TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 133/2021/DS-PT NGÀY 23/11/2021 VỀ TRANH CHẤP CHIA THỪA KẾ, YÊU CẦU HỦY GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 23 tháng 11 năm 2021, tại trụ sở Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số 291/2020/TLPT-DS ngày 03 tháng 11 năm 2020 về việc “Tranh chấp chia thừa kế, yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” do có kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 44/2020/DS-ST ngày 24 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 9427/2021/QĐ-PT ngày 01 tháng 11 năm 2021 giữa các đương sự:
* Nguyên đơn:
1. Ông Nguyễn Huy T, sinh năm 1941; HKTT: Tổ 24, cụm 3, đường Âu C, phường Tứ L, quận Tây H, thành phố Hà Nội; trú tại: Phòng 1605, Tòa nhà N02-T1, Chung cư Đ, đường Đỗ N, phường Xuân T, quận Bắc Từ L, thành phố Hà Nội; có mặt.
2. Bà Nguyễn Thị C, sinh năm 1953; HKTT: Số nhà 57D, Đê La T, phường Ngọc K, quận Ba Đ, thành phố Hà Nội; trú tại: Phòng 201, Chung cư 22, phố Thượng Đ, quận Ba Đ, thành phố Hà Nội; có mặt.
* Bị đơn:
Anh Nguyễn Huy T1, sinh năm 1970; trú tại: Số 46, ngõ 70 Tổ dân phố 2, phố Ngọc T, phường Đại M, quận Nam Từ L, thành phố Hà Nội; có mặt.
Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của anh T1: Luật sư Trần Văn T2 và Luật sư Lê Văn Đ - Văn phòng Luật sự Khánh H, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội;
Luật sư Toàn có mặt.
* Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
1. Ủy ban nhân dân quận Nam Từ L, thành phố Hà Nội; vắng mặt.
2. Ủy ban nhân dân phường Đại M, quận Nam Từ L, thành phố Hà Nội;
vắng mặt.
3. Anh Nguyễn Huy C1, sinh năm 1958, HKTT: P1-D1 phụ, Kim L, phường Kim L, quận Đống Đ, thành phố Hà Nội; trú tại: Số 5, ngõ 11 phố Lương Đình C, quận Đống Đ, thành phố Hà Nội; có mặt.
4. Chị Nguyễn Thị T3, sinh năm 1959; trú tại: Số 3, ngách 62, ngõ Lệnh C, phố Khâm T, phường Thổ Q, quận Đống Đ, thành phố Hà Nội; vắng mặt. Người đại diện theo ủy quyền của chị T3: Anh Nguyễn Huy C1, sinh năm 1958; trú tại: Số 5, ngõ 11 phố Lương Đình C, quận Đống Đ, thành phố Hà Nội, có mặt (Văn bản ủy quyền ngày 07/10/2021).
5. Chị Nguyễn Lan H, sinh năm 1977; vắng mặt.
6. Chị Nguyễn Thanh Lệ H1, sinh năm 1979; vắng mặt.
7. Chị Nguyễn Thu H2, sinh năm 1982; vắng mặt.
8. Chị Nguyễn Thị Diễm Q, sinh năm 1991; vắng mặt.
Cùng địa chỉ: Số 32, ngõ 75 Nguyễn Công H, phường Ngọc K, quận Ba Đ, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo ủy quyền của chị H, chị H1, chị H2, chị Q: Ông Nguyễn Huy T, sinh năm 1941, trú tại: Số 5, ngõ 11 phố Lương Đình C, quận Đống Đ, thành phố Hà Nội; có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện ngày 23/10/2018 và quá trình tố tụng, nguyên đơn là ông Nguyễn Huy T và bà Nguyễn Thị C trình bày:
Bố mẹ của ông bà là cụ Nguyễn Huy H3 và cụ Nguyễn Thị C2 sinh được 04 người con gồm: Ông Nguyễn Huy L, sinh năm 1939 (chết tháng 4/2017); ông Nguyễn Huy T, sinh năm 1941; ông Nguyễn Huy Đ1, sinh năm 1945 (chết năm 2012) và bà Nguyễn Thị C, sinh năm 1953. Ông Nguyễn Huy L có vợ là bà Nguyễn Thị T4 (đã chết năm 2017) có 3 người con là anh Nguyễn Huy C1, anh Nguyễn Huy T1 và chị Nguyễn Thị T3. Ông Nguyễn Huy Đ1 có vợ là bà Phạm Thị T5 (đã chết năm 2018), có 4 con là chị Nguyễn Lan H, chị Nguyễn Thanh Lệ H1, chị Nguyễn Thu H2 và chị Nguyễn Thị Diễm Q.
Bố mẹ ông, bà tạo dựng được 230m2 đất tại thôn Ngọc T, xã Đại M, huyện Từ L, (nay là TDP Ngọc T, phường Đại M, quận Nam Từ L) thành phố Hà Nội được thể hiện trên giấy tờ qua các thời kỳ sau:
- Năm 1960, là thửa đất số 296 tờ bản đồ số 02, diện tích 215 m2, loại đất thổ cư, chủ sử dụng mang tên bố của ông, bà là Nguyễn Văn H4 (tức Nguyễn Huy H3).
- Năm 1975, sổ mục kê kiêm thống kê ruộng đất Hợp tác xã Ngọc T đổi thành thửa đất số 138 diện tích 215 m2, chủ sử dụng mang tên bố của ông bà là Nguyễn Huy H3.
- Năm 1986, đổi thành thửa đất số 181, tờ bản đồ số 04, diện tích 233m2, loại đất thổ cư, chủ sử dụng mang tên mẹ của ông bà là Nguyễn Thị C3 (tức Nguyễn Thị C2). Nay là thửa số 132, tờ bản đồ số 10, địa chỉ: Thôn Ngọc T, xã Đại M, huyện Từ L (nay là TDP Ngọc T, phường Đại M, quận Nam Từ L) thành phố Hà Nội.
