TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 14/2017/LĐ-PT NGÀY 25/09/2017 VỀ TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Ngày 25 tháng 9 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 09/2017/TLPT-LĐ ngày 18/8/2017 về việc tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Do Bản án lao động sơ thẩm số 02/2017/LĐ-ST ngày 22 tháng 6 năm 2017 của Tòa án nhân dân thị xã B, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 09/2017/QĐ-PT ngày 05/9/2017, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Lê Thị C, sinh năm 1981. Trú tại: Khu phố N, phường T, thị xã B, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện hợp pháp: Ông Nguyễn Trịnh H, sinh năm 1990; Trú tại: Số N, khu phố Đ, phường L, thị xã T, tỉnh Bình Dương là người đại diện theo ủy quyền (theo văn bản ủy quyền ngày 05/10/2016). Có mặt.
- Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn N. Trụ sở: Khu sản xuất T, khu phố E, phường T, thị xã B, tỉnh Bình Dương. Người đại diện theo pháp luật: Ông A – Chức vụ: Tổng Giám đốc.
Người đại diện hợp pháp: Ông Nguyễn Thanh T, sinh năm 1984. Địa chỉ: Công ty Trách nhiệm hữu hạn N, Khu sản xuất T, khu phố E, phường T, thị xã B, tỉnh Bình Dương là người đại diện theo ủy quyền (theo văn bản ủy quyền ngày 24/8/2017). Có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bảo hiểm xã hội thị xã B, tỉnh Bình Dương; Trụ sở: Khu phố E, phường M, thị xã B, tỉnh Bình Dương. Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Phi H – Chức vụ: Giám đốc.
Người đại diện hợp pháp: Ông Đỗ Quốc Th, sinh năm 1980; Trú tại: Khu phố E, phường M, thị xã B, tỉnh Bình Dương là người đại diện theo ủy quyền (theo văn bản ủy quyền ngày 10/4/2017). Có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
- Người kháng cáo: Nguyên đơn bà Lê Thị C.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Tại đơn khởi kiện; bản tự khai; biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ; biên bản hòa giải và tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Nguyễn Trịnh H trình bày:
Bà Lê Thị C bắt đầu làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn N (sau đây gọi là Công ty N) từ năm 2008. Quá trình làm việc tại đây, giữa bà C và Công ty N đã ký kết với nhau nhiều Hợp đồng lao động, cụ thể:
+ Ngày 01/4/2008, hai bên ký Hợp đồng lao động số 154/2008/HĐ, loại hợp đồng xác định thời hạn, công việc là Công nhân chà nhám, làm việc tại Tổ sơn. Mức lương cơ bản là 963.000 đồng/tháng và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác; ngày 25/01/2009 hai bên ký Phụ lục Hợp đồng số 105/2009/PL1 để điều chỉnh tăng mức lương từ 963.000 đồng/tháng lên 1.171.750 đồng/tháng.
+ Ngày 01/4/2009, hai bên ký Hợp đồng lao động số 131/2009/HĐ, loại hợp đồng xác định thời hạn, công việc là Công nhân chà nhám, làm việc tại Tổ sơn. Mức lương cơ bản là 1.171.750 đồng và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác; ngày 25/01/2010, hai bên ký Phụ lục Hợp đồng số 106/2009/PL để điều chỉnh tăng mức lương từ 1.171.750 đồng/tháng lên 1.279.250 đồng/tháng.
+ Ngày 01/4/2010, hai bên ký Hợp đồng lao động số 94/2010/HĐ, loại hợp đồng không thời hạn, công việc là Công nhân chà nhám, làm việc tại Tổ sơn. Mức lương cơ bản là 1.279.250 đồng và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác;
Căn cứ vào Hợp đồng lao động số 94/2010/HĐ ngày 01/4/2010, hai bên đã ký kết nhiều Phụ lục hợp đồng như sau:
+ Ngày 25/01/2011, ký Phụ lục Hợp đồng số 119/2011/PL1 để điều chỉnh tăng mức lương từ 1.279.250 đồng/tháng lên 1.451.250 đồng/tháng.
