Bản án 134/2017/HS-ST ngày 28/11/2017 về tội vi phạm các quy định bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

BẢN ÁN 134/2017/HS-ST NGÀY 28/11/2017 VỀ TỘI VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH BẢO VỆ  ĐỘNG VẬT THUỘC DANH MỤC LOÀI NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM ĐƯỢC ƯU TIÊN BẢO VỆ  

Ngày 28 tháng 11 năm 2017, tại Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 128/2017/HSST ngày 26/10/2017, theo Quyết  định đưa vụ án ra xét xử số 131/HSST-QĐ ngày 02/11/2017, đối với các bị cáo có lý lịch sau đây:

1. Vũ Kim Đ; sinh ngày 05/7/1974, tại huyện X, tỉnh Thái Bình;

Nơi ĐKNKTT và Chỗ ở: tổ 3, khu H, phường D, thành phố C, tỉnh Quảng Ninh;

Nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ văn hoá: lớp 10/12;

Dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam;

Con ông Vũ Văn N và bà Bùi Thị C (đều đã chết);

Vợ: Nguyễn Thị L và có 03 con, lớn nhất sinh năm 1997, nhỏ nhất sinh năm 2012;

Tiền án, tiền sự: chưa có;

Bị cáo bị bắt quả tang ngày 02/8/2017 và bị tạm giam đến ngày 30/9/2017 được thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp “Cấm đi khỏi nơi cư trú”, hiện tại ngoại nơi cư trú; có mặt.

2. Đặng Văn C; sinh ngày 02/9/1990, tại huyện X, tỉnh Thái Bình;

Nơi ĐKNKTT: thôn D, xã T, huyện X, tỉnh Thái Bình;

Chỗ ở: phường L, thành phố C, tỉnh Quảng Ninh;

Nghề nghiệp: lao động tự do;  trình độ văn hoá: lớp 12/12;

Dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam;

Con ông Đặng Văn H và bà Nguyễn Thị Đ; Vợ: Nguyễn Thị H;

Tiền án: 01 tiền án (ngày 27/02/2014, bị Tòa án nhân dân thành phố C xử phạt 09 tháng tù về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”- chưa chấp hành xong phần thi hành án dân sự); tiền sự: chưa có;

Bị cáo bị bắt quả tang ngày 02/8/2017 và bị tạm giam đến ngày 30/9/2017 được thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp “Cấm đi khỏi nơi cư trú”, hiện tại ngoại nơi cư trú; có mặt.

3. Hoàng Văn K; sinh ngày 27/9/1991, tại huyện T, tỉnh Nghệ An;

Nơi ĐKNKTT: xóm V, xã T, huyện T, tỉnh Nghệ An;

Chỗ ở: số 337, đường K, phường D, thành phố C, tỉnh Quảng Ninh;

Nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ văn hoá: lớp 10/12;

Dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: Thiên chúa giáo; quốc tịch: Việt Nam;

Con ông Hoàng Văn S và bà Lê Thị V;

Vợ: Phạm Thị L và có 02 con, lớn sinh năm 2013, nhỏ sinh năm 2016; Tiền án, tiền sự: chưa có;

Bị cáo bị bắt quả tang ngày 02/8/2017 và bị tạm giam đến ngày 30/9/2017 được thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp “Cấm đi khỏi nơi cư trú”, hiện tại ngoại nơi cư trú; có mặt.

4. Nguyễn Văn B; sinh ngày 17/7/1975, tại huyện T, thành phố Hà Nội;

Nơi ĐKNKTT: thôn T, xã PT, huyện PT, thành phố Hà Nội; Chỗ ở: tổ 3, khu H, phườngD, thành phố C, tỉnh Quảng Ninh; Nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ văn hoá: lớp 9/12; Dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; Con ông Nguyễn Văn S và bà Nguyễn Thị T (đều đã chết); Vợ: Cấn Thị Đ và có 02 con, lớn sinh năm 1996, nhỏ sinh năm 2000; Tiền án, tiền sự: chưa có; Bị cáo bị bắt quả tang  ngày 02/8/2017 và bị tạm giam đến ngày 30/9/2017 được thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp “Cấm đi khỏi nơi cư trú”, hiện tại ngoại nơi cư trú; có mặt.