Năm 1970, bố của ông bà là cụ H3 chết, không để lại di chúc. Sau khi bố của ông bà chết, mẹ của ông bà cùng 04 anh chị em của ông bà vẫn tiếp tục sinh sống tại thửa đất trên. Năm 1959, ông L thoát ly, hiện có nhà ở số 5 ngõ 11 phố Lương Đình C, quận Đống Đ, thành phố Hà Nội. Đầu năm 1971, ông T lấy vợ và ra ở riêng. Năm 1976, ông Đ1 lấy vợ và ra ở riêng. Năm 1977, bà C đi lấy chồng.
Năm 1986, mẹ của ông bà là cụ C2 chết, không để lại di chúc. Trước khi chết mẹ của ông bà có căn dặn các con, cháu: “Mảnh đất và ngôi nhà cấp 4 nêu trên sẽ dùng vào việc thờ cúng tổ tiên, anh em trong nhà không được bán hoặc chia nhau. Tại thời điểm mẹ của ông bà chết, những người được thừa kế ở hàng thừa kế thứa nhất theo quy định của pháp luật gồm có: Ông Nguyễn Huy L; ông Nguyễn Huy T; ông Nguyễn Huy Đ1; bà Nguyễn Thị C.
Sau khi mẹ của ông bà chết, anh em của ông bà đã cùng bàn bạc và thống nhất: Không chia di sản thừa kế do bố mẹ của ông bà chết để lại mà toàn bộ diện tích đất nêu trên để làm nơi thờ cúng tổ tiên theo ý nguyện của mẹ của ông bà. Năm 1991, anh em của ông bà có chuyển nhượng thửa số 134 diện tích 240m2 đất vườn liền kề của bố mẹ ông để lại cho ông Bạch Đăng N (bố của anh Bạch Đăng C4) được số tiền là 4.800.000 đồng và cùng nhau góp tiền để phá bỏ ngôi nhà cũ nát, bàn nhau xây một am thờ 10m2, diện tích còn lại xây dựng một số phòng cho thuê để thêm thu nhập cho 4 gia đình. Tuy nhiên, ông L đề nghị xây dựng nhà mái bằng kiên cố diện tích 24m2 và ngôi nhà cấp 4 diện tích 30m2 để cho bà Nguyễn Thị T4 (vợ ông L) ở, vì bà T4 không muốn vào nội thành ở với ông L. Vì muốn anh em đoàn kết, anh em của ông bà cũng đồng ý để vừa làm nơi thờ cúng tổ tiên cho các con, cháu đi lại, nghỉ ngơi, giỗ tết, vừa có chỗ cho bà vợ ông L ở.
Năm 1992 Nhà nước đo đạc lại đất đai, ông Nguyễn Huy L đã tự ý kê khai thửa đất do bố mẹ của ông bà để lại đứng tên ông L mà không thông báo cho ông bà được biết. Vì vậy, thửa đất số 181 tờ bản đồ số 04, diện tích 233m2 đất thổ cư, chủ sử dụng mang tên mẹ của ông bà là cụ Nguyễn Thị C3 (tức Nguyễn Thị C2) đã được chuyển thành thửa số 27, tờ bản đồ số 21, diện tích 247m2 đất thổ cư đứng tên ông Nguyễn Huy C5 (tức ông Nguyễn Huy L).
Năm 2003, ông L đã tự ý kê khai và gửi hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với thửa đất và tài sản nêu trên lên UBND xã Đại M, huyện Từ L để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đứng tên ông L. Ông bà phát hiện đã làm đơn gửi UBND xã Đại M đề nghị không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất cho ông L và UBND xã Đại M đã dừng lại, không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất cho ông L.
Ngày 03/7/2012 và ngày 22/8/2012, theo đơn đề nghị hòa giải của ông bà, UBND xã Đại M đã lập biên bản hòa giải tranh chấp đất đai giữa ông bà với ông L, nhưng đều hòa giải không thành.
Đầu năm 2016, ông Nguyễn Huy L đã tự ý xây dựng, cải tạo trên diện tích đất tranh chấp nêu trên mà không được cấp phép xây dựng nên đã bị Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cưỡng chế tháo dỡ. Ngay sau đó, ông L tiếp tục có đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất đối với thửa đất trên để chiếm nhà đất chung. Ngày 15/11/2016, UBND phường Đại M, quận Nam Từ L tiếp tục hòa giải tranh chấp đất đai đối với thửa đất nêu trên giữa ông bà với ông L nhưng không thành.
Ngày 07/3/2017, ông L và bà T4 đã được UBND quận Nam Từ L, thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất đối với thửa đất số 27, tờ bản đồ số 21, bản đồ đo đạc năm 1992 (nay là thửa số 132, tờ bản đồ số 10) diện tích 230 m2 đất ở đô thị tại Tổ dân phố số 2 Ngọc T, phường Đại M, quận Nam Từ L, thành phố Hà Nội theo Quyết định số 1248/QĐ-UBND ngày 07/3/2017, số vào sổ cấp Giấy chứng nhận CH00691, số sêri CG 356585 của UBND quận Nam Từ L.
Tại thời điểm ông Nguyễn Huy L, bà Nguyễn Thị T4 kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất, ông bà đã có đơn gửi UBND phường Đại M và UBND quận Nam Từ L đề nghị không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất cho vợ chồng ông Nguyễn Huy L, bà Nguyễn Thị T4 và ông bà cũng không có bất kỳ văn bản, giấy tờ nào đồng ý cho vợ chồng ông L, bà T4 đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất của bố mẹ ông bà để lại. Đồng thời, khi còn sống bố mẹ của ông bà cũng không có bất kỳ văn bản, giấy tờ thể hiện việc thừa kế, tặng cho ông L, bà T4 được quyền sử dụng một phần hay toàn bộ diện tích đất nêu trên nên UBND quận Nam Từ L, thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất tại thửa số 27, tờ bản đồ số 21, bản đồ đo đạc năm 1992 (nay là thửa đất số 132, tờ bản đồ số 10) diện tích 230 m2 cho vợ chồng ông Nguyễn Huy L, bà Nguyễn Thị T4 là trái quy định và đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông bà.
