Bản án 07/2021/DS-PT ngày 27/05/2021 về tranh chấp quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

 BẢN ÁN 07/2021/DS-PT NGÀY 27/05/2021 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

 Ngày 27/5/2021, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hà Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 08/2021/TLPT-DS ngày 22/3/2021 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 01/2020/DS-ST ngày 20/11/2020 của Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh Hà Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 10/2021/QĐ-PT ngày 07/5/2021 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Anh Chu Văn S, sinh năm 1988. Là người thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông Chu Văn O (đã chết); địa chỉ: Thôn N, thị trấn Y, huyện Y, tỉnh Hà Giang; có mặt.

2. Bị đơn: Ông Chu Văn Q, sinh năm 1968; địa chỉ: Thôn N, thị trấn Y, huyện Y, tỉnh Hà Giang; có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Bà Viên Thị V - Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Phạm Thị L và cộng sự; địa chỉ: Số nhà, tổ, phố H, phường M, thành phố H, tỉnh Hà Giang; có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Bà Xín Thị M, sinh năm 1972; địa chỉ: Thôn N, thị trấn Y, huyện Y, tỉnh Hà Giang; vắng mặt. Người được ủy quyền: Ông Chu Văn Q; có mặt.

- Chị Chu Thị Q, sinh năm 1992; anh Ngô Văn N, sinh năm 1988; cùng địa chỉ: Thôn T, thị trấn Y, huyện Y, tỉnh Hà Giang; có mặt - Anh Lưu Công M, sinh năm 1985; chị Nguyễn Thị M, sinh năm 1990; cùng địa chỉ: Tổ, thị trấn Y, huyện Y, tỉnh Hà Giang, (chị M đã ủy quyền cho anh M tham gia tố tụng); vắng mặt.

- Ông Lâm Minh Đ, sinh năm 1972; bà Vi Thị H, sinh năm 1979; cùng địa chỉ: Tổ, thị trấn Y, huyện Y, tỉnh Hà Giang (bà H đã ủy quyền cho ông Đ tham gia tố tụng); vắng mặt.

4. Người kháng cáo: Anh Chu Văn S là người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 07/3/2019 và bản tự khai ngày 18/02/2020, nguyên đơn - ông Chu Văn O trình bày: Bố mẹ của ông Chu Văn O xây dựng gia đình và sinh ra 04 người con, ông Chu Văn O là anh cả và 3 người em trai là Chu Văn Q, Chu Văn Qg và Chu Văn L. Gia đình ông sống chung đến năm 1983 ông O đi học về, lúc đó do nảy sinh mâu thuẫn nên bố mẹ ông O đã ra ở riêng. Đến năm 1986, sau khi xuất ngũ trở về địa phương ông O và các anh em trong nhà đều lập gia đình và được ông bà, bố mẹ cho mỗi anh em ở tạm một mảnh đất. Năm 1996, ông nội ông O là cụ ông Chu Văn T chết, cả gia đình lo hậu sự cho cụ T, sau đó họp bàn thống nhất giao cho các anh em trong nhà có trách nhiệm lo hậu sự cho bà nội và bố mẹ khi chết, riêng bà nội là cụ Vàng Thị N giao cho ông Chu Văn Q chăm sóc, nuôi dưỡng, nhưng khi cụ mất ông Q thoái thác đùn đẩy trách nhiệm để ông O phải đứng ra cáng đáng việc chăm sóc bà nội khi ốm và hậu sự. Về nguồn gốc thửa đất có diện tích 1.121,3m2 tại Thôn N, thị trấn Y, huyện Y, tỉnh Hà Giang ông Chu Văn Q đang sử dụng là của cụ ông Chu Văn T và cụ bà Vàng Thị N là ông bà nội của ông O, ông Q. Khi hai cụ già yếu ông Q không có trách nhiệm chăm sóc phụng dưỡng và chôn cất nên tài sản cụ T, cụ N để lại ông Q không đủ điều kiện để hưởng phần di sản này. Không hiểu lý do làm sao ông Chu Văn Q được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) năm 2006. Việc cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Q là không đúng quy định của pháp luật, do anh em trong gia đình không đồng ý. Mặt khác, năm 1983 cụ ông Chu Văn T đã có văn bản chia đất cho ông O là người thừa kế mảnh đất mà ông Q đang sử dụng. Vì vậy, ông O đề nghị ông Q phải trả lại diện tích đất 1.121,3m2 tại Thôn N, thị trấn Y, huyện Y, tỉnh Hà Giang cho ông O quản lý, sử dụng.