5. Nguyễn Văn H; sinh ngày 17/10/1982, tại thành phố Đ, tỉnh Nam Định;

Nơi ĐKNKTT: thôn X, xã MX, thành phố Đ, tỉnh Nam Định;

Chỗ ở: số 407, đường K, phường D, thành phố C, tỉnh Quảng Ninh;

Nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ văn hoá: lớp 12/12;

Dân tộc: Kinh; giới tính: nam;  tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam;

Con ông Nguyễn Văn N và bà Hoàng Thị H;

Vợ: Lã Thị Hồng N và có 03 con, lớn nhất sinh năm 2008, nhỏ nhất sinh năm 2016;

Tiền án, tiền sự: chưa có;

Bị cáo bị bắt quả tang ngày 02/8/2017 và bị tạm giam đến ngày 30/9/2017 được thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp “Cấm đi khỏi nơi cư trú”, hiện tại ngoại nơi cư trú; có mặt.

6. Vũ Đức K1; sinh ngày 12/6/1987, tại huyện X, tỉnh Thái Bình;

Nơi ĐKNKTT và Chỗ ở:  tổ 2, khu 2, phường H, thành phố C, tỉnh Quảng Ninh;

Nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ văn hoá: lớp 7/12;

Dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch Việt Nam;

Con ông Vũ Văn N và bà Bùi Thị C (đều đã chết);

Vợ: Đặng Thị D và có 01 con sinh năm 2013; Tiền án, tiền sự: chưa có;

Bị cáo bị bắt quả tang ngày 02/8/2017 và bị tạm giam đến ngày 30/9/2017được thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp “Cấm đi khỏi nơi cư trú”, hiện tại ngoại nơi cư trú; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 02/8/2017, tại số nhà 393, đường K, tổ 3, khu H, phường D, thành phố C, tỉnh Quảng Ninh; Vũ Kim Đ, Nguyễn Văn H, Nguyễn Văn B, Đặng Văn C, Vũ Đức K1, Hoàng Văn K có hành vi vận chuyển, nuôi nhốt trái phép 72 cá thể Tê tê Java thì bị Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện, bắt quả tang. Vật chứng thu giữ gồm 72 cá thể Tê tê Java còn sống (tổng trọng lượng 308kg) và 06 điện thoại di động các loại của các đối tượng. Ngoài ra, Vũ Kim Đ, Nguyễn Văn H, Nguyễn Văn B, Đặng Văn C, Vũ Đức K1, Hoàng Văn K trước đó còn có hành vi vận chuyển, nuôi nhốt trái phép 38 cá thể Tê tê.

Quá trình tranh tụng phiên tòa, các bị cáo Vũ Kim Đ, Nguyễn Văn H, Nguyễn Văn B, Đặng Văn C, Vũ Đức K1, Hoàng Văn K đều khai nhận hành vi phạm tội của mình như sau:

*) Bị cáo Vũ Kim Đ khai:

Bị cáo thuê nhà số 393, đường B, tổ 3, khu H, phường D, thành phố C của anh Nguyễn Văn H1 (anh rể bị cáo) từ năm 2016 với giá 5.000.000 đồng/ tháng để ở, còn kho phía sau nhà để làm rắn. Bị cáo buôn bán các mặt hàng rắn nuôi trong nước có giấy tờ chứng minh hợp pháp do Nhà nước cấp cho các cơ sở nuôi rắn. Bị cáo thuê Vũ Đức K1 (em trai bị cáo), Nguyễn Văn B, Nguyễn Văn H, Hoàng Văn K làm cho bị cáo với nhiệm vụ là tắm rửa, bơm nước và đóng bao rắn. Bị cáo trả lương cho mỗi người này từ 2.500.000 đồng đến 5.000.000 đồng/tháng. Ngoài việc buôn bán rắn, thỉnh thoảng bị cáo còn được chủ hàng tên Niệm là người Miền Trung (không rõ nhân thân, địa chỉ) thuê= vận chuyển, nuôi nhốt tê tê trước khi giao cho người Trung Quốc và được trả công 30.000đồng/kg tê tê. Khi có tê tê, Niệm cho người vận chuyển ra thành phố C giao cho bị cáo, còn bị cáo có nhiệm vụ nuôi nhốt, chăm sóc. Sau đó, sẽ có người của chủ hàng bên Trung Quốc đến nhận tê tê và trả công cho bị cáo.