Ông bà đề nghị chia thừa kế quyền sử dụng đất thửa đất số 132, tờ bản đồ số 10, diện tích 230 m2 theo pháp luật và huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất cấp cho vợ chồng ông Nguyễn Huy L và bà Nguyễn Thị T4. Quá trình giải quyết vụ án, tại biên bản kiểm tra giao nộp chứng cứ và phiên tòa sơ thẩm, ông T và bà Các yêu cầu chia quyền sử dụng thửa đất số 132 và các tài sản trên đất; huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất đã được cấp cho vợ chồng ông Nguyễn Huy L và bà Nguyễn Thị T4.
Bị đơn là anh Nguyễn Huy T1 trình bày:
Thửa đất số 132, tờ bản đồ số 10, diện tích 230m2 có nguồn gốc của ông bà nội anh là cụ Nguyễn Huy H3 và cụ bà Nguyễn Thị C2. Năm 1970, cụ H3 chết, cụ C2 có chia cho bố mẹ anh là ông L, bà T4 thửa đất ở diện tích 230m2 sử dụng cho đến nay. Ngày 07/3/2017, UBND quận Nam Từ L đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với thửa đất trên cho bố mẹ anh. Năm 2017, bố mẹ anh chết, anh người quản lý, sử dụng diện tích đất này là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Cùng với việc chia cho bố mẹ anh thửa đất ở 230m2, thì cụ C2 có cho ông T, ông Đ1, bà C thửa đất vườn diện tích 240m2. Năm 1991, ông T, ông Đ1, bà C đã bán thửa đất vườn này cho gia đình ông Ngờ. Việc các ông bà bán mảnh đất vườn này để làm gì và xây nhà thế nào thì anh không biết và cũng không được bố mẹ anh nói lại.
Ông nội của anh chết năm 1970 và bà nội của anh chết năm 1986 nên căn cứ quy định tại Điều 611 và Điều 623 của Bộ luật dân sự thì đã hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế và thuộc trường hợp phải ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Trước khi khởi kiện vụ án dân sự này, ông Nguyễn Huy T, bà Nguyễn Thị C đã khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất số 132, tờ bản đồ số 10, diện tích 230m2 đã được UBND quận Nam Từ L cấp cho bố mẹ anh, nhưng vụ án hành chính đã bị đình chỉ. Để quyết định huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Toà án phải căn cứ khoản 2 Điều 106 luật Đất đai năm 2013 quy định những trường hợp cơ quan có thẩm quyền được phép huỷ (thu hồi) giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Có nghĩa là, trong quá trình xét xử, người khởi kiện phải đưa ra chứng cứ để chứng minh được rằng cơ quan cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã có vi phạm. Anh đề nghị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia thừa kế và huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông T, bà C.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan anh Nguyễn Huy C1, chị Nguyễn Thị T3 ủy quyền cho anh C1 trình bày: Thống nhất với ý kiến trình bày của anh T. Đồng thời, xin trình bày bổ sung như sau: Về nguồn gốc, quá trình sử dụng hiện trạng thửa đất đã được UBND quận Nam Từ L cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bố mẹ anh được thể hiện rất rõ ràng trong hồ sơ địa chính của UBND phường Đại M. Trong quá trình hòa giải tranh chấp tại UBND phường Đại M, UBND phường Đại M đã yêu cầu ông T, bà T5, bà C cung cấp các hồ sơ pháp lý liên quan nhưng ông T, bà T5, bà C không có hồ sơ pháp lý cung cấp theo yêu cầu của UBND phường Đại M.
Trong quá trình xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bố mẹ anh, UBND quận Nam Từ L đã có các văn bản thông báo về việc cấp giấy chứng nhận gửi tới UBND phường Đại M và ông T, bà T5, bà C. Các ông bà T, T5, C có đầy đủ thời gian phản hồi theo thông báo của UBND quận Nam Từ L, nhưng khi hết thời hạn các ông bà T, T5, C vẫn không cung cấp được các văn bản, tài liệu theo yêu cầu của UBND phường Đại M và UBND quận Nam Từ L. Do vậy, việc UBND quận Nam Từ L cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bố mẹ anh là hoàn toàn hợp pháp, công khai minh bạch. Việc khởi kiện yêu cầu huỷ bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bố mẹ anh của người khởi kiện là hoàn toàn không có căn cứ. Anh đề nghị không chấp nhận yêu cầu khỏi kiện chia thừa kế và huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông T, bà C.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là chị Nguyễn Lan H, Nguyễn Thanh Lệ H1, Nguyễn Thu H2, Nguyễn Thị Diễm Q trình bày:
Bố mẹ của các chị là ông Nguyễn Huy Đ1 và bà Phạm Thị T5 đều đã chết. Ông bà nội các chị mất đi không để lại di chúc, di sản ông bà nội các chị để lại chưa chia thừa kế là thửa đất số 132 tờ bản đồ số 10, diện tích 230m2 tại Ngọc T, phường Đại M, quận Nam Từ L hiện do anh Nguyễn Huy T1 (con ông Nguyễn Huy L và bà Nguyễn Thị T4) đang quản lý, sử dụng. Nay các chị đề nghị chia thừa kế theo pháp luật và huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông L, bà T4.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là UBND quận Nam Từ L do đại diện theo ủy quyền trình bày:
Theo bản đồ đo đạc năm 1986, kèm theo sổ mục kê thuộc thửa đất số 181, tờ bản đồ 04, diện tích 233m2, loại đất TC, sổ mục kê ghi tên Nguyễn Thị C3 (bà C3 tên thường gọi của vợ ông L). Bản đồ đo đạc năm 1992, kèm sổ mục kê ghi tên Nguyễn Huy C5 (ông L tên thường gọi là C5).
