TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ÂN THI - TỈNH HƯNG YÊN
BẢN ÁN 11/2019/DS-ST NGÀY 30/11/2019 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ CHIA DI SẢN THỪA KẾ
Ngày 30 tháng 11 năm 2019, Tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Ân Thi xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 30/2018/TLST-DS ngày 27/12/2018 về việc tranh chấp QSD đất và chia di sản thừa kế theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 10/2019/QĐXX-DS ngày 13/11/2019 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Cụ Vương Thị M, SN 1931
Bà M ủy quyền cho: Bà Nguyễn Thị L, SN 1968 (có mặt)
Đều trú tại: C L, Đ L, Ân Thi, Hưng Yên
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn:
Bà: Nguyễn Thu Hiền - Trợ giúp viên pháp lý - Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hưng Yên (có mặt)
Bị đơn: Ông Nguyễn Văn Đ, SN 1954 (vắng mặt)
Trú tại: C L, Đ L, Ân Thi, Hưng Yên
Người có QLNV liên quan:
1. Bà Nguyễn Thị Dung, SN 1954
2. Bà Nguyễn Thị Dương, SN 1954
3. Bà Nguyễn Thị L, SN 1968
4. Ông Nguyễn Văn X và bà Đinh Thị X
5. Bà Nguyễn Thị Lượng, SN 1972
Đều trú tại: C L, Đ L, Ân Thi, Hưng Yên
6. Bà Nguyễn Thị Hiền Bà Hiền ủy quyền cho ông Đ Đều trú tại: C L, Đ L, Ân Thi, Hưng Yên
7. Bà Nguyễn Thị Huệ, SN 1961
Trú tại: Đặng Xuyên, Đ L, Ân Thi, Hưng Yên
8. Bà Nguyễn Thị L, SN 1976
Trú tại: Lưu Xá, Quảng Lãng, Ân Thi, Hưng Yên
Bà Dung, bà Dương, bà Lượng, bà L, bà Huệ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt
Ông X, bà X, bà Hiền vắng mặt
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo nội dung đơn khởi kiện ngày 20/11/2017 và lời khai của nguyên đơn trong quá trình chuẩn bị xét xử trình bày: Cụ lấy cụ Thắp từ những năm 1950, quá trình chung sống vợ chồng bà chung sống với nhau tại mảnh đất do tổ tiên của ông Thắp để lại. Hai cụ sinh 8 người con cụ thể là ông Đ, bà Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Thị Dương, Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Văn X, Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị Lượng. Quá trình chung sống có với nhau những tài sản: Khi cụ Thắp còn sống thì hai cụ có làm gian nhà tranh vách đất trên 01 thửa đất có diện tích 135 m2 tại thôn C L, Đ L, Ân Thi. Đến năm 1991 thì cụ Thắp mất, không để lại di chúc, toàn bộ diện tích đất do cụ và bà L (không chồng không con) ở nhà nuôi cụ quản lý, năm 1996 thì cụ và bà L đã làm 02 gian nhà ngói và ở, bà L đóng thuế đất hàng năm. Năm 2016 nghe thấy xã đang làm sổ đỏ toàn dân thì cụ có bảo bà L ra UBND xã hỏi xem thì làm sổ đỏ cho bà L nhưng bà L ra thì UBND xã nói toàn bộ diện tích đất trên đã đứng tên trên bản đồ là ông Đ, sau đó bà L hỏi ông Đ thì ông Đ nói năm 1989 bố mẹ đã cho ông X diện tích đất này nhưng anh X đã bán lại cho anh Đ để mua chỗ đất khác ở, bà có bảo là đất chưa thấy cụ Thắp bảo cho, cụ cũng chưa cho tại sao lại có việc nói là cho ông X, ông Đ đứng tên trong bản đồ vì thế cụ có làm đơn ra UBND xã yêu cầu ông Đ phải trả nhưng ông Đ có quan điểm không trả mà bảo là cho cụ và bà L ở đến lúc chết thì thôi nhưng cụ không đồng ý vì đó là đất của cụ, cụ có quyền cho ai ở nên cụ đề nghị Tòa buộc ông Đ phải trả cụ diện tích 135m2 tại thửa số 163.
