TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
BẢN ÁN 12/2018/HS-ST NGÀY 04/05/2017 VỀ TỘI VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT THUỘC DANH MỤC LOÀI NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM ĐƯỢC ƯU TIÊN BẢO VỆ
Ngày 04 tháng 5 năm 2018 tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 09/2018/TLST-HS ngày 22/3/2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số:14/2018/QĐXXST-HS ngày 20 tháng 4 năm 2018 đối với các bị cáo:
1. Đoàn Văn H, sinh năm 1976 tại tỉnh Ninh Bình; nơi cư trú: thôn P, xã Y, huyện Y, tỉnh Ninh Bình; nghề nghiệp: Phụ xe khách; trình độ văn hoá: 09/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đoàn Văn T (đã chết) và bà Lương Thị M; có vợ là Đoàn Thị Nh và 02 con, lớn sinh năm 2007, nhỏ sinh năm 2011; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 23/10/2017 đến nay (có mặt).
2. Trần Văn M, sinh năm 1974, tại tỉnh Ninh Bình; nơi cư trú: xóm X, xã L, huyện N, tỉnh Ninh Bình; nghề nghiệp: Lái xe; trình độ văn hoá: 02/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Văn L (đã chết) và bà Chu Thị B; có vợ là Đinh Thị D và 02 con, lớn sinh năm 1999, nhỏ sinh năm 2003; tiền án, tiền sự: Không.
Nhân thân: Tại bản án số 67/2000/HSST ngày 11/8/2000 Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình xử phạt Trần Văn M 12 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” và buộc M phải nộp 50.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm. Ngày 13/6/2001, Trần Văn M đã chấp hành xong toàn bộ bản án.
Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 23/10/2017 đến nay (có mặt).
3. Trần Văn M1, sinh năm 1987 tại tỉnh Nghệ An; nơi cư trú: Xóm 1x, xã N, huyện N, tỉnh Nghệ An; nghề nghiệp: Lái xe; trình độ văn hoá: 09/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Văn V (đã chết) và bà Đinh Thị H; có vợ là Biện Thị H và 02 con, lớn sinh năm 2013, nhỏ sinh năm 2016; tiền án, tiền sự: Không.
Nhân thân: Tại Quyết định số 28/QĐ-XPHC ngày 17/9/2014 Công an huyện N, tỉnh Nghệ An xử phạt hành chính Trần Văn M số tiền 1.000.000 đồng về hành vi “Đánh bạc”, ngày 03/10/2014 Trần Văn M đã chấp hành xong quyết định xử phạt.
Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 23/10/2017 cho đến nay (có mặt).
4. Đoàn Văn H1, sinh năm 1992 tại tỉnh Ninh Bình; nơi cư trú: thôn P, xã Y, huyện Y, tỉnh Ninh Bình; nghề nghiệp: Phụ xe khách; trình độ văn hoá: 09/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đoàn Văn Đ (đã chết) và bà Lê Thị T; có vợ là Trương Thị Bích P và 01 con sinh năm 2016; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 23/10/2017 cho đến nay (có mặt).
5. Trần Văn H, sinh năm 1978 tại tỉnh Bình Định; nơi cư trú: số nhà xx, đường zz, phố B, phường B, thành phố N, tỉnh Ninh Bình; nghề nghiệp: Phụ xe khách; trình độ văn hoá: 09/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Văn N (đã chết) và bà Vũ Thị N; có vợ là Nghiêm Thị P và 02 con, lớn sinh năm 2007, nhỏ sinh năm 2015; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 23/10/2017 cho đến nay (có mặt).
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty vận tải hành khách liên vận quốc tế và du lịch N; địa chỉ: Bản N, huyện L, tỉnh L, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào do ông Suknasing S làm đại diện; ông Suknasing S ủy quyền cho ông Đoàn Văn Đ, sinh năm 1971; trú tại: số nhà 2xx, đường H, phố T, phường N, thành phố N, tỉnh Ninh Bình tham gia tố tụng (ông Đ vắng mặt có đơn xin xét xử vắng mặt).
* Người làm chứng:
Anh Nguyễn Văn P (vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Trần Văn M ký hợp đồng lao động số 182/CTNL-HĐLĐ ngày 18/8/2017 với Công ty vận tải hành khách và du lịch quốc tế N có trụ sở tại bản N, huyện L, tỉnh L, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Trần Văn M được Công ty vận tải hành khách và du lịch quốc tế N giao xe ô tô khách giường nằm, biển kiểm soát Lào - Un 0299 để vận chuyển hành khách theo tuyến cố định đi từ bến xe tỉnh Lào Cai – Việt Nam đến bến xe N tỉnh L - Lào và ngược lại. Vận hành xe có Trần Văn M1 làm lái xe; Trần Văn H, Đoàn Văn H1 và Đoàn Văn H làm phụ xe.
