Bản án 116/2019/DS-PT ngày 11/09/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

BẢN ÁN 116/2019/DS-PT NGÀY 11/09/2019 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Trong các ngày 10,11 tháng 9 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 14/2019/TLPT - DS ngày 17 tháng 01 năm 2019 về Tranh chấp quyền sử dụng đất.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 214/2018/DS - ST ngày 31 tháng 10 năm 2018 của Tòa án nhân dân thị xã C, tỉnh Hậu Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 61/2019/QĐ - PT ngày 15 tháng 3 năm 2019; Quyết định hoãn phiên tòa số 25/2019/QĐ - PT ngày 12 tháng 4 năm 2019; Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 09/2019/QĐPT - DS, ngày 06 tháng 5 năm 2019; Quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm dân sự số 08/2019/QĐ-PT ngày 06 tháng 6 năm 2019; Quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự số 12/2019/QĐ-PT, ngày 12 tháng 8 năm 2019 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn:

1.1. Ông Lê Quang T, sinh năm: 1980.

1.2. Bà Lê Thị Hồng T, sinh năm: 1982.

1.3. Bà Trần Thị S, sinh năm: 1953.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn ông Lê Quang T và bà Lê Thị Hồng T (Theo văn bản ủy quyền ngày 22/4/2016): Bà Trần Thị S. Có mặt

Cùng địa chỉ: Khu vực A, phường B, thị xã C, tỉnh Hậu Giang.

2. Bị đơn:

2.1. Bà Lưu Thị H, sinh năm: 1949.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn bà Lưu Thị H (Theo văn bản ủy quyền ngày 7/5/2019): Ông Lâm Văn L, sinh năm: 1977. Có mặt

Địa chỉ: Khu vực A, phường B, thị xã C, tỉnh Hậu Giang.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn bà Lưu Thị H: Luật sư Trần Văn Đ, Văn phòng Luật sư Đ.

Địa chỉ: đường D, khu vực E, phường F, thành phố G, tỉnh Hậu Giang. Có mặt

2.2. Bà Nguyễn Thị Đ, sinh năm: 1961. Có mặt

2.3. Ông Phan Văn H, sinh năm: 1953. Có mặt

2.4. Bà Phạm Thị N, sinh năm: 1975. Có mặt

2.5. Ông Nguyễn Văn D, sinh năm: 1948. Vắng mặt

2.6. Ông Phan Thanh B, sinh năm: 1964

2.7. Ông Phan Thanh H, sinh năm: 1974

Người đại diện hợp pháp của bị đơn ông Phan Thanh B và ông Phan Thanh H (Theo văn bản ủy quyền ngày 13/6/2018 và ngày 26/8/2019): Bà Huỳnh Cẩm T, sinh năm: 1976. Có mặt

2.8. Ông Lâm Văn L, sinh năm: 1977. Có mặt

Cùng địa chỉ: Khu vực A, phường B, thị xã C, tỉnh Hậu Giang.

3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

3.1. Ông Phan Thanh H, sinh năm: 1972. Vắng mặt

3.2. Chị Phan Huỳnh L, sinh năm: 1990. Vắng mặt

3.3. Bà Nguyễn Thị Thu B, sinh năm: 1960. Vắng mặt

3.4. Chị Phan Minh T, sinh năm: 1990. Vắng mặt

3.5. Anh Phan Nguyễn Đ, sinh năm: 1995. Vắng mặt

3.6. Anh Phan Chí T, sinh năm: 2000. Vắng mặt

3.7. Bà Huỳnh Thị Trúc K, sinh năm: 1979. Vắng mặt

3.8. Bà Huỳnh Cẩm T, sinh năm: 1976. Có mặt

3.9. Ông Võ Văn Đ, sinh năm: 1941. Có mặt

Cùng địa chỉ: Khu vực A, phường B, thị xã C, tỉnh Hậu Giang.

Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Võ Văn Đ (Theo văn bản ủy quyền ngày 7/5/2019): Ông Lâm Văn L, sinh năm: 1977. Có mặt

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Võ Văn Đ: Luật sư Trần Văn Đ, Văn phòng Luật sư Đ.

Địa chỉ: đường D, khu vực E, phường F, thành phố G, tỉnh Hậu Giang. Có mặt

3.10. Chị Phan Thanh L, sinh năm: 1986. Vắng mặt

Địa chỉ: Ấp H, xã I, huyện K, tỉnh Hậu Giang.

3.11. Ngân hàng A.

Người đại diện ông Hồng Minh H. Chức vụ: Giám đốc chi nhánh huyện K. Vắng mặt

Địa chỉ: Khu vực L, phường B, thị xã C, tỉnh Hậu Giang.

4. Người làm chứng:

4.1. Ông Nguyễn Văn H, sinh năm: 1949. Vắng mặt

Địa chỉ: Khu vực A, phường B, thị xã C, tỉnh Hậu Giang.

4.2. Ông Cao Hoàng B, sinh năm: 1953. Vắng mặt

Địa chỉ: Khu vực A, phường B, thị xã C, tỉnh Hậu Giang.