Tại bản tự khai ngày 16/9/2019, quá trình giải quyết và tại phiên tòa sơ thẩm bị đơn ông Chu Văn Q trình bày: Năm 1988 ông lấy vợ và ở cùng ông bà nội là cụ ông Chu Văn T và cụ bà Vàng Thị N, đến năm 1990 ông được ông bà nội cho mảnh đất đồi gần quốc lộ, khi đó là mảnh đất nương dốc chỉ có một khoảnh khoảng 20m2 là bằng phẳng, vợ chồng ông dựng nhà để sinh sống, sau này thuê máy súc để sản ủi mảnh đất bằng phẳng. Quá trình gia đình ông làm ăn, sinh sống trên mảnh đất không tranh chấp với ai. Đến năm 2006, vợ chồng ông được UBND huyện Y cấp GCNQSDĐ tại thửa số 63, tờ bản đồ số 61 với diện tích 1.121,3m2 trong đó 150m2 là đất ở đô thị, 971,3m2 đất trồng cây lâu năm. Do gia đình đông con, kinh tế khó khăn nên đến năm 2009 vợ chồng ông mới xây được nhà do Nhà nước hỗ trợ từ nguồn hỗ trợ xây nhà của Ngân hàng Công thương, mọi việc ông O đều biết nhưng không có ý kiến gì. Theo trương trình phát triển giao thông của huyện mở rộng tuyến đường Lâm trường đi xã H, lúc đó mảnh đất nhà ông gần đường quốc lộ nên ông O nổi lòng tham dẫn đến việc tranh chấp đất đai vào năm 2012, ngày 21/3/2012 sự việc đã được giải quyết tại thôn N, lúc đó mẹ đẻ của ông là bà Nguyễn Thị T đã cho ý kiến là mảnh đất đã được chia cho ông nên ông Chu Văn O không có quyền đòi hỏi gì. Ông O cho rằng mảnh đất gia đình ông đang ở đã được ông bà, bố mẹ cho từ khi các cụ còn sống, đến năm 2006 đã được cấp GCNQSDĐ, vì vậy đề nghị Tòa án căn cứ khoản 3, 4 Điều 50 Luật đất đai năm 2003 bác yêu cầu đòi đất của ông Chu Văn O.

Tại Biên bản lấy lời khai của chị Chu Thị Q, anh Ngô Văn N là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên trong vụ án trình bày: Chị Q được ông Q tặng cho 01 thửa đất và đã được cấp GCNQSDĐ; ngoài ra chị Q và anh Ngô Văn N còn nhận chuyển nhượng 02 thửa đất từ chị Chu Thị H với chiều ngang 5m, sâu hết đất và gia đình Bà Đào Thị P, ông Trần Quang Đ với diện tích chiều ngang 5,5m, sâu hết đất tuy nhiên chưa được cấp GCNQSDĐ. Toàn bộ diện tích trên đều nằm trong diện tích đất đang có tranh chấp giữa ông O và ông Q, chị Q và anh N không có yêu cầu độc lập trong vụ án này.

Tại Biên bản lấy lời khai, ông Lâm Minh Đ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên trong vụ án, đồng thời là người được bà Vi Thị H, (người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án) ủy quyền trình bày: Năm 2015 ông Đ và vợ là bà Vi Thị H có nhận chuyển nhượng diện tích đất 105m2 đất từ gia đình ông Vương Thế H, sau đó đến ngày 28/7/2016 vợ chồng ông được cấp GCNQSDĐ và sử dụng ổn định từ đó đến nay không tranh chấp với ai. Về nguồn gốc thửa đất này là của gia đình ông Chu Văn Q, hiện tại ông O và ông Q đang có tranh chấp đến liên quan đến diện tích đất vợ chồng ông đã nhận chuyển nhượng, tuy nhiên ông không có đề nghị gì và không yêu cầu độc lập.

