TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 10/2017/LĐ-PT NGÀY 14/07/2017 VỀ ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Trong các ngày 10 và 14 tháng 7 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 02/2017/TLPT-LĐ ngày 15 tháng 3 năm 2017 về việc “tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”. Do bản án lao động sơ thẩm số 23/2016/LĐ-ST ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Tòa án nhân dân thị xã TA, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 07/2017/QĐPT-LĐ ngày 23 tháng 6 năm 2017, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Lâm L P, sinh năm 1984; địa chỉ: Tổ 16, khu phố 2, phường T, thành phố B, tỉnh Đồng Nai; có mặt. Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Trần Nam T, sinh năm 1980; địa chỉ: khu phố 4, phường T, thành phố B, tỉnh Đồng Nai theo giấy ủy quyền ngày 27/10/2016; có mặt.
2. Bị đơn: Công ty TNHH KH; trụ sở: đường ĐT 743, khu phố B, phường BC, thị xã TA, tỉnh Bình Dương do bà Phan T L, chức vụ: Giám đốc làm đại liện theo pháp luật. Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà HNP, sinh năm 1985; địa chỉ: đường Ngô Chí Quốc, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương theo giấy ủy quyền ngày 14/9/2016; có mặt.
3. Người làm chứng:
3.1. Ông Nguyễn Văn S, sinh năm 1956; địa chỉ: đường Nguyễn Văn Tiết, khu phố Đ, phường L, thị xã TA, tỉnh Bình Dương; vắng mặt.
3.2. Ông Mai H S; địa chỉ: đường ĐT 743, khu phố B, phường BC, thị xã TA, tỉnh Bình Dương; vắng mặt.
3.3. Ông Trần Quan M; địa chỉ: đường ĐT 743, khu phố B, phường BC, thị xã TA, tỉnh Bình Dương; vắng mặt.
4. Người kháng cáo: Bà Lâm L P là nguyên đơn trong vụ án.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Theo đơn khởi kiện ngày 04/10/2016, nguyên đơn bà Lâm L P và người đại diện hợp pháp của nguyên đơn là ông Trần Nam T trình bày: Bà P vào làm việc tại Công ty TNHH KH (gọi tắt là Công ty) từ ngày 01/11/2010 với công việc phải làm là kế toán, mức lương 5.200.000 đồng/tháng. Trong quá trình làm việc, bà P luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành công việc được giao và không vi phạm nội quy của Công ty. Thời gian gần đây, do bà P có thai nên thường xuyên phải nghỉ để đi khám thai. Tất cả những ngày nghỉ, bà P đều có giấy tờ hợp lệ. Khi bà P nộp các giấy tờ cho Công ty thì Công ty không nhận nên có ác cảm với bà P. Công ty thường xuyên buộc bà P viết đơn xin thôi việc, nhưng bà P không đồng ý nên từ ngày 03/3/2016 đến nay Công ty không cho bà P vào làm việc. Bà P thường xuyên liên lạc yêu cầu Công ty cho bà P vào làm việc, nhưng Công ty không chấp nhận và thông báo sẽ trả lương cho bà P đến hết tháng 3 năm 2016. Từ đầu tháng 4 năm 2016 đến nay, Công ty không cho bà P vào làm việc và cũng không thanh toán tiền lương cho bà P. Theo bà P, việc Công ty không cho bà P vào làm việc là không đúng quy định của pháp luật, trái với hợp đồng lao động nên bà P khởi kiện yêu cầu Công ty phải nhận bà P trở lại làm việc và phải bồi thường gồm: 45 ngày không thông báo trước với số tiền 7.800.000 đồng; bồi thường chấm dứt hợp đồng lao động (17 tháng không được làm việc) với số tiền 88.400.000 đồng; tiền thai sản 06 tháng là 31.200.000 đồng; chi phí sinh con là 15.167.121 đồng. Tổng cộng, bà P yêu cầu Công ty phải bồi thường số tiền 142.567.121 đồng.