5. Người kháng cáo: Nguyên đơn bà Trần Thị S.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm và các tài liệu có trong hồ sơ thì nội dung vụ án như sau:

Nguyên đơn bà Trần Thị S đồng thời là đại diện theo ủy quyền của các nguyên đơn Lê Thị Hồng T, Lê Quang T trình bày: Nguồn gốc phần đất đang tranh chấp với các bị đơn là của bà và chồng bà là ông Lê Quang T1 (đã mất năm 2009) sang của ông Võ Văn T vào năm 1990, diện tích 1.673m2, khi sang hai bên có làm giấy tay. Lúc sang ông T có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời. Bà và ông T1 sử dụng đến năm 2000 thì chính quyền địa phương vận động hiến đất múc kênh Thủy Lợi, gia đình bà tự nguyện hiến đất múc kênh Thủy Lợi nhưng không rõ diện tích bao nhiêu. Đến khoảng năm 2015 phần đất còn lại gia đình bà tiếp tục hiến đất cho Nhà nước để làm đường lộ Cách Mạng Tháng 8 nhưng cũng không biết diện tích Nhà nước lấy làm lộ là bao nhiêu. Sau khi làm đường xong phần đất của gia đình vẫn còn nhưng đã bị các bị đơn lấn chiếm. Do đó, bà yêu cầu Tòa án buộc các bị đơn trả lại phần đất lấn chiếm theo diện tích đo đạc thực tế cụ thể:

Buộc các bị đơn Lưu Thị H trả 100,9m2; Lâm Văn L trả 28.3m2; Nguyễn Văn D trả 86,8m2; Phạm Thị N trả 29.1m2; Phan Thanh H trả 28.3m2; Phan Thanh B trả 27,7m2; Phan Văn H trả 28,7m2; Nguyễn Thị Đ trả 61,3m2.

Tại văn bản ngày 01/01/2018, quá trình thu thập chứng cứ và tại phiên tòa bị đơn bà Nguyễn Thị Đ trình bày: Nguồn gốc phần đất tranh chấp là bà Sang của ông Trần Văn T vào năm 1999, đến năm 2000 bà được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà Sử dụng ổn định từ năm 1999 đến nay, trong quá trình sử dụng giữa bà và ông T1 (chồng bà S) không phát sinh tranh chấp. Năm 2015 bà cấp đổi bằng khoáng, trong bằng khoáng phần đất bà thể hiện giáp với đường Cách mạng Tháng 8, vì vậy nguyên đơn cho ràng bà lấn chiếm bà không đồng ý. Phần đất nguyên đơn yêu cầu bà trả lại trước đây là lộ đất, là lối đi chung của các hộ. Sau khi giải phóng mặt bằng để làm đường Cách mạng Tháng Tám thì phần đất tranh chấp là của Nhà nước, tạm thời bà Sử dụng khi nào Nhà nước có yêu cầu thì bà trả lại nên bà không đồng ý theo yêu cầu của nguyên đơn.

Tại văn bản ngày 01/01/2018, quá trình thu thập chứng cứ và tại phiên tòa bị đơn Phan Văn H trình bày: Nguồn gốc phần đất tranh chấp là ông Sang của ông Trần Văn T vào năm 1999, đến năm 2000 ông được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi đo đạc cấp giấy thì đo đạc đến mí lộ đất. Khi sang đất của ông T thì ông T1 cũng biết nhưng không có ngăn cản gì, trong suốt quá trình sử dụng đất từ năm 1999 đến năm 2009 ông T1 mất giữa hai bên không có tranh chấp gì. Ông thừa nhận trước đây sang đất phía trước giáp bờ kênh Nhà máy Việt Nam có bụi tre nhưng không biết ai trồng, đến khi giải phóng mặt bằng để làm lộ thì Nhà nước đã ban hết không còn. Phần đất nguyên đơn yêu cầu trước đây là lộ đất, là lối đi chung. Sau khi giải phóng mặt bằng để làm đường Cách mạng Tháng Tám thì phần đất tranh chấp là của Nhà nước, tạm thời ông Sử dụng khi nào Nhà nước có yêu cầu thì ông trả lại nên ông không đồng ý theo yêu cầu của nguyên đơn.

Tại văn bản ngày 18/01/2018, quá trình thu thập chứng cứ và tại phiên tòa bị đơn Phan Thanh B trình bày: Nguồn gốc phần đất tranh chấp là ông và bà Huỳnh Cẩm A (vợ ông đã mất) sang của ông Nguyễn Văn S vào năm 2006. Khi sang ông S có đưa bằng khoáng cho ông xem thì phần đất thể hiện giáp kênh Nhà máy Việt Nam, trong năm 2006 vợ ông là Huỳnh Cẩm A được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phần đất của ông thể hiện giáp với lộ đất và kênh Nhà máy Việt Nam. Phần đất do vợ ông là Huỳnh Cẩm A đứng tên đến năm 2009 thì chuyển mục đích sử dụng, năm 2013 vợ ông mất thì để thừa kế cho con gái là Phan Huỳnh L đứng tên, nhưng thực tế ông là người quản lý sử dụng. Phần đất nguyên đơn yêu cầu trước đây là lộ đất, là lối đi chung nên nguyên đơn mới trồng cây trên lộ đất. Sau khi giải phóng mặt bằng để làm đường Cách mạng Tháng Tám thì phần đất tranh chấp là của Nhà nước, tạm thời ông sử dụng khi nào Nhà nước có yêu cầu thì ông trả lại nên ông không đồng ý theo yêu cầu của nguyên đơn.

Tại văn bản ngày 04/01/2018, quá trình thu thập chứng cứ và tại phiên tòa bị đơn Phạm Thị N trình bày: Nguồn gốc phần đất tranh chấp là bà Sang của ông Nguyễn Văn S vào năm 2006 (sang cùng thời điểm với ông B) được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2006, phần đất bà Sang của ông S giáp với lộ đất, đến năm 2009 bà chuyển mục đích sử dụng một phần. Sau khi giải phóng mặt bằng để làm đường Cách mạng Tháng Tám thì phần đất tranh chấp là của Nhà nước, tạm thời bà Sử dụng khi nào Nhà nước có yêu cầu thì bà trả lại nên bà không đồng ý theo yêu cầu của nguyên đơn.

