TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 118/2021/HS-PT NGÀY 24/03/2021 VỀ TỘI HOẠT ĐỘNG NHẰM LẬT ĐỔ CHÍNH QUYỀN NHÂN DÂN
Ngày 24 tháng 03 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 59/2021/TLPT-HS ngày 26 tháng 01 năm 2021 đối với bị cáo Trần Đức Th phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 184/2020/HSST ngày 15 tháng 12 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An.
- Bị cáo có kháng cáo:
Trần Đức Th: sinh ngày 19/6/1952; tên gọi khác: Không; nơi đăng ký NKTT, chỗ ở hiện nay: xã Diễn T, huyện Diễn Ch, tỉnh Nghệ An; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; trình độ học vấn: 10/10; nghề nghiệp: Lao động tự do; con ông Trần Đức Tr (đã chết) và bà Trần Thị Đ (đã chết);
Vợ thứ nhất: Vũ Thị Th1, sinh năm 1960 (đã ly hôn) không xác định được chỗ ở; con: 03 người, lớn sinh năm 1981, nhỏ sinh năm 1983.
Vợ thứ hai: Nguyễn Thị B, sinh năm 1959 (đã ly hôn). Hiện trú tại tỉnh Đắc Lắc; con: 01 người, sinh năm 1990.
Vợ thứ ba: Nguyễn Thí Q, sinh năm 1973 (không đăng ký kết hôn). Hiện trú tại thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An; con: 01 người, sinh năm 2002.
Vợ thứ bốn: Nguyễn Thị Th2, sinh năm 1962 (không đăng ký kết hôn). Hiện trú tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An; con: 01 người, sinh năm 2006.
Vợ thứ năm: Nguyễn Thị Ch1, sinh năm 1967 (có đăng ký kết hôn). Hiện trú tại xã Diễn T, huyện Diễn Ch, tỉnh Nghệ An.
Tiền án: Bản án số 22/HSPT/2010 ngày 18/01/2010 của Tòa án nhân dân tối cao, xử phạt Trần Đức Th 3 năm tù về “Tội Tuyên truyền chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điểm c khoản 1 Điều 88 BLHS năm 1999 (sửa đổi bổ sung 2009), thời hạn tù tính từ ngày 14/9/2008. Phạt quản chế bị cáo Trần Đức Th 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù. Ra trại ngày 30/8/2011.
Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 23/4/2020 đến nay, hiện đang giam tại trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An; Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
* Người bào chữa cho bị cáo:
- Luật sư Hà Huy S – Công ty luật TNHH Hà S, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; Có mặt.
- Luật sư Nguyễn Tiến H – Văn phòng luật sư ACB, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An; Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Năm 2010 Trần Đức Th thi hành án tại Trại giam Nam Hà, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, Th được bố trí ở cùng buồng giam với Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1969, trú tại phường Bách Kh, quận Hoàng M, thành phố Hà Nội. Trần Đức Th đã nảy sinh ý tưởng thành lập “Hội huynh đệ dân chủ” tập họp những người bị xử lý về tội An ninh quốc gia đã mãn hạn tù, học sinh, sinh viên, “dân oan” khiếu kiện, số đối tượng trong tôn giáo, nhân sĩ tri thức, những người “cấp tiến” trong Đảng cộng sản Việt Nam nhằm mục đích “nâng cao nhận thức cho người dân”. Sau khi chấp hành xong hình phạt tù tháng 3/2013, Trần Đức Th đã liên hệ và bày tỏ ý tưởng đó với Nguyễn Văn Đ. Sau đó, Nguyễn Văn Đ cùng Trần Đức Th, Nguyễn Trung T1, Phạm Văn Tr1, Nguyễn Bắc Tr2 đã thảo luận và thống nhất thành lập “Hội anh em dân chủ” với quan điểm về chính trị là xây dựng chế độ chính trị dân chủ đa nguyên, đa đảng với hệ thống chính trị “tam quyền phân lập” ở Việt Nam. Ban đầu, “Hội Anh em dân chủ” lấy ngày 22/4/2013 là ngày thành lập sau này thống nhất lại lấy ngày 24/4/2013. Hội Anh em dân chủ có tên tiếng Anh là Brotherhood For Democracy - viết tắt là BFD, lấy hình bông hoa năm cánh có dòng chữ “Brotherhood For Democracy - Hội anh em dân chủ” làm biểu tượng; địa chỉ website là http://haedc.org; Địa chỉ facebook là http://www. facebook.com/anhemdanchu/ và http://www.facebook.com/DiendanSVVN; Email: Lienhe@haedc.org. “Hội anh em dân chủ” đặt văn phòng đại diện tại nhà của Nguyễn Văn Đ ở số 10, phố Đoàn Trần Ngh, phường Bùi Thị X, quận Hai Bà Tr3, thành phố Hà Nội. Khi mới thành lập, Trần Đức Th được phân công giữ chức vụ “Trưởng đại diện miền Trung” của “Hội Anh em dân chủ”.