Ngày 04/8/2016, ông Nguyễn Huy L có đơn gửi UBND quận Nam Từ L đề nghị xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngày 07/9/2016, UBND quận Nam Từ L có Thông báo số 437/TB-UBND (về việc giải quyết đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Huy L) đã giao cho UBND phường Đại M tiếp nhận hồ sơ kê khai và thực hiện các trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Huy L theo quy định. Đồng thời, gửi cho ông bà Nguyễn Huy T, Nguyễn Huy Đ1, Nguyễn Thị C biết. Sau 30 ngày kể từ ngày thông báo mà UBND phường không nhận được văn bản, quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc thụ lý, giải quyết tranh chấp đất đai hoặc văn bản đề nghị tạm dừng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì UBND phường báo cáo UBND quận để xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Huy L và vợ là bà Nguyễn Thị T4.
Ngày 14/10/2016, UBND phường Đại M có Thông báo số 1425/TB-UBND về việc công khai hồ sơ đăng ký xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất cho gia đình ông Nguyễn Huy L. Thông báo này được gửi cho các ông bà Nguyễn Huy T, Phạm Thị T5, Nguyễn Thị C.
Ngày 15/11/2016, UBND phường Đại M đã tổ chức hòa giải; các ông bà T, T5, C không cung cấp được văn bản, quyết định thụ lý giải quyết tranh chấp hoặc văn bản đề nghị tạm dừng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cơ quan có thẩm quyền.
Ngày 07/3/2017, UBND quận Nam Từ L ban hành Quyết định số 1284/QĐ-UBND về việc công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hũu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất cho gia đình ông Nguyễn Huy L và bà Nguyễn Thị T4. Việc UBND quận Nam Từ L cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đúng quy định về trình tự, thủ tục theo quy định tại Điều 19 Quyết định số 23/2005/QD-UB ngày 18/02/2005 của UBND thành phố Hà Nội.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là UBND phường Đại M do đại diện theo ủy quyền trình bày:
Việc UBND phường Đại M lập hồ sơ đề nghị UBND quận Nam Từ L xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Huy L và bà Nguyễn Thị T4 tại thửa đất số 27, tờ bản đồ số 21, bản đồ đo năm 1992; biên tập lại năm 2000 là thửa đất số 132, tờ bản đồ số 10, diện tích 230m2; địa chỉ thửa đất tại Tổ dân phố số 2 Ngọc T, phường Đại M được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của UBND quận Nam Từ L tại Thông báo số 437/TB-UBND ngày 07/9/2016. Nay có việc tranh chấp, UBND phường Đại M đề nghị Toà án xem xét giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 44/2020/DS-ST ngày 24/8/2020, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia thừa kế, yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Huy T, bà Nguyễn Thị C đối với anh Nguyễn Huy T1.
2. Xác định nhà, tài sản gắn liền với đất và diện tích đất 230m2 tại thửa số 132, tờ bản đồ số 10, địa chỉ: Thôn Ngọc T, xã Đại M, huyện Từ L (nay là TDP số 2, phố Ngọc T, phường Đại M, quận Nam Từ L) thành phố Hà Nội hiện do anh Nguyễn Huy T1 đang quản lý, sử dụng là di sản thừa kế của cụ Nguyễn Huy H3 và cụ Nguyễn Thị C2.
Xác định các thời điểm mở thừa kế: Năm 1970 khi cụ Nguyễn Huy H3 chết; năm 1986 khi cụ Nguyễn Thị C2 chết. Thừa kế được chia theo pháp luật. T3 công sức cho ông Nguyễn Huy L được hưởng bằng 01 suất thừa kế.
Xác định người hưởng thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nguyễn Huy H3 và cụ Nguyễn Thị C2 gồm: Ông Nguyễn Huy L, ông Nguyễn Huy T, ông Nguyễn Huy Đ1, bà Nguyễn Thị C mỗi người được hưởng 01 suất thừa kế bằng giá trị là 1.087.300.000 đồng.
Xác định người được hưởng phần thừa kế (thừa kế chuyển tiếp) của ông L gồm: Anh Nguyễn Huy C1, anh Nguyễn Huy T1 và chị Nguyễn Thị T3.
Xác định người được hưởng phần thừa kế (thừa kế chuyển tiếp) của ông Đ1 gồm: Chị Nguyễn Lan H, chị Nguyễn Thanh Lệ H1, chị Nguyễn Thu H2 và chị Nguyễn Thị Diễm Q.
3. Phần chia bằng hiện vật tại thửa tại thửa số 132, tờ bản đồ số 10, địa chỉ: Thôn Ngọc T, xã Đại M, huyện Từ L (nay là TDP số 2, phố Ngọc T, phường Đại M, quận Nam Từ L) thành phố Hà Nội, cụ thể:
Dành một phần đất để làm ngõ đi chung cho các thừa kế, có chiều rộng l,5m diện tích 15,9m2; tổng giá trị đất, tài sản trên đất là 399.524.000 đồng được giới hạn bởi các điểm 10,11,12,13,14,15,10.
Chia cho người thừa kế chuyển tiếp của ông Nguyễn Huy L (anh C1, anh T1, chị T3) thửa 132 (1) diện tích 82,1m2 đất, trên đất có: Nhà mái bằng 1 tầng, nhà gạch mái ngói, mái vây lợp tôn, sân gạch, cây cối; tổng giá trị đất, tài sản trên đất, cây cối là 2.127.620.000 đồng, được giới hạn bởi các điểm 6,7,8,9,10,15,6.
Chia cho ông Nguyễn Huy T thửa 132(2) diện tích 44m2 đất; tổng giá trị đất, tài sản trên đất, cây cối là 1.102.960.000 đồng, được giới hạn bởi các điểm 5,6,15,14,5.
Chia cho bà Nguyễn Thị C thửa 132(3) diện tích 44m2 đất; tổng giá trị đất, tài sản trên đất, cây cối là 1.102.960.000 đồng, được giới hạn bởi các điểm 4,5,14,13,4.
Chia cho người thừa kế chuyển tiếp của ông Nguyễn Huy Đ1 (các chị H, H1, H2, Q) thửa 132(4) diện tích 44m2 đất; tổng giá trị đất, tài sản trên đất, cây cối là 1.102.960.000 đồng, được giới hạn bởi các điểm 1,2,3,4,13,12,1.
