Bản án 125/2020/HS-ST ngày 19/08/2020 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ NINH BÌNH, TỈNH NINH BÌNH

BẢN ÁN 125/2020/HS-ST NGÀY 19/08/2020 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong các ngày 13, 19 tháng 08 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Ninh Bình xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 99/2020/TLST-HS ngày 16 tháng 06 năm 2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 113/2020/QĐXXST-HS ngày 30 tháng 07 năm 2020 đối với bị cáo:

Phạm Khiêm M (tên gọi khác: H), sinh năm 1990 tại tỉnh Ninh Bình; nơi cư trú: Phố N, thị trấn T, huyện H, tỉnh Ninh Bình; trình độ văn hoá: 0/12; nghề nghiệp: Lao động tự do; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn K (đã chết) và bà Phạm Thị B; chưa có vợ con; tiền sự: Không;

Tiền án: Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2013/HSST ngày 26-09-2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình xử phạt M 09 năm tù về tội giết người; ra trại ngày 30-01-2019.

Nhân thân :

- Ngày 26-01-2007 bị Tòa án nhân dân thị xã Ninh Bình xử phạt 09 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Trộm cắp tài sản”.

- Ngày 17- 09-2008 bị Tòa án nhân dân thành phố Ninh Bình xử phạt 06 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng về tội “Trộm cắp tài sản”.

- Ngày 18-09- 2003 bị Ủy ban nhân dân huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình ra Quyết định số 640 đưa vào cơ sở giáo dục thời hạn 02 năm.

- Ngày 25-04-2012 bị Công an huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình xử phạt vi phạm hành chính phạt tiền 1.500.000 đồng về hành vi trộm cắp tài sản (hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính).

Bị cáo bị bắt theo Quyết định truy nã, tạm giữ từ ngày 23-03-2020 đến ngày 24-03-2020 chuyển tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Ninh Bình cho đến nay; có mặt.

- Bị hại: Chị Nguyễn Thị H1, sinh năm 1991; nơi cư trú: Số nhà 05, đường Ninh Khánh, phố B, phường K, thành phố N, tỉnh Ninh Bình; có mặt.

- Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại: Ông Nguyễn Ánh T, sinh năm 1974 và bà Nguyễn Thị H2, sinh năm 1981 - Luật sư của Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; ông T có mặt, bà H2 vắng mặt khi tuyên án.

- Ni có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Chị Nguyễn Thị Hương S, sinh năm 1983; nơi cư trú: Số nhà 05, đường K, phố B, phường K, thành phố N, tỉnh Ninh Bình; có mặt.

+ Anh Đoàn Minh P, sinh năm 1983; nơi cư trú: Số nhà 38, ngõ 241, đường H, phố K, phường K, thành phố N, tỉnh Ninh Bình; vắng mặt.

+ Chị Tăng Thị Kiều T, sinh năm 1995; nơi cư trú: Thôn N, xã H, huyện H, tỉnh Ninh Bình; vắng mặt.

- Người làm chứng:

+ Chị Phạm Thị Ngọc Q, sinh năm 1995; nơi cư trú: Xóm C, xã M, huyện H, tỉnh Ninh Bình; vắng mặt.

+ Chị Phạm Thị Hương G, sinh năm 1992; vắng mặt.

+ Anh Hoàng Văn Q1, sinh năm 1993; vắng mặt.

Cùng nơi cư trú: Số nhà 02, đường C, phố Y, phường K, thành phố N, tỉnh Ninh Bình.

+ Anh Phạm Văn H3, sinh năm 1995; nơi cư trú: Thôn Q, xã M, huyện H, tỉnh Ninh Bình; vắng mặt.