Các đối tượng trong “Hội anh em dân chủ” thống nhất cách thức hoạt động là lợi dụng các vấn đề đấu tranh cho “dân chủ nhân quyền”, “xã hội dân sự” để che giấu mục đích hoạt động chống chính quyền; liên kết với các tổ chức phản động nước ngoài, liên kết với các tổ chức bất hợp pháp trong nước; tìm sự hậu thuẫn, tài trợ về tài chính từ nước ngoài; tiến hành xây dựng, phát triển lực lượng trong và ngoài nước khi lực lượng đủ mạnh và thời điểm phù hợp sẽ công khai hoạt động, đối đầu với chính quyền để xây dựng chế độ “đa nguyên, đa đảng”, “tam quyền phân lập”, tiến tới lật đổ chính quyền nhân dân, thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam (như nội dung cương lĩnh vắn tắt của “Hội anh em dân chủ” thể hiện).
Ngày 15/12/2015, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra đối với các đối tượng cốt cán, cầm đầu của “Hội anh em dân chủ” là Nguyễn Văn Đ, Phạm Văn Tr1, Nguyễn Trung T1 và Nguyễn Bắc Tr2, về tội “Hoạt động nhằm lật đố chính quyền nhân dân”. Quá trình điều tra, Trần Đức Th có thái độ hợp tác khai báo với cơ quan điều tra, thừa nhận hành vi tham gia “Hội anh em dân chủ” của mình là vi phạm pháp luật, cam két không tiếp tục tham gia nữa nên khi kết thúc điều tra vụ án trên, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục quản lý, điều tra, xác minh, làm rõ hành vi vi phạm của Trần Đức Th để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quá trình sinh sống tại địa phương, mặc dù các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Nghệ An đã nhiều lần làm việc nhưng Trần Đức Th vẫn không thay đổi quan điểm và tiếp tục có những hoạt động chống đối. Đồng thời, sau khi Nguyễn Văn Đ được tị nạn chính trị tại Cộng hòa liên bang Đức đã liên lạc, móc nối với Trần Đức Th đế tiếp tục hoạt động.
Với vai trò là thành viên cốt cán thành lập “Hội anh em dân chủ”, Trần Đức Th đã tiến hành các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân như sau:
Tham gia họp, hội luận các thành viên: Vào các tối thứ 7, chủ nhật hàng tuần, Trần Đức Th sử dụng tài khoản Skype và Facebook để đăng nhập vào “nhóm kín” của “Hội anh em dân chủ”, thực hiện trao đổi nội dung cùng các thành viên khác. Ngoài việc họp, trao đổi thông tin trên mạng Internet, Trần Đức Th đã nhiều lần gặp trực tiếp các thành viên trong “Hội anh em dân chủ”.
Tiến hành xây dựng cơ cẩu, tổ chức: Sau khi thành lập, thông qua các cuộc họp của “Hội anh em dân chủ”, các thành viên trong hội thống nhất thành lập ban điều hành, các ban chức năng và phân chia hoạt động theo vùng. Trong đó, Trần Đức Th được phân công làm “trưởng đại diện vùng 2 ở miền Trung”. Nhiệm vụ của Trần Đức Th là theo dõi, tập hợp thông tin chính trị, xã hội sau đó phân tích, đánh giá và đưa ra nhận định để trao đổi với các thành viên tại các buổi họp, hội luận của “Hội anh em dân chủ”. Ngoài ra, Trần Đức Th còn tham gia góp ý kiến để xây dựng “cương lĩnh vắn tắt của Hội anh em dân chủ” do Nguyễn Văn Đ soạn thảo.
Tiến hành tuyên truyền chổng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Thông qua trang mạng Facebook, Trần Đức Th soạn thảo, đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc các sự kiện kinh tế, chính trị xã hội, bôi nhọ, xúc phạm các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại trang facebook “Trần Đức Th” có đường dẫn http://www.facebook.com/thacht.trant. Những tài liệu này đã được Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An thu thập và trưng cầu giám định tập thể tại Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Nghệ An. Tại bản kết luận giám định tập thể ngày 26/03/2020 của Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Nghệ An kết luận các tài liệu đó có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cụ thể:
“1. Các nội dung tài liệu chứa nội dung xuyên tạc, chống đối, phỉ báng chính quyền nhân dân:
- Đăng tải thông tin sai lệch về bản chất nhà nước Việt Nam.
- Đăng tải thông tin xuyên tạc về hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tạo ra hình ảnh méo mó, phản cảm, sai lệch về nhà nước Việt Nam.
2. Các thông tin bịa đặt, gây hoang mang, bức xúc trong nhân dân:
- Đăng tải thông tin sai sự thật về chính sách hoạt động của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về công trình BOT.
