TÒA ÁNNHÂN DÂN HUYỆN KRÔNG BÔNG, TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 15/2020/HS-ST NGÀY 03/09/2020 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM
Vào ngày 03 tháng 9 năm 2020, tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 13/2020/TLST-HS ngày 22 tháng 7 năm 2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 17/2020/QĐXXST - HS ngày 20 tháng 8 năm 2020, đối với bị cáo:
Lò Seo S, sinh năm 1981, tại huyện Y, tỉnh T Nơi ĐKHKTT, chỗ ở hiện nay: thôn C, xã P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: làm nông; trình độ học vấn: 4/12; dân tộc: H Mông; giới tính: Nam; Tôn giáo: Tin lành; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lò Seo V1 (sinh năm 1959) và con bà Kháng Thị M (sinh năm 1960); Bị cáo có vợ là Chứ Thị Ch (sinh năm 1984) và 06 con (con lớn nhất sinh năm 2001, con nhỏ nhất sinh năm 2015); Tiền án; tiền sự: Không.
Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 28/4/2020 cho đến nay. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
* Người bào chữa cho bị cáo: Ông Phùng Văn H – Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Đắk Lắk. (có mặt)
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:
- Chị Lò Thị V, sinh năm 2001 (có đơn xin xét xử vắng mặt) Địa chỉ: thôn E, xã P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk * Người phiên dịch tiếng H’ Mông:
- Ông Dương Văn Th, sinh năm 1988 (có mặt) Địa chỉ: thôn C, xã P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào lúc 23 giờ 45’ ngày 28/12/2019 tại nhà Lò Seo S ở thôn C, xã P, huyện K, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công an huyện K kiểm tra phát hiện Lò Seo S tàng trữ trái phép 02 cá thể động vật hoang dã đã chết gồm: 01 cá thể động vật đã bị mổ bụng, cạo sạch lông; 01 cá thể động vật bị lọc hết thịt còn phần xương. Tổ công tác đã tiến hành làm việc và thu giữ tại nhà Lò Seo S 02 cá thể động vật hoang dã nói trên.
Qua đấu tranh Lò Seo S khai nhận, hai cá thể động vật hoang dã trên Lò Seo S mua lại của một người dân tộc H’ Mông (không rõ lai lịch) đi săn bắt về tại xã P, huyện K với số tiền 850.000 đồng, mục đích mua để lóc phần thịt ăn còn phần xương còn lại cất giữ để dùng. Sau khi mua, Lò Seo S để số cá thể động vật trên trong tủ lạnh của gia đình cho đến khi Cơ quan có thẩm quyền đến làm việc thì bị cáo tự nguyện giao nộp.
Vật chứng thu giữ được, gồm: 01 cá thể động vật đã bị mổ bụng, cạo sạch lông và 01 cá thể động vật bị lọc hết thịt, chỉ còn xương. Tại bản kết luận giám định số 79/STTNSV ngày 07/02/2020 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật kết luận:
- 01 cá thể động vật đã chết (đã lọc thịt còn phần xương), đánh số 01B, là loài Khỉ mặt đỏ, tên khoa học là Macaca arctoides; có tên trong nhóm IIB thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (Ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, ngày 22/01/2019 của Chính phủ).
- 01 cá thể động vật đã chết (bị mổ bụng, cạo sạch lông), đánh số 02A, là loài Chà vá chân đen, có tên khoa học là Pygathrix nigripes; có tên trong nhóm IB thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (Ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, ngày 22/01/2019 của Chính phủ) và có tên trong Phụ lục I thuộc Danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (Ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP, ngày 16/7/2019 của Chính phủ);
Tại công văn số 94/TCKH-HĐĐG ngày 08/5/2020 của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự huyện K xác định: Hiện nay trên thị trường không có giao dịch mua bán loài Khỉ mặt đỏ nên Hội đồng định giá không có cơ sở để áp dụng đơn giá. Đồng thời hiện nay nhà nước chưa có biểu giá quy định đối với loại động vật quý hiếm như trên. Do đó, Hội đồng định giá không có căn cứ để xác định giá trị tài sản của cá thể Khỉ mặt đỏ.
Ngày 29/6/2020 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Krông Bông đã ra Quyết định xử lý vật chứng bằng hình thức tịch thu, tiêu hủy hai cá thể động vật trên.
Tại bản cáo trạng số: 14/CT-VKS ngày 22/7/2020 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Krông Bông truy tố bị cáo Lò Seo S về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điểm b khoản 1 Điều 244 của Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa, bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như nội dung bản cáo trạng đã truy tố đối với bị cáo.
Đại diện Viện kiểm sát đã đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo và giữ nguyên quyết định truy tố bị cáo Lò Seo S về tội: “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, theo cáo trạng số: 14/CT-VKS ngày 22/7/2020, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Lò Seo S phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.