+ Bà Lê Thị X, sinh năm 1948; nơi cư trú: Số nhà 42, đường H, phố K, phường K, thành phố N, tỉnh Ninh Bình; vắng mặt khi tuyên án.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Phạm Khiêm M và Tăng Thị Kiều T sinh năm 1995, trú tại thôn N, xã H, huyện H, tỉnh Ninh Bình; Phạm Thị Ngọc Q sinh năm 1995, trú tại xã C, xã M, huyện H, tỉnh Ninh Bình có quan hệ bạn bè xã hội với nhau. Do Tăng Thị Kiều T có mâu thuẫn trên mạng xã hội với Nguyễn Thị Hương S sinh năm 1983, trú tại phố B, phường K, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình nên khoảng 18 giờ ngày 28-10-2019 T1 gọi điện thoại cho S hẹn ra cổng trường cấp 1 Ninh Khánh thuộc phố B, phường K, thành phố N để nói chuyện, S đồng ý. Sau đó T1 gọi điện thoại cho anh Phạm Văn H3 sinh năm 1995 trú tại thôn Q, xã M, huyện H (là chồng cũ của T1) bảo anh H ra cổng trường cấp một Ninh Khánh nói chuyện rồi T1 sang nhà Phạm Thị Ngọc Q rủ Quỳnh đi cùng. Khi T1 và Quỳnh đang đi bộ ra đến đầu ngõ thì gặp Phạm Khiêm M điều khiển xe mô tô (không rõ biển kiểm soát) đi trên đường nên Q nhờ M chở hai người đến cổng trường cấp một K, thành phố N, M đồng ý. Trên đường đi T1 nói với M về việc mâu thuẫn chửi nhau với S và nói đến gặp S để nói chuyện, xin lỗi. Nguyễn Thị Hương S sau khi đồng ý hẹn gặp T1 thì nói với chị Nguyễn Thị H1 sinh năm 1991, trú tại xã T, huyện Y, tỉnh N (đang làm giúp việc ở nhà S) và gọi điện thoại cho chị Phạm Thị Hương G sinh năm 1992 trú tại phố Y, phường K nói về việc T1 hẹn gặp. Thấy vậy chị H1 khuyên S không nên ra gặp T1 rồi gọi điện thoại báo cho anh Đào Minh P sinh năm 1983, trú tại phố K, phường K (là anh rể của S) biết sự việc. Anh P dặn S và H1 không được đến chỗ hẹn rồi sang nhà bà Lê Thị X sinh năm 1948, trú tại phố K, phường K (là mẹ đẻ của S) chở bà X đến nhà S. Khoảng 18 giờ 10 phút cùng ngày, M điều khiển xe mô tô chở Quỳnh và T1 đến cổng trường cấp một K, thành phố N nhưng không thấy S nên lại chở Quỳnh và T1 đến nhà S. Khi đến cách cửa nhà S khoảng 20 đến 30 mét thì dừng xe. Lúc này S vào xe ô tô đang để trước cửa nhà lấy ra một chiếc gậy đánh bóng chày bằng kim loại mầu trắng dài khoảng 70 cm và 01 chiếc kiếm bằng kim loại cầm trên hai tay rồi chỉ về phía Quỳnh, T1 chửi bới, thách thức. Thấy vậy M tiến về chỗ S nói “Có việc gì cô cháu từ từ nói chuyện” thì S vẫn tiếp tục chửi bới rồi M lao vào giằng co gậy và kiếm với S. Thấy vậy H1 cũng lao vào giằng co với M, không cho M giằng gậy và kiếm của S. Khi hai bên đang giằng co nhau thì anh Pchở bà X đi đến rồi cả hai người vào can ngăn, anh P ôm ghì cổ M, còn bà X ôm tay S. Thấy anh P ghì cổ M thì T1 lao vào đánh, đạp vào người anh P. Thấy T1 đánh anh P thì H1 không giằng co nữa mà đi vòng đằng sau qua người anh P nhặt một viên gạch ném về phía T1 nhưng không trúng. T1 liền túm tóc H1, hai người vật nhau ngã xuống đất rồi đánh nhau bằng tay chân. T1 dùng tay túm tóc H1 lôi ra đường về phía sau xe ô tô rồi T1 ngồi lên người H1, dùng tay đánh vào người H1. Anh Phạm Văn H3 đến thấy mọi người đang giằng co nhau thì vào can ngăn. Khi M giật được chiếc gậy đánh bóng chày bằng kim loại từ tay Sthì anh P không ghì cổ M nữa mà bỏ chạy về phía Công an phường Ninh Khánh thì bị M đuổi theo khoảng 10 mét sau đó quay lại nhìn thấy T1 và H1 đang đánh nhau. M nói “Con kia bỏ con T1 ra” thì lúc này T1 bỏ chạy còn H1 đứng cạnh xe ô tô của S dựng trước cửa nhà S. M đi đến đứng đối diện với H1 rồi dùng tay phải cầm chiếc gậy đánh bóng chày bằng kim loại giơ lên vụt 01 cái xuống người H1, H1 giơ tay trái lên đỡ thì bị M vụt trúng vào cẳng tay trái, rồi M dùng chân đạp vào bụng H1 sau đó lại giơ gậy lên vụt 01 cái trúng vào hông bên trái của H1, thấy vậy Phạm Thị Ngọc Q vào can ngăn nên M không đánh H1 nữa mà đi đến chỗ S dùng gậy vụt về phía S nhưng không trúng. Lúc này vợ chồng chị Phạm Thị Hương G và anh Hoàng Văn Q1 sinh năm 1993 trú tại phố Y, phường K, thành phố N đi đến, thấy hai bên đang đánh nhau thì anh Q1 vào can ngăn và giật chiếc gậy đánh bóng chày từ tay M rồi đưa cho chị G cầm. Còn anh H3 cũng giật được chiếc kiếm từ tay S rồi đưa cho chị G cầm. Sau đó M và T1 lên xe bỏ về trước còn Q và anh H3 về sau. Sau khi sự việc xảy ra chị H1 bị thương được đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện quân y 5 từ ngày 28-10-2019 đến ngày 05-11-2019 ra viện.

