Bản án 11/2023/HC-ST về khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 11/2023/HC-ST NGÀY 27/03/2023 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ QUYẾT ĐỊNH CƯỠNG CHẾ BUỘC THỰC HIỆN BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Ngày 27 tháng 03 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử sơ thẩm công khai trực tuyến vụ án thụ lý số 135/2022/TLST-HC ngày 28 tháng 10 năm 2022 về khiếu kiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực đất đai theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 14/2023/QĐXXST-HC ngày 13 tháng 02 năm 2023 và Quyết định hoãn phiên tòa số 31/2023/QĐST-HC ngày 15 tháng 03 năm 2023 giữa các đương sự:

* Tại điểm cầu trung tâm:

1. Người khởi kiện: Bà Bùi Thị A, sinh năm 1971; nơi cư trú: Thôn B, xã C, huyện D, thành phố Hải Phòng; có mặt Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện:

- Ông Phạm Quang E, ông Trần Ngọc G - Luật sư Công ty luật TNHH H thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; có mặt - Bà Nguyễn Thị I – Luật sư Công ty luật TNHH H thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; vắng mặt.

* Tại điểm cầu thành phần:

2. Người bị kiện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện D, thành phố Hải Phòng; địa chỉ: Tổ dân phố K, thị trấn L, huyện D, thành phố Hải Phòng;

Người đại diện hợp pháp của người bị kiện: Ông Lưu Văn M – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện D, thành phố Hải Phòng (văn bản ủy quyền số 5203/QĐ- UBND ngày 17/11/2022); có đơn xét xử vắng mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện:

+ Ông Mạc Thanh N – Trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện D; có mặt.

+ Ông Đào Văn O - Trưởng phòng Phòng NN&PTNT huyện D; có mặt

+ Bà Nguyễn Thị Hồng P – Trưởng phòng Phòng Tư pháp huyện D; có mặt

+ Ông Bùi Minh Q – Phó Chánh văn phòng HĐND và UBND huyện D; có mặt.

+ Ông Đào Hồng R - Chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện D; có mặt.

+ Bà Trần Thị Thái S – Chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện D; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, bản tự khai và tại phiên tòa người khởi kiện trình bày:

Gia đình người khởi kiện sinh sống bằng nghề nuôi ngao thịt và ngao giống ở khu vực T (cồn cát) cửa biển có sông U, thuộc địa phận huyện D, thành phố Hải Phòng. Diện tích đất mặt nước nuôi ngao do gia đình bà đã bỏ tiền, công sức để khai hoang khẩn hóa và nuôi trồng thủy hải sản ổn định từ năm 2009 đến nay, không có tranh chấp, được chính quyền địa phương xác nhận và không bị xử phạt vi phạm hành chính.

Năm 2011, căn cứ theo Nghị quyết số 14/2010/NQ-HĐND ngày 09/12/2010 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, thủy sản thành phố Hải Phòng giai đoạn 2011-2015, các hộ nuôi ngao xã X trong đó có gia đình bà đã gửi đơn xin nuôi trồng thủy sản tới chính quyền địa phương và được UBND xã X lập các Tờ trình gửi tới UBND huyện và các phòng ban liên quan.

Ngày 23/01/2018, UBND huyện D ký Hợp đồng kinh tế số 01/2018/HĐKT với Viện nghiên cứu Đại môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu, theo đó đo đạc và khảo sát hiện trạng các hộ nuôi ngao đang là 200 hộ với diện tích khoảng 3000 ha. Tuy nhiên, đến ngày 24/4/2018 thì UBND huyện D ra Quyết định số 635/QĐ- UBND về việc phê duyệt quy hoạch cho vùng nuôi ngao ven biển với tổng diện tích chỉ 750 ha.

Tháng 9/2021 UBND huyện D có Thông báo số 452/TB-UBND về việc tạm ngừng nuôi ngao tự phát nằm ngoài quy hoạch và Thông báo số 462/TB-UBND ngày 28/9/2021 về việc dừng nuôi ngao tự phát.

Ngày 13/9/2022, tổ công tác đã tiến hành làm việc với gia đình bà tại khu vực biển D theo Quyết định 2303/QĐ-UBND. Buổi làm việc được lập thành biên bản có xác định nội dung vị trí khu vực nuôi trồng thủy sản, cũng như xác minh tài sản, vật kiến trúc và việc gia đình bà có nuôi ngao trên biển.

