Bản án 111/2018/HS-PT ngày 25/09/2018 về tội vi phạm các quy định bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

BẢN ÁN 111/2018/HS-PT NGÀY 25/09/2018 VỀ TỘI VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH  BẢO VỆ ĐỘNG VẬT THUỘC DANH MỤC LOÀI NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM ĐƯỢC ƯU TIÊN BẢO VỆ

Ngày 25/9/2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 107/2018/TLPT-HS ngày 27 tháng 6 năm 2018 đối với bị cáo Hoàng Tuấn A do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 125/2018/HS-ST ngày 04 tháng 6 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh Khánh Hòa.

- Bị cáo có khá ng cáo :

Hoàng Tuấn A - Sinh năm 1972, tại tỉnh A1. Nơi ĐKHKTT: Thôn A2, xã A3, thành phố B, tỉnh Khánh Hòa; chỗ ở hiện nay: Số 15A đương A4, phường A5, thành phố B, tỉnh Khánh Hòa; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Thiên chúa giáo; giới tính: Nam; nghề nghiệp: Thợ làm mỹ nghệ; trình độ học vấn: 12/12; con ông: Hoàng Minh A6 và bà Trần Thị A7; vợ Nguyễn Thị A8; có 02 con, lớn nhất sinh năm 2004, nhỏ nhất sinh năm 2014; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”, bị cáo có mặt tại phiên tòa.

- Ng ười bà o chữa cho bị cáo :

. Luật sư Nguyễn Hồng C1- Văn phòng luật sư Nguyễn Hồng C1 thuộc Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa - bào chữa cho bị cáo theo yêu cầu của bị cáo. Luật sư C1 có mặt tại phiên tòa.

. Luật sư Lê Văn C2 - Chi nhánh Công ty Luật C3 thuộc Đoàn luật sư thành phố Ha Nội - bào chữa cho bị cáo theo yêu cầu của bị cáo. Luật sư C2 có mặt tại phiên tòa.

- Người có q uyền lợi , ng hĩ a vụ l i ên q uan : Ông Hoàng Văn D1, bà Vũ Thị Hải D2. Cùng địa chỉ: Thôn D3, xã A3, thành phố B, tỉnh Khánh Hòa. Ông D1 và bà D2 đều vắng mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, trong khoảng thời gian từ ngày 19 đến ngày 22/12/2014, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường đã tiến hành kiểm tra xác minh tin báo, xác định được đối tượng Hoàng Tuấn A đang cất giấu rất nhiều xác cá thể rùa biển tại khu vực chăn nuôi của nhà bà Vũ Thị Hải D2. Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm nên phòng PC49 chuyển hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra (PC44). Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan cảnh sát điều tra (PC44) tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở đối với Hoàng Tuấn A và đã thu giữ tại nhà xưởng ở thôn A2, xã A3, thành phố B 04 xác cá thể rùa và 04 sừng động vật. Ngày 27/12/2014, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa khám nghiệm hiện trường nhà xưởng nói trên, thu giữ một số phương tiện máy móc phục vụ việc chế tác rùa (riêng máy bơm hơi, máy cán xé vải to và cồng kềnh nên đã niêm phong giao cho A quản lý) và lấy mẫu dung dịch trong bể chứa (nghi là phóc môn) để giám định.

Tiến hành khám nghiệm từng khu vực chăn nuôi của nhà bà D2 tại thôn D3, xã A3, thành phố B từ ngày 23 đến ngày 25/12/2014 đã phát hiện 09 địa điểm cất giấu xác cá thể rùa, trong đó có 07 địa điểm xác cá thể rùa đang được ngâm hóa chất. Cơ quan điều tra thu giữ tổng cộng 4.379 xác cá thể rùa và lấy mẫu dung dịch ngâm xác cá thể rùa để giám định. Đồng thời phối hợp với Viện Hải dương học, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa tiến hành phân loại sơ bộ 4.379 xác cá thể rùa, ban đầu xác định gồm 03 loài: 05 xác cá thể nghi là loài Quản Đồng; 06 xác cá thể nghi là loài Đồi Mồi Dứa; 4.368 xác cá thể nghi là loài Đồi Mồi.

Quá trình khám nghiệm và vận chuyển xác cá thể rùa nói trên, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa phát hiện và thu giữ 789 vỏ sò trong kho hàng của Hoàng Tuấn A tại thôn D3, xã A3, thành phố B và 3.066 vỏ sò tại hai bãi đất trống gần đó, mỗi vỏ sò được bọc trong bao tải, có miếng cao su bọc quanh vùng miệng và được cột dây để tiện vận chuyển.