Tại kết luận giám định số 078/2019/ThT-GĐPY ngày 28-11-2019 của Trung tâm pháp y Sở y tế tỉnh Ninh Bình kết luận: “Dấu hiệu chính qua giám định: Sẹo vết mổ cẳng tay trái; Gãy 1/3 giữa xương trụ trái đã kết hợp xương; Vết thay đổi sắc tố da: Không có căn cứ xếp tỷ lệ. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 16%. Cơ chế hình thành thương tích gãy xương trụ trái do vậy tầy cứng trực tiếp gây nên”.

Quá trình điều tra Nguyễn Thị Hương S giao nộp cho Cơ quan điều tra 02 đoạn video clip thu từ camera an ninh của gia đình ghi ngày 28-10-2019. Ngày 07- 05-2020 Cơ quan điều tra ra Quyết định trưng cầu giám định số 85 để giám định 02 đoạn video trên có bị cắt ghép, chỉnh sửa không và chụp, in ảnh, mô tả diễn biến liên quan đến vụ cố ý gây thương tích, sao lưu 02 tệp tin video gửi giám định sang đĩa DVD.

Tại bản Kết luận giám định số 45/KLGĐ-PC09-KTS&ĐT ngày 17-05-2020 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Ninh Bình kết luận: trích xuất được 18 ảnh liên quan đến vụ cố ý gây thương tích từ 02 tệp tin video lưu trữ trong USB gửi giám định. Ảnh được in và mô tả diễn biến vụ việc trong bản ảnh kèm theo kết luận giám định. Sao lưu dữ liệu 02 tệp tin video gửi giám định vào 01 đĩa DVD. Không phát hiện dấu vết cắt ghép, chỉnh sửa nội dung trong 02 tệp tin video gửi giám định.

Ngày 31-10-2019 chị Phạm Thị Hương G giao nộp chiếc gậy đánh bóng chày bằng kim loại và chiếc kiếm bằng kim loại cho Cơ quan điều tra Công an thành phố Ninh Bình. Ngoài ra quá trình khám nghiệm hiện trường Cơ quan điều tra còn thu giữ của Phạm Khiêm M 01 chiếc mũ cối, thu giữ của anh Đào Minh P P01 đôi dép tông, thu giữ của Nguyễn Thị Hương S 01 vỏ bọc kiếm bằng gỗ, 01 viên gạch đỏ.

Quá trình điều tra, Phạm Khiêm M đã tự nguyện nhờ gia đình bồi thường thiệt hại cho người bị hại và thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình.

Cáo trạng số 97/CT-VKS ngày 15-06-2020 Viện kiểm sát nhân dân thành phố Ninh Bình truy tố Phạm Khiêm M về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa Kiểm sát viên tham gia phiên toà giữ nguyên quyết định truy tố như nội dung bản cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử:

+ Tuyên bố bị cáo Phạm Khiêm M phạm tội Cố ý gây thương tích.

Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134; các điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Phạm Khiêm M từ 27 tháng đến 30 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giữ 23-03-2020.

+ Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật Hình sự; Điều 584, Điều 590 Bộ luật dân sự: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận các khoản bồi thường như sau:

- Chi phí điều trị, khám bệnh là: 18.090.909 đồng

- Tiền bồi dưỡng sức khỏe sau điều trị là: 5.000.000 đồng

- Tiền bù đắp tổn thất tinh thần là: 14.900.000 đồng - Tiền thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc cho chị H1 là: 2.660.000 đồng.

- Tiền thu nhập thực tế bị mất của chị Nguyễn Thị H1: Do trong thời gian chị H1 điều trị và sau đó chị S vẫn trả lương cho chị H1 nên thu nhập thực tế của chị H1 không mất nên không chấp nhận.

Tổng cộng các khoản bị cáo M phải bồi thường là 40.650.909 đồng . Xác nhận bị cáo M đã nộp 5.000.000 đồng cho Chi cục thi hành án dân sự thành phố Ninh Bình để bồi thường cho chị H1. Bị cáo M còn phải bồi thường tiếp cho chị H1 số tiền 35.650.909 đồng.

