TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN QUỲNH PHỤ, TỈNH THÁI BÌNH
BẢN ÁN 09/2022/DS-ST NGÀY 22/09/2022 VỀ TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ
Ngày 22 tháng 9 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 27/2022/TLST- DS ngày 15 tháng 6 năm 2022 về tranh chấp chia di sản thừa kế, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 20/2022/QĐXXST-DS ngày 07 tháng 9 năm 2022 giữa các đương sự:
-Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị V, sinh năm 1959 Địa chỉ: Tổ Z, thị trấn A, huyện Q, tỉnh Thái Bình.
-Bị đơn: Ông Nguyễn Quốc H, sinh năm 1960 Địa chỉ: Tổ X, thị trấn A, huyện Q, tỉnh Thái Bình.
-Người có quyền lợi và ngĩa vụ liên quan:
1/Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1956.
Địa chỉ: Thôn M, xã Th, huyện Q, tỉnh Thái Bình.
2/ Bà Nguyễn Thị X1, sinh năm 1963 Địa chỉ: Thôn Th1, xã Th, huyện Q, tỉnh Thái Bình.
3/ Bà Nguyễn Thị Ch, sinh năm 1971 Địa chỉ: Tổ X, thị trấn A, huyện Q, tỉnh Thái Bình.
(Tại phiên tòa có mặt bà V, ông H, bà T, bà Ch; Bà X1 có đơn xin xử án vắng mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện được bổ sung bằng biên bản ghi lời khai và tại phiên tòa, nguyên đơn là bà Nguyễn Thị V trình bày: Bố đẻ bà V là cụ Nguyễn Bá R, sinh năm 1930, mất vào ngày 02/02/2000, mẹ đẻ bà là cụ Nguyễn Thị S, sinh năm 1930, mất vào ngày 17/6/2018. Cụ R và Cụ S có 05 người con là:
1-Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1956.
2-Bà Nguyễn Thị V, sinh năm 1959 3-Ông Nguyễn Quốc H, sinh năm 1960.
4-Bà Nguyễn Thị X1, sinh năm 1963.
5-Bà Nguyễn Thị Ch, sinh năm 1971.
Cụ R và Cụ S chết đều không để lại di chúc, có để lại di sản thừa kế là thửa đất ở, diện tích 326m2 (gồm 200m2 đất ở và 126 m2 đất vườn), số thửa 118, tờ bản đồ số 11, địa chỉ thửa đất: Tổ Z, thị trấn A, huyện Q, tỉnh Thái Bình, thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H 856581 mang tên chủ sử dụng đất Nguyễn Bá R, trên thửa đất có 01 nhà 05 gian xây cấp 4 lợp ngói xi măng (nhà ở) và 01 nhà 03 gian xây cấp 4 lợp ngói xi măng (nhà bếp). Tại phiên tòa bà V khai bổ sung trên thửa đất còn có di sản thừa kế là 01 cây nhãn và 01 cây đại. Di sản thừa kế hiện do bà V đang quản lý và sử dụng. Quá trình sử dụng bà V có xây thêm 01 nhà tắm + nhà vệ sinh nhỏ vào năm 2011 là tài sản riêng của bà. Nay bà V khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với phần di sản của Cụ R và Cụ S để lại gồm đất ở + công trình xây dựng trên đất là nhà ở và nhà bếp và 01 cây nhãn, 01 cây đại cho hàng thừa kế thứ nhất là 05 người con, bà đề nghị được nhận bằng hiện vật vì hiện tại không còn nơi ở nào khác.
Người có quyền lợi và ngĩa vụ liên quan: Bà T, Bà X1, bà Ch thống nhất như lời trình bày của nguyên đơn và đều đề nghị chia di sản thừa kế cho các đồng thừa kế là 05 người con đồng thời các bà T, Bà X1, bà Ch đều đề nghị nhường lại kỷ phần di sản thừa kế được hưởng cho bà V được sở hữu và sử dụng và không yêu cầu bà V chia trả chênh lệch. Bà X1 có đơn đề nghị xin được vắng mặt trong toàn bộ quá trình tố tụng.
