TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
BẢN ÁN 06/2020/DS-PT NGÀY 20/02/2020 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO DANH DỰ, NHÂN PHẨM BỊ XÂM PHẠM
Ngày 20 tháng 02 năm 2020, tại Hội trường xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 02/2020/TLPT-DS ngày 08 tháng 01 năm 2020 về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 04/2019/DS-ST ngày 12 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 04/2020/QĐPT-DS ngày 05 tháng 02 năm 2020, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Cháu Phạm Thị L, địa chỉ: Thôn T , xã C, huyện 1, tỉnh Quảng Trị, có mặt.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Ch(mẹ cháu L), địa chỉ: Thôn T, xã C, huyện 1, tỉnh Quảng Trị là người đại diện theo pháp luật, có mặt.
2. Bị đơn: Ông Lê Đức C, địa chỉ: Thôn T, xã C, huyện 1, tỉnh Quảng Trị, có mặt.
3. Người làm chứng:
- Bà Ngô Thị H, địa chỉ: Thôn T, xã C, huyện 1, tỉnh Quảng Trị, có mặt.
- Ông Nguyễn Văn Hoài, địa chỉ: Thôn T, xã C, huyện 1, tỉnh Quảng Trị, vắng mặt.
4. Người kháng cáo: Ông Lê Đức C - Là bị đơn trong vụ án.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 06/8/2019, quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, nguyên đơn cháu Phạm Thị L và bà Nguyễn Thị Ch trình bày:
Khoảng 14 giờ ngày 14/01/2019 cháu Phạm Thị L (con của bà Nguyễn Thị Ch) ở nhà một mình, trong lúc đang phơi áo quần thì Ông Lê Đức C đi qua hỏi cháu L “ba mẹ đi đâu” rồi vòng tay sau lung cháu L nói “cho ông sờ tý” , cháu L sợ quá nên lấy móc quần áo đánh vào tay ông C rồi chạy vào nhà vệ sinh định đóng cửa lại trốn, nhưng ông C giật tay làm cháu L ngã. Sau đó, ông C đè cháu xuống hành lang nhà vệ sinh tuột quần áo cháu ra, cháu L khóc thì ông C dùng tay bịt miệng cháu lại, tay còn lại sờ soạng khắp người cháu. Cháu L dùng chân đạp mạnh. Lúc đó, bác H là hàng xóm qua nhà thì ông C đứng dậy đi ra khỏi hành lang nhà vệ sinh. Bà Ch có đơn tố cáo đến Công an huyện L. Quá trình điều tra, Công an huyện L ra Quyết định số 04QĐ/CSĐT ngày 03/4/2019 quyết định không khởi tố vụ án hình sự với lý do tại thời điểm xảy ra sự việc cháu Phạm Thị L đã trên 16 tuổi. Ngày 09/4/2019 Công an huyện L ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Ông Lê Đức C về hành vi “xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”. Từ kết quả trên, bà Nguyễn Thị Ch và cháu Phạm Thị L khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Ông Lê Đức C phải bồi thường thiệt hại cho cháu Phạm Thị L các khoản thiệt hại như sau:
- Thiệt hại về tinh thần của cháu L: 10.000.000 đồng.
- Thu nhập thực tế của bà Ch bị mất do ở nhà chăm sóc cháu L: Sau khi sự việc xảy ra, cháu L tâm lý không ổn định, luôn hốt hoảng, lo sợ; cháu là người chưa thành niên, là người bị động kinh nên gia đình phải cử bà Nguyễn Thị Ch ở nhà chăm sóc trong thời gian 3 tháng. Cụ thể, số tiền mất thu nhập trong 03 tháng, tháng đầu tiên bà Ch cạo mủ cao su 300.000 đ/ngày x 20 ngày = 6.000.000 đồng; 02 tháng chăm sóc cây, bón phân cho cây cao su: 200.000 đồng/ngày x 60 ngày = 12.000.000 đồng. Tổng cộng: 18.000.000 đồng
Nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Ông Lê Đức C phải bồi thường thiệt hại tổng số tiền là 28.000.000 đồng.
Bị đơn Ông Lê Đức C trình bày:
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì cho rằng ông C không có hành vi dâm ô đối với cháu L, ông C không đi vào nhà của bà Chuyễn. Ngày 09/4/2019 ông C thừa nhận đã nhận và viết nội dung “đồng ý quyết định” vào biên bản nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 45/BB - VPHC ngày 05/4/2019 của Công an huyện Cam Lộ. Lý do ông C không khiếu nại, khởi kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì không hiểu biết pháp luật.