- Về xử lý vật chứng: Căn cứ Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 47 Bộ luật Hình sự.

Tịch thu tiêu hủy chiếc gậy đánh bóng chày bằng kim loại và chiếc kiếm bằng kim loại; 01 chiếc mũ cối, 01 đôi dép tông, 01 vỏ bọc kiếm bằng gỗ và 01 viên gạch đỏ.

- Về án phí: Bị cáo M phải nộp án phí dân sự và án phí hình sự theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa bị cáo Phạm Khiêm M đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như cáo trạng đã truy tố. Bị cáo khai nhận trong quá trình 2 nhóm xảy ra đánh chửi nhau thì do nóng tính và bênh chị T1 nên bị cáo đã dùng gậy bóng chày vụt vào tay chị H1 làm chị H1 bị tổn hại 16% sức khỏe. Chị T1 không liên quan gì đến việc bị cáo gây thương tích cho chị H1. Bị cáo M không chấp nhận yêu cầu bồi thường 300.000.000 đồng của bị hại, bị cáo chỉ chấp nhận chi phí điều trị còn các khoản khác đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Bị cáo không có yêu cầu nhận lại 1 chiếc mũ cối và đề nghị Tòa án tiêu hủy chiếc mũ cối; bị cáo không có ý kiến bào chữa, tranh luận gì và xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Tại phiên tòa chị Nguyễn Thị H1 khai nhận về thời gian, địa điểm và các tình tiết liên quan đến vụ án như nội dung bản cáo trạng. Chị H1 xác nhận chị bị T1, M đánh và M dùng gậy bóng chày vụt vào tay chị gây thương tích tổn hại 16% . Chị đề nghị làm rõ hành vi của M, T1 lý do đánh thương tích cho chị vì chị không có mâu thuẫn gì với T1 và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Quan điểm của chị đề nghị buộc bị cáo M và T1 phải bồi thường toàn bộ chi phí cho việc điều trị thương tích và bồi dưỡng sức khỏe của chị là 300.000.000 đồng, còn các khoản cụ thể chị nhờ luật sư trình bày. Thời gian nằm viện và sau khi ra viện chị vẫn ở nhà chị S, trông con cho chị S nên chị S hỗ trợ cho chị 5.000.000 đồng/1 tháng chứ không phải là trả lương như chị đã khai; đến nay chị chưa đi tháo đinh và đã 2 lần đi khám lại ở bệnh viện quân y 5 nhưng chị không có giấy tờ gì.

Tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Nguyễn Thị Hương S khai nhận các tình tiết của vụ án cơ bản giống nội dung bản cáo trạng. Chị S khai T1 là người nói:„„đánh chết mẹ nó đi” và chị có can ngăn T1 đánh H1. Chị S xác nhận chiếc gậy bóng chày, chiếc kiếm cùng vỏ kiếm là của chị và chị S đã giao nộp cho Cơ quan điều tra 02 đoạn video clip thu từ camera an ninh của gia đình ghi ngày 28-10-2019. Chị buôn bán và kinh doanh bất động sản nên thu nhập của chị là mấy trăm triệu đồng một tháng, chị không tính được thiệt hại bị mất của chị khi chăm sóc chị H1 là bao nhiêu. Sau khi bị đánh chị H1 vẫn ở nhà chị, trông con cho chị nên chị hỗ trợ cho chị H1 5.000.000 đồng/1 tháng.

Trong quá trình giải quyết vụ án người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Đoàn Minh P và chị Tăng Thị Kiều T đã khai nhận các tình tiết trong vụ án mà anh chị biết như nội dung bản cáo trạng. Anh P và chị T1 xác định thương tích của chị H1 do bị cáo M dùng gậy gậy bóng chày gây ra. Anh P khai nhận anh chăm sóc chị H1 4 ngày, bị trừ 700.000 đồng tiền lương và Công an thu giữ 01 đôi dép tông anh làm rơi trong quá trình can ngăn, anh không có đề nghị gì về đôi dép này.