+ Ngày 25/7/2011, ký Phụ lục Hợp đồng số 119/2011/PL2 để điều chỉnh tăng mức lương từ 1.451.250 đồng/tháng lên 1.750.000 đồng/tháng.
+ Ngày 01/10/2011, ký Phụ lục Hợp đồng số 128/2011/PL3 để điều chỉnh tăng mức lương từ 1.750.000 đồng/tháng lên 2.221.000 đồng/tháng.
+ Ngày 01/01/2013, ký Phụ lục Hợp đồng số 117/2013/PL1 để điều chỉnh tăng mức lương từ 2.221.000 đồng/tháng lên 2.596.000 đồng/tháng.
+ Ngày 01/01/2014, ký Phụ lục Hợp đồng số 116/2014/PL1 để điều chỉnh tăng mức lương từ 2.596.000 đồng/tháng lên 2.971.000 đồng/tháng.
+ Ngày 01/7/2014, ký Phụ lục Hợp đồng số 106/2014/PL2 để điều chỉnh tăng mức lương từ 2.971.000 đồng/tháng lên 3.121.000 đồng/tháng.
Quá trình làm việc tại Công ty, bà C làm việc bình thường, không vi phạm kỷ luật, nội quy Công ty. Tuy nhiên, vào ngày 16/9/2015, Công ty đã ban hành Quyết định số 41/2015-QĐCDHĐLĐ để chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà C và Quyết định nghỉ việc để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội số 41/2015-QĐNV để cho bà C hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Việc bị đơn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà C mà không đưa ra lý do cụ thể là thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Do đó, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết các vấn đề cụ thể như sau:
- Yêu cầu hủy Quyết định số 41/2015-QĐCDHĐLĐ ngày 16/9/2015 về việc chấm dứt hợp đồng lao động và Quyết định số 41/2015-QĐNV ngày 16/9/2015 về việc nghỉ việc để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội của Công ty N.
- Buộc Công ty N phải thanh toán tiền lương và phụ cấp lương trong những ngày không được làm việc (từ ngày 16/9/2015 đến ngày xét xử sơ thẩm) với số tiền 101.480.400 đồng.
- Buộc Công ty N phải thanh toán tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho nguyên đơn với số tiền 17.353.324 đồng, cụ thể chia ra thành 02 giai đoạn:
+ Từ tháng 10/2015 đến tháng 12/2015 (03 tháng): 21% x 3.568.000 đồng x 03 tháng = 2.247.840 đồng;
+ Từ tháng 01/2016 đến tháng 6/2017 (18 tháng): 21% x 3.996.400 đồng x 18 tháng = 15.105.484 đồng;
- Buộc Công ty N phải bồi thường 02 tháng tiền lương theo Hợp đồng lao động là 9.664.800 đồng;
- Buộc Công ty N thanh toán tiền lương do không báo trước 45 ngày là 8.363.769 đồng;
- Buộc Công ty N thanh toán tiền trợ cấp thôi việc là 3.624.300 đồng;
- Buộc Công ty N nhận bà C trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã ký kết.
Tổng cộng số tiền nguyên đơn yêu cầu Công ty N phải thanh toán, bồi thường là 140.486.593 đồng, nhưng khấu trừ số tiền 14.765.000 đồng do Công ty đã thanh toán cho nguyên đơn khi nghỉ việc vào ngày 16/9/2015. Tổng số tiền còn lại nguyên đơn yêu cầu Công ty N phải thanh toán, bồi thường là: 125.721.593 đồng.
* Tại bản tự khai; biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ; biên bản hòa giải và tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là bà Nguyễn Thị Mỹ D trình bày:
Bị đơn thống nhất toàn bộ lời trình bày của phía nguyên đơn về thời gian bà C bắt đầu làm việc tại Công ty N. Ngoài ra, thống nhất lời trình bày của phía nguyên đơn về các loại Hợp đồng lao động và các Phụ lục hợp đồng lao động đã được ký kết giữa bà C và Công ty N, vị trí công việc mà bà C làm tại Công ty cũng như mức lương cơ bản và phụ cấp khác. Bị đơn cũng thống nhất đã thanh toán cho bà C số tiền là 14.765.000 đồng khi cho bà C nghỉ việc vào ngày 16/9/2015.
