TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
BẢN ÁN 08/2018/KDTM-PT NGÀY 01/02/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG PHÂN PHỐI HÀNG HÓA
Ngày 01 tháng 02 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 21/2017/TLPT- KDTM ngày 20 tháng 10 năm 2017 về tranh chấp hợp đồng phân phối hàng hóa.
Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 08/2017/KDTM-ST ngày 15 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 90/2018/QĐ-PT ngày 19 tháng 01 năm 2018 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn K; địa chỉ trụ sở: Số 32 đại lộ H, khu công nghiệp V, phường B, thị xã T, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Chị Bùi Thị L; địa chỉ cư trú: Số 22, Ngách 1/32, Ngõ 1 K, quận Đ, thành phố Hà Nội (Được ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 07/11/2016); có mặt
- Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Đ; địa chỉ trụ sở: Số 682 N, phường N, quận L, thành phố Hải Phòng.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Bà Hoàng Thị T– Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Đ; địa chỉ cư trú: Số 106 lô 09 mở rộng, phường Đ, quận H, thành phố Hải Phòng (Được ủy quyền theo văn bản ủy quyền số 02/UQ/2017 ngày 25/9/2017). có mặt
- Người kháng cáo: Bị đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Đ.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo Đơn khởi kiện đề ngày 15/3/2017 và trong quá trình giải quyết vụ án người đại diện hợp pháp của nguyên đơn – chị Bùi Thị L trình bày:
Công ty Trách nhiệm hữu hạn K (Sau đây viết tắt là KCV) đã ký kết hợp đồng phân phối hàng hóa số RR.34500055.KCV15 ngày 01/01/2015 với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Đ (Sau đây viết tắt là Công ty Đ). Theo đó Công ty Đ là nhà phân phối hàng hóa cho KCV từ ngày 01/01/2015 đến ngày 31/12/2016.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, ngày 20/4/2015 KCV nhận được đơn xin chấm dứt hợp đồng của Công ty Đ, sau đó KCV đã thực hiện việc rà soát, đối chiết công nợ chuẩn bị cho việc chấm dứt hợp đồng.
Theo bảng công nợ chi tiết giữa KCV với Công ty Đ, tính đến ngày 30/7/2015 Công ty Đ còn nợ tiền hàng của KCV là 3.177.470.664 đồng (Ba tỷ, một trăm bẩy mươi bẩy triệu, bốn trăm bẩy mươi nghìn, sáu trăm sáu tư đồng) và theo hợp đồng phân phối thì Công ty Đ được bù trừ 2.383.888.557 đồng (Hai tỷ, ba trăm tám mươi ba triệu, tám trăm tám mươi tám nghìn, năm trăm năm bẩy đồng) trong đó bao gồm các khoản tiền sau:
Tiền đặt cọc của Công ty Đ là: 683.000.000 đồng (Sáu trăm tám mươi ba triệu đồng);
Tiền lãi của số tiền đặt cọc là: 13.660.000 đồng (Mười ba triệu, sáu trăm sáu mươi nghìn đồng); Tiền hỗ trợ các chương trình khuyến mại KCV chưa thanh toán là: 1.257.256.091 đồng (Một tỷ, hai trăm năm mươi bẩy triệu, hai trăm năm mươi sáu nghìn, không trăm chín mốt đồng); Tiền Công ty Đ thanh toán còn thừa cộng dồn đến hết ngày 31/3/2015 là: 43.888.466 đồng (Bốn mươi ba triệu, tám trăm tám mươi tám nghìn, bốn trăm sáu sáu đồng);
Tiền Công ty Đ thanh toán tiền hàng ngày 28/4/2015, 06/5/2015 và ngày 12/5/2015 là: 386.084.000 đồng (Ba trăm tám mươi sáu triệu, không trăm tám tư nghìn đồng).
