Bản án 120/2020/DS-PT ngày 05/03/2020 về tranh chấp bồi thường thiệt hại tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 120/2020/DS-PT NGÀY 05/03/2020 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN

Trong các ngày 27 tháng 02; ngày 05 tháng 3 năm 2020, tại Trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 04/2020/TLPT-DS ngày 06/01/2020 về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại về tài sản”.

Do Bản án số 552/2019/DS-ST ngày 21/11/2019 của Toà án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 247/2020/QĐ-PT ngày 04/02/2020, giữa:

Nguyên đơn: Ông Phạm Văn B, sinh năm 1966 (có mặt). Địa chỉ: Đường C, xã D, huyện E, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của ông Phạm Văn B: Luật sư Nguyễn Đức Thắng F - Công ty Luật TNHH E.

Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây Dựng Thương mại Dịch vụ G.

Đại diện theo pháp luật: Bà Nguyễn Vân H - Tổng Giám đốc.

Đại diện theo ủy quyền: Ông Đỗ Văn I, sinh năm 1973 (có mặt).

Trụ sở: Đường J, Phường K, quận L, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khu đô thị M.

Đại diện theo pháp luật: Ông N - Tổng Giám đốc.

Đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Phạm Quang O, sinh năm 1985 (có mặt).

(Giấy ủy quyền ngày 25/02/2020).

Trụ sở: Đường P, Phường Q, Quận Q, Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Tổng Công ty Xây dựng R - CTCP.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Hữu Việt S - Tổng Giám đốc (xin vắng mặt).

Trụ sở: Đường T, phường U, Quận R, Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Công ty TNHH CityBuilders (Việt Nam).

Người đại diện theo pháp luật: Ông V - Tổng Giám đốc.

Đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Phạm Quang O, sinh năm 1985 (có mặt).

(Giấy ủy quyền ngày 25/02/2020).

Trụ sở: Đường P, Phường Q, Quận Q, Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Bà Lê Thị Mỹ W, sinh năm 1968 (xin vắng mặt).

Địa chỉ: Đường C, xã D, huyện E, Thành phố Hồ Chí Minh.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại Đơn khởi kiện ngày 26/3/2018 và quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn ông Phạm Văn B trình bày:

Ngày 06/6/2002, ông được Nông trường X ký Hợp đồng số 36-02/HĐTĐ cho thuê đất sản xuất diện tích 21.000 m2, thuộc một phần thửa 154, tờ bản đồ số 6, theo tài liệu 02/CT-UB (một phần thửa 12, tờ bản đồ số 42 theo tài liệu đo mới), thuộc Bộ địa chính xã Y, huyện E, Thành phố Hồ Chí Minh, với thời hạn 03 năm từ ngày 01/3/2002 đến ngày 01/3/2005. Sau khi hết hợp đồng, hai bên không ký tiếp nhưng ông vẫn sử dụng canh tác trên đất từ đó tới nay và có trả tiền thuê đất cho Nhà nước.

Ngày 28/12/2017, bị đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Xây dựng G (gọi tắt Công ty G) cho xe cơ giới đào phá làm hỏng 6.500 m2 cây tràm của ông đã trồng trên diện tích 21.000 m2. Căn cứ để ông xác định số cây tràm bị hư hại, kích thước thân cây cũng như diện tích tràm chết theo đơn khởi kiện là số cây tràm thực tế đã trồng, kích cỡ cây theo điều tra trước đây của các cơ quan ban ngành và theo độ sinh trưởng bình thường của cây theo đơn giá năm 2010, do Ủy ban Vật giá Thành phố đưa ra là số tiền 773.000.000 đồng, nên ông khởi kiện yêu cầu Công ty G và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khu đô thị M (sau đây gọi là Công ty M) liên đới bồi thường số cây tràm bị phá mà ông đã trồng sau ngày 06/5/2015 (ngày tràm bị cháy), diện tích 21.000 m2 tràm ông trồng trong khoảng 04-05 ngày. Còn số tiền 640.771.000 đồng ông đã nhận theo Phiếu chi ngày 01/6/2015 và 76.784.000 đồng theo Phiếu chi ngày 15/9/2015 của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện E là số tiền đền bù của diện tích 21.000 m2 tràm ông trồng năm 2004 - 2015.