Đối với bị đơn là ông Nguyễn Quốc H: Trong quá trình giải quyết vụ kiện, Tòa án đã nhiều lần triệu tập hợp lệ đến Tòa án tham gia các phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải nhưng ông H đều vắng mặt. Tại đơn trình bày gửi Tòa án và biên bản ghi lời khai do Tòa án tiến hành lấy lời khai tại gia đình và tại phiên tòa ông H trình bày: Ông xác nhận bố mẹ đẻ ông là Cụ R và Cụ S có 05 người con và có di sản thừa kế để lại là 01 thửa đất, 01 cây nhãn và 01 cây đại như bà V đã khai. Đối với nhà tắm + vệ sinh là do Cụ S xây dựng vào năm 2013-2014. Đối với 02 căn nhà trên đất gồm nhà trên và nhà bếp là tài sản riêng của ông do ông bỏ tiền ra xây dựng nhà ở vào năm 1985, hoàn thành năm 1987; nhà bếp xây dựng vào năm 1992 (thời gian hai cụ còn sống). Nay bà V khởi kiện chia di sản thừa kế ông có ý kiến như sau: Nhà ở và nhà bếp là tài sản của riêng ông. Di sản thừa kế của Cụ R và Cụ S để lại gồm thửa đất, nhà tắm + vệ sinh, 01 cây nhãn và 01 cây đại. Ông đề nghị di sản thừa kế chia cho 04 người con gồm ông H, bà T, Bà X1 và bà Ch. Cách thức chia ông đề nghị được nhận toàn bộ di sản thừa kế và trả tiền chênh lệch cho bà T, Bà X1, bà Ch. Trường hợp bà T, Bà X1, bà Ch không nhất trí thì ông đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật. Đối với bà V sở dĩ không được hưởng di sản thừa kế vì ông cho rằng thời gian bố mẹ ông còn sống hai cụ đã mua cho bà V diện tích vườn + ao của ông Nguyễn Văn B người cùng xóm, sau đó ông H đã bỏ tiền ra làm nhà cấp 4 cho bà V ra ở riêng, sau khi Cụ R mất, bà V đã bán nhà + đất về ở cùng Cụ S trên di sản thừa kế và hiện đang quản lý và sử dụng. Vì vậy bà V không được chia di sản thừa kế vì bà V đã có phần tài sản do bố mẹ ông cho, ông giữ nguyên quan điểm như đã trình bày nêu trên.
- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Quỳnh Phụ tại phiên tòa phát biểu ý kiến: Hồ sơ vụ án từ giai đoạn thụ lý vụ án đến khi xét xử, Thẩm phán thụ lý giải quyết vụ án đã lập và thu thập đầy đủ các tài liệu và chứng cứ, tuân thủ đúng trình tự luật định. Tại phiên tòa việc xét xử vụ án, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã tuân thủ theo đúng trình tự pháp luật. Đối với nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong các giai đoạn tố tụng và tại phiên tòa đã chấp hành đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào các Điều 26, 35, 39, 147, 157, 165 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Điều 609, 611, 612, 613, 623, 649, 650, 651, 660 Bộ luật Dân sự năm 2015. Khoản 1 Điều 12, Điều 27 Nghị quyết 326/2016 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội qui định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, xác định thửa đất ở, diện tích 326m2 (200m2 đất ở và 126 m2 đất vườn), số thửa 118, tờ bản đồ số 11, địa chỉ thửa đất: Tổ Z, thị trấn A, huyện Q, tỉnh Thái Bình, trên thửa đất có 01 nhà 05 gian xây cấp 4 lợp ngói xi măng (nhà ở) và 01 nhà 03 gian xấy cấp 4 lợp ngói xi măng (nhà bếp) 01 cây nhãn và 01 cây đại là di sản thừa kế của Cụ R và Cụ S để lại. Xác định hàng thừa kế theo pháp luật của hai cụ là 05 người con gồm: Bà T, bà V, ông H, Bà X1, bà Ch; Xử chia 200m2 đất ở và 126 m2 đất vườn cho 05 đồng thừa kế, mỗi kỷ phần là 40m2 đất ở và 25,2m2 đất vườn; Xử chia nhà ở: 15.000.00đồng, nhà bếp:
3.000.000đồng, 01 cây nhãn: 1.200.000đồng, 01 cây đại: 650.000đồng cho 05 đồng thừa kế, mỗi kỷ phần được hưởng trị giá = 3.970.000đồng. Chấp nhận sự tự nguyện của bà T, Bà X1, bà Ch nhường kỷ phần cho bà V hưởng và không yêu cầu bà V chia trả chênh lệch.