Tại phiên tòa người làm chứng bà Lê Thị X và trong quá trình điều tra người làm chứng là chị Phạm Thị Ngọc Q, anh Phạm Ngọc H3, chị Phạm Thị Hương G, anh Hoàng Văn Q1 đã khai nhận các tình tiết trong vụ án mà bà X và các anh chị biết như nội dung bản cáo trạng. Bà X khai nhận do trời tối và sợ nên bà không biết ai đánh ai. Chị Q, anh H3 xác định thương tích của chị H1 do bị cáo M dùng gậy bóng chày gây ra. Chị G và anh Q1 xác định chị G là người giao nộp kiếm và gậy bóng chày cho cơ quan Công an.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là luật sư Nguyễn Ánh T1 và luật sư Nguyễn Thị H2 đều có quan điểm:

- Các Luật sư không có ý kiến gì về tội danh đối với bị cáo M và đồng ý M phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tái phạm theo điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự. Luật sư đề nghị áp dụng tình tiết định khung phạm tội có tính chất con đồ theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự đối với bị cáo M. Bị cáo thành khẩn khai báo nhưng không ăn năn hối cải; nộp số tiền 5.000.000 đồng là khắc phục hậu quả, thi hành án nên đề nghị không áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b,s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự mà áp dụng khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Mức hình phạt Kiểm sát viên đề nghị từ 27 tháng đến 30 tháng tù là quá nhẹ, theo quy định của pháp luật thì mức xử phạt thấp nhất đối với bị cáo M là 3 năm. Đề nghị xử lý nghiêm M vì bị cáo M có nhân thân rất xấu và xử phạt M mức án cao hơn mức án Kiểm sát viên đề nghị.

- Trong quá trình điều tra Cơ quan điều tra công an thành phố Ninh Bình không xử lý đối tượng Tăng Thị Kiều T đồng phạm là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Vì T1 là nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, đã rủ rê, lôi kéo và ở đây không có sự chỉ đạo nhưng có sự tiếp nhận ý chí để M gây thương tích cho H1. Dù M, T1 không bán bạc chuẩn bị hung khí nhưng biết là đi đánh nhau. M không căn ngăn mà tham gia đánh nhau tích cực, hung hăng. T1 là người tích cực tham gia đánh chị H1, tấn công anh P để anh P chạy đi để M giật được gậy bóng chày. Do đó việc bỏ lọt tội phạm là có căn cứ. Luật sư H đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 280 Bộ luật tố tụng Hình sự trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với hành vi của T1.

Luật sư H có ý kiến về trách nhiệm dân sự: Bị hại đề nghị bồi thường 300.000.000 đồng nhưng căn cứ vào luật đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các khon sau: Khoản chi phí điều trị, mua thuốc, khám bệnh có hóa đơn hợp lệ là 19.374.409 đồng; khoản tiền bồi dưỡng sức khỏe là 5.000.000 đồng; thu nhập thực tế bị mất của chị H1: 5.000.000 đồng x 7 tháng = 35.000.000 đồng; thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc chị H1: 2.660.000 đồng; khoản tiền bù đắp tổn thất tinh thần: 50 lần mức lương cơ sở là 74.500.000 đồng và sau này chị H1 còn điều trị tiếp nên dành một phần tiền chi phí điều trị cho chị H1; tổng cộng khoảng 165.000.000 đồng.

Qua đối đáp giữa đại diện Viện kiểm sát và các luật sư vẫn giữ nguyên qua điểm của mình và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét theo quy định của pháp luật

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan Điều tra Công an thành phố Ninh Bình, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Ninh Bình, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo không có ý kiến, khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về nội dung vụ án: Căn cứ lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, tại phiên toà sơ thẩm; lời khai của bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở kết luận: Khoảng 18 giờ 8 phút ngày 28-10- 2019 tại trước cửa số nhà 05, đường K, thuộc phố B, phường K, thành phố N, tỉnh Ninh Bình do mâu thuẫn xảy ra từ trước nên nhóm của S và nhóm của M đã xảy ra chửi bới, đánh nhau. Sau đó Phạm Khiêm M có hành vi dùng gậy đánh bóng chày bằng kim loại là hung khí nguy hiểm vụt 01 phát vào tay trái làm chị H1 bị thương, giảm 16% sức khỏe.

“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

… 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

Đối chiếu hành vi của bị cáo với quy định của Bộ luật hình sự đã có đủ căn cứ kết luận: Bị cáo đã phạm vào tội cố ý gây thương tích. Do đó Viện kiểm sát nhân dân thành phố Ninh Bình truy tố bị cáo về tội phạm và điều luật đã viện dẫn trên là có căn cứ, đúng pháp luật.

Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, xâm phạm sức khỏe của người khác, gây ảnh xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Do đó, cần xử phạt bị cáo một mức án tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo để giáo dục, cải tạo bị cáo trở thành người công dân có ích cho xã hi.