Ngày 15/9/2022, Phòng Tài nguyên và Môi trường UBND huyện D lập biên bản vi phạm hành chính số 06/BB-VPHC đối với bà về hành vi dựng chòi, cắm cọc quây bãi để nuôi trồng thủy sản trên khu vực biển gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác tại khu vực biển D. Tuy nhiên các ý kiến của bà đều không được ghi nhận trong Biên bản. 

Ngày 19/9/2022, Chủ tịch UBND huyện D đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 4151/QĐ-XPHC về hành vi vi phạm “Gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác” theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 (được sửa đổi bổ sung một số điều theo Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022) của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Người khởi kiện cho rằng Chủ tịch UBND huyện D ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 4151/QĐ-XPHC ngày 19/9/2022 với lý do hành vi “gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác” là không có cơ sở bởi các hộ gia đình, cá nhân khai hoang, vỡ hóa, lấn biển để nuôi trồng thủy sản đúng với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và không phải xin cấp phép. Từ năm 2009, khi khu vực biển tại T thuộc huyện D là bãi bỏ hoang, chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chưa có người sử dụng, canh tác thì các hộ dân ở địa phương sinh sống bằng nghề biển (trong đó có bà) đã bỏ công sức, tiền của để phục hóa nuôi trồng thủy sản (nuôi ngao) phát triển kinh tế địa phương. Việc nuôi trồng thủy sản của bà diễn ra liên tục từ thời điểm đó đến nay không có tranh chấp, được chính quyền địa phương xác nhận và không bị lập biên bản vi phạm hành chính trong suốt quá trình sử dụng và phù hợp với các quy định tại Điều 12 Luật Đất đai năm 2003; Điều 9 Luật Đất đai năm 2013; Điều 24 Luật Thủy sản năm 2003 và khoản 3 Điều 6 Luật Thủy sản năm 2017. Bà được biết bãi nuôi ngao của bà chồng lấn với khu vực được UBND thành phố Hải Phòng cấp phép khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ V với diện tích 1,3 ha. Nay bà xin được bàn giao lại diện tích 1,3 ha chồng lấn cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ V, diện tích còn lại bà xin được tiếp tục sử dụng để nuôi ngao.

Việc nuôi ngao của các hộ dân là phù hợp với Nghị quyết số 14/2010/NQ- HĐND ngày 09/12/2010 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng “ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thủy sản thành phố Hải Phòng giai đoạn 2011-2015”; được UBND xã X chấp thuận thông qua các tờ trình gửi UBND huyện D và các phòng ban liên quan. Tuy nhiên, ngày 24/6/2022 UBND xã X lại ra Thông báo số 22/TB-UBND về việc thu hồi huỷ bỏ giá trị pháp lý của các Tờ trình liên quan đến việc nuôi trồng thuỷ sản (nuôi thả ngao) trên khu vực biển huyện D và Thông báo số 23/TB-UBND về việc huỷ bỏ giá trị pháp lý các nội dung xác nhận của UBND xã X liên quan đến việc nuôi trồng thuỷ sản (nuôi thả ngao) trên khu vực biển huyện D. Nên tại phiên toà ngày 27/3/2023 bà A yêu cầu HĐXX xem xét tính hợp pháp của 2 thông báo trên; đồng thời người khởi kiện yêu cầu UBND xã X, huyện D công khai xin lỗi, bồi thường tổn thất tinh thần theo Bộ luật dân sự cho bà với số tiền 1.000 đồng (một nghìn đồng).

Theo bản đồ hiện trạng nuôi ngao ven biển huyện D lập năm 2018 thì UBND huyện D đã biết hiện trạng có 200 hộ dân đang nuôi trồng với diện tích khoảng 3000 ha. Các tài sản của người dân đang tồn tại trên phần đất đều phát sinh trong quá trình lao động và tạo lập từ nguồn vốn đi vay của các hộ dân. Tuy nhiên từ năm 2018 đến nay, bà và các hộ nuôi ngao đều không bị lập Biên bản vi phạm trong quá trình sử dụng. Căn cứ theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính về đất đai là 02 năm, tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm thì thời hiệu xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi “cản trở cho việc sử dụng đất của người khác” đã hết. Do đó, việc ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người khởi kiện trong trường hợp này là trái pháp luật.