Ông Đ trình bày: Ông là con trai của cụ Thắp, cụ M. Bố mẹ ông chung sống với nhau có 8 người con cụ thể là ông, chị Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Thị Dương, Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Văn X, Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị Lượng. Quá trình chung sống bố mẹ tạo lập được những tài sản sau: Khi bố ông còn sống thì bố mẹ ông có làm gian nhà tranh vách đất trên 01 thửa đất có diện tích 135 m2 tại thôn C L, Ân Thi. Đến năm 1991 thì bố ông mất, năm 1996 thì mẹ ông và chị L đã làm 02 gian nhà ngói. Khi bố ông còn sống năm 1989 bố ông có họp gia đình có gọi các con gái ở cùng thôn đến gồm có chị Dung, chị Dương, chị Lượng, anh X, ông và bố mẹ ông, nội dung cuộc họp mục đích là phân chia đất cho hai anh em trai ông vì thửa đất nhỏ nên bố ông có nói nếu ai vượt lập ao thì ở đó, còn diện tích 135m2 thì giữa ông và anh X nhường nhau lấy, ông đã lấy và vượt lập phần đất ao, còn anh X lấy phần đất là 135m2 mà hiện nay mẹ ông và chị L đang ở, tuy nhiên bố ông cũng cắt một phần diện tích đất trong diện tích 135m2 để làm lối đi vào phần đất ao của ông, bố ông cho đất không làm giấy tờ gì, không qua UBND xã, mẹ ông tham gia cũng đã đồng ý với việc bố ông cho đất trên. Vài tháng sau thì thôn bán đất để giãn dân nên anh X nói với ông lấy lại phần đất bố ông đã cho anh X, ông đồng ý và anh X đã chuyển nhượng lại 135m2 cho ông với giá 300.000 đồng, cũng không làm giấy tờ gì, không qua UBND xã. Còn anh X mua chỗ đất khác ở. Năm 1991 làm sổ đỏ toàn dân khi địa chính đến đo đạc hiện trạng sử dụng đất có hỏi bố ông là ai đứng tên thì bố ông bảo là của ông nên ông đứng tên trong bản đồ địa chính từ đó, năm 1993 ông được cấp GCNQSD đất đối với diện tích đất trên cùng diện tích ao của ông. Lý do bố ông không làm giấy tờ gì vì trong bản đồ địa chính trước đó thì thửa đất này vẫn đứng tên ông nội ông, chưa làm thủ tục sang tên cho bố ông. Năm 1995, cụ M, bà L làm 01 ngôi nhà cấp 4, bếp, bể nước. Còn ông xây dựng tường bao, làm cổng.
Tại biên bản lấy lời khai của chị L trình bày: Bà là con gái của cụ Thắp, cụ M. Bố mẹ bà chung sống với nhau có 8 người con cụ thể là bà, chị Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Thị Dương, Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Thị L, Nguyễn Văn X, Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị Lượng. Quá trình chung sống bố mẹ tạo lập được những tài sản sau: Trước khi bố bà còn sống thì bố mẹ bà có làm gian nhà tranh vách đất, 01 thửa đất có diện tích 135 m2 tại thôn C L, Đ L, Ân Thi. Đến năm 1991 thì bố bà mất, năm 1996 thì mẹ bà và chị đã làm 02 gian nhà ngói. Mặc dù nguồn gốc đất là do tổ tiên để lại nhưng từ khi mẹ bà lấy bố bà về chung sống trên mảnh đất này đã hơn 50 năm và bà vẫn đóng thuế đất ở cho đến nay. Việc anh Đ có khai năm 1989 bố bà còn sống có họp gia đình để phân chia đất cho các con trai, cuộc họp có anh X, anh Đ, chị Dương, chị Lượng và mẹ bà nhưng đến nay mẹ bà vẫn khẳng định thửa đất của bố mẹ bà tại thửa số 163 chưa cho ai, vẫn đứng tên của bố bà. Đến năm 2016 bà lên UBND xã hỏi để làm sổ đỏ toàn dân đối với thửa đất của bố mẹ thì xã nói thửa đất này khi đo đạc đã đứng tên ông Đ, nên mẹ bà làm đơn yêu cầu ông Đ phải trả mẹ bà QSD đất là hơn 135m2, theo quy định của pháp luật thì mẹ bà chỉ được hưởng ½ diện tích đất trên, còn diện tích đất còn lại của bố bà thì bà đề nghị Tòa chia di sản thừa kế, đối với kỷ phần của mẹ bà, bà, chị Dương, chị L, chị Huệ đề nghị Tòa chia vào phần đất của mẹ bà.
