Bản án 11/2019/HS-ST ngày 12/04/2019 về tội vi phạm quy định khai thác tài nguyên

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

BẢN ÁN 11/2019/HS-ST NGÀY 12/04/2019 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC TÀI NGUYÊN

Ngày 12 tháng 4 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 06/2019/TLST-HS ngày 28 tháng01 năm 2019, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 07/2019/QĐXXST- HS ngày 14 tháng 2 năm 2019 đối với các bị cáo:

1. Họ và tên: Trần Xuân T, sinh ngày 18 tháng 12 năm 1982 tại huyện P, tỉnh Thái Nguyên; nơi cư trú: Xóm V, xã B, huyện P, tỉnh Thái Nguyên; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 09/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Xuân H (đã chết) và bà Đặng Thị C, sinh năm

1953; có vợ là Vũ Thị H, sinh năm 1984; có 02 con, con lớn sinh năm 2007, con nhỏ sinh năm 2010; tiền án, tiền sự: Chưa. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 04-6-2018 đến ngày 19-9-2018 thay bằng biện pháp cho gia đình bảo lĩnh, hiện nay đang tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

2. Họ và tên: Đặng Văn B, sinh ngày 19 tháng 9 năm 1978 tại huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên; nơi cư trú: Xóm T, xã C, huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: lớp 02/12; dân tộc: Sán Dìu; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đặng Văn T (đã chết) và bà Hà Thị H, sinh năm 1954; có vợ là Dương Thị B, sinh năm 1983; (đã ly hôn); có 02 con, con lớn sinh năm 2004, con nhỏ sinh năm 2009; tiền án, tiền sự: chưa. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 26-6-2018 đến ngày 19-9-2018 thay bằng biện pháp cho gia đình bảo lĩnh, hiện nay đang tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

- Bị hại:

1. Ông Moong Văn H (Moong Phò N), sinh năm 1992 (đã chết).

Địa chỉ: Bản H, xã B, huyện K, tỉnh Nghệ An.

2. Ông Moong Văn H2 (Moong Văn P), sinh năm 1994 (đã chết).

Địa chỉ: Bản P, xã B, huyện K, tỉnh Nghệ An.

3. Ông Lò Văn B, sinh năm 1993 (đã chết).

Địa chỉ: Bản N, xã N, huyện S, tỉnh Lai Châu.

4. Ông Lò Văn K, sinh năm 2003 (đã chết).

Địa chỉ: Bản N, xã N, huyện S, tỉnh Lai Châu.

5. Ông Quàng Văn C, sinh năm 1994 (đã chết).

Địa chỉ: Bản N, xã N, huyện S, tỉnh Lai Châu.

- Người đại diện hợp pháp của bị hại:

1. Người đại diện hợp pháp của bị hại Moong Văn H:

- Ông Moong Phò H, sinh năm 1946 (cha ruột).

- Bà Moong Mẹ H, sinh năm 1975 (mẹ ruột).

- Bà Moong Thị M, sinh năm 1992 (vợ).

Cùng địa chỉ: Bản H, xã B, huyện K, tỉnh Nghệ An.

2. Người đại diện hợp pháp của bị hại Moong Văn H2:

- Ông Moong Phò P (cha ruột).

- Bà Moong Mẹ P (mẹ ruột).

- Bà Moong Thị N, sinh năm 1988 (vợ).

Cùng địa chỉ: Bản P, xã B, huyện K, tỉnh Nghệ An.

3. Người đại diện hợp pháp của bị hại Lò Văn B:

- Ông Lò Văn S, sinh năm 1970 (cha ruột).

- Bà Lò Thị T, sinh năm 1974 (mẹ ruột).

- Bà Lò Thị T2, sinh năm 1993 (vợ).

Cùng địa chỉ: Bản N, xã N, huyện S, tỉnh Lai Châu.

4. Người đại diện hợp pháp của bị hại Lò Văn K:

- Ông Lò Văn M, sinh năm 1972 (cha ruột).

- Bà Lò Thị Csinh năm 1973 (mẹ ruột).

