Bản án 136/2020/DS-PT ngày 20/08/2020 về tranh chấp di sản thừa kế

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

BẢN ÁN 136/2020/DS-PT NGÀY 20/08/2020 VỀ TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ

Trong các ngày 13 và ngày 20/8/2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 44/2020/DS-PT ngày 19/02/2010 về việc “Tranh chấp chia di sản thừa kế” do Bản án dân sự sơ thẩm số 36/2019/DS-ST ngày 29/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện H bị kháng cáo, kháng nghị. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 73/2020/QĐPT-DS ngày 27/3/2020, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Huỳnh Thị H, sinh năm 1935; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: ấp 5, xã P, huyện C, tỉnh L; nơi cư trú: tổ 8, khu phố 1, thị trấn T, huyện H, tỉnh Bình Phước. Vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Nguyễn Quang H, sinh năm 1961; trú tại: số nhà 79A, khu phố 1, phường T, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh, theo giấy ủy quyền ngày 17/4/2019. Có mặt.

Bị đơn: Ông Phạm Hữu S, sinh năm 1967; trú tại: tổ 8, ấp 1, thị trấn T, huyện H, tỉnh Bình Phước. Có mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Bà Nguyễn Ngọc Diễm H, sinh năm 1965; nơi cư trú: tổ 5, ấp X, xã T, huyện H, tỉnh Bình Phước. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Lê Minh T – Văn phòng Luật sư M, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước; địa chỉ: số 751 Quốc lộ 14, khu phố T, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước. Có mặt khi xét xử, vắng mặt khi tuyên án.

Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Nguyễn Thị Kim L, sinh năm 1961;

2. Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1960;

3. Ông Đỗ Văn Đ, sinh năm 1966;

4. Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1960;

5. Ông Phạm Văn T, sinh năm 1960;

Cùng trú tại: tổ 8, khu phố 1, thị trấn T, huyện H, tỉnh Bình Phước. Đều vắng mặt.

6. Bà Nguyễn Thị B, sinh năm 1966; nơi cư trú: tổ 8, khu phố 1, thị trấn T, huyện H, tỉnh Bình Phước, là vợ hiện tại của ông S. Có mặt Người đại diện theo ủy quyền của bà Bí: Bà Nguyễn Ngọc Diễm H, sinh năm 1965; trú tại: Tổ 5, ấp X, xã T, huyện H, tỉnh Bình Phước, theo giấy ủy quyền ngày 08/7/2019. Có mặt.

7. UBND huyện H, tỉnh Bình Phước. Vắng mặt.

Người kháng cáo: Bị đơn ông Phạm Hữu S; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị B.

Vin kiểm sát kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện ngày 01/7/2018 và quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn bà Huỳnh Thị H và người đại diện của bà H là ông Nguyễn Quang H trình bày:

Bà Huỳnh Thị H là mẹ ruột của bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1967 (chết ngày 30/8/2010). Năm 1989, bà T kết hôn với ông Phạm Hữu S đến ngày 20/5/2002 mới đăng ký kết hôn tại UBND xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước. Sau khi kết hôn, bà T và ông S cùng chung sống tại huyện C, tỉnh L. Thời gian này, bà T và ông S có tài sản chung là một chiếc tàu nhỏ (chiếc ghe). Khoảng năm 1999-2000, vợ chồng bà T bán chiếc ghe được 11 chỉ vàng 24k, dùng số vàng này tới xã T, huyện B nhận chuyển nhượng 10.894m2 đất và tài sản trên đất của vợ chồng ông Lê Văn T (con rể bà H) và bà Nguyễn Ngọc Ánh (chị ruột của bà T) với giá 27 chỉ vàng 24k. Khi mua, vợ chồng bà T, ông S đưa trước 1,1 cây vàng và nhận đất, số còn lại 02 năm sau vợ chồng bà T, ông S trả hết cho vợ chồng ông T. Sau khi thanh toán xong, vợ chồng ông T làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho vợ chồng bà T, ông S. Khi vợ chồng ông S, bà T nhận đất của ông T, bà Ánh, tài sản trên đất là điều và cà phê, sau đó phá điều, cà phê trồng cao su từ đó cho đến nay. Năm 2003, ông S, bà T được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hộ Phạm Hữu S. Trước khi bà T, ông S về chung sống với nhau, chưa ai có gia đình riêng. Quá trình chung sống, bà T, ông S không có con chung, cũng không có con nuôi, con riêng.

Ngày 30/8/2010, bà T bệnh nặng qua đời, không để lại di chúc. Khi đó, bà Huỳnh Thị H là mẹ ruột bà T còn sống, chồng bà H (bố ruột bà T) đã chết trước bà T khoảng 2 năm. Thời điểm bà T chết, vợ chồng có tài sản là thửa đất số 115, tờ bản đồ số 17, diện tích đất 10.894m2 tọa lạc tại tổ 08, khu phố 01, thị trấn T, huyện H, tỉnh Bình Phước (sau đây gọi tắt là thửa đất 115), đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hộ ông Phạm Hữu S. Năm 2011 ông S đã kết hôn với bà Nguyễn Thị B, trong quá trình Tòa án đang giải quyết việc chia thừa kế thì ngày 18/12/2018 ông S và bà Bí đã lập văn bản phân chia, chuyển tên quyền sử dụng thửa đất 115 sang tên ông Phạm Hữu S và bà Nguyễn Thị B.

