TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 114/2017/HC-PT NGÀY 09/08/2017 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH, HÀNH VI HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI
Ngày 09 tháng 8 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 122/2017/TLPT-HC ngày 30 tháng 5 năm 2017 về việc “Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai”. Do bản án hành chính sơ thẩm số 25/2017/HCST ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 122A/2017/QĐPT-HC ngày 18 tháng 7 năm 2017, giữa các đương sự:
1. Người khởi kiện: Ông Phạm H, sinh năm 1965; trú tại: Xã T, huyện N, tỉnh Quảng Nam; có mặt.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lê Văn A, sinh năm 1976, Luật sư thuộc Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng (Được ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 22/02/2016); có mặt.
2. Người bị kiện: Ủy ban nhân dân huyện N, tỉnh Quảng Nam.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn M, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện N, tỉnh Quảng Nam.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trương Văn T, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện N (Theo văn bản ủy quyền số 719/GUQ-CTUBND ngày 27/6/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện N); có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện: Ông Lê Văn N, Chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện N; có mặt.
3. Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
3.1. Ban quản lý C. Địa chỉ: Đường L, phường A, thành phố T, tỉnh Quảng Nam.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Đỗ Xuân D, Trưởng ban Ban quản lý C.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Đỗ H, Trưởng phòng Phòng Quản lý tài nguyên và môi trường Ban quản lý C (được ủy quyền theo Giấy ủy quyền số 55/GUQ-KTM ngày 29/3/2017); vắng mặt.
3.2. Trung tâm Bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc Ban quản lý C. Địa chỉ: Đường L, phường A, thành phố T, tỉnh Quảng Nam.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Công Thanh H, Giám đốc Trung tâm Bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc Ban quản lý C.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Hữu T, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc Ban quản lý C (được ủy quyền theo Giấy ủy quyền số 04/GUQ-TTBT ngày 22/6/2017); có mặt.
4. Người kháng cáo: Ông Phạm H (là người khởi kiện).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 28/9/2016, đơn khởi kiện (sửa đổi, bổ sung) ngày 04/11/2016 và quá trình tố tụng tại Tòa án, người khởi kiện là ông Phạm H và người đại diện hợp pháp của người khởi kiện trình bày:
Sau năm 1975, hưởng ứng kế hoạch khai hoang phục hóa nhằm ổn định lương thực theo chủ trương của Ủy ban nhân dân (UBND) xã T, cha vợ ông là ông Huỳnh Tấn D có khai hoang diện tích đất 944 m2 theo trục lộ đường đi Biển Rạng (620). Khi khai hoang, trên diện tích đất này là đá sạn, thép gai, mìn, không có mốc lộ giới. Năm 1994, ông Huỳnh Tấn D cho ông diện tích đất trên. Sau khi nhận đất ông canh tác thường xuyên, liên tục các loại cây lương thực như khoai lang, sắn, bắp, rau màu, hiện nay là trồng keo lá tràm không có tranh chấp.
Thực hiện dự án công trình đường trục chính Khu công nghiệp Q đi cao tốc, UBND huyện N cho thu hồi toàn bộ diện tích đất trên nhưng không bồi thường, hỗ trợ tiền đất cho ông, chỉ bồi thường tiền cây trồng trên đất. Ông không đồng ý và làm đơn khiếu nại gửi đến UBND huyện N. Ngày 07/7/2016, UBND huyện N ban hành Công văn số 748/UBND-TNMT về việc trả lời nội dung đơn của ông cho rằng: việc lấn chiếm đất của ông là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013, do đó trường hợp sử dụng đất của ông không được bồi thường về đất theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 64 và khoản 3 Điều 82 Luật Đất đai năm 2013.
Vì vậy, ông khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy Công văn số 748/UBND-TNMT ngày 07/7/2016 của UBND huyện N, tỉnh Quảng Nam và buộc UBND huyện N lập thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ toàn bộ diện tích đất 944 m2 tại tổ 1, xã T, huyện N cho ông.
