĩ việc là 3.767.500 đồng/tháng x 02 tháng = 7.535.000 đồng.

- Buộc Công ty phải thanh toán tiền lương cho ông T từ tháng 01/9/2015 đến ngày xử phúc thẩm (ngày 13/11/2017) là 25 tháng 25 ngày x 3.767.500 đồng = 97.809.000 đồng.

- Công ty phải có nghĩa vụ đóng các khoản bảo hiểm cho ông T từ tháng 9/2015 đến ngày xử phúc thẩm theo quy định pháp luật.

Tổng cộng các khoản ông T yêu cầu được chấp nhận là 105.344.000 đồng.

[3] Tại phiên toà phúc thẩm, ông T rút kháng cáo về việc yêu cầu Công ty bồi thường tiên tổn thất tinh thần  10 tháng lương với số tiền là 31.000.000 đồng; Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau rút một phần kháng nghị về yêu cầu buộc Công ty nhận ông T trở lại làm việc. Xét thấy việc rút yêu cầu này là tự nguyện nên Hội đồng xét xử đình chỉ một phần yêu cầu kháng cáo của ông T và một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[4] Xét yêu cầu của ông T buộc Công ty nhận ông trở lại làm việc, Hội đồng xét xử thấy rằng: Tại phiên tòa phúc thẩm, ông T đồng ý chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty và yêu cầu được hưởng nguyên số tiền trợ cấp mất việc làm đã nhận. Xét thấy yêu cầu được hưởng nguyên số tiền trợ cấp mất việc làm của ông T được Công ty chi trả là phù hợp với Điều 49 Bộ luật Lao động nên được Hội đồng xét xử chấp nhận và không đối trừ vào số tiền lương buộc Công ty phải trả cho ông T, đồng thời ghi nhận sự tự nguyện của ông T về việc chấm dứt hợp đồng lao động giữa ông T với Công ty.

[5] Về án phí lao động sơ thẩm, phúc thẩm, ông T không phải chịu, Công ty phải chịu án phí sơ thẩm có giá ngạch theo quy định.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 295, khoản 2 Điều 308; Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Áp dụng các điều 22, 44, 45, 46 của Bộ luật Lao động; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Lê A T.

Chấp nhận kháng nghị số 03/QĐKNPT-VKS-LĐ ngày 11/9/2017 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau.

Sửa bản án lao động sơ thẩm số: 27/2017/LĐ-ST ngày 27/7/2017 của Toà án nhân dân thành phố Cà Mau.

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê A T về việc:

- Hủy Quyết định số 284/QĐ-CTN ngày 11/9/2015 của Cty TNHH MTV CTN và CTĐTCM nay là Cty CP CNCM về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Lê A T.

- Buộc Công ty phải thanh toán cho ông Lê A T tổng số tiền là  105.344.000 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

- Công ty phải có nghĩa vụ đóng các khoản bảo hiểm cho ông T từ tháng 9/2015 đến ngày xử phúc thẩm theo quy định pháp luật.

2. Đình chỉ xét xử đối với kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cà Mau về việc buộc Công ty nhận ông T trở lại làm việc. Ghi nhận sự tự nguyện của ông Lê A T về việc chấm dứt hợp đồng lao động với Cty CP CNCM. Hợp đồng lao động số A120 ngày 13/02/2001 giữa ông T và Cty CP CNCM chấm dứt kể từ ngày 13/11/2017.

3.  Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của ông Lê A T về việc buộc Công ty bồi thường tiền tổn thất tinh thần số tiền 31.000.000 đồng.

4. Án phí lao động sơ thẩm, phúc thẩm:

- Ông Lê A T không phải nộp.

- Cty CP CNCM phải nộp án phí lao động sơ thẩm có giá ngạch 3.160.000 đồng (chưa nộp).

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1184
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 16/2017/LĐ-PT ngày 13/11/2017 về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Số hiệu:16/2017/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cà Mau
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 13/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;