Ngoài ra, tại điểm b, mục 4 Điều 1 của Quyết định số 4370/QĐ-CCXP ngày 04/10/2022 của Chủ tịch UBND huyện D ký có nêu “Thời gian thực hiện: 15 ngày, kể từ ngày người bị cưỡng chế nhận được Quyết định này”. Ngày 04/10/2022 bà nhận được quyết định trên, đến ngày 14/10/2022 thì UBND huyện D đã tổ chức cưỡng chế đối với bà khi chưa hết thời hạn 15 ngày là vi phạm.

Do vậy, bà Bùi Thị A đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng tuyên huỷ: Quyết định số 4151/QĐ-XPVPHC ngày 19/9/2022 về việc xử phạt vi phạm hành chính; Quyết định số 4320/QĐ-SĐ ngày 29/9/2022 về việc sửa đổi bổ sung một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Quyết định số 4370/QĐ-CCXP ngày 04/10/2022 về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện D, thành phố Hải Phòng.

Người bị kiện trình bày:

Khu vực nuôi ngao tự phát nằm cách bờ 3-5 km, phía đông giáp biển Đông, phía Tây giáp rừng ngập mặn xã X, phía Nam giáp bãi bồi ven biển huyện X, phía Bắc giáp bãi bồi ven biển quận Y. Hoạt động nuôi ngao tự phát tại đây diễn ra từ những năm 2011, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng ven biển nói chung, một số hộ dân xã X và Đoàn Xá huyện D nói riêng. Trước khi có Quyết định số 2658/QĐ-UBND ngày 13/10/2017 của UBND thành phố về việc tạm giao quản lý hành chính khu vực ven biển giữa các quận, huyện thuộc thành phố Hải Phòng: Đồ Sơn, Dương Kinh, Hải An, Cát Hải, Tiên Lãng, Kiến Thụy, thì toàn bộ bãi triều cửa sông U chưa được phân định ranh giới hành chính trên biển giữa các quận, huyện và diện tích này do thành phố quản lý.

Năm 2011, UBND huyện đã chỉ đạo việc UBND các xã ven biển triển khai rà soát các hộ nuôi ngao, tại thời điểm đó các địa phương báo cáo có khoảng 32 hộ nuôi ngao với diện tích khoảng 147 ha và 30 chòi. Ủy ban nhân dân huyện D ban hành Thông báo số 282/TB-UBND ngày 16/12/2011 có nội dung chỉ cho phép các hộ tiếp tục nuôi thả trên diện tích cũ tại khu vực trên đến hết vụ nuôi, nghiêm cấm việc tự ý cắm thêm lưới cây và thả thêm giống. Tuy nhiên, sau đó các hộ đã tiếp tục mở rộng diện tích và lấn ra phía ngoài biển, chồng lấn vào khu vực mà các tổ chức khác đã được UBND thành phố giao, cho thuê để khai thác cát theo quy định (với khoảng 89 hộ, diện tích khoảng 2.557 ha/117 chòi trong đó có hộ bà A); ngoài người dân trên địa bàn huyện còn có cả công dân của các quận, huyện trong thành phố và các tỉnh, thành khác tham gia nuôi, thả ngao. Ngày 18/8/2017, UBND huyện tiếp tục ban hành Công văn số 1295/UBND-NN yêu cầu các hộ dân dừng ngay việc đầu tư, mở rộng diện tích nuôi thả mới ngao tại T ven biển xã X.

Thực hiện Quyết định số 2658/QĐ-UBND ngày 13/10/2017 của UBND thành phố về việc tạm giao quản lý hành chính khu vực ven biển giữa các quận, huyện và Công văn số 8205/UBND-TL ngày 17/11/2017 quy hoạch phát triển thủy sản của thành phố trên địa bàn huyện, UBND huyện D đã thuê đơn vị tư vấn lập quy hoạch và ban hành Quyết định số 635/QĐUBND ngày 24/8/2018 phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển nuôi ngao vùng ven biển huyện D đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo đó diện tích khu vực nuôi ngao được quy hoạch là 750 ha. Để triển khai Quy hoạch trên, UBND huyện đã tổ chức công khai quy hoạch tại trụ sở UBND các xã C, Đại hợp từ năm 2018, tổ chức tuyên truyền và thông báo các hộ dân có nhu cầu nuôi ngao đăng ký theo Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 25/6/2018 về việc triển khai Quyết định số 635/QĐ-UBND. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 6/2021, chưa có hộ nào đăng ký, nộp hồ sơ đề nghị thuê đất mặt nước ven biển, giao khu vực biển để nuôi ngao tại khu vực đã được quy hoạch. UBND huyện đã ban hành Công văn số 452/TB-UBND ngày 10/9/2021 về việc dừng nuôi ngao tự phát nằm ngoài quy hoạch trên khu vực ven biển huyện D, thành phố Hải Phòng; Thông báo số 462/TB-UBND ngày 28/9/2021 về việc dừng nuôi ngao tự phát ngoài quy hoạch phát trên khu vực ven biển huyện D; Thông báo số 145/TB-UBND ngày 13/5/2022 về việc dừng nuôi ngao tự phát, di dời toàn bộ tài sản, vật nuôi trên diện tích chưa được cấp phép khu vực ven biển huyện D.