Sau khi bù trừ số tiền trên, Công ty Đ còn phải thanh toán cho KCV số tiền là: 793.582.107 đồng (Bẩy trăm chín mươi ba triệu, năm trăm tám mươi hai nghìn, một trăm lẻ bẩy đồng) của các hóa đơn sau:
Số hóa đơn |
Ngày hóa đơn |
Ngày đến hạn |
Giá trị hóa đơn |
Giá trị cấn trừ |
Giá trị phải thanh toán |
HN-3113-15 |
31/3/2015 |
13/4/2015 |
233.396.263 |
824.047 |
232.572.216 |
HN-3115-15 |
31/3/2017 |
13/4/2015 |
113.904.063 |
0 |
113.904.063 |
HN-3116-15 |
31/3/2017 |
13/4/2015 |
44.508.464 |
0 |
44.508.464 |
HN-4442-15 |
29/4/2015 |
12/5/2015 |
87.959.649 |
0 |
87.959.649 |
HN-4613-15 |
07/5/2015 |
20/5/2015 |
96.746.212 |
0 |
96.746.212 |
HN-4886-15 |
13/5/2017 |
26/5/2015 |
207.694.878 |
0 |
207.694.878 |
HN-4885-15 |
13/5/2015 |
26/5/2015 |
10.196.625 |
0 |
10.196.625 |
Tổng: |
794.406.154 |
824.047 |
793.582.107 |
Ngày 07/9/2015, KCV gửi văn bản thông báo cho Công ty Đ với nội dung yêu cầu Công ty Đ thanh toán khoản nợ trên. Nhưng Công ty Đ không thực hiện nghĩa vụ cũng như không có sự phản hồi.
Ngày 11/8/2016, KCV gửi văn bản thông báo cho Công ty Đ với nội dung sẽ yêu cầu Tòa án giải quyết nếu Công ty Đ không thực hiện nghĩa vụ thanh toán trước ngày 25/8/2016. Sau đó KCV nhận được văn bản số 03 đề ngày 17/8/2016 của Công ty Đ về việc đề nghị KCV thu hồi hàng và cấn trừ công nợ.
Ngày 31/8/2016, KCV gửi văn bản số: 47/FIN/16-KC bằng EMS hồi báo và Email cho Công ty Đ với nội dung khẳng định rằng căn cứ theo thỏa thuận tại hợp đồng phân phối thì KCV không có trách nhiệm thu hồi số hàng tồn kho mà Công ty Đ đã mua từ KCV. Tuy nhiên, trên tinh thần thiện chí, KCV sẽ xem xét thu hồi hàng cho Công ty Đ nếu trước ngày 05/9/2016, Công ty Đ tiến hành kiểm kê, sắp xếp, phân loại hàng hóa và thông báo cho KCV bằng Email về số lượng đáp ứng đủ 03 nguyên tắc về việc thu hồi hàng hóa của KCV. Số hàng thu hồi (nếu có) sẽ được trừ vào số nợ của Công ty Đ. Công ty Đ phải thanh toán cho KCV toàn bộ khoản nợ còn lại sau khi bù trừ tiền thu hồi hàng hóa (nếu có) chậm nhất vào ngày 15/9/2016.
Tuy nhiên, Công ty Đ vẫn không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi cho KCV và cũng không có phản hồi tới KCV về việc thu hồi hàng tồn kho. Vì vậy, KCV khởi kiện Công ty Đ và yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty Đ phải thanh toán một lần cho KCV số tiền 1.309.840.165 đồng (Một tỷ, ba trăm lẻ chín triệu, tám trăm bốn mươi nghìn, một trăm sáu năm đồng); trong đó bao gồm: Nợ gốc 793.582.107 đồng (Bẩy trăm chín mươi ba triệu, năm trăm tám mươi hai nghìn, một trăm lẻ bẩy đồng), tiền lãi tính đến ngày 15/9/2017 là 516.258.058 đồng (Năm trăm mười sáu triệu, hai trăm năm mươi tám nghìn, không trăm năm tám đồng) và tiếp tục trả lãi cho đến khi thanh toán xong nợ.