Ngày 31/8/2016, bà P có “đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện” yêu cầu Công ty phải nhận bà P trở lại làm việc và bồi thường tiền lương trong những ngày không được làm việc là 88.400.000 đồng; bồi thường 02 tháng lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật là 10.400.000 đồng; bồi thường 45 ngày không thông báo trước là 9.000.000 đồng; tiền thai sản 06 tháng là 31.200.000 đồng; chi phí sinh con do không có bảo hiểm y tế là 15.167.121 đồng và tiền lương tháng 02 năm 2016 là 2.600.000 đồng. Tổng cộng là 156.767.212 đồng.
* Bị đơn Công ty TNHH KH (gọi tắt là Công ty) do bà HNP làm đại diện trình bày: Bà Lâm L P làm việc tại Công ty TNHH KH từ ngày 08/4/2011, hai bên có ký kết Hợp đồng lao động số 18/HĐKH-11 ngày 08/4/2011, công việc của bà P là kế toán, tính đến thời điểm hiện nay mức lương cùng phụ cấp của bà P là 5.200.000 đồng/tháng. Hình thức trả lương bằng tiền mặt, trả lương vào ngày 05 và ngày 20 hàng tháng. Trước đây, bà P làm việc khá nghiêm túc, mặc dù bằng cấp cũng như chuyên môn nghiệp vụ của bà P chưa cao, nhưng Công ty vẫn tạo điều kiện cho bà P học hỏi để có công việc ổn định. Tuy nhiên, vào khoảng cuối năm 2015 và đầu năm 2016 thì bà P thường xuyên đi trễ, về sớm, có lúc nghỉ không thông báo trước, chỉ nhắn tin xin Kế toán trưởng. Do đặc thù của công việc kế toán phải làm việc thường xuyên, liên tục và cẩn trọng nên Kế toán trưởng của Công ty đã nhiều lần báo cáo với Ban giám đốc về trường hợp của bà P thường xuyên nghỉ, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, làm ảnh hưởng đến công việc của Công ty. Vì lẽ đó, ngày 10/3/2016 Công ty đã tổ chức cuộc họp, trong đó có: Ban chấp hành Công đoàn, bà Lâm L P và Kế toán trưởng. Mục đích của buổi họp là nhắc nhở bà P cần xem lại tác phong làm việc, cần tôn trọng nội quy Công ty. Trường hợp bà P cho rằng sức khỏe của mình không đảm bảo để tiếp tục công việc hiện tại, bà P có thể đề xuất với Giám đốc để cân nhắc, sắp xếp công việc khác phù hợp. Nhưng tại buổi làm việc, bà P không thừa nhận mình sai, còn có lời to tiếng với trưởng bộ phận, sau đó giận dữ và bỏ về. Kể từ ngày đó, bà P không đến Công ty làm việc.
Khi Sở lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương có giấy mời làm việc, Công ty mới biết bà P khiếu nại. Ngày 10/5/2016, Giám đốc Công ty có ủy quyền cho bà HNP đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương làm việc, nhưng bà P không đến. Bà HNP có đề nghị bà P đến Công ty làm việc nhưng bà P cũng không đến. Ngày 13/5/2016, bà HNP đến nhà bà P để trao đổi với bà P thì bà P có nguyện vọng được đến Công ty làm việc, nếu không thì Công ty phải bồi thường cho bà P số tiền 137.000.000 đồng. Bà HNP có nói sẽ về trao đổi lại với Giám đốc, nhưng từ thời điểm đó đến nay bà P không đến Công ty làm việc mà chỉ liên lạc với nhân viên của Công ty. Việc bà P cho rằng Công ty buộc bà P viết đơn xin thôi việc và Công ty không cho bà P vào làm việc kể từ ngày 03/3/2016 đến nay, là không có căn cứ. Ngày 10/3/2016, bà P tự ý bỏ việc là đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty. Do vậy, Công ty không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà P.