UBND huyện D thành lập Tổ công tác theo Quyết định số 2303/QĐ-UBND ngày 23/5/2022; kiểm tra hiện trạng 40 bãi nuôi của 37 hộ dân và 01 bãi nuôi không xác định được chủ bãi, các hộ đang nuôi trồng thủy sản (ngao) trên địa bàn huyện; đã lập biên bản làm việc ghi nhận việc cắm cọc quây bãi nuôi và hoạt động nuôi trồng thủy sản đối với 37 hộ dân; 01 bãi nuôi không xác định được chủ bãi. Ngày 13/9/2022, Tổ công tác của UBND huyện D kiểm tra tại bãi nuôi trồng thuỷ sản (ngao) của bà Bùi Thị A, ghi nhận có 01 chòi canh, xung quanh bãi nuôi cắm cọc bạch đàn để quây bãi nuôi; có 1,3 ha chồng lấn với khu vực được UBND thành phố Hải Phòng cấp phép khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ V tại phía nam Cồn Mục, cửa sông U, xã X, huyện D với diện tích khoản 1,3 ha được giới hạn bởi các điểm có toạ độ: Điểm 1: X= 2282314; Y= 604627; Điểm 2: X= 2282243; Y= 604730; Điểm 3: X= 2282050; Y= 604627. Hệ toạ độ vuông góc VN 2000; kinh tuyến trục: 105o45’, múi chiếu 3o ; đơn vị tính X (m), Y (m). Bãi nuôi của bà A nắm phía trong đường Triều Kiệt; xác định hành vi trên Gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác, nên ngày 15/9/2022 Phòng Tài nguyên và Môi trường UBND huyện D đã lập biên vi phạm hành chính số 06/BB-VPHC đối với bà A, bà A có mặt nhưng không hợp tác, không ký biên bản.

Tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà A, xác định là hành vi vi phạm hành chính đang diễn ra, nên thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm; bà A không cung cấp được giấy tờ, văn bản chứng minh việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất để nuôi trồng thuỷ sản (ngao) trên khu vực biển huyện D, thành phố Hải Phòng. Ngày 19/9/2022, Chủ tịch UBND huyện D đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 4151/QĐ-XPHC đối với bà Bùi Thị A với hành vi vi phạm “Gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác” theo quy định tại khoản 1 Điều 16, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Như vậy, căn cứ Điều 6, Điều 24 Luật Thủy sản năm 2003; Điều 10 Nghị định số 27/2005/CP-NĐ ngày 08/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thủy sản năm 2003; Điều 38 Luật Thủy sản năm 2017, Điều 37 Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, việc các hộ dân nuôi ngao không theo quy hoạch và không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định là vi phạm các quy định của pháp luật.

Sau khi ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 4151/QĐ-XPHC ngày 19/9/2022 thì phát hiện có sai sót nên ngày 29/9/2022 Chủ tịch UBND huyện D đã ban hành Quyết định số 4320/QĐ-SĐ về việc sửa đổi một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính là phù hợp với quy định của pháp luật.

Do bà Bùi Thị A không thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nên ngày 04/10/2022 Chủ tịch UBND huyện D đã ban hành Quyết định số 4370/QĐ- CCXP về việc Cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo đúng qui định của pháp luật.

Do vậy, người bị kiện đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến.

Về tố tụng: Thẩm phán từ khi thụ lý đến khi xét xử và Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Luật Tố tụng hành chính. Đối với những người tham gia tố tụng: Các đương sự đã chấp hành các quy định của Luật Tố tụng hành chính.