Nay trước yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn không đồng ý toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn bồi thường số tiền 125.721.593 đồng. Nguyên nhân Công ty cho bà C nghỉ việc là do Công ty gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. Khi chấm dứt hợp đồng lao động với bà C, bị đơn đã thực hiện đúng các quy định tại các Điều 38, 44, 46 và 48 của Bộ luật Lao động. Do đó, bị đơn không đồng ý toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
* Tại bản tự khai ngày 10/4/2017, người đại diện theo ủy quyền của Bảo hiểm xã hội thị xã B, tỉnh Bình Dương là ông Đỗ Quốc T trình bày:
Công ty N đã đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho bà Lê Thị C theo Sổ bảo hiểm xã hội số 9105034633. Quá trình đóng cụ thể như sau: Từ tháng 4/2008 đến tháng 12/2008 với mức lương 963.000 đồng; từ tháng 01/2009 đến tháng 12/2009 với mức lương 1.171.750 đồng; từ tháng 01/2010 đến tháng 12/2010 với mức lương 1.279.000 đồng; từ tháng 01/2011 đến tháng 6/2011 với mức lương 1.451.250 đồng; từ tháng 7/2011 đến tháng 9/2011 với mức lương 1.750.000 đồng; từ tháng 10/2011 đến tháng 12/2012 với mức lương 2.221.000 đồng; từ tháng 01/2013 đến tháng 12/2013 với mức lương 2.596.000 đồng; từ tháng 01/2014 đến tháng 6/2014 thai sản; từ tháng 7/2014 đến tháng 12/2014 với mức lương 3.121.000 đồng; từ tháng 01/2015 đến tháng 9/2015 với mức lương 3.568.000 đồng.
Vào ngày 02/11/2016, bà C đã nhận trợ cấp 01 lần theo Quyết định số 021604122, với số tiền 33.309.103 đồng. Ngày 16/10/2015, bà C nhận trợ cấp thất nghiệp theo Quyết định số 47261 với số tháng hưởng là 06 tháng, số tiền hưởng 2.140.800 đồng/tháng, cụ thể: lần 01 đã nhận vào ngày 29/10/2015; lần 02 nhận vào ngày 01/12/2015; lần 03 nhận vào ngày 05/01/2016; lần 04 nhận vào ngày 01/02/2016; lần 05 nhận vào ngày 01/3/2016; lần 06 nhận vào ngày 01/4/2016.
Từ ngày 16/9/2015 cho đến nay, bà C không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Bản án sơ thẩm số 02/2017/LĐ-ST ngày 22 tháng 6 năm 2017 của Tòa án nhân dân thị xã B đã quyết định: Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Lê Thị C đối với bị đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn N về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn N nhận bà Lê Thị C trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã ký và yêu cầu về việc buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn N thanh toán tiền bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo cho các đương sự.
Ngày 07 tháng 7 năm 2017, bà Lê Thị C là nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm.
Tại cấp phúc thẩm và tại phiên tòa:
- Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn cho rằng việc Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành thu thập các chứng cứ theo yêu cầu của đại diện nguyên đơn là thu thập chưa đầy đủ chứng cứ, Tòa án chấp nhận các lời khai của những người làm chứng hiện đang làm việc tại công ty là không khách quan và công nhận bị đơn tiến hành thủ tục thu hẹp sản xuất đúng trình tự thủ tục là trái quy định của Bộ luật Lao động. Đại diện nguyên đơn đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
- Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương: Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, các đương sự đã thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ khi tham gia phiên tòa theo các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về nội dung, bị đơn chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động là đúng quy định của pháp luật nên đề nghị không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 02/2017/LĐ-ST ngày 22 tháng 6 năm 2017 của Tòa án nhân dân thị xã B.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:
[1] Về tố tụng:
Ngày 22/6/2017, Tòa án nhân dân thị xã B xét xử vụ án và ban hành Bản án lao động sơ thẩm số 02/2017/LĐ-ST, ngày 07/7/2017 bà C có đơn kháng cáo bản án. Theo quy định tại khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự, bà C kháng cáo trong thời hạn luật định. Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn Công ty N và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Bảo hiểm xã hội thị xã B có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, do đó Tòa án căn cứ khoản 2 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự xét xử vắng mặt các đương sự.
