Bản án 140/2019/KDTM-ST ngày 16/09/2019 về tranh chấp hợp đồng dịch vụ

A ÁN NHÂN DÂN QUẬN 1, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 140/2019/KDTM-ST NGÀY 16/09/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ

Trong các ngày 09 tháng 9 năm 2019 và ngày 16 tháng 9 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại sơ thẩm thụ lý số: 706/2016/TLST-KDTM, ngày 04 tháng 05 năm 2016 về việc “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 2812/2019/QĐXXST-KDTM, ngày 16 tháng 7 năm 2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số: 3530/2019/QĐST-KDTM, ngày 14 tháng 8 năm 2019, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty Cổ phần D.

Địa chỉ: KCN P, phường T, quận C, thành phố Cần Thơ.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Kim T (Văn bản ủy quyền số: 01/2018/GUQ-DKDP, ngày 12 tháng 10 năm 2018)

Địa chỉ: 41-43 đường V, Phường Y, Quận Z, Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Bị đơn: Công ty TNHH N.

Địa chỉ: 79 Bis đường Đ, phường K, Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: 1. Ông Nguyễn Minh Đ, sinh năm 1971 (Văn bản ủy quyền số: 20190723/GUQ, ngày 23 tháng 7 năm 2019).

2. Ông Nguyễn Văn D, sinh năm 1986 (Văn bản ủy quyền số: 20190724/GUQ, ngày 24 tháng 7 năm 2019).

Cùng địa chỉ: 19 Lô G3, Đường M, Khu dân cư Q, phường N, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh.

3.Ngưi có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

Công ty Cổ phần vận tải dầu khí M.

Địa chỉ: Lầu 07, Tòa nhà T, số 45A-47 Đường V, phường B, quận N, Thành phố Cần Thơ.

Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Ông Nguyễn Quế K (Văn bản ủy quyền số: 08A/2017/GUQ-MKT V/v: Ủy quyền tham gia tố tụng ngày 14 tháng 2 năm 2017).

(Bị đơn có mặt. Nguyên đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có đơn xin xét xử vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện đề ngày 19 tháng 4 năm 2016, bản tự khai và tại các buổi làm việc tại Tòa án, nguyên đơn – Công ty Cổ phần D có bà Nguyễn Thị Kim T là người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Công ty Cổ phần D (sau đây gọi tắt là nguyên đơn) và Công ty TNHH N (sau đây gọi tắt là bị đơn) có ký Hợp đồng chuyến vận chuyển xăng dầu bằng đường biển số: 01/DKDP-NPD/2014, ngày 13 tháng 3 năm 2014 để thuê tàu S 689 vận chuyển 4.500 tấn +/- 10% dầu DO 0,25% Sulfur từ cảng U đến kho PV Oil M Cần Thơ Việt Nam.

Xếp hàng (laycan) từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 3 năm 2014.

Ngày 20 tháng 3 năm 2014, bị đơn gửi công văn đề nghị dời laycan sang ngày 20-22 tháng 3 năm 2014 vì tàu S 689 của bị đơn bị cảnh sát biển Malaysia bắt giữ vào ngày 05 tháng 3 năm 2014 do neo đậu không đúng vị trí.

Sau nhiều lần đề nghị dời ngày xếp hàng thì bị đơn tự yêu cầu hủy hợp đồng mà không thực hiện bất kỳ biện pháp khắc phục hậu quả nào. Nguyên đơn không chấp nhận hủy Hợp đồng và đề nghị bị đơn ký hợp đồng với hãng tàu khác thay thế nếu bị đơn không chấp nhận thì nguyên đơn sẽ tự ký và yêu cầu bồi thường chi phí vận chuyển chênh lệch và các chi phí phát sinh khác nếu có.

Để giảm thiệt hại vì chậm trễ dời hàng nguyên đơn Công ty Cổ phần D và Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí M (sau đây gọi là người liên quan) đã ký Hợp đồng chuyến vận chuyển xăng dầu bằng đường biển số: 16/MKT-PTM.MKT01, ngày 27 tháng 3 năm 2014 và đã thực hiện xong.

Nguyên đơn đã gửi rất nhiều công văn yêu cầu khắc phục hậu quả và bồi thường do vi phạm nghĩa vụ đến bị đơn nhưng không được giải quyết.