Sáng ngày 02/8/2017, bị cáo nhận được điện thoại thông báo nhận tê tê để chăm sóc. Bị cáo giao cho K1, H, B, K pha bột gạo và chuẩn bị đi nhận tê tê. Khoảng 09 giờ cùng ngày, theo sự chỉ đạo của bị cáo thì B, H và K1 ra ngã 4 phường D nhận tê tê và vận chuyển về kho hàng tại số nhà 393, đường B. Tại kho, K là người được chủ hàng người Miền Trung thuê nhận, kiểm tra số lượng, sức khỏe của tê tê. Bị cáo cùng với K, B, H và K1 tắm rửa, dùng xi lanh bơm bột gạo vào bụng tê tê nhằm mục đích làm tăng trọng lượng. Sau đó, Đặng Văn C là người được chủ hàng Trung Quốc thuê đến kho để giám sát và nhận tê tê trước khi họ vận chuyển đi. Khi các bị cáo đang cùng nhau cho tê tê ăn và đóng bao thì bị công an kiểm tra, phát hiện, bắt quả tang và thu giữ 72 con tê tê.

Ngoài ra, bị cáo còn khai nhận trước đó bị cáo đã hai lần chỉ đạo K1, H, B, K nuôn nhốt tê tê. Lần thứ nhất, bị cáo không nhớ rõ thời gian, bị cáo chỉ nhớ có nhận từ 02 đến 03 con tê tê. Lần thứ hai, vào khoảng cuối tháng 7/2017, bị cáo nhận 36 con tê tê để chăm sóc. Hai lần này, C cũng là người đại diện bên Trung Quốc đến nhận tê tê.

Bị cáo chỉ là người trung gian được thuê nuôi nhốt, chăm sóc tê tê để hưởng tiền công, còn quá trình mua bán, thống nhất giá cả cũng như việc vận chuyển tê tê đi Trung Quốc như thế nào là do chủ hàng người Miền Trung và phía Trung Quốc thỏa thuận, bị cáo không được biết.

*) Bị cáo Đặng Văn C khai:

Bị cáo được một người Trung Quốc tên là A Tống (không rõ lai lịch, địa chỉ) thuê nhận hàng tê tê từ kho của anh Vũ Kim Đ với tiền công là 200.000 đồng/1 lần nhận hàng. Vì vậy, khi nào có tê tê về kho của anh Đ thì A Tống gọi điện báo cho bị cáo đến để nhận số lượng cân tê tê và thông báo lại cho A Tống. Do bị cáo chơi với H và K1 là người làm công cho anh Đ nên khi nào đã làm xong hàng, tức là các anh ấy đã nhận và bơm bột gạo vào tê tê thì gọi điện cho bị cáo đến nhận hàng. Sau đó, sẽ có người của A Tống đến nhận tê tê chuyển sang Trung Quốc.

Ngày 02/8/2017, A Tống và anh K1 gọi điện thoại cho bị cáo báo đến kho của anh Đ để nhận tê tê. Khi bị cáo đang cùng với các anh Đ, K1, H, K cho tê tê vào bao tải để cân thì bị cơ quan công an khám xét bắt quả tang.