(có sơ đồ chia kèm theo) Người thừa kế chuyển tiếp của ông Nguyễn Huy L (anh C1, anh T1, chị T3) được nhận số tiền chênh lệch tài sản 46.980.000 đồng (bốn sáu triệu chín trăm tám mươi ngàn đồng) từ: ông T thanh toán trả 15.660.000 đồng, bà C thanh toán trả 15.660.000 đồng, người thừa kế chuyển tiếp của ông Đ1 (các chị H, H1, H2, Q) liên đới thanh toán trả 15.660.000 đồng.
4. Huỷ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số Seri CG 356585, số Quyết định: 1284/QĐ-UBND, số vào sổ cấp GCN: CH 00691, UBND quận Nam Từ L cấp ngày 07/3/2017 đứng tên ông Nguyễn Huy L, bà Nguyễn Thị T4.
Các đương sự được chia thừa kế quyền sở hữu, sử dụng nhà đất có trách nhiệm đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để tiến hành thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí, về trách nhiệm chậm thi hành án và thông báo quyền kháng cáo của đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 27/8/2020, bị đơn là anh Nguyễn Huy T1 và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Nguyễn Huy C1, chị Nguyễn Thị T3 có đơn kháng cáo đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T, công nhận hiệu lực của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông L, bà T4.
Tại phiên tòa phúc thẩm, anh T, anh C1 và Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của anh T thừa nhận nguồn gốc đất là của cụ H3, cụ C2 (là ông bà nội anh T, anh C1), nhưng cho rằng hai cụ đã chia cho bố mẹ anh thửa đất số 132 được thể hiện bằng việc bố mẹ các anh đã đứng tên trên Bản đồ năm 1986, 1992 (Bản đồ năm 1986 ghi tên Nguyễn Thị C3 là theo phong tục địa phương gọi tên mẹ anh theo tên chồng); chia cho ông T, ông Đ1 và bà C thửa đất số 134. Sau đó, ông T, ông Đ1 và bà C đã chuyển nhượng thửa đất này cho ông Bạch Đăng N để xác định hai cụ không còn di sản để chia thừa kế. Tòa án cấp sơ thẩm xác định thửa đất số 132 là di sản thừa kế của hai cụ để lại để chia thừa kế là không đúng, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn, giữ nguyên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên vợ chồng ông L, bà T4.
Nguyên đơn là ông T và bà C xác định thửa đất số 132 và thửa đất số 134 là của bố mẹ các ông, bà để lại chưa chia cho các con. Bố mẹ các ông, bà chết không để lại di chúc. Sau khi mẹ các ông, bà chết; bốn anh em đã thống nhất chuyển nhượng thửa đất số 134 cho ông N để lấy tiền xây nhà thờ, nhà ở trên thửa đất số 132 nhưng không đủ tiền xây dựng nhà nên 04 anh em cùng nhau đóng góp thêm. Bản đồ năm 1986 đứng tên chủ sử dụng Nguyễn Thị C3 là theo phong tục địa phương gọi tên mẹ ông theo tên con trưởng Nguyễn Huy L (tức Nguyễn Huy C5). Việc vợ chồng ông L, bà T4 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi trước đó các ông, bà đã có đơn đề nghị dừng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không được sự đồng ý của các đồng thừa kế là các ông, bà là không đúng. Lẽ ra, khi chia thừa kế thửa đất số 132 phải được làm 04 phần, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm đã chia cho ông L 02 phần các ông, bà cũng đồng ý cho ông L được hưởng phần hơn. Ông T, bà C đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của anh T1, anh C1 và chị T3; giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội sau khi phân tích nội dung vụ án, kết quả tranh tụng tại phiên tòa đã kết luận: Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa phúc thẩm, các bên đều thừa nhận quan hệ huyết thống và nguồn gốc đất. Ông T, bà C cho rằng sau khi bố mẹ chết, tất cả anh em đã bàn bạc chuyển nhượng thửa đất vườn để xây dựng nhà trên thửa đất số 132, được ông Bạch Đăng N và ông Nguyễn Đắc C6 xác nhận. Anh T1, anh C1 cho rằng sau khi cụ H3 chết, cụ C2 đã phân chia cho ông L thửa đất số 132, nhưng không có căn cứ chứng minh việc phân chia. Tòa án cấp sơ thẩm xác định thửa đất số 132 là di sản thừa kế và chia thừa kế theo pháp luật là có cơ sở. Việc ông L, bà T4 đăng ký kê khai xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng không có sự đồng ý của các đồng thừa kế là không đúng. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của anh T, anh C1 và chị T3; giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã thẩm tra tại phiên tòa, kết quả tranh luận và trình bày của đương sự, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa, Hội đồng xét xử xét thấy:
[1] Về tố tụng:
[1.1] Về thủ tục kháng cáo: Kháng cáo của anh Nguyễn Huy T1, anh Nguyễn Huy C1, chị Nguyễn Thị T3 đảm bảo đúng thời hạn và có nộp tạm ứng án phí theo quy định tại Điều 273, 276 Bộ luật Tố tụng dân sự nên được chấp nhận xem xét theo thủ tục phúc thẩm.
