Bản án 10/2018/HSST ngày 15/05/2018 về tội hủy hoại rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐAM RÔNG, TỈNH LÂM ĐỒNG

BẢN ÁN 10/2018/HSST NGÀY 15/05/2018 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Vào hồi 14 giờ 00 phút, ngày 15 tháng 5 năm 2018, tại Hội xét xử. Tòa án nhân dân huyện Đam Rông mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 07/2018/HSST ngày 10 tháng 4 năm 2018 đối với bị cáo:

1. Họ và tên: Chơ Liêng K’C,  sinh năm: 1974 tại Lâm Đồng. Nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: Thôn L, xã K, huyện D, tỉnh Lâm Đồng. Nghề nghiệp: Làm nông, trình độ văn hóa: 1/12. Quốc tịch: Việt Nam, dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Tin Lành. Con ông Long Đinh Ha P, sinh năm: 1946 và bà Cơ Liêng K’N, sinh năm: 1953, anh chị em ruột có 08 người, bị cáo là con thứ nhất trong gia đình. Có chồng là Rơ Ông Ha N, sinh năm 1971. Có 02 con, lớn nhất sinh năm 1998, nhỏ nhất sinh năm 2002.

Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo Chơ Liêng K’C: Bà Nguyễn Ngọc Hoàng G – Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lâm Đồng.

2. Họ và tên: Cơ Liêng Ha T, sinh năm 1988 tại Lâm Đồng. Nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: Thôn L, xã K, huyện D, tỉnh Lâm Đồng. Nghề nghiệp: Làm nông, trình độ văn hóa 10/12. Quốc tịch: Việt Nam, dân tộc Cil, tôn giáo: Tin lành. Con ông Long Đinh Ha P, sinh năm: 1946 và bà Cơ Liêng K’N, sinh năm: 1953, anh chị em ruột có 08 người, bị cáo là con thứ 4 trong gia đình. Có vợ là Liêng Hot K’R, sinh năm 1989. Có 03 con, lớn nhất sinh năm 2010, nhỏ nhất sinh năm 2014.

Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo Cơ Liêng Ha T: Ông Lê Anh V - Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lâm Đồng.

3. Họ và tên: Liêng Hót T, sinh năm 1990, tại Lâm Đồng. Nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: Thôn L, xã K, huyện D, tỉnh Lâm Đồng. Nghề nghiệp: Làm nông, trình độ văn hóa 7/12. Quốc tịch: Việt Nam, dân tộc Cil, tôn giáo: Tin lành. Con ông Kơ Ja Ha W, sinh năm 1952 và bà Liêng Hot K’A, sinh năm 1956. Anh chị em ruột có 07 người, bị cáo là con thứ năm trong gia đình. Có vợ là Cơ Liêng K’L, sinh năm 1991. Có 02 con, lớn nhất sinh năm 2012, nhỏ nhất sinh năm 2016.

Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo Liêng Hót Tươi: Ông Phạm Văn T - Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lâm Đồng.

*Người có nghĩa vụ liên quan:

1. Họ và tên: Hồ Minh Đ ; Sinh năm:1984

Nơi ĐKHKTT: Tổ X, Phường C, Tp. L, tỉnh Lâm Đồng.

Chỗ ở hiện nay: Khu tập thể Hạt kiểm lâm huyện Đam Rông (Thôn 1, xã L, huyện R, tỉnh Lâm Đồng).

Có mặt tại phiên tòa.

2. Họ và tên: Trịnh Văn Q ; Sinh năm: 1962

Nơi ĐLHKTT và chỗ ở hiện nay: Khu tập thể đường V, Phường B, Tp. L, tỉnh Lâm Đồng.

Có mặt tại phiên tòa.

3. Họ và tên: Lê Công D; Sinh năm: 1987

Nơi ĐKHKTT: 70 H, Phường B, Tp. L, tỉnh Lâm Đồng.

Chỗ ở hiện nay: Trạm Quản lý bảo vệ rừng R, xã L, huyện R, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt tại phiên tòa.

Nguyên đơn dân sự: Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk.

Người đại diện theo pháp luật: ông Nguyễn Trọng Đ. Chức vụ: Phó Trưởng ban phụ trách. Ủy quyền cho ông Vũ Công T. Chức vụ: Phó Trưởng ban QLRPH Sêrêpốk. Có mặt tại phiên tòa.