Bà H khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế chia di sản của bà T là quyền sử dụng trong thửa đất 115 nói trên. Cụ thể bà yêu cầu được nhận ¼ đất và tài sản trên đất (1/2 di sản thừa kế của bà T) đối với thửa đất số 115. Nguyện vọng của bà H được nhận phần đất theo sơ đồ đo đạc ngày 26/3/2019 của Công ty TNHH MTV Đo đạc bản đồ B, được đặt tên thửa 115-1 nằm trong thửa số 115, có diện tích 2.524,4m2, trong đó có 100m2 đt ở, 132,5m2 thuc hành lang đường bộ, 477,2m2 thuộc hành lang bảo vệ đường điện và tài sản trên đất.

Ngoài ra, bà H không có yêu cầu gì khác.

Quá trình giải quyết vụ án ông Phạm Hữu S và người đại diện theo ủy quyền là bà Nguyễn Ngọc Diễm H trình bày:

Ông Phạm Hữu S thừa nhận về quan hệ vợ chồng, hàng thừa kế như bà H trình bày. Về nguồn gốc thửa đất 115 bà H yêu cầu chia thừa kế, trước đây, ông S có tham gia quân ngũ đến ngày 31/10/1988 xuất ngũ về cư trú tại xã P, huyện C, tỉnh L theo Quyết định số 1995/QĐ-PV ngày 28/10/1988 của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh L. Khi xuất ngũ, ông S được nhận tổng số tiền trợ cấp là 10.884 đồng. Đến năm 2000, cha ruột của ông S là ông Phạm Hữu Vịnh (đã chết) có cho riêng ông S một phần đất 3.786m2 ta lạc tại xã P, huyện C, tỉnh L. Do cần tiền để nhận chuyển nhượng đất của ông T và bà Ánh diện tích là 10.984m2 tại ấp 01, xã T, huyện H, tỉnh Bình Phước nên ông S có yêu cầu ông Vịnh ký chuyển nhượng trực tiếp cho chị gái là bà Phạm Thị Hoa diện tích đất trên. Ngày 27/02/2001, UBND huyện C đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất này cho bà Hoa. Ông S xác định, khi lập nghiệp tại huyện B, ông có nhận chuyển nhượng của ông T và bà Ánh một thửa đất với giá 11 chỉ vàng 24k như bà H trình bày. Lúc đầu ông S trả 7 chỉ vàng 24k và nhận đất, đến ngày 07/11/2003 ông S trả hết số tiền còn lại là 4 chỉ vàng, sau đó các bên làm thủ tục sang sổ, đến ngày 08/12/2003 thì hộ ông Phạm Hữu S được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2010, bà T bị bệnh điều trị tại Bệnh viện huyện B, sau đó đưa vào Bệnh viện nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh thì qua đời. Chị gái bà T là bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt hiện nay đang tu tại Chùa Bửu Quang Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh đưa thi hài bà T về chùa Bửu Quang làm lễ an táng.

Về nguồn tiền liên quan đến bà T, trước đây cha mẹ bà T (do bà Nguyệt là chị gái bà T đứng tên) được Nhà nước đền bù do bị thu hồi đất ruộng ở Long An. Sau khi nhận được tiền đền bù, anh em bà T chia nhau mỗi người 60 triệu đồng, còn lại 02 thửa đất thổ cư và 01 sào đất bà Nguyệt giữ lại ở quê. Thời gian đó, bà T đi Chùa Bửu Quang thường xuyên cho nên lấy 60 triệu đồng đó đi mua 25 phần quà tặng cho người nghèo tại Chùa T xã T, huyện H. Còn về số tiền phúng điếu cho bà T, sau khi bà T chết, bà con phúng điếu tại Chùa Bửu Quang số tiền 110 triệu đồng, bà Nguyệt chi trả chi phí mai táng 80 triệu đồng, số tiền 30 triệu đồng còn lại thì gửi Chùa để cúng chay tăng cho bà T. Chi phí cúng chay tăng tổng cộng là 50 triệu đồng nhưng ông S không có tiền nên ông thế chấp quyền sử dụng đất (đang tranh chấp nói trên) tại Ngân hàng để vay 20 triệu đồng đưa cho bà Nguyệt thêm vào cho đủ. Sau đó 4 năm bà Nguyệt cũng chết.

Ý kiến của bị đơn và người đại diện theo ủy quyền: Không đồng ý chia di sản theo yêu cầu của bà H, vì toàn bộ tiền mua đất là tiền riêng của ông S, bà T không có đóng góp gì trong tài sản đó. Ông S chỉ đồng ý trợ cấp tiền cho bà H 100 triệu đồng, nếu bà H không đồng ý thì ông S đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn xác định hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ năm 2002 của thửa đất 115 trên chỉ có ông S ký với gia đình ông T, không có tên bà T; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi hộ ông Phạm Hữu S thì chỉ xác định hộ gia đình là những người cùng huyết thống.