Bị đơn Công ty G có người đại diện theo ủy quyền trình bày: Công ty M là chủ đầu tư của dự án của Khu đô thị M tại huyện E, Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty M ký hợp đồng với Tổng Công ty Xây dựng R - CTCP (sau đây gọi là Tổng Công ty Xây dựng R) là nhà thầu chính, còn Công ty G chỉ là nhà thầu phụ được Tổng Công ty Xây dựng R ký hợp đồng và bàn giao phần đất để thi công san lấp dự án hạ tầng khu Đô thị M. Công ty không làm việc trực tiếp với người dân, không có trách nhiệm phải bồi thường, hơn nữa ông Phạm Văn B cũng đã được Nhà nước đền bù cây trồng, hỗ trợ phần đất đã sử dụng, nên ông B khởi kiện là không có căn cứ, Công ty G không chấp nhận yêu cầu của ông B.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - Công ty M ; Công ty TNHH Z (sau đây gọi là Công ty Z) có ông Nguyễn Phạm Quang O là đại diện theo ủy quyền của trình bày:

Tính đến ngày 15/9/2015, ông B đã nhận toàn bộ 717.555.000 đồng theo Phiếu chi ngày 01/6/2015 và ngày 15/9/2015 của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện E về việc bồi thường thiệt hại cây trồng. Ngày 28/9/2016, Ủy ban nhân dân xã Y và các Phòng, Ban có liên quan của Ủy ban nhân dân huyện E, đã bàn giao toàn bộ đất cho Công ty M để thực hiện dự án Khu Đô thị M và Khu Tái định cư M, hiện trạng đất thể hiện phần lớn là đất trống, có tràm là tràm bỏ hoang. Để nhận được đất, Công ty M đã chuyển tiền cho Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện E thực hiện hỗ trợ, bồi thường theo quy định, ông B đã nhận bồi thường cây trồng rồi nên ông B không còn quyền, nghĩa vụ liên quan đến một phần thửa đất số 154, tờ bản đồ số 6, hiện là một phần thửa 12, tờ bản đồ số 42, theo tài liệu đo mới thuộc Bộ địa chính xã Y, huyện E, Thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, ông Sơn buộc Công ty G và Công ty M có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền 773.000.000 đồng và 14.500.000 đồng giá trị cây tràm bị hư là hoàn toàn không có cơ sở.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Tổng Công ty Xây dựng R có ông Phạm Văn Kỷ A1 đại diện theo ủy quyền trình bày:

Ông B đã nhận toàn bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với phần diện tích đất và cây trồng là 717.555.000 đồng theo các Phiếu chi của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện E. Ngày 28/9/2016, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện E phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Y và các Phòng, Ban có liên quan tiến hành bàn giao mặt bằng, toàn bộ dự án đầu tư xây dựng Khu Tái định cư M cho Chủ đầu tư là Công ty M. Ngày 15/7/2019, Tổng Công ty Xây dựng R đại diện bị đơn đã chi trả hỗ trợ thêm cho các hộ dân có cây trồng bị thiệt hại trong quá trình san lấp tại dự án là 15.000.000 đồng/ha, nhưng ông B không nhận khoản hỗ trợ này. Công ty G không có trách nhiệm bồi thường nên ông B yêu cầu là không có cơ sở.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị Mỹ W trình bày: Bà là vợ của ông B, bà thống nhất với việc khởi kiện Công ty G và Công ty M như yêu cầu của ông B.

