TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 41/2017/KDTM-PT NGÀY 26/09/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
Ngày 26 tháng 9 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 05/2017/TLPT-KDTM ngày 16 tháng 02 năm 2017 về việc Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa.
Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 1061/2016/KDTM-ST ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 432/2017/QĐ-PT ngày 12 tháng 7 năm 2017 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty cổ phần thương mại sản xuất tôn T
Địa chỉ: Đường 01 khu công nghiệp P, huyện T, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn:
1/ Bà Nguyễn Thị T1 (có mặt)
2/ Ông Trần Văn T2 (có mặt)
3/ Ông Ngô Minh T3 (có mặt)
4/ Ông Nguyễn Hải T4 (có mặt)
Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Luật sư Trương Thị H – Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).
- Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn A
Địa chỉ: Đường 3/2 phường 7, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Trần Hữu L (có mặt)
Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Luật sư Huỳnh Anh T5– Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt)
- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Công ty Trách nhiệm hữu hạn T6
Địa chỉ: Đường V phường 4, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh
Người đại diện hợp pháp cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
1/ Ông Vũ Chí C (có mặt)
2/ Ông Lưu Nguyên H1 (có mặt)
Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Luật sư Trần Văn V – Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh (có mặt)
- Người làm chứng:
1/ Ông Trần Anh T7– Giám định viên phân viện Khoa học hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh (có mặt)
2/ Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3
Người đại diện hợp pháp: Ông Nguyễn Hoài N (có mặt)
3/ Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Người đại diện hợp pháp: Ông Nguyễn Trọng H2 (có mặt)
4/ Ông Nguyễn Trọng H2 – Cán bộ Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (có mặt).
- Người kháng cáo: Nguyên đơn công ty cổ phần thương mại sản xuất tôn T
NỘI DUNG VỤ ÁN
Nguyên đơn trình bày:
Ngày 19/01/2009, công ty cổ phần thương mại sản xuất tôn T (công ty T) ký hợp đồng mua bán một máy biến áp cách ly nhãn hiệu nổi tiếng SUTUDO 1.000 KVA 3 pha/220V của công ty trách nhiệm hữu hạn A(công ty A) với điều kiện hàng mới 100% đúng quy cách và tiêu chuẩn sản xuất, thời gian bảo hành 02 năm, để lắp đặt tại nhà máy sản xuất tôn T ở khu công nghiệp P, huyện T tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhằm phục vụ cho 13 tủ điều khiển hệ thống tôn mạ màu của công ty.
Sau khi lặp đặt máy biến áp và chạy thử dây chuyền từ ngày 19/7/2008 đến ngày 25/7/2008 (chạy nguội để cân chỉnh máy móc thiết bị), từ ngày 27/7/2008 đến ngày 08/8/2008 chạy nóng ra sản phẩm để kiểm tra chất lượng. Trong ngày 08/8/2008, dây chuyền hoạt động bình thường từ 7 giờ sáng đến 16 giờ 30 phút thì ngưng sản xuất. Sau khi kiểm tra 30 phút toàn bộ hệ thống điều khiển của dây chuyền máy mạ tôn màu và cúp điện để nghỉ, riêng máy biến áp vẫn được cấp nguồn để phục vụ cho cầu trục (palan) khi cần, đến 19 giờ 15 phút cùng ngày thì xảy ra cháy.
Vụ cháy xảy ra đã gây thiệt hại về tài sản tổng cộng 10.626.934.073 đồng cho công ty T. Phòng cảng sát phòng cháy chữa cháy tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kết luận nguyên nhân cháy là do hệ thống đồng hồ đo, hệ thống báo khói và đường dây dẫn điện trong máy biến thế.
Công ty T đã gửi thông báo thiệt hại và đề nghị đơn vị bán hành bàn bạc phương thức giải quyết hậu quả thiệt hại do máy biến áp gây ra nhưng công ty A cố tình trốn tránh trách nhiệm, không hợp tác. Do đó, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc công ty A và công ty T6 phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho công ty T với số tiền bồi thường là 6 tỷ đồng.
Bị đơn trình bày: Công ty A không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trình bày: Công ty trách nhiệm hữu hạn T6 (công ty T6) không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 1061/2016/KDTM-ST ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định: Áp dụng Điều 91 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Điều 303 của Luật Thương mại 2005
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn công ty cổ phần thương mại sản xuất tôn T đòi công ty trách nhiệm hữu hạn Avà công ty trách nhiệm hữu hạn T6 phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho công ty cổ phần thương mại và sản xuất tôn T số tiền 5.722.000.000 đồng.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, thi hành án và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 15/10/2016 nguyên đơn công ty cổ phần thương mại sản xuất tôn T kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm.