Tại các phiên hòa giải và trong quá trình giải quyết vụ án, đại diện theo ủy quyền của bị đơn là bà Hoàng Thị T trình bày:
Công ty Đ và KCV có ký kết hợp đồng phân phối số RR.34500055.KCV 15 ngày 01/01/2015. Tuy nhiên, đến ngày 21/5/2015 KCV mới chuyển bản hợp đồng trên qua mail cho Công ty Đ in ra để ký. Đến nay Công ty Đ chưa nhận được bản hợp đồng gốc từ KCV.
Ngày 15/4/2015, Công ty Đ làm đơn xin chấm dứt hợp đồng trên và xin không hoạt động kể từ ngày 01/5/2015. Và lý do Công ty Đ ký hợp đồng sau khi làm đơn xin chấm dứt hợp đồng là thể hiện tinh thần hợp tác của Công ty Đ và để KCV tạo điều kiện thu hồi hàng tồn kho cho Công ty Đ.
Trong thời gian từ ngày 01/4/2015 đến ngày 13/5/2015, Giám đốc bán hàng và phụ trách vùng của KCV có đề nghị Công ty Đ tiếp tục hỗ trợ làm nhà phân phối cho đến khi có nhà phân phối mới. Do vậy, Công ty Đ vẫn tiếp tục nhập hàng và thanh toán 07 hóa đơn từ 31/3/2015 đến 13/5/2015. Số tiền 793.582.107 đồng (Bẩy trăm chín mươi ba triệu, năm trăm tám mươi hai nghìn, một trăm lẻ bẩy đồng) là số tiền còn nợ của những đơn hàng trước đó (Thời điểm chưa chấm dứt hợp đồng).
Công ty Đ xác nhận còn nợ KCV số tiền hàng là 793.582.107 đồng (Bẩy trăm chín mươi ba triệu, năm trăm tám mươi hai nghìn, một trăm lẻ bẩy đồng) là đúng. Tuy nhiên, Công ty Đ trình bày lý do chưa thanh toán là: Sau khi có đơn xin chấp dứt hợp đồng, ngày 14/5/2015 Công ty Đ đã chủ động kiểm kê hàng tồn kho và gửi thông báo số 02 ngày 30/8/2015 cho KCV với nội dung thể hiện rõ số hàng tồn kho của Công ty Đ, tính đến thời điểm ngày 14/7/2015 giá trị hàng tồn là 1.726.555.754 đồng (Một tỷ, bẩy trăm hai mươi sáu triệu, năm trăm năm mươi năm nghìn, bẩy trăm năm tư đồng), trong khi Công ty Đ còn nợ KCV số tiền là 793.582.107 đồng (Bẩy trăm chín mươi ba triệu, năm trăm tám mươi hai nghìn, một trăm lẻ bẩy đồng). Tại thời điểm trên nếu KCV cử người đến tiến hành thu hồi hàng tồn kho thì Công ty Đ không những thanh toán được nợ mà KCV còn phải trả lại cho Công ty Đ số tiền còn thừa là 932.973.647 đồng (Chín trăm ba mươi hai triệu, chín trăm bẩy mươi ba nghìn, sáu trăm bốn bẩy đồng).
Sau khi Công ty Đ gửi thông báo số 02 ngày 30/8/2015 không thấy KCV có ý kiến phản hồi nên Công ty Đ đã bán giảm giá một số sản phẩm để thu hồi vốn cũng như giảm chi phí kho bãi. Ngày 16/9/2015, Công ty Đ nhận được thông báo số 43 của KCV với nội dung yêu cầu Công ty Đ thanh toán nợ gốc và đưa ra 03 nguyên tắc để thu hồi hàng tồn, tại thời điểm này thì Công ty Đ đã bán một số hàng, số còn lại không đáp ứng đủ các nguyên tắc của KCV đưa ra để thu hồi hàng tồn nên Công ty Đ không có ý kiến phản hồi theo thông báo số 43 ngày 07/9/2015 và thông báo số 47 ngày 31/8/2016 của KCV.