Tại văn bản ngày 13/6/2018 và tại phiên tòa hôm nay người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Huỳnh Cẩm T đồng thời là đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông Phan Thanh H trình bày: Vào năm 2006 vợ chồng bà có sang một phần đất của ông Nguyễn Văn S, và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ông Phan Thanh H đứng tên. Trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi rõ phần đất của bà giáp với lộ đất và kênh Nhà máy Việt Nam. Đến năm 2009 ông H xin chuyển một phần đất lên thổ cư và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định. Sau khi giải phóng mặt bằng để làm đường Cách mạng Tháng Tám thì phần đất tranh chấp là của Nhà nước, tạm thời bà Sử dụng khi nào Nhà nước có yêu cầu thì bà trả lại nên bà không đồng ý theo yêu cầu của nguyên đơn.

Bị đơn Nguyễn Văn D đã được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt nên không có ý kiến gì đối với yêu cầu của nguyên đơn.

Tại văn bản ngày 16/6/2018, quá trình thu thập chứng cứ và tại phiên tòa bị đơn Lâm Văn L trình bày: Nguồn gốc phần đất tranh chấp là ông Sang của bà Lưu Thị H vào năm 2010, và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng năm. Khi sang hiện trạng đất không có cây trồng, phần đất bà H sang cho ông giáp kênh Nhà Máy Việt Nam, nhưng khi được cấp giấy thì phần đất trong bàng khoáng giáp với đường lộ. Ông Sử dụng ổn định từ năm 2010 đến nay không ai ngăn cản. Nay nguyên đơn yêu cầu trả lại phần đất lấn chiếm ông không đồng ý, ông yêu cầu được ổn định sử dụng.

Tại văn bản ngày 03/7/2016, quá trình thu thập chứng cứ và tại phiên tòa bị đơn bà Lưu Thị H trình bày: Trước đây bà có phần đất ruộng 4.328m2, phần đất của bà giáp với phần đất của bà S (vợ ông T1 đã mất), đến khi Nhà nước múc kênh Thủy Lợi thì phần đất của ông T1 bị ảnh hưởng và phần đất của bà bị ảnh hưởng khoảng 423m2 vì Nhà nước múc đất của ông T1, bà S bỏ qua phần đất của bà, việc nhà nước múc kênh Thủy Lợi và làm lộ bà không được bồi thường. Việc ông T1 (chồng bà S) trồng tre trên phần đất của bà, trước đây bà có yêu cầu ông T1 đốn tre và trả đất, thì ông T1 cho ràng đất Nhà nước đã quy hoạch làm lộ. Khi nào làm lộ xong thì ông T1 đốn.

Diện tích đất thực tế sử dụng của bà còn thiếu so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên nguyên đơn cho rằng bà lấn chiếm là không đúng. Do đó bà không đồng ý yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu được ổn định sử dụng. Hiện trạng trên phần đất bà S tranh chấp với bà có một số cây tràm biển là tự mọc, không phải nguyên đơn trồng.

Tại văn bản ngày 03/7/2016 quá trình thu thập chứng cứ và tại phiên tòa người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Võ Văn Đ trình bày: Ông là chồng bà Lưu Thị H, ông thống nhất toàn bộ lời trình bày của bà H.

Tại văn bản ngày 08/6/2018 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Phan Thanh H trình bày: Ông là chồng của bà Phạm Thị N, vào năm 2006 ông và bà N có sang một phần đất của ông Nguyễn Văn S, năm 2006 vợ ông là Phạm Thị N đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến năm 2009 bà N xin chuyển một phần đất lên thổ cư và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đứng quy định. Nguyên đơn cho rằng bà N lấn chiếm là không đúng, ông không đồng ý theo yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu được ổn định sử dụng. Ông xin vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án.

Tại văn bản ngày 08/6/2018 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Phan Huỳnh L trình bày: Chị là con ông Phan Thanh B và bà Huỳnh Cẩm A, vào năm 2015 mẹ chị để thừa kế phần đất cho chị, hiện nay cha chị là ông Phan Thanh B đang quản lý sử dụng, chị thống nhất với lời trình bày của ông B, mọi việc do ông B quyết định. Chị xin vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án.

Tại văn bản ngày 08/6/2018 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị Thu B trình bày: Bà là vợ của ông Phan Văn H, năm 2001 bà và ông H có sang một phần đất của ông Trần Văn T và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phần đất của bà phía trước giáp lộ kênh Nhà máy Việt Nam không có giáp với đất ai. Phần đất nguyên đơn cho rằng bà lấn chiếm trước đây là lối đi chung của các hộ dân, bà cho rằng phần đất tranh chấp là của Nhà nước khi nào nhà nước có nhu cầu sử dụng thì bà trả lại cho Nhà nước, bà không đồng ý theo yêu cầu của nguyên đơn, bà thống nhất với lời trình bày của ông H, mọi việc do ông H quyết định. Bà xin vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án.

Tại các văn bản ngày 08/6/2018 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Phan Minh T, Phan Nguyễn Đ, Phan Chí T, Phan Thanh L trình bày: Anh, chị là con của ông Phan Văn H và bà Nguyễn Thị Thu B, anh, chị thống nhất với lời trình bày của ông H, việc tranh chấp với bà S do ông H quyết định và xin vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án.