Bà Huệ, bà L, bà Dương trình bày: Các bà là con gái của ông Thắp, bà M. Bố mẹ các bà chung sống với nhau có 8 người con cụ thể là các bà, chị Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Văn X, Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị Lượng. Quá trình chung sống bố mẹ tạo lập được những tài sản sau: Trước khi bố các bà còn sống thì bố mẹ các bà có làm gian nhà tranh vách đất, 01 thửa đất có diện tích 135 m2 tại thôn C L, Ân Thi. Đến năm 1991 thì bố các bà mất, năm 1996 thì mẹ các bà và chị L đã làm 02 gian nhà ngói. Khi bố các bà còn sống không có cuộc họp gia đình nào về việc phân chia đất cho các con trai. Toàn bộ diện tích trên khi bố các bà chết thì do mẹ các bà và chị L quản lý. Chị L yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Thắp thì bà Huệ, bà L để lại phần di sản các bà được hưởng cho cụ M sử dụng. Còn bà Dương để lại phần di sản được hưởng cho cụ M và bà L.
Bà Dung, bà Lượng trình bày: Các bà là con gái của ông Thắp, bà M. Bố mẹ các bà chung sống với nhau có 8 người con cụ thể là các bà, chị Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Thị Dương, Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Văn X, Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị L. Quá trình chung sống bố mẹ tạo lập được những tài sản sau: Trước khi bố các bà còn sống thì bố mẹ các bà có làm gian nhà tranh vách đất trên 01 thửa đất có diện tích 135 m2 tại thôn C L, Ân Thi. Đến năm 1991 thì bố các bà mất, năm 1996 thì mẹ bà và chị L đã làm 02 gian nhà ngói. Khi bố các bà còn sống năm 1989 bố các bà có họp gia đình có gọi các con gái ở cùng thôn đến gồm có các bà, chị Dương, anh X, anh Đ và mẹ bà, nội dung cuộc họp mục đích là phân chia đất cho hai anh trai là anh Đ, anh X, vì thửa đất nhỏ nên bố các bà có nói nếu ai vượt lập ao thì ở đó, còn diện tích 135m2 thì anh X, anh Đ nhường nhau lấy, anh Đ lấy phần đất ao, còn anh X lấy phần đất là 135m2 mà hiện nay mẹ bà và chị L đang ở, tuy nhiên bố các bà cũng xác định rõ anh Đ ở phần đất ao bố các bà đã cắt một phần diện tích đất trong diện tích 135m2 để làm lối đi vào, đã cắm cọc, bố bà cho đất không làm giấy tờ gì, không qua UBND xã, mẹ các bà tham gia cũng đã đồng ý với việc bố các bà cho đất trên. Vài tháng sau thì thôn bán đất do giãn dân nên anh X nói với anh Đ lấy lại phần đất bố các bà đã cho anh X, anh Đ đồng ý và anh X đã chuyển nhượng lại 135m2 cho anh Đ với giá 300.000 đồng. Còn anh X mua chỗ đất khác ở. Chị L yêu cầu chia thừa kế của cụ Thắp theo quy định của pháp luật thì chị Lượng để lại phần di sản được hưởng cho anh Đ, anh X. Còn chị Dung để lại di sản cho cụ M.
