TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
BẢN ÁN 13/2021/DS-PT NGÀY 02/02/2021 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ BUỘC THÁO DỠ, DI DỜI TÀI SẢN TRÊN ĐẤT
Trong các ngày 28 tháng 01 và ngày 02 tháng 02 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 60/2020/TLPT-DS ngày 28 tháng 10 năm 2020 về việc Tranh chấp quyền sử dụng đất và buộc tháo dỡ, di dời tài sản trên đất do Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2020/DS-ST ngày 25/09/2020 của Toà án nhân dân huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn bị kháng cáo, kháng nghị; theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 100/2020/QĐ-PT ngày 24 tháng 12 năm 2020 và Thông báo chuyển ngày xét xử số 01/2021/TB-TA ngày 12/01/2021, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Ông M, sinh năm 1960. Địa chỉ: Thôn N, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Ông H – Luật sư, Văn phòng luật sư H và cộng sự - Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang. Có mặt.
Bị đơn:
1. Anh T, sinh năm 1974. Địa chỉ: Thôn N1, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Có mặt.
2. Anh T1, sinh năm 1977. Địa chỉ: Thôn N1, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Có mặt.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Q, sinh năm 1959. Địa chỉ: Thôn N, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Vắng mặt.
2. Anh M, sinh năm 1983. Địa chỉ: Phường P, quận N, thành phố Hà Nội. Vắng mặt.
3. Anh C, sinh năm 1985. Địa chỉ: Phường C, quận K, thành phố Hà Nội. Vắng mặt.
4. Bà S, sinh năm 1951. Địa chỉ: Thôn N1, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Vắng mặt.
5. Anh B, sinh năm 1985. Địa chỉ: Thôn N1, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của bà S, anh B: Anh T1, sinh năm 1977. Địa chỉ: Thôn N1, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Có mặt, theo văn bản ủy quyền ngày 06/8/2020.
6. Ông C, sinh năm 1971. Địa chỉ: Thôn N1, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Vắng mặt.
7. Chị B, sinh năm 1981. Địa chỉ: Thôn N1, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Có mặt.
8. Anh L, sinh năm 1999. Địa chỉ: Thôn N1, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Vắng mặt.
9. Anh C, sinh năm 2001. Địa chỉ: Thôn N1, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Vắng mặt.
10. Chị S1, sinh năm 1979. Địa chỉ: Thôn N1, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Có mặt.
11. Anh V, sinh ngày 27/3/2005 (âm lịch). Địa chỉ: Thôn N1, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Vắng mặt.
12. Ủy ban nhân dân huyện H, tỉnh Lạng Sơn.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông P – Chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện H. Vắng mặt.
13. Ủy ban nhân dân xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn.
Người đại diện theo ủy quyền: Bà E – Công chức tư pháp – Hộ tịch xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Vắng mặt.
14. Ông V, sinh năm 1962. Địa chỉ: Thôn N1, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Vắng mặt.
Người làm chứng:
1. Ông V1, sinh năm 1957. Địa chỉ: Thôn N, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Có mặt.
2. Bà V2, sinh năm 1958. Địa chỉ: Thôn N1, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Vắng mặt.
- Người kháng cáo: Ông M là nguyên đơn.