Chiều ngày 17/10/2017, Trần Văn M, Trần Văn M1, Trần Văn H, Đoàn Văn H1 và Đoàn Văn H đi xe ô tô Un-0299 từ bến xe Lào Cai – Việt Nam đến bến xe N tỉnh L, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trả khách và nghỉ ngơi tại bến xe để ngày hôm sau đưa xe về tỉnh Nghệ An sửa chữa, bảo dưỡng. Tối ngày 17/10/2017 có một người đàn ông không rõ tên tuổi, địa chỉ đến nơi các bị cáo nghỉ gặp Đoàn Văn H1 đặt vấn đề thuê vận chuyển gỗ và pháo về tỉnh Nghệ An với giá cước vận chuyển 100.000 đồng/1 tấm gỗ, 500.000 đồng/01 hộp pháo gồm 144 cây, tiền cước vận chuyển, bên nhận hàng sẽ trả khi nhận hàng, H1 nói lại việc này với M1, M1, H và Trần Văn H, cả 05 bị cáo đều đồng ý và tự hiểu tiền công vận chuyển sẽ chia đều cho nhau. Sau đó H1 cho người đàn ông thuê vận chuyển gỗ và pháo số điện thoại di động có số thuê bao của nước Lào để liên lạc. Khoảng 02 giờ ngày 18/10/2017, H1 nhận điện thoại của người đàn ông nêu trên hẹn giao gỗ và pháo tại một bãi đất trống cách bến xe N khoảng 20km và chỉ dẫn M lái xe ô tô Un-0299 cùng M1, H1, Trần Văn H và H đến địa điểm giao nhận gỗ. Đến nơi, H1 là người trực tiếp nhận 28 tấm gỗ và 01 hộp cát tông đựng 144 cây pháo được bó thành 24 bó. H1 cho người thuê vận chuyển gỗ và pháo số điện thoại di động 0904877693 của Trần Văn H, hẹn khi về đến tỉnh Nghệ An khách sẽ chủ động liên lạc để nhận hàng và trả tiền cước vận chuyển. Sau đó M, M1, H, Trần Văn H cùng với H1 chuyển gỗ và pháo cất giấu trên xe, sau đó các bị cáo quay lại bến xe N tiếp tục nghỉ ngơi.
Khoảng 8 giờ ngày 18/10/2017, M1 điều khiển xe ô tô cùng M, H1, H và Trần Văn H từ bến xe N về tỉnh Nghệ An. Trên đường từ bến xe đến cửa khẩu quốc tế T, tỉnh Điện Biên, H1 đưa điện thoại di động có số thuê bao của nước Lào cho H cầm thì H nhận được điện thoại của người đàn ông không rõ tên tuổi, địa chỉ thuê vận chuyển động vật hoang dã về tỉnh Nghệ An, số tiền cước vận chuyển cụ thể bao nhiêu cũng do người nhận hàng ở Nghệ An thanh toán, sau khi nghe điện thoại, H nói lại việc này với M, M1, H1 và Trần Văn H. Biết việc vận chuyển trái phép động vật hoang dã, quý hiếm là vi phạm pháp luật nhưng vì hám lợi, cả 05 bị cáo đã đồng ý vận chuyển. Trên đường đi từ bến xe N nước Lào đến cửa khẩu quốc tế T, tỉnh Điện Biên, hai lần M1 dừng xe ô tô trên địa phận nước Lào để H nhận 02 bao tải đựng động vật và bộ phận cơ thể động vật từ hai người không quen biết cất giấu vào cốp xe ô tô Un – 0299. Khi nhận hàng, H đã cho người thuê vận chuyển hàng s điện thoại di động 0904877693 của Trần Văn H, hẹn khi về đến tỉnh Nghệ An khách sẽ chủ động liên lạc để nhận hàng và trả tiền cước vận chuyển. Để tránh sự phát hiện của các lực lượng chức năng, khi xe ô tô đi đến đoạn đường vắng người gần cửa khẩu quốc tế T, M1 dừng xe ô tô, M làm nhiệm vụ cảnh giới, còn M1 cùng với H1, H và Trần Văn H xuống xe mở 02 bao tải trong cốp ra xếp 69 cá thể Rùa, 22 chi Gấu, 32 cá thể Tê tê, 04 kg vẩy Tê tê, 01 cá thể Báo cất giấu vào khoang tự chế và các vị trí phía dưới ghế nằm tầng 1, tầng 2, hộp giàn quạt gió phía đầu xe và gầm xe ô tô Un-0299. Quá trình làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu quốc tế T, các bị cáo không khai báo việc vận chuyển số gỗ, pháo và động vật với lực lượng chức năng.