Người phiên dịch: ông Rơ Ông Ha H – Cán bộ phòng dân tộc.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đam Rông thì nội dung vụ án đƣợc tóm tắt như sau:

Do thiếu đất sản xuất nên khoảng tháng 12/2015 Chơ Liêng K’C đã rủ Liêng Hót T, Cơ Liêng Ha T bàn bạc và thống nhất cùng nhau dùng dao phát  vào phá rừng tại lô C, khoảnh 6, Tiểu khu 74- thuộc địa phận xã Đ, huyện R, tỉnh Lâm Đồng để lấy đất sản xuất. Các đối tượng trên đã dùng dao phát chặt hạ các cây gỗ tạp nhỏ trước, còn các cây gỗ lớn thì dùng máy cưa xăng cầm tay để chặt hạ; các đối tượng chặt phá trong thời gian 01 tháng thì xong, sau đó để khô. Đến ngày 25/10/2016 thì cả 03 người C, T và T cùng nhau đến vị trí đất rừng đã phá để dọn dẹp và đốt thì bị cán bộ ban quản lý rừng đi tuần tra phát hiện và lập biên bản vi phạm.

Theo kết quả khám nghiệm hiện trường ngày 01/11/2016 xác định: Diện tích rừng mà 2015 Chơ Liêng K’C , Liêng Hót T, Cơ Liêng Ha T đã phá trái pháp luật là 9.415m², đối tượng rừng sản xuất, hiện trạng rừng gỗ IIIa2 tự nhiên, dấu vết chặt hạ bằng dao phát tự chế và cưa xăng cầm tay, mức độ thiệt hại 100%. Lập ô tiêu chuẩn xác định trên diện tích thiệt hại 9.415 m2 (0,9415 ha) có trữ lượng lâm sản bị thiệt hại là 206,981 m3 gỗ. Tổng giá trị thiệt hại về lâm sản và về môi trường được Hội đồng định giá tài sản huyện Đam Rông kết luận tại Thông báo số 45 ngày 13/12/2016 là 658.506.800 đồng( Sáu trăm năm mươi tám triệu năm trăm lẻ sáu ngàn tám trăm đồng).

Tại bản cáo trạng số 18/QĐ-KSĐT ngày 21/6/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đam Rông đã truy tố các bị cáo  Chơ Liêng K’C , Liêng Hót T, Cơ Liêng Ha T về tội hủy hoại rừng theo quy định tại khoản 1 Điều 189 Bộ luật hình sự năm 1999.

Tại phiên tòa hôm nay, các bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đúng như nội dung bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đam Rông đã truy tố, bị cáo không thắc mắc hay khiếu nại gì về nội dung bản cáo trạng của Viện kiểm sát.

Đại diện Nguyên đơn dân sự là Ban quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk trình bày: các bị cáo đều là người đồng bào dân tộc, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Về trách nhiệm dân sự đề nghị Hội đồng xét xử buộc các bị cáo phải trồng lại rừng, đối với số tiền các bị cáo đã tạm nộp 15.000.000đ, cần sung quỹ nhà nước để lấy tiền này mua cây giống.

Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố giữ nguyên bản cáo trạng đã truy tố đối với các bị cáo Chơ Liêng K’C, Liêng Hót Tvà Cơ Liêng Ha T về tội “ Hủy hoại rừng” theo quy định tại khoản 1 Điều 189 Bộ luật hình sự. Đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 189, điểm p khoản 1 Điều 46; Điều 60 Bộ luật hình sự, xử phạt các bị cáo Chơ Liêng K’C từ 12 đến 15 tháng tù cho hưởng án treo, Liêng Hót Tvà Cơ Liêng Ha T từ 09 đến 12 tháng tù cho hưởng án treo.

Về tang vật vụ án: Đề nghị hội đồng xét xử xử lý theo quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm dân sự: đề nghị Hội đồng xét xử buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường thiệt hại về lâm sản với số tiền theo thông báo của Hội đồng định giá tài sản huyện Đam Rông.

Người bào chữa cho bị cáo Chơ Liêng K’C – bà Nguyễn Ngọc Hoàng G trình bày: Về tội danh Viện kiểm sát đã truy tố  bà không có ý kiến gì. Tuy nhiên bà mong muốn HĐXX xem xét tới hoàn cảnh nhân thân của bị cáo là người dân tộc thiểu số, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bị cáo phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, sau khi phạm tội bị cáo đã ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục một phần hậu quả để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Người bào chữa cho bị cáo Cơ Liêng Ha T – ông Lê Anh V trình bày: ông cũng không có ý kiến gì về tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố đối với bị cáo. Ông đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Người bào chữa cho bị  cáo Liêng Hót T – ông Phạm Văn T trình bày: ông cũng không có ý kiến gì về tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố đối với bị cáo. Ông đề nghị HĐXX xem xét áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ.