- Về nội dung khởi kiện: Việc Chủ tịch UBND huyện D ban hành các quyết định hành chính đảm bảo về trình tự, thủ tục và nội dung phù hợp qui định của pháp luật. Đề nghị HĐXX căn cứ điểm a khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính tuyên bác yêu cầu của người khởi kiện; buộc người khởi kiện phải chịu án phí hành chính sơ thẩm theo luật định.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, các quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hành chính thấy:

- Về thủ tục tố tụng:

[1] Ngày 19/9/2022 Chủ tịch UBND huyện D, thành phố Hải Phòng ban hành Quyết định số 4151/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính; ngày 29/9/2022 Chủ tịch UBND huyện D ban hành Quyết định số 4230/QĐ-SĐ về việc sửa đổi một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính; ngày 04/10/2022 Chủ tịch UBND huyện D ban hành quyết định số 4370/QĐ-CCXP về việc Cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với bà Bùi Thị A. Xét các quyết định trên là văn bản do người có thẩm quyền trong cơ quan ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng 1 lần, có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của bà Bùi Thị A quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính nên được xác định là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng theo quy định tại khoản 1 Điều 30 và khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính.

[2] Ngày 04/10/2022 bà Bùi Thị A nộp đơn khởi kiện đối với các Quyết định số 4151/QĐ-XPVPHC ngày 19/8/2022; Quyết định số 4230/QĐ-SĐ ngày 29/9/2022 và Quyết định số 4370/QĐ-CCXP ngày 04/10/2022 của Chủ tịch UBND huyện D là trong thời hiệu khởi kiện. Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng thụ lý giải quyết vụ án hành chính số 135/2022/TLST-HC ngày 28 tháng 10 năm 2022 là đúng quy định tại khoản 4 Điều 32 và điểm a khoản 2 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính.

[3] Tại phiên toà người bị kiện vắng mặt và có đơn xin xét xử vắng mặt; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Bùi Thị A là bà Nguyễn Thị I đã được triệu tập hợp lệ lần thứ 3 vắng mặt không có lý do nên căn cứ vào khoản 1; điểm d khoản 2 Điều 157; khoản 1 Điều 158 Luật Tố tụng hành chính; Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt người bị kiện và bà Nguyễn Thị I là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Bùi Thị A theo thủ tục chung.

- Về nội dung:

[4] Về thẩm quyền ban hành quyết định: Phó chủ tịch UBND huyện D căn cứ quyết định số 9331/QĐ-GQXP ngày 23/10/2020 của Chủ tịch UBND huyện D, về việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính để ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Chủ tịch UBND huyện D trực tiếp ký ban hành Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là đúng thẩm quyền quy định tại Điều 28 và Điều 38 và Điều 54 Luật xử lý vi phạm hành chính.

[5] Về trình tự thủ tục ban hành quyết định: Căn cứ biên bản vi phạm hành chính số 06 ngày 15/9/2022 do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện D lập, xác định bà Bùi Thị A đã thực hiện hành vi dựng chòi canh, cắm cọc, quây bãi nuôi để nuôi trồng thuỷ sản, gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác; Chủ tịch UBND huyện D ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 4151/QĐ- XPHC ngày 19/9/2022 đối với bà Bùi Thị A là đúng qui định tại các Điều 57, 68 Luật xử lý vi phạm hành chính và Điều 16 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ. Ngày 29/9/2022 Chủ tịch UBND huyện D đã ban hành quyết định số 4320/QĐ-SĐ về việc sửa đổi một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính do phát hiện có sai sót trong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính là phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật xử lý vi phạm hành chính và Điều 14 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xử phạt vi phạm hành chính.

[6] Về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính: Theo quy định tại các điểm a, b khoản 1 Điều 6 Luật xử lý Vi phạm hành chính; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về đất đai, thủy sản đều là 02 (hai) năm, tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm; đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm, vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm. Hành vi gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác không thuộc các hành vi vi phạm được xác định là đã kết thúc theo khoản 3, Điều 4 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ. Hành vi vi phạm hành chính của bà A được xác định là hành vi đang được thực hiện, đến ngày 23/5/2022 bị tổ công tác phát hiện nên thời hiệu khởi kiện vẫn còn. Việc người khởi kiện cho rằng hành vi vi phạm của mình đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là không có căn cứ.