Về án phí: do bà V, ông H và bà T là người đủ 60 tuổi, vì vậy đề nghị miễn án phí dân sự cho ông H, miễn án phí dân sự cho bà V đối với phần bà V được hưởng và kỷ phần của bà V nhận từ bà T. Bà V phải chịu án phí đối với kỷ phần của Bà X1, bà Ch nhường cho được hưởng. Chấp nhận sự tự nguyện nhận chịu cả tiền thẩm định và định giá tài sản của bà V.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả thẩm vấn tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng: Bị đơn có nơi cư trú tại tổ X, thị trấn A, huyện Q, tỉnh Thái Bình nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình theo quy định tại Điều 35, 39 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Ngày 06/6/2022 nguyên đơn khởi kiện chia di sản thừa kế, căn cứ vào Điều 623 Bộ luật dân sự yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vẫn còn thời hiệu khởi kiện.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị X1 có đơn xin xét xử vắng mặt, vì vậy Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan theo quy định tại Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Về nội dung: Cụ Nguyễn Bá R, sinh năm 1930 và cụ Nguyễn Thị S, sinh năm 1930 là quan hệ vợ chồng, Cụ R mất vào ngày 02/02/2000, Cụ S mất vào ngày 17/6/2018 có giấy trích lục khai tử của Ủy ban nhân thị trấn A(BL số 05 và 06). Thời điểm hai cụ mất đều không để lại di chúc, vì vậy di sản thừa kế của hai cụ để lại chia theo pháp luật.
[3] Về di sản thừa kế của Cụ R và Cụ S để lại: Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và qua xác minh thể hiện Cụ R và Cụ S để lại di sản thừa kế gồm 01 thửa đất ở, diện tích 326 m2 (trong đó 200m2 đất ở, 126m2 đất vườn), số thửa 118, tờ bản đồ số 11, địa chỉ thửa đất: Tổ Z, thị trấn A, huyện Q, tỉnh Thái Bình đã được Ủy ban nhân dân huyện Q, tỉnh Thái Bình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 23/3/1998 mang tên cụ Nguyễn Bá R (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do bà V đang quản lý); Tài sản trên đất gồm 01 nhà ở 58,9m2 xây lợp ngói xi măng, 01 nhà bếp 32,1m2 xây lợp ngói xi măng, 01 cây nhãn và 01 cây đại.
Xét yêu cầu của các đương sự thấy rằng:
Quá trình tố tụng và tại phiên tòa các đương sự đều khai thống nhất thửa đất ở, 01 cây nhãn, 01 cây đại là di sản của Cụ R và Cụ S để lại. Các đương sự khai không thống nhất: Bà V, bà T, bà Ch và Bà X1 đều khai công trình xây dựng trên đất gồm nhà ở và nhà bếp là di sản thừa kế do Cụ R và Cụ S bỏ tiền ra xây dựng, đối với nhà tắm + vệ sinh là tài sản riêng của bà V do bà V tự bỏ tiền ra xây dựng vào năm 2011. Ông H cho rằng nhà tắm + vệ sinh là di sản thừa kế do Cụ S bỏ tiền ra xây dựng vào năm 2013-2014, đối với nhà ở và nhà bếp là tài sản riêng của ông do ông tự bỏ tiền ra xây dựng. Ông H đề nghị tước quyền thừa kế của bà V vì bà V đã có phần do được bố mẹ ông cho riêng tài sản là vườn + ao trong thời gian hai cụ còn sống.