Với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ đã thẩm tra tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, các bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan cảnh sát Điều tra Công an huyện Đam Rông, Điều tra viên, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Đam Rông trong quá trình Điều tra, Truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa hôm nay bị cáo không có ý kiến hay khiếu nại gì về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp đúng theo quy định của pháp luật.

[2] Về yếu tố cấu thành tội phạm: Theo bị cáo khai do thiếu đất sản xuất nên vào Khoảng đầu tháng 12/2015 Chơ Liêng K' C đã rủ Liêng Hót T, Cơ Liêng Ha T bàn bạc và thống nhất cùng nhau dùng dao phát vào phát rừng trái phép tại lô c, khoảnh 6, TK74- thuộc địa phận xã Đ, huyện R lấy đất sản xuất, tổng diện tích rừng mà các bị cáo đã hủy hoại là 9.415 m2, đối tượng là rừng sản xuất, mức độ thiệt hại 100%. Xét thấy lời khai nhận tội của các bị cáo tại phiên tòa hôm nay hoàn toàn phù hợp với lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với tang vật thu giữ và kết quả khám nghiệm hiện trường, nên đã có đủ cơ sở kết luận các bị cáo Chơ Liêng K' C, Liêng Hót T, Cơ Liêng Ha T phạm tội hủy hoại rừng. Tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 điều 189 Bộ luật hình sự.

Hành vi phạm tội của các bị cáo cáo  Chơ Liêng K’C, Liêng Hót T, Cơ Liêng Ha Tđược thực hiện với lỗi cố ý, trực tiếp xâm phạm đến các quy định của nhà nước về quản lý và bảo vệ rừng. Mặc dù các bị cáo biết rõ việc phá rừng là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng để có đất sản xuất, các bị cáo đã tự ý vào lô c khoảnh 6 tiểu khu 74 là rừng sản xuất do ban quản lý rừng phòng hộ SêRêPốk quản lý dùng dao phát tự chế, máy cưa xăng cầm tay cưa hạ cây rừng. Hậu quả việc làm của bị cáo đã làm cho diện tích đất rừng sản xuất 9.415 m2bị thiệt hại 100%, tổng giá trị thiệt hại là 658.506.800 đồng, trong đó thiệt hại về Lâm sản là 164.626.700đ . Hành vi phạm tội của các bị cáo còn gây tác hại lớn đến tài nguyên của đất nước, làm ảnh hưởng xấu đến khí hậu, môi trường sinh thái, là nguyên nhân gây ra thiên tai, lũ lụt, hạn hán. Ảnh hưởng chung đến đời sống của người dân, vì vậy cần xử phạt các bị cáo một cách nghiêm minh để làm gương cho người khác.

Trong vụ án này bị cáo Chơ Liêng K’C là người rủ rê 02 bị cáo còn lại nên bị cáo Chăm là người giữ vai trò chính trong vụ án, còn các bị cáo T và T sau khi được Crủ đi chặt phá rừng đã đồng ý ngay và cùng bị cáo C thục hiện hành vi chặt phá rừng trái phép, vì vậy xác định các bị cáo T và T là đồng phạm trong vụ án.

Tuy nhiên, xét nhân thân các bị cáo là người dân tộc thiểu số, phạm tội lần đầu, trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật còn hạn chế; sau khi phạm tội bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện khắc phục một phần hậu quả đã gây ra. Nên Hội đồng xét xử xét cần áp dụng điểm b, p, k khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo Chơ Liêng K' C, Liêng Hót T, Cơ Liêng Ha T là hoàn toàn phù hợp. Xét thấy các bị cáo đều có nơi cư trú rõ ràng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nên không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà cho bị cáo được hưởng án treo để các bị cáo vừa cải tạo, vừa lao động dưới sự giám sát của chính quyền đia phương cũng đủ tác dụng giáo dục bị cáo trở thành người tốt.

Trong vụ án này còn có Hồ Minh Đ – Cán bộ Hạt kiểm lâm huyện R, Trịnh Văn Q và Lê Công D là cán bộ Trạm QLBVR Lán Tranh cùng quản lý, phụ trách địa bàn tiểu khu 74 đã thiếu trách nhiệm gây nên hậu quả nghiêm trọng. Hành vi của Hồ Minh Đ, Trịnh Văn Q, Lê Công D có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999.Tuy nhiên sau khi nghiên cứu hồ sơ Tòa án đã ra quyết định trả hồ sơ vụ án đề cơ quan điều tra xem xét điều tra, khởi tố bổ sung Hồ Minh Đ, Trịnh Văn Q, Lê Công D về hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, nhưng cơ quan điều tra không xem xét khởi tố bổ sung, Viện kiểm sát giữ nguyên bản cáo trạng. Do đó Hội đồng xét xử đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục Điều tra làm rõ để khởi tố Hồ Minh Đ, Trịnh Văn Q, Lê Công D về tội thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng.