Về phía người bị kiện, tại Văn bản số 1527/UBND-TNMT ngày 12/12/2016 của UBND huyện N và trong quá trình tố tụng tại Tòa án, người đại diện hợp pháp và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện trình bày:
Diện tích đất 944 m2 như ông Phạm H nêu trong đơn khởi kiện thuộc một phần thửa đất số 136, tờ bản đồ số 17, thuộc mảnh đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính tỷ lệ 1:2000, được UBND huyện N phê duyệt ngày 30/5/2016. Theo Công văn số 4900/QP ngày 01/10/2004 của Bộ quốc phòng về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc phòng tại tỉnh Quảng Nam thì diện tích đất nêu trên trước đây nằm trong khu vực đất quốc phòng do Quân chủng Phòng không - Không quân quản lý. Tại Công văn này, Bộ Quốc phòng có thống nhất với UBND tỉnh Quảng Nam về việc Quân chủng Phòng không - Không quân chuyển giao cho địa phương 70,968 ha đất quốc phòng tại căn cứ C, thuộc địa bàn 2 xã Q, T để xây dựng khu du lịch BR và mở rộng đường ĐT620. Trong đó, diện tích chuyển giao khu đất tại xã Q là 58 ha; tại xã T là 12,968 ha. Theo sơ đồ vị trí khu đất quốc phòng chuyển giao cho UBND tỉnh Quảng Nam kèm theo Công văn số 4900/QP thì phạm vi khu đất chuyển giao có vị trí cách chân taluy đường ĐT 620 hiện trạng về hướng Bắc là 25 m.
Sau khi được sự nhất trí của cấp có thẩm quyền, ngày 11/01/2005 UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 68/QĐ-UB về việc thu hồi đất, giao đất để mở rộng đường ĐT 620 và phát triển du lịch. Theo đó, thu hồi khu đất có diện tích 70,968 ha, loại đất quốc phòng do Quân chủng Phòng không - Không quân quản lý tại căn cứ C thuộc địa bàn 2 xã Q và T; giao Khu đất trên cho Ban quản lý C quản lý, sử dụng để nâng cấp mở rộng đường ĐT 620 và phát triển du lịch theo quy hoạch.
Theo sơ đồ vị trí hiện trạng được lập giữa Trung tâm Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) thuộc Ban quản lý C với UBND xã T và ông Phạm H thì phạm vi giải phóng mặt bằng Công trình đường trục chính Khu công nghiệp Q đi cao tốc đoạn qua thửa đất số 136, tờ bản đồ số 17 thể hiện phạm vi ảnh hưởng tính từ chân taluy đường ĐT 620 hiện trạng về hướng Bắc khoảng 16 m. Khoảng cách này nằm trong phạm vi khu đất quốc phòng chuyển giao cho UBND tỉnh Quảng Nam quản lý để sử dụng vào mục đích mở rộng đường ĐT 620 theo Công văn số 4900/QP ngày 01/10/2004 của Bộ Quốc phòng (phạm vi khu đất chuyển giao có vị trí cách chân taluy đường ĐT 620 hiện trạng về hướng Bắc là 25 m)
Ông Phạm H không cung cấp được một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai để chứng minh cho quyền sử dụng đất của mình.
Theo hồ sơ cơ sở dữ liệu đất đai tại xã T thì diện tích đất 944 m2 hiện nay ông Phạm H yêu cầu Nhà nước bồi thường, hỗ trợ thuộc một phần thửa đất số 118, tờ bản đồ số 17, diện tích 28.469,1 m2, loại đất giao thông (DGT). Do đó, diện tích đất 944 m2 tại thửa đất số 136, tờ bản đồ số 17 do ông Phạm H yêu cầu Nhà nước công nhận, đồng thời thu hồi để bồi thường, hỗ trợ là không đúng vì diện tích đất này trước đây thuộc đất quốc phòng do Quân chủng Phòng không không quân quản lý, sau đó giao cho UBND tỉnh Quảng Nam theo Công văn số 4900/QP ngày 01/10/2004 của Bộ Quốc phòng và diện tích đất này đã được UBND tỉnh Quảng Nam thu hồi và giao cho Ban quản lý C quản lý, sử dụng theo Quyết định số 68/QĐ-UB ngày 11/01/2005.
Việc ông Phạm H sử dụng diện tích đất 944 m2 là do lấn chiếm đất; là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013. Do đó, trường hợp sử dụng đất của ông H không được bồi thường về đất theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 64 và khoản 3 Điều 82 của Luật Đất đai năm 2013.
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng cùng với người bị kiện đều nhất trí ý kiến của người bị kiện và có bổ sung một số ý kiến như sau:
Sau khi Trung tâm BTGPMB thực hiện xong việc kiểm kê để bồi thường, ngày 09/9/2015 UBND xã Q có tổ chức họp xác định nguồn gốc thửa đất thì diện tích đất này thuộc đất quốc phòng, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 68/QĐ-UB ngày 11/01/2005 thu hồi diện tích đất nêu trên và giao đất cho Ban quản lý C quản lý, sử dụng. Việc thu hồi đất trong trường hợp này không thuộc trường hợp được bồi thường về đất mà chỉ được bồi thường, hỗ trợ về cây cối trên đất và ông H đã nhận tiền.