Tại Công văn số 14/HDH ngày 15/01/2015 của Viện Hải dương học đã kết luận về 4.383 xác cá thể rùa biển và 3.855 vỏ sò như sau:

- Trong tổng số 4.383 xác cá thể rùa biển có:

+ 05 xác cá thể rùa biển thuộc loài Quản Đồng (Con Đú), có tên khoa học là Caretta caretta. Mức độ nguy cấp: nằm trong nhóm danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng cực kỳ lớn (CR - Critically Endangered) theo Quyết định số 82/2008/QĐ-BNN ngày 17/7/2008 của Bộ trường Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Loài này thuộc Phụ lục I của Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

+ 06 xác cá thể rùa biển thuộc loài Rùa Xanh (Đồi Mồi Dứa), có tên khoa học là Cheloniamydas. Mức độ nguy cấp: nằm trong danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn (EN - Endangered) theo quyết định số 82/2008/QĐ- BNN ngày 17/7/2008 của Bộ trường Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Loài này thuộc Phụ lục I của Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

+ 4.372 xác cá thể rùa biển thuộc loài Đồi Mồi, có tên khoa học là Eretmochelys imbricata. Mức độ nguy cấp: nằm trong danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn (EN - Endangered) theo quyết định số 82/2008/QĐ- BNN ngày 17/7/2008 của Bộ trường Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Loài này thuộc Phụ lục I của Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

- 3.855 vỏ sò thuộc loài Trai tai tượng khổng lồ, có tên khoa học là Tridacna gigas. Mức độ nguy cấp: nằm trong danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng cực kỳ lớn (CR - Critically Endangered) theo quyết định số 82/2008/QĐ-BNN ngày 17/7/2008 của Bộ trường Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Phụ lục 3- Thông tư 01/2011/TT-BNNPTNT ngày 05/01/2011 của Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn. Loài này thuộc Phụ lục II của Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Ngày 24/11/2016, Viện sinh học nhiệt đới thuộc Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam kết luận: 04 chiếc sừng mà Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa thu giữ tại nhà của Hoàng Tuấn A vào ngày 22/12/2014 được nhập khẩu từ nước ngoài nên không phải là các loài bản địa hiện có ở Việt Nam, thuộc bò nhà sừng dài - Bostaurus, không thuộc Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.

Trước đó, ngày 19/11/2014, Thanh tra Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa phối hợp cùng các cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ tại kho xưởng của Hoàng Tuấn A ở thôn A2, xã A3, thành phố B tổng cộng 5.056kg xác cá thể rùa biển khô. Thanh tra Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa phối hợp cùng với Viện Hải dương học trích mẫu, tiến hành giám định đối với số xác rùa trên. Ngày 01/4/2015, Viện Hải dương học kết luận: mẫu xác rùa trên gồm 02 nhóm là Đồi Mồi Dứa và Đồi Mồi. Mức độ nguy cấp: nằm trong nhóm danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn (EN- Endangered) theo Quyết định số 82/2008/QĐ-BNN ngày 17/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Loài này thuộc Phụ lục I của Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Tại Bản án số 125/2018/HS-ST ngày 04/6/2018 của Tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh Khánh Hòa đã áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 190, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999, xử phạt bị cáo Hoàng Tuấn A 04 năm 06 tháng tù về tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”. Ngoài ra bản án còn quyết định về trách nhiệm dân sự, vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định.

Ngày 07/6/2018, bị cáo Hoàng Tuấn A có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các vị luật sư bào chữa cho bị cáo và bản thân bị cáo Hoàng Tuấn A đều xác định: Vào khoảng năm 2010, bị cáo A có mua xác rùa biển, đến năm 2016 cơ quan tố tụng mới truy tố hành vi này là đã hết thời hiệu vì đây là tội ít nghiêm trọng. Bản thân bị cáo không biết số xác rùa biển là loài động vật quý hiếm cần được bảo tồn, bảo vệ. Đồng thời, hiện nay chưa có quy định đối với tình tiết “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” nên việc các cơ quan tố tụng truy tố và xét xử bị cáo theo điểm đ khoản 2 Điều 190 của Bộ luật hình sự năm 1999 là không có căn cứ.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét thấy bị cáo không thành khẩn khai báo, thể hiện thái độ không ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ gì mới nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hoàng Tuấn A và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về thủ tục tố tụng:

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Hoàng Văn D1 và bà Vũ Thị Hải D2 đều vắng mặt lần thứ 4 (bốn) không có lý do nên Hội đồng xét xử căn cứ Điều 351 của Bộ luật Tố tụng hình sự xét xử vắng mặt ông D1 và bà D2.