Ngoài ra, bị cáo còn khai đây là lần thứ ba bị cáo đến nhà anh Đ để nhận tê tê cho A Tống. Về thời gian và số lượng tê tê mà bị cáo đã nhận hai lần trước đúng như Vũ Kim Đ đã khai. Tất cả 03 lần nhận tê tê này bị cáo chưa được A Tống trả tiền công.

*) Các bị cáo Hoàng Văn K, Nguyễn Văn B, Nguyễn Văn H và Vũ Đức K1 đều thừa nhận lời khai của Vũ Kim Đ là đúng. Các bị cáo làm thuê cho Đ tại số nhà 393, đường B, tổ 3, khu H, phường D, với nhiệm vụ là bơm nước cho rắn, đóng vào thùng để Đ xuất bán. Đ nuôi ăn ở và trả công cho các bị cáo theo tháng. Ngoài ra, theo sự chỉ đạo của Đ, đã 03 lần các bị cáo nhận, vận chuyển, nuôi nhốt tê tê ở kho của Đ. Công việc của các bị cáo là tắm rửa, bơm bột gạo và đóng bao tê tê để cho người bên Trung Quốc đến vận chuyển đi. Lần thứ nhất, do thời gian đã lâu nên các bị cáo chỉ nhớ đã nuôi nhốt từ 02 đến 03 con tê tê; Lần thứ hai, vào cuối tháng 7/2017 là 36 con tê tê; Lần thứ ba vào ngày 02/8/2017, khi các bị cáo đang tắm rửa, cho tê tê ăn và đóng bao thì bị Cơ quan công an phát hiện bắt quả tang. Về đặc điểm, chủng loại tê tê các bị cáo tham gia vận chuyển, nuôi nhốt cả ba lần đều giống nhau, cùng một loài. Các bị cáo chỉ là người làm thuê, không biết về nguồn gốc, cũng như quá trình mua bán hay vận chuyển tê tê sang Trung Quốc như thế nào.

Bị cáo K khai ngoài việc làm thuê cho Đ theo tháng, bị cáo còn được một người Nghệ An tên là Phong (không rõ nhân thân, địa chỉ) thuê nhận, kiểm tra số lượng và sức khỏe tê tê tại kho của Đ. Phong hứa trả công cho bị cáo 5000.000 đồng/lần nhận và người trực tiếp trả tiền cho bị cáo là chủ hàng bên Trung Quốc.

Khi làm việc tại kho của Đ, các bị cáo còn biết C là người đại diện của chủ hàng Trung Quốc thuê đến nhận, kiểm tra số lượng cân tê tê trước khi vận chuyển đi.

*) Người làm chứng anh Nguyễn Văn H1 và Vũ Huy B1 vắng mặt tại phiên tòa nhưng có đầy đủ lời khai trong hồ sơ như sau:

Anh Nguyễn Văn H1 khai: nhà số 393 B, phường D, thành phố C là của anh cho Đ thuê để ở và làm kho kinh doanh, Đ không nói cụ thể là buôn bán hàng gì, chỉ đến khi Đ bị bắt anh mới biết Đ nuôi nhốt tê tê ở đó.

Đối với anh Vũ Huy B1: khi bị bắt, Đ khai anh B1 là chủ hàng tê tê, nhưng quá trình điều tra, tiến hành đối chất giữa Đ và anh B1 cho thấy anh B1 không liên quan đến việc vận chuyển, nuôi nhốt tê tê của Đ cùng đồng phạm. Ngoài ra, anh Vũ Huy B1 còn khai: Anh và Đ có quen biết nhau vì gần nhà và thỉnh thoảng anh có vận chuyển và giúp Đ làm thủ tục để xuất hàng tươi sống (như rắn, kỳ đà, rùa có giấy tờ nhập khẩu) sang Trung Quốc. Còn việc Đ vận chuyển, nuôi nhốt tê tê trái phép anh không biết.