Tại bản án hành chính sơ thẩm số 25/2017/HCST ngày 21/4/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đã quyết định:
Áp dụng khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính năm 2015; điểm đ khoản 1 Điều 64, khoản 3 Điều 82, Điều 100 Luật Đất đai năm 2013.
Xử: Bác yêu cầu khởi kiện của ông Phạm H yêu cầu Tòa án hủy Công văn số748/UBND-TNMT ngày 07/7/2016 của UBND huyện N, tỉnh Quảng Nam và buộc UBND huyện N lập thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ toàn bộ diện tích đất 944 m2 tại tổ 1, xã T, huyện N, tỉnh Quảng Nam cho ông H.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 26/4/2017, ông Phạm H nộp đơn kháng cáo tại Tòa án: Kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, với lý do Tòa án cấp sơ thẩm xét xử không nhận định đúng tính chất của vụ án.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Ông Phạm H vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo; Hội đồng xét xử đã tạo điều kiện để các đương sự đối thoại, thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án nhưng các đương sự không thực hiện được; các đương sự không có tài liệu, chứng cứ gì nộp thêm.
- Luật sư Lê Văn A là người đại diện hợp pháp của người khởi kiện ông Phạm H cho rằng: Không có căn cứ xác định diện tích 944 m2 đất ông Phạm H sử dụng là đất quốc phòng. Thực tế, diện tích đất này do gia đình ông H khai hoang và sử dụng liên tục từ năm 1975 đến nay mà không được các cơ quan quản lý Nhà nước có ý kiến gì nên việc gia đình ông H sử dụng diện tích đất này là hợp pháp. Khi giải quyết, xét xử vụ án này, Tòa án cấp sơ thẩm đã không thu thập đủ chứng cứ, dẫn đến việc quyết định bác đơn khởi kiện của ông H là không đúng. Đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm để xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.
- Ý kiến của người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng cùng với người bị kiện: Khẳng định diện tích đất ông H có khiếu kiện có nguồn gốc do Bộ Quốc phòng quản lý từ sau ngày giải phóng. Năm 2004, UBND tỉnh Quảng Nam đã thu hồi và giao cho Ban quản lý C quản lý, sử dụng. Do đó, việc ông Phạm H sử dụng đất là không đúng quy định của pháp luật; căn cứ Điều 64 và Điều 82 của Luật Đất đai năm 2013 thì khi thu hồi đất, của ông Phạm H không được bồi thường là đúng pháp luật.
- Kiểm sát viên đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:
Về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án: Các Thẩm phán, thành viên Hội đồng xét xử đã thực hiện đầy đủ và đúng các trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Tố tụng hành chính; việc thu thập tài liệu, chứng cứ đầy đủ, khách quan, đúng pháp luật. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tạo điều kiện cho các bên tranh luận theo đúng quy định của Luật Tố tụng hành chính; những người tham gia tố tụng thực hiện nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa, quyền và nghĩa vụ khi tham gia tố tụng.
Về nội dung: Đã có đủ căn cứ xác định diện tích đất ông Phạm H sử dụng là đất quốc phòng, từ năm 2004 đã được Nhà nước thu hồi, giao cho Ban Quản lý C quản lý, sử dụng. Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết, xét xử vụ án và tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông Phạm H là đúng pháp luật; lý do kháng cáo của người kháng cáo không có căn cứ nên đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm a khoản 2 Điều 193 và khoản 1 Điều 241 của Luật Tố tụng Hành chính bác đơn kháng cáo của ông Phạm H và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy:
[1] Theo quy định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ thì Nhà nước luôn có chính sách khuyến khích việc khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước hoang hóa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc gia đình ông Phạm H khai hoang diện tích 944 m2 đất để trồng cây lương thực, phát triển kinh tế cho gia đình trong thời gian trước đây khi khu vực này còn hoang hóa, chưa được đưa vào sử dụng được Nhà nước khuyến khích và người sử dụng đất do khai hoang đã được hưởng toàn bộ thành quả lao động của mình mà chưa phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào đối với Nhà nước. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định đối với người sử dụng đất thì bắt buộc phải thực hiện việc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng đất (Điều 4, Điều 5 Luật Đất đai năm 2013). Như vậy, việc hộ Huỳnh Tấn D khai hoang, sử dụng đất và sau đó tặng cho ông Phạm H sử dụng đất nhưng trong quá trình sử dụng không kê khai, đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền để được Nhà nước xem xét, giao đất sử dụng hợp pháp và thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất là vi phạm quy định: “Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền” quy định tại khoản 6 của Luật Đất đai năm 2013.
