TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
BẢN ÁN 07/2019/DS-PT NGÀY 09/05/2019 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Ngày 09 tháng 5 năm 2019, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 03/2019/TLPT-DS ngày 16/01/2019 về việc Tranh chấp về thừa kế tài sản.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 10/2018/DS-ST ngày 02/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Hưng Yên bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 09/2019/QĐ-PT ngày 20 tháng 3 năm 2019, giữa các đương sự:
*Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị V - sinh năm 1966.
* Bị đơn: Ông Nguyễn Văn C (tức T) - sinh năm 1963.
*Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án:
1- Bà Nguyễn Thị L - sinh năm 1966.
2- Bà Nguyễn Thị V1 - sinh năm 1970.
Đều có địa chỉ: Thôn D, xã T1, huyện K, tỉnh Hưng Yên
3- Bà Nguyễn Thị H - sinh năm 1959.
Địa chỉ: Thôn B, xã T1, huyện K, tỉnh Hưng Yên
4- Bà Nguyễn Thị K1 - sinh năm 1972.
Địa chỉ: Thôn K2, xã Y, huyện Y1, tỉnh Hưng Yên
5- Bà Nguyễn Thị N - sinh năm 1952.
Địa chỉ: Thôn T2, xã Y2, huyện Y1, tỉnh Hưng Yên
6- Bà Trần Thị K3 - sinh năm 1954
Địa chỉ: Số nhà 17 Ngách 101/64 Ngõ Q, phường T3, quận H1, thành phố Hà Nội.
7- Anh Nguyễn Văn P - sinh năm 1992.
8- Chị Nguyễn Thị L1 (V2), sinh năm 1986
9- Chị Nguyễn Thị L2, sinh năm 1988
10- Chị Nguyễn Thị L3 (N1), sinh năm 1991
(anh P, chị L1, chị L2, chị L3 đều là con của ông C bà L)
11- Ủy ban nhân dân xã T1 huyện K, tỉnh Hưng Yên.
Người đại diện theo pháp luật, ông Đỗ Xuân H3 - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết xét xử, nguyên đơn bà Nguyễn Thị V trình bày: Bố bà là cụ Nguyễn Văn S có 03 vợ là cụ Phạm Thị M, cụ Nguyễn Thị L4 và cụ Nguyễn Thị V2. Cụ S và cụ M có một người con chung là ông Nguyễn Văn N1 (mất từ nhỏ, không có vợ con). Cụ S và cụ L4 có một người con là bà Nguyễn Thị N. Cụ S và cụ V2 có năm người con là bà Nguyễn Thị H, ông Nguyễn Văn C, Nguyễn Thị V, bà Nguyễn Thị V1, Nguyễn Thị K1. Ngoài ra cụ V2 còn có một người con riêng là bà Trần Thị K3. Các cụ đều yêu thương và quan tâm coi các ông bà như con đẻ của mình không có sự phân biệt giữa con chung và con riêng.
Cụ S mất năm 1982, cụ M mất năm 1949, cụ L4 mất năm 1953, cụ V2 mất năm 2013 đều không để lại di chúc. Các cụ để lại phần di sản gồm: Một ngôi nhà bốn gian lợp ngói cùng một số công trình xây trên diện tích 1.540 m2 đất ở thôn D, xã T1, huyện K, tỉnh Hưng Yên. Hiện nay gia đình vợ chồng ông C bà L đang quản lý. Bà V yêu cầu chia thừa kế di sản của bố mẹ theo quy định của pháp luật và chỉ yêu cầu chia di sản là diện tích đất, chứ không yêu cầu chia nhà vì ngôi nhà hiện nay không còn. Nguyện vọng của bà là lấy đất để bà và bà H, bà V1 và bà K1 làm nơi thờ cúng bố mẹ .
Bị đơn ông Nguyễn Văn C trình bày: Ông thừa nhận cụ S có vợ và các con chung, con riêng như bà V trình bày. Trước khi cụ V2 mất có nói cho con trai ông là Nguyễn Văn P toàn bộ diện tích đất của gia đình. Trong diện tích đất hiện gia đình ông đang quản lý, ông có san lấp và lấn một phần diện tích đất của xã, còn một phần đất gia đình được chia 06 khẩu đất 03 vào diện tích vườn thừa, chỉ còn lại có 200 m2 đất ở. Bà V và các chị em khác đòi chia thừa kế thì ông không đồng ý. Mặt khác đề nghị Tòa án xem xét tới công lao chăm sóc, nuôi và chi phí tổ chức mai táng cho bố mẹ tổng cộng hết 250.000.000 đồng. Nếu phải chia thừa kế di sản thì yêu cầu các chị em khác phải chịu trách nhiệm chung toàn bộ các chi phí này với vợ chồng ông.