Bản Cáo trạng số 129/QĐ-VKS ngày 24/10/2017, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh truy tố các bị cáo Vũ Kim Đ, Đặng Văn C, Hoàng Văn K, Nguyễn Văn B, Nguyễn Văn H và Vũ Đức K1 về tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” quy định tại khoản 1 Điều 190 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử:

Xử phạt các bị cáo Vũ Kim Đ, Đặng Văn C, Hoàng Văn K, Nguyễn Văn B, Nguyễn Văn H và Vũ Đức K1 về tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”.

Áp dụng khoản 1 Điều 190; điểm h, p khoản 1 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 20; Điều 53; khoản 1, khoản 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Đ, K, B, H và K1 (áp dụng thêm khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự đối với B và H). Đối với bị cáo C áp dụng khoản 1 Điều 190; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 20; Điều 53 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt Vũ Kim Đ từ 15 đến 18 tháng tù cho hưởng án treo; Đặng Văn C 09 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt đi thi hành án được trừ đi những ngày bị tạm giam; Hoàng Văn K từ 09 đến 12 tháng tù cho hưởng án treo; Nguyễn Văn B từ 06 đến 09 tháng tù cho hưởng án treo; Nguyễn Văn H từ 06 đến 09 tháng tù cho hưởng án treo; Vũ Đức K1 từ 06 đến 09 tháng tù cho hưởng án treo.

Tịch thu phát mại sung quỹ Nhà nước 06 điện thoại di động.

Các bị cáo nhất trí với quan điểm luận tội của đại diện Viện kiểm sát và không có tranh luận gì.

Các bị cáo nói lời sau cùng: Các bị cáo đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình và xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo không có có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về hành vi phạm tội của các bị cáo: Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo Vũ Kim Đ, Đặng Văn C, Hoàng Văn K, Nguyễn Văn H, Nguyễn Văn B, Vũ Đức K1 đều khai nhận hành vi phạm tội của mình, lời khai của các bị cáo phù hợp với nhau, phù hợp với Biên bản bắt người phạm tội quả tang, lời khai của những người làm chứng.

Cụ thể: Ngày 02/8/2017, các bị cáo đã có hành vi vận chuyển, nuôi nhốt 72 cá thể Tê tê Java. Trong đó Đ được chủ hàng người Miền Trung trực tiếp thuê, sau đó bị cáo chỉ đạo B, H, K1, K nhận, tắm rửa, bơm bột gạo và đóng bao tê tê. K vừa làm việc cho Đ vừa được chủ hàng người Miền Trung thuê và trả công để kiểm tra số lượng, chất lượng tê tê. C là người được chủ hàng Trung Quốc thuê giám sát, nhận cân tê tê và tại kho của Đ bị cáo cùng hỗ trợ các bị cáo khác đóng bao tê tê để cân. Ngoài ra, các bị cáo còn khai nhận trước đó đã hai lần vận chuyển, nuôi nhốt trái phép tổng số 38 cá thể Tê tê.

Tại Kết luận giám định động vật số 659/STTNSV ngày 03/8/2017 của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, kết luận: 72 cá thể động vật gửi giám định là loài Tê tê Java có tên khoa học Manis javanica, thuộc Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính phủ) và thuộc Phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/02/2017, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).

Như vậy, hành vi của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” quy định tại khoản 1 Điều 190 Bộ luật Hình sự như Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã truy tố là có căn cứ, đúng pháp luật.

Khoản 1 Điều 190 Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoc sản phẩm của loài động vật đó, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

[3] Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm hại đến các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường sinh thái, các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, xâm hại đến sự bền vững và ổn định của môi trường. Do đó, cần phải có hình phạt nghiêm tương xứng với vai trò của từng bị cáo để giáo dục riêng và phòng ngừa chung.

[4] Xét vai trò của các bị cáo trong vụ án: Đây là vụ án có đồng phạm. Đầu tiên phải kể đến Vũ Kim Đ là người trực tiếp chỉ đạo các bị cáo khác vận chuyển, nuôi nhốt tê tê nên giữ vai trò chính; Tiếp theo là Đặng Văn C và Hoàng Văn K, trong đó C là người được chủ hàng Trung Quốc trực tiếp thuê giám sát, nhận tê tê, còn K vừa làm cho Đ vừa làm thuê cho chủ hàng người Miền Trung; Cuối cùng là Nguyễn Văn H, Nguyễn Văn B, Vũ Đức K1 là những người làm thuê và làm theo sự chỉ đạo của Đ nên giữ vai trò ngang nhau.