Cùng địa chỉ: Bản N, xã N, huyện S, tỉnh Lai Châu.

5. Người đại diện hợp pháp của bị hại Quàng Văn C:

- Ông Quàng Văn S, sinh năm 1971 (cha ruột).

- Bà Quàng Thị S, sinh năm 1972 (mẹ ruột).

- Bà Lù Thị O (vợ).

Cùng địa chỉ: Bản N, xã N, huyện S, tỉnh Lai Châu.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Nguyễn Tuấn Đ, sinh năm 1981.

2. Bà Đoàn Thị L, sinh năm 1956.

Cùng địa chỉ: Xóm V, xã B, huyện P, tỉnh Thái Nguyên.

3. Bà Lô Thị C, sinh năm 1964.

Địa chỉ: Bản X, xã M, huyện K, tỉnh Nghệ An.

- Người làm chứng:

1. Ông Lù Văn E, sinh năm 1975.

2. Ông Lò Văn M, sinh năm 2003.

3. Ông Lò Văn H, sinh năm 1996.

Cùng địa chỉ: Bản N, xã N, huyện S, tỉnh Lai Châu.

4. Lò Văn T, sinh năm 1991.

Địa chỉ: Bản P, xã N, huyện S, tỉnh Lai Châu.

5. Ông Lương Văn V, sinh năm 1994.

6. Ông Moong Văn N, sinh năm 1984.

7. Ông Xeo Văn Đ, sinh năm 1997.

8. Ông Lương Phò Q, sinh năm 1981.

Cùng địa chỉ: Bản H, xã B, huyện K, tỉnh Nghệ An.

Ông Nguyễn Tuấn Đ có mặt tại phiên tòa, bà Lô Thị C có đơn báo cáo vắng mặt, những người còn lại vắng mặt không có lý do.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng tháng 02-2017, Đặng Văn B, Trần Xuân T, Đặng Văn B2 đi từ tỉnh Thái Nguyên vào bãi 39, xã P, huyện P, tỉnh Quảng Nam làm công khai thác vàng cho Nguyễn Tuấn Đ (sinh năm 1981, trú xóm V, xã B, huyện P, tỉnh Thái Nguyên). Khoảng cuối tháng 09-2017 khi Đ nghỉ làm ở bãi 39 về lại Thái Nguyên thì B2 bảo T, B đến bãi 38 xã P, huyện P khai thác vàng với B2. Để có lao động khai thác vàng, B2 gọi điện nhờ Đ và Lò Văn B (sinh năm 1993, trú xã N, huyện S, tỉnh Lai Châu) tìm giúp, tiền công lao động B2 trả 5.000.000 đồng/người/tháng. Sau khi B2 gọi nhờ tìm lao động, Đ gọi điện cho bà Lô Thị C (sinh năm 1964, trú xã M, huyện K, tỉnh Nghệ An) nhờ bà C tìm giúp.