Tại phiên toà Công ty T vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho Công ty T phát biểu ý kiến:
+ Máy biến áp do Công ty T6 sản xuất không đúng tiêu chuẩn chất lượng quy định, không công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo quy định, trên sản phẩm không có gắn bảng thông số kỹ thuật.
+ Trong kết luận giám định của Phân Viện Khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh có đề cập 02 yếu tố nghi ngờ là nguyên nhân gây cháy. Phía Công ty T đã loại trừ nguyên nhân thứ hai là buồng điều khiển không thông thoáng do suy luận nhiệt độ bên ngoài máy biến áp không thể cao đến mức có thể gây ra cháy. Như vậy, nguyên nhân cháy chỉ có thể phát sinh bên trong máy biến áp.
+ Kết quả giám định của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cho thấy tiết diện dây dẫn thực tế của máy biến áp nhỏ hơn rất nhiều so với tiết diện dây dẫn theo quy định của hợp đồng mua bán máy biến áp giữa Công ty T và Công ty A.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Công ty T đã đề nghị Hội đồng xét xử sơ thẩm cho giám định lại máy biến áp để đảm bảo tính khách quan của vụ án, nhưng không được chấp nhận. Do vậy đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm.
Ngoài ra, Luật sư còn cho rằng vụ án trên không thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho Công ty T6 phát biểu:
+ Theo kết luận giám định của phân Viện khoa học hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh không khẳng định rõ nguyên nhân vụ cháy.
+ Việc lấy mẫu dây dẫn trong máy biến áp để giám định của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 không có sự chứng kiến của Công ty A và Công ty T6, nên không thể xác định được mẫu đưa đi thử có phải là dây dẫn của máy biến áp trên không.
+ Công ty T đã vi phạm quy định của Bộ Công thương về việc lắp đặt thiết bị để phòng cháy chữa cháy.
+Bảng thông số kỹ thuật của máy biến áp đã gửi cho Công ty T chính là việc công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty T, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm:
+ Về tố tụng: Hội đồng xét xử và các đương sự đều thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
+ Về nội dung: Qua xem xét hồ sơ cũng như tranh luận tại phiên toà, qua kết quả giám định của Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 thì các dây dẫn không đảm bảo chất lượng. Nhưng do việc lấy mẫu đi giám định không đảm bảo khách quan nên không được chấp nhận. Căn cứ vào kết luận giám định của Phân viện khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh thì cho rằng có 2 yếu tố có khả năng xảy ra cháy, nhưng lại không khẳng định được yếu tố nào. Do vậy, không có cơ sở xác định lỗi của bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong hợp đồng mua bán này. Nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ kết quả tranh luận tại phiên toà, nghe lời phát biểu của Đại diện Viện kiểm sát,
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về thẩm quyền, về thời hiệu như nhận định của Toà án cấp sơ thẩm là có căn cứ phù hợp pháp luật.
[2] Về nội dung: Xét hợp đồng mua bán máy biến áp giữa Công ty T và Công ty A là có thật thông qua hợp đồng ngày 19/01/2008. Để thực hiện hợp đồng mua bán trên Công ty A đã hợp đồng với Công ty T6 sản xuất máy biến áp theo thông số kỹ thuật mà Công ty T đã ký với Công ty A.
Sau khi lắp đặt máy cho chạy thử và chạy ra sản phẩm đến ngày 08/8/2008 thì xảy ra cháy. Nay Công ty T cho rằng máy biến áp do Công ty T6 sản xuất không đúng chất lượng theo quy định đã cháy máy và các tài sản khác, nên yêu cầu Công ty A và Công ty T6 liên đới bồi thường số tiền 5.722.000.000 đồng.Chứng cứ mà Công ty T xuất trình để chứng minh cho yêu cầu của mình là Bản kết luận giám định ngày 09/10/2008 của Phân Viện Khoa Học hình sự (thuộc Bộ Công An ) tại thành phố Hồ Chí Minh và Thông báo kết quả thẩm định kỹ thuật ngày 24/11/2008 của Trung Tâm kỷ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3.