Tại văn bản ngày 02/8/2018 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Huỳnh Thị Trúc K trình bày: Chị là vợ của ông Lâm Văn L, chị thống nhất với lời trình bày của ông L. Chị xin vắng mặt trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án.

Tại văn bản ngày 05/9/2018 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ngân hàng A, đại diện theo ủy quyền ông Hồng Minh H trình bày: Bà Nguyễn Thị Đ có vay tiền tại Ngân hàng A, trong quá trình vay bà Đ thanh toán nợ đầy đủ, ngoài phần đất tranh chấp bà Đ còn tài sản khác để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ. Do đó ngân hàng không có yêu cầu gì và xin vắng mặt trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án.

Người làm chứng ông Nguyễn Văn H, ông Cao Hoàng B xác định phần đất các bị đơn sử dụng là của ông T1, bà S.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 214/2018/DS - ST ngày 31 tháng 10 năm 2018 của Tòa án nhân dân thị xã C, tỉnh Hậu Giang đã tuyên xử như sau:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Trần Thị S, Lê Quang T, Lê Thị Hồng T về việc yêu cầu các bị đơn: Nguyễn Thị Đ trả lại phần đất tranh chấp 61,3m2, ông Phan Văn H phần đất có diện tích 28,7m2, ông Phan Thanh B phần đất có diện tích 27,7m2, ông Phan Thanh H phần đất có diện tích 28,3m2, bà Phạm Thị N phần đất có diện tích 29,1m2, ông Nguyễn Văn D phần đất có diện tích 86,6m2, ông Lâm Văn L phần đất có diện tích 28,3m2, bà Lưu Thị H phần đất có diện tích 100,9m2 (có mãnh trích đo đạc kèm theo).

Các bị đơn Lưu Thị H, Lâm Văn L, Nguyễn Văn D, Phạm Thị N, Phan Thanh H, Phan Thanh B được sử dụng cây trồng trên phần đất tranh chấp.

- Buộc bị đơn Lưu Thị H trả lại giá trị cây trồng cho bà S, ông T, bà T số tiền 300.000 đồng (ba trăm ngàn đồng).

- Buộc bị đơn Lâm Văn L trả lại giá trị cây trồng cho bà S, ông T, bà T số tiền 220.000 đồng (hai trăm hai mươi ngàn đồng).

- Buộc bị đơn Nguyễn Văn D trả lại giá trị cây trồng cho bà S, ông T, bà T số tiền 375.000 đồng (ba trăm bảy mươi lăm ngàn đồng).

- Buộc bị đơn Phạm Thị N trả lại giá trị cây trồng cho bà S, ông T, bà T số tiền 252.000 đồng (hai trăm năm mươi hai ngàn đồng).

- Buộc bị đơn Phan Thanh H có đại diện theo ủy quyền bà Huỳnh Cẩm T trả lại giá trị cây trồng cho bà S, ông T, bà T số tiền 1.790.000 đồng (một triệu bảy trăm chín mươi ngàn đồng).

- Buộc bị đơn Phan Thanh B trả lại giá trị cây trồng cho bà S, ông T, bà T số tiền 520.000 đồng (năm trăm hai mươi ngàn đồng).

- Buộc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Võ Văn Đ trả lại giá trị cây trồng cho bà S, ông T, bà T số tiền 1.230.000 đồng (Một triệu hai trăm ba mươi ngàn đồng).

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí; chi phí tố tụng, quyền kháng cáo và quyền yêu cầu thi hành án của các đương sự.

Ngày 12/11/2018 nguyên đơn bà Trần Thị S làm đơn kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm số: 214/2018/DS - ST ngày 31 tháng 10 năm 2018 của Tòa án nhân dân thị xã C, tỉnh Hậu Giang.

Nội dung kháng cáo: Yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét chấp nhận yêu cầu khởi kiện cho nguyên đơn, buộc các bị đơn trả lại phần đất lấn chiếm.

Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn bà Trần Thị S vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Các bị đơn không đồng ý với yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Lưu Thị H và ông Võ Văn Đ cho rằng bà Trần Thị S khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất với bà H và ông Đ, nhưng không có chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện theo quy định tại khoản 4 Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang phát biểu quan điểm:

- Về tố tụng: Từ khi thụ lý đến phiên tòa ngày hôm nay Tòa án cấp phúc thẩm đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

- Về nội dung vụ án: Đại diện Viện kiểm sát nhận định, các nguyên đơn khởi kiện tranh chấp về quyền sử dụng đất, đối với đất các bị đơn đã được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. Nguyên đơn không chứng minh được đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của nguyên đơn, nên không có cơ sở xem xét cho nguyên đơn. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn; áp dụng khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sụ, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Các nguyên đơn Lê Quang T, Lê Thị Hồng T, Trần Thị S kiện Lưu Thị H, Nguyễn Thị Đ, Phan Văn H, Phạm Thị N, Nguyễn Văn D, Phan Thanh B, Phan Thanh H và Lâm Văn L để đòi lại quyền sử dụng đất tại khu vực A, phường B, thị xã C, tỉnh Hậu Giang nên Tòa án nhân dân thị xã C thụ lý và xét xử theo quan hệ pháp luật “Tranh chấp quyền sử dụng đất” là có căn cứ, đúng thẩm quyền.