Ngày 31/10/2016, Công ty có đơn phản tố yêu cầu Tòa án xác định bà Lâm L P “đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” với Công ty TNHH KH, buộc bà P phải bồi thường thiệt hại cho Công ty 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là 10.400.000 đồng, Công ty đồng ý thanh toán tiền lương tháng 02 năm 2016 còn lại cho bà P số tiền 2.600.000 đồng. Bản án lao động sơ thẩm số: 23/2016/LĐ-ST ngày 30/12/2016 của Tòa án nhân dân thị xã TA, tỉnh Bình Dương đã căn cứ điểm a khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 41, Điều 42 của Bộ luật Lao động và Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án;
- Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Lâm L P đối với bị đơn Công ty TNHH KH về việc “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” và buộc bồi thường gồm: 45 ngày không thông báo trước là 9.000.000 đồng; tiền lương trong những ngày không được làm việc là 88.400.000 đồng; bồi thường 02 tháng lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật là 10.400.000 đồng; 06 tháng tiền thai sản là 31.200.000 đồng; chi phí sinh con là 15.167.121 đồng và buộc Công ty phải nhận bà P trở lại làm việc.
- Ghi nhận sự thỏa thuận của bà Lâm L P và Công ty TNHH KH: Buộc Công ty TNHH KH phải trả cho bà P 2.600.000 đồng tiền lương tháng 02 năm 2016.
- Chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn Công ty TNHH KH về việc xác định nguyên đơn bà Lâm L P “đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”. Buộc bà Lâm L P phải bồi thường cho Công ty TNHH KH số tiền 10.400.000 đồng.
- Buộc bà Lâm L P và Công ty TNHH KH làm thủ tục theo quy định pháp luật để cơ quan Bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm thai sản và chi phí sinh con cho bà P.
Ngoài ra, Bản án lao động sơ thẩm còn tuyên về phần án phí, nghĩa vụ do chậm thi hành án và quyền kháng cáo cho các đương sự. Ngày 10/01/2017, nguyên đơn bà Lâm L P có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với yêu cầu đề Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà P.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn ông Trần Nam T vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng sửa án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Lâm L P và cho rằng: Chứng cứ để chứng minh việc Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bà P là đoạn băng ghi âm số 003 ngày 21/3/2016 giữa bà P với ông S. Nếu bà P tự ý bỏ việc thì không lí do gì bà P làm đơn gửi Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nhờ giải quyết và khởi kiện đối với Công ty.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn bà HNP trình bày: Bà P chủ động thu thập chứng cứ ngay từ ban đầu để khởi kiện Công ty, nên bà P đã chủ động gọi điện thoại cho ông S, ông H S để đặt ra những câu hỏi theo hướng có lợi cho bà P và ghi âm lại, nhưng những người đối thoại không biết. Tuy nhiên, nội dung lời nói của những người đối thoại trong các đoạn ghi âm không có nội dung nào thể hiện việc Công ty không cho bà P vào làm việc, những đoạn ghi âm cuộc trao đổi giữa bà P với ông H S trong điện thoại là bất lợi cho bà P nên bà P đã không cung cấp cho Tòa án. Do vậy, bị đơn vẫn giữ nguyên quan điểm của mình, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bà P. Bị đơn tự nguyện trả cho bà P số tiền lương còn lại của tháng 02 năm 2016 và tiền lương các ngày Công ty cho bà P nghỉ dưỡng sức (từ ngày 02/3 đến ngày 10/3/2016) với tổng số tiền là 4.770.000 đồng.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương tham gia phiên toà có ý kiến: Những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về nội dung: Sau khi Tòa án nhân dân thị xã TA xét xử vụ án, nguyên đơn bà P kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với lí do cho rằng bản án sơ thẩm xét xử không khách quan, đơn kháng cáo của bà P là còn trong hạn luật định và hợp lệ. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nhận thấy: Nguyên đơn bà P khởi kiện cho rằng Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bà P, nhưng bà P không xuất trình được chứng cứ để chứng minh việc người đại diện hợp pháp của Công ty không cho bà P vào làm việc. Quá trình giải quyết vụ án, bà P cũng thừa nhận những lần bà P nghỉ đi khám thai chỉ xin phép ông M là không đúng quy định. Qua kết quả xác minh và đối chất xác định: Kể từ ngày 11/3/2016 thì bà P không vào Công ty làm việc, nhưng Công ty vẫn thực hiện đầy đủ chế độ bảo hiểm cho bà P nên không có căn cứ xác định Công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bà P, bản án sơ thẩm xét xử là có căn cứ. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà P cũng không xuất trình được chứng cứ mới để chứng minh nên yêu cầu kháng cáo của bà P không có cơ sở chấp nhận. Đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của bà P, ghi nhận sự tự nguyện của Công ty về việc tự nguyện trả cho bà P số tiền lương còn lại của tháng 02 năm 2016 và tiền lương các ngày Công ty cho bà P nghỉ dưỡng sức (từ ngày 02/3/2016 đến ngày 10/3/2016) với tổng số tiền là 4.770.000 đồng.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa; qua xem xét toàn diện ý kiến của các bên đương sự, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
1] Về tố tụng: Ngày 27/12/2016, Tòa án nhân dân thị xã TA đưa vụ án ra xét xử và tuyên án vào ngày 30/12/2016. Do không đồng ý với bản án sơ thẩm, ngày 10/01/2017 bà P làm đơn kháng cáo để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm là hoàn toàn phù hợp và còn trong thời hạn theo quy định tại các Điều 271, 272, 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Về nội dung: Nguyên đơn bà Lâm L P xác định bà P vào làm Kế toán tại Công ty TNHH KH (gọi tắt là Công ty) từ ngày 01/11/2010 nhưng nguyên đơn không đưa ra được chứng cứ để chứng minh. Bị đơn Công ty TNHH KH (gọi tắt là Công ty) xác định bà P vào làm việc tại Công ty từ ngày 08/4/2011 và trước đó bà P có thử việc tại Công ty 02 tháng. Quá trình làm việc, hai bên có ký Hợp đồng lao động ngày 08/4/2011 và một số phụ lục Hợp đồng, mức lương cùng phụ cấp tính đến thời điểm bà P nghỉ việc là 5.300.000 đồng/tháng. Từ ngày 11/3/2016 thì bà P không đến Công ty làm việc. Chứng cứ mà bị đơn xuất trình là Hợp đồng lao động ngày 08/4/2011 và các phụ lục hợp đồng ngày 05/10/2011, ngày 05/01/2013, ngày 06/01/2014 và ngày 05/01/2015 (bút lục 104 - 109) nên lời trình bày của bị đơn là có căn cứ chấp nhận. Căn cứ quy định tại Điều 22 của Bộ luật Lao động thì hợp đồng lao động được ký kết giữa bà P với Công ty là loại hợp đồng không xác định thời hạn.
[3] Xét việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhận thấy: Nguyên đơn bà P cho rằng Công ty “đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” với bà P bằng hình thức ngăn cản không cho bà P vào Công ty làm việc, nên bà P đã nghỉ việc từ ngày 03/3/2016. Bị đơn Công ty không thừa nhận với lời trình bày của bà P và xác định: Bà P đang mang thai nhưng ngày 02/3/2016 bà P bị “té xe” nên từ ngày 03/3/2016 đến ngày 10/3/2016, Công ty cho bà P nghỉ để bà P ổn định sức khỏe. Từ ngày 11/3/2016 trở đi, bà P tự ý không đến Công ty làm việc chứ không phải Công ty không cho bà P vào làm việc.
[4] Căn cứ phiếu “dịch vụ chuyển phát nhanh” do bà P cung cấp (bút lục 24), “đơn khiếu nại” do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cung cấp cho Tòa án theo Quyết định yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ số 01/QĐ-CCTLCC ngày 18/5/2017, xác định: Ngày 13/5/2016, bà P mới làm đơn gửi đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương (bút lục 234, 235) và gửi đi là ngày 24/5/2016, tức sau khi có “biên bản làm việc” ngày 13/5/2016 giữa bà HNP với bà P và từ đó hai bên xảy ra tranh chấp.