Về đề nghị của bị hại, kiến nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại: Tại phiên tòa chị S khai T1 có nói:„„ đánh chết mẹ nó đi” và chị có can ngăn T1 đánh H1 nhưng không phù hợp với lời khai của chị S tại cơ quan điều tra và lời khai của những người tham gia tố tụng khác; không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án nên không có căn cứ. Hội đồng xét xử không chỉ căn cứ vào lời khai của bị cáo mà còn căn cứ lời khai của bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng và các chứng cứ, tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án như Sơ đồ, bản ảnh hiện trường, bản ảnh giám định, kết luận giám định để phân tích, đánh giá thấy rằng: Tăng Thị Kiều T có hành vi dùng tay chân đánh vào người chị Nguyễn Thị H1 nhưng qua giám định không có phần trăm thương tích. Đối với thương tích của chị H1 do M gây nên thì giữa T1 và M không có sự bàn bạc, thống nhất trước hoặc tiếp nhận ý chí về việc sẽ đánh chị H1 gây thương tích. Vic bị cáo M cầm gậy bóng chày vụt vào tay chị H1 là hoàn toàn do ý thức chủ quan và bột phát của bị cáo do đó không đủ căn cứ xử lý hình sự đối với T1. Công an thành phố Ninh Bình đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với T1 về hành vi đánh nhau là đúng pháp luật.

Đối với ý kiến, đề nghị của luật sư áp dụng tình tiết định khung là phạm tội có tính chất côn đồ theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo M, Hội đồng xét xử nhận thấy: Xuất phát từ việc giữa chị S, bị hại và nhóm của bị cáo trong khi gặp nhau tại trước cửa nhà chị S để nói chuyện, giải quyết mâu thuẫn trước đấy đã không làm chủ được mình, có những hành vi thiếu kiềm chế nên đã xảy ra xô xát, đánh nhau dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo sau đó. Do đó không có căn cứ áp dụng tình tiết định khung phạm tội có tính chất côn đồ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo M.

[3] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

- Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Tại bản án hình sự sơ thẩm số 23/2013/HSST ngày 26-09-2013 Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình xử phạt M 09 năm tù về tội Giết người chưa được xóa án tích, nay bị cáo lại phạm tội cố ý nên phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tái phạm theo quy định tại điểm h, khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự .

- Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Sau khi phạm tội bị cáo M đã thành khẩn khai báo; bị cáo đã tác động gia đình bị cáo nộp 5.000.000 đồng tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Ninh Bình để thực hiện bồi thường cho bị hại; bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn và là lao động chính trong gia đình (có xác nhận của chính quyền địa phương). Do đó bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm b , điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

[4] Về nhân thân: Khi phạm tội bị cáo M có 1 tiền án về tội giết người chưa được xóa án tích. Ngoài ra bị cáo đã 2 lần bị kết án, 1 lần bị xử lý hành chính về hành vi trộm cắp tài sản và 1 lần bị áp dụng biện pháp đưa vào vào cơ sở giáo dục. Điều đó chứng tỏ bị cáo M là người khó giáo dục, cải tạo.

[5] Sau khi xem xét về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo, Hội đồng xét xử thấy cần áp dụng hình phạt tù với mức hình phạt như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là có căn cứ, tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo đủ giáo dục cải tạo bị cáo và đảm bảo tác dụng phòng ngừa chung.

Đối với Nguyễn Thị Hương S có hành vi tàng trữ vũ khí thô sơ, Công an thành phố Ninh Bình đã xử phạt vi phạm hành chính 2.500.000 đồng. Đối với Phạm Thị Ngọc Q có lời nói chửi bới, khiêu khích, xúc phạm người khác, Công an thành phố Ninh Bình đã xử phạt vi phạm hành chính 200.000 đồng. Đối với Nguyễn Thị H1 có hành vi đánh nhau với Tăng Thị Kiều T, Công an thành phố Ninh Bình đã xử phạt vi phạm hành chính 750.000 đồng là có căn cứ.

Đối với anh Phạm Ngọc Hải, anh Đoàn Minh P, bà Lê Thị X, chị Phạm Thị Hương G, anh Hoàng Văn Q1 là những người được T1, S, H1 gọi đến nhưng không có sự bàn bạc trước và không tham gia đánh nhau nên không vi phạm pháp luật.

[6] Về trách nhiệm dân sự: Quá trình điều tra chị Nguyễn Thị H1 yêu cầu bị cáo M phải bồi thường 300.000.000 đồng gồm các khoản sau: Tổn thất về tinh thần: 200.000.000 đồng; chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng phục hồi sức khỏe (tiền xe cứu thương,khám chữa bệnh tại bệnh viện, thuốc men…): 50.000.000 đồng; thu nhập thực tế trong thời gian điều trị và thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc trong thời gian điều trị: 50.000.000 đồng. Tại phiên tòa chị H1 yêu cầu bị cáo M và chị T1 phải bồi thường 300.000.000 đồng còn các khoản cụ thể do luật sư có ý kiến. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại đề nghị bị cáo và chị T1 phải có trách nhiệm bồi thường các khoản: chi phí điều trị, mua thuốc là 19.374.409 đồng; tiền bồi dưỡng sức khỏe là 5.000.000 đồng; thu nhập thực tế bị mất của chị H1 là 35.000.000 đồng; thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc chị H1 là 2.660.000 đồng; tiền bù đắp tổn thất tinh thần là 74.500.000 đồng và dành 1 khoản tiền để chị H1 điều trị tiếp; tổng cộng khoảng 165.000.000 đồng .