Ông X trình bày: Ông là con trai của ông Thắp, bà M. Bố mẹ ông chung sống với nhau có 8 người con cụ thể là ông, chị Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Thị Dương, Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị Lượng. Quá trình chung sống bố mẹ tạo lập được những tài sản sau: Trước khi bố ông còn sống thì bố mẹ ông có làm gian nhà tranh vách đất trên 01 thửa đất có diện tích 135 m2 tại thôn C L, Ân Thi. Đến năm 1991 thì bố ông mất, năm 1996 thì mẹ ông và chị L đã làm 02 gian nhà ngói. Khi bố ông còn sống năm 1989 bố ông có họp gia đình có gọi các con gái ở cùng thôn đến gồm có chị Dung, chị Dương, chị Lượng, anh Đ, ông và bố mẹ ông, nội dung cuộc họp mục đích là phân chia đất cho hai anh em trai ông vì thửa đất nhỏ nên bố tôi có nói nếu ai vượt lập ao thì ở đó, còn diện tích 135m2 thì giữa ông và anh Đ nhường nhau lấy, anh Đ đã lấy và vượt lập phần đất ao, còn tôi lấy phần đất là 135m2 mà hiện nay mẹ ông và chị L đang ở, tuy nhiên bố ông cũng cắt một phần diện tích đất trong diện tích 135m2 để làm lối đi vào phần đất ao của anh Đ, bố ông cho đất không làm giấy tờ gì, không qua UBND xã, mẹ ông tham gia cũng đã đồng ý với việc bố ông cho đất trên. Vài tháng sau thì thôn bán đất do giãn dân, đất bố ông cho quá hẹp nên ông nói với anh Đ lấy lại phần đất bố ông đã cho ông, anh Đ đồng ý và ông đã chuyển nhượng lại 135m2 anh Đ với giá 300.000 đồng, cũng không làm giấy tờ gì, không qua UBND xã. Còn ông mua chỗ đất khác ở. Ông không có yêu cầu gì đối với việc chuyển nhượng đất cho ông Đ. Chị L có yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Thắp thì ông đề nghị Tòa giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa:
Bà L là người được ủy quyền của cụ M yêu cầu ông Đ phải trả cụ M diện tích đất của cụ. Phần di sản của cụ Thắp đề nghị chia theo quy định của pháp luật.
* Quan điểm của người bảo chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cụ M: Đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ M đối với việc đòi ông Đ phải trả QSD đất tại thửa số 163 tờ bản đồ 13 đo đạc năm 1989 vì thửa đất này là của cụ M, cụ Thắp. Năm 1991, cụ Thắp chết không để lại di chúc nên việc cụ M yêu cầu ông Đ phải trả QSD đất trên là có căn cứ. Tuy nhiên, cụ M được hưởng ½ diện tích đất tại thửa số 163 tờ bản đồ số 13, nay còn 103m2. Còn 51,5m2 là di sản của cụ Thắp, bà L là người có QLNV liên quan có yêu cầu chia di sản thừa kế nên đề nghị chấp nhận và chia vào phần đất cụ M được hưởng.
Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Ân Thi tại phiên toà đã phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của thẩm phán, Hội đồng xét xử, của thư ký đúng quy định của pháp luật. Việc chấp hành pháp luật của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập từ khi thụ lý vụ án cho đến trước khi Hội đồng xét xử nghị án đều đảm bảo thực hiện nghiêm túc, đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình. Đối với bị đơn, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác về cơ bản đã chấp hành đúng quy định tại điều 70, 72, 73 của Bộ luật tố tụng dân sự, đã trình bày lời khai, ý kiến, quan điểm.
Về nội dung vụ án: Căn cứ vào các tình tiết, tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Căn cứ vào khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a, c khoản 1 Điều 39, Điều 147 BLTTDS, Nghị quyết số 326 về án phí, lệ phí và các quy định về quyền sở hữu, quy định về thừa kế, thừa kế theo pháp luật tại các Điều 166, 207, 209, 210, 213, 218; 609, 620, 623, 649, 650, 651, 660 Bộ luật Dân sự có đủ căn cứ chấp nhận đơn khởi kiện của cụ Vương Thị M và bà Nguyễn Thị L.