[5] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

Tình tiết tăng nặng: Bị cáo Đặng Văn C có 01 tiền án: Ngày 27/02/2014, bị Tòa án nhân dân thành phố C xử phạt 09 tháng tù về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” và chưa chấp hành phần dân sự. Mặc dù, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, bị cáo cung cấp tài liệu về việc đã chấp hành xong phần dân sự của Bản án số 31/2014/HSST ngày 27/02/2017 của Tòa án nhân dân thành phố C (thể hiện tại Biên lai số 0008924 và 003628 ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện X, tỉnh Thái Bình) nhưng thời gian bị cáo thi hành là sau khi thực hiện hành vi phạm tội mới nên trường hợp của bị cáo vẫn bị coi là có tiền án và phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự.

Tình tiết giảm nhẹ: Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa tất cả các bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ tại điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự; Bị cáo Đ, K, B, H, K1 có nhân thân tốt; lần đầu phạm tội, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng được hưởng tình tiết giảm nhẹ tại điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự. Bị cáo Nguyễn Văn H có bố là bệnh binh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước được tặng thưởng huân chương chiến sỹ giải phóng và Huân chương chiến sỹ vẻ vang; Bị cáo Nguyễn Văn B có ông ngoại có công với cách mạng; Bị cáo Đặng Văn C có thời gian tham gia quân đội, có ông nội được tặng thưởng huân chương chiến công hạng ba và huân chương chiến sỹ vẻ vang hạng nhất nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy đinh tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự;

Ngoài ra, bản thân các bị cáo không được hưởng lợi trực tiếp từ việc mua bán Tê tê, mà chỉ là người làm thuê, trong đó bị cáo Đ được chủ hàng người miền Trung thuê nuôi nhốt Tê tê Java và được trả công 30.000 đồng/kg, C được chủ hàng người Trung Quốc thuê nhận Tê tê, còn K, B, H, K1 làm thuê cho Đ hưởng lương theo tháng; 72 cá thể Tê tê Java các bị cáo vận chuyển, nuôi nhốt đã được thu hồi kịp thời để bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Như vậy, xét thấy các bị cáo Đ, K, H, B và K1 có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nơi cư trú rõ ràng, nên không cần thiết phải cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà cho cải tạo tại địa phương cũng đủ để giáo dục và cải tạo. Đối với bị cáo C có một tiền án, bản thân không lấy đó là bài học mà lại tiếp tục phạm tội. Do đó, cần phải xử phạt tù giam đối với bị cáo C để đảm bảo tính răn đe, cải tạo và phòng ngừa.

[6] Về vật chứng của vụ án:

Đối với 72 cá thể Tê tê Java có tổng trọng lượng 308 kg thu giữ tại kho của bị cáo Vũ Kim Đ: Ngày 03/8/2017, Chi Cục kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh đã bàn giao cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, trong đó có 66 cá thể Tê tê Java còn sống, 06 cá thể Tê tê Java đã chết. Nay cần tiếp tục giao 66 cá thể Tê tê Jeva cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội để xử lý theo thẩm quyền.

Đối với 06 điện thoại thu giữ của các bị cáo: trong đó 01 điện thoại Oppo của Đ; 01 điện thoại Iphone 6 và 01 điện thoại Nokia C1 của K1; 01 điện thoại Sam sung SM G600 của C; 01 điện thoại Oppo của H; 01 điện thoại Sam sung galaxy S6 của K, là phương tiện các bị cáo liên lạc để thực hiện hành vi phạm tội nên cần tịch thu phát mại để sung quỹ Nhà nước.