* Về hình phạt:
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 244; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật hình sự.
Đề nghị xử phạt bị cáo Lò Seo S từ 01 năm đến 01 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách từ 02 năm đến 03 năm, kể từ ngày tuyên án.
Giao bị cáo cho chính quyền địa phương nơi bị cáo cư trú phối hợp cùng gia đình bị cáo giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.
* Về xử lý vật chứng: Căn cứ khoản 1 Điều 47 của Bộ luật hình sự; khoản 2, khoản 3 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự: Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Krông Bông đã ra Quyết định xử lý vật chứng bằng hình thức tịch thu, tiêu hủy 01 cá thể chà vá chân đen và 01 cá thể khi mặt đỏ nên không đặt ra để giải quyết.
* Về án phí: Đề nghị miễn án phí cho bị cáo.
Bị cáo không có ý kiến tranh luận gì thêm.
Người bào chữa tranh luận: Thống nhất về tội danh và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà Đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị. Tuy nhiên, trong quá trình Cơ quan công an đến làm việc tại nhà Lò Seo S thì S đã tự nguyện giao nộp hai cá thể động vật nói trên, giúp cho quá trình điều tra nhanh chóng và làm sáng tỏ sự thật khách quan. Ngoài tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 thì đề nghị áp dụng thêm điểm t khoản 1 Điều 51, đề nghị áp dụng khoản 3 Điều 54 để xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo theo quy định tại Điều 65 Bộ luật hình sự.
Đại diện Viện kiểm sát: Không đồng ý với đề nghị bổ sung thêm tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại điểm t khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự vì khi Cơ quan có thẩm quyền nhận được tin báo và xác minh mới đến làm việc tại nhà của Lò Seo S và lập biên bản về việc S tự nguyện giao nộp. Do đó Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Krông Bông, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Krông Bông, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa bị cáo và những người tham gia tố tụng không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2]. Tại phiên tòa, bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của những người tham gia tố tụng khác và các tài liệu, chứng cứ được thu thập trong quá trình điều tra, thể hiện:
Vào lúc 23 giờ 45 phút ngày 28/12/2019, tại nhà Lò Seo S ở thôn C, xã P, huyện K, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công an huyện Krông Bông kiểm tra phát hiện Lò Seo S tàng trữ trái phép 01 cá thể động vật đã bị mổ bụng, cạo sạch lông được kết luận là loài Chà vá chân đen thuộc Danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Ngoài ra, Lò Seo S còn tàng trữ trái phép 01 cá thể động vật bị lọc hết thịt còn phần xương, được kết luận là loài Khỉ mặt đỏ nhưng không đủ căn cứ để khởi tố hình sự đối với hành vi tàng trữ này.
Lò Seo S khai: mua cá thể Chà vá chân đen với giá 650.000 đồng, mua cá thể Khỉ mặt đỏ với giá 200.000 đồng, của một người dân tộc H’Mông (không rõ lai lịch) đi săn bắt về tại xã P, huyện K. Mục đích mua về để lóc phần thịt ăn còn phần xương cất giữ để sử dụng.
Do vậy, hành vi của bị cáo Lò Seo S đã phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 244 . Bộ luật Hình sự, như vậy, cáo trạng mà Viện kiểm sát đã truy tố là có căn cứ và đúng pháp luật.
Điều 244 Bộ luật hình sự quy định:
1. Người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật quy định tại điểm a khoản này;
.....................................
Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, làm cho các cá thể động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, gây mất cân bằng hệ sinh thái và tác động xấu đến môi trường tự nhiên, ảnh hưởng đến môi trường sống của con người. Trong hai cá thể động vật rừng mà bị cáo tàng trữ có 01 cá thể loài Chà vá chân đen thuộc Danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (Ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP, ngày 16/7/2019 của Chính phủ), do đó tội phạm và hình phạt của bị cáo được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 244 của Bộ luật hình sự, riêng 01 cá thể Khỉ mặt đỏ mà bị cáo tàng trữ không đủ số lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự.
