Bản án 06/2020/DS-PT ngày 12/03/2020 về tranh chấp thừa kế tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

BẢN ÁN 06/2020/DS-PT NGÀY 12/03/2020 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Trong các ngày 12 và 19 tháng 02, ngày 12 tháng 3 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 30/2019/TLPT-DS ngày 12 tháng 9 năm 2019 về tranh chấp thừa kế tài sản.

Do bản án Dân sự sơ thẩm số 09/2019/DS-ST ngày 05 tháng 8 năm 2019 của Toà án nhân dân huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 36/2019/QĐXX-PT ngày 31 tháng 10 năm 2019, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Lưu Chí Q, sinh năm 1957;

Địa chỉ: Số 1x, đường C, phường K, quận T, Thành phố Hà Nội; “có mặt”.

2. Bị đơn: Ông Lưu Chí M, sinh năm 1947;

Địa chỉ: thôn Đ, xã Đ, huyện K, tỉnh Hưng Yên; “có mặt”.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Ông Nguyễn Đức Thượng, Luật sư của Công ty Luật TNHH Á Châu Việt; “có mặt”

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Ủy ban nhân dân xã Đ, huyện K, tỉnh Hưng Yên.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn C, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đ; “vắng mặt”.

3.2. Bà Lưu Thị L, sinh năm 1940; “vắng mặt”.

3.3. Ông Nguyên Đạt N, sinh năm 1940; “vắng mặt”.

3.4. Anh Nguyên Đạt D, sinh năm 1972; “vắng mặt”.

3.5. Anh Nguyên Đạt A, sinh năm 1974; “vắng mặt”.

3.6. Chị Nguyên Thị T, sinh năm 1965; “vắng mặt”.

3.7. Chị Nguyên Thị M, sinh năm 1968; “vắng mặt”. Đều địa chỉ cư trú: Xóm L, xã T, huyện V, tỉnh Thái Nguyên.

3.8. Chị Nguyên Thị H, sinh năm 1977; “vắng mặt”. Địa chỉ cư trú: Xóm Đ, xã T, huyện V, tỉnh Thái Nguyên 3.9. Bà Lưu Thị V, sinh năm 1944; “vắng mặt”.

Địa chỉ cư trú: Tổ 5x, phường M, thành phố Y, tỉnh Yên Bái; “vắng mặt”.

3.10. Bà Lưu Thị L1, sinh năm 1949; “có mặt”. Địa chỉ cư trú: thôn Đ, xã Đ, huyện K, tỉnh Hưng Yên 3.11. Bà Nguyễn Thị Lệ H1, sinh năm 1953; “vắng mặt”.

3.12. Anh Lưu Minh T1, sinh năm 1982; “vắng mặt”.

3.13. Anh Lưu Dũng T2, sinh năm 1987; “vắng mặt”. Đều địa chỉ: Số 7/4 T, Phường X, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh.

3.14. Bà Vũ Thị D1, sinh năm 1954; “vắng mặt”. Địa chỉ: xóm T, thôn Đ, xã Đ, huyện K, tỉnh Hưng Yên 3.15. Bà Đào Thị M1, sinh năm 1952; “có mặt”.

3.16. Anh Lưu Chí T3, sinh năm 1980; “có mặt”.

3.17. Anh Lưu Cảnh T4, sinh năm 1978; “có mặt”.

3.18. Chị Nguyễn Thị L2, sinh năm 1985; “vắng mặt”.

3.19. Chị Cao Thị Minh S, sinh năm 1983; “vắng mặt”.

3.20. Cụ Nguyên Thị T5, sinh năm 1922; “đã chết”.

3.21. Ông Lưu Trí P, sinh năm 1963; “vắng mặt”. Đều địa chỉ: thôn Đ, xã Đ, huyện K, tỉnh Hưng Yên;

3.22. Ông Đặng Trí K, sinh năm 1960; “vắng mặt”.