Đối với công trình xây dựng trên đất: Tại các biên bản ghi lời khai của nguyên đơn, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đều khẳng định nhà ở 05 gian được xây dựng vào năm 1987 và nhà bếp 03 gian được xây dựng vào năm 1992 là tài sản của Cụ R và Cụ S , do hai cụ trực tiếp bỏ tiền ra xây dựng, thời gian này ông H đi thoát ly không có mặt tại gia đình. Sau thời điểm Cụ R mất, bà V trở về sinh sống cùng Cụ S , bà V đã bỏ tiền ra xây dựng nhà tắm + vệ sinh trên thửa đất của Cụ R và Cụ S . Xác minh các cá nhân là hộ liền kề thường xuyên sinh sống cùng hai cụ biết được sự việc và xác minh cơ sở tổ 11 thị trấn A đều cung cấp và khẳng định đúng sự việc như bà V, bà T, Bà X1 và bà Ch đã khai. Quá trình tố tụng và tại phiên tòa ông H khai nhà ở ông xây dựng vào năm 1985 hoàn thành năm 1987 (thời gian ông đi thoát ly). Nhà bếp ông xây vào năm 1992 (thời gian ông ở nước ngoài về phép) nhưng ông H không cung cấp được chưng cứ, chứng minh hai căn nhà này là tài sản riêng của ông do ông bỏ tiền ra xây và cũng không có căn cứ nào chứng minh nhà tắm + vệ sinh là của Cụ S . Vì vậy cần bác yêu cầu này của ông H, cần chấp nhận yêu cầu của bà V, bà T, Bà X1 và bà Ch, xác nhận nhà ở 05 gian và nhà bếp 03 gian là di sản thừa kế của Cụ R và Cụ S ; nhà tắm + vệ sinh là tài sản riêng của bà V.
Ông H cho rằng bà V không được hưởng di sản thừa kế vì trong thời gian bố mẹ ông còn sống hai cụ đã mua cho bà V vườn + ao, năm 1986 ông H đã bỏ tiền xây nhà để bà V ra ở riêng. Qua xác minh và lời khai của bà V, bà T, Bà X1 và bà Ch đều khai vào năm 1980 Cụ R và Cụ S đã mua 01 mảnh vườn + ao của cụ Nguyễn Văn B, người cùng xóm (hiện đã mất) để cho bà V, sau đó bà V đã bỏ tiền san lấp ao và xây dựng nhà cấp 4 để ra ở riêng. Năm 2002 bà V đã bán nhà + đất này cho vợ chồng ông Nguyễn Văn S1 và bà Vũ Thị K1cùng tổ Z, thị trấn A, sau đó bà V về ở cùng Cụ S . Ông Nguyễn Văn R5là con trai cụ B và bà K1đều khẳng định đúng sự việc. Như vậy, vườn và ao nêu trên là tài sản của Cụ R Cụ S cho bà V thuộc quyền sở hữu của bà V, ông H cũng không có chứng cứ nào chứng minh ông bỏ tiền ra làm nhà cho bà V. Cụ R và Cụ S không có ý kiến và cũng không có văn bản nào thể hiện hai cụ định đoạt quyền thừa kế đối với bà V. Vì vậy, không chấp nhận yêu cầu này của ông H.
Từ những căn cứ nêu trên cần chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, xác định di sản thừa kế của Cụ R và Cụ S để lại là: 01 thửa đất ở, diện tích 326m2 (gồm 200m2 đất ở, 126m2 đất vườn), số thửa 118, tờ bản đồ số 11, địa chỉ thửa đất:
Tổ Z, thị trấn A, huyện Q và công trình xây dựng trên đất gồm một nhà ở 58,9m2 xây lợp ngói xi măng; 01 nhà bếp 32,1m2 xây lợp ngói xi măng; 01 cây nhãn; 01 cây đại. Di sản thừa kế đã được hội đồng định giá định giá có tổng giá trị là 319.850.000ồng (Gồm thửa đất: 300.000.000đồng; nhà ở:
15.000.000đồng; nhà bếp: 3.000.000đồng; 01 cây nhãn: 1.200.000đồng; 01 cây đại: 650.000đồng). Nhà tắm + vệ sinh xây dựng trên đất là tài sản riêng của bà V.