Tại Biên bản lấy lời khai, anh Lưu Công M là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên, đồng thời là người được chị Nguyễn Thị M (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án) ủy quyền trình bày: Tháng 4/2019 anh M và vợ là chị Nguyễn Thị M có nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ ông bà TL với tổng diện tích là 224,6m2 sau đó vợ chồng anh tách ra làm 2 thửa và đã được cấp GCNQSDĐ số CB 052975 và số CB 052976 ngày 22/5/2019, từ khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, anh chị đã sử dụng ổn định cho đến nay và không tranh chấp với ai, nay anh biết diện tích đất của gia đình anh đã nhận chuyển nhượng thuộc một phần diện tích đất đang có tranh chấp giữa ông O và ông Q, tuy nhiên anh không có ý kiến gì và không có yêu cầu độc lập.

Biên bản xác minh với UBND thị trấn Y, huyện Y, tỉnh Hà Giang xác định thôn T trước đây là Hợp tác xã T nay tách ra gồm thôn N, và thôn T.

Quá trình giải quyết vụ án Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản xác định được thửa đất có diện tích 1.121,3m2 tọa lạc tại Thôn N, thị trấn Y, huyện Y, tỉnh Hà Giang đã được cấp GCNQSDĐ cho ông Chu Văn Q, vợ là Xín Thị M ngày 24/8/2006. Kết quả định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản kết luận, giá trị quyền sử dụng thửa đất các đương sự đang tranh chấp là 13.020.535.600đ; giá trị tài sản trên đất đang có tranh chấp là 640.588.183đ. Sau khi nghe Hội đồng định giá công bố kết quả, nguyên đơn và bị đơn đã thống nhất mức giá đối với quyền sử dụng thửa đất nêu trên là 7.863.000.000đ, giá trị tài sản trên đất là 640.588.183đ.

Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2020/DS-ST ngày 20/11/2020 của Tòa án nhân dân huyện Y quyết định:

Căn cứ vào khoản 9, khoản 16 Điều 3, Điều 54, 55, 59, 97 và khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013; Điều 158, Điều 163, Điều 164 Bộ luật dân sự; điểm a khoản 1 Điều 35, Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 165, Điều 271, 273 Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, tuyên xử:

1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Chu Văn O về việc đòi lại diện tích đất 1.121,3m2 trong GCNQSDĐ thửa đất số 63, thuộc tờ bản đồ 61 thuộc thôn T, thị trấn Y, huyện Y, tỉnh Hà Giang (nay là Thôn N, thị trấn Y, huyện Y, tỉnh Hà Giang), trong đó 150m2 là đất ở đô thị sử dụng lâu dài và 971,3m2 là đất trồng cây lâu năm thời gian sử dụng đến năm 2056. Tứ cận: Phía Bắc tiếp giáp với Quốc lộ 4C dài 39,4m; Phía Nam tiếp giáp với với đường dân sinh vào Lâm trường dài 41,5m; Phía Tây tiếp giáp với đất bà Vương Thị H dài 25,6m; Phía Đông tiếp giáp với đất ông Vàng Văn T dài 29,7m.

2. Về án phí: Nguyên đơn ông Chu Văn O phải nộp 300.000đ án phí dân sự sơ thẩm.

3. Về chi phí xem xét thẩm định và định giá tài sản: Nguyên đơn ông Chu Văn O phải chịu 1.000.000đ (một triệu đồng) nguyên đơn đã nộp đủ.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về quyền yêu cầu, thỏa thuận và tự nguyện thi hành án, bị cưỡng chế thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, do ông Chu Văn O chết nên ngày 04/01/2021 anh Chu Văn S là con trai của ông O, đồng thời là người được ông O ủy quyền trong quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm có đơn kháng cáo toàn bộ bản án số 01/2020/DS-ST ngày 20/11/2020 của Tòa án nhân dân huyện Y. Yêu cầu cấp phúc thẩm không chấp nhận bản án sơ thẩm; hủy GCNQSDĐ của ông Chu Văn Q; buộc ông Chu Văn Q trả lại thửa đất có diện tích 1.121,3m2 cho gia đình anh S.

Tại phiên tòa phúc thẩm anh Chu Văn S giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và nội dung kháng cáo.