- Viện kiểm sát kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án và Bản án dân sự sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Phía nguyên đơn ông M trình bày: Vợ chồng ông là công nhân của Nông trường N, huyện H. Từ trước năm 1993, gia đình ông vẫn canh tác trên mảnh đất của Nông trường có diện tích là 4.475,3m2. Năm 1993 vợ chồng được Nông trường giao 1,2 ha đất tại đồi 8/3, đội 1, tiểu khu 1 thuộc Nông trường N. Việc giao đất được lập Biên bản giao đất ngày 11/5/2000 và Giấy chứng nhận giao khoán quyền sử dụng đất số 003TK1GKQSDĐNTHL ngày 02/6/2000. Khoảng năm 1994 - 1995 do không sử dụng hết được diện tích đất được giao nên ông M cho ông U, ông V, ông K mượn đất để sử dụng. Đến năm 1996, ông đã làm biên bản cam kết mượn đất sử dụng, sản xuất có chữ ký của ông U, ông V, do ông K đi vắng nên đã không ký. Biên bản này được viết tại nhà ông V, với nội dung ông cho mượn đất và các bên mượn phải cam kết không được san lấp, làm biến đổi hiện trạng đất, không được tự ý mua bán, chuyển nhượng đất, nếu gia đình nào sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Năm 2002, ông U chết, hai con trai của ông là T, T1 đã xây dựng nhà và các công trình phụ trên mảnh đất mượn của ông M. Ông M có nhắc nhở nhưng do tình cảm làng xóm nên vẫn để cho anh T1, anh T tiếp tục được sử dụng đất nhưng sau đó anh T, anh T1 lại chuyển nhượng đất cho người khác mà không hỏi ý kiến và không được sự đồng ý của ông M. Khoảng năm 2013 - 2014, ông M có nhắc nhở anh T1 về việc anh T1 san đất nhưng anh T1 không nghe. Nay ông M khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết: Buộc anh T phải trả lại 2.177m2, anh T1 phải trả lại 2.298,3m2 đất trồng cây lâu năm và tháo dỡ các công trình xây dựng, di dời các cây cối, tài sản trên đất để trả lại nguyên hiện trạng đất cho ông M.
Theo lời khai của phía bị đơn anh T1 thì gia đình anh sống ở gần Nông trường N, năm 1994 gia đình anh đã trồng các cây ăn quả trên đất, sử dụng đất của Nông trường nhưng không được Nông trường giao đất. Đến năm 2004, anh T1 đến khu đất của Nông trường để xây dựng nhà ở, các công trình phụ. Từ năm 2004 cho đến nay, anh vẫn sinh sống trên đất đó không có ai tranh chấp gì. Quá trình sử dụng đất anh đã múc đất để mở rộng đường đi vào nhà và làm thêm một nhà nữa ngoài mặt đường để chuyển đổi cây trồng, nhà ông M biết nhưng không có ý kiến gì. Anh không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông M vì đất là của nhà anh vẫn sử dụng, quản lý từ xưa đến nay, đất là của nhà anh chứ không phải của nhà ông M.
Bị đơn anh T nhất trí với lời trình bày của anh T1. Khi anh lập gia đình ra ở riêng và đến khu đất của Nông trường để xây dựng nhà ở, các công trình phụ. Từ năm 2010 cho đến nay, anh vẫn sinh sống trên đất đó không có ai tranh chấp gì. Năm 2018, anh tiếp tục xây thêm một ngôi nhà nữa. Anh không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông M.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông V và người làm chứng bà V2 trình bày: Từ đầu năm 1991, gia đình ông V và bà V2 đã khai phá, làm hợp đồng với Nông trường N để trồng sắn, ngô tại mảnh đồi 8/3 và trả sản phẩm bằng sắn khô cho Nông trường N, khi đó ông V1 là Đội trưởng Đội sản xuất 1 của Nông trường. Đến năm 1994, Nông trường chuyển đổi sang trồng vải thiều, xen lẫn dứa tại Đồi 8-3. Tuy nhiên, do lúc đó Nông trường không muốn giao khoán đất cho nhiều hộ gia đình vì nhỏ lẻ, khó quản lý nên gia đình ông bà cùng với gia đình ông U và ông M cùng nhau thống nhất để ông M (khi đó ông M là công nhân Nông trường) đứng lên nhận đất tại Đồi 8-3 để trồng cây vải thiều, với thời hạn nhận đất trồng là 50 năm để ký hợp đồng dễ hơn. Để thể hiện ông M đang canh tác nhiều đất, từ đó làm cơ sở để Nông trường giao khoán cho ông M 1,2 ha, ông V và ông U đã ký biên bản cam kết mượn đất sử dụng sản xuất nhưng bản chất không phải là mượn đất của ông M. Diện tích 1,2 ha ông M được giao khoán bao gồm diện tích đất của 04 hộ gia đình gồm: Hộ gia đình ông M; hộ ông U, hộ bà V2 và hộ gia đình ông V. Ông M chỉ là người đứng tên đại diện trong hợp đồng giao khoán. Sau khi nhận giao khoán, diện tích đất của hộ gia đình nào thì nhà ấy làm, không có tranh chấp gì. Năm 1994 và năm 1995, ông V không được vay tiền ứng chăm sóc vải với ông M và cũng không vay tiền ứng chăm sóc vải với bất kỳ ai. Chữ ký trong văn bản mà ông M giao nộp không phải là chữ ký của ông V. Đối với diện tích đất ông M đang tranh chấp với anh T và anh T1, từ trước khi nhận khoán với Nông trường cho đến nay, ông M không canh tác ngày nào trên diện tích đất này, ông U canh tác thường xuyên, ổn định cho đến năm 2002 thì chia cho anh T và anh T1. Sau đó, anh T, anh T1 sử dụng diện tích đất được chia để xây nhà, công trình phụ… cho đến nay.