[2] Xét các yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn bà Lê Thị C:
Đối với yêu cầu kháng cáo của đại diện nguyên đơn về việc Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm thu thập chứng cứ tại Cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương về danh sách lao động và sự biến động tăng giảm lao động tham gia bảo hiểm xã hội ở Công ty N; Theo yêu cầu của đại diện nguyên đơn Tòa án cấp phúc thẩm đã có quyết định yêu cầu cung cấp chứng cứ gửi Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương về sự biến động tăng giảm lao động tại Công ty N từ tháng 3 năm 2015 đến tháng 3 năm 2016. Tại Công văn số 3968/BHXH-TTKT ngày 13/9/2017 Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương đã cung cấp về sự biến động tăng giảm lao động tại Công ty N như sau: Từ tháng 3 năm 2015 đến tháng 7 năm 2015 số lượng lao động của Công ty N ổn định từ 173-176 lao động; Tháng 8/2015 công ty giảm 15 lao động còn lại 158 lao động; tháng 9/2015 công ty giảm 03 lao động; tháng 10/2015 công ty tiếp tục giảm 16 lao động còn 139 lao động; Từ tháng 11 năm 2015 đến tháng 01 năm 2016 lao động của Công ty N giữ nguyên 139 lao động, không tăng không giảm và sau đó các tháng 02, 3/2016 công ty tiếp tục giảm 4 và 3 lao động nữa. Như vậy, từ tháng 8 năm 2015 đến tháng 3 năm 2016 lao động của Công ty N chỉ giảm không tăng từ 173 lao động còn 132 lao động.
Đối với yêu cầu của đại diện bị đơn về việc thu thập chứng cứ tại Cục Hải quan tỉnh Bình Dương để làm rõ lượng hàng hóa xuất khẩu của bị đơn sang thị trường nước ngoài thời gian trước và sau khi bị đơn chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên đơn; theo đó Tòa án đã có Quyết định số 03/QĐ-CCTLCC ngày 07/9/2017 yêu cầu Cục Hải quan cung cấp tài liệu, chứng cứ bảng thống kê số lượng container hàng đã xuất khẩu của công ty N từ tháng 4 năm 2015 đến tháng 3 năm 2016. Tại Công văn số 2264/HQBD-GCQL ngày 14/9/2017 của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương và bản thống kê kèm theo đã cung cấp thông tin cho Tòa án như sau: Từ tháng 4 năm 2015 đến tháng 7 năm 2015 bị đơn xuất khẩu mỗi tháng 03 container hàng; từ tháng 8 năm 2015 đến tháng 3 năm 2016 mỗi tháng bị đơn xuất khẩu 02 container (chỉ tháng 12 năm 2015 là xuất khẩu 03 container bởi vì đây là tháng cuối năm).
Ngoài ra, đại diện nguyên đơn còn yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ tại Cục Thuế tỉnh Bình Dương để làm rõ tính xác thực của các báo cáo tài chính của Công ty N. Đại diện bị đơn trình bày, từ năm 2015 đến nay, Cục Thuế tỉnh Bình Dương chưa quyết toán thuế tại Công ty. Mặt khác, từ việc thu thập các chứng cứ nêu trên tại Cục Hải quan tỉnh Bình Dương và Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương đã đủ cơ sở để xác định từ tháng 8 năm 2015 đến tháng 3, tháng 4 năm 2016 bị đơn thu hẹp sản xuất, giảm lượng xuất khẩu hàng hóa, tổ chức lại lao động. Vì vậy, không cần thiết phải thu thập chứng cứ tại Cục Thuế tỉnh Bình Dương theo yêu cầu của đại diện nguyên đơn cũng đủ căn cứ để xác định công ty thu hẹp sản xuất, tổ chức lại lao động và không có việc công ty cho người lao động cũ nghỉ việc để tuyển lao động mới.