[2] Về việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại của UBND huyện N: Diện tích 944 m2 đất mà ông Phạm H có khiếu kiện trước đây nằm trong khu vực đất do Bộ Quốc phòng quản lý và từ năm 2005 được giao cho Ban quản lý C. Việc cơ quan quản lý đất và được Nhà nước giao đất không kiểm tra, không có ý kiến gì khi người dân tự do sử dụng trồng cây, canh tác trên đất của mình là chưa thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Đối với người dân, cụ thể trong vụ việc này là gia đình ông Phạm H thấy đất còn bỏ hoang nên đã khai hoang để canh tác nhưng không được bất cứ cơ quan, tổ chức nào ngăn cản, có ý kiến gì. Nay, cơ quan được Nhà nước giao đất triển khai thực hiện việc sử dụng đất theo đúng mục đích đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì mới tiến hành việc thu hồi đất để triển khai dự án (trong đó có diện tích đất ông Phạm H đang sử dụng). Ông Phạm H khiếu nại thì được UBND huyện N ban hành Công văn số 754/UBND-TNMT ngày 07/7/2016 trả lời không chấp nhận yêu cầu được lập thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ về đất vì lý do là “Việc chiếm đất của ông Phạm H là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật Đất đai năm 2013, do đó trường hợp sử dụng đất của ông Phạm H không được bồi thường về đất theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 64 và khoản 3 Điều 82 của Luật Đất đai năm 2013”. Hội đồng xét xử thấy rằng:
[2.1] Về căn cứ thu hồi đất: Diện tích 944 m2 đất mà ông Phạm H có khiếu kiện đúng là do khai hoang, sau đó được gia đình ông sử dụng để sản xuất liên tục cho đến nay chứ không phải do gia đình ông biết việc diện tích đất đó đã được Nhà nước giao cho các cơ quan, tổ chức nhưng vẫn thực hiện hành vi chiếm đất; ông Phạm H cũng chưa được cơ quan có thẩm quyền lập biên bản, xử lý hành chính về hành vi “chiếm đất”. Mặt khác, việc thu hồi đất của gia đình ông Phạm H là do cơ quan được Nhà nước giao đất hợp pháp thu hồi đất để triển khai dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; không phải thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai theo quy định tại Điều 64 của Luật Đất đai năm 2013. Như vậy, lý do thu hồi diện tích 944 m2 đất mà ông Phạm H có khiếu kiện như UBND huyện N đưa ra là do “chiếm đất” nên “không được bồi thường về đất theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 64 và khoản 3 Điều 82 của Luật Đất đai năm 2013” là không đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013.
[2.2] Về việc ông Phạm H yêu cầu được bồi thường về đất:
Như đã phân tích tại mục [2.1] trên đây, trường hợp thu hồi diện tích 944 m2 đất mà ông Phạm H có khiếu kiện không thuộc trường hợp quy định tại Điều 64 của Luật Đất đai nên không đúng với trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường về đất theo quy định tại khoản 3 Điều 82 của Luật Đất đai năm 2013.
Theo lời trình bày của các đương sự thì trong quá trình ông Phạm H sử dụng đất, ông Phạm H không kê khai, không thực hiện các thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, không nộp tiền sử dụng đất nên chưa được cơ quan có thẩm quyền nào công nhận, xác lập quyền sử dụng đối với diện tích đất mà ông Phạm H sử dụng; ông Phạm H không có bất cứ một loại giấy tờ nào theo quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 và Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.