- Đăng tải thông tin có nội dung xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử về chiến thắng 30/4 giải phóng miền Nam.
- Đăng tải thông tin có nội dung xuyên tạc về hoạt động của cơ quan nhà nước.
3. Các nội dung thông tin gây chiến tranh tâm lý:
- Đăng tải thông tin tác động đến tư tưởng, tâm lý gây ra sự bất mãn, tức giận, căm ghét chế độ chính trị, chính quyền nhân dân.
- Đăng tải hình ảnh cơ quan công an làm nhiệm vụ với thông tin bình luận nhằm mục đích kích động nhân dân thù ghét chính quyền”.
Quan hệ với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước để nhận hỗ trợ về tài chính: Quá trình tham gia và tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, Trần Đức Th nhận được sự hỗ trợ về tài chính của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, cụ thể: Trần Đức Th đã nhận tổng cộng số tiền 132.055.156 đồng (Một trăm ba mươi hai triệu, không trăm năm mươi lăm nghìn, một trăm năm mươi sáu đồng); 1.700 USD (Một nghìn bảy trăm đô la Mỹ); 850 CAD (tám trăm năm mươi đô la Canada). Trong đó, các đối tượng trong tổ chức “Hội anh em dân chủ” đã chuyển cho Trần Đức Th số tiền 21.305.106 đồng (hai mươi mốt triệu ba trăm lỉnh năm nghìn một trăm lỉnh sáu đồng) thông qua các tài khoản của Trần Đức Th mở tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Quỳ Hợp, Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Diễn Ch và dịch vụ kiều hối tại Ngân hàng Đông Á chi nhánh Nghệ An.
Tại cơ quan điều tra, bị can Trần Đức Th đã thừa nhận việc tham gia thành lập “Hội anh em dân chủ” và tiến hành các hoạt động nhằm mục đích thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam, xây dựng chế độ đa nguyên, đa đảng. Lời khai nhận của bị can phù họp với diễn biến hành vi phạm tội và chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 184/2020/HSST ngày 15 tháng 12 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã quyết định:
Áp dụng khoản 1 Điều 109; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm h khoản 1 Điều 52; Điều 43; Điều 44 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017: Xử phạt bị cáo Trần Đức Th 12 (mười hai) năm tù về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam 23/4/2020. Phạt quản chế bị cáo 03 (ba) năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù. Tước các quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước, quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân trong vòng 03 (ba) năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 25/12/2020, bị cáo Trần Đức Th có đơn kháng cáo với nội dung kêu oan.
Tại phiên tòa, bị cáo Trần Đức Th giữ nguyên kháng cáo và thừa nhận có hành vi như bản án sơ thẩm đã quy kết nhưng cho rằng bị cáo không vi phạm pháp luật, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự bác kháng cáo của bị cáo Trần Đức Th; giữ nguyên quyết định của bản án hình sự sơ thẩm.
Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại toàn bộ bản án để quyết định mức hình phạt phù hợp đối với bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Về tố tụng: Kháng cáo của bị cáo Trần Đức Th trong hạn luật định là hợp lệ, được xem xét theo trình tự phúc thẩm.
Việc luật sư cho rằng Toà án không cho luật sư sao chụp các tài liệu có trong hồ sơ vụ án là vi phạm nghiêm trọng khoản 1 Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 do theo khoản 1 Điều 1 Quyết định số 01/2004/QĐ-TTg ngày 05/01/2004 thì hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc xét xử các vụ án về các tội phạm an ninh quốc gia được quy định là danh mục bí mật nhà nước độ tối mật của ngành Tòa án nhân dân và căn cứ vào điểm d khoản 2 Điều 11 Luật bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 việc cho phép sao chép các tài liệu có trong hồ sơ thuộc danh mục tối mật có trong hồ sơ vụ án thuộc về Chánh án Tòa án nhân dân Cấp cao, Chánh án Toà án nhân dân tỉnh. Hội đồng xét xử xét thấy: thẩm quyền cho sao chụp hồ sơ trong trường hợp cụ thể của vụ án này là Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh nhưng không buộc Chánh án Toà án nhân dân tỉnh phải cho luật sư sao chụp hồ sơ vụ án mà tuỳ thuộc vào tính chất các vụ án để giải quyết. Mặt khác, luật sư đã được cán bộ Tòa án tạo mọi điều kiện thuận lợi trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án. Vì vậy việc luật sư cho rằng Toà án vi phạm tố tụng là không có căn cứ.