Về thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty N với bà C:
Hồ sơ vụ án thể hiện: Ngày 21/7/2015 Công ty ban hành Quyết định về cơ cấu lại lao động trong công ty (bút lục 280) nội dung công ty thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động trong toàn công ty, thay đổi giảm 30% sản lượng sản xuất. Cùng ngày 21/7/2015, căn cứ các biên bản họp ngày 16 và 18/7/2015, công ty N ban hành Quyết định số 01/QĐLĐ về việc tinh giảm lao động và ban hành phương án sử dụng lao động, kèm theo danh sách tinh giảm (bút lục 155 158). Ngày 25/7/2015, công ty tiến hành niêm yết các quyết định nêu trên tại cổng ra vào công ty, chốt bảo vệ, bảng thông báo công việc làm hàng ngày của các tổ (các bút lục 276-277). Ngày 22/7/2015, Sở Lao động thương binh và xã hội nhận được Công văn số 01.15/CV-LĐ ngày 21/7/2015 về việc cắt giảm nhân sự do thu hẹp sản xuất kinh doanh kèm theo Quyết định về cơ cấu lại lao động trong công ty ngày 21/7/2015. Đến ngày 28/7/2015 Sở Lao động thương binh và xã hội trả lời cho công ty tại Công văn số 1926/CV-SLĐ ngày 28/7/2015 về việc giảm lao động nội dung: “theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định 05/2015 của Chính phủ ngày 12/01/2015 thì trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế mà ảnh hưởng đến việc làm hoặc có nguy cơ mất việc làm, phải cho thôi việc từ 02 người lao động trở lên thì người sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật Lao động. trường hợp nêu trong công văn của công ty, pháp luật lao động không điều chỉnh cụ thể. Vấn đề này phụ thuộc hoàn toàn vào sự thỏa thuận của hai bên”. Ngày 16/9/2015 Công ty ban hành Quyết định số 41/2015-QĐCDHĐLĐ về việc chấm dứt hợp đồng lao động với bà Lê Thị C, giải quyết trợ cấp mất việc làm cho bà C số tiền 7.136.000 đồng, 45 ngày báo trước số tiền 6.175.000 đồng và một số chế độ khác cho bà C.
Đại diện nguyên đơn cung cấp cho Tòa án Công văn số 2727/SLĐTBXH- LĐTLBHXH ngày 05/9/2017 của Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Bình Dương trả lời ông H đối với Công văn số 01.15/CV-LĐ ngày 21/7/2015 về việc cắt giảm nhân sự do thu hẹp sản xuất kinh doanh của bị đơn. Nội dung công văn số 2727 xác định việc bị đơn chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động của Công ty N pháp luật không quy định cụ thể và thuộc khoản 3 Điều 36 Bộ luật Lao động là chưa phù hợp bởi trường hợp của bị đơn thuộc khoản 10 Điều 36 và pháp luật lao động cũng đã quy định cụ thể tại Điều 13 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Điều 44 Bộ luật Lao động như trên đã phân tích. Mặt khác, tại Công văn 2727 Sở Lao động thương binh và xã hội cũng xác định Công văn số 01.15/CV-LĐ ngày 21/7/2015 của Công ty N là công văn xin ý kiến nên nguyên đơn cho rằng công ty chưa thực hiện việc thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh tại khoản 3 Điều 44 Bộ luật Lao động. Xét thấy, nội dung Công văn số 01.15/CV-LĐ ngày 21/7/2015 và Quyết định về cơ cấu lại lao động trong công ty ngày 21/7/2015 được bị đơn gửi cho Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Bình Dương ngày 22/7/2015 có nội dung: “…nay Công ty TNHH N làm tờ trình này kính gửi Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Bình Dương về việc cắt giảm nhân sự tại Công ty do thu hẹp sản xuất kinh doanh với số lượng như sau…..trên đây là số lượng nhân sự công ty sẽ cắt giảm để phù hợp với quy mô sản xuất hiện tại và sắp tới, kính mong quý cơ quan xem xét và có hướng dẫn cụ thể các thủ tục cần thiết và những quy định liên quan đến việc cắt giảm nhân sự này trong thời gian sớm nhất”.