Do sự chậm trễ trong việc tiến hành thu hồi hàng tồn kho từ phía KCV dẫn đến Công ty Đ bị thiệt hại như sau: Tiền lãi Ngân hàng với số vốn bị tồn đọng và tiền kho bãi là 88.800.000 đồng (Tám mươi tám triệu, tám trăm nghìn đồng); tháng 6/2015, KCV thay đổi mẫu mã và lên giá sản phẩm nên Công ty Đ phải bán giảm giá các sản phẩm tồn kho để thu hồi vốn thiệt hại 378.000.000 đồng (Ba trăm bẩy mươi tám triệu đồng). Tổng thiệt hại Công ty Đ phải chịu là 466.800.000 đồng (Bốn trăm sáu mươi sáu triệu, tám trăm nghìn đồng). Hiện nay Công ty Đ còn tồn kho số hàng trị giá 300.000.000 đồng (Ba trăm triệu đồng) hết hạn sử dụng và không bán được.
Công ty Đ đề nghị KCV tạo điều kiện thu hồi số hàng tồn kho trên để bù trừ công nợ. Công ty Đ đang gặp khó khăn về tài chính nên đề nghị KCV miễn khoản tiền lãi cho nhà phân phối để tạo điều kiện cho nhà phân phối có khả năng thanh toán nợ gốc cho KCV.
Tại Bản án sơ thẩm số 08/2017/KDTM-ST ngày 15/9/2017 của Tòa án nhân dân quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng quyết định:
Căn cứ khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ Điều 166; Điều 167; Điều 176; Điều 306 Luật Thương mại;
Căn cứ khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016; xử:
Buộc Công ty Đ phải trả cho KCV khoản tiền: Nợ gốc là 793.582.107 đồng (Bẩy trăm chín mươi ba triệu, năm trăm tám mươi hai nghìn, một trăm lẻ bẩy đồng) và tiền lãi do chậm trả tính đến ngày xét xử (Ngày 15/9/2017) là 267.404.435 đồng (Hai trăm sáu mươi bẩy triệu, bốn trăm lẻ bốn nghìn, bốn trăm ba lăm đồng). Tổng cộng là 1.060.986.542 đồng (Một tỷ, không trăm sáu mươi triệu, chín trăm tám mươi sáu nghìn, năm trăm bốn hai đồng).
Bác yêu cầu của nguyên đơn đòi bị đơn phải trả số tiền lãi là 248.853.623 đồng (Hai trăm bốn mươi tám triệu, tám trăm năm mươi ba nghìn, sáu trăm hai ba đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
Ngoài ra, bản án còn quyết định về nghĩa vụ chịu án phí, quyền kháng cáo và quyền yêu cầu thi hành án của đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 26/9/2017, bị đơn Công ty Đ có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Nội dung kháng cáo: Không chấp nhận việc Tòa án quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng buộc Công ty Đ phải trả khoản tiền lãi cho KCV. Với lý do là KCV không hỗ trợ thu hồi hàng tồn kho dẫn đến hàng hết hạn sử dụng không bán được gây thiệt hại cho Công ty Đ và đề nghị KCV phải miễn lãi cho Công ty Đ.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện của nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, người kháng cáo vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo và các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Đại diện của bị đơn là chị Hoàng Thị T trình bày:
Bà thừa nhận Công ty Đ có ký hợp đồng phân phối số RR.34500055.KCV15 ngày 01/01/2015 với KCV và còn nợ KCV số tiền 793.582.107 đồng (Bẩy trăm chín mươi ba triệu, năm trăm tám mươi hai nghìn, một trăm lẻ bẩy đồng). Nhưng đề nghị KCV miễn tiền lãi cho Công ty Đ và thu hồi số hàng tồn kho với giá trị khoảng 300.000.000 đồng (Ba trăm triệu đồng) để bù trừ nợ. Bà cho rằng từ trước tới nay và trên toàn quốc KCV đều thu hồi hàng tồn kho của các nhà phân phối. Vì vậy, KCV cũng phải thu hồi hàng cho Công ty Đ.