Khoảng 05 giờ 30 phút ngày 19 tháng 10 năm 2017, khi Trần Văn M điều khiển đi đến đường ĐT477, thuộc thôn B, xã G, huyện G, tỉnh Ninh Bình thì bị tổ công tác liên ngành Công an huyện G – Hạt Kiểm Lâm liên huyện H – G kiểm tra hành chính phát hiện bên trong xe ôtô biển kiểm soát Un 0299 có nhiều cá thể nghi là Tê tê, Rùa còn sống; Báo lửa, chi Gấu đông lạnh; vẩy Tê tê; gỗ Giáng hương và Pháo dạng cây. Tổ công tác yêu cầu các bị cáo đưa phương tiện, tang vật đến trụ sở Hạt Kiểm lâm liên huyện H - G tại xã G, huyện G, tỉnh Ninh Bình lập biên bản vụ việc, thu giữ 32 cá thể Tê tê còn sống có trọng lượng 128kg; 04 kg vẩy loài Tê Tê; 01 cá thể Báo lửa cấp đông; 22 chi loài Gấu cấp đông; 69 cá thể loài Rùa còn sống có trọng lượng 32,5kg; 28 tấm gỗ có khối lượng 1,471m3; 24 bó pháo gồm 144 cây và tạm giữ phương tiện là xe ô tô khách giường nằm biển kiểm soát Lào Un-0299.
- Thu giữ của Trần Văn M gồm: 01 điện thoại di động nhãn hiệu IPHONE vỏ màu trắng, trong lắp sim có số thuê bao là 0917904607; 01 giấy phép lái xe số 370068000723, 01 sổ hộ chiếu số C3222291 mang tên Trần Văn M; 01 thẻ nhựa chữ nước ngoài trên có ghi 03 dòng số: 1964736, 0069225, Un 0299; 01 chứng nhận bảo hiểm bắt buộc số BB170071347 của xe Un 0299; 01 giấy chứng nhận bảo hiểm tự nguyện số TN170033443 của xe Un 0299; 01 quyển sổ bìa màu xanh có chữ nước ngoài trên ghi số 001178; Un 0299; 01 quyển sổ bìa màu vàng có chữ nước ngoài trên bìa ghi số 0299; 01 tờ khai phương tiện số 4172 ngày 18/10/2017; 01 tờ bìa màu hồng trên ghi số 065361; Un 0299.
- Thu giữ của Trần Văn M1 gồm: 01 điện thoại di động nhãn hiệu NOKIA 216 có số thuê bao là 0944349888; 01 giấy phép lái xe và 01 sổ hộ chiếu số B7244872 đều mang tên Trần Văn M1.
- Thu giữ của Đoàn Văn H1 gồm: 01 điện thoại di động nhãn hiệu OPPO có số thuê bao là 01676356642; 01 chứng minh nhân dân số 164445883 và 01 sổ hộ chiếu số C0570288 đều mang tên Đoàn Văn H1.
- Thu giữ của Đoàn Văn H gồm: 01 điện thoại di động nhãn hiệu IPHONE vỏ màu đen, trong lắp sim có số thuê bao là 0933044070; 01 chứng minh nhân dân số 164020902 và 01 sổ hộ chiếu số C3400488 đều mang tên Đoàn Văn H1.
- Thu giữ của Trần Văn H gồm: 01 điện thoại di động nhãn hiệu NOKIA có số thuê bao là 0904877693; 01 sổ hộ chiếu số C3364465 mang tên Trần Văn H.
- Riêng chiếc điện thoại di động của H1 lắp sim có số thuê bao nước Lào khi qua cửa khẩu quốc tế T, H đã vứt chiếc điện thoại xuống đường nên không thu hồi được.
Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành trưng cầu giám định động vật, thực vật và trưng cầu định giá đối với số gỗ, pháo và số động vật là rùa đã thu giữ.