Người làm chứng bà Ngô Thị H trình bày :
Khoảng hơn 12 giờ ngày 14/01/2019, bà H đi dự đám cưới về đến nhà được một lúc thì nghe chó sủa và đi ra hành lang nhà thấy ông C đi ngang qua cửa ngõ nhà bà H để vào nhà anh Lân, chị Ch. Sau khi ông C vào được một lúc thì bà H nghe có tiếng “ới, ới”, nghĩ là tiếng của đứa trẻ con sau nhà nên bà H vẫn tiếp tục công việc. Sau đó khoảng 2-3 phút thì nghe tiếng bé L la lên “mẹ ơi, mẹ ơi”, bà H đi ra ngoài cổng nhà nhìn sang nhà vệ sinh của gia đình anh Lân, chị Ch thì thấy ông C đi từ trong hành lang nhà vệ sinh đi ra. Bà H hỏi ông C “răng mà bé L khóc rứa” thì không nghe ông C trả lời, bà H sang nhà anh L, chị Ch xem có chuyện gì khi đến sân thì gặp ông C đi từ hành lang nhà vệ sinh của nhà anh L, chị Ch đi ra sân. Bà H và ông C giáp mặt nhau ngay sân nhà chị Ch, ông C hỏi bà H “trưa ni chị có đi đám cưới không?”, bà H trả lời “có”, bà H tiếp tục đi vào thì ông hỏi tiếp “răng mà để ti vi nói trong nhà một chắc rứa hè”, bà H không trả lời mà đi thẳng vào chỗ cháu L. Bà H thấy bé L nằm ngửa khóc trên hành lang nhà vệ sinh, bà H hỏi “răng mà khóc?”, bé L không trả lời, chỉ nhắm mắt khóc và kêu “mẹ ơi, mẹ ơi”. Bà H quan sát xung quanh thấy hoa tai của bé L văng mỗi cái mỗi đường, dép mỗi nơi 1 chiếc và phía ngoài hành lang nhà vệ sinh gần chân bé L có rất nhiều móc áo quần văng tung tóe. Bà H hỏi bé L “Răng hoa tai của cháu mỗi cái văng mỗi đường ri?” thì bé L không trả lời mà vẫn khóc. Bà H nhặt 1 chiếc bông tai đưa cho bé L cầm và đỡ bé L dậy hỏi “Rứa ông C có làm chi cháu không?”, bé L trả lời “ông C mần cháu”. Bà H ngay lập tức chạy ra gọi ông C “Mi đi vô đây, mi đi vô đây” và hỏi “Mi làm chi hắn để cho hắn khóc mà hắn nói mi làm? Mi làm chi hắn đã thì hắn mới nói mi làm”, ông C nói với bé L “ông có mần chi cháu mô mà cháu nói ông mần”. Bà H tiếp tục chất vấn ông C thì ông C bỏ ra về. Bà H tiếp tục hỏi bé L “ông C làm chi cháu?”, bé L nói “ông C cởi quần cháu đến đây”, bé L chỉ tay đến ống chân. Bà H dùng tay chỉ vào phần kín của bé L và hỏi “Rứa ông có làm chi nơi đó của cháu không?” thì bé L trả lời là “Có”. Bà H liền nói bé L đứng dậy để kiểm tra thì không thấy có dấu vết gì ở quần lót của bé L. Bà H trấn an bé L ngồi chờ để nhờ người đi gọi bố mẹ cháu L về.
Người làm chứng ông Nguyễn Văn H trình bày:
Ông H thuê bà Nguyễn Thị Ch làm nghề cạo mủ cao su đã hơn 5 -6 năm nay, tiền công cạo mủ cao su 300.000 đồng/ngày, tiền công chăm sóc, bón phân cho cây là 200.000 đồng/ngày. Tháng nào cạo mủ cao su thì làm 02 ngày, nghỉ 01 ngày, tức là 01 tháng làm 20 ngày công; tháng nào chăm sóc, bón phân thì làm đủ 30 ngày công. Ông H xác nhận bà Ch xin nghỉ làm trong thời gian 3 tháng từ tháng 01 đến tháng 3 năm 2019 để ở nhà chăm sóc con như bà Ch trình bày.
Bản án sơ thẩm số 04/2019/DS-ST ngày 12 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị quyết định:
Căn cứ vào Điều 584, 592 của Bộ luật dân sự 2015; căn cứ vào khoản 1 Điều 147 , Điều 264 và Điều 266 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội 14, tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc Ông Lê Đức C bồi thường cho cháu Phạm Thị L số tiền: 16.000.000 đồng.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo cho các đương sự.