- Tài sản chung của cụ Vương Thị M và cụ Nguyễn Văn Thắp được xác định là một thửa đất số 163, tờ bản đồ số 13 có tổng diện tích 135m2 đất tại thôn C L, xã Đ L, huyện Ân Thi (Theo bản đồ đo đạc năm 1990). Nguồn gốc đất đứng tên trên bản đồ mang tên cụ Nguyễn Văn Thắp, là đất ở hợp pháp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 23/3/1994 tại số 800. Qua đo đạc hiện trạng thực tế do các đương sự thống nhất ranh giới, mốc giới thì thửa đất số 163 có diện tích 103m2. Nên về mặt pháp lý thì ông Đ phải trả lại ½ diện tích đất tại thửa đất trên cho cụ M.
+ Còn đối với di sản của cụ Thắp được xác định là: ½ diện tích đất còn lại (51,5m2). Những người sau đây sẽ được hưởng di sản của cụ Thắp, gồm: 08 người con chung có tên nêu trên và cụ M. Trong quá trình giải quyết vụ án thì bà Dung có quan điểm từ chối nhận di sản, nhưng sau đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt và thay đổi quan điểm là để phần của bà cho cụ M; bà Dương có quan điểm phần của bà được hưởng bà cho cụ M và bà L; bà Huệ và bà L có quan điểm phần của bà được hưởng các bà cho cụ M; bà L có quan điểm phần của bà được hưởng gộp vào phần của cụ M; bà Lượng có quan điểm phần của bà được hưởng bà cho ông Đ và ông X. Nên di sản của cụ Thắp còn lại sau khi đã áng trích một phần công sức duy trì, bảo quản di sản cho ông Đ, bà L, cụ M thì sẽ được chia thành 09 xuất, cụ thể chia cho: Ông Đ 1,5 xuất; ông X 1,5 xuất; cụ M được 4,5 xuất, bà L 1,5 xuất, gộp của cụ M và bà L tổng là 6 xuất.
+ Chia theo hướng: Ông Đ trả trị giá phần của ông X được hưởng, để lấy một phần đất có cổng chạy dọc tường bao tới giáp phần đất nhà ông Đ đang ở để làm lối đi vào đất nhà ông Đ. Chia cho cụ M và bà L được hưởng phần đất có ngôi nhà một tầng lợp ngói, bếp, bể nước. Đương sự phải trả giá trị chênh lệch do được chia phần hơn.
- Nguyên đơn không phải chịu án phí DSST, bị đơn phải chịu án phí về yêu cầu đòi lại tài sản của nguyên đơn được chấp nhận; đương sự phải chịu án phí tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được hưởng theo quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà HĐXX nhận định:
[1] Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu đòi QSD đất đối với ông Đ. Do vậy đây là tranh chấp QSD đất theo quy định tại Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Bị đơn có nơi cư trú tại xã Đ L, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.
[2] Về tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn là cụ M đã ủy quyền cho bà L và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Thị Dương, Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Thị Lượng, Nguyễn Thị L yêu cầu xin vắng mặt tại phiên tòa, bà Nguyễn Thị Hiền ủy quyền cho ông Đ. Do đó, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt các đương sự trên theo quy định tại khoản 2 Điều 227 của Bộ luật tố tụng dân sự.