Ý kiến của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ủy ban nhân dân huyện H: Giấy chứng nhận giao khoán số 003TK1GKQSDĐ/NTHL mang tên ông M tại thời điểm năm 2000 là đúng quy định. Căn cứ theo Quyết định số 2278/QĐ- UBND ngày 05/12/2007 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc thu hồi đất Nông trường N (đã giải thể) thì hiện nay diện tích đất Nông trường N do UBND huyện H quản lý. UBND huyện H đã đo đạc diện tích đất nông, lâm trường tại xã H và hiện đang lập phương án giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân. Phần diện tích tranh chấp theo nguyên đơn thuộc tờ bản đồ đất nông, lâm trường số 02 gồm các thửa đất số 94, 95, 96 và 86. Cụ thể thửa đất số 95, diện tích 1.883,3m2 và thửa đất số 96, diện tích 795,3m2 quy chủ sử dụng theo hiện trạng mang tên ông T và bà B. Thửa đất số 86, diện tích 362,6m2 và thửa đất số 94, diện tích 1.555,3m2 quy chủ sử dụng theo hiện trạng mang tên ông T1 và bà S1. Nay phần đất tranh chấp thuộc một phần thửa đất số 07 và một phần thửa đất số 21, tờ bản đồ địa chính số 50 xã H.
Đối với nội dung liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ tại dự án đường S, huyện H, tỉnh Lạng Sơn: Diện tích đất ông T ảnh hưởng là 173m2, diện tích đất ông T1 ảnh hưởng là 179m2. Tuy nhiên, ông T và ông T1 đều không được nhận tiền đền bù về đất do đất có nguồn gốc là đất nhận giao khoán.
Người làm chứng ông V1 trình bày: Ông là đội trưởng đội sản xuất 1 thuộc Nông trường N từ năm 1990 đến khi Nông trường giải thể 2006. Khoảng năm 1991 – 1992 đơn vị có triển khai trồng cây sắn trên một số đồi dứa đã bỏ, trong đó có đồi 8.3, có một số hộ dân gần đồi 8.3 đã đến đặt vấn đề nhận đất với đội sản xuất trong đó có gia đình ông bà V, V2, U. Năm 1993, ông M và ba hộ trên được nông trường nhất trí cho nhận đất ở đồi 8/3, ông M được ủy quyền thay mặt 03 hộ trên ký nhận đất. Năm 2006, nông trường giải thể, phần đất của gia đình nào, gia đình đó vẫn sử dụng, hạn hợp đồng giao khoán 50 năm, chưa hết hạn hợp đồng ông M đi đòi đất như vậy là không đúng.
Theo kết quả xem xét thẩm định và định giá tài sản xác định:
Phần đất ông M cho rằng anh T đang tranh chấp: Đất tranh chấp là đồi của Nông trường N, huyện H trước đây, nay thuộc thôn N1, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn, thuộc một phần của thửa số 07 và thửa số 21, tờ bản đồ số 50 bản đồ địa chính xã H đo vẽ năm 1998 và thuộc một phần diện tích đất đã được cấp Giấy chứng nhận giao khoán quyền sử dụng đất số 003TK1GKQSDĐ/NTHL ngày 02/6/2000, diện tích đất thực tế qua đo đạc khi xem xét, thẩm định tại chỗ là 2.177m2 (trong đó diện tích đất thuộc một phần thửa số 07 có diện tích 2.056,6m2; diện tích đất thuộc một phần thửa số 21 có diện tích 120,4m2).