Ngày 25/11/2019, bị đơn Ông Lê Đức C kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với nội dung:
Ông c không có hành vi gây thiệt hại gì cho cháu Phạm Thị L và gia đình bà Nguyễn Thị Ch. Ông C không đồng ý bồi thường bất kỳ khoản tiền nào cho cháu L. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị xét xử lại vụ án để đảm bảo quyền lợi cho ông Cảnh.
* Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị:
Quá trình thụ lý giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và các Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng trình tự thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự: Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về quan hệ tranh chấp:
Nguyên đơn cháu Phạm Thị L khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bị đơn Ông Lê Đức C phải bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn số tiền 28.000.000 đồng về hành vi “Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”. Do đó Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ “Tranh chấp bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm” là đúng pháp luật.
[2] Xét kháng cáo của nguyên đơn, Hội đồng xét xử thấy:
Tại phiên tòa, lời trình bày của người làm chứng bà Ngô Thị Hạnh, lời trình bày của cháu Phạm Thị L phù hợp với các tài liệu chứng cứ của Công an huyện L điều tra và tài liệu chứng cứ do Tòa án thu thập có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử có cơ sở khẳng định: Khoảng hơn 12 giờ ngày 14/01/2019 ông C đã có hành vi tác động vào cơ thể, chạm vào những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể cháu Phạm Thị L nên tại quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 45/QĐ- XPVPHC ngày 09/4/2019 của Công an huyện L đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Ông Lê Đức C về hành vi vi phạm hành chính xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác và hình thức xử phạt là phạt tiền 300.000đồng. Ngày 09/4/2019 Công an huyện L lập biên bản giao Quyết định xử phạt hành chính trên cho ông Cảnh, ông C đã ký nhận và viết nội dung “đồng ý quyết định”. Như vậy, ông C đã có hành vi xúc phạm quyền về danh dự, nhân phẩm, uy tín và làm ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần đối với cháu L. Việc ông C cho rằng không có hành vi tác động đến cháu Phạm Thị L là không có cơ sở chấp nhận.
[3] Về các khoản yêu cầu bồi thường thiệt hại, Hội đồng xét xử thấy: Do ông C đã có hành vi xúc phạm quyền về danh dự, nhân phẩm, uy tín và làm ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần đối với cháu L nên phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cụ thể:
- Đối với khoản yêu cầu bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần: Theo Điều 592 của Bộ luật dân sự quy định: “..mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”. Cháu L yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần số tiền 10.000.000đồng. Tại thời điểm xét xử sơ thẩm mức lương cơ sở 1.490.000đồng/tháng nên Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận mức yêu cầu bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần cho cháu L với số tiền 10.000.000 đồng là có cơ sở.
- Về khoản yêu cầu bồi thường mất thu nhập của bà Nguyễn Thị Ch trong thời gian ở nhà chăm sóc cháu L, Hội đồng xét xử xét thấy: Theo khoản 1 Điều 592 của Bộ luật dân sự quy định “Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: a, Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại, b, Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút..” Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào các khoản mất thu nhập của bà Ch nghỉ làm cạo mủ cao su để chăm sóc cháu L là 20 ngày x 300.000đồng/ngày = 6.000.000đồng và buộc bị đơn ông C phải bồi thường số tiền 6.000.000 đồng là có căn cứ, đúng pháp luật.
[5] Từ sự phân tích, đánh giá nêu trên, Hội đồng xét xử thấy cần chấp nhận ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị, bác toàn bộ kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[6] Về án phí:
Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm và dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Ông Lê Đức C, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Căn cứ vào Điều 584, 592 của Bộ luật dân sự 2015; Điều 264 và Điều 266 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 tuyên xử:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông Lê Đức C phải bồi thường cho cháu Phạm Thị L (do bà Nguyễn Thị Ch làm đại diện theo pháp luật) số tiền: 16.000.000 đồng (Mười sáu triệu đồng).
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, nếu có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án, hàng tháng bên phải thi hành án phải chịu lãi suất chậm thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
"Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự”.
2. Về án phí:
Căn cứ khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 26; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án:
Án phí dân sự sơ thẩm: Buộc ông Lê Đức C phải chịu 800.000 đồng (Tám trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Lê Đức C phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp 300.000 đồng theo Biên lai thu tiền số AA/2014/0001845 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cam Lộ.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 06/2020/DS-PT ngày 20/02/2020 về tranh chấp bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm
Số hiệu: | 06/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quảng Trị |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 20/02/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về