Địa chỉ: Số nhà 1xx, tổ X, phường C, thành phố T, tỉnh Thái Nguyên;

3.23. Bà Phạm Thị H2, sinh năm 1949;

Địa chỉ: Thôn Đ, xã Đ, huyện Y, tỉnh Hưng Yên; “vắng mặt”.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Lưu Thị L, ông Nguyên Đạt N, anh Nguyên Đạt D, anh Nguyên Đạt A, chị Nguyên Thị T, chị Nguyên Thị M, chị Nguyên Thị H, bà Lưu Thị V, bà Lưu Thị L1, bà Nguyễn Thị Lệ H1, anh Lưu Minh T1, anh Lưu Dũng T2, và bà Vũ Thị D1: ông Lưu Chí Q, sinh năm 1957; Địa chỉ cư trú: Số 1x, đường C, phường K, quận T, Thành phố Hà Nội; “có mặt”.

4. Người làm chứng:

4.1. Ông Lưu Trí L3, sinh năm 1964; “vắng mặt”.

4.2. Ông Lưu Trí T5, sinh năm 1963; “vắng mặt”.

4.3. Ông Lương Công V1, sinh năm 1961; “vắng mặt”.

4.4. Ông Vũ K1, sinh năm 1948; “vắng mặt”.

4.5. Cụ Lưu Huy K2, sinh năm 1924; “vắng mặt”.

4.6. Chị Nguyên Thị A1, sinh năm 1976; “vắng mặt”. Đều địa chỉ: thôn Đ, xã Đ, huyện K, tỉnh Hưng Yên.

4.7. Chị Lưu Thị H2, sinh năm 1983;

Địa chỉ: thôn Đ, xã M, huyện V, tỉnh Hưng Yên; “vắng mặt”.

5. Người kháng cáo: Ông Lưu Chí Q, ông Lưu Chí M, bà Đào Thị M1, anh Lưu Chí T3 và anh Lưu Cảnh T4.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 20 tháng 5 năm 2018 và quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn ông Lưu Chí Q trình bày: Cụ Lưu Phong D2, chết năm 1986 có hai người vợ là cụ Nguyễn Thị N1, chết năm 1957 và cụ Nguyên Thị T6, chết năm 2019. Cụ D và cụ N1 sinh được 08 người con là bà Lưu Thị L, bà Lưu Thị L3 (chết năm 2016), bà Lưu Thị V, ông Lưu Chí M, bà Lưu Thị L1, ông Lưu Mạnh T7 (tức T, chết năm 2013), bà Vũ Thị D và ông Lưu Chí Q. Bà L3 chết năm 2016, có chồng là ông Nguyên Đạt N và các con là anh Nguyên Đạt D, anh Nguyên Đạt A, chị Nguyên Thị T, chị Nguyên Thị M và chị Nguyên Thị H. Ông T7 chết năm 2013, có vợ là bà Nguyễn Thị Lệ H1 và các con là anh Lưu Minh T1, anh Lưu Dũng T2. Cụ D và cụ T6 có 02 con chung là ông Lưu Trí P và ông Đặng Trí K. Bà D, ông K được cho đi làm con nuôi nên lấy họ theo bố nuôi. Giữa cụ D và cụ N1, cụ T7 không có con chung nào khác. Cụ D, cụ N1, bà L3, ông T7 đều mất không để lại di chúc. Cụ T6 có 01 người con riêng là bà Phạm Thị H2, bà H2, bà D, ông K được cho đi làm con nuôi nhưng vẫn đi lại, thăm nom và có trách nhiệm đối với cụ D2.

Tài sản của cụ D2 và cụ N1 gồm có: diện tích đất rộng khoảng 1000m2, trên đất có 03 gian nhà lợp mái gianh cùng một số cây cối và 01 cái ao có diện tích khoảng 250m2 đều ở xóm Đ, thôn Đ, xã Đ, huyện K, tỉnh Hưng Yên. Ngoài ra, khi cụ N1 mất thì cụ D2 có lấy cụ T6 và có mua 01 mảnh vườn cho cụ T6 tiếp giáp với mảnh vườn của cụ D2 và cụ N1, hiện đứng tên ông P trên sổ sách địa chính. Ông Q không yêu cầu phân chia phần tài sản này vì đây là tài sản cụ D2 đã cho tặng riêng cụ T6. Cụ T6 là người thường xuyên qua lại trông nom chăm sóc cụ D2 chứ các con không phải trông nom, chăm sóc gì. Cụ T6 không xây dựng hay đóng góp được gì cho phần tài sản của cụ D2 và cụ N1.