[7] Về hình phạt bổ sung: Các bị cáo đều là lao động tự do, không có thu nhập ổn định, điều kiện kinh tế khó khăn nên Hội đồng xét xử quyết định không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với các bị cáo.

[8] Đối với các đối tượng chủ hàng người Nghệ An, chủ hàng người Trung Quốc, đối tượng lái xe tải giao tê tê, đối tượng nhận tê tê tại kho hàng của Vũ Kim Đ, do không xác định được lai lịch, địa chỉ cụ thể nên Cơ quan điều tra tiếp tục xác minh để xử lý.

Đối với anh Vũ Huy B1 quá trình điều tra xác định không liên quan đến việc vận chuyển, nuô nhốt trái phép tê tê của Vũ Kim Đ cùng đồng phạm; anh Nguyễn Văn H1 cho Vũ Kim Đ thuê nhà để làm kho hàng, anh H1 không biết việc Đ vận chuyển, nuôi nhốt trái phép tê tê; nên không đề cập xử lý.

Các bị cáo phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố các bị cáo Vũ Kim Đ, Đặng Văn C, Hoàng Văn K, Nguyễn Văn H, Nguyễn Văn B, Vũ Đức K1 phạm tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”.

Áp dụng khoản 1 Điều 190; điểm h, p khoản 1 Điều 46; Điều 20; Điều 53; khoản 1, khoản 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt Vũ Kim Đ 12 (mười hai) tháng tù cho hưởng án treo thời gian thử thách là 24 (hai mươi bốn) tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân phường D, thành phố C, tỉnh Quảng Ninh giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự

Áp dụng khoản 1 Điều 190; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 20; Điều 53 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt Đặng Văn C 09 (chín) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án, được trừ đi thời hạn tạm giam từ ngày 02/8/2017 đến ngày 30/9/2017.

Áp dụng khoản 1 Điều 190; điểm h, p khoản 1 Điều 46; Điều 20; Điều 53; khoản 1, khoản 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt Hoàng Văn K  09 (chín) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 (mười tám) tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Áp dụng khoản 1 Điều 190; điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 20; Điều 53; khoản 1, khoản 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt Nguyễn Văn B 06 (sáu) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12 (mười hai) tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Áp dụng khoản 1 Điều 190; điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 20; Điều 53; khoản 1, khoản 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt Nguyễn Văn H 06 (sáu) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12 (mười hai) tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã Mỹ Xá, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Áp dụng khoản 1 Điều 190; điểm h, p khoản 1 Điều 46; Điều 20; Điều 53; khoản 1, khoản 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt Vũ Đức K1 06 (sáu) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12 (mười hai) tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân phường Hải Hòa, thành phố C, tỉnh Quảng Ninh giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Áp dụng khoản 1 Điều 41 Bộ luật Hình sự; khoản 1, khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tịch thu phát mại sung quỹ Nhà nước 06 điện thoại di động.

(Thể hiện tại biên bản giao nhận vật chứng số 16 ngày 30 tháng 10 năm 2017, giữa Phòng Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh và Cục thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh).

Tiếp tục giao 66 (sáu mươi sáu) cá thể Tê tê Java cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội để xử lý theo thẩm quyền.

(Thể hiện tại Biên bản bàn giao số 49/BBGN – ĐVHD  ngày 03/8/2017 giữa Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh và Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội).

Áp dụng theo Điều 99 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016, quy định về án phí, lệ phí Tòa án, buộc các bị cáo Vũ Kim Đ, Đặng Văn C, Hoàng Văn K, Nguyễn Văn H, Nguyễn Văn B, Vũ Đức K1 mỗi người phải nộp 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

Án xử sơ thẩm công khai, có mặt các bị cáo. Báo để các bị cáo có mặt biết quyền kháng cáo trong hạn mười lăm ngày, kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

819
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 134/2017/HS-ST ngày 28/11/2017 về tội vi phạm các quy định bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

Số hiệu:134/2017/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Ninh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 28/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;