[5] Nhận thấy, bà P vào làm việc tại Công ty là theo hợp đồng lao động được ký kết giữa bà P với người đại diện theo pháp luật của Công ty là bà Phan T L - Giám đốc Công ty, nên chỉ có người đại diện theo pháp luật của Công ty hoặc người được người đại diện theo pháp luật của Công ty ủy quyền mới có quyền chấm dứt hợp đồng lao động với bà P. Quá trình giải quyết vụ án, bà P cho rằng: Công ty cho bà P nghỉ việc, nhưng bà P lại không xuất trình được văn bản chứng minh việc Công ty cho bà P nghỉ việc; bà P cũng không có văn bản nào thể hiện việc Công ty không cho bà P vào làm việc, như: Biên bản ghi nhận sự việc của Ban quản lý Khu công nghiệp, biên bản của chính quyền địa phương nơi Công ty có trụ sở v.v… để chứng minh. Chứng cứ mà bà P xuất trình là văn bản trình bày “nội dung cuộc ghi âm bằng điện thoại” do bà P lén ghi lại cuộc nói chuyện giữa bà P với ông Nguyễn Văn S - Chủ tịch Công đoàn của Công ty vào ngày 15/3/2016 và ngày 21/3/2016 (bút lục 211 - 218). Quá trình thụ lý giải quyết vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm đã tiến hành triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai các ông: Nguyễn Văn S, Mai H S, Trần Quan M để lấy lời khai, đối chất làm rõ sự việc nhưng những người này đều có đơn trình bày ý kiến, đơn xin từ chối tham gia và đơn xin xét xử vắng mặt (bút lục 174 - 182, 187 - 189). Theo nội dung trong các đơn trên, ông S, ông M, ông H S đều xác định bà P không vào Công ty làm việc từ ngày 11/3/2016, nên lời trình bày của người đại diện hợp pháp của bị đơn xác định bà P không đến Công ty làm việc từ ngày 11/3/2016 là hoàn toàn phù hợp.
[6] Để có căn cứ vững chắc cho việc giải quyết vụ án, Tòa án tiến hành triệu tập hợp lệ lần thứ ba đối với ông S, ông H S, ông M để thu thập lời khai và đối chất làm rõ. Tại các bản tự khai ngày 13/6/2017, ông S, ông M xác định: Chiều ngày 10/3/2016 tại Công ty, ông S, ông M và bà P có tiến hành cuộc họp để nhắc nhở về thái độ làm việc của bà P, nhưng tại cuộc họp bà P “cải vã” với ông M rồi sau đó bỏ về, kể từ ngày 11/3/2016 thì không thấy bà P vào Công ty làm việc (bút lục 256, 258). Đặc biệt, tại bản tự khai ngày 13/6/2017, ông Mai H S xác định: “Ngày 3/3/2016, tôi có nhận được S chỉ đạo của Văn phòng cty KH (chị T) là “Nếu chị P (VP) có tới làm việc thì nói với chị P là về nghỉ, hẹn đến 15h ngày 10/3/2016 tới gặp Ban lãnh đạo cty KH để họp rồi sau đó tiếp tục làm việc”… Nhưng kể từ ngày 11/3/2016 tôi không thấy chị P (VP) đến Cty KH làm việc nữa” (bút lục 257). Qua đối chất ngày 13/6/2017 tại Tòa án cấp phúc thẩm, ông S thừa nhận giọng nói trong đoạn ghi âm số 001 ngày 15/3/2016 và số 003 ngày 21/3/2016 được lưu trong điện thoại di động hiệu Nokia của bà P mà Tòa án cho ông S nghe lại là của ông S. Nội dung cuộc nói chuyện là ông S trao đổi với bà P về việc bà P muốn làm đơn xin thôi việc, nên ông S cản, khuyên bà P hãy bình tĩnh, cứ từ từ chờ Công ty giải quyết (bút lục 264). Cũng tại biên bản đối chất trên, ông H S cũng xác định: Trước đây bà P có gọi điện thoại cho ông H S theo số điện thoại di động 0913781803, nội dung bà P hỏi ông H S là “trước đây công ty chỉ đạo cho tôi không cho bà P vào làm việc có phải không?” Tôi (H S) nói với bà P rằng “Công ty không có S chỉ đạo không cho bà P vào làm việc”, giọng nói trong đoạn ghi âm số 002 ngày 21/3/2016 và số 004 ngày 19/10/2016 lưu trong điện thoại di động hiệu Nokia của bà P mà Tòa án cho ông H S nghe lại là của ông H S. Qua đối chất, bà P không có ý kiến phản đối và thừa nhận giọng nói trong các đoạn ghi âm trên là của ông H S, được bà P ghi âm