Nguyên đơn yêu cầu:

Bị đơn bồi thường vi phạm Hợp đồng tổng số tiền: 691.837.398 (Sáu trăm chín mươi mốt triệu tám trăm ba mươi bảy nghìn ba trăm chín mươi tám) đồng, gồm:

ớc vận chuyển chênh lệch: 18.000 USD x 21.120 = 380.160.000 đồng.

Hao hụt: 0,05% x 5.764.167 lít x 22.550 đồng/lít = 64.990.982 đồng.

Giá Platt’s: 0,322 USD/thùng x 36.274 thùng x 21.120 = 246.686.415 đồng.

Ngày 21 tháng 2 năm 2017 nguyên đơn có đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện yêu cầu bị đơn bồi thường vi phạm Hợp đồng cho nguyên đơn các khoản thiệt hại tổng cộng 959.395.121 (Chín trăm năm mươi chín triệu ba trăm chín mươi nhăm nghìn một trăm hai mươi mốt) đồng, gồm:

Chi phí bồi thường (tỷ giá 21.120 VNĐ/USD ngày 21/3/2014) chi tiết như sau: Cước vận chuyển chênh lệch: 18.000 USD x 21.120 = 380.160.000 đồng.

Hao hụt: 0,0459% x 5.764.167 lít x 22.550 đồng/lít = 59.661.722 đồng.

Giá Platt’s: 0,322 USD/thùng x 36.274 thùng x 21.120 = 246.686.415 đồng. lãi suất chậm trả tạm tính là 13,25% x 3 x 686.508.137 = 272.886.984 đồng Căn cứ Điều 306 Luật thương mại 2005, nguyên đơn tính lãi suất 13,25% là trung bình cộng lãi suất nợ quá hạn của 03 ngân hàng: Agribank (105 x 150%); Vietcombank (7% x 150%); Viettinbank (9,55 x 150 %) với thời gian chậm thanh toán là 03 (ba) năm tạm tính từ tháng 03 năm 2014 đến tháng 02 năm 2017.

* Ông Nguyễn Minh Đ là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn - Công ty TNHH N trình bày:

Công ty TNHH N không phải chủ tàu S 689 cũng không phải là người quản lý thuyền viên trên tàu. Công ty TNHH N chỉ là người thuê lại tàu của Công ty TNHH Thủy Sản Hải Phòng. Theo quy định khoản 4 Điều 68 Bộ Luật tố tụng dân sự, trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Bị đơn xác nhận về việc ký Hợp đồng chuyến vận chuyển xăng dầu bằng đường biển số: 01/DKDP-NPD/2014, ngày 13 tháng 3 năm 2014 đúng như nguyên đơn đã trình bày. Tuy nhiên khi tàu S 689 bị cảnh sát biển Malaysia bắt giữ và ngày 19 tháng 03 năm 2014 bị chuyển lên Tòa án Malaysia giải quyết, bị đơn đã có công văn xin dời ngày xếp hàng đề khi tàu được giải phóng thì có thể tiếp tục hành trình, tuy nhiên phía nguyên đơn không đồng ý và đến ngày 27 tháng 3 năm 2014 đã đơn phương ký Hợp đồng số 16 với Công ty Cổ phần Vận tải Xăng dầu M để vận chuyển dầu.

Theo quy định của khoản 5.8 Điều 5 Hợp đồng chuyến vận chuyển xăng dầu bằng đường biển số: 01/DKDP-NPD/2014, ngày 13 tháng 3 năm 2014 quy định trách nhiệm bên B- Công ty TNHH N: “ Bên B sẽ chịu trách nhiệm thuê tàu khác để vận chuyển hàng cho bên A trong trường hợp tàu bên B không thể vận chuyển được. Nếu bên B không có khả năng thuê phương tiện vận chuyển dẫn đến việc bên A phải thuê đơn vị khác vận chuyển với giá cước cao hơn giá cước vận chuyển đã thỏa thuận giữa đôi bên tại hợp đồng này, thì bên B sẽ thanh toán cho bên A phần giá trị chênh lệch giữa giá cước vận chuyển thực tế bên A trả cho đơn vị khác đó so với giá cước vận chuyển của hợp đồng này, trừ trường hợp bất khả kháng”. Nguyên đơn chưa có yêu cầu bị đơn thuê tàu khác để vận chuyển, bị đơn không có công văn hay biên bản nào thông báo cho nguyên đơn về việc không có khả năng thuê phương tiện vận chuyển khác, cũng không có bất kỳ thỏa thuận nào với bị đơn về việc sẽ thuê tàu khác mà nguyên đơn tự ý ký hợp đồng và thuê tàu của Công ty Cổ phần Vận tải Xăng dầu M để vận chuyển dầu là không đúng theo thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng. Do đó chi phí phát sinh do việc thuê tàu này không thuộc trường hợp bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn.