Sau khi cụ D2 mất, ông M là con trai trưởng tự ý chuyển về ở trên đất của cụ D2 và cụ N1, đồng thời tự ý kê khai đứng tên chủ sử dụng đối với nhà đất và ao từ năm 1993. Đến năm 2012, ông Q cùng các anh chị em khác mới biết nên đã có đơn đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) xã Đ hủy bỏ tên chủ sử dụng đất trong hồ sơ địa chính đối với ông Lưu Chí M, trả lại tên của cụ Lưu Phong D2 trên hồ sơ địa chính xã Đ nên UBND xã Đ đã ra Thông báo số 40/TB-UBND, ngày 28/12/2012 về việc giải quyết trả lại tên trong hồ sơ địa chính cho cụ D2.

Quá trình sử dụng đất của cụ D2 và cụ N1, ông M đã phá 03 gian nhà gianh, chặt phá cây cối để xây mới 01 ngôi nhà cấp 4 vào khoảng năm 1995 - 1996. Khi ông M xây ngôi nhà này thì các anh chị em đều biết nhưng không có ý kiến gì. Năm 2013 - 2014, ông M tiếp tục xây thêm một ngôi nhà mái bằng cho vợ chồng anh Lưu Chí T3 và chị Nguyễn Thị L2, việc này ông Q đã đề nghị chính quyền địa phương ngăn chặn nhưng bố con ông M vẫn cố tình xây dựng. Ngoài ra ông M còn trồng một số cây lưu niên trên đất.

Do cụ D2 và cụ N1 chết đều không để lại di chúc nên ông Q và các anh chị em đã họp bàn đề nghị ông M chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại cho anh chị em ông có nơi thờ cúng nhưng ông M không đồng ý, UBND xã Đ cũng đã hòa giải nhiều lần nhưng không thành. Vì vậy, ông Q khởi kiện đề nghị Tòa án nhân dân huyện Khoái Châu phân chia di sản thừa kế của cụ D2, cụ N1 cho các đồng thừa kế theo quy định của pháp luật.

Đối với phần đất mà trước kia nhà nước thu hồi và đền bù cho ông M thì ông Q không xác định được diện tích, kích thước, vị trí và loại đất bị thu hồi, cùng số tiền được đền bù nên không có yêu cầu đề nghị gì.

Đối với ngôi nhà, cây cối của cụ D2, cụ N1 làm nhưng ông M đã dỡ bỏ, chặt cây thì ông Q và các đồng thừa kế khác không có yêu cầu đề nghị phân chia.

- Tại biên bản lấy lời khai, bản tự khai bị đơn ông Lưu Chí M trình bày: Ông M thừa nhận về hoàn cảnh gia đình, số lượng vợ con của cụ D2, cụ N1 như ông Q trình bày là đúng.

Ông M xác định: tài sản do cụ D2 và cụ N1 để lại gồm 01 mảnh đất theo sổ địa chính thì có diện tích là 1023m2, trên đất có công trình, cây cối và ao ở vị trí như ông Q trình bày. Cho đến nay phần đất này vẫn nguyên vẹn, ông M không mua thêm hay bán đi phần diện tích đất nào. Khi cụ D2 còn sống thì ông P ở gần gũi, trông nom cụ D2. Năm 1982, cụ D2 bắt đầu ốm, vợ chồng ông là con trai trưởng phải thường xuyên đi lại về thăm nom bố nhưng thấy việc đi lại vất vả nên năm 1983, ông M đã nghỉ chế độ mất sức và chuyển lương thực, thực phẩm về nhà để cụ D2 lĩnh. Đến năm 1985, ông Mô cùng 02 con trai là T4 và T3 chuyển hộ khẩu về ở cùng hộ cụ D2. Tuy nhiên, bố con ông vẫn đi lại cả hai nơi là Hải Dương và Đ chứ không ở cố định nơi nào vì vợ và con gái ông vẫn ở Kinh Môn, Hải Dương. Về công chăm sóc cụ D2 và phần lương thực, thực phẩm mà vợ chồng ông chuyển về cho cụ D2 lĩnh là tình cảm, trách nhiệm của người làm con đối với bố mẹ nên nếu chia di sản thừa kế thì ông cũng không yêu cầu Tòa án đặt ra giải quyết. Năm 1986, cụ D2 mất, ông M về tiếp quản mảnh đất mà cụ D2, cụ N1 để lại, không một ai trong số anh chị em ông có ý kiến gì, thậm chí vợ chồng ông đã bảo ông Q về ở đó nhưng ông Q không về. Năm 1993, Nhà nước chia lại ruộng đất nhưng ông M không có nhà, ông cũng không có đơn từ đề nghị gì liên quan đến việc cấp đất gửi chính quyền địa phương xã Đ. Tuy nhiên, ông M cho rằng bố con ông đã có hộ khẩu ở xã Đ thì đương nhiên sẽ được chia ruộng đất mà không cần đơn từ gì.