[3] Về trách nhiệm dân sự: Đại diện ban quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk đề nghị Hội đồng xét xử buộc các bị cáo Chơ Liêng K’C, Liêng Hót T, Cơ Liêng Ha T phải trồng lại rừng và chăm sóc trong thời gian 03 năm. Riêng cây giống, đề nghị các bị cáo phải tự mua, nếu không mua được cây giống thì đề nghị Hội đồng xét xử sung công số tiền 15.000.000đ mà các bị cáo đã tạm nộp để mua cây giống. Các bị cáo đồng ý theo yêu cầu của Ban quản lý rừng, nên Hội đồng xét xử ghi nhận.

[4]Về xử lý vật chứng: Tang vật vụ án gồm có 03 con dao phát gồm: 01 con dao phát cán đã bị hư, lưỡi dao bằng kim loại, dài khoảng 30cm; 01 con dao phát cán bằng gỗ, dài khoảng 70cm, lưỡi dao bằng kim loại, dài khoảng 25cm; 01 con dao phát cán bằng gỗ, dài khoảng 40cm, lưỡi dao bằng kim loại, dài khoảng 35cm là công cụ các bị cáo dùng để phá rừng, xét thấy không còn giá trị sử dụng nên cần tuyên tịch thu tiêu hủy. Đối với 01 máy cưa cầm tay, cơ qua điều tra không thu hồi được, nên không đặt ra để giải quyết.

[ 5] Về án phí: Áp dụng Khoản 2, Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sựNghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án; Buộc các bị cáo Chơ Liêng K' C, Liêng Hót T, Cơ Liêng Ha T phải nộp  án phí hình sự sơ thẩm theo luật định. Đối với khoản tiền án phí DSST do các bị cáo có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, nên miễn án phí DSST cho các bị cáo.

Vì những lẽ trên!

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố bị cáo Chơ Liêng K' C, Liêng Hót T, Cơ Liêng Ha T phạm tội “Hủy hoại rừng”.

Áp dụng khoản 1 Điều 189; điểm b, p, k Khoản 1 Điều 46; Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999.

Xử phạt bị cáo Chơ Liêng K' C 15 (Mười lăm) tháng tù cho hưởng án treo Thời gian thử thách là 30 tháng tính từ ngày tuyên án 15/5/2018.

Xử phạt các bị cáo Liêng Hót T 09 (Chín ) tháng tù cho hưởng án treo Thời gian thử thách là 18 tháng tính từ ngày tuyên án 15/5/2018.

Xử phạt bị cáo Cơ Liêng Ha T 09 (Chín) tháng tù cho hưởng án treo Thời gian thử thách là 18 tháng tính từ ngày tuyên án 15/5/2018.

Giao các bị cáo Chơ Liêng K' C, Liêng Hót T, Cơ Liêng Ha T cho UBND xã K, huyện D, tỉnh Lâm Đồng nơi  bị cáo cư trú để theo dõi giáo dục, gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương để theo dõi giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trường hợp những người được hưởng án treo thay đổi nơi cƣ trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Về xử lý vật chứng: Áp dụng điểm đ, khoản 2 Điều 76 Bộ luật tố tụng Hình sự

Tuyên tịch thu tiêu hủy 03 con dao phát, theo biên bản giao nhận vật chứng, tài sản lập ngày 21/6/2017 của Chi cục thi hành án huyện Đam Rông

Về trách nhiệm dân sự:

Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự. Buộc các bị cáo Chơ Liêng K' C, Liêng Hót T, Cơ Liêng Ha T phải trồng lại rừng và chăm sóc trong thời gian 03 năm. Sung quỹ nhà nước đối với số tiền 15.000.000đ mà các bị cáo đã tạm nộp trước theo biên lai số AA/2010/08463, AA/2010/08464, AA/2010/08462 ngày 05/6/2017 của Chi cục thi hành án huyện Đam Rông.

Về án phí: Áp dụng Khoản 2, Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án; Buộc các bị cáo Chơ Liêng K' C, Liêng Hót T, Cơ Liêng Ha T mỗi bị cáo phải nộp 200.000đ (Hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự sơ thẩm. Miễn án phí DSST cho các bị cáo.

Báo cho bị cáo, nguyên đơn dân sự, người có nghĩa vụ liên quan biết có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày tròn kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (15/5/2018) để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

489
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 10/2018/HSST ngày 15/05/2018 về tội hủy hoại rừng

Số hiệu:10/2018/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Đam Rông - Lâm Đồng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 15/05/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;