Ngày 07-10-2017, sau khi tìm được 06 lao động gồm Lương Văn V (Moong Văn M, sinh năm 1994), Moong Văn N (sinh năm 1984), Lương Phò Q (sinh năm 1981), Xeo Văn Đ (sinh năm 1997), Moong Văn H (Moong Văn N, sinh năm 1992) cùng trú bản H, xã B, huyện K, tỉnh Nghệ An và Moong Văn H2 (Moong Văn P, sinh năm 1994), trú bản P, xã B, huyện K, tỉnh Nghệ An, bà C dẫn vào P làm vàng cho B2. Khoảng 03 ngày sau, Lò Văn B cùng 06 người gồm Lù Văn E (sinh năm 1975), Quàng Văn C (sinh năm 1994), Lò Văn K (sinh năm 2003), Lò Văn H (sinh năm 2000), Lò Văn T (sinh năm 1991), Lò Văn M (sinh năm 2003) cùng trú xã N, huyện S, tỉnh Lai Châu vào cùng làm. Những ngày đầu mọi người tập trung chặt cây làm lán trại và vận chuyển tập kết máy móc lên bãi. Thời gian khai thác vàng được chia làm 02 ca: Ca ngày làm việc từ 06 giờ đến 17 giờ (có 08 người do B2 quản lý gồm Xeo Văn Đ, N, H, M, K, C, H), ca đêm làm từ 18 giờ đến 05 giờ sáng hôm sau (có 06 người do B quản lý gồm Q, V, T, B, H), E lo công việc nấu cơm. T không trực tiếp vào hầm làm mà chỉ lo công tác hậu cần, mua lương thực, thực phẩm, theo dõi chấm công, theo dõi việc tạm ứng card điện thoại, thuốc hút… của anh em làm công để sau trừ vào lương.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 12 tại Quảng Nam nhiều ngày có mưa to, sợ nước lũ cuốn trôi máy nổ và các công cụ làm vàng nên khoảng 11 giờ ngày 05-11-2017, B2, B, V, Q, Xeo Văn Đ, H, H, B, C, K, H, T và M xuống khe suối khiêng đem lên trại để thì bất ngờ bị đất, đá trên đồi sạt lở vùi lấp làm chết B2, H, H, B, C, K. Sau khi sự việc xảy ra mọi người tổ chức đào bới tìm kiếm được 05 thi thể gồm B, C, K, H, H, riêng B2 đến chiều ngày 09-11-2017 mới tìm thấy ở khe suối cách vị trí sạt lở khoảng 500m.

Tại Bản kết luận giám định pháp y tử thi số 228/GĐPY-PC54, số 228a/GĐPY- PC54 ngày 20-11-2017 và số 229/GĐPY-PC54 ngày 22-11-2017 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Nam xác định nguyên nhân chết của Moong Văn H (N), Moong Văn H2 (P) và Đặng Văn B2 là do vùi lấp, ngạt cơ học, suy hô hấp cấp, suy tuần hoàn không hồi phục. Riêng tử thi Lò Văn B, Quàng Văn C, Lò Văn K sau khi tìm kiếm được mọi người tổ chức đưa về quê mai táng, không báo với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nên không khám nghiệm tử thi.

Ngày 21-11-2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với các ngành liên quan tiến hành khám nghiệm hiện trường tại khu vực khai thác vàng gây sạt lở làm chết 06 người thuộc vị trí có tọa độ E: 00509617, N: 01716261 (được bấm bằng máy GPS map 62S, loại GARMIN, made in Taiwan, có số bên trong 01102381, IC: 1792A-01699, FCC ID IPH – 01699, mã số vạch: 21 F 087130). Căn cứ tọa độ trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam xác định khu vực sạt lở đất làm chết 06 người chưa được UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân nào (Công văn số 2021/STNMT-KS ngày 28-12-2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam).

Quá trình khám nghiệm hiện trường phát hiện một số ống nhựa dẫn nước, dâyđiện, hai bình trụ (bình khí nén) được cố định bằng hai thanh kim loại hai đầu, mỗi bình dài 1,4m, đường kính 0,3m, một máy nén khí màu đỏ và một số thiết bị, dụng cụ bằng kim loại…. (được ghi nhận tại biên bản khám nghiệm hiện trường). Do đường sá đi lại khó khăn, qua nhiều sông, suối, không thể đưa ra khỏi hiện trường được nên đã tiến hành lập biên bản tiêu hủy tại hiện trường.

Sau khi Đặng Văn B2 chết, gia đình B nhờ Nguyễn Tuấn Đ đến nhà các nạn nhân hỗ trợ một phần thiệt hại, trong đó hỗ trợ cho gia đình Moong Văn H, Moong Văn H2 120.000.000 đồng/gia đình, hỗ trợ cho gia đình Lò Văn B, Quàng Văn C và Lò Văn K 250.000.000 đồng/gia đình. Tổng cộng là 990.000.000 đồng.