Ngoài ra việc tàu S 689 không thể thực hiện việc vận chuyển hàng theo Hợp đồng 01 là do xảy ra trường hợp bất khả kháng, bởi: Tình trạng hoạt động của tàu S 689 trước khi ký hợp đồng và sau khi bị đưa ra Tòa án Malaysia đều được bị đơn thông báo cho nguyên đơn. Thời điểm tàu S 689 bị cảnh sát biển Malaysia đưa hồ sơ lên Tòa án Malaysia giải quyết là ngày 19 tháng 03 năm 2014 là sau khi ký hợp đồng vận chuyển ngày 13 tháng 3 năm 2014. Sự việc này quá bất ngờ làm chủ tàu và các bên liên quan đều không lường trước được bởi với những vụ việc tương tự nếu cảnh vụ giữ giấy tờ thì họ chỉ xử phạt hành chính và nhanh chóng giải phóng tàu để tàu có thể tiếp tục hành trình. Khi sự việc xảy ra chủ tàu cố gắng tiếp xúc làm việc với cảng vụ, cảnh sát biển Malaysia để nhanh chóng giải quyết vụ việc và giải phóng cho tàu nhưng đều không có kết quả. Do đó, căn cứ vào Điều 1.7 Hợp đồng chuyến vận chuyển xăng dầu bằng đường biển số: 01/DKDP-NPD/2014, ngày 13 tháng 3 năm 2014; khoản 1 Điều 161; khoản 2 Điều 302 Bộ Luật dân sự năm 2005; khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại năm 2005 thì bị đơn được miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng do đây là sự kiện bất khả kháng.

Đối với các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn có ý kiến như sau:Đối với khoản tiền chênh lệch cước vận chuyển 380.160.000 (Ba trăm tám mươi triệu một trăm sáu mươi nghìn) đồng bị đơn cho rằng khoản chênh lệch này hoàn toàn không đáng có hoặc có thể thấp hơn con số này nhiều lần bởi lẽ nguyên đơn hoàn toàn có thể đàm phán với Công ty M hoặc một đối tác khác để yêu cầu mức cước phí vận chuyển tương đương hoặc thấp hơn so với Hợp đồng 01 nhưng nguyên đơn đã không thực hiện. Đối với yêu cầu thanh toán khoản hao hụt 64.990.982 (Sáu mươi tư triệu chín trăm chín mươi chín nghìn chín trăm tám mươi hai) đồng là vô lý bởi mức hao hụt thực tế phát sinh trong quá trình vận chuyển, việc này thuộc trách nhiệm của nhà vận chuyển trong việc bảo quản. Đối với giá Platt’s các bên không thỏa thuận trong hợp đồng đã ký và nguyên đơn không cung cấp bằng chứng bằng tiếng Việt về thỏa thuận giá Platt’s là có thật hay không nên bị đơn không chấp nhận.

Bị đơn đã nhiều lần đề nghị nguyên đơn cung cấp các tài liệu, chứng cứ bằng tiếng Việt, bản chính hoặc bản sao y có công chứng chứng thực theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam nhưng trong suốt quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2016 đến nay nguyên đơn vẫn không cung cấp được nên bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa:

Ông Nguyễn Minh Đ là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn Công ty TNHH N giữ nguyên ý kiến đã trình bày trong các buổi làm việc, hòa giải, trong các biên bản hòa giải và bản khai tại Tòa án nhân dân Quận 1. Đề nghị Hội đồng xét xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn do đó không có tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của nguyên đơn là hợp pháp và hợp lý.