Căn cứ vào quy định của pháp luật thì bị cáo M phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra cho bị hại, chị T1 không có trách nhiệm liên đới bồi thường với bị cáo M. Trên cơ sở chứng từ thực tế do chị H1 cung cấp có trong hồ sơ vụ án, mức sống và sinh hoạt tại địa P và thương tích của chị H1, Hội đồng xét xử chấp nhận các khoản bồi thường như sau:

+ Chi phí điều trị, mua thuốc và khám bệnh có hóa đơn hợp lệ là 18.090.909 đồng (Do 3 phiếu thu tiền cận lâm sàng với số tiền 1.316.500 đồng nằm trong bản kê chi phí khám bệnh , chữa bệnn nội trú nên không chấp nhận số tiền của 3 phiếu thu này).

+ Tiền bồi dưỡng sức khỏe sau điều trị là 5.000.000 đồng + Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc chị H1: Chị H1 khai anh Plà người chăm sóc chị H1 4 ngày đầu và chị Slà người chăm sóc chị trong thời gian chị nằm viện. Anh P xác định 4 ngày nghỉ anh bị trừ 700.000 đồng tiền lương, qua xác M tại Công ty Hoàn Cầu Mỹ là nơi làm việc của chị S thì có căn cứ chấp nhận thu nhập của chị S là 10.000.000 đồng/1 tháng. Như vậy thu nhập bị mất của chị S trong thời gian chăm sóc chị H1 điều trị tại Bệnh viện quân y 5 từ tối ngày 28-10-2019 đến 04-11-2019, thời gian điều trị 8 ngày nên thu nhập của chị H1 bị mất là 2.660.000 đồng; Về nguyên tắc chỉ tính thu nhập bị mất của 1 người chăm sóc do đó Tòa án xác định thu nhập bị mất của người chăm sóc là 2.660.000 đồng ( mức cao hơn).

+ Tiền bù đắp tổn thất tinh thần: Theo quy định hiện hành về mức lương cơ sở và quy định tại khoản 2 Điều 590 của Bộ luật Dân sự năm 2015 cùng với tỷ lệ tổn hại sức khỏe của chị H1 16%, mức độ lỗi, nguyên nhân làm phát sinh hành vi phạm tội cần buộc bị cáo bồi thường cho chị H1 khoản tiền tổn thất tinh thần bằng 10 lần mức lương cơ sở là 14.900.000 đồng.

+ Thu nhập thực tế bị mất của chị H1: Tại phiên tòa lúc đầu chị H1 và chị S đều khai trong thời gian chị H1 nằm viện điều trị và sau khi ra viện vẫn ở nhà chị S, chị H1 không làm được mọi việc nhưng vẫn trông con cho chị S. Vì tình cảm nên chị S vẫn trả lương cho chị H1 5.000.000 đồng/ 1 tháng. Sau đó chị H1, chị S xác định đó là tiền chị S hỗ trợ cho chị H1. Xét thấy ngoài lời khai của chị S, chị H1 không có tài liệu, chứng cứ gì về việc chị S trả lương cho chị H1 nên chấp nhận là tiền chị S hỗ trợ cho chị H1. Việc chị H1 trông giúp con cho chị S và chị S hỗ trợ tiền cho chị H1 không trái pháp luật. Tòa án đã tham khảo ý kiến của bác sỹ Bệnh viện quân y 5 thì thông thường người bị gãy tay như chị H1 sau 3 tháng sẽ lao động được. Do đó chấp nhận thu nhập thực tế của chị H1 bị mất là 15.000.000 đồng ( 3 tháng x 5.000.000 đồng = 15.000.000 đồng ).

Như vậy tổng cộng các khoản yêu cầu bồi thường được chấp nhận là 55.650.909 đồng nhưng được trừ vào khoản tiền 5.000.000 đồng bị cáo đã bồi thường trước được nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Ninh Bình, bị cáo còn phải bồi thường tiếp 50.650.909 đồng.