[2] Sau khi xét xử sơ thẩm nguyên đơn bà Trần Thị S có đơn kháng cáo hợp lệ và trong hạn luật định nên được Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang xem xét, giải quyết theo trình tự phúc thẩm. Tại phiên tòa bà Trần Thị S giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

[3] Xét kháng cáo, nguyên đơn bà Trần Thị S yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà đối với các bị đơn, buộc các bị đơn trả lại diện tích đã lấn chiếm của bà có diện tích 345,6 m2.

[3.1] Nguồn gốc đất: Vào ngày 10 tháng 9 năm 1990 ông Lê Quang T1 là chồng của bà Trần Thị S có nhận đất của người nhượng đất là ông Võ Văn T, đất ruộng có diện tích 1,673m2 (Theo tờ nhượng đất ruộng ngày 10/9/1990). Phần đất này ông Võ Văn T đã được Ủy ban nhân dân huyện K cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời vào ngày 18/5/1989. Theo nội dung của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời thì người được cấp giấy chỉ được quyền sử dụng đất ổn định trên 15 năm, không được chuyển nhượng, sang bán. Tại thời điểm ông Lê Quang T1 nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Võ Văn T, Luật đất đai năm 1987 đang có hiệu lực pháp luật. Theo quy định tại Điều 5 của Luật đất đai năm 1987 nghiêm cấm việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Việc chuyển nhượng đất giữa ông Võ Văn T và ông Lê Quang T1 có xác nhận của Ban tự quản và Ban Nông nghiệp thị trấn C, nhưng không có văn bản của Ủy ban thị trấn C cho phép các bên chuyển quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật đất đai năm 1987. Đồng thời, việc giao nhận đất giữa ông Võ Văn T và ông T1 không có đo đạc để xác định tứ cận, ký giáp ranh, không xác định số đo cụ thể, không có cơ sở xác định các phần đất đang có tranh chấp thuộc quyền sử dụng của nguyên đơn. Sau khi nhận đất của ông Võ Văn T, ông Lê Quang T1 chỉ sử dụng từ năm 1991, 1992, không kê khai đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật đất đai năm 1987. Do đó, cũng không có cơ sở để xác định ông Lê Quang T1 và bà Trần Thị S sử dụng đất ổn định, lâu dài để xác lập quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 99, Điều 100, Điều 101 Luật đất đai năm 2013.

Đến năm 1992 Nhà nước đã có quy hoạch đào kênh thủy lợi Nhà Máy Việt Nam, gia đình ông T1 đã tự nguyện hiến đất làm kênh. Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn thừa nhận việc gia đình nguyên đơn hiến đất múc kênh thủy lợi có nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước, nhưng không nhớ bao nhiêu. Sau khi chính quyền đã múc kênh thủy lợi phần đất múc kênh đắp thành bờ xáng (lộ đất cũ), người dân địa phương sử dụng làm lối đi chung và gia đình bà Trần Thị S sử dụng một phần bờ xáng để trồng tre, chuối và các loại hoa màu. Ông Lê Quang T1 chết vào năm 2009, đến thời điểm này ông T1 vẫn không xác định được phần đất múc kênh thủy lợi có diện tích là bao nhiêu, đất còn lại bao nhiêu và không đi đăng ký kê khai quyền sử dụng đất theo quy định của luật đất đai.

Khi ông Lê Quang T1 chết phần đất ông nhận chuyển nhượng của ông Võ Văn T, không đăng ký đất đai tại cơ quan quản lý đất đai địa phương xác định quyền sử dụng đất của ông vào sổ mục kê hoặc ghi vào sổ địa chính. Do đó, không có cơ sở để xác định di sản thừa kế của ông T1 để lại cho bà Trần Thị S, ông Lê Quang T và bà Lê Thị Hồng T diện tích đất bao nhiêu. Đến năm 2012 Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang triển khai thực hiện dự án đường Cách Mạng Tháng Tám nối dài tại thị trấn C. Với chủ trương Nhà nước đầu tư phần đường, vận động nhân dân trả lại phần đất ven kênh thủy lợi, từ mí kênh lên lộ xi măng hiện hữu (Biên bản làm việc ngày 07/01/2013). Theo dự án đường Cách Mạng Tháng Tám đất của bà Trần Thị S bị ảnh hưởng phần đất trên lộ “xi măng hiện hữu”, đối với thửa 1270 diện tích 70m2, loại đất CNm, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00513, ngày 03/4/1998 cấp cho hộ bà Trần Thị S. Diện tích đất này nằm ngoài diện tích đất 1.673m2 do ông T1 nhận chuyển nhượng của ông Võ Văn T. Tại biên bản làm việc ngày 07/01/2013 của đoàn vận động thị trấn C, bà Trần Thị S đã thống nhất chủ trương làm đường Cách Mạng Tháng Tám, không khiếu nại gì.