Ngày 14 tháng 2 năm 2017, Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí M có ông Hồng Lưu Tuấn là người đại diện theo pháp luật có đơn xin xét xử vắng mặt trong toàn bộ quá trình tố tụng tại Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí M không có đơn yêu cầu độc lập liên quan đến vụ án.

Ngày 20 tháng 8 năm 2019 Công ty Cổ phần D có ông Nguyễn Thanh Tùng là người đại diện theo pháp luật có đơn xin xét xử vắng mặt tại phiên tòa và đề nghị Tòa án xem xét và giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Ngày 13 tháng 8 năm 2019, bà Nguyễn Thị Kim T là người đại diện theo ủy quyền của Công ty Cổ phần D có đơn xin xét xử vắng mặt và đề nghị Tòa án xem xét và giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật, Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh nhận ngày 27 tháng 8 năm 2019.

* Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đại diện Viện kiểm sát nhân dân Quận 1 phát biểu ý kiến:

- Thẩm phán đã chấp hành đúng quy định tại Điều 48 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Thẩm quyền giải quyết vụ án, thời hiệu khởi kiện, việc thu thập chứng cứ, thời hạn chuẩn bị xét xử, quyết định đưa vụ án ra xét xử và thời hạn chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu, việc tống đạt các văn bản tố tụng là đúng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35, Điều 39, Điều 97, Điều 171, Điều 203 và Điều 220 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Hội đồng xét xử đã tiến hành xét xử đảm bảo nguyên tắc công khai, độc lập, khách quan, trực tiếp, bằng lời nói và đúng trình tự, thủ tục quy định tại các Điều 12, 14, 15, 15, 237, 239, 250 và 260 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Nguyên đơn và bị đơn đã thực hiện đúng quy định tại Điều 70, 227 và 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của các đương sự và Hội đồng xét xử: Trong quá trình giải quyết vụ án, và tại phiên tòa, các đương sự và Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến về việc giải quyết vụ án: Đề nghị không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn do nguyên đơn chưa nộp các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình theo đúng quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về pháp luật tố tụng: Công ty Cổ phần D khởi kiện yêu cầu Công ty TNHH N trả số tiền còn nợ phát sinh từ Hợp đồng dịch vụ giữa các bên. Đây là vụ án kinh doanh thương mại do tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh giữa các tổ chức có đăng ký kinh doanh và đều có mục đích lợi nhuận. Bị đơn - Công ty TNHH N có trụ sở chính tại Quận 1 nên căn cứ Khoản 1 Điều 30, điểm b Khoản 1 Điều 35, điểm a Khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Các đương sự trong vụ án đã được tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng. Đại diện theo pháp luật của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan - Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí M có đơn xin xét xử vắng mặt ngày 14 tháng 02 năm 2017; Đại diện theo pháp luật của nguyên đơn- Công ty Cổ phần D có đơn xin xét xử vắng mặt đề ngày 20 tháng 8 năm 2019, Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn có đơn xin xét xử vắng mặt ngày 13 tháng 8 năm 2019 (Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh nhận ngày 27 tháng 8 năm 2019) nên Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt nguyên đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan theo quy định của khoản 2 Điều 227 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[2] Về pháp luật nội dung:

2.1. Xét việc nguyên đơn yêu cầu bị đơn bồi thường vi phạm hợp đồng:

Theo trình bày của nguyên đơn : Công ty Cổ phần D (sau đây gọi tắt là nguyên đơn) và Công ty TNHH N (sau đây gọi tắt là bị đơn) có ký Hợp đồng chuyến vận chuyển xăng dầu bằng đường biển số: 01/DKDP-NPD/2014, ngày 13 tháng 3 năm 2014 để thuê tàu S 689 vận chuyển 4.500 tấn +/- 10% dầu DO 0,25% Sulfur từ cảng U đến kho PV Oil M Cần Thơ Việt Nam. Xếp hàng (laycan) từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 3 năm 2014. Ngày 20 tháng 3 năm 2014, bị đơn gửi công văn đề nghị dời laycan sang ngày 20-22 tháng 3 năm 2014 vì tàu S 689 của bị đơn bị cảnh sát biển Malaysia bắt giữ vào ngày 05 tháng 3 năm 2014 do neo đậu không đúng vị trí. Sau nhiều lần đề nghị dời ngày xếp hàng thì bị đơn tự yêu cầu hủy hợp đồng mà không thực hiện bất kỳ biện pháp khắc phục hậu quả nào. Nguyên đơn không chấp nhận hủy Hợp đồng và đề nghị bị đơn ký hợp đồng với hãng tàu khác thay thế nếu bị đơn không chấp nhận thì nguyên đơn sẽ tự ký và yêu cầu bồi thường chi phí vận chuyển chênh lệch và các chi phí phát sinh khác nếu có. Để giảm thiệt hại vì chậm trễ dời hàng nguyên đơn Công ty Cổ phần D và Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí M (sau đây gọi là người liên quan) đã ký Hợp đồng chuyến vận chuyển xăng dầu bằng đường biển số: 16/MKT- PTM.MKT01, ngày 27 tháng 3 năm 2014 và đã thực hiện xong.

Xét yêu cầu của nguyên đơn đòi số tiền bồi thường vi phạm Hợp đồng là: 691.837.398 (Sáu trăm chín mươi mốt triệu tám trăm ba mươi bảy nghìn ba trăm chín mươi tám) đồng, bao gồm: Cước vận chuyển chênh lệch: 18.000 USD x 21.120 = 380.160.000 đồng. Hao hụt: 0,05% x 5.764.167 lít x 22.550 đồng/lít = 64.990.982 đồng. Giá Platt’s: 0,322 USD/thùng x 36.274 thùng x 21.120 = 246.686.415 đồng:

Theo quy định của khoản 5.8 Điều 5 Hợp đồng chuyến vận chuyển xăng dầu bằng đường biển số: 01/DKDP-NPD/2014, ngày 13 tháng 3 năm 2014 quy định trách nhiệm bên B- Công ty TNHH N: “ Bên B sẽ chịu trách nhiệm thuê tàu khác để vận chuyển hàng cho bên A trong trường hợp tàu bên B không thể vận chuyển được. Nếu bên B không có khả năng thuê phương tiện vận chuyển dẫn đến việc bên A phải thuê đơn vị khác vận chuyển với giá cước cao hơn giá cước vận chuyển đã thỏa thuận giữa đôi bên tại hợp đồng này, thì bên B sẽ thanh toán cho bên A phần giá trị chênh lệch giữa giá cước vận chuyển thực tế bên A trả cho đơn vị khác đó so với giá cước vận chuyển của hợp đồng này, trừ trường hợp bất khả kháng”. Trong hồ sơ vụ án nguyên đơn không nộp tài liệu chứng cứ thể hiện có yêu cầu bị đơn thuê tàu khác để vận chuyển, bị đơn xác nhận không có công văn hay biên bản nào thông báo cho nguyên đơn về việc không có khả năng thuê phương tiện vận chuyển khác, cũng không có bất kỳ thỏa thuận nào với nguyên đơn về việc sẽ thuê tàu khác mà nguyên đơn tự ký hợp đồng và thuê tàu của Công ty Cổ phần Vận tải Xăng dầu M để vận chuyển dầu là không đúng theo thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng. Do đó, yêu cầu của nguyên đơn đòi bồi thường thiệt hại số tiền cước vận chuyển chênh lệch là không có căn cứ chấp nhận.