Trên diện tích đất tranh chấp có các tài sản, công trình gắn liền trên đất, anh T đang quản lý, sử dụng gồm nhà ở, bể nước, nhà tắm, chuồng gà, giếng khoan, 03 cây mít, 01 cây xoài, 01 cây bơ, 04 cây chanh, 01 cây cam, vườn giống cung cấp hom (loài cây keo lai) có 4.500 cây ; Vườn ươm cây giống có 50.000 cây chuẩn bị tháo vòm ; 30.000 bầu cây ươm mới đóng... và nhà quán của anh C. Tổng giá trị đất, công trình vật kiến trúc, cây trên đất tranh chấp là 1.327.617.000 đồng.
Phần diện tích đất ông M cho rằng anh T1 tranh chấp: Đất tranh chấp là đồi của Nông trường N, huyện H, tỉnh Lạng Sơn trước đây, nay thuộc thôn N1, xã H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn, thuộc một phần của thửa số 07, thửa số 21 và phần đất giao thông cũ, tờ bản đồ số 50 bản đồ địa chính xã H đo vẽ năm 1998 và thuộc một phần diện tích đất đã được cấp Giấy chứng nhận giao khoán quyền sử dụng đất số 003TK1GKQSDĐ/NTHL ngày 02/6/2000, diện tích đất thực tế qua đo đạc khi xem xét, thẩm định tại chỗ là 2.298,3m2 (trong đó diện tích đất thuộc một phần thửa số 07 có diện tích 2.155,8m2; diện tích đất thuộc một phần thửa số 21 có diện tích 113,2m2; phần đất giao thông cũ có diện tích 29,3m2), có các phía tiếp giáp như sau : Phía Tây tiếp giáp đường đất vào nhà ông V. Phía Đông tiếp giáp phần đất anh T đang quản lý, sử dụng. Phía Nam tiếp giáp thửa đất số 21 của ông V. Phía Bắc tiếp giáp đường H1 (đường bê tông).
Trên diện tích đất tranh chấp có các tài sản, công trình gắn liền trên đất, anh T1 đang quản lý, sử dụng gồm : 01 nhà cấp, sân láng xi măng, chuồng lợn, chuồng gà, bể nước, nhà ở, bếp, nhà tắm, bể nước, bể lọc, giếng khoan và một số cây ăn quả, vườn ươm cây giống có tổng giá trị là 1.148.100.000 đồng.
Tại Bản án sơ thẩm số 10/2020/DS-ST ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn đã quyết định:
- Về trách nhiệm dân sự:
Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông M về việc đòi lại diện tích đất tranh chấp, cụ thể:
+ Bác yêu cầu đòi anh T phải trả lại diện tích đất là 2.177m2 (trong đó diện tích đất thuộc một phần thửa số 07 có diện tích 2.056,6m2; diện tích đất thuộc một phần thửa số 21 có diện tích 120,4m2) tờ bản đồ số 50.
+ Bác yêu cầu đòi anh T1 phải trả lại 2.298,3m2 (trong đó diện tích đất thuộc một phần thửa số 07 có diện tích 2.155,8m2; diện tích đất thuộc một phần thửa số 21 có diện tích 113,2m2; phần đất giao thông cũ có diện tích 29,3m2.
Bác yêu cầu buộc bị đơn anh T, T1 phải tháo dỡ, di dời các tài sản trên đất để trả lại nguyên hiện trạng đất.
- Án phí dân sự sơ thẩm: Ông M phải nộp án phí dân sự sơ thẩm là 81.514.340 đồng để sung công quỹ nhà nước.
- Về chi phí tố tụng: Chi phí đo đạc xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản ngày 21/8/2020 là 15.050.000 đồng, do yêu cầu của ông M không được chấp nhận nên ông phải chịu toàn bộ chi phí.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về khấu trừ án phí, quyền kháng cáo đối với các đương sự.