Bản cáo trạng số 04/CT-VKS-P3 ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam truy tố các bị cáo Trần Xuân T, Đặng Văn B về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” theo điểm đ khoản 2 Điều 227 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam thực hành quyền công tố Nhà nước luận tội, giữ nguyên Cáo trạng về tội danh, điểm khoản, điều luật áp dụng đã truy tố đối với bị cáo và đề nghị Hội đồng xét xử:

Tuyên bố các bị cáo Trần Xuân T, Đặng Văn B phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” theo điểm đ khoản 2 Điều 227 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Áp dụng Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), xử phạt bị cáo Trần Xuân T, bị cáo Đặng Văn B mỗi bị cáo từ 30 đến 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 60 tháng, giao các bị cáo cho chính quyền địa phương nơi cư trú để có trách nhiệm giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Các bị cáo chưa được hưởng lợi từ việc khai thác vàng trái phép, gia đình các bị cáo có hoàn cảnh khó khăn nên không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo. Về vật chứng đã được giải quyết nên không đề cập. Về dân sự: Gia đình những nạn nhân không có đề nghị gì nên không đề cập xử lý.

Các bị cáo và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không tranh luận, cácbị cáo xin được sự khoan hồng của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Nam, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Bị cáo và những người tham gia tố tụng không ai có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Tại phiên tòa, các bị cáo Trần Xuân T, Đặng Văn B khai nhận: Khoảng đầu tháng 10 năm 2017, Đặng Văn B2 rủ Trần Xuân T, Đặng Văn B đưa công cụ, phương tiện vào khu vực bãi 38 tại xã P, huyện P, tỉnh Quảng Nam để khai thác vàng trái phép. Biết việc khai thác của Đặng Văn B2 là trái phép nhưng Trần Xuân T, Đặng Văn B vẫn tích cực tham gia giúp B2 trong việc quản lý lao động, chấm công… trong quá trình khai thác. Khoảng 11 giờ ngày 05-11-2017, do ảnh hưởng của cơn bão số 12, tại Quảng Nam mưa to nhiều ngày, lo sợ nước lũ cuốn trôi công cụ, phương tiện khai thác vàng nên B2, B cùng một số lao động khai thác vàng thuê cho B2 xuống khe suối khiêng lên trại thì bất ngờ bị đất, đá trên đồi sạt lở vùi lấp làm chết 06 người, trong đó có Đặng Văn B2.

[3] Xét lời khai nhận của bị cáo hoàn toàn phù hợp với lời khai của người liên quan, người làm chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, kết luận giám định Pháp y về nguyên nhân chết người, vật chứng thu giữ và các tài liệu, chứng cứ khác do cơ quan điều tra chứng minh có tại hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận: Mặc dù không có giấy phép khai thác vàng sa khoáng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp, nhưng vào tháng 10, tháng 11 năm 2017 các bị cáo Trần Xuân T, Đặng Văn B cùng với Đặng Văn B2 đã tổ chức khai thác vàng trái phép tại khu vực bãi 38 (thuộc xã P, huyện P, tỉnh Quảng Nam); đến ngày 05-11-2017, khi Đặng Văn B2, Đặng Văn B cùng nhóm nhân công do Đặng Văn B2 thuê đang khiêng máy nổ cùng các công cụ làm vàng từ khe suối lên lán trại để tránh mưa lũ cuốn trôi thì xảy ra sạt lở đất, dẫn đến hậu quả làm Đặng Văn B2, Moong Văn H, Moong Văn H2, Lò Văn B, Lò Văn K và Quàng Văn C chết tại chỗ. Do đó, hành vi và hậu quả nêu trên của các bị cáo Trần Xuân T, Đặng Văn B đã đủ các yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 227 của Bộ luật hình sự năm 2015 như Cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam và luận tội của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có căn cứ, đúng pháp luật.