Về loại đất và mốc giới thửa đất, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Phạm H cho rằng: diện tích đất gia đình ông Phạm H khai hoang để canh tác, trồng cây hoa màu trên đất thì đây là đất nông nghiệp; Tòa án cấp sơ thẩm đã không thu thập chứng cứ để xác định tọa độ, vị trí thửa đất để chứng minh có nằm trên đất quốc phòng hay không. Qua xem xét các tài liệu được thu thập trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa đã có đủ căn cứ chứng minh diện tích đất này trước đây là đất quốc phòng; từ năm 2005 đã giao cho Ban quản lý C quản lý, sử dụng để nâng cấp mở rộng đường ĐT620 và phát triển du lịch theo quy hoạch và được xác định là loại đất giao thông (DGT), không phải là đất nông nghiệp như phía ông Phạm H trình bày. Về phạm vi khu đất do Bộ Quốc phòng chuyển giao năm 2005 có vị trí cách chân taluy đường ĐT620 hiện trạng về hướng Bắc 25 m; trong khi phạm vi giải phóng mặt bằng Công trình đường trục chính Khu công nghiệp Q đi cao tốc đoạn đi qua thửa đất số 136, tờ bản đồ số 17 thể hiện phạm vi ảnh hưởng tính từ chân taluy đường ĐT620 hiện trạng về phía Bắc khoảng 16m. Như vậy, toàn bộ diện tích đất tại thửa số 136 do gia đình ông Phạm H sử dụng trước đây là nằm trong khu vực đất của Bộ Quốc phòng đã được UBND tỉnh Quảng Nam thu hồi, giao cho Ban Quản lý C quản lý, sử dụng theo Quyết định số 68/QĐ-UB ngày 11/01/2005.
[2.3] Tại khoản 4 Điều 82 của Luật Đất đai năm 2013 quy định về trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường về đất như sau: “4. Trường hợp không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này”.
Khoản 2 Điều 77 của Luật Đất đai năm 2013 quy định về bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại sau khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân: “2. Đối với đấ t nô ng n ghi ệp đã sử dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệpnhưng không có Giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này thì được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng, diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 129 của Luật này”.
[2.4] Như vậy, căn cứ vào các quy định của pháp luật và các phân tích nêu trên đã có đủ cơ sở kết luận: Trường hợp ông Phạm H có khiếu kiện đối với diện tích 944 m2 đất có nguồn gốc do khai hoang, nhưng trong quá trình sử dụng đất gia đình ông Phạm H không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không phải là đất nông nghiệp nên khi Nhà nước thu hồi đất, ông Phạm H không được bồi thường về đất là đúng với quy định tại khoản 4 Điều 82 và khoản 2 Điều 77 của Luật Đất đai năm 2013. Mặc dù Công văn số 754/UBND-TNMT ngày 07/7/2016 của UBND huyện N “Về việc trả lời nội dung đơn của ông Phạm H” áp dụng không đúng các quy định của Luật Đất đai, nhưng nội dung trả lời không chấp nhận yêu cầu của ông Phạm H về việc phải bồi thường, hỗ trợ về đất khi bị thu hồi là đúng nên không cần thiết phải hủy bỏ Công văn số 754/UBND TNMT ngày 07/7/2016 của UBND huyện N vì không làm ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của các đương sự trong vụ án này.
[2.5] Đối với bản án sơ thẩm: Khi xét xử vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm cũng không áp dụng chính xác các quy định của pháp luật về đất đai, tuy nhiên quyết định của bản án sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của ông Phạm H là đúng nên cần chấp nhận ý kiến đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm. Hội đồng xét xử chỉ bổ sung căn cứ áp dụng pháp luật, bảo đảm việc giải quyết vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật.
[2.6] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[3] Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận nên người kháng cáo phải chịu án phí hành chính phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 241 của Luật Tố tụng Hành chính;
Áp dụng khoản 4 Điều 82, khoản 2 Điều 77 và Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013;
Căn cứ khoản 1 Điều 349 của Luật Tố tụng hành chính; khoản 1 Điều 34 Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án,
[1] Bác kháng cáo của người khởi kiện ông Phạm H và giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm số 25/2017/HC-ST ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Nam.
Bác yêu cầu khởi kiện của ông Phạm H về việc yêu cầu hủy Công văn số 748/UBND-TNMT ngày 07 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban nhân dân huyện N “Về việc trả lời nội dung đơn của ông Phạm H”; bác yêu cầu khởi kiện về việc yêu cầu buộc Ủy ban nhân dân huyện N lập thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích 944 m2 đất tại tổ 1, xã T, huyện N cho ông Phạm H.
[2] Án phí hành chính sơ thẩm: Ông Phạm H phải chịu 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hành chính sơ thẩm, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 200.000 (hai trăm nghìn) đồng theo biên lai thu số 000365 ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam.
[3] Án phí hành chính phúc thẩm: Ông Phạm H phải chịu án phí hành chính phúc thẩm là 300.000 (ba trăm nghìn) đồng, được trừ vào số tiền 300.000 (ba trăm nghìn) đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp tại Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Quảng Nam theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 000484 ngày 09 tháng 5 năm 2017.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 09/8/2017.
Bản án 114/2017/HC-PT ngày 09/08/2017 về khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai
Số hiệu: | 114/2017/HC-PT |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hành chính |
Ngày ban hành: | 09/08/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về