[1.2] Về người tham gia tố tụng: Tại phiên tòa phúc thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ủy ban nhân dân quận Nam Từ L, Ủy ban nhân dân phường Đại M vắng mặt. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác vắng mặt, nhưng đã ủy quyền cho ông Nguyễn Huy T tham gia tố tụng tại phiên tòa. Đây là phiên tòa phúc thẩm mở lần thứ 3, các đương sự vắng mặt không có kháng cáo và đã được triệu tập hợp lệ. Các đương sự có mặt tham gia phiên tòa, Luật sư và đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đều đề nghị tiến hành xét xử. Hội đồng xét xử phúc thẩm thảo luận và quyết định tiến hành xét xử. [1.3] Về yêu cầu khởi kiện: Tại đơn khởi kiện, ông T và bà C yêu cầu chia thừa kế thửa đất số 132 và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông L, bà T4. Quá trình giải quyết vụ án, tại biên bản kiểm tra và giao nộp chứng cứ ngày 25/6/2020 và phiên tòa sơ thẩm, ông T và bà C yêu cầu chia thừa kế nhà, đất tại thửa số 132 và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông L, bà T4. Các tài liệu có trong hồ sơ thể hiện tài sản của hai cụ để lại là thửa đất số 132 và thửa đất số 134; ông T và bà C cho rằng sau khi hai cụ chết, tất cả các đồng thừa kế đã thống nhất chuyển nhượng thửa đất số 134 để xây dựng nhà trên thửa đất số 132 nên việc ông T, bà C khởi kiện yêu cầu chia thừa kế nhà, đất của bố mẹ để lại tại thửa số 132 là không vượt quá phạm vi khởi kiện vụ án “Tranh chấp chia thừa kế và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” mà Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý, giải quyết.
[2] Về nội dung:
[2.1] Về thời hiệu khởi kiện: Cụ Nguyễn Huy H3 chết năm 1970, cụ Nguyễn Thị C2 chết năm 1986 thuộc trường hợp mở thừa kế trước ngày 10/9/1990. Theo Công văn số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề về nghiệp vụ thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Huy H3 và cụ Nguyễn Thị C2 được tính từ ngày 10/9/1990. Tòa án cấp sơ thẩm xác định tại thời điểm thụ lý vụ án, thời hiệu khởi kiện chia thừa kế của cụ H3, cụ C2 vẫn còn và hai cụ chết không để lại di chúc để chia thừa kế theo pháp luật là có căn cứ.
[2.2] Về xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ H3, cụ C2:
Căn cứ lời khai của các đương sự thì vợ chồng cụ H3, cụ C2 có 04 người con chung là các ông, bà: Nguyễn Huy L (chết ngày 12/4/2017), Nguyễn Huy T, Nguyễn Huy Đ1 (chết ngày 09/4/2012) và Nguyễn Thị C.
Ông Nguyễn Huy L có vợ là bà Nguyễn Thị T4 (chết ngày 24/12/2017), có 03 người con là anh Nguyễn Huy C1, chị Nguyễn Thị T3 và anh Nguyễn Huy T1.
Ông Nguyễn Huy Đ1 có vợ là bà Phạm Thị T4 (chết ngày 28/5/2018), có 04 người con là chị Nguyễn Lan H, Nguyễn Thanh Lệ H1, Nguyễn Thu H2 và Nguyễn Thị Diễm Q.
Cụ H3 chết năm 1970 nên cụ C2 và 04 người con là ông Nguyễn Huy L, ông Nguyễn Huy Đ1, ông Nguyễn Huy T và bà Nguyễn Thị C được hưởng di sản thừa kế của cụ H3.
Cụ C2 chết năm 1986 nên 04 người con là ông Nguyễn Huy L, ông Nguyễn Huy Đ1, ông Nguyễn Huy T và bà Nguyễn Thị C được hưởng di sản thừa kế của cụ C2.
Như vậy, hàng thừa kế thứ nhất của cụ H3, cụ C2 là ông Nguyễn Huy T, bà Nguyễn Thị C và thừa kế chuyển tiếp của ông L là anh Nguyễn Huy C1, chị Nguyễn Thị T3 và anh Nguyễn Huy T1; thừa kế chuyển tiếp của ông Đ1 là chị Nguyễn Lan H, Nguyễn Thanh Lệ H1, Nguyễn Thu H2 và Nguyễn Thị Diễm Q.
[2.3] Về xác định di sản thừa kế:
Căn cứ lời khai của các đương sự, Báo cáo số 316/BC-UBND ngày 11/9/2019 của Ủy ban nhân dân phường Đại M, ý kiến của đại diện Ủy ban nhân dân quận Nam Từ L có cơ sở xác định: Thửa đất số 134 diện tích 240m2 và thửa đất số 132 diện tích 230m2, Tờ bản đồ số 10 tại thôn Ngọc T, xã Đại M, huyện Từ L, thành phố Hà Nội (Nay là Tổ dân phố số 2, phố Ngọc T, phường Đại M, quận Nam Từ L, thành phố Hà Nội) có nguồn gốc là của vợ chồng cụ Nguyễn Huy H3 và cụ Nguyễn Thị C2 được chia (thửa số 132) và nhận chuyển nhượng (thửa số 134).
Quá trình giải quyết vụ án, anh T1 và anh C1 (là con của ông L) cho rằng bố mẹ anh đã được ông bà nội chia cho thửa đất số 132 từ năm 1955, sau đó có lời khai thể hiện được chia năm 1970 và tại phiên tòa phúc thẩm anh T1 trình bày bố mẹ anh được ông bà nội chia cho từ trước năm 1986, quản lý, sử dụng đến nay, đăng ký kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với thửa đất số 134, sau khi ông nội chết, bà nội các anh đã chia thửa đất này cho ông T, ông Đ1 và bà C. Năm 1991, ông T, ông Đ1 và bà C đã chuyển nhượng thửa đất số 134 cho ông Bạch Đăng N và hưởng tiền từ việc chuyển nhượng thửa đất này nên thửa đất số 132 thuộc quyền sử dụng hợp pháp của vợ chồng ông L, bà T4 để không đồng ý chia thừa kế đối với thửa đất này. Tuy nhiên, anh T1, anh C1 không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh ông bà nội anh chia thửa đất số 132 cho bố mẹ anh và chia thửa đất số 134 cho các cô chú của anh là ông T, ông Đ, bà C. Ông T, bà C cùng các thừa kế của ông Đ1 cũng không thừa nhận cụ H3, cụ C2 phân chia đất cho các con và cho rằng năm 1991 bốn anh em của ông, bà bàn bạc, thống nhất chuyển nhượng thửa đất số 134 diện tích 240m2 cho ông Bạch Đăng N với số tiền 4.800.000đ để lấy tiền xây nhà thờ và nơi nghỉ của cả gia đình khi giỗ tết, vợ chồng ông L cầm tiền xây dựng nhà, số tiền chuyển nhượng đất xây nhà thiếu nên bốn anh em ông đóng góp thêm.