[4] Xét tính chất của vụ án, mức độ và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra thì thấy: Các bị cáo Trần Xuân T, Đặng Văn B nhận thức rõ tài nguyên trong lòng đất là tài sản Quốc gia do Nhà nước thống nhất quản lý và cấp phép khai thác theo quy định của pháp luật. Nhưng vì lợi nhuận, các bị cáo đã tổ chức khai thác tài nguyên trái phép, không đảm bảo các điều kiện về an toàn lao động nên đã gây ra hậu quả làm 06 người chết và phương hại nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Bị cáo Trần Xuân T hoạt động tích cực trong việc khai thác vàng trái phép như nhận người lao động của bà C chuyển giao, đi mua dầu để chạy máy móc, thuê xe vận chuyển vào khu vực khai thác, trong quá trình khai thác T là người đi mua lương thực, thực phẩm, chấm công, theo dõi tiền ứng của những người làm như ứng tiền mua thuốc lá, card điện thoại. Bị cáo Đặng Văn B hoạt động tích cực trong việc khai thác vàng trái phép như được phân công làm ca trưởng ca ban đêm, trực tiếp thử vàng trong quá trình khai thác và báo lại cho B2. Do đó, đối với hành vi phạm tội của các bị cáo phải được xử lý nghiêm mới đảm bảo tác dụng trong giáo dục riêng và phòng ngừa chung.

[5] Xét các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự và nhân thân của bị cáo trong vụ án thì thấy: Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo đã thành khẩn khai báo, tỏ rõ sự ăn năn hối cải; các bị cáo thực hiện hành vi với vai trò giúp sức, lần đầu phạm tội, các bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, bị cáo Trần Xuân T có tiền sử về bệnh tâm thần (đã được điều trị ổn định vào năm 2006) có cha là ông Trần Xuân H được tặng nhiều huân, huy chương trong kháng chiến chống Mỹ, bị cáo Đặng Văn B là người dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Đại diện gia đình những người bị hại đã nhận tiền hỗ trợ từ Nguyễn Tuấn Đ và có biên bản thỏa thuận, không yêu cầu xử lý hình sự đối với những người liên quan. Xét các bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ, trước khi phạm tội có nhân thân tốt, nơi cư trú cụ thể và rõ ràng, thấy chưa thật sự cần thiết phải cách ly các bị cáo ra ngoài xã hội mà giao cho chính quyền địa phương nơi cư trú quản lý, giáo dục là phù hợp, thể hiện sự khoan hồng của Nhà nước đối với người lần đầu phạm tội.

[6] Về trách nhiệm dân sự: Sau khi Đặng Văn B2 chết, gia đình B2 nhờ Nguyễn Tuấn Đ đến nhà các nạn nhân hỗ trợ một phần thiệt hại, trong đó hỗ trợ cho gia đình Moong Văn H, Moong Văn H2 120.000.000 đồng/gia đình, hỗ trợ cho gia đình Lò Văn B, Quàng Văn C và Lò Văn K 250.000.000 đồng/gia đình. Tổng cộng là 990.000.000 đồng. Đại diện gia đình những người bị hại đã có biên bản thỏa thuận, không yêu cầu gì thêm nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[7] Về xử lý vật chứng: Quá trình khám nghiệm hiện trường cơ quan điều tra phát hiện một số ống nhựa dẫn nước, dây điện, hai bình trụ (bình khí nén) được cố định bằng hai thanh kim loại hai đầu, mỗi bình dài 1,4m, đường kính 0,3m, một máy nén khí màu đỏ và một số thiết bị, dụng cụ bằng kim loại…. (được ghi nhận tại biên bản khám nghiệm hiện trường). Do đường sá đi lại khó khăn, qua nhiều sông, suối, không thể đưa ra khỏi hiện trường được nên đã tiến hành lập biên bản tiêu hủy tại hiện trường là phù hợp.

[8] Các vấn đề có liên quan khác:

- Đối với Đặng Văn B2 là người đứng ra tổ chức việc khai thác vàng trái phép và trực tiếp sử dụng người lao động chưa thành niên là Lò Văn K và Lò Văn M, cùng sinh năm 2003 nhưng do B2 đã chết nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý là phù hợp.

- Đối với Lù Văn E, Lò Văn M, Lò Văn T, Lò Văn H, Lương Phò Q, Xeo Văn Đ, Moong Văn N và Lương Văn V lần đầu vào Quảng Nam làm thuê và không biết việc khai thác của B2, T, B là trái phép nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý là phù hợp.