Tại bản kết luận giám định ngày 09/10/2008 của Phân Viện Khoa Học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh kết luận: “Nổi lên khả năng nguyên nhân cháy là do đường dây dẫn điện lắp đặt bên trong máy biến thế chịu tác động của nhiệt độ cao bên trong máy biến thế, đồng thời chịu ảnh hưởng bởi sự thoát nhiệt chậm trong không gian kém thông thoáng của buồng điều khiển, dẫn đến vỏ của dây dẫn bị suy giảm độ cách điện làm phát sinh sự cố phóng điện giữa các lõi dây dẫn. Sự cố phóng điện phát sinh hồ quang điện mang nhiệt độ cao đốt cháy vỏ cách điện của dây dẫn và cháy lan sang các dây dẫn xung quanh, từ đây đám cháy phát triển ra các hướng”.
Xét thấy, bản kết luận trên không khẳng định rõ nguyên nhân cháy mà chỉ nêu 2 yếu tố có thể là nguyên nhân đã gây ra vụ cháy: yếu tố thứ nhất (nếu được xác định) thuộc phạm vi trách nhiệm của nhà sản xuất tức Công ty T6, yếu tố thứ hai nếu được xác định) thuộc phạm vi trách nhiệm của bên sử dụng là Công ty T. Công ty T đã tự loại trừ yêu tố thứ hai và khẳng định nguyên nhân cháy là do yếu tố thứ nhất vì căn cứ vào thông báo kết quả thẩm định kỹ thuật ngày 24/11/2008 của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 là các tiết diện trung bình của các dây dẫn trong máy biến áp không đạt tiêu chuẩn mà các bên đã thoả thuận trong hợp đồng.
Như nhận định của Toà án cấp sơ thẩm: Việc lấy mẫu các dây dẫn để đưa đi giám định tại trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 do Công ty T đơn phương thực hiện cùng cơ quan giám định, không có sự chứng kiến của đại diện Công ty T6 và Công ty A (Điều này các bên đương sự đều thừa nhận) nên không đảm bảo tính khách quan. Do đó, kết quả thẩm định của Trung Tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 không thể chấp nhận là chứng cứ để chứng minh quy lỗi cho Công ty T6 và Công ty A được. Từ việc chứng cứ này không được chấp nhận dẫn đến việc suy luận của Công ty T tự loại trừ yếu tố thứ 2 là không có cơ sở.
Để loại trừ yếu tố thứ 2 thì công ty T lại không xuất trình cho Toà án bảng vẽ bố trí dây chuyền, hồ sơ thẩm định phòng cháy chữa cháy, biên bản nghiệm thu phòng cháy chữa cháy để chứng minh rằng công ty T đã thực hiện việc đặt máy trong môi trường đúng quy định về kỷ thuật, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy để loại trừ nguyên nhân cháy từ yếu tố thứ 2 như lời trình bày của công ty T. Vấn đề này cũng liên quan đến việc Công ty T yêu cầu Toà án cho giám định lại máy biến áp. Nhưng, xét thấy, tại phiên toà công ty A và công ty T6 cho rằng không còn nguyên hiện trạng lúc xảy ra sự cố cụ thể: máy biến áp đã bị tháo niêm phong và buồng đặt máy biến áp đã được công ty T tháo dỡ di dời. Do vậy, không chấp nhận yêu cầu này của công ty T.
Từ phân tích trên cho thấy Công ty T khởi kiện đòi bồi thường nhưng không đưa được các chứng cứ để chứng minh căn cứ phát sinh lỗi của Công ty A và Công ty T6. Do vậy, kháng cáo của Công ty T không có cơ sở để chấp nhận.
[3] Do bản án sơ thẩm được giữ nguyên nên Công ty T phải nộp án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng khoản 1 Điều 308, khoản 1 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
- Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty cổ phần Thương mại sản xuất Tôn T.
Áp dụng Điều 91 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Điều 303 của Luật thương mại năm 2005.
1/ Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của công ty cổ phần thương mại sản xuất tôn T đòi công ty trách nhiệm hữu hạn A và công ty Trách nhiệm hữu hạn T6 phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho công ty cổ phần thương mại và sản xuất Tôn T số tiền 5.722.000.000 đồng.
2/ Án phí: Công ty cổ phần Thương mại sản xuất tôn T phải nộp 32.722.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Được khấu trừ tiền tạm ứng án phí 16.500.000 đồng theo biên lai thu số 001924 ngày 27/11/2008 của Chi cục thi hành án dân sự Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty cổ phần Thương mại sản xuất Tôn T còn phải nộp thêm 16.222.000 đồng.
Công ty cổ phần Thương mại sản xuất tôn T phải nộp 200.000 đồng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm. Được khấu trừ tiền tạm ứng án phí kháng cáo theo biên lai thu số 0031464 ngày 28/10/2016 của Cục thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
Bản án 41/2017/KDTM-PT ngày 26/09/2017 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
Số hiệu: | 41/2017/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 26/09/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về