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông B bổ sung yêu cầu khởi kiện: Yêu cầu Công ty G và Công ty M phải liên đới bồi thường cho ông thêm số tiền 787.500.000 đồng, do làm chết tràm trồng lại trên 21.000 m2 đất. Căn cứ để tính ra số tiền này là Biên bản của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện E ngày 28/6/2019, xác định có 52.500 cây tràm trên diện tích 21.000 m2, giá 15.000đ/cây (giá đền bù thấp nhất theo bảng giá năm 2010). Ngày 06/5/2015, ông B đã nhận tiền bồi thường số tràm bị cháy, đến khoảng tháng 6/2015 ông tiếp tục trồng lại. Ông biết chủ trương của Nhà nước thu hồi đất để làm dự án từ năm 2010, nhưng vẫn tiếp tục trồng tràm không phải là để làm khó hay yêu cầu bồi thường mà do ông thực hiện chủ trương của Nhà nước không để đất hoang hóa, theo Điều 2 của Hợp đồng thuê đất với Nông trường X, nếu bỏ hoang 06 tháng sẽ bị thu hồi và ông cũng đang khiếu nại với Cơ quan Nhà nước. Công ty G, Công ty M nói được bàn giao đất để thực hiện dự án từ năm 2016 là không chính xác, vì ngày 17/5/2018 Ủy ban nhân dân huyện E có Quyết định số 4897/QĐ-UBND bồi thường cho ông 832.000.000 đồng tiền đất, ông không đồng ý đã khiếu nại, tại Quyết định số 7580/QĐ-UBND ngày 21/8/2018, Ủy ban nhân dân huyện E đồng ý hỗ trợ 80% giá trị đất, ông đồng ý nên ngày 02/7/2019 đã bàn giao đất cho Ủy ban nhân dân huyện E. Ông yêu cầu Công ty G, Công ty M bồi thường 787.500.000 đồng cho ông trong thời hạn 03 tháng.

Tại Bản án sơ thẩm số 552/2019/DS-ST ngày 21/11/2019, của Toà án nhân dân Quận A căn cứ vào Khoản 1 Điều 5; Điều 21; Khoản 3 Điều 26; điểm a Khoản 1 Điều 35; điểm a Khoản 1 Điều 39; điểm c Khoản 1 Điều 217; Điều 227; Điều 228; Khoản 1 Điều 273; Khoản 1 Điều 280 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:

Căn cứ vào Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014). Căn cứ vào Khoản 3 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Phạm Văn B.

1.1. Không chấp nhận yêu cầu của ông Phạm Văn B về việc buộc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xây dựng Thương mại Dịch vụ G và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khu Đô thị M phải liên đới bồi thường số tiền 773.000.000 (Bảy trăm bảy mươi ba triệu) đồng số cây tràm bị chết tại diện tích 21.000m2, thuộc một phần thửa 154, tờ bản đồ số 6, theo tài liệu 02/CT-UB (tương ứng với một phần thửa 12, tờ bản đồ số 42, theo tài liệu đo mới), thuộc Bộ địa chính xã X, huyện E, Thành phố Hồ Chí Minh.

1.2. Không chấp nhận yêu cầu của ông Phạm Văn B về việc buộc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xây dựng Thương mại Dịch vụ G và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khu Đô thị M phải liên đới bồi thường bổ sung số tiền 14.500.000 (Mười bốn triệu năm trăm ngàn) đồng số cây tràm bị chết tại diện tích 21.000 m2, thuộc một phần thửa 154, tờ bản đồ số 6, theo tài liệu 02/CT-UB (tương ứng với một phần thửa 12, tờ bản đồ số 42, theo tài liệu đo mới), thuộc Bộ địa chính xã Y, huyện E, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm:

quyền kháng cáo; nghĩa vụ, thời hiệu thi hành án dân sự.

Ngày 03/12/2019, nguyên đơn ông Phạm Văn B kháng cáo toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 552/2019/DS-ST ngày 21/11/2019, của Toà án nhân dân Quận A với lý do: Bản án sơ thẩm không phù hợp với các tình tiết khách quan và sự thật của vụ việc; việc thu thập tài liệu, chứng cứ giải quyết vụ án chưa đầy đủ; nhận định và tuyên án không đúng theo quy định pháp luật; không đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của nguyên đơn. Vì theo hợp đồng thuê đất sản xuất số 36-02/HĐTĐ ký ngày 06/6/2002 với Nông trường X, thuê phần đất diện tích 21,000 ha trong thời hạn 03 năm từ 01/3/2002 đến 01/3/2005. Hết hạn hợp đồng, hai bên không gia hạn nhưng ông vẫn canh tác và trả tiền thuê đất cho Nhà nước cho đến nay, hiện Nông trường đã giải thể.

