Bản án 159/2017/HC-PT ngày 27/07/2017 về khiếu kiện quyết định hành chính quản lý đất đai

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 159/2017/HC-PT NGÀY 27/07/2017 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI

Ngày 27 tháng 7 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 123/2017/TLPT-HC ngày 19 tháng 5 năm 2017 về việc “Khiếu kiện quyết định hành chính về quản lý đất đai”.

Do Bản án hành chính sơ thẩm số 36/2017/HC-ST ngày 20 tháng 4 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 355/2017/QĐ - PT ngày 05 tháng 7 năm 2017 giữa các đương sự:

- Người khởi kiện: Ông Phạm Văn T, sinh năm 1960 ( vắng mặt).

Địa chỉ: Ấp 3, xã C1, huyện C2, tỉnh T.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Dương Văn Q, sinh năm 1990 (có mặt).

Địa chỉ: 1/4D Bà Triệu, xã H1, huyện H2, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Người bị kiện:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện H, tỉnh A.

Người đại diện theo ủy quyền: Phó Chủ tịch huyện – ông Huỳnh Kim T (có đơn xin xét xử vắng mặt).

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh A.

Người đại diện theo ủy quyền: Phó Chủ tịch tỉnh – ông Hoàng Văn L (có đơn xin xét xử vắng mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh A là ông Phan Văn T, Phó Trưởng phòng Kế hoạch – Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh A (có mặt).

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Ông Lê Văn L ( có mặt).

Địa chỉ: Ấp Đ, xã P, huyện H, tỉnh A.

- Người kháng cáo: Ông Phạm Văn T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Người khởi kiện trình bày:

Năm 1990, 16 hộ dân kinh tế mới xã C1, huyện C2, tỉnh T được Ủy ban nhân dân (sau đây viết tắt là UBND) xã P, huyện H cấp 32 ha đất hoang tại Kênh Năng, ấp Đ, xã P để sản xuất nông nghiệp, trong đó ông Phạm Văn T được cấp 02 ha đất hoang (nay thuộc thửa 217 và 221, tờ bản đồ số 3, diện tích 22.640m2).

Sau khi nhận đất, gia đình ông T khai hoang, cải tạo đất, vì thời điểm đó khu đất này hoang hóa, cây cối um tùm, phải tốn rất nhiều thời gian, công sức để vỡ hoang, rửa phèn trồng lúa. Do đặc thù miền Tây mùa nước nổi từ tháng 7 đến tháng 9 không thể canh tác nên hàng năm vào thời điểm này, ông T về quê chuẩn bị giống để chờ nước rút tháng 9, 10 để tiếp tục quay trở lại canh tác. Tháng 10.1994, ông T quay lại thì được biết phần đất ông đang sử dụng đã bị UBND xã P, huyện H thu hồi và cấp lại cho ông Lê Văn L - dân di cư từ tỉnh B.

Vì đất của gia đình ông bị UBND xã P thu hồi để giao cho ông L sử dụng từ năm 1995 đến nay nên ông không thể tiếp tục quản lý, canh tác. Từ năm 1995 đến năm 2015, ông nhiều lần có đơn khiếu nại gửi các cấp chính quyền yêu cầu ông L trả lại diện tích đất nêu trên nhưng vẫn không được giải quyết.

Ngày 09.9.2015,ông T nhận được Quyết định 2803/QĐ-UBND ngày 27.8.2015 của Chủ tịch UBND huyện H về giải quyết đơn khiếu nại theo hướng ghi nhận ông có quá trình sử dụng đất tại Kênh Năng, ấp Đ nhưng lại bác đơn yêu cầu được quyền sử dụng đất của ông đối với phần diện tích nêu trên vì yêu cầu của ông không có cơ sở để xem xét.

Ngày 05.10.2015, ông T tiếp tục khiếu nại lần hai tại UBND tỉnh A.

Ngày 25.4.2016, ông T nhận được Quyết định 1409/QĐ-UBND ngày 11.4.2016 của Chủ tịch UBND tỉnh A về việc giải quyết tranh chấp đất đai đối với ông Phạm Văn T, cùng bác đơn yêu cầu được cấp quyền sử dụng đất của ông T, với lý do đơn yêu cầu của ông T không có cơ sở xem xét giải quyết

Do vậy, ông Phạm Văn T khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Long An hủy 02 Quyết định 2803/QĐ-UBND ngày 27.8.2015 của Chủ tịch UBND huyện H và Quyết định 1409/QĐ-UBND ngày 11.4.2016 của Chủ tịch UBND tỉnh A cùng về việc giải quyết tranh chấp đất đai đối với ông Phạm Văn T.