Như vậy, diện tích đất ông Lê Quang T1 nhận chuyển nhượng của ông Võ Văn T đã ảnh hưởng toàn bộ trong dự án đường Cách Mạng Tháng Tám nối dài tại thị xã C, tỉnh Hậu Giang (trước đây là thị trấn C). Gia đình bà Trần Thị S đã tự nguyện hiến đất và đã nhận hỗ trợ của Nhà nước, để phục vụ công trình giao thông tại địa phương, trở thành công trình do Nhà nước quản lý. Mặt khác, đã qua nhiều lần sửa đổi bổ sung Luật Đất đai từ Luật Đất đai năm 1987, 1993, 2013, gia đình bà Trần Thị S không có cơ sở nào để xác lập quyền sở hữu đối với các phần đất đang tranh chấp với các bị đơn. Qua các biên bản xác nhận của những người làm chứng, xác nhận gia đình nguyên đơn bà Trần Thị S có thực tế sử dụng phần đất tại bờ xáng sau khi múc kênh thủy lợi để trồng các loại cây như chuối, tre, tràm... Hội đồng xét xử thừa nhận xác nhận của những người làm chứng là đúng với sự thật. Nhưng đất đai là do Nhà nước thống nhất quản lý, việc sử dụng đất của gia đình bà S tại thời điểm sau khi múc kênh thủy lợi là sử dụng đất thuộc về Nhà nước quản lý, bà không có quyền sử dụng đất. Tại Công văn số 801/UBND, ngày 24/9/2019 của Phòng Tài Nguyên và Môi trường - Ủy ban nhân dân thị xã C xác nhận “Căn cứ vào hồ sơ địa chính thành lập năm 1997 tại vị trí các phần đất tranh chấp không có tên ông Lê Quang T1 và bà Trần Thị S trong hồ sơ địa chính”. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn bà Trần Thị S, ông Lê Quang T, bà Lê Thị Hồng T là có cơ sở.

[3.2] Nguyên đơn tranh chấp quyền sử dụng đất với các bị đơn: bà Lưu Thị H, ông Lâm Văn L, ông Nguyễn Văn D, ông Phan Thanh B, ông Phan Thanh H, bà Phạm Thị N, ông Phan Văn H, bà Nguyễn Thị Đ. Các bị đơn khẳng định phần đất các bị đơn đang tạm sử dụng là của Nhà nước quản lý, không phải của nguyên đơn, không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Tất cả các bị đơn không ai có phản tố yêu cầu Tòa án công nhận quyền sử dụng đất đang tranh chấp. Vì các bị đơn thừa nhận đất tranh chấp là hành lang lộ giới do Nhà nước quản lý, khi nào Nhà nước cần thì họ đồng ý giao lại.

Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận thấy, các bị đơn không có phản tố yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất nên Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét giải quyết là có cơ sở. Theo Mãnh trích đo địa chính số 08-2019, ngày 08/8/2019 của Trung Tâm Kỹ Thuật Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Hậu Giang, diện tích đất nguyên đơn tranh chấp với các bị đơn như sau:

Đối với thửa đất số 456, tờ bản đồ số 4 của bà Lưu Thị H, tại vị trí số 10 có diện tích 101,6 m2. Hội đồng xét xử nhận thấy, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00452/QSDĐ/452 do Ủy ban nhân huyện K cấp vào ngày 18/12/2002. Nhà nước cấp đất cho bà Lưu Thị H là tới đường, không tiếp giáp với thửa đất nào của bà Trần Thị S.

Đối với thửa đất 2873, tờ bản số 4 của ông Lâm Văn L, tại vị trí số 9, diện tích 27m2 có nguồn ông L nhận chuyển nhượng đất từ thửa 456, tờ bản đố số 4 của bà Lưu Thị H. Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH01410, do Ủy ban nhân huyện C cấp vào ngày 31/12/2010. Nhà nước cấp đất cho ông Lâm Văn L là tới đường, kế tiếp là giáp với Kinh nhà máy Việt Nam, không Tiếp giáp với thửa đất nào của bà Trần Thị S.

Thửa đất số 2131, có diện tích 210m2 và thửa 2245 có diện tích 420 m2 đất trồng lúa, tại vị trí số 8, đất có nguồn gốc ông Nguyễn Văn D nhận chuyển nhượng của bà Lưu Thị H tách quyền sử dụng đất từ thửa 456, tờ bản đồ 4. Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng số H00372, do Ủy ban nhân huyện K cấp vào ngày 19/5/2006; và Giấy chứng nhận quyền sử dụng số H00669, ngày 05/02/2007. Nhà nước cấp đất cho ông Nguyễn Văn D tới đường, kế tiếp là giáp với Kinh nhà máy Việt Nam, không Tiếp giáp với thửa đất nào của bà Trần Thị S.

Bà Trần Thị S tranh chấp với bà Phạm Thị N tại vị trí số 7, thửa đất 2500, tờ bản đồ số 4, có diện tích 27,3m2, loại đất ở đô thị, đất có nguồn gốc bà N nhận chuyển nhượng của ông Nguyễn Văn S vào năm 2006. Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H01768, do Ủy ban nhân dân huyện K cấp vào ngày 09/1/2009, Nhà nước cấp đất cho bà N đến lộ đất, tiếp giáp với Kinh Nhà máy Việt Nam. Sơ đồ thửa đất theo giấy chứng nhận thể hiện có chừa hành lang từ lộ đất vào đất của bà N 6,5m.

Bà Trần Thị S tranh chấp với ông Phan Thanh H tại vị trí số 6, có diện tích 26,1m2, loại đất ở đô thị. Đất có nguồn gốc ông H nhận chuyển nhượng của ông Nguyễn Văn S từ năm 2006, diện tích 80m2 đã được Ủy ban nhân dân huyện K cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H01765, ngày 09/01/2009. Nhà nước cấp đất cho ông H đến lộ đất, tiếp giáp với Kinh Nhà máy Việt Nam. Sơ đồ thửa đất theo giấy chứng nhận thể hiện có chừa hành lang lộ giới đến đất của ông H 6,5m.

