TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN NAM TỪ LIÊM, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 142/2019/HS-ST NGÀY 23/07/2019 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM
Ngày 23 tháng 7 năm 2019 tại Trụ sở Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 145/2019/TLST-HS ngày 01tháng 7 năm 2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 168/ 2019/HSST-QĐ ngày 04/7/2019 đối với các bị cáo:
1. Nguyễn Đức A, sinh 1985; Giới tính: Nam; Nơi cư trú: Xóm 12/9, xã T, huyện C, tỉnh N; Nghề nghiệp: Không; Trình độ văn hóa: 12/12; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Con ông: Nguyễn Đức Tâm, sinh 1944; Con bà: Đặng Thị Vinh (đã chết); Vợ: Nguyễn Thị Thương, sinh 1986 (Có 02 con sinh năm 2011 và 2013); Danh chỉ bản số 000000191 lập ngày 12/3/2019 tại Công an quận Nam Từ Liêm; Nhân thân: Năm 2005, Tòa án nhân dân huyện Thanh Chương, Nghệ An xử 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo thời hạn thử thách 18 tháng về tội “Trộm cắp tài sản”. Tạm giam từ ngày 08/3/2019 đến ngày 05/4/2019.
2. Nguyễn Văn B, sinh 1997; Giới tính: Nam; Nơi cư trú: thôn L, xã P, huyện N, tỉnh N; Nghề nghiệp: Không; Trình độ văn hóa: 9/12; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Con ông: Nguyễn Văn Nghiễn, sinh 1973; Con bà: Mầu Thị Thanh, sinh 1974; Danh chỉ bản số 000000224 lập ngày 01/4/2019 tại Công an quận Nam Từ Liêm; Tiền án, tiền sự: Không có; Tạm giữ từ ngày 27/3/2019 đến ngày 05/4/2019.
Các bị cáo hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” – Đều có mặt tại phiên tòa.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 15 giờ 00 ngày 07/3/2019 tổ công tác đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an quận Nam Từ Liêm đang làm nhiệm vụ phát hiện Nguyễn Đức A và Nguyễn Văn B đang ngồi trên tầng 2 quán cafe Hồng Đô Trà, địa chỉ: số 86 đường Lê Quang Đạo, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội có biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác tiến hành kiểm tra hành chính phát hiện trên bàn nơi A và B đang ngồi có 01 đĩa sứ đường kính khoảng 23cm, có viền cao khoảng 4cm, nền màu xanh, có in hình 01 con tê giác; 01 cân điện tử nhãn hiệu TANITA và 01 ba lô màu đen có quai đeo để ở dưới ghế ngồi bên trong có 01 tờ giấy biên nhận đặt cọc số tiền 5.000.000 đồng để mua hàng, người viết là Nguyễn Văn B. Tại chỗ Nguyễn Đức A khai A và B đang thực hiện việc mua bán sừng tê giác. Cơ quan điều tra đã lập biên bản, dẫn giải Nguyễn Đức A cùng vật chứng về trụ sở để điều tra làm rõ. Lợi dụng sơ hở, Nguyễn Văn B bỏ chạy, ngày 27/3/2019 Nguyễn Văn B đến cơ quan công an quận Nam Từ Liêm đầu thú.
Vật chứng thu giữ của Nguyễn Đức A: 01 khối sừng nghi là sừng tê giác hình chóp màu nâu đen; 01 đĩa sứ hình tròn đường kính khoảng 23cm; 01cân điện tử nhãn hiệu TANIKA; 01 ba lô màu đen; 01 tờ giấy biên nhận đặt cọc người viết là Nguyễn Văn B; 01 điện thoại nhãn hiệu OPPO màu ghi.
Thu giữ của Nguyễn Văn B: 01 điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 6 màu bạc.
Kết luận giám định số 1669/KLGĐ-PC54 ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an thành phố Hà Nội kết luận: 01 khối sừng nghi là sừng tê giác hình chóp màu nâu đen, mặt đáy có các kích thước (7x10) cm, chiều cao 09 cm, có tổng khối lượng: 324,83 gram.