- Đối với bà Lô Thị C có hành vi tìm giúp lao động đưa vào huyện P, tỉnh Quảng Nam để khai thác vàng thuê cho B2 nhưng chưa đủ cơ sở để quy kết đồng phạm trong việc khai thác vàng trái phép nên Hội đồng xét xử không xem xét.

- Đối với Lò Văn B vừa là người gọi giúp lao động, vừa là người làm thuê cho B2 nhưng do B đã chết nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý là phù hợp.

- Đối với hành vi của Nguyễn Tuấn Đ: Các tài liệu, chứng cứ, lời khai của những người liên quan, người làm chứng tại hồ sơ vụ án thể hiện lời khai của Lù Văn E, Lò Văn M, Lò Văn T, Moong Văn N “…Trong quá trình khai thác, T nói Đ là sếp lớn, T là phó, quản lý tại khu vực khai thác…”; tại biên bản ghi lời khai ngày 28-12- 2017, Lò Văn T khai “…tiền xe cộ, đi lại và ăn uống trong khi đi xe thì anh Đ bao chi trả hết cho chúng tôi, chúng tôi chỉ việc vào làm cho ông tên Đ đó…”; Quàng Văn S (bố ruột của Quàng Văn C) khai “…con trai tôi làm vàng ở bãi vàng 39, huyện K, tỉnh Quảng Nam, làm vàng cho 02 người chủ tên B2 và Đ…”. Bà Lô Thị C khai “…có một người đàn ông xưng tên Đ điện thoại nhờ tôi gọi quân. Đ nói tìm càng nhiều càng tốt, Đ nói là khai thác vàng cho Đ…”, “Đ là chủ bãi khai thác vì khi nhờ tôi gọi quân thì Đ nói vào làm cho Đ, những người làm công còn sống nói Đ là chủ bãi, Đ là sếp lớn, T là người quản lý trong bãi…” nhưng Cơ quan điều tra chưa điều tra, xác minh làm rõ vai trò của Nguyễn Tuấn Đ. Trong quá trình chuẩn bị xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung làm rõ hành vi của Nguyễn Tuấn Đ có hay không có dấu hiệu của tội phạm, tránh bỏ lọt tội phạm. Tại Bản kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự đề nghị truy tố số 12/PC03 ngày 29-12-2018 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam kết luận chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Tuấn Đ nên Hội đồng xét xử không có cơ sở để xem xét.

[9] Về án phí:

Căn cứ các điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì bị cáo Trần Xuân T phải chịu án phí hình sự sơ thẩm.

Bị cáo Đặng Văn B là người dân tộc thiểu số đang sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên được miễn án phí hình sự sơ thẩm theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố các bị cáo Trần Xuân T, Đặng Văn B phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”.

Áp dụng: điểm đ khoản 2 Điều 227; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 và Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Xử phạt: Bị cáo Trần Xuân T 30 (Ba mươi) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 60 (Sáu mươi) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 12/4/2019).

Xử phạt: Bị cáo Đặng Văn B 24 (Hai mươi bốn) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 48 (Bốn mươi tám) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 12/4/2019).

Giao bị cáo Trần Xuân T về Ủy ban nhân dân xã B, huyện P, tỉnh Thái Nguyên; giao bị cáo Đặng Văn B về Ủy ban nhân dân xã C, huyện Đ, tỉnh Thái Nguyên để có trách nhiệm giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

3. Về án phí: Bị cáo Trần Xuân T phải chịu 200.000 (Hai trăm ngàn) đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm.

Bị cáo Đặng Văn B được miễn án phí hình sự sơ thẩm.

4. Bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có quyền làm đơn kháng cáo gửi lên Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng để xin xét xử phúc thẩm trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 12/4/2019).

Riêng những người vắng mặt tại phiên tòa, có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày, kể từ ngày bản án được tống đạt hợp lệ.

(Đã giải thích chế định án treo cho các bị cáo).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1025
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 11/2019/HS-ST ngày 12/04/2019 về tội vi phạm quy định khai thác tài nguyên

Số hiệu:11/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Nam
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 12/04/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;