Anh Chu Văn S trình bày: Năm 2009, cụ bà Vàng Thị N qua đời, gia đình họp bàn thống nhất giao cho ông Q đứng ra lo hậu sự cho cụ nhưng ông Q thoái thác trách nhiệm nên bố đẻ anh S là ông Chu Văn O phải đứng ra lo hậu sự. Bản thân ông Q là cháu nội của cụ N và cũng được thừa hưởng phần đất ông bà nội đề lại nhưng vô trách nhiệm, có quyền lợi thì muốn chiếm lấy. Điều 621 Bộ luật dân sự quy định: "Những người có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau theo quy định tại Luật hôn nhân gia đình như nghĩa vụ cha mẹ với con cái, giữa ông bà với cháu, giữa chị em với nhau nếu có khả năng nuôi dưỡng mà không thực hiện nuôi dưỡng, làm cho người cần được nuôi dưỡng lâm vào tình cảnh khó khăn, thiếu thốn, đói khổ hoặc nguy hiểm đến tính mạng thì không có quyền hưởng di sản của người đó". Mặt khác, ông nội anh S là Chu Văn V và ông cụ nội Chu Văn T đã có biên bản phân chia tài sản đất đai năm 1983, giao cho bố anh là ông Chu Văn O chăm sóc ông bà cụ và sẽ được hưởng toàn bộ đất đai của ông bà cụ. Ông Chu Văn Q tự ý kê khai gian dối để làm GCNQSDĐ và được cấp đất năm 2006 không hỏi ý kiến của ông bà cụ, ông bà nội cũng như anh em trong gia đình hòng chiếm đoạt tài sản của ông bà cụ, bán đất đi để hưởng lợi vào bản thân. Việc cấp đất cho ông Q là không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đúng mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Khi ông Q được cấp GCNQSDĐ bà cụ Vàng Thị N còn sống nhưng không cấp cho cụ, không có chữ ký đầy đủ của các hộ ráp ranh và cũng không có văn bản gì là bà cụ đã cho ông Q đất, anh em trong nhà cũng không ai biết, nhưng ông Q vẫn được cấp GCNQSDĐ. Vì vậy, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm:

1. Không công nhận bản án sơ thẩm.

2. Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Chu Văn Q.

3. Buộc ông Q phải trả lại thửa đất có diện tích 1.121,3m2 cho gia đình anh S.

Ý kiến của Luật sư Viên Thị V - Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Chu Văn O trình bày: Nguồn gốc đất của gia đình ông Q là do cụ T, cụ N để lại. Năm 1990 ông Q đã được ông bà nội chia cho đất để quản lý, sử dụng đồng thời ông L, Qn, O cũng được ông bà nội và bố mẹ chia cho một phần đất để canh tác. Sau khi được chia ông Q sử dụng ổn định đến năm 2006 được cấp GCNQSDĐ và sử dụng ổn định đến năm 2012 thì xảy ra tranh chấp, do khi đó đường quốc lộ 4C được mở rộng, đất đai lên giá, thửa đất nhà ông Q bám trên mặt đường QL4C, có giá trị nên mới xảy ra tranh chấp. Việc chăm sóc phụng dưỡng cụ T, cụ N ông Q cũng là người có công chăm sóc, phụng dưỡng, khi ông bà nội mất ông Q có lo chi phí mai táng chứ không phải như ông O và anh S trình bầy. Việc cấp GCNQSDĐ cho ông Q là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật về đất đai. Văn bản chia tài sản được lập từ năm 1983 mà nguyên đơn trình bầy không có cơ sở cho việc đòi lại quyền sử dụng đất của nguyên đơn. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện và toàn bộ nội dung kháng cáo của anh Chu Văn S, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 01/2020/DS-ST ngày 20/11/2020 của Tòa án nhân dân huyện Y.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Về nội dung: Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của anh Chu Văn S, áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự giữ nguyên bản án sơ thẩm, buộc anh S phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm, án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về tố tụng: Đơn kháng cáo của anh Chu Văn S là quá thời hạn luật định, tuy nhiên lý do kháng cáo quá hạn là vì ông Chu Văn O (nguyên đơn) bố đẻ của anh đột ngột qua đời nên anh phải lo mai táng cho ông O và không thực hiện được việc kháng cáo đúng hạn luật định. Tại Quyết định số 01/2021/QĐ-PT ngày 25/01/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang chấp nhận việc kháng cáo quá hạn của anh Chu Văn S là con trai của nguyên đơn - ông Chu Văn O (đã chết) và là người được ông Chu Văn O ủy quyền tham gia tố tụng trong giai đoạn giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm.