Kết luận giám định số 222/STTNSV ngày 12/3/2019 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật – Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam xác định: Mẫu vật được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, trưng cầu giám định tại Quyết định trưng cầu giám định số 201/CQĐT-ĐTKT ngày 11/3/2019 là 01 miếng sừng (thuộc sừng phía sau) của phân loài tê giác trắng, có tên khoa học Ceratotherium simum simum (Họ Tê giác - Rhinocerotidae); Phân loài tê giác trắng Ceratotherium simum simum có tên trong Phụ lục II (mẫu vật của phân loài này nếu không có giấy tờ hợp pháp cũng được xử lý như Phụ lục I) của Danh mục các loài động vật hoang dã quy định tại các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT, ngày 24/02/2017 của Bộ NN và PTNT).
Quá trình điều tra xác định: Qua tìm hiểu, Nguyễn Đức A biết sừng tê giác thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm, Nhà nước cấm buôn bán dưới mọi hình thức, nhưng biết việc mua sừng tê giác về bán có lãi do đó A vẫn tìm mua với mục đích bán lại cho khách để kiếm lời. Khoảng cuối tháng 01/2019, A đến khu vực cửa khẩu Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An gặp và mua của một người đàn ông người Lào (không xác định được nhân thân, lai lịch) 01 miếng sừng tê giác với giá 165.000.000 đồng mang về nhà cất giấu. Sau đó, A vào mạng xã hội facebook được biết Nguyễn Văn B sử dụng tài khoản facebook “Nguyễn Văn B” đăng tin đang cần mua sừng tê giác. A nhắn tin qua messenger cho B nói là có sừng tê giác bán, sau khi trao đổi hai bên thỏa thuận giá là 54.000.000 đồng/100gram. Do trước đó, B được một người tên Đức sử dụng tài khoản Zalo “Đức Múc” (hiện không xác định nhân thân) nhờ mua sừng tê giác giúp và sẽ trả công cho B. Sau khi thỏa thuận với A xong, B báo lại với Đức giá sừng tê giác 60.000.000 đồng/100gram để hưởng chênh lệch số tiền 6.000.000 đồng/100gram, Đức đồng ý và bảo B nếu giao dịch thành công sẽ cho B 3.000.000 đồng. B nhận thức được sừng tê giác thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm Nhà nước cấm buôn bán dưới mọi hình thức nhưng do B nghĩ nếu giới thiệu và bán được sừng tê giác cho Đức thì B sẽ được hưởng số tiền chênh lệch là 18.000.000 đồng. Ngày 05/3/2019, Đức gặp và đặt cọc cho B số tiền 5.000.000 đồng tiền để mua sừng tê giác. Sau đó, B bỏ thêm 1.000.000 đồng tiền cá nhân rồi nhờ chị Vũ Thị Hòa (sinh năm 1986, HKTT: số 144, Phú Mỹ, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là người kinh doanh dịch vụ chuyển tiền qua Internet Banking chuyển số tiền 6.000.000 đồng từ tài khoản số 1596239999999 của chị Hòa được mở tại ngân hàng VP Bank đến số tài khoản 51110000167088 của A mở tại ngân hàng BIDV để đặt cọc tiền mua sừng tê giác và hẹn giao hàng tại Hà Nội. Khoảng 14h30 ngày 07/3/2019, B, Đức hẹn gặp A tại quán cafe Hồng Đô Trà tại số 86 đường Lê Quang Đạo, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội để giao hàng. Đức mang theo 01 ba lô, 01 đĩa sứ, 01 cân điện tử để kiểm tra miếng sừng tê giác. Sau khi kiểm tra miếng sừng tê giác xong, A khai Đức nói xuống nhà đón thêm bạn lên kiểm tra cùng, thấy Đức đi ra ngoài A sợ bị phát hiện nên đã cất giấu miếng sừng tê giác được bọc trong túi nilon màu đen xuống dưới gầm chậu rửa tay trong nhà vệ sinh tầng 2 của quán café và quay lại bàn ngồi. Đúng lúc này tổ công tác đội cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an quận Nam Từ Liêm kiểm tra bắt giữ. Quá trình bắt giữ, A không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của miếng sừng tê giác trên.