Tại đơn đăng ký cấp giấy chứng nhận của ông L, bà T4 ngày 30/9/2016 đối với thửa đất số 132 cũng thể hiện nguồn gốc đất là của ông cha để lại, tại đơn này Ủy ban nhân dân phường Đại M xác nhận “nguồn gốc đất cha ông để lại không có giấy tờ sử dụng trước ngày 15/10/1993…”.
Mặc dù tài liệu hồ sơ thể hiện ông Bạch Đăng N (là người nhận chuyển nhượng đất) có nhiều bản xác nhận có nội dung mâu thuẫn nhau, lúc thì mua thửa đất số 134 diện tích 240m2 của ông L, lúc thì mua của ông T, ông Đ1 và bà C, nhưng tại Biên bản ghi ý kiến sau cùng ngày 29/5/2020 ông Bạch Đăng N có lời khai thể hiện “ ...khoảng năm 1990, bốn anh em ông C5 (L), ông T, ông Đ1 và bà C bàn bạc thống nhất bán 240m2 đất vườn của bố mẹ để lại cho tôi. Việc mua bán do cả bốn anh em ông C5 (L) đồng ý thực hiện và trực tiếp nhận tiền 4.800.000đ. Sau khi bán đất vườn, số tiền dùng để xây dựng nhà thờ như hiện nay. Khi bán có lập giấy, tôi đem nộp cho UBND xã để sang tên, nay giấy tờ mua bán đó đã bị thất lạc. Do có quan hệ hàng xóm láng giềng nên các anh em nhà ông C5 (L) có nhờ tôi xác nhận việc mua bán, vì quá nể nên tôi đã ký, điểm chỉ vào giấy làm sẵn của họ nhưng đó không phải là sự thực. Sự thực là bốn anh em ông C5 thống nhất bán, nhận tiền. Số tiền bán đất dùng để xây dựng nhà để thờ cúng các cụ, công trình còn tồn tại đến nay”. Các ông Nguyễn Đắc C6 và ông Nguyễn Văn T là người xây dựng nhà và làm cửa gỗ tại nhà đất đang tranh chấp đều có lời khai xác định bốn anh em ông L, ông T, ông Đ1 và bà C cùng nhau xây dựng nhà.
Từ những phân tích nêu trên cho thấy mặc dù không có chứng cứ trực tiếp thể hiện dùng tiền chuyển nhượng thửa đất vườn vào việc xây nhà, nhưng lời khai của ông T, bà C về việc tất cả các anh em bàn bạc, thống nhất chuyển nhượng thửa đất vườn để xây dựng nhà thờ, nhà ở chung của gia đình trên thửa đất số 132 và vợ chồng ông L cầm tiền chuyển nhượng để xây dựng nhà phù hợp với lời khai của ông L tại đơn đề nghị xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 19/6/2004 về việc ông đồng ý với các em xây lại ngôi nhà thờ để thờ cúng ông bà, bố mẹ trên thửa đất số 132.
Như vậy, ông L và các đồng thừa kế đều thừa nhận nguồn gốc đất là của bố mẹ để lại. Quá trình giải quyết vụ án, anh T1 và anh C1 cũng thừa nhận không có tài liệu chứng minh việc ông bà nội phân chia đất cho bố mẹ anh và các cô, chú là nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án mà cho rằng chỉ cho bằng miệng. Các đồng thừa kế khác không thừa nhận có việc bố mẹ phân chia đất và khẳng định hai cụ chết không để lại di chúc. Thực tế năm 2016 khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông L cũng thừa nhận đất của bố mẹ và không xuất trình được tài liệu thể hiện sự dịch chuyển quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 132 từ bố mẹ hoặc các đồng thừa kế khác sang cho ông L, bà T4 nên không có cơ sở xác định vợ chồng cụ H3, cụ C2 cho ông L thửa đất số 132 như các con của ông L trình bày. Mặt khác, theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 18 Nghị định số 143/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính Phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đất đai thì Bản đồ không phải là một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất. Tại Công văn số 113/UBND-ĐC ngày 05/3/2021 của Ủy ban nhân dân phường Đại M phúc đáp Công văn của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về căn cứ tách thửa đất đứng tên cụ H3 thành các thửa đất đứng tên ông T, ông Đ1 và bà C thể hiện Bản đồ lập năm 1986 mục đích xác định hiện trạng từng ô đất, từng chủ sử dụng đất; việc chuyển tên từ cụ Hy sang tên ông T, ông Đ1 và bà C không có giấy tờ gì. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xác định thửa đất số 132 và thửa số 134 là của vợ chồng cụ H3, cụ C2 để lại. Đồng thời xác định số tiền chuyển nhượng thửa đất số 134 và tiền bốn anh em ông L, ông T, ông Đ1 và bà C đóng góp thêm để xây nhà là tài sản được trộn lẫn tạo thành nhà ở và các công trình gắn liền với đất tại thửa đất số 132 theo quy định tại Điều 226 Bộ luật dân sự năm 2015 để phân chia thừa kế là có căn cứ, đảm bảo được quyền lợi của các thừa kế. Vì vậy, kháng cáo của anh T1, anh C1 và chị T3 cho rằng ông bà nội đã phân chia đất cho các con từ trước năm 1986, được thể hiện bằng việc đứng tên tại Bản đồ năm 1986 và không chứng minh được tiền chuyển nhượng 240m2 đất dùng vào xây dựng nhà thờ là không có cơ sở.
[2.4] Về công sức đóng góp, tôn tạo vào khối di sản:
Theo lời khai của các đương sự thì gia đình ông L có công sức trong việc quản lý di sản, còn đối với việc chăm sóc hai cụ khi còn sống và lo mai táng cho hai cụ khi qua đời đều do bốn anh em đóng góp nên Tòa án cấp sơ thẩm trích công sức trông nom, quản lý di sản cho ông L bằng 01 suất thừa kế là phù hợp.