Tại thời điểm đó ông Nguyên Như Đ (chồng bà L) ký nhận hộ ông về đất ở cũng như đất ruộng. Ông M không biết ai là người trực tiếp dẫn đoàn đo đạc về phân chia đất cho gia đình ông, ông cũng không nghe ông Đ kể gì về việc này và đồng thời không ký nhận vào bất kỳ văn bản phân chia đất nào, đất 03 của nhà ông cũng do bà L nhận hộ. Theo đó, ông M được biết hạn mức được chia đất ở của cụ D2 trước kia là 300 m2 nhưng đến năm 1993, nhà nước chia lại ruộng đất thì ông M chỉ được chia 200 m2 đất ở. Riêng về đất nông nghiệp 03 thì cụ D2, cụ N1 không được chia vì chết trước năm 1993, nhà ông M được chia 03 suất với hạn mức 1,1 sào/01 suất tương đương với 396m2 gồm suất của ông M, anh T3 và anh T4, vợ ông là bà M và con gái là chị H2 không được chia vì không có hộ khẩu tại địa phương. Số đất ruộng này được chia trừ vào đất trong vườn của cụ D2, còn lại thiếu bao nhiêu thì mới chia thêm ở ngoài đồng. Đối với đất ruộng nông nghiệp được chia ngoài đồng là 477m2, ông M đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia đình ông cũng chưa bao giờ đo nên không biết đất 03 nhà ông có diện tích là bao nhiêu và cũng chưa phân chia định đoạt gì về đất 03. Cũng chính vì vậy từ năm 1993 trở về trước, diện tích đất mà vợ chồng ông đang quản lý sử dụng đứng tên cụ D2, nhưng từ năm 1993, sau khi Nhà nước chia lại ruộng đất thì đứng tên ông M. Việc chuyển tên từ cụ D2 sang ông M không có giấy tờ tặng cho của cụ D2, cũng không được cụ D2 định đoạt bằng di chúc. Cả cụ D2 và ông M chưa từng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với đất này. Tại thời điểm ông M đứng tên kê khai trong sổ địa chính thì tất cả anh chị em còn lại của ông không có tên trong hộ khẩu, không có mặt ở nhà, ông cũng không nói với ai việc kê khai này. Tuy nhiên ông M cho rằng các anh chị em của ông đều biết việc này vì thời điểm đó là kê khai toàn dân, ai cũng biết. Đến năm 2012, các anh chị em của ông có đơn đề nghị UBND trả lại tên cụ Dỹ trong sổ địa chính, UBND xã Đ đã có Thông báo số 40/TB-UBND, ngày 28/12/2012 về việc giải quyết trả lại tên cụ D2 trong hồ sơ địa chính. Tuy nhiên, theo hiểu biết của ông thì xã phải có quyết định thu hồi đất còn nếu không thì đất này vẫn mang tên ông M mới là hợp pháp, nên ông M không có đơn từ hay khiếu nại gì về Thông báo này của UBND xã Đ. Trên diện tích đất 1023m2 thì ông M, bà M1 có xây 02 ngôi nhà. Một ngôi nhà xây năm 1989 là 02 gian, một tầng mái bằng. Đến năm 2003, ông bà xây tiếp mấy gian nhà nối tiếp vào ngôi nhà cũ đều là một tầng đổ trần và xây 01 quán bán hàng lợp prôximăng, kèo tre, diện tích khoảng vài chục m2 để cho con trai là anh T3 làm hàng. Được vài năm thì anh T3 không làm nữa nên hiện tại quán này vẫn đang do vợ chồng ông M, bà M1 quản lý. Tiền xây dựng các công trình nêu trên đều của ông bà, nhưng xây hết bao nhiêu thì ông bà không nhớ, khi đó các con của ông còn nhỏ nên không đóng góp được gì. Khi vợ chồng ông xây nhà, tất cả các anh chị em của ông đều biết nhưng không có ý kiến gì. Ngoài ra, ông M, bà M1 còn cho vợ chồng anh T3, chị L2 xây 01 ngôi nhà mái bằng 1,5 tầng vào khoảng năm 2012. Tiền xây nhà là của vợ chồng anh T3, chị L2, ông bà chỉ hỗ trợ động viên cho vợ chồng anh T3 một số tiền nên ông M xác định ngôi nhà này là tài sản chung của vợ chồng anh T3. Khi anh T3 xây nhà thì công an xã có đến ngăn chặn, yêu cầu không được xây vì đất đang có tranh chấp. Tuy nhiên, gia đình ông không nhất trí và không ký bất kỳ biên bản nào vì ông bà xác định đây là đất của ông bà thì ông bà cho phép con xây. Diện tích đất mà anh T3, chị L2 xây nhà vẫn đứng tên ông M, ông M chưa chuyển nhượng hay tặng cho vợ chồng anh T3. Hàng năm gia đình ông vẫn đóng thuế sử dụng đất cho Nhà nước. Trên diện tích đất này vợ chồng ông M đã xây tường bao quanh toàn bộ mảnh đất, trồng bưởi và một số cây khác trên đất, ông không nhớ đã trồng từ khi nào và có tất cả bao nhiêu cây. Ông M xác định trên diện tích đất mà vợ chồng ông đang quản lý, sử dụng không còn công trình hay cây cối nào của cụ D2 và cụ N1 xây dựng, trồng trọt. Vì mảnh vườn này là đất trũng nên từ khi sử dụng đến nay vợ chồng ông đã đổ đất tôn tạo khoảng 3, 4 lần. Mỗi lần khoảng 3 đến 4 xe, không nhớ là xe bao nhiêu khối. Chỉ biết là vợ chồng ông M đã đổ đất tôn tạo trên toàn bộ mảnh vườn cao hơn so với mặt bằng cũ khoảng 50cm – 70 cm. Do gặp đất đẹp ở đâu thì ông M gọi ở đó mang về đổ vào vườn, ông không nhớ là thuê ai đổ và mua đất của ai vì ông nghĩ là làm cho mình nên không quan tâm, cũng không nhớ đổ đất hết bao nhiêu tiền.