lại nhưng do thời gian lâu nên bà P quên không cung cấp cho Tòa án (bút lục 264) nên theo quy định tại khoản 2 Điều 92 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì đây được xem là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh. Qua nghe lại nội dung 04 đoạn ghi âm trên, nhận thấy: Những nội dung xác định Công ty không cho bà P vào làm việc là do bà P chủ động nêu ra, những người đối thoại với bà P không có ai đề cập đến vấn đề này, nên việc bà P cho rằng các đoạn ghi âm trên xác định Công ty không cho bà P vào làm việc là không có cơ sở; việc bà P cho rằng: 02 đoạn ghi âm giọng nói của ông H S, do thời gian đã lâu nên bà P quên không cung cấp cho Tòa án là không có căn cứ, bởi lẽ các đoạn ghi âm trên đều được ghi và lưu trên cùng 01 chiếc điện thoại di động hiệu Nokia, số Emei 354107057718301 của bà P, trong đó có đoạn ghi âm số 002 cùng ngày với đoạn ghi âm số 003.
[7] Qua xem xét các chứng cứ do Công ty xuất trình, nhận thấy: Tại các Văn bản gửi Giám đốc Công ty, ông Trần Quan M – Kế toán trưởng xác định bà P không chấp hành đúng nội quy Công ty về giờ giấc làm việc, không hoàn thành công việc được giao, đề nghị xử lý kỷ luật và sắp xếp công việc khác cho bà P (bút lục 60 - 63); tại Báo cáo ngày 11/3/2016 của ông Nguyễn Văn S - Chủ tịch Công đoàn gửi cho Giám đốc Công ty cũng đề nghị “xử lý vi phạm của cô Lâm L P – kế toán Công ty đã nghỉ việc nhiều lần nhưng không xin phép” (bút lục 64 - 65). Tuy nhiên, do thời điểm này bà P đang mang thai nên Công ty không xử lý kỷ luật đối với bà P là đúng quy định tại điểm d khoản 4 Điều 123 của Bộ luật Lao động. Đối với Sổ Bảo hiểm xã hội tên Lâm L P và thẻ Bảo hiểm y tế tên Lâm L P do Công ty xuất trình (bút lục 66 - 71). Ngày 14/4/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã tiến hành xác minh tại Bảo hiểm xã hội thị xã TA xác định: “Bà Lâm L P số Sổ Bảo hiểm xã hội 7411047920 tham gia bảo hiểm xã hội tại Công ty TNHH KH từ ngày 01/4/2011 đến ngày 31/12/2016… Công ty TNHH KH báo giảm lao động cho bà P vào ngày 17/01/2017, bảo hiểm y tế của bà P tham gia từ ngày 01/4/2011 đến ngày 31/01/2017”. Cho thấy, mặc dù từ ngày 11/3/2016 trở đi, bà P không vào Công ty làm việc nhưng Công ty vẫn thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm cho bà P theo quy định của Bộ luật Lao động. Từ những chứng cứ nêu trên, không có căn cứ xác định Công ty đã “đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” với bà P.
[8] Do đó, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm xác định: Bà Lâm L P tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty TNHH KH, xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Lâm L P; chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty TNHH KH đối với bà Lâm L P về việc buộc bà P bồi thường cho Công ty nửa tháng tiền lương và 45 ngày không thông báo trước với số tiền 10.400.000 đồng và ghi nhận sự thỏa thuận của bà Lâm L P với Công ty TNHH KH là hoàn toàn có căn cứ, đúng quy định của pháp luật nên yêu cầu kháng cáo của bà P là không có cơ sở. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm xác định bà P là người đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng lại nhận định: “Công ty không đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà P và Công ty hiện chưa xử lý kỷ luật bà P nên bà P vẫn là người lao động của Công ty nên bà P được quyền vào Công ty làm việc bình thường kể từ khi án có hiệu lực pháp luật nên không chấp nhận yêu cầu của bà P về việc buộc Công ty nhận bà P trở lại làm việc” là mâu thuẫn, không chính xác, cần rút kinh nghiệm.