Người đại theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị B và người đại diện theo ủy quyền là bà Nguyễn Ngọc Diễm H trình bày:

Bà Bí và ông Phạm Hữu S kết hôn vào năm 2011. Sau khi kết hôn, bà Bí và ông S cùng chung sống tại tổ 08, ấp 01, xã T (nay thị trấn T), huyện H, tỉnh Bình Phước. Trong quá trình chung sống, bà Bí đã cùng ông S trả nợ gốc và lãi số tiền 20 triệu đồng tiền ông S vay của Ngân hàng để làm tang lễ cho bà T trước đó. Sau khi kết hôn, ông S bà Bí đã quản lý, sử dụng, cải tạo diện tích đất nói trên từ đó đến nay. Nay bà H yêu cầu chia thừa kế ¼ diện tích đất thì bà không đồng ý. Bà thống nhất như lời khai ông S trình bày và đồng ý trợ cấp tiền cho bà H là mẹ của bà T lúc tuổi già sức yếu là 100 triệu đồng. Nếu có cơ sở chấp nhận yêu cầu của bà H về chia di sản thừa kế diện tích đất ¼ đất tọa lạc tại tổ 08, ấp 01, xã T, huyện H, tỉnh Bình Phước, đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hộ ông Phạm Hữu S thì phải yêu cầu buộc bà H trả ½ giá trị công sức đóng góp mà bà tạo lập.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn T, bà Nguyễn Thị Kim L; ông Đỗ Văn D; bà Nguyễn Thị T; ông Phạm Văn T trình bày trong quá trình giải quyết vụ án:

Các ông, bà là những người có đất giáp đất giáp ranh với đất với ông S đang tranh chấp chia thừa kế tại tổ 08, ấp 01, thị trấn T, huyện H. Trong quá trình giải quyết vụ án, Công ty TNHH MTV đo đạc bản đồ B đo hiện trạng đất có chênh lệch với diện tích theo sơ đồ giấy chứng nhận quyền sử dụng quyền sử dụng đất, ông, bà không có yêu cầu chỉnh sổ lại và không có ý kiến gì khác. Nếu sau này có chính sách của Nhà nước yêu cầu thì chúng tôi sẽ điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Đại diện theo ủy quyền của UBND huyện H, ông Nguyễn Tấn Cường theo văn bản nêu ý kiến ngày 10/5/2019 trình bày:

Sự khác nhau giữa ranh đất sử dụng thực tế với ranh theo giấy chứng nhận quyền sử dụng của các thửa đất giáp ranh với thửa đất số 115, tờ bản đồ số 17, tại khu phố 1, thị trấn T, huyện H, tỉnh Bình Phước là do trong quá trình sử dụng có sự biến động về ranh giới hoặc có sự thỏa thuận khác của các bên chủ sử dụng. Trường hợp các bên yêu cầu thì UBND huyện sẽ căn cứ vào nội dung quyết định tại Bản án của Tòa án có có hiệu lực pháp luật để giải quyết theo quy định. Đại diện theo ủy quyền của UBND huyện có văn bản ngày 17/7/2019 yêu cầu giải quyết vắng mặt.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 36/2019/DS-ST ngày 29/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện H đã quyết định:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Huỳnh Thị H về yêu cầu chia di sản thừa kế.

Giao cho bà Huỳnh Thị H quản lý, sử dụng diện tích đất được đặt tên thửa 115-1, tờ bản đồ 17 trong thửa đất 115, tờ bản đồ số 17, tọa lạc tại tổ 8, khu phố 1, thị trấn T, huyện H, tỉnh Bình Phước, diện tích 2.524,4m2 trong đó có 100m2 đt ở nông thôn (thổ cư) và 132,5m2 hành lang bảo vệ đường bộ, 477,2m2 hành lang bảo vệ đường điện, đất có tứ cận: phía Đông bắc giáp đường đất có cạnh dài 19,75m, phía Đông nam giáp thửa 114 của Nguyễn Văn T có cạnh dài 34,7m+34,97m+23,33m+67,41m+5,29m+18,4m+6,65m, phía Tây nam giáp thửa 117 của Phạm Văn T có cạnh dài 17,62m, phía Tây bắc giáp thửa được đặt tên 115- 2 của ông Phạm Hữu S có cạnh dài 73,66m+18,84m+42,44m+6,21m. Trên đất có 30 cây mít trồng năm 2018, 50 buội chuối (250 cây), cây mít và cây chuối là do ông S và bà Bí trồng sau khi bà T chết, 15 cây điều 18 năm tuổi.

Bà Huỳnh Thị H hoàn trả cho ông Phạm Hữu S và và bà Nguyễn Thị B số tiền 4.590.000 (Bốn triệu năm trăm chín mươi nghìn) đồng giá trị cây trồng (cây mít và cây chuối) do ông S, bà Bí tạo lập sau khi bà T chết (theo biên bản định giá ngày 13/12/2018).

Tổng giá trị tài sản về đất nông nghiệp 2.424,4m2x30.000 đồng/m2=727.320.000 (Bảy trăm hai mươi bảy triệu ba trăm hai mươi nghìn) đồng, đất ở nông thôn (thổ cư) 100m2x900.000 đồng/m2 =90.000.000 (Chín mươi triệu) đồng. Tổng giá trị tài sản trên đất 10.410.000 (Mười triệu bốn trăm mười nghìn) đồng.