[2.5] Về phân chia di sản thừa kế của hai cụ: Trên cơ sở xác định hàng thừa kế và di sản thừa kế của cụ H3 và cụ C2 để lại, trích công sức cho ông L như đã nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vị trí, hình thể thửa đất và nhu cầu sử dụng thực tế của các đương sự để giành một phần đất có diện tích 15,9m2 trên đó có nền lát gạch đỏ và cổng ngõ làm lối đi chung cho các thừa kế, phần diện tích đất còn lại và các tài sản trên diện tích đất này được phân chia làm 05 kỷ phần, mỗi kỷ phần trị giá 1.087.300.000đ trong đó trích công sức trông nom, quản lý di sản cho ông L bằng 01 kỷ phần thừa kế, còn 04 kỷ phần còn lại được chia đều cho các thừa kế của hai cụ. Đối với kỷ phần của ông L và ông Đ1 thì được chuyển tiếp cho các thừa kế của ông L (là các con của ông L, bà T4) và các thừa kế của ông Đ1 (là các con của ông Đ1, bà T5). Theo đó, các thừa kế của ông L được hưởng 02 kỷ phần thừa kế trị giá 2.174.600.000đ và được phân chia bằng hiện vật diện tích 82,1m2 đất tại thửa số 132 (1) trên đó có nhà mái bằng 1 tầng, nhà gạch mái ngói, mái vẩy lợp tôn, sân gạch, cây cối hiện anh T1 đang quản lý, sử dụng có tổng giá trị là 2.127.620.000đ và được nhận số tiền chênh lệch so với kỷ phần được hưởng từ các đồng thừa kế khác số tiền là 46.980.000đ là đảm bảo quyền lợi của ông L.
[2.6] Đối với kháng cáo của anh T1, anh C1 và chị T3 cho rằng Tòa án sơ thẩm không đưa thửa đất số 134 diện tích 240m2 vào chia thừa kế thấy: Như đã phân tích ở phần trên, thửa đất này đã được các đồng thừa kế chuyển nhượng cho ông Bạch Đăng N năm 1991 để lấy tiền xây dựng nhà thờ và nhà ở chung của gia đình trên thửa đất số 132 nên số tiền chuyển nhượng thửa đất này đã được chuyển hóa thành nhà ở và các công trình xây dựng trên thửa đất số 132 hiện nay. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, vẽ hồ sơ kỹ thuật thửa đất; định giá đất cùng toàn bộ các tài sản trên thửa đất số 132 bao gồm: Căn nhà mái bằng 01 tầng diện tích 30,6m2; nhà gạch mái ngói diện tích 29,2m2, mái vẩy lợp tôn diện tích 11m2, sân lát gạch đỏ diện tích 90,5m2, cửa sắt (cổng) diện tích 5m2 và tường xây gạch bổ trụ giáp ngõ diện tích 24,3m2 là những tài sản được chuyển hóa từ việc chuyển nhượng thửa đất số 134 và các đồng thừa kế đóng góp thêm là đã xác định đầy đủ di sản thừa kế của hai cụ để lại. [2.7] Đối với kháng cáo đề nghị công nhận hiệu lực của Quyết định số 1284/QĐ-UBND ngày 07/3/2017 của UBND quận Nam Từ L và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp mang tên ông Nguyễn Huy L và bà Nguyễn Thị T4 thấy:
Các đương sự đều thừa nhận thửa đất số 132, thửa số 134 Tờ bản đồ số 10 có nguồn gốc là của vợ chồng cụ H3, cụ C2; nhưng có lời khai mâu thuẫn về việc phân chia các thửa đất này. Tuy nhiên, ông L và các con của ông L không đưa ra được các tài liệu, chứng cứ chứng minh việc hai cụ phân chia đất cho các con và các đồng thừa kế khác cũng không thừa nhận nên chưa có cơ sở xác định có việc khi còn sống hai cụ đã phân chia đất cho các con. Thực tế khi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa số 132, ông L cũng khai nguồn gốc đất của cha ông để lại. UBND quận Nam Từ L cho rằng ông L, bà T4 đã quản lý, sử dụng thửa đất này trên 30 năm (từ Bản đồ năm 1986) để xác định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông L, bà T4 là đúng quy định tại Điều 29 Quyết định số 37/2015/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội là không phù hợp với nguồn gốc đất mà các bên đương sự đã thừa nhận. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy các đương sự đều thừa nhận nguồn gốc thửa đất số 132 là của vợ chồng cụ H3, cụ C2 và không có căn cứ chứng minh sự dịch chuyển quyền sử dụng thửa đất trên từ hai cụ sang cho vợ chồng ông L (thông qua hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng, di chúc hay thỏa thuận của các đồng thừa kế) nên việc UBND quận Nam Từ L cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông L, bà T4 làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các đồng thừa kế khác. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm hủy quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông L và bà T4 để cấp lại cho các đương sự theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là có căn cứ.
Vì vậy, kháng cáo của anh T1, anh C1 và chị T3 đề nghị sửa án sơ thẩm theo hướng bác yêu cầu khởi kiện của ông T là không có cơ sở chấp nhận.
[2.8] Về án phí: Do kháng cáo của anh T1, anh C1 và chị T3 không được chấp nhận nên anh T1, anh C1 và chị T3 phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Không chấp nhận kháng cáo của anh Nguyễn Huy T1, anh Nguyễn Huy C1 và chị Nguyễn Thị T3, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 44/2020/DSST ngày 24/8/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
2. Về án phí: Anh Nguyễn Huy T1, anh Nguyễn Huy C1 và chị Nguyễn Thị T3 phải chịu mỗi người phải chịu 300.000đ án phí dân sự phúc thẩm, được đối trừ số tiền 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm anh T1, anh C1 và chị T3 đã nộp tại các Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2018/0020373; AA/2018/0020372 và AA/2018/0020371 đều ghi ngày 14/9/2020 của Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 133/2021/DS-PT về tranh chấp chia thừa kế, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Số hiệu: | 133/2021/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 23/11/2021 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về