Xét kháng cáo của bị cáo Hoàng Tuấn A còn trong thời hạn luật định nên hợp lệ. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo A xác định yêu cầu kháng cáo là xin giảm nhẹ hình phạt vì bị cáo mua xác Rùa không có mục đích và chưa bán được bất kỳ xác Rùa nào. Ngoài ra, đối với 789 vỏ Trai tai tượng khổng lồ thì các Cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm đã truy tố và xét xử oan cho bị cáo.

[2] Về nội dung: Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hoàng Tuấn A thừa nhận vào khoảng năm 2010, bị cáo có thu mua của nhiều người dân làm nghề đánh cá một số xác cá thể Rùa biển để về làm mỹ nghệ nhằm bán lại kiếm lời. Bị cáo thừa nhận tất cả số xác cá thể Rùa do Cơ quan chức năng thu giữ vào ngày 19/11/2014 và từ ngày 19 đến ngày 25/12/2014 đều là của bị cáo, trong đó có một số xác cá thể Rùa còn đang ngâm focmon gửi tại nhà của bà Vũ Thị Hải D2. Đối với số lượng 789 vỏ Trai tai tượng khổng lồ thu giữ tại kho của bị cáo, bị cáo A cho rằng là do người khác gửi nhờ chứ không phải của mình.

Các vị luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Tuấn A cho rằng: Việc Viện kiểm sát nhân dân thành phố B ra Cáo trạng số 117/CT-VKSNT ngày 10/4/2018 để truy tố bị cáo Hoàng Tuấn A đối với số lượng 789 vỏ Trai tai tượng khổng lồ là đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì trước đó Hoàng Tuấn A không bị khởi tố bị can về số lượng vỏ Trai này, đồng thời tại Kết luận điều tra số 05/PC44 ngày 08/12/2016 của Cơ quan điều tra và Cáo trạng số 53/KSĐT- XXSTHS ngày 01/3/2017 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố B cũng không kết luận và truy tố Hoàng Tuấn A về số vỏ Trai này. Sau khi Tòa án nhân dân thành phố B có Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung số 09/2018/HSST-QĐ ngày 11/01/2018 thì Viện kiểm sát nhân dân thành phố B mới ban hành Cáo trạng số 117/CT-VKSNT ngày 10/4/2018 thay thế cho bản Cáo trạng số 53/KSĐT-XXSTHS ngày 01/3/2017. Như vậy, việc Viện kiểm sát nhân dân thành phố B truy tố một hành vi mà trước đó bị cáo A không bị khởi tố bị can, không bị kết luận điều tra là đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Mặc khác, các vị Luật sư và bị cáo Hải đều cho rằng: Trên thực tế, A đã chấm dứt hành vi mua, thu gom xác Rùa biển từ năm 2010, việc các cơ quan chức năng phát hiện vào năm 2014 chỉ là hành vi “tàng trữ trái phép” và đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Hoàng Tuấn A.

Hội đồng xét xử xét thấy: Toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời khai của bị cáo Hoàng Tuấn A đều thể hiện: Từ năm 2010, Hoàng Tuấn A đã bắt đầu mua, thu gom Rùa biển từ những người dân đánh cá; tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo A thừa nhận từ năm 2010 bị cáo đã dặn trước những người dân đi biển: “đánh bắt được Rùa biển thì mang về bán cho bị cáo, bị cáo sẽ mua lại”; mục đích mua Rùa biển là để chế tạo mỹ nghệ rồi bán lại kiếm lời, lời khai của bị cáo tại các bút lục số 145, 148 thể hiện việc bị cáo đã nhiều lần bán Rùa mỹ nghệ đã qua chế tác cho khách đến mua; Toàn bộ xác cá thể Rùa do Cơ quan chức năng thu giữ vào ngày 19/11/2014 và từ ngày 19 đến ngày 25/12/2014 đều là của bị cáo, trong đó có một số xác cá thể Rùa còn đang ngâm focmon gửi tại nhà của bà Vũ Thị Hải D2. Lời khai của bị cáo Hải phù hợp với các Biên bản khám xét, khám nghiệm hiện trường, lời khai của người làm chứng, của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Như vậy có căn cứ để xác định hành vi mua, thu gom nhiều cá thể Rùa của bị cáo Hoàng Tuấn A là có thật và phù hợp các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.

Lời khai của ông Hoàng Văn D1 và bà Vũ Thị Hải D2 (bút lục từ 188 đến 193) đều thể hiện nội dung: Tất cả số cá thể Rùa tươi đang ngâm focmon, thu giữ ở khu vực chăn nuôi của nhà ông D1, bà D2 tại thôn D3, xã A3, thành phố B đều là của bị cáo (bị cáo A cũng thừa nhận nội dung này) và thời điểm gửi là năm 2014. Như vậy, việc các vị luật sư và bị cáo A cho rằng bị cáo đã chấm dứt hành vi mua, thu gom Rùa biển từ năm 2010 là không có cơ sở để chấp nhận.