Nguyễn Đức A và Nguyễn Văn B khai nhận hành vi phạm tội như đã nêu trên.
Đối với chị Vũ Thị Hòa khi chuyển số tiền 6.000.000 đồng giúp B chị Hòa không biết mục đích B chuyển tiền để mua sừng tê giác nên cơ quan điều tra không xử lý.
Đối với đối tượng bán sừng tê giác cho A và đối tượng Đức hỏi mua sừng tê giác của B, quá trình điều tra không xác định được lai lịch, địa chỉ nên Cơ quan điều tra không có căn cứ để xử lý.
Bản cáo trạng số 143/CT-VKS ngày 28/5/2019 của Viện kiểm sát nhân dân quận Nam Từ Liêm truy tố bị cáo Nguyễn Đức A và Nguyễn Văn B tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 244 Bộ luật hình sự.
Tại phiên tòa:
- Các bị cáo khai như đã khai tại cơ quan điều tra, thừa nhận hành vi do mình thực hiện là phạm tội và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.
- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Nam Từ Liêm tham gia phiên tòa phát biểu: Viện kiểm sát luận tội vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố tại bản cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử:
+ Xử phạt bị cáo Nguyễn Đức A tõ 15 đến 18 tháng tù; Bị cáo Nguyễn Văn B từ 12 đến 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời hạn thử thách 24 – 30 tháng.
+ Vật chứng: Đề nghị tịch thu tiêu hủy 01 khối sừng tê giác hình chóp màu nâu đen; 01 đĩa sứ hình tròn đường kính khoảng 23 cm; 01 cân điện tử nhãn hiệu TANITA; 01 ba lô màu đen; Tịch thu sung công quỹ Nhà nước: 01 điện thoại nhãn hiệu OPPO màu ghi và 01 điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 6 màu bạc.
+ Buộc bị cáo A phải truy nộp 6.000.000đ để sung công quỹ Nhà nước.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân quận Nam Từ Liêm, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Tại quá trình điều tra, các bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Tại phiên tòa hôm nay, qua xét hỏi, các bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Xét lời khai nhận tội của các bị cáo phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của người làm chứng, vật chứng thu giữ được và các tài liệu khác có trong hồ sơ, đủ cơ sở kết luận:
Khoảng 15h00 phút ngày 07/3/2019, tại quán cà phê Hồng Đô Trà, số 86 đường Lê Quang Đạo, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Nguyễn Đức A và Nguyễn Văn B đã có hành vi mua bán trái phép 324,83 gram sừng tê giác của phân loài tê giác trắng, có tên khoa học Ceratotherium simum simum (họ tê giác Rhinocerotidae) thì bị tổ công tác đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an quận Nam Từ Liêm bắt giữ cùng vật chứng.
Hành vi nêu trên của các bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” được qui định tại Điều 244 Bộ luật hình sự. Các bị cáo không bị áp dụng tình tiết tăng nặng nào trong khung hình phạt nên buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự theo qui định tại điểm c, khoản 1, Điều 244 Bộ luật hình sự. Cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát nhân dân quận Nam Từ Liêm là có căn cứ đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm hại đến sự bền vững và ổn định của môi trường, gây ra những hậu quả xấu đối với môi trường sinh thái.
Vụ án có đồng phạm tham gia, bị cáo A là người bán sừng tê giác, bị cáo B đồng phạm tham gia với vai trò là người môi giới mua bán để hưởng tiền chênh lệch. Vì vậy, xác định bị cáo A giữ vai trò chính trong vụ án. Cần áp dụng mức hình phạt đối với bị cáo A cao hơn bị cáo B.