Giao cho ông Phạm Hữu S quản lý, sử dụng ba diện tích đất được đặt tên 115-2, 115-3 và 115-4, tờ bản đồ số 17 trong thửa số 115, tờ bản đồ số 17, tọa lạc tại tổ 8, khu phố 1, thị trấn T, huyện H, tỉnh Bình Phước, diện tích thực tế sử dụng 8.127,9m2, đất có tứ cận phía Đông bắc giáp đường đất có cạnh dài 13,69m+7,81m+11,81m+9,66+8,28m+13,27m, phía Đông nam giáp thửa số 115-1 được chia cho bà H có cạnh dài 73,66m+18,84m+42,44m+6,21m, phía Tây nam giáp thửa 117 của Phạm Văn T và đường đất có cạnh dài 17,48m+17,72m+17,6m và thửa 13 của Nguyễn Thị T có cạnh dài 10,22m, phía Tây bắc giáp thửa số 13 của Nguyễn Thị T có cạnh dài 18,1m+18,59m+21,46m+13,88m+39,03m+13,95m, trong đó có 300m2 đất ở nông thôn (thổ cư) và 389,8m2 thuộc hành lang bảo vệ đường bộ và 1.001,3m2 thuc hành lang bảo vệ đường điện. Trên đất có 96 cây mít 01 năm tuổi, 110 bụi chuối có số lượng 550 cây, 59 cây điều 18 năm tuổi, 02 cây bơ 08 năm tuổi, 04 bụi tầm vông (120 cây), 75 cây cao su 06 năm tuổi, 01 cây bưởi 05 năm tuổi, 02 cây sầu riêng 15 năm tuổi, 01 căn nhà cấp 4 diện tích 59,25m2, mái lợp tol, tường xây gạch, nền lát gạch tàu, nhà vệ sinh 1,8m2, mái lợp tol, nền lát gạch tàu, tường xây gạch, 01 bể nước có thể tích 2,25m3, 01 căn nhà tạm diện tích 24m2 kng còn giá trị sử dụng. Tổng giá trị về đất nông nghiệp 5.127,9m2x300.000 đồng/m2 =1.538.370.000 (Một tỷ năm trăm ba mươi tám triệu ba trăm bảy mươi nghìn) đồng, đất ở nông thôn (thổ cư) 300m2x900.000 đồng/m2=270.000.000(Hai trăm bảy mươi triệu) đồng; giá trị cây trồng 122.762.500 (Một trăm hai mươi hai triệu bảy trăm sáu mươi hai nghìn năm trăm) đồng. Theo biên bản định giá ngày 13/12/2018 của Hội đồng định giá tài sản huyện H, tỉnh Bình Phước.

Tài sản do bà Nguyễn Thị B tạo lập sau khi về chung sống với ông Phạm Hữu S bà Bí không yêu cầu giải quyết trong vụ án này nên không giải quyết.

(Có sơ đồ đo vẽ ngày 26/3/2019.của Công ty TNHH MTV đo đạc bản đồ B kèm theo) Các đương sự liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục đăng ký quyền về tài sản của mình được chia theo quy định.

Chi phí đo đạc, định giá và xem xét, thẩm định tại chỗ tài sản: Bà Huỳnh Thị H và ông Phạm Hữu S mỗi người phải chịu 7.632.500 (Bảy triệu sáu trăm ba mươi hai nghìn năm trăm) đồng, do bà Huỳnh Thị H đã tạm ứng trước theo biên lai thu ngày 12/10/2018 và ngày 27/3/2019 của Tòa án nhân dân huyện H nên ông S phải hoàn trả cho bà H số tiền 7.632.500 (Bảy triệu sáu trăm ba mươi hai nghìn năm trăm) đồng.

Về án phí dân sự sơ thẩm: Bà Huỳnh Thị H được miễn, không phải chịu; ông Phạm Hữu S được miễn 50% án phí có giá ngạch, ông S phải chịu 16.967.005 (Mười sáu triệu chín trăm sáu mươi bảy nghìn không trăm không năm) đồng. Chi cục Thi hành án dân sự huyện H hoàn trả cho bà Huỳnh Thị H số tiền tạm ứng án phí đã nộp 3.750.000 (Ba triệu bảy trăm năm mươi nghìn) đồng theo biên lai thu số 0004821 ngày 16/7/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện H, tỉnh Bình Phước.

Ngoài ra, bản án còn quyết định nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định pháp luật.

Ngày 11/12/2019 bị đơn ông Phạm Hữu S và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị B có đơn kháng cáo không đồng ý với toàn bộ bản án sơ thẩm, không đồng ý giao đất cho nguyên đơn bà Huỳnh Thị H Ngày 30/12/2019 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước kháng nghị một phần Bản án sơ thẩm về phần án phí, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm buộc ông Phạm Hữu S phải chịu án phí đối với phần tài sản được chia theo quy định pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Ông S, bà Bí và người đại diện theo ủy quyền trình bày, vợ chồng ông S còn tuổi lao động cần có đất canh tác, sản xuất trong khi bà H đã già yếu (85 tuổi) nên ông bà đồng ý chia một phần thừa kế cho bà H nhưng ông nhận hết đất và trả cho bà H 400.000.000 đồng; nếu không thỏa thuận được thì đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm, chập nhận kháng cáo của bị đơn ông S, hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại do Tòa án cấp sơ thẩm có nhiều vi phạm về thủ tục tố tụng. Phía nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền trình bày, nguyên đơn đồng ý nhận tiền nhưng số tiền yêu cầu hưởng thừa kế phải bằng ít nhất 75% giá trị kỷ phần bà H được hưởng.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước giữ nguyên Quyết định kháng nghị số 15/QĐKNPT-VKS-DS ngày 30/12/2019 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước.

Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước về việc giải quyết vụ án:

Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Hội đồng xét xử: Kể từ ngày thụ lý vụ án và tại phiên tòa Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và các đương sự đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung giải quyết vụ án: Trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, ông Phạm Hữu S và bà Nguyễn Thị B đã thực hiện thỏa thuận phân chia quyền sử dụng đất thửa đất đang tranh chấp chia thừa kế từ hộ ông Phạm Hữu S thành tài sản chung của ông Phạm Hữu S và bà Nguyễn Thị B. Như vậy Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét tính hợp pháp của việc đăng ký biến động đất đai của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện H là không đầy đủ, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông S, khang nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước, hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục chung.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục kháng cáo, kháng nghị: Đơn kháng cáo của bị đơn ông Phạm Hữu S, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Nguyễn Thị B và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước trong thời gian luật định, phù hợp với các điều 272, 273, 280 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, được xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

Xét kháng cáo của ông Phạm Hữu S thấy rằng:

[2] Về yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ gồm: 1. Xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản; 2. Xác minh nơi cư trú của nguyên đơn Huỳnh Thị H; 3. Xác minh phần diện tích bị lấn chiếm; và 4. Xác minh sổ vay vốn của hộ gia đình Phạm Hữu S, Nguyễn Thị T. Xét thấy, các yêu cầu này đều đã được Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành và thu thập theo đúng quy định. Ngày xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản không có mặt của ông S do ông S có đơn từ chối tham gia với lý do thửa đất tranh chấp là tài sản riêng của ông S, không liên quan gì đến bà Nguyễn Thị T, mặc dù Tòa án cấp sơ thẩm đã thông báo cho ông S và người đại diện của ông S biết. Hơn nữa, Tòa án cấp phúc thẩm cũng đã định giá lại tài sản theo yêu cầu của nguyên đơn. Vì vậy, kháng cáo của ông S về việc thu thập chứng cứ không được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận.

[3] Ông Phạm Hữu S và bà Nguyễn Thị T chung sống như vợ chồng từ năm 1989 đến ngày 20/5/2002 thì đăng ký kết hôn. Căn cứ vào Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Nghị quyết 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 Hướng dẫn thi hành Nghị quyết 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, xác định ông S và bà T có quan hệ vợ chồng từ năm 1989, đến ngày 30/8/2010 bà T chết.

[4] Thửa đất số 115 đang tranh chấp có nguồn gốc thuộc quyền sử dụng của hộ ông Lê Văn T và bà Nguyễn Ngọc Ánh (là chị ruột của bà T), theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng số 00084/QSDĐ/397/QĐUB.H ngày 10/3/1999 UBND huyện B cấp cho hộ ông Lê Văn Trung. Ngày 17/10/2003, hộ ông Lê Văn T chuyển nhượng quyền sử dụng toàn bộ thửa đất này cho hộ ông Phạm Hữu S với giá 16 triệu đồng (giá trị đất nông nghiệp 15 triệu đồng, giá trị 400m2 đất ở và cây trồng trên đất 1 triệu đồng). Hợp đồng được lập thành văn bản có xác nhận của Phòng Nông nghiệp – Địa chính và UBND huyện B. Ngày 18/12/2003, UBND huyện B cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Phạm Hữu S theo quy định.

Ông S cho rằng quyền sử dụng đất và tài sản trên thửa đất này có nguồn gốc là tài sản riêng của ông S, với các căn cứ: ông S là quân nhân phục viên, đã tham gia quân đội với thời gian quy đổi là 04 năm 09 tháng, cấp bậc thượng sỹ tiểu đội trưởng, khi xuất ngũ năm 1988 được hưởng trợ cấp 10.864 đồng; bà Phạm Thị Hoa, là chị ruột của ông S có giấy xác nhận nội dung: Cha ruột ông S là ông Phạm Hữu Vịnh có cho riêng ông S 02 thửa đất trồng lúa tại xã P, huyện C, tỉnh L tổng diện tích 3.786m2. Do cần tiền để nhận chuyển nhượng thửa đất của ông T bà Ánh nên ông S đã đề nghị cha mình làm thủ tục chuyển nhượng trực tiếp lại cho bà Hoa 02 thửa đất này. Sau đó, ông S đã lấy tiền bán đất tới xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước nhận sang nhượng đất của vợ chồng ông T và bà Ánh. Ngoài ra, ông S không cung cấp được thêm tài liệu, chứng cứ nào khác để chứng minh thửa đất tranh chấp trên là tài sản riêng của mình; ông S cũng không chứng minh được là đã dùng các số tiền nói trên để nhận chuyển nhượng của vợ chồng ông T, bà Ánh.