Đối với số lượng 789 vỏ Trai tai tượng khổng lồ thu giữ tại kho của bị cáo: Bị cáo Hoàng Tuấn A cho rằng số vỏ trai này là của người khác gửi nhờ, tuy nhiên bị cáo lại không có tài liệu, chứng cứ gì để chứng minh, do vậy bị cáo phải chịu trách nhiệm đối với số vỏ trai này là phù hợp với quy định của pháp luật.

Xét thấy, ngày 10/6/2015 Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Khánh Hòa đã căn cứ vào kết luận giám định xác Rùa biển, vỏ Trai tai tượng để ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 21/PC44 về việc khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” và đến ngày 17/10/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Khánh Hòa tiếp tục ra Quyết định khởi tố bị can đối với Hoàng Tuấn A cũng về tội danh nêu trên. Theo hướng dẫn tại Điều 11 của Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ngày 07/9/2005 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ quốc phòng thì việc Viện kiểm sát nhân dân thành phố B ban hành Cáo trạng số 117/CT-VKSNT ngày 10/4/2018 (thay thế cho Cáo trạng số 53/KSĐT-XXSTHS ngày 01/3/2017) để truy tố thêm bị cáo Hoàng Tuấn A đối với số lượng 789 vỏ Trai tai tượng khổng lồ là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật vì nằm trong cùng một tội danh đã khởi tố đối với bị cáo Hải trước đó. Do vậy, quan điểm của vị luật sư khi bào chữa cho bị cáo Hải cho rằng: Viện kiểm sát nhân dân thành phố B đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi ban hành Cáo trạng số 117/CT-VKSNT ngày 10/4/2018 (thay thế cho

Cáo trạng số 53/KSĐT-XXSTHS ngày 01/3/2017) để truy tố thêm bị cáo Hoàng Tuấn A đối với số lượng 789 vỏ Trai tai tượng khổng lồ là không có cơ sở.

Với số lượng lên tới 4.383 xác cá thể, trong đó bao gồm các loài Quản Đồng, Đồi Mồi và Đồi Mồi Dứa; 2.230 xác cá thể Rùa biển cộng với một số mảnh vỡ có tổng trọng lượng là 5.056kg (chủ yếu là Đồi Mồi) và 789 vỏ Trai tai tượng khổng lồ đều là những loài thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm cần được bảo vệ theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ; Quyết định số 82/2008/QĐ-BNN ngày 17/7/2008 của bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn và Công ước quốc tế về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp (Công ước CITES) mà Việt nam đã tham gia từ năm 1994. Hành vi phạm tội của bị cáo Hoàng Tuấn A không chỉ gây chấn động dư luận trong nước và quốc tế; tác động và gây ảnh hưởng xấu đến các loài thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm cần được bảo vệ, mà hậu quả gây ra từ hành vi phạm tội của bị cáo còn ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh con người và đất nước Việt Nam, gây hậu quả là đặc biệt nghiêm trọng.

Từ những phân tích nêu trên, có đầy đủ căn cứ để kết luận: Tòa án nhân dân thành phố B đã xét xử bị cáo Hoàng Tuấn A về tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” theo điểm đ khoản 2 Điều 190 của Bộ luật hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật.

[3] Xét kháng cáo của bị cáo: Xét hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, góp phần làm cho tình trạng xâm hại, tàn phá thiên nhiên ở Việt Nam ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của cả cộng đồng.

Xét thấy quá trình tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không thành khẩn khai báo và thể hiện thái độ không ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ gì mới nên Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không có căn cứ để thỏa mãn yêu cầu kháng cáo của bị cáo.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Bị cáo phải nộp tiền án phí hình sự phúc thẩm theo quy định.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật tố tụng Hình sự.

1. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hoàng Tuấn A và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tuyên bố: Bị cáo Hoàng Tuấn A phạm tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”.

2. Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 190; khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với bị cáo Hoàng Tuấn A.

Tuyên xử: Xử phạt bị cáo Hoàng Tuấn A 04 (bốn) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam thi hành án.

3. Bị cáo Hoàng Tuấn A phải nộp 200.000đ tiền án phí hình sự phúc thẩm.

4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

851
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 111/2018/HS-PT ngày 25/09/2018 về tội vi phạm các quy định bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

Số hiệu:111/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Khánh Hoà
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 25/09/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;