Tại kết luận giám định động vật số 892/STTNSV ngày 20/10/2017 của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam kết luận:
- 32 cá thể động vật (còn sống) là loài Tê tê java có tên khoa học là Manis javanica. Loài Tê tê Java Manis javanica thuộc phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp,quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (Ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính Phủ); thuộc nhóm IIB (nhóm hạn chế khai thác sử dụng vì mục đích thương mại) Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính Phủ và thuộc phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước quốc tế về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/02/2017 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn).
-01 cá thể động vật (đã chết) là loài Báo lửa có tên khoa học Catopuma temmiuckii. Loài Báo lửa Catopuma temminckii thuộc Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (Ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính Phủ); thuộc nhóm IB (nhóm nghiêm cấm khai thác sử dụng vì mục đích thương mại) Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính Phủ và thuộc phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước quốc tế về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/02/2017 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn).
- 22 chi động vật là chi loài Gấu ngựa có tên khoa học Ursus thibetanus. Loài Gấu ngựa Ursus thibetanus thuộc Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (Ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính Phủ); thuộc nhóm IB (nhóm nghiêm cấm khai thác sử dụng vì mục đích thương mại) Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính Phủ và thuộc phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước quốc tế về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/02/2017 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn).
- 04 kilogam vẩy động vật là vẩy loài Tê tê Java có tên khoa học Manis Javanica. Loài Tê tê Java Manis javanica thuộc phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (Ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính Phủ); thuộc nhóm IIB (nhóm hạn chế khai thác sử dụng vì mục đích thương mại) Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính Phủ và thuộc phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước quốc tế về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/02/2017 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn).
- 68 cá thể Rùa (còn sống) là loài Rùa đầu to có tên khoa học Platysternun megacephalum. Loài Rùa đầu to Platysternun megacephalum thuộc nhóm II B (nhóm hạn chế khai thác sử dụng vì mục đích thương mại) Nghị định 32/2006/NĐ- CP ngày 30/3/2006 của Chính Phủ và thuộc phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước quốc tế về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/02/2017 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn).
- 01 cá thể Rùa (còn sống) là loài Rùa núi viền có tên khoa học Manouria impressa. Loài Rùa núi viền Manouria impressa thuộc nhóm II B (nhóm hạn chế khai thác sử dụng vì mục đích thương mại) Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính Phủ và thuộc phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước quốc tế về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/02/2017 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn).
- 28 tấm gỗ là gỗ Giáng hương có tên khoa học Pterocarpus macrocaspus.
Loài gỗ Giáng hương Pterocarpus macrocaspus thuộc nhóm IIB (nhóm hạn chế khai thác sử dụng vì mục đích thương mại) Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính Phủ).
Tại Bản kết luận giám định số 14/KLGĐ-PC54 ngày 08/11/2017 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Ninh Bình, kết luận: “Bên trong thùng cát tông đã thu giữ là 144 cây pháo hoa”
Tiến hành trưng cầu định giá đối với 69 cá thể Rùa còn sống; 28 tấm gỗ Giáng hương và 144 cây pháo hoa thu giữ của các bị cáo.
Tại bản kết luận định giá tài sản ngày 13/11/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Ninh Bình, kết luận: “68 cá thể Rùa đầu to 31kg có giá trị 31.000.000 đồng và 01 cá thể Rùa núi viền 1,5kg có giá trị là 450.000 đồng; 28 tấm gỗ Giáng hương xẻ có khối lượng 1,471m3trị giá là 59.660.000 đồng. Tổng giá trị số lâm sản trên là 91.110.000 đồng”.
Tại bản kết luận định giá tài sản ngày 28/11/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Ninh Bình, kết luận: “144 cây pháo hoa không xác định giá trị của tài sản do không có trao đổi, mua bán trên thị trường”.
Quá trình điều tra các bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như đã nêu trên.
Tại bản cáo trạng số 06/CT-VKS-P3 ngày 22/3/2018 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình truy tố các bị cáo Đoàn Văn H, Trần Văn M, Đoàn Văn H1, Trần Văn H và Trần Văn M1 về tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” theo khoản 1 khoản 3 Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Tại phiên toà các bị cáo Đoàn Văn H, Trần Văn M, Đoàn Văn H1, Trần Văn H và Trần Văn M1 đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đúng như nội dung bản cáo trạng đã truy tố đối với các bị cáo.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo như Cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố: Các bị cáo Đoàn Văn H, Trần Văn M, Đoàn Văn H1, Trần Văn H và Trần Văn M1 phạm tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”.