Quá trình điều tra, truy tố bị cáo, người bào chữa cho bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2]. Tại phiên tòa, bị cáo Trần Đức Th thừa nhận có hành vi như bản án sơ thẩm đã quy kết nhưng cho rằng bị cáo không vi phạm pháp luật, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo. Quá trình thẩm vấn, tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm qua xem xét hồ sơ vụ án thấy rằng lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra và phiên tòa sơ thẩm, có đủ căn cứ để xác định bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội như cáo trạng của Viện kiểm sát, nội dung bản án sơ thẩm đã quy kết và có đủ cơ sở để kết luận: Bị cáo Trần Đức Th tham gia sáng lập “Hội anh em dân chủ”, có mục đích tôn chỉ của hội là thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam đến việc tuyên truyền xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng và các sự kiện chính trị, xã hội của dân tộc. Đặc biệt, khách thể của tội phạm này là độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ Nghĩa Việt Nam, chế độ kinh tế, chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nên Pháp luật quy định chỉ cần có hành vi thành lập, tham gia tổ chức “Hội anh em dân chủ” và hoạt động đắc lực theo tôn chỉ, mục đích của hội như bị cáo đã thực hiện trong vụ án này là đã cấu thành tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Khoa học pháp lý xác định phân loại là tội phạm có “cấu thành hình thức” mà không cần hậu quả xảy ra là lật đổ thành công chính quyền. Sau khi phân tích toàn diện các chứng cứ buộc tội và gỡ tội Hội đồng xét xử thấy rằng đối chiếu các hành vi mà bị cáo Trần Đức Th thực hiện với các quy định của Bộ luật hình sự thì hành vi khách quan của bị cáo có dấu hiệu cả hai tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” nhưng việc tuyên truyền của bị cáo nhằm mục đích thực hiện tôn chỉ của “Hội anh em dân chủ” với mục tiêu cuối cùng là lật đổ Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hành vi đó có đủ yếu tố cấu thành tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại Điều 109 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017. Phạm vi áp dụng tại khoản 1 như Tòa án cấp sơ thẩm quy kết và xét xử là có căn cứ pháp luật.
[3]. Hành vi của bị cáo Trần Đức Th là đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Hành vi pham tội của bị cáo diễn ra trong thời gian dài, hoạt động với mục đích chống chính quyền, lật đổ chính quyền. Ngoài ra bị cáo cùng các đối tượng khác còn liên kết với các tổ chức bất hợp pháp trong nước và nước ngoài, tìm sự hậu thuẫn, tài trợ về tài chính, tuyên truyền chống Nhà nước với mục đích khi lực lượng đủ mạnh, chờ thời điểm phù hợp sẽ công khai hoạt động, đối đầu chính quyền, thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam để xây dựng chế độ “đa nguyên, đa đảng”, “tam quyền phân lập”, tiến tới lật đổ chính quyền nhân dân. Hành vi này của bị cáo đi ngược với lợi ích của nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh quốc phòng, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, chính quyền của nhân dân. Bị cáo đang có tiền án về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” nhưng ngay sau khi chấp hành án xong lại tiếp tục thực hiện hành vi, sau khi bị Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an phát hiện, triệu tập lên làm việc bị cáo đã cam kết không tiếp tục tham gia “Hội anh em dân chủ”. Tuy nhiên, trong quá trình sinh sống tại địa phương, mặc dù các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Nghệ An đã nhiều lần làm việc nhưng Trần Đức Th vẫn không thay đổi quan điểm và tiếp tục có những hoạt động chống đối chính quyền, thể hiện sự coi thường pháp luật. Vì vậy cần có mức án nghiêm minh và cách ly bị cáo ra khỏi xã hội trong thời gian dài đủ để cải tạo bị cáo thành công dân tốt, có ích cho xã hội và phòng ngừa chung như bản án sơ thẩm đã quy kết xét xử bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo Trần Đức Th kháng cáo, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo giữ nguyên kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.
Xét kháng cáo của bị cáo thấy rằng hành vi của bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét vụ án và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với bị cáo và xét xử bị cáo ở mức khởi điểm của khung hình phạt là có căn cứ. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo kháng cáo nhưng không đưa ra được căn cứ, tình tiết giảm nhẹ nào mới do đó không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị cáo, cần phải giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[4]. Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận, bị cáo Trần Đức Th phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
[5]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí.
Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Đức Th; giữ nguyên quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm số 184/2020/HS-ST ngày 15/12/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An.
Áp dụng khoản 1 Điều 109; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm h khoản 1 Điều 52; Điều 43; Điều 44 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017:
Xử phạt Trần Đức Th 12 (mười hai) năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam 23/4/2020. Phạt quản chế bị cáo 03 (ba) năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Tước các quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước, quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân trong vòng 03 (ba) năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Về án phí: Bị cáo Trần Đức Th phải chịu 200.000 (hai trăm nghìn) đồng tiền án phí hình sự phúc thẩm.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 118/2021/HS-PT ngày 24/03/2021 về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Số hiệu: | 118/2021/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 24/03/2021 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về