[3] Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
[4] Về nhân thân, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng – ổn định, đây là lần đầu bị cáo phạm tội. Khi Cơ quan có thẩm quyền vào làm việc thì bị cáo đã tự nguyện giao nộp cá thể khỉ mặt đỏ và cá thể Chà vá chân đen. Sau khi phạm tội, bị cáo đã có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo là người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, gia đình bị cáo thuộc diện hộ nghèo, bị cáo có trình độ học vấn thấp (4/12) nên có sự hạn chế về nhận thức pháp luật, bị cáo lại là lao động chính trong gia đình (vợ bị cáo thường xuyên đau ốm, bệnh tật, gia đình đông con, các con đang còn nhỏ (nhỏ nhất sinh năm 2015) chưa phụ giúp được cho gia đình). Đó là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự. Xét thấy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, hoàn cảnh của bị cáo đặc biệt khó khăn, hành vi phạm tội của bị cáo có phần ảnh hưởng từ lối sống du canh du cư, cất giữ thú rừng làm thực phẩm của người đồng bào dân tộc thiểu số, mặt khác số lượng cá thể Chà và chân đen mà bị cáo tàng trữ 01 con là không nhiều và bị cáo không nhận thức được hậu quả nghiêm trọng do hành vi phạm tội mà mình gây ra. Vì vậy, xét thấy không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội, cho bị cáo cơ hội được tự cải tạo dưới sự giám sát, giáo dục, tuyên truyền và phổ biến pháp luật của chính quyền địa phương, cũng như sự nhắc nhở, khuyên răn của gia đình cũng đủ để bị cáo trở thành công dân có ích cho xã hội, đồng thời thể hiện được chính sách Pháp luật nhân đạo của nước ta.
[5] Về xử lý vật chứng: Căn cứ khoản 1 Điều 47 của Bộ luật hình sự; khoản 2, khoản 3 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự: Công nhận việc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Krông Bông đã ra Quyết định xử lý vật chứng tiêu hủy hai cá thể động vật nói trên.
[6] Đối với hành vi Lò Seo S tàng trữ 01 cá thể khỉ mặt đỏ đã chết (đã lọc thịt còn phần xương): Cần kiến nghị Cơ quan Công an huyện Krông Bông xử lý theo quy định của pháp luật .
Đối với chiếc tủ lạnh bị cáo Lò Seo S: Tủ lạnh là của chị Lò Thị V gửi tại nhà Lò Seo S, khi S cất giữ hai cá thể động vật trong tủ thì chị V không biết, do đó không đặt ra xử lý đối với chiếc tủ lạnh.
[7] Về án phí: Bị cáo là người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, thuộc hộ nghèo và có đơn xin miễn án phí nên miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo.
[8] Xét đề nghị của người bào chữa: Việc Lò Seo S tự nguyện giao nộp hai cá thể động vật là phù hợp với hồ sơ vụ án thể hiện, tuy nhiên sau khi có tin báo và được sự động viên, giải thích pháp luật của Cơ quan có thẩm quyền thì S mới giao nộp hai cá thể động vật nói trên, thể hiện sự ăn năn, hối cải của bị cáo. Do đó không có căn cứ cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm t khoản 1 Điều 51 mà cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự. Xét thấy hành vi của bị cáo thuộc trường hợp nghiêm trọng, việc săn bắt, mua bán, tàng trữ động vật rừng nguy, cấp, quý hiếm ngày càng gia tăng và dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng của một vài nhóm động vật rừng. Do đó cần phải có hình phạt nghiêm khắc, không chấp nhận đề nghị của người bào chữa để xử phạt bị cáo với mức án dưới khung hình phạt.
Xét đề nghị của Kiểm sát viên là phù hợp nên được chấp nhận.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố: bị cáo Lò Seo S phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 244; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật Hình sự.
Xử phạt : Bị cáo Lò Seo S 01 (một) năm tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 02 (hai) năm, tính từ ngày tuyên án, ngày 03/9/2020.
Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk là nơi bị cáo thường trú để giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách; Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương, trong việc giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.
Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Luật thi hành án hình sự.
Trong thời gian thử thách nếu bị cáo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự từ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
2. Xử lý vật chứng: Căn cứ khoản 1 Điều 47 của Bộ luật hình sự; khoản 2, khoản 3 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự: Công nhận việc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Krông Bông đã ra Quyết định xử lý vật chứng bằng hình thức tịch thu, tiêu hủy 01 cá thể Khỉ mặt đỏ đã chết (đã lọc thịt còn phần xương), tên khoa học là Macaca arctoides và 01 cá thể Chà vá chân đen đã chết (bị mổ bụng, cạo sạch lông), có tên khoa học là Pygathrix nigripes.
3. Về án phí: Áp dụng Điều 12, Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: Miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo Lò Seo S.
4. Kiến nghị Cơ quan Công an huyện Krông Bông xử lý hành vi Lò Seo S tàng trữ 01 cá thể khỉ mặt đỏ chết (đã lọc thịt còn phần xương).
5. Bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản sao bản án hoặc ngày bản án được niêm yết công khai.
Bản án 15/2020/HS-ST ngày 03/09/2020 về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
Số hiệu: | 15/2020/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Krông Bông - Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 03/09/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về