* Quan điểm của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Bà Nguyễn Thị L là vợ ông C: Bà L cũng có quan điểm như ông Nguyễn Văn C không đồng ý chia di sản trên.
- Anh Nguyễn Văn P trình bày: Do trước khi mất cụ V2 có cho anh toàn bộ diện tích đất trên nên anh không nhất trí chia cho ai cả. Việc cụ V2 cho chỉ nói miệng, không có giấy tờ chứng minh.
- Bà Nguyễn Thị H, bà Nguyễn Thị V1 và bà Nguyễn Thị K1: Đề nghị phân chia di sản là phần diện tích 1.540 m2 đất ở thôn D xã T của bố mẹ theo pháp luật, chia hiện vật và sáp nhập với phần tài sản của bà V được chia để các bà làm nơi thờ cúng chung. Từ bé thì các bà đã ở trên diện tích đất này rồi, cho đến khi các bà đi lấy chồng cũng không tạo lập, xây dựng được gì cho các cụ.
- Bà Nguyễn Thị N và bà Trần Thị K3: Nếu chia di sản thừa kế thì phần tài sản được chia của hai bà sẽ giao cho ông Nguyễn Văn C được toàn quyền sử dụng, định đoạt và thực hiện nghĩa vụ thay hai bà.
- Đại diện UBND xã T1 đề nghị Tòa án xem xét buộc ông C phải giao phần diện tích đất dôi dư của gia đình ông C trả lại cho UBND xã T1. Xác định gia đình ông C bị trừ đất 03 ngoài đồng vào đất vườn thừa của các cụ là 756 m2, địa phương không xác định được trừ đất của ai trong hộ gia đình ông C.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 10/2018/DS-ST ngày 02-11-2018 của Tòa án nhân dân huyện K đã quyết định: Áp dụng: Khoản 1 Điều 3, Khoản 4 Điều 36 của Pháp lệnh thừa kế năm 1990; Khoản 2 Điều 468, Điều 610, Điều 649, Điều 650, Điều 651, Điều 652, Điều 654, Điều 660 của Bộ luật dân sự năm 2015; Khoan 5 Điều 26, điểm c khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, khoản 3 Điều 200, Điều 244, Điều 227, Điều 229, Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Điều 15 của Luật Hôn nhân gia đình năm 1959; Khoản 7 Điều 27 của Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/2/2009 về án phí Tòa án. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị V.
- Chia cho ông Nguyễn Văn C được hưởng di sản thừa kế 545 m2 đất, trong đó có 245 m2 đất công sức của vợ chồng ông.
- Chia cho bà Nguyễn Thị H, bà Nguyễn Thị V, bà Nguyễn Thị V1 và bà Nguyễn Thị K1 được hưởng di sản thừa kế gồm: 400 m2 đất. Vợ chồng ông Nguyễn Văn C và bà Nguyễn Thị L có trách nhiệm tháo dỡ tường rào xây và di chuyển toàn bộ cây cối trên đất để giao lại phần diện tích đất cho các bà H, V, V1 và K1.
(Việc phân chia trên có sơ đồ vẽ kèm theo; Người được chia quyền sử dụng đất có trách nhiệm đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
Ngoài ra, bản án còn quyết định án phí, quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 16/11/2018, ông Nguyễn Văn C kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm phân chia di sản thừa kế của các cụ theo đúng pháp luật. Xem xét công sức của vợ chồng ông về việc chi phí chăm sóc, mai táng cho các cụ.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông C, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
- Bị đơn ông C đề nghị Hội đồng xét xử phân chia đất của bố mẹ để lại cho phù hợp vì gia đình ông đã bị trừ đất ruộng canh tác ngoài đồng vào đất của các cụ. Ngoài ra, ông còn đề nghị xem xét công sức của vợ chồng ông trong việc chăm sóc, lo mai táng cho các cụ.
Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm: Thẩm phán, Hội đồng xét xử phúc thẩm và Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đương sự đã chấp hành đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình.
Về đường lối giải quyết vụ án: Kháng cáo của bị đơn có căn cứ chấp nhận. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308; Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự. Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm theo hướng đối trừ phần đất nông nghiệp của hộ gia đình ông C, cụ V2 đã bị trừ vào đất vườn thừa, áng trích công sức tôn tạo quản lý đất đai cho vợ chồng ông C sau đó phân chia di sản cho phù hợp.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện chứng cứ, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng: Bị đơn kháng cáo trong thời hạn quy định của pháp luật, đã nộp tiền tạm ứng án phí. Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên thụ lý vụ án là đúng quy định của pháp luật.
[2] Về nội dung:
[2. 1]. Về thẩm quyền giải quyết:
Nguyên đơn, bà Nguyễn Thị V khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại, Tòa án nhân dân huyện K đã thụ lý giải quyết là đúng theo quy định tại khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự.