Người bị kiện trình bày:

- UBND huyện H, tỉnh A nêu: Vào năm 1990, ông Phạm Văn T được UBND xã P Phước cấp 02 ha đất hoang tại kênh Năng, ấp Đ, xã P.

Sau khi nhận đất, phần lớn các hộ dân C1 có khai hoang sản xuất, tuy nhiên vẫn còn một số hộ bỏ đất hoang. Năm 1994, kênh Năng được nạo vét, UBND xã P kết hợp với Đoàn Kinh tế mới tỉnh B tiến hành khảo sát lại tình hình sản xuất tại khu vực 16 hộ dân kinh tế mới C1, xác định có 05 hộ còn bỏ đất hoang, trong đó có trường hợp ông Phạm Văn T. Phần đất trên đã được UBND xã P thu hồi, quản lý và giao lại cho ông Lê Văn L sử dụng từ năm 1995 đến năm 2015. Do đó, ông T khiếu nại yêu cầu ông L giao trả phần đất và yêu cầu UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất nói trên cho ông là không có căn cứ để xem xét giải quyết.

Đồng thời, vào những năm 1990, vùng Đồng Tháp Mười còn hoang hóa, Nhà nước có chủ trương khai hoang nên tạm giao đất để dân khai hoang, chưa thể giao cho dân quyền sử dụng theo Luật Đất đai, vì việc khai hoang của người dân lúc bấy giờ chưa ổn định (có người nhận đất nhưng lại không khai hoang).

Vì vậy, yêu cầu khởi kiện ông T không có cơ sở được chấp nhận. Người bị kiện yêu cầu giữ nguyên Quyết định 2803/QĐ-UBND ngày 27.8.2015 của Chủ tịch UBND huyện H.

- Chủ tịch UBND tỉnh A có ý kiến:

Năm 1989, UBND xã P có Thông báo gửi Tổ hội đồng ấp Đ về việc sắp xếp cấp đất cho dân địa phương và16 hộ dân mới chuyển đến. Thời điểm này, 16 hộ dân kinh tế mới xã C1, huyện C2, tỉnh T được cấp mỗi hộ khoảng 02 ha đất, trong đó có hộ ông Phạm Văn T (không có giấy tờ).

Năm 1994, UBND xã kết hợp Đoàn Kinh tế mới tỉnh B kiểm tra việc sử dụng đất của 16 hộ dân xã C1. Qua kiểm tra, có 05 hộ bỏ đất hoang, trong đó có hộ ông T, theo đó đất ông T bỏ hoang được giao lại cho ông Lê Văn L. Gia đình ông T cho rằng ông khai hoang trồng lúa khoảng 0,5 ha đất, nhưng qua xác minh của ông Nguyễn Hoài X – nguyên Phó Chủ tịch UBND xã P từ năm 1989 đến năm 2000; cũng như lời trình bày của ông Văn Tự H là dân xã C1 tại Biên bản ngày 19.01.1999 và bà Bùi Thị Ngọc Y thì 05 hộ dân kinh tế mới xã C1 bỏ đất hoang không sử dụng; trong đó có ông T. Vì vậy, yêu cầu khởi kiện ông T không có cơ sở được chấp nhận. Tôi yêu cầu giữ nguyên Quyết định 1409/QĐ-UBND ngày 11.4.2016 của Chủ tịch UBND tỉnh A.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, ông Lê Văn L trình bày:
 
Sau khi được Ban Kinh tế mới tỉnh B và UBND xã P, huyện H giao cho ông Lê Văn L tiến hành khai hoang phần đất được giao. Vào năm 1995, ông Phạm Văn T ở xã C1, huyện C2, tỉnh T đến tranh chấp đất với ông. Ngày 19.01.1999, đại diện Cục Di dân B, Ban Kinh tế mới và UBND xã P mời các hộ dân B và dân ở C1, trong đó có ông E đến giải quyết nhưng không thành. Ông L cũng khẳng định khi nhận đất vào tháng 02.1995, đất vẫn còn hoang hóa (gốc tràm vẫn còn, đất chưa được cày xới). Do vậy, ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn T về việc yêu cầu hủy 02 Quyết định 2803/QĐ- UBND ngày 27.8.2015 của Chủ tịch UBND huyện H và Quyết định 1409/QĐ- UBND ngày 11.4.2016 của Chủ tịch UBND tỉnh A cùng về việc giải quyết tranh chấp đất đai đối với ông Phạm Văn T.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 36/2017/HC-ST ngày 20 tháng 4 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An đã quyết định:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn T về việc yêu cầu hủy 02 Quyết định 2803/QĐ-UBND ngày 27.8.2015 của Chủ tịch UBND huyện H và Quyết định 1409/QĐ-UBND ngày 11.4.2016 của chủ tịch UBND tỉnh A cùng về việc giải quyết tranh chấp đất đai đối với ông Phạm Văn T, đất tọa lạc tại ấp Đ, xã P, huyện H.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, thi hành án và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 04/5/2017, người khởi kiện ông Phạm Văn T có đơn kháng cáo toàn bộ bản án hành chính sơ thẩm nêu trên.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người khởi kiện ông Phạm Văn T không rút đơn kháng cáo và vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện tranh luận đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm: sửa án sơ thẩm theo hướng hủy Quyết định 2803/QĐ-UBND ngày 27.8.2015 của Chủ tịch UBND huyện H và Quyết định 1409/QĐ-UBND ngày 11.4.2016 của chủ tịch UBND tỉnh A cùng về việc giải quyết tranh chấp đất tọa lạc tại ấp Đ, xã P, huyện H đối với ông Phạm Văn T.