[4] Về hàng thừa kế: Qua xác minh tổ dân phố Z thị trấn A cung cấp và nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều khai thống nhất Cụ R và Cụ S có 05 người con chung gồm bà T, bà V, ông H, Bà X1 và bà Ch. Cụ R và Cụ S không có vợ chồng nào khác và không có con nuôi hay con riêng nào khác, bố mẹ hai cụ đều đã chết trước khi hai cụ qua đời, năm người con thời điểm hiện tại vẫn còn sống. Như vậy, thời điểm mở thừa kế thì hàng thừa kế được xác định gồm 05 người con. Do Cụ R và Cụ S không để lại di chúc, vì vậy di sản thừa kế được chia theo quy định pháp luật thành 05 kỷ phần bằng nhau. Trị giá mỗi kỷ phần được hưởng là 319.850.000 đồng: 05 = 63.970.000đồng (sáu mươi ba triệu chín trăm bảy mươi ngàn đồng) [5] Xét về cách thức chia và giao di sản thừa kế: Qua xác minh cho thấy hiện tại bà V đang sinh sống và quản lý di sản thừa kế, ngoài chỗ ở trên bà V không còn nhà và đất nào khác. Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đều đề nghị nhường lại kỷ phần được hường cho bà V được sở hữu và sử dụng và không yêu cầu bà V chia trả chênh lệch, bà V nhất trí. Xét thấy sự thỏa thuận trên là đúng quy định của pháp luật và không trái đạo đức xã hội, vì vậy cần chấp nhận. Đối với ông H, ông đề nghị được chia bằng hiện vật để xây dựng nơi thờ cúng, xét thấy nếu chia cho ông H kỷ phần được hưởng = 1/5 diện tích thửa đất là 65,2m2 thì sẽ không đủ điều kiện tách thửa theo quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình quy định về điều kiện tách thửa. Vì vậy cần chia cho ông H phần diện tích lớn hơn của một kỷ phần được hường và buộc ông H phải có nghĩa vụ thanh toán chênh lệch cho bà V là phù hợp.
[6] Đối với chi phí tiền công quản lý, bảo quản di sản thừa kế: Quá trình tố tụng và tại phiên tòa bà V không yêu cầu, vì vậy Tòa án không xét. Đối với thửa đất là di sản thừa kế qua xem xét thẩm định tại chỗ là 363,2m2, Ủy ban nhân dân thị trấn Acó ý kiến phần dôi dư là hành lang giao thông trục đường xóm chạy ôm quanh thửa đất, năm 1998 đo đạc VILAP cấp sổ đỏ đã trừ phần dôi dư để mở rộng đường xóm, vì vậy diện tích thực tế thửa đất là 326m2. Về mục đích sử dụng đất Ủy ban nhân dân thị trấn A cung cấp tổng diện tích thửa đất là 326m2 trong đó 200m2 đất ở; 126m2 đất vườn nhưng không phân định được cụ thể vị trí đất ở và đất vườn, vì vậy ngày 25/8/2022 Hội đồng định giá và các đương sự thống nhất trị giá thửa đất là 300.000.000 đồng.
[8] Về án phí: Đối với bà V, ông H và bà T là người cao tuổi, vì vậy căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016 ngày 30/12/2016 của UBTV Quốc Hội quy định về mức mức thu, miễm, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án: Miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm cho bà V, ông H, miễn tiền án phí cho bà V đối với kỷ phần của của bà T nhường cho bà V được hưởng. Bà V phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với kỷ phần của Bà X1, bà Ch nhường cho bà V được hưởng.