Năm 2010, phần đất này nằm trong quy hoạch dự án xây dựng Khu tái định cư M nên được Nhà Nước thu hồi và bồi thường. Ông đã được bồi thường cây trồng, bồi thường thiệt hại bổ sung cây trồng số tiền 1.018.771.000 đồng + 76.784.000 đồng = 1.095.555.000 đồng, nhưng sồ tiền thực nhận là 717.555.000 đồng. Theo Phiếu chi ngày 01/6/2015, ông đã nhận 644.771.000 đồng tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại (đợt 1 Quyết định số 2189/QĐ-UBND ngày 06/4/2015). Phiếu chi ngày 15/9/2015 nhận số tiền 76.784.000 đồng bồi thường, hỗ trợ dự án Khu tái định cư Sing Việt tại xã Y, huyện E (Quyết định số 7245/QĐ-UBND ngày 21/8/2015) từ Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện E.

Ngày 06/5/2015, toàn bộ diện tích trồng tràm bị cháy (căn cứ Biên bản làm việc ngày 06/5/2015 tại Công an xã). Nhưng do Điều 2 của Hợp đồng thuê đất sản xuất số 36-02/HĐTĐ ngày 06/06/2002 quy định “Trong thời gian thuê, nếu bên B – ông B không đưa vào sử dụng toàn bộ hay một phần đất từ 06 tháng trở lên, thì bên A (Nông trường X) có quyền thu hồi lại một phần hay toàn bộ đất đã cho thuê” nên khoảng tháng 6/2016, ông tiếp tục trồng lại cây, mặc dù biết chủ trương của Nhà nước thu hồi đất để làm dự án từ năm 2010 nhưng căn cứ hợp đồng ông vẫn tiếp tục trồng lại cây là có căn cứ.

Ngày 28/12/2017, Công ty G cho xe cơ giới vào đào phá làm hỏng 6.500 m2 diện tích cây tràm do ông trồng mới sau ngày bị cháy (căn cứ vào Biên bản hiện trường ngày 28/12/2017). Căn cứ vào Biên bản của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện E lập ngày 28/6/2019, về việc kiểm tra, xác nhận hiện trạng trên đất có 36.000 cây tràm nước, dưới 5cm, tràm cao sản tổng cộng 21.780 cây. Tất cả các loại cây trên đã được trồng từ năm 2015. Điều này chứng minh sau khi cháy toàn bộ 21.000 m2 diện tích trồng tràm ngày 06/5/2015, thì đến tháng 6/2015 ông trồng lại là có thật và thiệt hại là do bị đơn gây ra nên ông B yêu cầu Công ty G và Công ty M liên đới bồi thường số tiền 773.000.000 đồng và 14.500.000 đồng, đối với số cây tràm đã trồng sau ngày 06/5/2015 (ngày tràm bị cháy). Bị đơn phá hủy cây trồng mà không bồi thường là xâm phạm đến quyền, lợi ích của ông. Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự, hủy bản án sơ thẩm chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân quận A giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

Tại phiên toà phúc thẩm:

Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Quan điểm của Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Giữ nguyên căn cứ và yêu cầu tại đơn kháng cáo, có bổ sung thêm: Về tố tụng: Tòa án cấp sơ thẩm không triệu tập Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân huyện E tham gia tố tụng là bỏ sót vì Công ty M, Công ty G đã căn cứ Quyết định số 2189/QĐ-UBND ngày 06/4/2015, của Ủy ban nhân dân huyện E để hủy hoại cây trồng của ông B, ngày 02/7/2019 ông B mới bàn giao mặt bằng. Về nội dung: Thu thập chứng cứ không đầy đủ và chưa làm rõ: Căn cứ để Công ty G bơm cát làm thiệt hại cây tràm của ông B. Tại Biên bản giao nhận mặt bằng vào năm 2019 (BL 83), không được xem xét đánh giá. Nông trường X chưa thanh lý hợp đồng thuê đất. Ông B không đồng ý nhận các Quyết định về bồi thường thu hồi đất. Quyết định bổ sung của Ủy ban nhân dân huyện E chỉ mới đồng ý nhận tiền và bàn giao đất ngày 02/7/2019, nhưng Bản án sơ thẩm nhận định bàn giao từ năm 2016 là không đúng. Ngày 25/4/2015, có xảy ra cháy rừng trong đó có hộ ông B bị thiệt hại, Tòa án cấp sơ thẩm không xác minh vì thời điểm này chưa thanh lý hợp đồng, chưa bàn giao đất nên căn cứ Điều 2 tại Hợp đồng thuê đất, ông B đã tiếp tục trồng lại vào năm 2015, có Biên bản kiểm kê năm 2019. Đại diện Tổng Công ty Xây dựng R có lập biên bản các hộ dân có thiệt hại và Ban Bồi thường đề nghị thương lượng với các hộ dân có cả bị đơn tham gia… Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét thẩm định tại chỗ số 54.780 cây trên diện tích 21.000 m2 đất của ông B bị Công ty M và Công ty G trực tiếp gây thiệt hại, căn cứ Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 phải bồi thường nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không xác minh thu thập chứng cứ và bác yêu cầu bồi thường của ông B là vi phạm pháp luật. Căn cứ khoản 3 Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự, đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm xét xử lại. Đất của Nhà nước không có quyết định thu hồi đất, nhưng hợp đồng thuê chưa thanh lý, hiện nay ông B đã nhận bồi thường giá trị đất, chi phí đầu tư, cây trồng gồm cả tiền lãi tổng cộng hơn 03 tỷ đồng (3.196.296.000 đồng).

Bị đơn Công ty G và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty M: Không đồng ý yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn và Luật sư. Vì Công ty G là nhà thầu phụ nhận lại mặt bằng từ Tổng Công ty Xây dựng R, có căn cứ pháp lý là hợp đồng đã ký kết để thi công dự án Khu Đô thị M. Đất Công ty thi công thuộc về Nhà nước giao cho Công ty M bằng Giấy chứng nhận đầu tư. Có Biên bản bàn giao mặt bằng dự án đầu tư xây dựng Khu tái định cư M ngày 28/9/2016… Ông B đã nhận tiền bồi thường cây tràm từ Công ty M chuyển cho Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng. Tự ý sử dụng đất và trồng cây trên đất đã được Nhà nước giao cho Công ty M là không hợp pháp, vì dự án chưa làm hết đất nhưng đất này cũng đã có quyết định Nhà nước giao từ năm 2016. Hiện nay ông B đã nhận đủ tiền bồi thường và đã bàn giao đất.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm giải quyết vụ án:

- Về tố tụng: Việc chấp hành pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký, các đương sự đã thực hiện đúng quy định pháp luật.

- Về nội dung vụ án: Căn cứ các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và quá trình tranh tụng tại phiên tòa cho thấy yêu cầu của nguyên đơn là không có căn cứ chấp nhận. Vì nguồn gốc 21.000 m2 ông B thuê của Nông trường X đã hết thời hạn thuê, Nông trường đã giải thể, đất thuộc về Nhà nước. Căn cứ vào các Quyết định 2189/QĐ-UBND ngày 06/4/2015; Quyết định 7245/QĐ-UBND ngày 12/8/2015, của Ủy ban nhân dân huyện E về việc bồi thường thiệt hại chi phí đầu tư vào đất còn lại và cây trồng; bồi thường thiệt hại bổ sung cây trồng đối với ông Phạm Văn B và phải chấp hành bàn giao mặt bằng thực hiện dự án cho Công ty M. Ông B đã nhận đủ tiền bồi thường theo như thừa nhận của chính ông B, vẫn tự ý tiếp tục trồng cây trên đất Nhà nước đã giao cho Công ty M, nay yêu cầu bồi thường là không có có cơ sở chấp nhận. Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông Phạm Văn B. Giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân Quận A.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng:

- Về việc vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Lê Thị Mỹ W, ông Lê Hữu Việt S - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng R nhưng đều có Đơn xin vắng mặt nên Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử theo quy định tại Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

[2] Về nội dung kháng cáo:

[2.1] Xét toàn bộ lý do và căn cứ kháng cáo của nguyên đơn; quan điểm của Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn cơ bản để chứng minh cho yêu cầu Công ty G và Công ty M liên đới bồi thường tổng số tiền theo nguyên đơn là 787.500.000 đồng cho phần cây tràm đã trồng sau ngày 06/5/2015, tại 21.000 m2 mà nguyên đơn đã thuê của Nông trường X theo Hợp đồng thuê đất sản xuất ngày 06/6/2002 thấy:

[2.2] Trong suốt quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án cấp sơ thẩm và chính tại Đơn kháng cáo cũng như tại phiên tòa hôm nay: Nguyên đơn ông B cũng hoàn toàn thừa nhận đã thực nhận số tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đợt 1 (Quyết định số 2189/QĐ-UBND ngày 06/4/2015) cây tràm trên đất là 640.771.000 đồng; bồi thường thiệt hại bổ sung cây trồng là 76.784.000 đồng (Quyết định số 7245/QĐ-UBND ngày 21/8/2015) thể hiện tại hai Phiếu chi ngày 01/6/2015, ngày 15/9/2015 của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện E; biết việc Nhà nước thu hồi đất cho dự án của Công ty M từ năm 2015; sau khi đã nhận tiền bồi thường cây tràm thì cây bị cháy ông vẫn trồng mới, vì theo hợp đồng thuê đất không được để đất trống… Đến ngày 02/7/2019, ông mới bàn giao đất, hiện nay đã nhận tổng cộng tiền bồi thường cây và đất là hơn 03 tỷ đồng. Lý do và chứng cứ bên nguyên đơn đưa ra để chứng minh cho yêu cầu kháng cáo không được bị đơn, Công ty M thừa nhận và cũng mâu thuẫn với chính trình bày của bên nguyên đơn và các chứng cứ được thu thập có tại hồ sơ vụ án.

[2.3] Vì Nông trường X cho ông B thuê 21.000 m2 đất, thời hạn cho thuê 03 năm (từ ngày 01/3/2002 đến ngày 01/3/2005). Năm 2005, Nông trường đã giải thể, toàn bộ đất của Nông trường thuộc về Nhà nước quản lý theo quy định tại Điều 6 Luật Đất đai năm 2003. Tại Quyết định số 7188/QĐ-UBND ngày 31/12/2013, của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc thu hồi đất tại xã Y, huyện E để bồi thường giải phóng mặt bằng và đã cấp Giấy chứng nhận Đầu tư cho Công ty M, đầu tư thực hiện dự án Khu Đô thị M tại xã Y. Để thực hiện dự án, Công ty M đã chuyển tiền bồi thường và Ủy ban nhân dân huyện E, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện E ra Quyết định số 2189/QĐ- UBND ngày 06/4/2015; Quyết định 7245/QĐ-UBND ngày 12/8/2015 và nhiều quyết định khác để bồi thường hỗ trợ thiệt hại chi phí đầu tư vào đất, cây trồng và thiệt hại bổ sung cây trồng cho ông Phạm Văn B đối với diện tích 21.000 m2 do bị ảnh hưởng trong Dự án Đầu tư Xây dựng Khu tái định cư M, với số tiền như thừa nhận của chính ông B và tại các Phiếu chi kể trên. Cũng theo quy định tại các Quyết định kể trên, ông B có quyền khiếu nại trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định, hoặc Quyết định được niêm yết công khai, yêu cầu ông B nhận tiền hỗ trợ thiệt hại để thực hiện dự án kể cả việc khởi kiện nhưng vẫn phải chấp hành bàn giao mặt bằng.

[2.4] Vì vậy, tại Biên bản bàn giao mặt bằng ngày 28/9/2016 của các Cơ quan nhà nước có thẩm quyền huyện E đã bàn giao cho Công ty M khu đất có tổng diện tích 638.379,3 m2 trong đó có phần diện tích đất ông B đã nhận tiền bồi thường hỗ trợ cây trồng (cây tràm) năm 2015, hiện trạng khu đất khi bàn giao: “Cây trồng: Đa số là khu đất trống, hộ dân đã thu hoạch cây trồng trên đất; tuy nhiên còn một số vị trí khu đất vẫn còn có trồng cây (tràm bông vàng, tràm bông nước) nhưng hộ dân bỏ hoang không khai thác…”. Từ những cơ sở pháp lý này, Công ty M, Công ty Z đã hợp đồng với Tổng Công ty Xây dựng R là nhà thầu chính và Công ty G là nhà thầu phụ trực tiếp thi công san lấp mặt bằng dự án hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội Khu tái định cư M tại xã Y, huyện E theo Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 27-09/2017/TĐC/CC1-PTN ngày 27/9/2019 là hoàn toàn đúng quy định pháp luật.