[3] Về nội dung:
Căn cứ vào lời khai của các bên và các tài liệu, chứng cứ xác định: Năm 1950 cụ M lấy cụ Thắp, hai cụ tạo dựng được 01 mảnh đất có diện tích đất là 210m2 theo bản đồ 299, đến năm 1989 – 1990 thì thửa đất của hai cụ có diện tích 135m2 thuộc thửa số 163, tờ bản đồ số 10, loại đất thổ cư và trên đất có 01 ngôi nhà tranh vách đất. Thửa đất trên đã được cấp GCNQSD đất năm 1994 cho cụ Nguyễn Văn Thắp. Năm 1991, cụ Thắp chết không để lại di chúc, toàn bộ tài sản do cụ M, bà L, ông Đ quản lý. Qua bản đồ đo đạc năm 2017 thì diện tích đất của cụ M, cụ Thắp được đo vào cùng với thửa đất của ông Đ nên không xác định được thửa đất số 163 có diện tích bao nhiêu, tuy nhiên qua xem xét thẩm định tại chỗ các đương sự đã thống nhất mốc giới, ranh giới thì thửa đất đang tranh chấp có diện tích 103m2. Mặc dù ông Đ, ông X có trình bày năm 1989 khi cụ Thắp còn sống đã họp gia đình phân chia thửa đất đang tranh chấp cho ông X, cắt lại 02m để làm lối đi vào mảnh đất của nhà ông Đ, có chứng kiến của bà Dung, bà Lượng, cụ M, sau đó ông X đã chuyển nhượng lại cho ông Đ với giá 300.000 đồng để đi mua chỗ đất khác ở. Tuy nhiên, căn cứ với sổ mục kê, bản đồ dải thửa, sổ danh sách những người được cấp GCNQSD đất năm 1994 xác minh tại xã thì thửa đất trên có nguồn gốc là của cụ Thắp, trên bản đồ vẫn đứng tên cụ Thắp và đã được cấp GCNQSD đất mang tên Nguyễn Văn Thắp, đồng thời cụ M khẳng định thửa đất đang tranh chấp tại thôn C L, Đ L vẫn là của hai cụ, chưa cho ai, nếu cho đã tách đất. Đồng thời, việc tặng cho QSD đất trên thực tế của cụ Thắp cho ông X, sau đó ông X bán lại cho ông Đ thì căn cứ quy định của pháp luật đất đai việc tặng cho QSD đất phải lập thành văn bản, khi đo đạc để cấp GCNQSD đất thì vẫn không tiến hành làm thủ tục sang tên thửa đất cho ông Đ và cho đến nay bà L vẫn là người đứng ra đóng thuế quyền sử dụng đất này. Do đó, việc ông Đ, ông X, bà Dung, bà Lượng trình bày có việc họp gia đình để phân chia thửa đất trên cho ông X, ông Đ là không có căn cứ.
Từ phân tích trên, diện tích 103m2 thuộc QSD hợp pháp của cụ Thắp, cụ M, việc cụ M là người được sử dụng hợp pháp có quyền đòi QSD thửa đất này từ ông Đ là có căn cứ. Tuy nhiên, cụ M chỉ được quyền đòi ½ diện tích đất trong tổng số diện tích 103m2 đất và hiện nay trong bản đồ chỉnh lý năm 2017 thửa đất này đã nằm trong thửa đất của ông Đ nên ông Đ có trách nhiệm trả cụ M ½ diện tích đất này, còn ½ diện tích đất còn lại là di sản của cụ Thắp, cụ Thắp đã chết không để lại di chúc, quá trình giải quyết vụ án bà L yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Thắp cho các thừa kế theo pháp luật là có căn cứ. Đồng thời kiến nghị UBND điều chỉnh GCNQSD đất cấp năm 1994; bản đồ chỉnh lý năm 2017.
[4] Về thời điểm mở thừa kế và thời hiệu thừa kế: Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế, cụ Thắp chết năm 1991 vẫn còn thời hiệu mở thừa kế.
[5] Do người để lại di sản không có di chúc nên theo Điều 650 Bộ luật Dân sự vụ án thuộc trường hợp thừa kế theo pháp luật.
[6] Về người thừa kế và kỷ phần: Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Vậy người thừa kế theo quy định tại Điều 613 và Điều 651 BLDS gồm: Cụ Thắp, cụ M chung sống có 08 người con là Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Thị Dương, Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Văn X, Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị Lượng, Nguyễn Thị L. Ngoài ra cụ Thắp không có con riêng hay con nuôi nào.
Do vậy người thừa kế của cụ Thắp gồm có: Cụ M, ông Đ, ông X, bà Dung, bà Dương, bà L, bà Huệ, bà L, bà Lượng. Tuy nhiên quá trình giải quyết vụ án bà L, bà Dương, bà Huệ, bà L, bà Dung để kỷ phần được hưởng cho cụ M, còn kỷ phần bà Lượng, bà Lượng để lại cho ông Đ, ông X.