Áp dụng khoản 1 Điều 190; điểm h, p khoản 1 khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999; xử phạt bị cáo Đoàn Văn H từ 30 đến 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 tháng tính từ ngày tuyên án.
Áp dụng khoản 1 Điều 190; điểm p khoản 1 khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999; xử phạt bị cáo Trần Văn M từ 24 đến 30 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 48 đến 60 tháng tính ngày tuyên án.
Áp dụng khoản 1 Điều 190; điểm h, p khoản 1 Điều 46; Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999 xử phạt các bị cáo Trần Văn M1 và Đoàn Văn H1 mỗi bị cáo từ 18 đến 24 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án.
Áp dụng khoản 1 Điều 190; điểm h, p khoản 1 khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999 xử phạt bị cáo Trần Văn H từ 18 đến 24 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án.
Xét hoàn cảnh kinh tế của các bị cáo đều khó khăn, bản thân các bị cáo là người đi làm thuê kiếm sống nên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình đề nghị không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với các bị cáo theo quy định tại khoản 3 Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Về xử lý vật chứng: Tịch thu sung quỹ Nhà nước 04 kg vẩy Tê tê; 01 cá thể Báo lửa đã chết; 22 chi Gấu ngựa là vật chứng của vụ án; 01 điện thoại di động nhãn hiệu NOKIA vỏ màu đen; tịch thu tiêu hủy 01 sim điện thoại có số thuê bao 0904877693.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Tại phiên tòa, lời khai nhận tội của các bị cáo phù hợp với nhau, phù hợp với lời khai của người làm chứng, biên bản sự việc, biên bản kiểm đếm, cân xác định trọng lượng động vật, gỗ, pháo, biên bản kiểm tra phương tiện, biên bản bắt người phạm tội quả tang, các vật chứng và các tài liệu chứng cứ khác đã được thu thập trong quá trình điều tra, kết luận giám định động vật số 892/STTNSV ngày 20/10/2017 của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. Đã có đủ cơ sở kết luận: Sáng ngày 18 tháng 10 năm 2017 Trần Văn M điều khiển xe ôtô khách giường nằm, biển kiểm soát Lào Un-0299 cùng Đoàn Văn H, Trần Văn M1, Đoàn Văn H1 và Trần Văn H vận chuyển trái phép 32 cá thể Tê tê Java; 01 cá thể Báo lửa (đã chết); 22 chi Gấu ngựa và 04 kilogam vẩy Tê tê Java, 69 cá thể loài Rùa còn sống có trọng lượng 32,5kg; 28 tấm gỗ Giáng Hương có khối lượng 1,471 m3; 24 bó pháo hoa gồm 144 cây có trọng lượng 30kg từ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về tỉnh Nghệ An - Việt Nam. Khoảng 05 giờ 30 phút ngày 19/10/2017, khi xe đi đến đoạn đường ĐT477, thuộc thôn B, xã G, huyện G, tỉnh Ninh Bình thì bị phát hiện, bắt giữ và lập biên bản thu giữ số vật chứng như đã nêu trên. Hành vi vận chuyển trái phép 32 cá thể Tê tê Java; 01 cá thể Báo lửa (đã chết); 22 chi Gấu ngựa và 04 kilogam vẩy Tê tê Java là các loài động vật, bộ phận cơ thể của động vật thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ quy định tại Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ- CP ngày 12/11/2013 của Chính Phủ từ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về tỉnh Nghệ An - Việt Nam của các bị cáo Đoàn Văn H, Trần Văn M, Đoàn Văn H1, Trần Văn H và Trần Văn M1 đã đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” thuộc trường hợp“1. Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2…
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản
1 khoản 3 Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 1999 như Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình đã truy tố đối với các bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội đã xâm hại trực tiếp quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, xâm phạm đến các loài động vật thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Do đó cần phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo để giáo dục, cải tạo các bị cáo và góp phần phòng ngừa chung trong xã hội. Vụ án có nhiều bị cáo tham gia nhưng mang tính đồng phạm giản đơn nên cần cá thể hóa vai trò và trách nhiệm hình sự của từng bị cáo để quyết định mức hình phạt phù hợp như sau:
Đối với bị cáo Đoàn Văn H là người được Công ty vận tải hành khách liên vận và du lịch quốc tế NaLuang thuê làm nhiệm vụ nhận đón trả khách và nhận bốc xếp hàng hóa lên xuống xe UN-0299, mặc dù biết Tê tê, vảy Tê tê, Báo lửa và chi Gấu Ngựa là loài động vật và bộ phận cơ thể động vật Nhà nước nghiêm cấm buôn bán,vận chuyển trái phép nhưng do hám lời từ việc vận chuyển thuê nên khi nhận được điện thoại của khách thuê vận chuyển Tê Tê, vẩy Tê Tê, 01 Báo lửa, chi Gấu Ngựa thì H đã rủ M, M1 và các phụ xe khác là H1, Trần Văn H cùng tham gia vận chuyển để hưởng tiền cước vận chuyển. H trực tiếp giao dịch với khách nhận hàng và cùng các lái phụ xe cất giấu 32 cá thể Tê Tê, 04kg vảy Tê tê và 22 chi loài Gấu Ngựa lên xe ô tô UN-0299 vận chuyển từ Luangprabang (Lào) về Nghệ An. Vì vậy bị cáo H là người phạm tội tích cực nhất giữ vai trò chính trong vụ án, khi áp dụng hình phạt đối với bị cáo cao hơn các bị cáo khác.