Do chị H1 chưa mổ rút đinh nên việc luật sư yêu cầu dánh 1 khoản tiền để chị H1 điều trị tiếp là chưa đủ cơ sở xem xét, cần tách ra để giải quyết riêng thành một vụ án dân sự khác sau khi chị H1 thực hiện việc mổ rút đinh và có yêu cầu khởi kiện thành một vụ án dân sự.

Lập luận trên đây cũng là căn cứ để chấp nhận quan điểm luận tội của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Ninh Bình đã phát biểu tại phiên tòa (trừ khoản thu nhập bị mất của chị H1). Từ đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của bị hại, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho bị hại về việc trả hồ sơ điều tra bổ sung và các vấn đề khác liên quan đến vụ án.

[7] Về xử lý vật chứng và biện pháp tư pháp: Đối với chiếc mũ thu giữ của bị cáo M, bị cáo M không có yêu cầu nhận lại và đề nghị tiêu hủy chiếc mũ cối; 01 chiếc gậy đánh bóng chày bằng kim loại mầu trắng, 01 chiếc kiếm bằng kim loại mầu trắng và 01 vỏ bọc kiếm bằng gỗ thu giữ của chị S là vật cấm tàng trữ; 01 đôi dép tông thu giữ cua anh P và 01 viên gạch đỏ không còn giá trị sử dụng. Do đó căn cứ Điều 47 của Bộ luật Hình sự, Điều 106 của Bộ luật tố tụng Hình sự tịch thu tiêu hủy vật chứng và các tài sản nêu trên.

01 USB màu đen trắng, 01 đĩa DVD màu vàng lưu trữ 2 tệp tin video clip thu từ camera an ninh của gia đình chị S ghi ngày 28-10-2019 là tài liệu, chứng cứ lưu trong hồ sơ vụ án.

[8] Về án phí: Căn cứ Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí , bị cáo M bị kết án nên phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch đối với số tiền bồi thường còn phải thanh toán cho H1 là 50.650.909 đồng. Bị cáo M tự nguyện nộp 5.000.000 đồng bồi thường thiệt hại trước khi mở phiên tòa nên không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền này.

[9] Bị cáo, bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự .

Căn cứ Điều 47 của Bộ luật Hình sự; Điều 106 của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Căn cứ Điều 48 Bộ luật Hình sự; các Điều 584, 590 và khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015:

Căn cứ Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Tuyên bố: Bị cáo Phạm Khiêm M phạm tội cố ý gây thương tích.

Xử phạt bị cáo Phạm Khiêm M 27 (hai mươi bảy) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ 23-03-2020.

2. Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo Phạm Khiêm M phải bồi thường cho chị Nguyễn Thị H1 các khoản sau:

- Chi phí điều trị, mua thuốc và khám bệnh: 18.090.909 đồng

- Tiền thu nhập thực tế bị mất của chị H1: 15.000.000 đồng

- Tiền bồi dưỡng sức khỏe sau điều trị: 5.000.000 đồng

- Tiền bù đắp tổn thất tinh thần: 14.900.000 đồng

- Tiền thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc cho chị H1: 2.660.000 đồng 

- Tổng cộng các khoản phải bồi thường là: 55.650.909 đồng.

Xác nhận bị cáo Phạm Khiêm M đã bồi thường 5.000.000 đồng theo biên lai thu tiền số AA/2019/0000275 ngày 02-06-2020 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Ninh Bình . Bị cáo Phạm Khiêm M còn phải bồi thường tiếp 50.650.909 đồng.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản bồi thường thì người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền chậm thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015.

- Không chấp nhận yêu cầu của chị Nguyễn Thị H1 về việc yêu cầu chị Tăng Thị Kiều T phải liên đới bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho chị H1 với bị cáo Phạm Khiêm M.

3. Về xử lý vật chứng và biện pháp tư pháp:

- Tịch thu tiêu hủy 01 chiếc mũ cối, 01 đôi dép tông, 01 vỏ bọc kiếm bằng gỗ, 01 viên gạch đỏ, 01 chiếc gậy đánh bóng chày bằng kim loại mầu trắng, 01 chiếc kiếm bằng kim loại mầu trắng.

( Vật chứng có đặc điểm như mô tả tại biên bản giao nhận vật chứng ngày 23-06-2020 giữa Công an thành phố Ninh Bình với Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình).

4. Về án phí: Buộc bị cáo Phạm Khiêm M phải nộp 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 2.532.500 đồng (hai triệu năm trăm ba mươi hai nghìn năm trăm đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

Án xử công khai sơ thẩm; bị cáo, bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (ngày 19-08-2020); người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.

Trường hợp quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

312
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 125/2020/HS-ST ngày 19/08/2020 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:125/2020/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Ninh Bình - Ninh Bình
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 19/08/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;