Như vậy, về nội dung công ty đã thông báo cho cơ quan quản lý lao động cấp tỉnh biết lý do, số lượng lao động sẽ bị cắt giảm đồng thời đề nghị hướng dẫn thủ tục, quy định liên quan đến việc cắt giảm. Việc đề nghị hướng dẫn thủ tục trong trường hợp này không thể phủ định nội dung công ty đã thông báo cho Sở biết việc cắt giảm lao động. Ngoài ra, thời điểm ngày 21/7/2015 thì Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động, thương binh và xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ chưa được ban hành vì vậy chưa có hướng dẫn cụ thể đối với văn bản Thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh khi thay đổi cơ cấu, công nghệ như hướng dẫn tại Điều 7 của Thông tư nêu trên.
Đại diện nguyên đơn còn cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào các lời khai của đại diện công đoàn công ty và một số người lao động hiện đang làm việc tại công ty để làm căn cứ giải quyết vụ án là không phù hợp. Xét các bản tự khai (bút lục 64-70), các biên bản xác minh (bút lục 71-83), biên bản đối chất ngày 07/4/2017 (bút lục 241-242) đã được Tòa án cấp sơ thẩm xác minh, thu thập chứng cứ phù hợp với quy định tại các Điều 97, 98, 99 và 100 Bộ luật Tố tụng dân sự; lời khai của những người làm chứng là thống nhất về việc có được công ty thông báo sẽ cắt giảm biên chế một số công nhân trong công ty vào năm 2015 với lý do công ty thu hẹp sản xuất. Lời khai này cũng phù hợp với lời khai của bà C tại bút lục số 241 "trước đó tôi không nhớ là ngày tháng nào của năm 2015, tôi nhớ A D tổ trưởng tổ sơn của chúng tôi có tổ chức cuộc họp gồm các anh em công nhân trong tổ tại phòng sơn và A D họp thông báo với nội dung a D vừa họp với ban giám đốc công ty và quản đốc xưởng nội dung thông báo là sẽ tinh giản biên chế trong công ty...sẽ giảm đi một số người vì lý do thu hẹp sản xuất nên phải giảm biên chế...". Do vậy, ý kiến nêu trên của đại diện nguyên đơn là không có căn cứ chấp nhận.
Từ những phân tích trên xét thấy, việc chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty N đối với bà C thuộc trường hợp quy định tại khoản 10 Điều 36 Bộ luật Lao động; điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động. Các thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động của bị đơn đã thực hiện đúng quy định tại các Điều 44, 46, 48 Bộ luật Lao động và khoản 3 Điều 13 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc bị đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và đình chỉ xét xử do nguyên đơn rút yêu cầu buộc bị đơn nhận nguyên đơn trở lại làm việc và buộc bị đơn thanh toán tiền bảo hiểm thất nghiệp là có căn cứ, phù hợp pháp luật.
[3] Từ những phân tích trên, không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Lê Thị C; Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương là phù hợp với quy định của pháp luật.
[4] Về án phí: Án phí phúc thẩm bà C được miễn theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ:
- Khoản 1 Điều 148; khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự;
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn bà Lê Thị C. Giữ nguyên phần quyết định của Bản án sơ thẩm số 02/2017/LĐ-ST ngày 22 tháng 6 năm 2017 của Tòa án nhân dân thị xã B, tỉnh Bình Dương như sau:
Áp dụng:
- Khoản 10 Điều 36; các Điều: 44, 46 và 48 Bộ luật Lao động;
- Điều 13 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động.
- Điểm a khoản 1 Điều 12; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Lê Thị C đối với bị đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn N về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
2. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị C về việc yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn N nhận bà Lê Thị C trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã ký và yêu cầu buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn N thanh toán tiền bảo hiểm thất nghiệp.
3. Về án phí sơ thẩm, phúc thẩm: Bà Lê Thị C không phải nộp. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 14/2017/LĐ-PT ngày 25/09/2017 về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Số hiệu: | 14/2017/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Dương |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 25/09/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về