Phía bị kiện, do ông Phan Văn T là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh A trình bày tranh luận: ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn T về việc yêu cầu hủy Quyết định 2803/QĐ-UBND ngày 27.8.2015 của Chủ tịch UBND huyện H và Quyết định 1409/QĐ-UBND ngày 11.4.2016 của Chủ tịch UBND tỉnh A cùng về việc giải quyết tranh chấp đất đai đối với ông Phạm Văn T; đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm giải quyết vụ án:

Về thủ tục tố tụng Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã tiến hành đúng theo qui định của luật tố tụng hiện hành, không làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hơp pháp của các đương sự. Xét về nội dung vụ án Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ các chứng cứ thu thập trong quá trình tiến hành tố tụng để phán xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người bị kiện là có căn cứ đúng pháp luật. Do vậy đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu kháng cáo của ông Phạm Văn T giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Xét kháng cáo của người khởi kiện ông Phạm Văn T, Hội đồng xét xử xét thấy:

[1] Về thủ tục tố tụng: Tòa án cấp sơ thẩm xác định đối tượng khởi kiện, quyền khởi kiện, thời hiệu khởi kiện, thẩm quyền giải quyết vụ án, việc xác định tư cách tham gia tố tụng của đương sự được thực hiện đúng quy định của Luật tố tụng hành chính.

[2] Về nhận định, đánh giá chứng cứ và phán quyết của bản án sơ thẩm:

Căn cứ yêu cầu trình bày của các đương sự và các chứng cứ thu thập trong quá trình tiến hành tố tụng của Tòa án cấp sơ thẩm thể hiện: nội dung vụ việc mà các bên đương sự trong vụ án đều thừa nhận là vào năm 1990, 16 hộ dân kinh tế mới ở xã C1, huyện C2, tỉnh T được UBND xã P, huyện H tạm giao 32 ha đất hoang tại Kênh Năng, ấp Đ, xã P để khai hoang sản xuất Nông nghiệp, trong đó có ông Phạm Văn T được 02 ha. Sau khi nhận đất, phần lớn các hộ dân thực hiện khai hoang sản xuất nhưng vẫn còn một số hộ bỏ hoang. Năm 1994, Kênh Năng được nạo vét, UBND xã P kết hợp với Đoàn Kinh tế mới tỉnh B khảo sát lại tình hình sản xuất của 16 hộ dân C1 thì xác định có hộ còn bỏ đất hoang. Vì vậy, ngày 08/02/1995, Ban kinh tế mới tỉnh B và Tổ nhân dân tự quản kinh tế mới lập Biên bản về việc thu hồi các phần đất trước đây đã cấp cho các hộ dân sử dụng nhưng không khai vỡ, sử dụng đồng thời giao lại đất cho người dân B trong đó, có phần đất của ông T được giao trước đây được xác định do bỏ hoang không khai phá nên bị thu hồi và giao lại cho ông Lê Văn L là người dân di cư từ tỉnh B. Tuy nhiên các đương sự không thống nhất về một số nội dung nên dẫn đến tranh chấp cụ thể như sau:

Người khởi kiện ông Phạm Văn T cho rằng ông không bỏ hoang đất như nhận định của chính quyền địa phương mà sau khi nhận đất, gia đình ông khai hoang, cải tạo đất. Vì vào thời điểm đó khu đất này hoang hóa, cây cối um tùm, phải tốn rất nhiều thời gian, công sức để vỡ hoang, rửa phèn trồng lúa. Do đặc thù miền Tây mùa nước nổi từ tháng 7 đến tháng 9 không thể canh tác nên hàng năm vào thời điểm này, ông T về quê chuẩn bị giống để chờ nước rút tháng 9, 10 để tiếp tục quay trở lại canh tác. Tháng 10.1994, ông T quay lại thì được biết phần đất ông đang sử dụng đã bị UBND xã P, huyện H thu hồi và cấp lại cho ông Lê Văn L là người dân di cư từ tỉnh B. (Phần trình bày này ông không có chứng cứ chứng minh). Với những tình tiết đã trình bày ông cho rằng các quyết định giải quyết khiếu nại số 2803/QĐ-UBND ngày 27.8.2015 của Chủ tịch UBND huyện H và Quyết định 1409/QĐ-UBND ngày 11.4.2016 của Chủ tịch UBND tỉnh A cùng về việc giải quyết tranh chấp đất tọa lạc tại ấp Đ, xã P, huyện H đối với ông Phạm Văn T là không đúng qui định của pháp luật.
 
Người bị kiện vẫn giữ nguyên quan điểm như đã nêu trong quá trình giải quyết khiếu khiếu nại xác định sau khi được giao đất thì ông T bỏ hoang đất nên mới bị thu hồi giao cho ông Lê Văn L.

Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xét thấy: Năm 1994, UBND xã P kết hợp Đoàn Kinh tế mới tỉnh B kiểm tra việc sử dụng đất của 16 hộ dân xã C1. Qua kiểm tra, có 05 hộ bỏ đất hoang, trong đó có hộ ông T. Gia đình ông T cho rằng ông khai hoang trồng lúa khoảng 0,5 ha đất, nhưng căn cứ chứng cứ xác minh của ông Nguyễn Hoài X – nguyên Phó Chủ tịch UBND xã P từ năm 1989 đến năm 2000; cũng như lời trình bày của ông Văn Tự H là dân xã C1 tại Biên bản ngày 19.01.1999 và bà Bùi Thị Ngọc Y thì 05 hộ dân kinh tế mới xã C1 bỏ đất hoang không sử dụng, quá sáu tháng; trong đó có ông T. Hơn nữa, Năm 1994, UBND xã kết hợp Đoàn Kinh tế mới tỉnh B kiểm tra việc sử dụng đất của 16 hộ dân xã C1 thì cũng không có việc gia đình ông đang sử dụng diện tích đất được giao. Do vậy lời trình bày của ông T là không có cơ sở được chấp nhận.

Từ những phân tích nêu trên cho thấy, việc Ủy ban nhân dân huyện H và Ủy ban nhân dân tỉnh A không chấp nhận đơn khiếu nại của ông T về việc đề nghị Ủy ban nhân dân huyện H và Ủy ban nhân dân tỉnh A thu hồi phần diện tích đất đã giao cho ông L để trả lại cho ông T là có căn cứ pháp luật.

Tòa án cấp sở thẩm đã xem xét đầy đủ các chứng cứ và làm rõ những tình tiết trong vụ án. Do vậy, Hội đồng xét xử cấp thẩm, chấp nhận lời đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, không chấp nhận nội dung đơn kháng cáo của ông Phạm Văn T, giữ nguyên án sơ thẩm

Về án phí hành chính phúc thẩm: ông Phạm Văn T phải chịu.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 241 Bộ luật Tố tụng hành chính năm 2015;

1. Không chấp nhận nội dung đơn kháng cáo của người khởi kiện ông Phạm Văn T. Giữ nguyên bản án sơ thẩm:

Tuyên xử:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn T về việc yêu cầu hủy Quyết định số 2803/QĐ-UBND ngày 27.8.2015 của Chủ tịch UBND huyện H và Quyết định số 1409/QĐ-UBND ngày 11.4.2016 của Chủ tịch UBND tỉnh A cùng về việc giải quyết tranh chấp đất đai đối với ông Phạm Văn T, đất tọa lạc tại ấp Đ, xã P, huyện H.

Áp dụng khoản 2 Điều 34 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án và khoản 1 Mục I Danh mục mức án phí lệ phí Tòa án năm 2009.

Buộc ông Phạm Văn T nộp 200.000đ án phí hành chính sơ thẩm nhưng được khấu trừ 200.000đ tiền tạm ứng án phí hành chính đã nộp tại Biên lai thu0000428 ngày 02.11.2016 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An. Ông T không phải nộp thêm.

2. Án phí hành chính phúc thẩm: Ông Phạm Văn T phải chịu 300.000 đồng, được khấu trừ theo biên lai thu số 0000836 ngày 05/5/2017 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Long An. Ông T không phải nộp thêm.

Những phần còn lại của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

710
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 159/2017/HC-PT ngày 27/07/2017 về khiếu kiện quyết định hành chính quản lý đất đai

Số hiệu:159/2017/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 27/07/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;