[2.2] Về xác định thời hiệu thừa kế, người thừa kế:
Cụ Nguyễn Văn S có 03 vợ là cụ Phạm Thị M, cụ Nguyễn Thị L4 và cụ Nguyễn Thị V2. Các cụ có 06 người con chung là bà Nguyễn Thị N, bà Nguyễn Thị H, ông Nguyễn Văn C, Nguyễn Thị V, bà Nguyễn Thị V1, Nguyễn Thị K1 và một người con riêng là bà Trần Thị K3.
Cụ S mất năm 1982, cụ M mất năm 1949, cụ L4 mất năm 1953, cụ V2 mất năm 2013. Tòa cấp sơ thẩm đã xác định người thừa kế di sản của các cụ gồm 07 người con là đúng quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015.
Căn cứ vào Pháp lệnh thừa kế năm 1990, Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015, hướng dẫn của Tòa án nhân dân Tối cao về việc xác định thời hiệu thừa kế là 30 năm kể từ ngày 10/9/1990, vì vậy cấp sơ thẩm xác định thời hiệu phân chia di sản thừa kế của các cụ vẫn còn là đúng quy định của pháp luật.
[2.3] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
Bà V đề nghị Tòa án phân chia di sản của các cụ để lại. Trong quá trình giải quyết vụ án, tất cả các đương sự đều thừa nhận di sản các cụ để lại là 945 m2 đất. Vợ chồng ông C và bà L xác định năm 1993, khi chia lại ruộng, gia đình ông đã bị trừ đất nông nghiệp vào đất vườn thừa của các cụ, vì vậy hiện tại chỉ còn 200 m2 đất ở là của các cụ.
Xác minh tại Ủy ban nhân dân xã T1 cho thấy: Gia đình ông C được chia 07 khẩu gồm: Vợ chồng ông C, 04 con, cụ V2. Mỗi khẩu được chia 1,5 sào = 540 m2 đất nông nghiệp. Như vậy, theo tiêu chuẩn gia đình ông C được chia 7 khẩu x 540 m2 = 3.780 m2. Hiện tại, gia đình ông C đang quản lý sử dụng 3.024 m2 đất nông nghiệp ngoài đồng, còn lại 756 m2 đã bị trừ vào đất vườn thừa, địa phương không xác định được trừ đất của ai vào đất vườn thừa. Vì vậy để đảm bảo quyền lợi cho các bên đương sự cũng như việc giải quyết vụ án được triệt để, cần xác định đất nông nghiệp được chia theo tiêu chuẩn của cụ V2 trừ vào đất vườn thừa là 540 m2, trừ vào đất của gia đình ông C là 216 m2.
Như vậy di sản của các cụ để lại là 945 - 216 = 729 m2. Trong đó 200 m2 đất ở và 529 m2 đất vườn.
Trong quá trình giải quyết vụ án, anh Nguyễn Văn P con trai ông C trình bày trước khi chết cụ V2 có nói cho anh toàn bộ diện tích đất của các cụ, nhưng không có căn cứ chứng minh. Mặt khác, cụ V2 không có quyền định đoạt toàn bộ khối di sản của các cụ để lại. Vì vậy cần xác định di sản của các cụ để lại là 729 m2 đất.
[3]. Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn:
Ông C kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm phân chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại cho phù hợp.
Theo sơ đồ sổ sách quản lý tại địa phương, đất của các cụ để lại là 945 m2. Ông C khai đất của các cụ đã bị trừ đất nông nghiệp như đã phân tích ở trên. Cấp sơ thẩm xác định 945 m2 đất hiện nay gia đình ông C đang quản lý là di sản của các cụ để phân chia cho các đồng thừa kế là chưa chính xác, gây thiệt hại cho gia đình ông C. Vì vậy cần chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn đối với yêu cầu này. Xác định di sản của các cụ để lại là 729 m2 đất, trong đó 200 m2 đất ở và 529 m2 đất vườn. Trước khi phân chia cần áng trích công sức cho vợ chồng ông C trong quá trình duy tu tôn tạo đất là 204 m2. Còn lại 525 m2 sẽ được chia đều cho 07 người con, mỗi người được hưởng 75 m2 đất.
Do bà H, bà V, bà V1, bà K1 tự nguyện gộp lại để làm nhà thờ bố mẹ, nên bốn bà được hưởng 75 m2 ( gồm 29 m2 đất ở và 46 m2 đất vườn) x 4 = 300 m2.
Bà N, bà K3 giao cho ông C quản lý phần hai bà được hưởng, mỗi người được hưởng 75 m2 (gồm 28 m2 đất ở và 47 m2 đất vườn) x 3 = 225 m2 đất. Như vậy, ông C được quản lý sử dụng là: 204 m2 đất áng trích công sức cho vợ chồng ông, 216 m2 do trừ đất nông nghiệp của gia đình ông vào đất vườn, 225 m2 đất được thừa kế của ông và bà K3, bà N, tổng bằng 645 m2 đất.