[2]. Xác định lại tư cách tham gia tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm ông Chu Văn O được xác định là nguyên đơn trong vụ án, anh Chu Văn S là người được ông Chu Văn O ủy quyền. Tuy nhiên, sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 02/12/2020 ông O chết, gia đình anh S đã họp bàn thống nhất anh Chu Văn S là người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông O, anh S làm đơn kháng cáo và tiếp tục tham gia giải quyết vụ án, do đó Tòa án cấp phúc thẩm xác định lại tư cách tham gia tố tụng của anh Chu Văn S là nguyên đơn trong vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[3]. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, xét thấy cần thu thập thêm tài liệu chứng cứ mà không thể bổ sung tại phiên tòa được, Tòa án cấp phúc thẩm ra Quyết định ủy thác thu thập chứng cứ theo quy định tại Điều 97, Điều 105 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[4]. Xét kháng cáo của anh Chu Văn S, đối với nội dung kháng cáo anh S trình bày: Năm 2009, cụ bà Vàng Thị N qua đời, ông Q (bị đơn) thoái thác trách nhiệm không lo hậu sự cho cụ, trong khi ông Q là cháu nội của cụ N và cũng được thừa hưởng phần đất ông bà nội để lại nhưng lại vô trách nhiệm. Căn cứ Điều 621 Bộ luật dân sự quy định: "Những người có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau theo quy định tại luật hôn nhân gia đình như nghĩa vụ cha mẹ với con cái, giữa ông bà với cháu, giữa chị em với nhau nếu có khả năng nuôi dưỡng mà không thực hiện nuôi dưỡng, làm cho người cần được nuôi dưỡng lâm vào tình cảnh khó khăn, thiếu thốn, đói khổ hoặc nguy hiểm đến tính mạng thì không có quyền hưởng di sản của người đó". Hội đồng xét xử thấy rằng, việc chăm sóc nuôi dưỡng, lo mai táng cho ông bà, bố mẹ là trách nhiệm, nghĩa vụ của tất cả con cháu trong gia đình. Mặc dù, quá trình giải quyết vụ án ông Q và con cháu của cụ N đều xác nhận việc tổ chức tang lễ cho cụ N được làm tại nhà ông O, nhưng điều đó không phải là căn cứ chứng minh ông Q và những cháu nội khác của cụ N không có trách nhiệm đóng góp công sức về vật chất, tinh thần để lo mai táng cho cụ. Mặt khác, nội dung đơn khởi kiện và trong suốt quá trình giải quyết tại Tòa án cấp sơ thẩm ông O đều thừa nhận từ năm 1986, sau khi ông O xuất ngũ trở về địa phương 4 anh em của ông O, trong đó có ông Q đều lập gia đình ra ở riêng trên diện tích đất có nguồn gốc của ông bà nội là cụ T, cụ N khai phá và quản lý, sử dụng ổn định, liên tục cho đến nay và nội dung đơn khởi kiện của ông O, nội dung đơn kháng cáo của anh S cũng thừa nhận ông Q "được thừa hưởng phần đất ông bà nội để lại". Như vậy, mặc nhiên ông Q và anh S thừa nhận tài sản đang tranh chấp ông Q đã được ông bà nội là cụ T và cụ N cho ông Q từ khi các cụ còn sống. Đặc biệt, năm 2006, ông Q được UBND huyện Y cấp GCNQSDĐ khi cụ N và bố mẹ đẻ của ông Q còn sống nhưng không ai có ý kiến phản đối gì về việc ông Q được cấp đất, nên diện tích 1.121,3m2 đất tại thôn T (nay là thôn N) thị trấn Y, huyện Y, tỉnh Hà Giang thuộc quyền quản lý, sử dụng của ông Q, không phải là đối tượng để chia di sản thừa kế.