Đại diện của nguyên đơn là chị Bùi Thị L trình bày:
KCV có thu hồi hàng cho các nhà phân phối trong đó có cả nhà phân phối- Công ty Đ. Nhưng hàng hóa mà KCV thu hồi từ các nhà phân phối phải đáp ứng các điều kiện mà KCV đưa ra. Cũng như các nhà phân phối khác, KCV đã gửi văn bản tới Công ty Đ về các điều kiện thu hồi hàng nhưng Công ty Đ không trả lời. Và Trong hợp đồng phân phối được các bên ký kết không quy định trách nhiệm KCV phải thu hồi hàng cho Công ty Đ. Do hàng tồn kho của Công ty Đ không đáp ứng đủ các điều kiện của KCV nên KCV không đồng ý thu hồi hàng của Công ty Đ và cũng không đồng ý với đề nghị miễn lãi của Công ty Đ.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến:
Từ khi thụ lý vụ án đến phiên tòa ngày hôm nay, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và những người tham gia tố tụng đã chấp hàng đúng quy định của BLTTDS. Đơn kháng cáo phù hợp với quy định của pháp luật. Về đường lối giải quyết vụ án: Không chấp nhận kháng cáo của Công ty Đ vì trong hợp đồng phân phối được các bên ký kết không quy định KCV phải có trách nhiệm thu hồi hàng tồn của Công ty Đ. Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 306 Luật Thương mại để chấp nhận một phần lãi suất của số tiền chậm trả là đúng với quy định của pháp luật. Vì vậy, căn cứ khoản 1 Điều 308 BLTTDS đề nghị Hội đồng xét xử bác đơn kháng cáo, giữ nguyên Bản án số 08/2017/KDTM-ST ngày 15/9/2017 của Tòa án nhân dân quận Lê Chân.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng:
Theo nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm thì quan hệ tranh chấp giữa KCV và Công ty Đ là tranh chấp hợp đồng đại lý là chưa chính xác. Bởi lẽ, theo Điều 166 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “ Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thỏa thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hóa cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao”.
Theo Điều 170 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “ Bên giao đại lý là chủ sở hữu đối với hàng hóa hoặc tiền giao cho bên đại lý”.
Như vậy, chủ thể của hợp đồng đại lý bao gồm “ Bên giao đại lý” và “ Bên đại lý” và quyền sở hữu hàng hóa không chuyển giao cho bên đại lý.
Theo Hợp đồng phân phối số RR.34500055.KCV15 ngày 01/01/2015 thì KCV là “ Nhà cung cấp” và Công ty Đ là “Nhà phân phối”. Tại Điều 12 của hợp đồng quy định: “ Quyền sở hữu và rủi ro đối với tất cả các sản phẩm được mua bán theo hợp đồng này sẽ chuyển sang cho Nhà phân phối ngay khi các sản phẩm được giao cho Nhà phân phối. Nhà phân phối sẽ chịu mọi rủi ro có thể xảy ra cho các sản phẩm kể từ khi sản phẩm được giao cho Nhà phân phối...”. Như vậy, quyền sở hữu hàng hóa được chuyển giao từ khi Công ty Đ nhận hàng của KCV.
Vì vậy, quan hệ tranh chấp giữa KCV với Công ty Đ trong trường hợp này là tranh chấp hợp đồng phân phối hàng hóa, nhưng vấn đề này không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án.
[2] Về nội dung:
[2.1] Xét Hợp đồng phân phối số RR 34500055.KCV15 ngày 01/01/2015.