Trong thời hạn luật định, nguyên đơn ông M có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án dân sự sơ thẩm, yêu cầu ông T, T1 trả lại diện tích đất 5.383m2 và tháo dỡ nhà ở, công trình trên đất tranh chấp với các lý do: Ông M là người nhận khoán quyền sử dụng 1,2 ha đất của Nông trường N theo Hợp đồng nhận khoán số 03/HĐ-NT ngày 11/5/2000 và Giấy chứng nhận giao khoán quyền sử dụng đất số 003TK1/GKQSDĐ/NTHL ngày 01/6/2000. Hiện nay các giấy tờ này chưa thanh lý Hợp đồng, chưa có văn bản thu hồi hay điều chỉnh. Việc ông M cho các hộ gia đình ông U, V, K mượn đất có Bản cam kết mượn đất với điều kiện sử dụng đúng mục đích, không được làm biến dạng hình thức của đổi đất, không được làm nhà và không được tự ý mua bán, đổi chác.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn kháng nghị đề nghị hủy bản án sơ thẩm do bản án sơ thẩm có vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ và chi phí tố tụng. Cụ thể: Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ số thửa đất, diện tích đất tranh chấp giữa kết quả xem xét thẩm định tại chỗ và ý kiến của Ủy ban nhân dân huyện H; chưa thu thập làm rơ trong diện tích đất tranh chấp có 29,3m2 đất đường giao thông cũ, có diện tích 179m của anh T1 và 173,2m2 của anh T đang quản lý, sử dụng; xác định quan hệ pháp luật chưa đầy đủ; tính án phí dân sự sơ thẩm không đúng; phần quyết định của bản án sơ thẩm xử bác yêu cầu của ông M đối với yêu cầu giải quyết tranh chấp đất giữa anh T, anh T1, nhưng không giải quyết diện tích đất tranh chấp thuộc quyền quản lý, sử dụng của ai là chưa triệt để, khó khăn cho việc thi hành án.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông M giữ nguyên nội dung kháng cáo và bổ sung yêu cầu kháng cáo là đề nghị Hội đồng xét hủy toàn bộ bản án sơ thẩm; Đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên nội dung kháng nghị, đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm số 10/2020/DS-ST ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Lạng Sơn.
Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn tại phiên tòa phúc thẩm: Quá trình thụ lý và giải quyết tại cấp phúc thẩm, Thẩm phán chủ tọa và Hội đồng xét xử phúc thẩm đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự tại cấp phúc thẩm. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chấp hành đúng quy định tại các Điều 70, 71, 72, 73 và Điều 234 Bộ luật tố tụng dân sự. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn thực hiện đúng quy định tại Điều 75, 76 Bộ luật tố tụng dân sự.
Về nội dung, do vi phạm về thu thập chứng cứ chưa được làm rõ, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 308, khoản 1 Điều 310 BLTTDS xử chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, hủy bản án sơ thẩm, nội dung kháng cáo của ông M sẽ được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét khi thụ lý giải quyết lại vụ án.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về sự có mặt của những người tham gia tố tụng: Tại phiên tòa hôm nay vắng mặt những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, mặc dù đã được Tòa án triệu tập hợp lệ hai lần nhưng vẫn vắng mặt không có lý do. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án những người này đã có văn bản nêu ý kiến và đề nghị giải quyết vắng mặt. Một số người có đơn xin xét xử vắng mặt hoặc đã ủy quyền cho người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa. Do vậy, căn cứ khoản 3 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt những người trên.
[2] Về quan hệ pháp luật: Nguyên đơn ông M khởi kiện đòi lại diện tích đất tranh chấp và yêu cầu bị đơn anh T, T1 tháo dỡ, di dời các tài sản trên đất. Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý, giải quyết cả hai yêu cầu của nguyên đơn nhưng trong trích yếu và nội dung của bản án sơ thẩm chỉ xác định quan hệ pháp luật là “Tranh chấp quyền sử dụng đất” là chưa đầy đủ. Cần xác định quan hệ pháp luật của vụ án này là “Tranh chấp quyền sử dụng đất, buộc tháo dỡ tài sản trên đất”.