[5]. Đối với nội dung kháng cáo anh S trình bày: Năm 1983, ông nội anh là Chu Văn V và cụ nội Chu Văn T đã có biên bản phân chia tài sản đất đai, giao cho ông O là bố đẻ anh chăm sóc ông bà cụ và được hưởng toàn bộ đất đai của ông bà cụ. Tại phiên tòa phúc thẩm anh Chu Văn S giao nộp cho Hội đồng xét xử phúc thẩm bản gốc viết tay "Biên bản phân chia tài sản của hai bố con là Chu Văn T và Chu Văn V" đề ngày 13/11/1983. Tuy nhiên, cũng tại phiên tòa phúc thẩm anh S và ông Q đều xác nhận cụ Chu Văn T và ông Chu Văn V không biết chữ nên chữ viết "Chu Văn T" "Chu Văn V" ở phần cuối biên bản không phải do cụ T và ông V viết ra, anh S trình bày có thể do người khác viết hộ. Hội đồng xét xử thấy rằng, tiêu đề văn bản là "Biên bản phân chia tài sản" nhưng nội dung phân chia tài sản không rõ ràng, tài sản được tạo lập trong thời kỳ cụ T và cụ N chung sống với nhau nhưng không có ý kiến của cụ N là không hợp pháp. Hơn nữa, ông V và cụ T không biết chữ, biên bản do ông Tải A H viết hộ nhưng toàn bộ văn bản không có bất cứ dấu vân tay điểm chỉ nào của ông V, cụ T nên không có cơ sở để chứng minh nội dung ghi trong biên bản là ý chí, nguyện vọng của ông V, cụ T. Một nội dung khác, trong biên bản phân chia tài sản ghi địa chỉ thường trú của cụ T và ông V là "...xóm N, xã Y, huyện Y, tỉnh Hà Giang". Tuy nhiên, từ tháng 12 năm 1975 đến tháng 9 năm 1991, theo quyết định của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên. Từ tháng 10 năm 1991 đến nay, thực hiện quyết định của Quốc hội khoá VIII, tỉnh Hà Tuyên được chia tách thành 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Như vậy, biên bản phân chia tài sản đề ngày 13/11/1983, thời điểm đó tên địa giới hành chính của tỉnh là tỉnh Hà Tuyên, nhưng biên bản lại viết là tỉnh Hà Giang, nên có căn cứ để khẳng định "Biên bản phân chia tài sản" không được lập đúng thời gian đã ghi trong văn bản, vì vậy "Biên bản phân chia tài sản" nguyên đơn giao nộp không có giá trị pháp lý.

[6]. Đi với nội dung đơn kháng cáo anh S cho rằng: Ông Q tự ý kê khai gian dối để được cấp GCNQDSĐ, không hỏi ý kiến của bà cụ N, ông bà nội anh và anh em trong gia đình hòng chiếm đoạt tài sản của ông bà cụ, bán đất đi để hưởng lợi vào bản thân. Việc cấp đất cho ông Q là không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đúng mục đích sử dụng đất, hoặc thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Khi ông Q được cấp GCNQSDĐ bà cụ Vàng Thị N còn sống nhưng không cấp cho cụ, không có chữ ký đầy đủ của các hộ ráp ranh và cũng không có văn bản gì là bà cụ đã cho ông Q đất, anh em trong nhà cũng không ai biết, nhưng ông Q vẫn được cấp GCNQSDĐ. Về nội dung kháng cáo này, Hội đồng xét xử xét thấy, tại Biên bản xác minh ngày 22/5/2021, ông Nguyễn Đình D - Phó Chủ tịch UBND huyện Y khẳng định trình tự, thủ tục cấp GCNQSDĐ đối với hộ ông Chu Văn Q, bà Xín Thị M ngày 24/8/2006 tại thửa đất số 63, tờ bản đồ số 61 thôn T (nay thuộc thôn N), thị trấn Y, huyện Y được thực hiện theo đúng trình tự của Luật đất đai. Việc cấp đất thời điểm đó theo chủ chương dồn điền đổi thửa, xét cấp GCNQSDĐ theo hình thức tập trung trên địa bàn thị trấn Y; quá trình thực hiện công khai, minh bạch, thông báo rộng rãi trên địa bàn giúp người dân được biết chủ trương của Nhà nước để họ thực hiện quyền lợi của mình. Căn cứ theo Sổ mục kê số 03, sổ địa chính số 04 do UBND huyện Y cung cấp thể hiện tại thời điểm năm 2006 vợ chồng ông Chu Văn O cũng được UBND huyện Y cấp GCNQSDĐ đối với 10 thửa đất tại đội 4, HTX T, thị trấn Y, huyện Y. Như đã phân tích tại đoạn [4] tại thời điểm ông Q được cấp GCNQSDĐ cụ N và bố mẹ ông Q đều còn sống, cụ N, bố mẹ đẻ của ông Q là ông Chu Văn V, bà Nguyễn Thị T và tất cả những người em của ông O đều ở riêng (anh S và ông Q xác nhận tại phiên tòa phúc thẩm) và sinh sống ở gần nhau, song họ không có ý kiến phản đối gì về việc ông Q đề nghị sau đó được cấp GCNQSDĐ. Vợ chồng ông Q quản lý, sử dụng đất từ năm 1990 đến khi được cấp GCNQSDĐ là 16 năm, tính đến ngày ông O khởi kiện tại Tòa án là 29 năm, quá trình ông Q sử dụng đất ổn định, công khai, ngay tình không có tranh chấp nên diện tích đất 1.121,3m2 tại thôn T (nay là thôn N) thị trấn Y, huyện Y, tỉnh Hà Giang ông Q đang quản lý, sử dụng là hợp pháp.