Lời khai của chủ sử dụng đất cũ là ông T và bà Ánh đều xác định ngày 17/10/2003, ông bà chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho hộ ông Phạm Hữu S và bà Nguyễn Thị T chứ không phải chuyển nhượng riêng cho ông S. Sau khi nhận chuyển nhượng, ông S và bà T sử dụng ổn định từ đó cho đến khi bà T chết mà không ai ý kiến tranh chấp gì.

Như vậy, căn cứ vào quan hệ vợ chồng, nguồn gốc thửa đất tranh chấp, quá trình thực hiện hợp đồng chuyển nhượng và quá trình sử dụng đất như phân tích trên, có đủ cơ sở xác định quyền sử dụng thửa đất số 115 là tài sản chung của ông Phạm Hữu S và bà Nguyễn Thị T.

Về giá trị quyền sử dụng đất theo Biên bản định giá ngày 04/6/2020 của Hội đồng định giá tài sản tỉnh Bình Phước thì trong tổng diện tích đất thực tế đo được là 10.652,3m2, có: 400m2 đất ở giá 900.000 đồng/m2, thành tiền là 360.000.000 đồng; 10.252,3m2 đất trồng cây lâu năm giá 300.000 đồng/m2, thành tiền là 3.075.690.000 đồng. Trong diện tích đất trồng cây lâu năm có 1.478,5m2 đất có đường điện đi qua giá bằng 50% giá đất không có đường điện. Như vậy, tổng giá trị thửa đất số 115, tờ bản đồ số 17 là 3.213.915.000 (ba tỷ, hai trăm mười ba triệu, chín trăm mười lăm nghìn) đồng.

Đối với tài sản trên thửa đất ký hiệu 115-1 diện tích 2.524,4m2, có 30 cây mít trồng năm 2018, 50 bụi chuối (250 cây) do ông S và bà Bí trồng sau khi bà T chết, 15 cây điều 18 năm tuổi. Tổng giá trị tài sản trên đất 10.410.000 đồng, trong đó toàn bộ cây mít và cây chuối trị giá 4.590.000 đồng là tài sản riêng của ông S bà Bí, toàn bộ 15 cây điều trị giá 5.820.000 đồng có trong thời kỳ hôn nhân của ông S, bà T, là tài sản của ông S bà T.

Đối với tài sản trên 3 thửa đất ký hiệu 115-2, 115-3 và 115-4 diện tích thực tế sử dụng 8.127,9m2, trên đất có 96 cây mít 01 năm tuổi, 110 bụi chuối (550 cây), 59 cây điều 18 năm tuổi, 02 cây bơ 08 năm tuổi, 04 bụi tầm vông (120 cây), 75 cây cao su 06 năm tuổi, 01 cây bưởi 05 năm tuổi, 02 cây sầu riêng 15 năm tuổi, 01 căn nhà cấp 4 diện tích 59,25m2, mái lợp tol, tường xây gạch, nền lát gạch tàu, nhà vệ sinh 1,8m2, mái lợp tol, nền lát gạch tàu, tường xây gạch, 01 bể nước có thể tích 2,25m3, 01 căn nhà tạm diện tích 24m2 không còn giá trị sử dụng. Tổng giá trị tài sản và cây trồng là 122.762.500 đồng. Trong đó, tài sản chung của ông S, bà T gồm: 59 cây điều 18 năm tuổi có giá 22.892.000 đồng, 2 cây sầu riêng 15 năm tuổi có giá 3.840.000 đồng, căn nhà cấp 4 trị giá 56.287.000 đồng, tổng cộng là 83.019.000 đồng.

[5] Trong số các tài sản chung nêu tại mục [4], trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn có yêu cầu chia thừa kế đối với đất và tài sản trên đất gồm 64 cây điều 18 năm tuổi và căn nhà cấp 4 cùng công trình phụ, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chỉ thụ lý đối với yêu cầu chia đất và cũng chỉ giải quyết yêu cầu chia đất. Việc không thụ lý, giải quyết hết các yêu cầu của đương sự là thiếu sót của Tòa án cấp sơ thẩm. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn và người đại diện không khiếu nại gì về phần này và tại phiên tòa cũng chỉ yêu cầu chia thừa kế đối với thửa đất, sau khi xét xử sơ thẩm không kháng cáo Bản án sơ thẩm. Vì vậy, xác định phạm vi khởi kiện của nguyên đơn là yêu cầu chia thừa kế đối với tài sản là quyền sử dụng đất của bà Nguyễn Thị T với ông Phạm Hữu S tại thửa đất số 115. Ngoài ra, nguyên đơn không còn yêu cầu nào khác.

[6] Căn cứ vào Điều 633 Bộ luật Dân sự năm 2005, Hội đồng xét xử xác định ngày bà Nguyễn Thị T chết 30/8/2010 là thời điểm mở thừa kế, địa điểm mở thừa kế là thị trấn T, huyện H, tỉnh Bình Phước.

[7] Theo các phân tích tại các mục [3], [4], [5] và [6] nêu trên, căn cứ vào Điều 634 Bộ luật Dân sự năm 2005, Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, xác định di sản của bà T (có yêu cầu chia) là một nửa thửa đất số 115 diện tích 10.894 m2 (diện tích thực tế sử dụng là 10.652,3m2 trong đó có 400m2 đất thổ cư, còn lại là đất trồng cây lâu năm). Cụ thể di sản là diện tích đất 5326,15m2, trong đó có 200m2 đất ở và 5126,15m2 đất trồng cây lâu năm. Giá trị di sản là 1.606.957.500 (một tỷ, sáu trăm lẻ sáu triệu, chín trăm năm mươi bảy nghìn năm trăm) đồng.