Vì vậy, kỷ phần thừa kế của những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ Thắp được xác định: Di sản của cụ Thắp được chia đều cho 09 người. Cụ M, ông Đ, ông X, bà Dương, bà L, bà Huệ, bà L, bà Lượng, bà Dung mỗi người được hưởng phần di sản thừa kế bằng nhau. Tuy nhiên quá trình giải quyết vụ án bà L, bà Huệ, bà Dương, bà Dung, bà L giao kỷ phần của các bà cho cụ M quản lý, sử dụng.
[7] Về phân chia di sản bằng hiện vật:
Từ năm 1991 khi cụ Thắp chết thì cụ M, bà L làm nhà và ở trên ½ diện tích của thửa đất này, còn lại ½ diện tích đất còn lại là đất trống, lối đi chung của gia đình ông Đ, cụ M, bà L. Ông Đ đã xây dựng tường bao để quản lý thửa đất này. Do vậy khi xem xét chia di sản thừa kế của cụ Thắp thì các thừa kế được hưởng di sản của hai cụ phải có trách nhiệm trả cụ M, bà L, ông Đ công sức duy trì, bảo quản di sản, trích cho công sức cho mỗi người là 1.000.000 đồng bằng QSD đất cho mỗi người là 2m2. Xem xét thẩm định tại chỗ thì thửa đất đang tranh chấp chỉ còn diện tích đất hợp pháp là 103m2, trên đất cụ M, bà L đã làm 01 gian nhà cấp 4 đã sống ổn định, không có chỗ đất nào để đi. Do vậy, giao cho cụ M ở phần đất có nhà thuộc quyền sử dụng của cụ M, còn phần đất còn lại là di sản của cụ Thắp được chia cho các thừa kế theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào Quyết định số 18/2014/QĐ-UB ngày 21/11/2014 của UBND tỉnh Hưng Yên quy định hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở, diện tích tối thiểu được phép tách thửa… thì đất ở tối thiểu tại xã là 60m2, do vậy diện tích thuộc QSD của cụ M là 51,5m2 không đủ diện tích tối thiểu nên khi chia di sản của cụ Thắp thì bà L, bà Dương, bà Huệ, bà L, bà Dung được hưởng kỷ phần để cho cụ M sử dụng nên phần diện tích đất của những người thừa kế trên được chia cho cụ M. Phần đất còn lại giao cho ông Đ sử dụng để làm lối đi vào thửa đất của ông Đ, ông Đ có trách nhiệm trả cho cụ M, ông X phần giá trị QSD đất.
Về chi phí mai táng cho cụ Thắp: Các bên không có yêu cầu nên không xem xét giải quyết.
Căn cứ Luật Hôn nhân và gia đình thì cụ Thắp, cụ M mỗi người có ½ tài sản cụ thể là:
Phần di sản của cụ Thắp là: [103m2:2 ] x 500.000 đồng = 25.750.000 đ – 3.000.000 đồng = 22.750.000 đồng Về án phí và các chi phí tố tụng:
Về chi phí định giá và xem xét thẩm định tại chỗ: Bà L có ý kiến nhận nộp tất cả các chi phí tố tụng. Xét đây là sự tự nguyện của đương sự và không trái pháp luật nên chấp nhận.
Về án phí: Do yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận nên nguyên đơn không chịu án phí đối với yêu cầu đòi lại QSD đất. Bị đơn phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.
Người được hưởng di sản thừa kế phải chịu án phí đối với phần được hưởng.