Đối với yêu cầu của nguyên đơn đòi số tiền bồi thường vi phạm Hợp đồng về hao hụt: 0,05% x 5.764.167 lít x 22.550 đồng/lít = 64.990.982 đồng và giá Platt’s: 0,322 USD/thùng x 36.274 thùng x 21.120 = 246.686.415 đồng: Các bên có thỏa thuận về hao hụt hàng hóa theo khoản 2.4, Điều 2 Hợp đồng chuyến vận chuyển xăng dầu bằng đường biển số: 01/DKDP-NPD/2014, ngày 13 tháng 3 năm 2014 nhưng không có thỏa thuận về giá Platt’s và mặc dù ngày 13 tháng 4 năm 2019, bà Nguyễn Thị Kim T là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đã ký nhận trực tiếp Quyết định yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ số : 1597/2018/QĐ-CCTLCC ngày 10 tháng 4 năm 2018 của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh nhưng cho đến ngày xét xử sơ thẩm vụ án, nguyên đơn không cung cấp các kết quả hóa nghiệm mẫu hàng từ tàu tại cảng dỡ hàng cũng không cung cấp các tài liệu, chứng cứ chứng minh thực tế hàng hóa có hao hụt và hồ sơ hải quan, vận đơn, lệnh xếp hàng, xuất xứ hàng hóa (C/O) tại cảng xếp hàng…Nguyên đơn không cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo khoản 5 Điều 70 và Điều 91 Bộ luật tố tụng tụng dân sự ‘Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đầy đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc’ ; khoản 3 Điều 96 Bộ luật tố tụng tụng dân sự ‘Đương sự giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp’ nên yêu cầu của nguyên đơn không có cơ sở để hội đồng xét xử xem xét chấp nhận.

2.2. Xét việc nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán lãi suất chậm trả tạm tính là 272.886.984 ( Hai trăm bảy mươi hai triệu tám trăm tám mươi sáu nghìn chín trăm tám mươi bốn) đồng theo đơn xin thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện ngày 21 tháng 2 năm 2017:

Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã có Thông báo về việc nộp tạm ứng án phí bổ sung đối với yêu cầu khởi kiện bổ sung số: 706/TB-TA ngày 10 tháng 4 năm 2018; bà Nguyễn Thị Kim T là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đã được tống đạt trực tiếp vào ngày 13 tháng 4 năm 2018 nhưng nguyên đơn vẫn không đóng tạm ứng cho yêu cầu khởi kiện bổ sung và trong các buổi làm việc, hòa giải tiếp theo nguyên đơn không yêu cầu nên Tòa án nhân dân Quận 1 chưa thụ lý và không xem xét yêu cầu này của nguyên đơn.

[3] Về án phí kinh doanh thương mại: Công ty Cổ phần D phải chịu án phí theo quy định pháp luật đối với yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ vào khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 và khoản 4 Điều 91; khoản 1 Điều 95; khoản 1 và khoản 3 Điều 96; Điều 147, khoản 2 Điều 227, Điều 271, Khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự;

- Căn cứ vào Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

- Căn cứ Luật Thi hành án dân sự năm 2008; Tuyên xử:

1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Cổ phần D về việc yêu cầu bị đơn Công ty TNHH N bồi thường vi phạm Hợp đồng chuyến vận chuyển xăng dầu bằng đường biển số: 01/DKDP-NPD/2014, ngày 13 tháng 3 năm 2014 tổng số tiền là: 691.837.398 (Sáu trăm chín mươi mốt triệu tám trăm ba mươi bảy nghìn ba trăm chín mươi tám) đồng, gồm: Cước vận chuyển chênh lệch: 18.000 USD x 21.120 = 380.160.000 đồng. Hao hụt: 0,05% x 5.764.167 lít x 22.550 đồng/lít = 64.990.982 đồng. Giá Platt’s: 0,322 USD/thùng x 36.274 thùng x 21.120 = 246.686.415 đồng.

2. Về án phí kinh doanh thương mại:

Công ty Cổ phần D phải chịu án phí là: 31.673.495 (Ba mươi mốt triệu sáu trăm bảy mươi ba nghìn bốn trăm chín mươi lăm) đồng nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là: 15.836.748 (Mười lăm triệu tám trăm ba mươi sáu nghìn bảy trăm bốn mươi tám) đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số: AA/2014/0003831 mgày 04 tháng 5 năm 2016 đồng của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh nên còn phải đóng thêm số tiền là: 15.836.747 (Mười lăm triệu tám trăm ba mươi sáu nghìn bảy trăm bốn mươi bảy) đồng.

3. Quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 (Mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với đương sự vắng mặt thì thời hạn kháng cáo là 15 (Mười lăm) ngày kể từ ngày đương sự nhận hoặc được tống đạt, niêm yết hợp lệ bản án sơ thẩm.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

607
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 140/2019/KDTM-ST ngày 16/09/2019 về tranh chấp hợp đồng dịch vụ

Số hiệu:140/2019/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận 1 - Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 16/09/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;