[8] Về hàng thừa kế, người thừa kế: Các đương sự thừa nhận bà Nguyễn Thị T và ông Phạm Hữu S là vợ chồng từ năm 1989, cả hai người đều không có con ruột, con nuôi, con riêng. Bà T chết không có di chúc để lại nên xác định có 02 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà T là ông S (chồng bà T) và bà H (mẹ ruột bà T), ngoài ra không còn ai khác.

[9] Cách chia di sản: Di sản của bà T được chia theo pháp luật cho 2 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm ông S và bà H. Theo quy định tại khoản 2 Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 (nay là Điều 651 của Bộ luật Dân sự năm 2015) thì bà H và ông S mỗi người được hưởng một kỷ phần bằng một nửa di sản của bà T. Cụ thể kỷ phần của mỗi người là ¼ trong tổng diện tích đất 10.652,3m2 tại thửa 115 nói trên, thành tiền là 803.478.750 (tám trăm lẻ ba triệu, bốn trăm bảy mươi tám nghìn, bảy trăm năm mươi) đồng.

[10] Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Nguyễn Thị B: ngày 18/12/2018, bà Bí và ông S đăng ký biến động đối với thửa đất đang tranh chấp chia thừa kế trong vụ án này từ tên hộ ông S sang tên ông S và bà Bí. Thỏa thuận này của ông S và bà Bí thực hiện khi thửa đất đang có tranh chấp, vi phạm Điều 188 Luật Đất đai.

[11] Đối với những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan gồm ông Nguyễn Văn T, bà Nguyễn Thị Kim L; ông Đỗ Văn Đ; bà Nguyễn Thị T; ông Phạm Văn T là các hộ giáp ranh sau khi đo vẽ thực tế sử dụng thì diện tích đất có sự chênh lệch ranh nhưng không có yêu cầu và đồng ý điều chỉnh giấy chứng nhận khi cơ quan có thẩm quyền về đất đai yêu cầu nên không xem xét.

[12] Như vậy, theo phân tích từ mục [2] đến mục [11], Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định đúng thửa đất 115 là di sản thừa kế; xác định đúng hàng thừa kế và chia di sản thừa kế đúng theo quy định của pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm các đương sự thống nhất ông S nhận hết quyền sử dụng đất nhưng không thống nhất được số tiền ông S phải trả cho bà H. Hội đồng xét xử thấy rằng, trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, ông S và bà Bí đã thực hiện thỏa thuận phân chia quyền sử dụng đất thửa đất đang tranh chấp chia thừa kế từ hộ ông Phạm Hữu S thành tài sản chung của ông Phạm Hữu S và bà Nguyễn Thị B. Ngày 18/12/2018 đã được Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện H đăng ký biến động (trang 4) đối với thửa đất 115 khi thửa đất đang có tranh chấp. Trường hợp này, đáng lẽ ra Tòa án cấp sơ thẩm phải xem xét tính hợp pháp của việc đăng ký biến động đất đai của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự mới giải quyết được đầy đủ các vấn đề liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, ông S, bà Bí và người đại diện trình bày, vợ chồng ông S còn tuổi lao động cần có đất canh tác, sản xuất trong khi bà H đã già yếu (85 tuổi) nên ông bà đồng ý chia một phần thừa kế cho bà H nhưng ông nhận hết đất và trả cho bà H 400.000.000 đồng. Phía nguyên đơn và người đại diện trình bày, nguyên đơn đồng ý nhận tiền nhưng số tiền yêu cầu hưởng thừa kế ít nhất phải bằng 75% kỷ phần bà H được hưởng. Hội đồng xét xử xét thấy, trình bày của ông S bà Bí về việc nhận đất là phù hợp với thực tế vụ án, về công sức đóng góp làm tăng giá trị thửa đất của ông S cũng nhiều hơn, phía nguyên đơn bà H cũng đồng ý nhận tiền nên cần ghi nhận giao quyền sử dụng đất cho ông S, còn bà H già yếu không còn khả năng lao động, sản xuất được nhận thừa kế bằng tiền.

[13] Xét kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước thấy rằng ông Phạm Hữu S có tài sản và còn được chia thừa kế nên theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án thì ông S không thuộc trường hợp được miễn, giảm án phí. Vì vậy, kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước về phần án phí được chấp nhận, buộc ông S nộp toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm theo quy định. Đối với đề nghị về việc hủy vụ án để giải quyết lại vụ án của đại diện Viện kiển sát nhân dân tỉnh Bình Phước là không cần thiết vì theo thỏa thuận về cách chia của các đương sự thì không cần phải xem xét hành vi đăng ký biến động đất đai của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện H đối với thửa đất 115 nữa.

[14] Sau khi sửa Bản án sơ thẩm, án phí dân sự sơ thẩm được tính lại như sau: Ông S phải chịu án phí trên số tài sản được chia trị giá 1.004.348.438 đồng; bà H là người già nên được miễn toàn bộ.