Bị cáo Trần Văn M là lái xe chính được Công ty vận tải hành khách N thuê để vận chuyển hành khách, mặc dù biết việc H rủ vận chuyển loài động vật và bộ phận cơ thể động vật Nhà nước nghiêm cấm buôn bán,vận chuyển là hành vi vi phạm pháp luật nhưng do hám lời nên đã đồng ý tham gia, trực tiếp lái xe và cùng các bị cáo khác vận chuyển 32 cá thể Tê Tê, 04kg vảy Tê tê, 01 Báo lửa và 22 chi loài Gấu Ngựa từ Lào về Việt Nam, bị cáo có vai trò thứ hai trong vụ án, khi áp dụng hình phạt đối với bị cáo thấp hơn bị cáo H và mức phạt cao hơn các bị cáo còn lại.
Các bị cáo Trần Văn M1, Đoàn Văn H1 và Trần Văn H là những người thực hành, M1 làm lái phụ xe lái xe từ Lào qua cửa khẩu T về Việt Nam, H1, Trần Văn H cùng H bốc xếp hàng vào khoang tự chế, dưới ghế nằm tầng 1, tầng 2 và hộp giàn quạt gió phía đầu xe để vận chuyển hàng từ Lào về tỉnh Nghệ An, Việt Nam, các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự là đồng phạm cùng với các bị cáo H, M nhưng có vai trò ngang nhau và sau H và M.
Khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử cần xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo như sau: Bị cáo H, M, H1, M1 và Trần Văn H quá trình điều tra và tại phiên tòa có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải nên được áp dụng điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999; Bị cáo H, H1, Trần Văn H, M1 phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên được áp dụng điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999. Bị cáo M, năm 2000 bị Tòa án nhân nhân tỉnh Ninh Bình xét xử về tội “Trộm cắp tài sản” tuy nhiên đã xóa án tích nên không được áp dụng điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999, xét thấy bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân là lao động chính trong gia đình (có xác nhận của chính quyền địa phương) nên cần áp dụng khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 cho bị cáo là phù hợp. Bị cáo Trần Văn H có Bố đẻ ông Trần Văn N là người có công với cách mạng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhất, bị cáo Đoàn Văn H có mẹ đẻ bà Lương Thị M là người có công với cách mạng được Nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng nhì. Do vậy các bị cáo H, Trần Văn H được áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự qui định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Xét thấy: Các bị cáo Đoàn Văn H, Trần Văn M1, Đoàn Văn H1, Trần Văn H có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm h, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 (các bị cáo H, Trần Văn H áp dụng thêm khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999), các bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; đối với bị cáo Trần Văn M, tuy nhân thân bị cáo đã có tiền án nhưng bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm p khoản 1 khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999, hiện tại gia đình bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng nên xét thấy không cần cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội, cho các bị cáo được cải tạo tại địa phương dưới sự giám sát, giáo dục của gia đình và chính quyền địa phương nơi các bị cáo cư trú cũng đủ sức răn đe đối với các bị cáo và thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.
Về hình phạt bổ sung: Các bị cáo phạm tội vì mục đích kiếm lời, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và phòng ngừa tội phạm cần áp dụng khoản 3 Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 1999 phạt tiền bổ sung đối với các bị cáo là đúng theo qui định của Pháp luật.