Với tính chất hành vi phạm tội, vai trò, nhân thân các bị cáo, Hội đồng xét xử thấy cần thiết phải áp dụng một mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội. Tuy nhiên, khi lượng hình Hội đồng xét xử có xem xét các tình tiết giảm nhẹ mà các bị cáo được áp dụng để giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo. Cụ thể:
Bị cáo A được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ sau: Khai báo thành khẩn, bố mẹ bị cáo đều là những người có công với cách mạng.
Bị cáo B được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ sau: Khai báo thành khẩn; nhân thân chưa có tiền án, tiền sự; có nơi cư trú rõ ràng; phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.
Đối với bị cáo A: Đã 01 lần bị xét xử về tội “Trộm cắp tài sản”, bị cáo giữ vai trò chính trong vụ án. Vì vậy, cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian đủ điều kiện cải tạo giáo dục và phòng ngừa chung.
Đối với bị cáo B chưa cần phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian mà áp dụng mức phạt tù nhưng cho hưởng án treo theo Điều 65 Bộ luật hình sự cũng đủ điều kiện cải tạo giáo dục và phòng ngừa chung.
Xét các bị cáo không có nghề nghiệp và thu nhập nên không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với các bị cáo theo khoản 4, Điều 244 Bộ luật hình sự.
Đối với vật chứng thu giữ: Cần tịch thu tiêu hủy 01 khối sừng tê giác hình chóp màu nâu đen; 01 đĩa sứ hình tròn đường kính khoảng 23 cm; 01 cân điện tử nhãn hiệu TANITA; 01 ba lô màu đen;
Tịch thu sung công quỹ Nhà nước: 01 điện thoại nhãn hiệu OPPO màu ghi và 01 điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 6 màu bạc.
Buộc bị cáo A phải truy nộp 6.000.000đ để sung công quỹ Nhà nước. Các bị cáo phải nộp án phí hình sự sơ thẩm theo qui định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố bị cáo Nguyễn Đức A và Nguyễn Văn B phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.
1. Căn cứ vào điểm c, khoản 1, Điều 244; điểm s, khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015.
Xử phạt bị cáo Nguyễn Đức A 12(mười hai) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án. Được trừ thời gian tạm giam từ ngày 08/3/2019 đến ngày 05/4/2019.
2. Căn cứ vào điểm c, khoản 1, Điều 244; điểm s, i, khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015.
Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn B 12 (mười hai) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời hạn thử thách 24 tháng kể từ ngày tuyên án.
Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã Phú Lộc, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.
Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo”.
3. Căn cứ vào Điều 47 Bộ luật hình sự; Điều 136, Điều 331, Điều 333, Điều 337 Bộ luật tố tụng Hình sự; Nghị quyết số 326 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội về án phí, lệ phí Tòa án.
Vật chứng: Tịch thu tiêu hủy 01 đĩa sứ hình tròn đường kính khoảng 23 cm; 01 cân điện tử nhãn hiệu TANITA; 01 ba lô màu đen; Tịch thu sung công quỹ Nhà nước: 01 điện thoại nhãn hiệu OPPO màu ghi và 01 điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 6 màu bạc (Vật chứng nêu trên hiện đang lưu giữ tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Nam Từ Liêm theo biên bản giao nhận vật chứng số 144 ngày 12.6.2019).
Tịch thu tiêu hủy 01 hộp giấy màu đen niêm phong (bên trong chứa 01 khối sừng tê giác hình chóp màu nâu đen(Vật chứng nêu trên hiện đang lưu giữ tại kho vật chứng của Công an quận Nam Từ Liêm).
Buộc bị cáo Nguyễn Đức A phải truy nộp 6.000.000đ để sung công quỹ Nhà nước.
Về án phí : Mỗi bị cáo phải nộp 200.000 đồng ¸án phí hình sự sơ thẩm.
Án xử sơ thẩm công khai, các bị cáo có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Bản án 142/2019/HS-ST ngày 23/07/2019 về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
Số hiệu: | 142/2019/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quận Nam Từ Liêm - Hà Nội |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 23/07/2019 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về