Phần đất bà S tranh chấp với ông Phan Thanh B, tại vị trí số 5, có diện tích 25,9m2. Nguồn gốc đất của ông Nguyễn Văn S chuyển nhượng cho bà Huỳnh Cẩm A (vợ của ông Phan Thanh B đã chết) vào năm 2006. Năm 2015 bà Huỳnh Cẩm A chết để thừa kế quyền sử dụng đất cho con gái là Phan Huỳnh L. Hiện đất này đang do ông B quản lý, sử dụng. Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H01767, do Ủy ban nhân dân huyện K cấp vào ngày 09/1/2009, Nhà nước cấp đất cho bà Huỳnh Cẩm A đến lộ đất, tiếp giáp với Kinh Nhà máy Việt Nam. Sơ đồ thửa đất theo giấy chứng nhận thể hiện có chừa hành lang từ lộ đất đến đất của bà 6,5m.

Bà Trần Thị S tranh chấp quyền sử dụng đất với hộ của ông Phan Văn H, tại vị trí 4, diện tích 27,3m2. Nguồn gốc đất ông Phan Văn H nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Trần Văn T từ năm 1999, ông H được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00721/QSDĐ/00721 ngày 09/3/2001. Trường hợp của ông H nhận chuyển nhượng cùng chủ đất cũ là ông Trần Văn T với bà Nguyễn Thị Đ, nhưng hồ sơ về chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông H và ông Trần Văn T đã thất lạc nên chưa xác định. Tuy nhiên, vào năm 2006 ông H xây dựng nhà và sử dụng phần đất đang có tranh chấp, lúc này ông T1 còn sống nhưng không có phản đối, không có tranh chấp gì.

Bà Trần Thị S tranh chấp quyền sử dụng đất đối với bà Nguyễn Thị Đ tại vị trí số 3 có diện tích 60,1 m2. Nguồn gốc đất tranh chấp bà Đ nhận chuyển nhượng của ông Trần Văn T vào năm 1999. Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 1452, Ủy ban nhân dân huyện K cấp cho bà vào ngày 27/02/2015, cấp đất đến đường Cách Mạng Tháng Tám, chừa lộ giới vào 1,5m.

Như vậy, việc nguyên đơn cho rằng các bị đơn tự ý lấn chiếm đất của nguyên đơn là hoàn toàn không có cơ sở. Theo xác nhận tại Công văn số 2762/UBND ngày 23/8/2018 Ủy ban nhân dân thị xã C trả lời việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các bị đơn là đúng trình tự, quy định của pháp luật. Riêng đối với hộ của bà Lưu Thị H do Trung tâm công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường không có lưu trữ hồ sơ; Trường hợp của hộ ông Phan Văn H do không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Trần Văn T nên chưa có cơ sở thẩm tra hồ sơ về trình tự thủ tục cấp giấy.

[3.3] Về phần cây trồng trên các phần đất tranh chấp, Tòa án cấp sơ thẩm buộc các bị đơn có trách nhiệm bồi thường cho gia đình bà Trần Thị S. Tại biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ nguyên đơn và các bị đơn xác nhận thực tế đang tồn tại các loại cây như tre, chuối, tràm Đà lạt do bà Trần Thị S trồng. Do vậy, để tránh kéo dài tranh chấp, Tòa án cấp sơ thấm giải quyết để các bị đơn có quyền sử dụng và bồi thường bằng giá trị cho bà S là có cơ sở, nên được Hội đồng xét xử chấp nhận, giữ nguyên phần này.

Theo biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 13 tháng 3 năm 2018 và theo Mãnh trích đo địa chính số 51/TTKTTN&MT ngày 17 tháng 5 năm 2018, thể hiện phần cây trồng trên các phần đất tranh chấp như sau:

Phần đất bà Trần Thị S tranh chấp với bà Lưu Thị H tại vị trí số 1 có 05 cây tràm biểm loại A, 03 cây tràm biển loại B. Ngày 17 tháng 9 năm 2018, bà Trần Thị S đã đốn 02 cây tràm loại A, ông Võ Văn Đ (chồng của bà H) đốn 02 cây tràm loại A và 03 cây tràm loại B. Như vậy, tại vị trí tranh chấp chỉ còn lại 01 cây tràm loại A. Tại biên bản thẩm định thể hiện các bên đương sự có sự tranh chấp về cây trồng trên đất, nguyên đơn cho rằng gia đình nguyên đơn trồng, còn bà H và ông Đ cho rằng tự mọc. Tuy nhiên qua thực tế, nguyên đơn có sử dụng cây, bà H và ông Đ thừa nhận. Do đó, có cơ sở buộc ông Đ và bà H bồi thường giá trị cây cho nguyên đơn với số tiền như sau: Bà H trả 300.000đồng, ông Đ trả 1.230.000đồng.

Tại phần đất bà Trần Thị S tranh chấp với ông Lâm Văn L, tại vị trí số 2, có 55 cây tre loại c do bà S trồng nhưng không thể di dời được. Đến giai đoạn xét xử phúc thẩm, các cây tre ông L đốn và đã đào gốc. Do đó, ông L phải trả giá trị cho nguyên đơn với số tiền 220.000đồng.

Phần đất bà Trần Thị S tranh chấp với ông Nguyễn Văn D, tại vị trí số 3, có 09 cây chuối loại B, 06 cây chuối loại C, do bà S trồng không thể di dời được. Đến giai đoạn xét xử phúc thẩm, ông D đốn chuối và đã đào gốc. Do đó, ông D phải trả giá trị cho nguyên đơn với số tiền 375.000đồng.

Phần đất bà Trần Thị S tranh chấp với bà Phạm Thị N tại vị trí số 4, có 01 cây tràm biển loại B và 03 cây tre loại B, bà N được sử dụng và trả giá trị cho nguyên đơn với số tiền 252.000đồng.