Tại phiên tòa, ông C đề nghị xem xét công sức của vợ chồng ông trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, lo mai táng cho bố mẹ: Tại cấp sơ thẩm đã yêu cầu ông nộp tạm ứng án phí về yêu cầu này nhưng ông không nộp. Cấp sơ thẩm đã không xem xét là đúng quy định của pháp luật. Ông không kháng cáo về vấn đề này. Tại phiên tòa phúc thẩm ông đề nghị xem xét. Xét thấy đề nghị của ông cấp sơ thẩm chưa xem xét giải quyết, vì vậy Hội đồng xét xử phúc thẩm không có thẩm quyền xem xét.
[4]. Xét quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên tại phiên tòa:
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát xác định kháng cáo của bị đơn là có căn cứ, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 398; Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự. Chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm theo hướng đối trừ phần đất nông nghiệp của hộ gia đình ông C, cụ V2 đã bị trừ vào đất vườn thừa, áng trích công sức cho vợ chồng ông C, còn lại phân chia cho các đồng thừa kế. Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa là có căn cứ, được Hội đồng xét xử chấp nhận.
[5]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[6] Về án phí: Ông C kháng cáo được chấp nhận nên không phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.
Do cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm nên án phí dân sự sơ thẩm sẽ được tính toán lại cho phù hợp.
Vì các lẽ trên:
Căn cứ khoản 2 Điều 308; Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự.
QUYẾT ĐỊNH
Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, ông Nguyễn Văn C.
Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 10/2018/DS-ST ngày 02-11-2018 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Hưng Yên như sau:
* Căn cứ: Khoản 1 Điều 3, Khoản 4 Điều 36 của Pháp lệnh thừa kế năm 1990; Điều 610, Điều 649, Điều 650, Điều 651, Điều 654, Điều 660 của Bộ luật dân sự năm 2015; Khoan 5 Điều 26, điểm c khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, Điều 148; khoản 3 Điều 200, Điều 244, Điều 227 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Điều 15 của Luật Hôn nhân gia đình năm 1959; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
* Xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị V về việc yêu cầu phân chia di sản thừa kế của gia đình cụ Nguyễn Văn S và cụ Nguyễn Thị V2 theo pháp luật.
- Phân chia cho ông Nguyễn Văn C được tiếp tục quản lý sử dụng: 204 m2 đất áng trích công sức cho vợ chồng ông, 216 m2 do trừ đất nông nghiệp của gia đình ông vào đất vườn, 225 m2 đất được thừa kế của ông và bà K3, bà N, tổng bằng 645 m2 đất (Gồm: 84 m2 đất ở và 561 m2 đất trồng cây hàng năm, theo hình ABIK) thuộc một phần của thửa số 25 và thửa 52 tờ bản đồ số 46 tại thôn D, xã T1, huyện K, tỉnh Hưng Yên.
- Phân chia cho bà Nguyễn Thị H, bà Nguyễn Thị V, bà Nguyễn Thị V1 và bà Nguyễn Thị K1 mỗi người được hưởng 75 m2 đất, tổng bằng 300 m2 (Gồm:116 m2 đất ở và 184 m2 đất trồng cây hàng năm theo hình ABCDEFGH) thuộc một phần của thửa số 25 tờ bản đồ số 46 tại thôn D, xã T1, huyện K, tỉnh Hưng Yên.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn C và bà Nguyễn Thị L có trách nhiệm tháo dỡ tường rào xây và di chuyển toàn bộ cây cối để giao lại phần diện tích 300 m2 đất cho các bà H, bà V, bà V1 và bà K1.
(Việc phân chia trên có sơ đồ kèm theo; Người được phân chia quyền sử dụng đất có trách nhiệm đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
2. Về án phí:
- Án phí phúc thẩm:
Ông Nguyễn Văn C không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
- Án phí sơ thẩm: Ông Nguyễn Văn C phải chịu 4.379.250 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Đối trừ 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu số 002499 ngày 23/4/2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện K. Ông C còn phải nộp 4.079.250 đồng.
Bà Nguyễn Thị H, bà Nguyễn Thị V, bà Nguyễn Thị V1 và bà Nguyễn Thị K1 mỗi người phải chịu 1.500.500 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Đối trừ vào số tiền 1.000.000 đồng dự phí của bà V đã nộp (theo biên lai thu số 009879 ngày 15/07/2014 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện K) nên riêng bà Nguyễn Thị V chỉ còn phải nộp tiếp 500.500 đồng nữa.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 07/2019/DS-PT ngày 09/05/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản
Số hiệu: | 07/2019/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hưng Yên |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 09/05/2019 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về