[3] Về xử lý vật chứng: Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đã thu giữ: 01 cá thể Báo lửa (đã chết); 22 chi Gấu ngựa và 04 kg vẩy Tê tê Java, 01 điện thoại di động nhãn hiệu NOKIA vỏ màu đen thu của Trần Văn H là công cụ, phương tiện phạm tội tội nên cần tịch thu sung quỹ Nhà nước; 01 sim điện thoại có số thuê bao 0904877693 lắp trong điện thoại di động nhãn hiệu NOKIA vỏ màu đen thu của Trần Văn H không có giá trị sử dụng cần tịch thu tiêu hủy.
Đối với 32 cá thể Tê tê Java đã thu giữ: Đây là động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đã chuyển giao cho Hạt Kiểm Lâm liên huyện H – G bàn giao cho Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Cúc Phương chăm sóc, cứu hộ thả trở lại nơi sống tự nhiên là cần thiết.
[4] Ngoài hành vi phạm tội nêu trên, Đoàn Văn H, Trần Văn M, Trần Văn M1, Đoàn Văn H1 và Trần Văn H còn vận chuyển trái phép 68 cá thể Rùa đầu to; 01 cá thể Rùa Núi viền; 28 tấm gỗ có khối lượng 1,471m3 và 144 cây pháo hoa có trọng lượng 30kg. Xét thấy hành vi nêu trên của các bị cáo chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đã tách phần tài liệu liên quan và tang vật vi phạm nêu trên chuyển đến Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình xử lý theo quy định là đúng pháp luật.
- Đối với xe ô tô khách giường nằm biển kiểm soát nước Lào là Un- 0299 và giấy tờ xe ô tô gồm: 01 thẻ nhựa chữ nước ngoài trên có ghi 03 dòng số: 1964736, 0069225, Un 0299; 01 chứng nhận bảo hiểm bắt buộc số BB170071347 của xe Un 0299; 01 giấy chứng nhận bảo hiểm tự nguyện số TN170033443 của xe Un 0299; 01 quyển sổ bìa màu xanh có chữ nước ngoài trên ghi số 001178, Un 0299; 01 quyển sổ bìa màu vàng có chữ nước ngoài trên bìa ghi số 0299; 01 tờ khai phương tiện số 4172 ngày 18/10/2017; 01 tờ bìa màu hồng trên ghi số 065361, Un 0299. Quá trình điều tra, trưng cầu dịch thuật các giấy tờ nêu trên, kết quả xác định xe ô tô khách giường nằm cùng các giấy tờ nêu trên là tài sản hợp pháp của Công ty vận tải hành khách liên vận và du lịch quốc tế N có trụ sở tại bản N, huyện L, tỉnh L, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Việc Trần Văn M, Đoàn Văn H, Trần Văn M1, Đoàn Văn H1 và Trần Văn H sử dụng xe ô tô vào việc thực hiện tội phạm, Công ty không biết nên cơ quan điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đã trả lại xe ô tô biển kiểm soát Un-0299 cùng giấy tờ kèm theo cho ông Đoàn Văn Đ là người đại diện theo ủy quyền của Công ty vận tải hành khách liên vận và du lịch quốc tế N là phù hợp với quy định của pháp luật. Sau khi nhận lại xe đại diện Công ty cũng không có yêu cầu gì đối với các bị cáo nên Tòa không xét.
- Đối với các tài sản và giấy tờ tùy thân của các bị cáo không liên quan đến việc thực hiện tội phạm nên cơ quan điều tra đã trả lại cho các bị cáo là phù hợp với quy định của pháp luật, cụ thể như sau: Trả lại cho Trần Văn M 01 điện thoại di động, cùng sim lắp trong máy; 01 giấy phép lái xe, 01 sổ hộ chiếu mang tên Trần Văn M; trả lại cho Trần Văn M1 01 điện thoại di động cùng sim lắp trong máy; 01 giấy phép lái xe, 01 sổ hộ chiếu đều mang tên Trần Văn M1; trả lại cho Đoàn Văn H1 01 điện thoại di động cùng sim điện thoại; 01 chứng minh nhân dân, 01 sổ hộ chiếu đều mang tên Đoàn Văn H1; trả lại cho Đoàn Văn H 01 điện thoại di động cùng sim điện thoại; 01 chứng minh nhân dân và 01 sổ hộ chiếu đều mang tên Đoàn Văn H; trả lại cho Trần Văn H 01 sổ hộ chiếu mang tên Trần Văn H.
Đối với hai người thuê các bị cáo vận chuyển trái phép Tê tê Java, Báo lửa, Vẩy Tê tê Java, Chi Gấu ngựa, Rùa đầu to, Rùa núi viền, Gỗ Giáng Hương và Pháo hoa. Các bị cáo đều không biết tên, tuổi, địa chỉ của hai người đó nên không có căn cứ để điều tra xử lý.