[7] Về việc ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: Do bà Bùi Thị A không chấp hành quyết định quyết định xử phạt vi phạm hành chính nên ngày 04/10/2022 Chủ tịch UBND huyện D ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả số 4320/QĐ-CCXP là đúng quy định tại Điều 38, Điều 86, Điều 87 Luật xử lý vi phạm hành chính. Việc người khởi kiện cho rằng phải hết 15 kể từ ngày bà nhận được quyết định cưỡng chế thì mới được tiến hành cưỡng chế là chưa chính xác, bởi lẽ: Tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định “Thời hạn cưỡng chế là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế…” phải hiểu là trong hạn 15 ngày chứ không phải hết 15 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định cưỡng chế như ý kiến người khởi kiện. Ngày 14/10/2022 tiến hành cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với người khởi kiện là đúng quy định của pháp luật.

[8] Xét tính hợp pháp của Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 4151/QĐ-XPHC ngày 19/9/2022: Tại biên bản vi phạm hành chính số 06/BB- VPHC ngày 15/9/2022 do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện D lập đã xác định bà Bùi Thị A đã thực hiện hành vi dựng chòi canh, cắm cọc, quây bãi để nuôi trồng thuỷ sản trên khu vực biển được xác định là hành vi “Gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác” tại vị trí (hệ toạ độ vuông góc VN 2000; Kinh tuyến trục: 105o45’, múi chiếu 3o ; đơn vị tính X (m), Y (m) các điểm khép góc như: Bãi nuôi: Điểm 1: X = 2282427,662; Y= 604462,543; Điểm 2: X = 2282243,000; Y= 604730,000; Điểm 3: X= 2282029,737; Y= 604616,667; Điểm 4: X= 2281904,864; Y= 604554,157; Điểm 5: X= 2282047,927; Y= 604281,965; Chòi canh: X= 2281971,500; Y= 604448,500. Tại khu vực nuôi ngao của bà A đã được UBND thành phố Hải Phòng cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 2528/GP- UBND ngày 17/11/2014 cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ V. Việc khai thác khoáng sản (cát) gặp khó khăn do các hộ dân trong đó có bà A dựng chòi, cắm cọc, quây bãi để nuôi trồng thuỷ sản làm cản trở lối đi chung của các phương tiện khai thác khoáng sản cũng như tàu thuyền đánh bắt thuỷ sản trên khu vực biển D nên được xác định là hành vi gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác. Khu vực bãi nuôi ngao của bà Thuỷ chồng lấn với khu vực khai thác khoáng sản (cát) của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ V, tại phía nam Cồn Mục, cửa sông U với diện tích khoản 1,3 ha; được giới hạn bởi các điểm có toạ độ: Điểm 1: X= 2282314; Y= 604627; Điểm 2: X= 2282243; Y= 604730; Điểm 3: X= 2282050; Y= 604627. Hệ toạ độ vuông góc VN 2000; kinh tuyến trục: 105o45’, múi chiếu 3o ; đơn vị tính X (m), Y (m). Quyết định xử phạt tiền 2.000.000 đồng đối với bà Bùi Thị A (không áp dụng hình phạt bổ sung); biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm là đúng quy định tại khoản 1 Điều 16, Nghị định 91/2019/NĐ- CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

[9] Xét tính hợp pháp của Quyết định sửa đổi một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 4320/QĐ-SĐ ngày 29/9/2022: Sau khi ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì phát hiện có sai sót; Chủ tịch UBND huyện D đã ban hành Quyết định sửa đổi một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính cụ thể: Sửa đổi căn cứ pháp lý: Từ “ Căn cứ Quyết định số 9332/QĐ-GQXP ngày 23/10/2020 của Chủ tịch UBND huyện về việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính” thành “Căn cứ Quyết định số 9331/QĐ-GQXP ngày 23/10/2020 của Chủ tịch UBND huyện D về việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính”. Sửa đổi khoản 2 Điều 1 trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính từ: “ Đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác” thành “ Đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: “ Dựng chòi, cắm cọc quây bãi để nuôi trồng thuỷ sản trên khu vực biển gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác tại khu vực biển D”. Sửa đổi khoản 3 Điều 1 từ: “ Quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022) của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai” thành “ Quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai”. Việc sửa đổi một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 4151/QĐ-XPHC là phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật xử lý vi phạm hành chính và Điều 14 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ.