[7]. Mặt khác, Điều 184 Bộ luật dân sự quy định "Trường hợp có tranh chấp về quyền đối với tài sản thì người chiếm hữu được suy đoán là người có quyền đó. Người có tranh chấp với người chiếm hữu phải chứng minh về việc người chiếm hữu không có quyền", nhưng trong suốt quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm ông O và anh S không chứng minh được ông Chu Văn Q, bà Xín Thị M là người chiếm hữu không ngay tình. Căn cứ vào Biên bản xác minh ngày 22/5/2021, tại UBND huyện Y thể hiện trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp GCNQSDĐ của ông Q, bà M là có căn cứ theo quy định của Luật đất đai 2003.

[8]. Đối với ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn tại phiên tòa phúc thẩm là có cơ sở cần được chấp nhận.

[9]. Về quan điểm đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang là có căn cứ cần được chấp nhận.

[10]. Từ những phân tích nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Chu Văn O là có căn cứ, vì vậy kháng cáo của anh Chu Văn S về việc đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không công nhận bản án sơ thẩm và buộc ông Chu Văn Q phải trả lại thửa đất có diện tích 1.121,3m2 đất cho gia đình anh S không được chấp nhận.

[11]. Đối với nội dung kháng cáo, anh Chu Văn S đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy GCNQSDĐ của ông Chu Văn Q vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu nên không được xem xét giải quyết.

[12]. Về án phí phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên anh Chu Văn S phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của anh Chu Văn S, là người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Chu Văn Q, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 01/2020/DS-ST ngày 20/11/2020 của Tòa án nhân dân huyện Y, tỉnh Hà Giang.

Áp dụng khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm c khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 3, khoản 14, 15, 20 Điều 4, Điều 52 Luật đất đai năm 2003 và khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai 2013; Điều 158, 163, 164, Điều 184 Bộ luật dân sự 2015; khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 2 Điều 27, khoản 1 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Chu Văn S (người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Chu Văn O) về việc đòi ông Chu Văn Q trả lại cho gia đình anh diện tích đất 1.121,3m2 thuộc thửa đất số 63, thuộc tờ bản đồ 61 do UBND huyện Y cấp GCNQSDĐ cho ông Chu Văn Q và bà Xín Thị M ngày 24/8/2006; địa chỉ thửa: Thôn T (nay là thôn N), thị trấn Y, huyện Y, tỉnh Hà Giang, trong đó 150m2 đất ở đô thị và 971,3m2 đất trồng cây lâu năm. Thửa đất có ranh giới, tứ cận như sau:

- Phía Bắc: Giáp Quốc lộ 4C có chiều dài 39,4m;

- Phía Nam: Giáp đường dân sinh vào Lâm trường có chiều dài 41,5m;

- Phía Tây: Giáp đất bà Vương Thị H có chiều dài 25,6m;

- Phía Đông: Giáp đất ông Vàng Văn T có chiều dài 29,7m.

2. Về chi phí xem xét thẩm định và định giá tài sản: Nguyên đơn ông Chu Văn O phải chịu 1.000.000đ (một triệu đồng) nguyên đơn đã nộp đủ.

3. Về án phí:

- Án phí dân sự sơ thẩm: Anh Chu Văn S (người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Chu Văn O) phải chịu 300.000đ (ba trăm nghìn) án phí dân sự sơ thẩm, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí ông O đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Y theo biên lai số BB/2013/05781 ngày 21/8/2019.

- Án phí dân sự phúc thẩm: Kháng cáo của anh Chu Văn S không được chấp nhận nên anh Chu Văn S phải chịu 300.000đ (ba trăm nghìn) án phí dân sự phúc thẩm.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại các Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

287
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

 Bản án 07/2021/DS-PT ngày 27/05/2021 về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:07/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 27/05/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;