Hội đồng xét xử thấy rằng các bên có ký hợp đồng sau ngày có hiệu lực của hợp đồng (Ngày 01/01/2015), nhưng việc ký kết hợp đồng trên tinh thần tự nguyện, hình thức và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Mặt khác, các bên đã thực hiện hợp đồng thông qua việc giao nhận hàng hóa theo các hóa đơn, xuất hóa đơn, thanh toán tiền hàng cho các hóa đơn và đối chiếu công nợ. Như vậy, thể hiện Công ty Đ đã chấp nhận lời đề nghị, đồng ý giao kết và đã thực hiện hợp đồng trên thực tế với nhà cung cấp KCV. Hơn nữa, ngày 15/4/2015 Công ty Đ có đơn xin chấm dứt hợp đồng và nguyên đơn chấp nhận việc chấm dứt hợp đồng của Công ty Đ. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định hợp đồng phân phối phát sinh hiệu lực là có căn cứ.
[2.2] Đối với yêu cầu thanh toán số tiền 793.582.107 đồng (Bẩy trăm chín mươi ba triệu, năm trăm tám mươi hai nghìn, một trăm lẻ bầy đồng) của 07 hóa đơn trên và khoản 516.258.058 đồng (Năm trăm mười sáu triệu, hai trăm năm mươi tám nghìn, không trăm năm tám đồng) tiền lãi phát sinh tính đến ngày 15/9/2017.
Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa đại diện của Công ty Đ thừa nhận còn nợ KCV số tiền 793.582.107 đồng (Bẩy trăm chín mươi ba triệu, năm trăm tám mươi hai nghìn, một trăm lẻ bầy đồng) của 07 hóa đơn như phía nguyên đơn trình bày. Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự (Sau đây viết tắt là BLTTDS) quyết định buộc Công ty Đ trả số tiền trên cho KCV là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật.
Về khoản tiền lãi 516.258.058 đồng (Năm trăm mười sáu triệu, hai trăm năm mươi tám nghìn, không trăm năm tám đồng) Tòa án xét thấy:
Theo thỏa thuận tại khoản 9.3 Điều 9 của hợp đồng phân phối quy định: “Trường hợp thanh toán trễ hạn quá thời hạn 13 ngày từ ngày Nhà cung cấp phát hành hóa đơn Giá trị gia tăng, Nhà cung cấp có quyền tính lãi trên số tiền nợ với mức lãi suất 2.25% mỗi tháng tính từ ngày đến hạn phải trả đến ngày thanh toán...”.
Theo quy định tại Điều 306 Luật thương mại thì: “ Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng mức lãi suất 14%/năm - Nợ quá hạn trung bình của 03 (Ba) ngân hàng là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (lãi suất nợ quá hạn 12%/năm), Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam (lãi suất nợ quá hạn 14.25%/năm) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (lãi suất 15.75%/năm) để áp dụng cho trường hợp chậm thanh toán tiền hàng của 07 hóa đơn trên đối với Công ty Đ là phù hợp với quy định của pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận số tiền lãi 267.404.435 đồng (Hai trăm sáu mươi bẩy triệu, bốn trăm lẻ bốn nghìn, bốn trăm ba năm đồng) và không chấp nhận phần vượt quá 248.853.623 đồng (Hai trăm bốn mươi tám triệu, tám trăm năm mươi ba nghìn, sáu trăm hai ba đồng) là đúng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện của nguyên đơn là chị Bùi Thị L không đồng ý miễn, giảm lãi suất cho Công ty Đ nên Hội đồng xét thấy không có cơ sở để chấp nhận đề nghị của bị đơn và giữ nguyên phần lãi suất như án sơ thẩm.