[9] Về chi phí định giá và thẩm định: Bà V nhận chịu cả 5.000.000 đồng tiền chi phí thẩm định và định giá tài sản (Bà V đã nộp xong số tiền trên).
[10] Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào các Điều 26, 35, 39, 147, 157, 165, 266, 271, 273; điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 1, 3 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Điều 609, 611, 612, 613, 623, 649, 650, 651, 660 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 179 Luật Đất đai; điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 27 Nghị quyết 326/2016 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội qui định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế của bà Nguyễn Thị V.
- Xác định thửa đất ở diện tích 326 m2 (gồm 200m2 đất ở, 126m2 đất vườn), số thửa 118, tờ bản đồ số 11, địa chỉ thửa đất: Tổ Z, thị trấn A, huyện Q, tỉnh Thái Bình và công trình xây dựng trên đất gồm một nhà ở xây lợp ngói xi măng diện tích 58,9m2; một nhà bếp diện tích 32,1m2 xây lợp ngói xi măng; 01 cây nhãn; 01 cây đại là di sản thừa kế của cụ Nguyễn Bá R và cụ Nguyễn Thị S. Tổng trị giá di sản thừa kế là 319.850.000 đồng “ba trăm mười chín triệu tám trăm năm mươi ngàn đồng” (thửa đất: 300.000.000đồng; nhà ở: 15.000.000đồng; nhà bếp: 3.000.000đồng; 01 cây nhãn: 1.200.000đồng; 01 cây đại: 650.000đồng).
- Công nhận sự tự nguyện thỏa thuận giữa các đương sự: Bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X1, bà Nguyễn Thị Ch nhường kỷ phần thừa kế tài sản cho bà Nguyễn Thị V được quyền sở hữu và sử dụng và không yêu cầu bà V chia trả chênh lệch.
- Xử chia và giao cho bà Nguyễn Thị V được quyền sở hữu và sử dụng thửa đất phía trong giáp hộ ông R5 và hộ ông Ng có diện tích 255,6m2 (gồm 155m2 đất ở và 100,6m2 vườn) = 235.214.723 đồng và công trình xây dựng trên đất gồm 01 nhà ở diện tích 58,9m2 = 15.000.000đồng; 8,1m2 nhà bếp = 757.009 đồng; 01 cây nhãn = 1.200.000đồng; 01 cây đại = 650.000đồng. Tổng trị giá là 252.821.732đồng.
“Phần đất của bà V được chia có vị trí, diện tích, số đo các cạnh theo sơ đồ kèm theo” - Xử chia và giao cho ông Nguyễn Quốc H được quyền sở hữu và sử dụng nửa đất phía ngoài có diện tích 70,4 m2 (gồm 45m2 đất ở + 25,4 m2 đất vườn) = 64.785.276 đồng và 24m2 nhà bếp = 2.242.990đồng. Tổng trị giá là 67.028.266 đồng.
“Phần đất của ông H được chia có vị trí, diện tích, số đo các cạnh theo sơ đồ kèm theo” Buộc ông H phải có trách nhiệm thanh toán cho bà V trị giá bằng tiền phần chênh lệch của một kỷ phần chia thừa kế được hưởng là 3.058.266 đồng (ba triệu không trăm năm mươi tám nghìn hai trăm sáu mươi sáu đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
2. Về án phí: Bà V phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch đối với trị giá kỷ phần thừa kế của Bà X1 và bà Ch nhường lại cho bà V được hưởng là 6.397.000 đồng (Sáu triệu ba trăm chín mươi bẩy ngàn đồng).
Miễn tiền án phí dân sự cho ông H. Miễn tiền án phí dân sự cho bà V đối với kỷ phần thừa kế của bà T nhường lại cho và kỷ phần của bà V được hưởng.
3. Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày tuyên án; Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án, tống đạt hợp lệ hoặc niêm yết công khai bản án.
Bản án 09/2022/DS-ST về tranh chấp di sản thừa kế
Số hiệu: | 09/2022/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Quỳnh Phụ - Thái Bình |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 22/09/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về