[15] Án phí dân sự phúc thẩm: do cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm nên các đương sự không phải chịu.

[16] Các phần khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn ông Phạm Hữu S, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Nguyễn Thị B; chấp nhận kháng nghị số 15/QĐKNPT-VKS- DS ngày 30/12/2019 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước.

Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 36/2019/DS-ST ngày 29/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Bình Phước như sau:

Áp dụng các điều 147, 148, 165 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; các điều 219, 631, 633, 634, 635, 636, 676, 735 của Bộ luật Dân sự năm 2005; các điều 27, 31 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000; Điều 106 của Luật Đất đai năm 2003; Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 ngày 28/3/2012 về chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Huỳnh Thị H về yêu cầu chia di sản thừa kế.

- Xác định bà Nguyễn Thị T chết ngày 30/8/2010 là thời điểm mở thừa kế; hàng thừa kế thứ nhất của bà T gồm ông Phạm Hữu S và bà Huỳnh Thị H; di sản thừa kế của bà T là 1/2 quyền sử dụng thửa đất số 115, tờ bản đồ số 17, diện tích 10.894 m2 (đo thực tế là 10.652,3m2) tại khu phố 1, thị trấn T, huyện H, tỉnh Bình Phước, giá trị 1.606.957.500 (một tỷ, sáu trăm lẻ sáu triệu, chín trăm năm mươi bảy nghìn, năm trăm) đồng; mỗi kỷ phần là ¼ trong tổng diện tích đất 10.652,3m2 tại thửa 115 nói trên, thành tiền là 803.478.750 (tám trăm lẻ ba triệu, bốn trăm bảy mươi tám nghìn, bảy trăm năm mươi) đồng.

- Di sản của bà Nguyễn Thị T được chia như sau:

Giao cho ông Phạm Hữu S quyền tiếp tục sử dụng di sản thừa kế của bà Nguyễn Thị T là một nửa diện tích trong toàn bộ thửa đất số 115, tờ bản đồ số 17, diện tích 10.894 m2 (đo thực tế là 10.652,3m2) tại khu phố 1, thị trấn T, huyện H, tỉnh Bình Phước, cùng toàn bộ tài sản trên đất ông S và bà Bí đang quản lý, sử dụng gồm: 01 căn nhà cấp 4 diện tích 59,25m2, mái lợp tol, tường xây gạch, nền lát gạch tàu, nhà vệ sinh 1,8m2, mái lợp tol, nền lát gạch tàu, tường xây gạch, 01 bể nước có thể tích 2,25m3, 01 căn nhà tạm diện tích 24m2, cùng toàn bộ cây trồng trên đất.

Do ông S và bà Bí đã tự nguyện thỏa thuận về việc sử dụng đất và đã được đăng ký biến động ngày 18/12/2018 sang tên cho ông Phạm Hữu S và bà Nguyễn Thị B nên ông S và bà Bí có quyền tiếp tục sử dụng toàn bộ thửa đất số 115, tờ bản đồ số 17 này.

Ông Phạm Hữu S có nghĩa vụ trả cho bà Huỳnh Thị H giá trị tương 75% kỷ phần bà H được hưởng, cụ thể là 602.609.602 (sáu trăm lẻ hai triệu, sáu trăm lẻ chín nghìn, sáu trăm lẻ hai) đồng.

2. Chi phí đo đạc, định giá và xem xét, thẩm định tại chỗ tài sản tại cấp sơ thẩm: Bà Huỳnh Thị H và ông Phạm Hữu S mỗi người phải chịu 7.632.500 (bảy triệu, sáu trăm ba mươi hai nghìn, năm trăm) đồng, do bà Huỳnh Thị H đã tạm ứng trước nên ông S phải hoàn trả cho bà H số tiền 7.632.500 (bảy triệu, sáu trăm ba mươi hai nghìn, năm trăm) đồng.

Chi phí định giá tài sản tại Tòa án cấp phúc thẩm là 5.000.000 đồng, ông S và bà H mỗi người chịu một nửa, do ông S đã tạm ứng trước nên bà H phải hoàn trả cho ông S 2.500.000 đồng.

nh chung chi phí đo đạc, xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản tại 2 cấp Tòa án, ông S phải trả lại cho bà H 5.132.500 đồng.

Kể từ ngày án có hiệu lực, có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến thi hành xong tất cả các khoản tiền. Hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khỏan tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

3. Án phí dân sự sơ thẩm:

Bà Huỳnh Thị H không phải chịu;

Ông Phạm Hữu S phải chịu 42.130.453 đồng.

Chi cục Thi hành án dân sự huyện H hoàn trả cho bà Huỳnh Thị H số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp 3.750.000 (Ba triệu bảy trăm năm mươi nghìn) đồng theo biên lai thu số 0004821 ngày 16/7/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện H, tỉnh Bình Phước.

4. Án phí dân sự phúc thẩm: ông Phạm Hữu S không phải chịu.

Trả cho ông Phạm Hữu S số tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu số 0001773 ngày 18/12/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện H, tỉnh Bình Phước.

5. Các phần khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

302
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 136/2020/DS-PT ngày 20/08/2020 về tranh chấp di sản thừa kế

Số hiệu:136/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Phước
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 20/08/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;