[5] Về hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã được thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không ai có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi của người tiến hành tố tụng và quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng; do đó các hành vi, quyết định tố tụng của những người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện là hợp pháp.
[6] Các bị cáo Đoàn Văn H, Trần Văn M, Trần Văn M1, Đoàn Văn H1, Trần Văn H thực hiện hành vi phạm tội, bị kết án nên phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố: Các bị cáo Đoàn Văn H, Trần Văn M, Trần Văn M1, Đoàn Văn H1, Trần Văn H phạm tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”.
- Áp dụng khoản 1 khoản 3 Điều 190; điểm h, p khoản 1 khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999; xử phạt bị cáo Đoàn Văn H 30 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 tháng tính từ ngày tuyên án.
Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã Y, huyện Y, tỉnh Ninh Bình giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách, gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.
Phạt tiền bổ sung bị cáo H 20.000.000 đồng để sung quỹ Nhà nước.
- Áp dụng khoản 1 khoản 3 Điều 190; điểm p khoản 1 khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999; xử phạt bị cáo Trần Văn M 24 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 48 tháng tính từ ngày tuyên án.
Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã L, huyện N, tỉnh Ninh Bình giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách, gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.
Phạt tiền bổ sung bị cáo Trần Văn M 15.000.000 đồng để sung quỹ Nhà nước.
- Áp dụng khoản 1 khoản 3 Điều 190; điểm h, p khoản 1 khoản 2 Điều 46; Điều 31 Bộ luật Hình sự năm 1999 xử phạt bị cáo Trần Văn H 18 tháng cải tạo không giam giữ. Khấu trừ thu nhập 10% đối với bị cáo Trần Văn H trong thời gian chấp hành hình phạt để sung quĩ Nhà nước.
Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân phường B, thành phố N, tỉnh Ninh Bình giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian chấp hành hình phạt, gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.
Phạt tiền bổ sung bị cáo Trần Văn H 10.000.000 đồng để sung quỹ Nhà nước.
- Áp dụng khoản 1 khoản 3 Điều 190; điểm h, p khoản 1 Điều 46; Điều 31 Bộ luật Hình sự năm 1999; xử phạt bị cáo Đoàn Văn H1 18 tháng cải tạo không giam giữ. Khấu trừ thu nhập 10% đối với bị cáo Đoàn Văn H1 trong thời gian chấp hành hình phạt để sung quĩ Nhà nước.
Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã Y, huyện Y, tỉnh Ninh Bình giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian chấp hành hình phạt, gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.
Phạt tiền bổ sung bị cáo H1 10.000.000 đồng để sung quỹ Nhà nước.
- Áp dụng khoản 1 khoản 3 Điều 190; điểm h, p khoản 1 Điều 46; Điều 31 Bộ luật Hình sự năm 1999; xử phạt bị cáo Trần Văn M1 18 tháng cải tạo không giam giữ. Khấu trừ thu nhập 10% đối với bị cáo Trần Văn M1 trong thời gian chấp hành hình phạt để sung quĩ Nhà nước.
Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã N, huyện N, tỉnh Nghệ An giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách, gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.
Phạt tiền bổ sung bị cáo M1 10.000.000 đồng để sung quỹ Nhà nước.
2. Về các biện pháp tư pháp và xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 41 Bộ luật Hình sự năm 1999; khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015:
Tịch thu sung quỹ Nhà nước: 01 cá thể Báo lửa (đã chết); 22 chi Gấu ngựa và 04 kilogam vẩy Tê tê Java, 01 điện thoại di động nhãn hiệu NOKIA vỏ màu đen.
Tịch thu tiêu hủy: 01 sim điện thoại có số thuê bao 0904877693.
(Chi tiết các vật chứng như biên bản giao nhận vật chứng ngày 02/4/2018 giữa cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Ninh Bình).
3. Án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án, buộc các bị cáo Đoàn Văn H, Trần Văn M, Trần Văn M1, Đoàn Văn H1, Trần Văn H mỗi bị cáo phải nộp 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm để sung quỹ Nhà nước.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật thi hành án dân sự.
Án xử sơ thẩm công khai,các bị cáo có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáotrong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết./.
Bản án 12/2018/HS-ST ngày 04/05/2018 về tội vi phạm các quy định bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ
Số hiệu: | 12/2018/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Ninh Bình |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 04/05/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về