[3] Xét kháng cáo của ông M thấy rằng:
[3.1] Ông M được Nông trường N giao khoán đất trồng cây ăn quả lâu năm theo Hợp đồng số 03/HĐ-NT ngày 11/5/2000. Theo nội dung Hợp đồng, Nông trường giao khoán đất cho ông M để sử dụng vào mục đích trồng cây ăn quả lâu năm; ông M có quyền được chủ động sản xuất, hưởng thành quả lao động của mình; sau khi nhận đất phải có kế hoạch sử dụng đất để trồng các loại cây theo định hướng, quy định của Nông trường. Tuy nhiên thực tế sau khi nhận đất, ông M không sử dụng đất đúng theo giao khoán mà cho các hộ ông U, ông K, ông V mượn đất để canh tác từ ngày 15/6/1996 đến nay. Như vậy, ông M đã không thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của ông theo Hợp đồng giao khoán đã ký với Nông trường N.
[3.2] Mặt khác, Nông trường N giải thể theo Quyết định số 317/2005/QĐ- TTg ngày 02/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ, toàn bộ diện tích đất của Nông trường được giao cho Ủy ban nhân dân huyện H quản lý theo Quyết định số 2278/QĐ-UBND ngày 05/12/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn. Theo đó, Hợp đồng giao khoán số 03/HĐ-NT ngày 11/5/2000 và Giấy chứng nhận giao khoán quyền sử dụng đất số 003TK1/GKQSDĐ/NTHL ngày 01/6/2000 của Nông trường N không còn giá trị pháp lý. Điều này cũng phù hợp với ý kiến của Ủy ban nhân dân huyện H tại Công văn 1366/UBND-TNMT ngày 18/12/2020. Do vậy, ông M kháng cáo yêu cầu ông T1 và T trả lại diện tích đất tranh chấp vì cho rằng chưa có văn bản nào thu hồi hay điều chỉnh, hủy bỏ Hợp đồng nhận khoán số 03/HĐ-NT ngày 11/5/2000 và Giấy chứng nhận giao khoán quyền sử dụng đất số 003TK1/GKQSDĐ/NTHL ngày 01/6/2000 của Nông trường N là không có căn cứ chấp nhận.
[4] Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ số thửa đất, diện tích đất tranh chấp giữa kết quả xem xét thẩm định tại chỗ và ý kiến của Ủy ban nhân dân huyện thấy rằng: Tại Công văn số 1366/UBND-TNMT ngày 18/12/2020 Ủy ban nhân dân huyện H khẳng định diện tích đất tranh chấp thuộc các thửa đất số 94, 95, 96 và 86, tờ bản đồ đất nông, lâm trường số 02, theo tờ bản đồ địa chính xã H số 50 (đo vẽ năm 1998) thuộc thửa số 07 và một phần thửa số 21. Như vậy, số thửa đất, diện tích đất tranh chấp giữa kết quả xem xét thẩm định tại chỗ và ý kiến của Ủy ban nhân dân huyện không có sự mâu thuẫn như nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện H.
[5] Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh về việc Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập làm rõ trong diện tích đất tranh chấp có 29,3m2 đất đường giao thông cũ, một phần thửa 21 diện tích 120,4m2, một phần thửa 21 diện tích 113,2m2 thấy rằng: Tại ý kiến của UBND huyện H đối với diện tích này thể hiện diện tích có sự biến động giữa đo thực tế và tờ bản đồ số 02 (đo năm 2018) và bản đồ địa chính xã H (đo vẽ năm 2018). Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích này sẽ được xem xét khi thực hiện phương án sử dụng đất đối với diện tích trả lại địa phương.
[6] Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, anh T, anh T1 cung cấp thêm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ bà S (là mẹ đẻ của anh T, anh T1). Tòa án cấp phúc thẩm đã thu thập ý kiến của bà S và những người có quyền lợi liên quan trong hộ gia đình, các thành viên trong hộ gia đình đều nhất trí với ý kiến của anh T, anh T1, nhất trí tiếp tục cho các anh được quản lý, sử dụng đất.
Các ý kiến của bà S và những người có quyền lợi liên quan không đối lập với ý kiến của anh T, anh T1. Do đó, anh T, anh T1 có quyền tiếp tục quản lý diện tích đất mà hai anh đang quản lý, sử dụng.