[2.3] Đối với yêu cầu thu hồi hàng tồn kho của Công ty Đ:
Tại Hợp đồng phân phối số RR 34500055.KCV15 ngày 01/01/2015, không quy định KCV phải có trách nhiệm thu hồi hàng tồn kho của Công ty Đ. Tuy nhiên, sau khi nhận được văn bản xin chấm dứt hợp đồng đề ngày 15/4/2015; văn bản số 02 đề ngày 30/8/2015 và văn bản số 03 đề ngày 17/8/2016 của Công ty Đ, KCV đã gửi các văn bản số 43 ngày 07/9/2015; 46 ngày 11/8/2016; 47 ngày 31/8/2016 với nội dung yêu cầu Công ty Đ thanh toán tiền hàng còn thiếu và kiểm kê, sắp xếp phân loại và thông báo cho KCV về số lượng hàng còn đáp ứng đủ 03 nguyên tắc để thực hiện việc thu hồi hàng tồn kho của Công ty Đ nhưng Công ty Đ không trả lời. Và theo đại diện của Công ty Đ thì do sự chậm trễ trong việc thu hồi hàng của KCV và Công ty đang gặp khó khăn nên Công ty đã bán lỗ một số sản phẩm, số còn lại không đáp ứng đủ 03 nguyên tắc của KCV đưa ra nên đã không trả lời KCV.
Mặt khác, theo quy định Điều 12 của hợp đồng phân phối thì: “ Quyền sở hữu và rủi ro đối với tất cả các sản phẩm được mua bán theo hợp đồng này chuyển sang cho Nhà phân phối ngay khi các sản phẩm được giao cho Nhà phân phối...”. Như vậy, việc bán hoặc sử dụng sản phẩm như thế nào thuộc quyền của Công ty Đ.
Và tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện của KCV không đồng ý với đề nghị thu hồi hàng tồn kho để bù trừ nghĩa vụ của Công ty Đ. Vì vậy, Tòa án không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị đơn.
[3] Về án phí: Do Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm nên Công ty Đ phải chịu án phí phúc thẩm theo khoản 1 Điều 148 của BLTTDS.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự; Áp dụng khoản 1 Điều 30, Điều 147, Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự;Điều 176, Điều 306 Luật Thương mại; Điều 26 và Điều 29 Nghị quyế số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 08/2017/KDTM-ST ngày 15/9/2017 của Tòa án nhân dân quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.
Buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Đ phải trả cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn K khoản tiền: Nợ gốc 793.582.107 đồng (Bẩy trăm chín mươi ba triệu, năm trăm tám mươi hai nghìn, một trăm lẻ bẩy đồng) và tiền lãi tính đến ngày xét xử sơ thẩm (Ngày 15/9/2017) là 267.404.435 đồng (Hai trăm sáu mươi bẩy triệu, bốn trăm lẻ bốn nghìn, bốn trăm ba lăm đồng). Tổng cộng cả gốc và lãi là: 1.060.986.542 đồng (Một tỷ, không trăm sáu mươi triệu, chín trăm tám mươi sáu nghìn, năm trăm bốn hai đồng).
Bác yêu cầu của nguyên đơn đòi bị đơn phải trả số tiền lãi là 248.853.623 đồng (Hai trăm bốn mươi tám triệu, tám trăm năm mươi ba nghìn, sáu trăm hai ba đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi thành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
- Về án phí:
Án phí sơ thẩm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn K phải chịu 12.442.681 đồng (Mười hai triệu, bốn trăm bốn mươi hai nghìn, sáu trăm tám mốt đồng) án phí sơ thẩm nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tiền tám ứng số 0004306 ngày 19/4/2017 của Chi cục thi hành án dân sự quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Hoàn trả 11.557.319 đồng (Mười một triệu, năm trăm lăm mươi bẩy nghìn, ba trăm mười chín đồng) cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn K. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Đ phải chịu 43.829.596 đồng (Bốn mươi ba triệu, tám trăm hai mươi chín nghìn, năm trăm chín sáu đồng) tiền án phí sơ thẩm.
Án phí phúc thẩm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Đ phải chịu 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) tiền án phí phúc thẩm nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm số 0004699 ngày 29/9/2017 của Chi cục thi hành án dân sự quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và Điều 9 của Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 08/2018/KDTM-PT ngày 01/02/2018 về tranh chấp hợp đồng phân phối hàng hóa
Số hiệu: | 08/2018/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Phòng |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 01/02/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về