[2.5] Như vậy, ngay từ năm 2010 ông B đã biết Nhà nước sẽ thu hồi phần đất 21.000 m2 đã thuê của Nông trường X để làm dự án. Năm 2015 đã nhận tiền bồi thường đất, cây tràm trồng trên diện tích đất đã thuê do bị ảnh hưởng trong dự án đầu tư xây dựng Khu tái định cư M và phải có nghĩa vụ bàn giao đất theo quy định, ông B không được quyền canh tác, khai thác, sử dụng đất nữa. Nhưng theo như ông B sau ngày 06/5/2015, ngày đã nhận tiền bồi thường số tràm sau đó bị cháy, ông B vẫn tự ý trồng tràm trên phần đất đã thuộc quyền sử dụng của chủ đầu tư Công ty M, nay tiếp tục yêu cầu bồi thường mà không đưa ra được các căn cứ pháp lý theo quy định tại Điều 281, Điều 604 Bộ luật dân sự 2005 về việc có lỗi của Công ty G, Công ty M có nghĩa vụ phải bồi thường số cây tràm do ông B tự trồng.

[2.6] Từ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, ý kiến phản bác của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng các chứng cứ do chính các bên; các ý kiến và chứng cứ của các cơ quan chức năng cung cấp có tại hồ sơ vụ kiện đều đã được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét, đánh giá và được Tòa án cấp phúc thẩm phân tích, viện dẫn kể trên cho thấy tất cả các chứng cứ, Tòa án cấp sơ thẩm đã triệu tập đầy đủ những người tham gia tố tụng để xem xét, đánh giá, áp dụng các quy định pháp luật không chấp toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là hoàn toàn có cơ sở. Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn và quan điểm của Luật sư. Chấp nhận ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giữ nguyên bản án sơ thẩm. Chỉ điều chỉnh phần quyết định của bản án sơ thẩm ngắn gọn hơn.

[3] Về án phí: Do yêu cầu của nguyên đơn không được chấp nhận nên phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm, án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự:

Căn cứ Điều 281, Điều 604 Bộ luật dân sự:

Căn cứ các Điều 147, 148 Bộ luật tố tụng dân sự. Điều 26, 29 Nghị quyết 326/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 552/2019/DS-ST ngày 21/11/2019, của Toà án Nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Phạm Văn B về việc:

 Yêu cầu Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xây dựng Thương mại Dịch vụ G và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khu Đô thị M phải liên đới bồi thường số tiền tổng cộng 787.500.000 đồng (773.000.000 đồng + 14.500.000 đồng) cây tràm bị chết tại diện tích đất 21.000 m2, thuộc một phần thửa 154, tờ bản đồ số 6, theo tài liệu 02/CT-UB (tương ứng với một phần thửa 12, tờ bản đồ số 42, theo tài liệu đo mới) thuộc Bộ địa chính xã Y, huyện E, Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Về án phí:

Án phí dân sự sơ thẩm: Ông Phạm Văn B phải chịu 35.500.000 (Ba mươi lăm triệu năm trăm nghìn) đồng được khấu trừ vào số tiền 17.460.000 (Mười bảy triệu bốn trăm sáu mươi nghìn) đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2018/0038205 ngày 08/4/2019, của Chi cục Thi hành án dân sự Quận A. Ông Phạm Văn B còn phải nộp thêm số tiền 18.040.000 (Mười tám triệu không trăm bốn mươi nghìn) đồng tiền án phí.

Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Phạm Văn B phải chịu 300.000 đồng, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số: AA/2018/0039484 ngày 03/12/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận A.

Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

417
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 120/2020/DS-PT ngày 05/03/2020 về tranh chấp bồi thường thiệt hại tài sản

Số hiệu:120/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 05/03/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;