[10] Xét tính hợp pháp của Quyết định số 4370/QĐ-CCXP ngày 04/10/2022: Do Bùi Thị A không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Chủ tịch UBND huyện D ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả số 4370/QĐ-CCXP ngày 04/10/2022 buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm là đúng quy định tại Điều 38, Điều 86, Điều 87 Luật xử lý vi phạm hành chính; khoản 4 Điều 16 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

[11] Từ những nhận định trên HĐXX thấy các Quyết định số 4151/QĐ- XPVPHC ngày 19/9/2022 về việc xử phạt vi phạm hành chính; Quyết định số 4230/QĐ-SĐ ngày 29/9/2022 về việc sửa đổi một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính và Quyết định số 4370/QĐ-CCXP ngày 04/10/2022 về việc Cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả của Chủ tịch UBND huyện D, thành phố Hải Phòng được ban hành đúng thẩm quyền và trình tự, thủ tục; nội dung các quyết định đều phù hợp qui định của pháp luật. Do đó, không có căn cứ chấp nhận các yêu cầu của người khởi kiện về việc hủy bỏ các Quyết định hành chính nêu trên.

[12] Đối với yêu cầu của người khởi kiện tại phiên toà đề nghị HĐXX xem xét tính hợp pháp của Thông báo số 22 và Thông báo số 23 ngày 22/6/2022 của UBND xã X, huyện Kiến Thuỵ, thành phố Hải Phòng về việc thu hồi huỷ bỏ giá trị pháp lý của các Tờ trình do UBND xã X ban hành liên quan đến việc nuôi trồng thuỷ sản (nuôi thả ngao) và huỷ bỏ giá trị pháp lý các nội dung xác nhận của UBND xã X liên quan đến việc nuôi trồng thuỷ sản (nuôi thả ngao) trên khu vực biển huyện D. HĐXX xét do UBND huyện và UBND thành phố yêu cầu rà soát và xử lý các văn bản, xác nhận của UBND xã X có liên quan đến việc nuôi trồng thuỷ sản trên khu vực biển Kiến Thuỵ nên UBND xã X đã huỷ bỏ các Tờ trình và các xác nhận liên quan đến việc nuôi trồng thuỷ sản. Các Tờ trình là văn bản nội bộ không phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Đối với việc huỷ bỏ giá trị pháp lý các nội dung do UBND xã X ký xác nhận trong 51 đơn đề nghị nuôi trồng thuỷ sản (nuôi ngao) khu vực biển Kiến Thuỵ trong đó có bà A, việc UBND xã X ký xác nhận vào đơn trên nhưng không ảnh hưởng gì đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện nên HĐXX không xem xét, giải quyết.

[13] Đối với yêu cầu của người khởi kiện tại phiên toà buộc UBND xã X, huyện D công khai xin lỗi và phải bồi thường tổn thất tinh thần theo Bộ luật dân sự cho bà với số tiền 1.000 đồng (một nghìn đồng) là vượt quá yêu cầu khởi kiện, nên Hội đồng xét xử không có cơ sở để xem xét.

[14] Về án phí: Căn cứ Điều 348 Luật tố Tụng hành chính, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án bà Bùi Thị A phải chịu án phí hành chính sơ thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 30; khoản 4 Điều 32; điểm a khoản 2 Điều 116; khoản 1 Điều 157; khoản 1 Điều 158; điểm a khoản 2 Điều 193; Điều 194, điều 348 Luật Tố tụng hành chính;

Căn cứ điểm a, b khoản 2 Điều 6; khoản 3 Điều 18; Điều 28; Điều 38; Điều 54; Điều 57; Điều 68; Điều 86; Điều 87 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Căn cứ Điều 206 Luật Đất đai.

Căn cứ khoản 1, khoản 4 Điều 16 Nghị định số 91/2019 NĐ- CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

Tuyên xử:

1. Bác yêu cầu khởi kiện của bà Bùi Thị A về việc hủy Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 4151/QĐ-XPVPHC ngày 19/9/2022; Quyết định sửa đổi một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 4230/QĐ-SĐ ngày 29/9/2022 và Quyết định Cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả số 4370/QĐ-CCXP ngày 04/10/2022 của Chủ tịch UBND huyện D, thành phố Hải Phòng đối với bà Bùi Thị A.

2. Về án phí: Bà Bùi Thị A phải chịu 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) án phí hành chính sơ thẩm nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí bà A đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0000930 ngày 28 tháng 10 năm 2022 tại Cục thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng.

3. Về quyền kháng cáo: Người khởi kiện được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người bị kiện được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc từ ngày bản án được niêm yết.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

538
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 11/2023/HC-ST về khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả

Số hiệu:11/2023/HC-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 27/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;