[7] Xét kháng nghị của Viện kiểm sát về án phí dân sự sơ thẩm thấy rằng: Trong vụ án này, các đương sự tranh chấp về quyền sử dụng đất, Tòa án không xem xét giá trị, chỉ xem xét quyền sử dụng đất của ai, do đó đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch là 300.000 đồng, được đối trừ vào số tiền ông M đã nộp tạm ứng. Việc Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông M phải chịu án phí có giá ngạch là 81.514.340 đồng là không đúng, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của đương sự, kháng nghị của Viện kiểm sát là có căn cứ chấp nhận. Tuy nhiên sau khi xét xử sơ thẩm, ông M có đơn xin miễn án phí do thuộc đối tượng người cao tuổi. Hội đồng xét xử thấy rằng việc ông M xin miễn án phí tại cấp phúc thẩm là có căn cứ nên ông M không phải chịu án phí. Việc sửa phần án phí là do tình tiết mới.
[8] Từ những phân tích trên xét thấy, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của ông M, có căn cứ chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát, sửa án phí dân sự sơ thẩm, quan hệ pháp luật và sửa lời tuyên của bản án sơ thẩm. Xét thấy việc thu thập chứng cứ của Tòa án cấp sơ thẩm đã đầy đủ, việc hủy bản án sơ thẩm là không cần thiết, do đó Hội đồng xét xử sửa một phần bản án sơ thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[9] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do cấp phúc thẩm sửa một phần Bản án sơ thẩm nên đương sự không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 9 Điều 26; khoản 1 Điều 35; điểm b khoản 2 Điều 38, điểm a khoản 1 Điều 39; khoản 1 Điều 147; khoản 2 Điều 148; khoản 3 Điều 296; khoản 2 Điều 308; 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ Điều 203 Luật đất đai 2013;
Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12, điểm a khoản 2 Điều 27 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Không chấp nhận kháng cáo của ông M, chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn, sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2020/DS-ST ngày 25/9/2020 của Toà án nhân dân huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, cụ thể:
1. Về trách nhiệm dân sự:
- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông M về việc đòi lại diện tích đất tranh chấp, cụ thể:
+ Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông M đòi anh T phải trả lại diện tích đất là 2.177m2 (trong đó diện tích đất thuộc một phần thửa số 07 có diện tích 2.056,6m2; diện tích đất thuộc một phần thửa số 21 có diện tích 120,4m2) tờ bản đồ số 50.
Anh T tiếp tục được quản lý, sử dụng diện tích 2.056,6m2 thửa số 07 tờ bản đồ số 50 và diện tích 120,4m2 đất thuộc một phần thửa số 21 tờ bản đồ số 50.
+ Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông M đòi anh T1 phải trả lại 2.298,3m2 (trong đó diện tích đất thuộc một phần thửa số 07 có diện tích 2.155,8m2; diện tích đất thuộc một phần thửa số 21 có diện tích 113,2m2; phần đất giao thông cũ có diện tích 29,3m2).
Anh T1 tiếp tục được quản lý, sử dụng diện tích đất 2.298,3m2 (trong đó diện tích đất thuộc một phần thửa số 07 có diện tích 2.155,8m2; diện tích đất thuộc một phần thửa số 21 có diện tích 113,2m2; phần đất giao thông cũ có diện tích 29,3m2). Đối với phần đất giao thông 29,3m2 anh T1 được quản lý sử dụng nhưng phải chấp hành theo quy định của pháp luật về hạn chế việc xây dựng.
- Không chấp nhận yêu cầu buộc bị đơn anh T, T1 phải tháo dỡ, di dời các tài sản trên đất để trả lại nguyên hiện trạng đất.
2. Về án phí dân sự: Ông M không phải chịu án phí, trả lại cho ông M số tiền 600.000đ (sáu trăm nghìn đồng) mà ông M đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2016/0001884 ngày 29/5/2020 tại Chi cục Thi Hành án dân sự huyện H, tỉnh Lạng Sơn.
3. Về chi phí tố tụng: Ông M phải chịu 15.050.000đ (mười lăm triệu không trăm năm mươi nghìn đồng) chi phí đo đạc xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản. Xác nhận ông M đã nộp đủ.
Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án 13/2021/DS-PT ngày 02/02/2021 về tranh chấp quyền sử dụng đất và buộc tháo dỡ, di dời tài sản trên đất
Số hiệu: | 13/2021/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Lạng Sơn |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 02/02/2021 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về