Phần đất bà Trần Thị S tranh chấp với ông Phan Thanh H tại vị trí số 5, có 20 cây tre loại A, 95 cây tre loại B, 15 cây tre loại C. Ông H được quyền sử dụng số tre nêu trên và trả giá trị cho nguyên đơn 1.790.000đồng.

Phần đất bà Trần Thị S tranh chấp với ông Phan Thanh B tại vị trí số 6, có 02 cây chuối loại C, 02 cây dừa loại C, 02 cây đu đủ loại A. Ông B được quyền sử dụng các loại cây nêu trên và trả giá trị cho nguyên đơn với số tiền 520.000đồng.

[4] Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử thống nhất với nhận định của đại diện Viện kiểm sát, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đon, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[5] Về án phí dân sự sơ thẩm: Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định không đúng nên điều chỉnh lại. Các nguyên đơn mỗi người phải chịu 300.000đồng.

Do không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn bà Trần Thị S, bà phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

[6] Về chi phí thẩm định tại cấp phúc thẩm: Buộc bà Trần Thị S phải chịu, bà đã thực hiện xong.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Luật đất đai năm 1987, Luật đất đai năm 1993, Luật đất đai năm 2013 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến án phí và lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn bà Trần Thị S. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tuyên xử:

1/. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Trần Thị S, ông Lê Quang T, bà Lê Thị Hồng T về việc yêu cầu các bị đơn: bà Nguyễn Thị Đ trả lại phần đất tranh chấp 61,3m2, ông Phan Văn H phần đất có diện tích 28,7m2, ông Phan Thanh B phần đất có diện tích 27,7m2, ông Phan Thanh H phần đất có diện tích 28,3m2, bà Phạm Thị N phần đất có diện tích 29,1m2, ông Nguyễn Văn D phần đất có diện tích 86,6m2, ông Lâm Văn L phần đất có diện tích 28,3m2, bà Lưu Thị H phần đất có diện tích 100,9m2 (có mãnh trích đo đạc kèm theo).

2/. Các bị đơn bà Lưu Thị H, ông Lâm Văn L, ông Nguyễn Văn D, bà Phạm Thị N, ông Phan Thanh H, ông Phan Thanh B được sử dụng cây trồng trên phần đất tranh chấp.

- Buộc bị đơn bà Lưu Thị H trả lại giá trị cây hồng cho bà S, ông T, bà T số tiền 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng).

- Buộc bị đơn ông Lâm Văn L trả lại giá trị cây trồng cho bà S, ông T, bà T số tiền 220.000 đồng (Hai trăm hai mươi nghìn đồng).

- Buộc bị đơn ông Nguyễn Văn D trả lại giá trị cây trồng cho bà S, ông T, bà T số tiền 375.000 đồng (Ba trăm bảy mươi lăm nghìn đồng).

- Buộc bị đơn bà Phạm Thị N trả lại giá trị cây trồng cho bà S, ông T, bà T số tiền 252.000 đồng (Hai trăm năm mươi hai nghìn đồng).

- Buộc bị đơn ông Phan Thanh H có đại diện theo ủy quyền bà Huỳnh Cẩm T trả lại giá trị cây trồng cho bà S, ông T, bà T số tiền 1.790.000 đồng (Một triệu bảy trăm chín mươi nghìn đồng).

- Buộc bị đơn ông Phan Thanh B trả lại giá trị cây trồng cho bà S, ông T, bà T số tiền 520.000 đồng (Năm trăm hai mươi nghìn đồng).

- Buộc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Võ Văn Đ trả lại giá trị cây trồng cho bà S, ông T, bà T số tiền 1.230.000 đồng (Một triệu hai trăm ba mươi nghìn đồng).

3/. Về án phí:

- Án phí dân sự sơ thẩm: Buộc các nguyên đơn bà Trần Thị S, ông Lê Quang T, bà Lê Thị Hồng T mỗi người phải chịu 300.000đồng (ba trăm nghìn đồng). Được khấu trừ án phí vào số tiền các nguyên đơn đã nộp tạm ứng 3.000.000đồng (ba triệu đồng) theo biên lai thu số 0015404 ngày 25/12/2017, tại Chi cục Thi hành án dân sự thị xã C. Các nguyên đơn bà Trần Thị S, ông Lê Quang T, bà Lê Thị Hồng T được nhận lại 2.100.000đồng (hai triệu một trăm nghìn đồng).

- Về án phí dân sự phúc thẩm: Buộc bà Trần Thị S phải chịu 300.000đồng (Ba trăm nghìn đồng). Chuyển 300.000đồng (ba trăm nghìn đồng) bà S đã nộp tạm ứng án phí theo biên lai thu số 0019251 ngày 12/11/2018 tại Chi cục Thi hành án dân sự thị xã C thành án phí.

4/. Về chi phí tố tụng:

Về chi phí xem xét, thẩm định; định giá tài sản tại Tòa án cấp sơ thẩm: Các nguyên đơn bà Trần Thị S, ông Lê Quang T, bà Lê Thị Hồng T phải chịu 15.507.162đồng (mười lăm triệu năm trăm linh bảy nghìn một trăm sáu mươi hai đồng), đã thực hiện xong.

Về chi phí xem xét, thẩm định tại Tòa án cấp phúc thẩm: Buộc bà Trần Thị S phải chịu 3.030.000đồng (ba triệu không trăm ba mươi nghìn đồng), bà S đã thực hiện xong.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định của Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định của Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án, ngày 11/9/2019.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

277
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 116/2019/DS-PT ngày 11/09/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:116/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hậu Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 11/09/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;