Vì các lẽ trên
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào Điều 26, Điều 35, Điều 39, Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 166; 611, Điều 612, Điều 613, Điều 623, Điều 650, Điều 651, 652; Điều 658, Điều 660 Bộ luật Dân sự; Điều 179, Điều 188 Luật Đất đai; Khoản 7 Điều 27, điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Vương Thị M. Buộc ông Đ có trách nhiệm trả cụ M QSD 51,5m2 đất tại thửa số 163 tờ bản đồ số 13 đo đạc năm 1989, hiện nay thửa đất này nằm trong thửa đất số 184 tờ bản đồ số 24 đo đạc năm 2017 đứng tên ông Đ (hiện nay cụ M đang ở trên thửa đất này).
2. Chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế của bà L 3. Xác định di sản của cụ Thắp gồm có: Diện tích đất 103m2: 2 = 51,5m2 đất tại thửa 163 tờ bản đồ số 13 thôn C L, Đ L, Ân Thi, Hưng Yên.
Trích trả công sức cho cụ M, ông Đ, bà L, mỗi người 1.000.000 đồng. Tổng số 3.000.000 đồng, trả bằng QSD đất để giao cho ông Đ, cụ M cụ thể cụ M 4m2, ông Đ 2m2.
Sau khi đối trừ công sức thì phần di sản của cụ Thắp chia cho các thừa kế là ông Đ, ông X, bà L, bà Dương, bà Dung, bà L, bà Lượng, cụ M, bà Huệ mỗi người được hưởng là: [(51,5m2 x 500.000 đồng) – 3.000.000 đồng]: 9 = 2.527.000đồng 4. Giao các bên hiện vật như sau:
Giao cho cụ M được quyền sử dụng diện tích đất 66,45m2 tại thửa số 163 tờ bản đồ số 13 đo đạc năm 1989, trên đất có 01 nhà cấp 4, 01 bể nước, 01 bếp, 01 trụ cổng, tường bao dài 3,4m có các cạnh như sau:
Phía bắc giáp đất bà Bấm dài 8,5m Phía Nam giáp đất giao cho ông Đ dài 8,5m Phía Tây giáp đường bê tông dài 7,1m Phía Đ giáp đất ông Đ dài 8,5m Cụ M có trách nhiệm trả ông Đ 01 trụ cổng trị giá: 267.000 đồng, 5,44m2 tường rào trị giá 3.278.688 đồng. Tổng số tiền là: 3.545.688 đồng Giao ông Nguyễn Văn Đ được sử dụng diện tích đất là 36,55m2 tại thửa số 163 tờ bản đồ 13 đo đạc năm 1989, trên đất có 01 trụ cổng, tường bao dài 5,5m, có các cạnh như sau:
Phía bắc giáp đất giao cho cụ M dài 8,5m Phía Nam giáp đất bà Thảo dài 8,5m Phía Tây giáp đường bê tông dài 4,3m Phía Đ giáp đất ông Đ dài 4,3m Có sơ đồ kèm theo 5. Sau khi đối trừ cụ M phải trả cho ông Đ, ông Đ còn phải trả cho cụ M (được bà L, bà Dương, bà L, bà Huệ, bà Dung để lại kỷ phần di sản được hưởng) số tiền 6.141.312 đồng giá trị QSD đất giao cho ông.
Ông Đ có trách nhiệm trả ông X số tiền là: 3.790.000đồng.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
6. Kiến nghị UBND điều chỉnh GCNQSD đất số 800 cấp năm 1994 và bản đồ chỉnh lý năm 2017 đối với thửa đất số 184 tờ bản đồ số 24.
7 - Về án phí: Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận nên nguyên đơn không phải chịu án phí đối với yêu cầu, bị đơn phải chịu 1.287.000 đồng án phí do yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận.
Bà M phải chịu án phí chia di sản thừa kế là 757.000 đồng nhưng bà M là người cao tuổi nên được miễn án phí.
Ông Đ, ông X, mỗi người phải chịu 300.000 đồng án phí chia di sản thừa kế.
8 - Quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày, người có mặt được tính từ ngày tuyên án, người vắng mặt được tính từ ngày nhận được hoặc niêm yết bản án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 11/2019/DS-ST ngày 30/11/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất và chia di sản thừa kế
Số hiệu: | 11/2019/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Ân Thi - Hưng Yên |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 30/11/2019 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về