[9] Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện hợp pháp của bị đơn bà HNP xác định: Tiền lương tháng 02 năm 2016, Công ty chưa thanh toán số tiền còn lại 2.600.000 đồng cho bà P và Công ty chưa thanh toán tiền lương những ngày Công ty cho bà P nghỉ (từ ngày 02/3/2016 đến ngày 10/3/2016), nên Công ty đồng ý thanh toán cho bà P tổng số tiền 4.770.000 đồng. Xét ý kiến trên của đại diện Công ty là hoàn toàn tự nguyện, khách quan, phù hợp với quy định của pháp luật nên Hội đồng xét xử ghi nhận và sửa một phần bản án sơ thẩm về phần này.
[10] Đối với tiền thai sản và chi phí sinh con: Do bà P có tham gia bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội theo quy định nên cơ quan Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chi trả khoản tiền này cho bà P. Do đó, bản án sơ thẩm xử buộc bà P và Công ty TNHH KH thực hiện các thủ tục theo quy định để cơ quan bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm cho bà P là đúng quy định.
[11] Từ những phân tích trên, không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn bà Lâm L P. Chấp nhận ý kiến của người đại diện hợp pháp của bị đơn đưa ra và đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát, sửa một phần bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thị xã TA, tỉnh Bình Dương.
[12] Án phí lao động phúc thẩm: Bà Lâm L P được miễn nộp theo quy định của pháp luật. Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 148, Điều 294, khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
1. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn bà Lâm L P.
2. Sửa một phần Bản án lao động sơ thẩm số: 23/2016/LĐ-ST ngày 30/12/2016 của Tòa án nhân dân thị xã TA, tỉnh Bình Dương như sau: Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 41, Điều 42 của Bộ luật Lao động và Điều 27 Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12 về án phí, lệ phí Tòa án và Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14;
- Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Lâm L P đối với bị đơn Công ty TNHH KH về việc “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” và buộc Công ty bồi thường gồm: 45 ngày không thông báo trước là 9.000.000 đồng; tiền lương trong những ngày không được làm việc là 88.400.000 đồng; bồi thường 02 tháng lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật là 10.400.000 đồng; 06 tháng tiền thai sản là 31.200.000 đồng; chi phí sinh con là 15.167.121 đồng và buộc Công ty phải nhận bà P trở lại làm việc.
- Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty TNHH KH về việc đồng ý trả cho bà Lâm L P 2.600.000 đồng tiền lương tháng 02 năm 2016 và 2.170.000 đồng tiền lương những ngày Công ty TNHH KH cho bà P nghỉ (từ 02/3/2016 đến 10/3/2016). Tổng cộng Công ty TNHH KH phải trả cho bà Lâm L P số tiền 4.770.000 đồng (Bốn triệu bảy trăm bảy mươi nghìn đồng).
- Chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn Công ty TNHH KH về việc xác định nguyên đơn bà Lâm L P “đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”. Buộc bà Lâm L P phải bồi thường cho Công ty TNHH KH số tiền 10.400.000 đồng. Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chậm thi hành án thì lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự; nếu không có thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự.
- Buộc bà Lâm L P và Công ty TNHH KH làm thủ tục theo quy định pháp luật để cơ quan Bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm thai sản và chi phí sinh con cho bà P.Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.
Các quyết định khác của Bản án lao động sơ thẩm số: 23/2016/LĐ-ST ngày 30/12/2016 của Tòa án nhân dân thị xã TA, tỉnh Bình Dương không bị sửa có hiệu lực thi hành.
3. Án phí lao động phúc thẩm: Bà Lâm L P được miễn nộp theo quy định của pháp luật. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 10/2017/LĐ-PT
Số hiệu: | 10/2017/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Dương |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 14/07/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về