Đối với Ao thì năm 1988, Hợp tác xã vẫn quản lý nhưng ưu tiên vườn nào có ao thì được mua và hàng năm phải đóng thuế nên ông M nhận nộp tiền và lấy lại ao, tuy nhiên ông M không nhớ là nộp tiền cho ai và không có hóa đơn, biên lai về việc nộp tiền mua ao này. Quá trình sử dụng đất ao vẫn nguyên trạng, cho đến khi anh T3 làm nhà thì vợ chồng ông có kè cạp lại 01 phần bờ ao để cho chắc móng nhà, không nhớ là kè ao hết bao nhiêu tiền. Trước đây có 01 đường đất giữa nhà ông M và nhà ông P, đây là đường bờ ao của nhà ông, nhưng do lâu ngày bờ ao lở nên ao bây giờ không có bờ, mà sát với đất nhà ông P như hiện trạng. Giữa nhà ông M và nhà ông P cũng không có tranh chấp gì. Trong quá trình sử dụng đất, vợ chồng ông M có lấp 01 phần rãnh giáp đường 205 cho bằng phẳng, sau đó Nhà nước có thu hồi 01 phần đất giáp đường 205, không rõ diện tích là bao nhiêu để mở rộng lộ giới, ông có được đền bù nhưng không nhớ là bao nhiêu tiền. Ngoài ra, vợ chồng ông cũng lấp một phần rãnh phía sau giáp nhà ông C, đây là rãnh thoát nước của xóm. Ông M không rõ cụ thể diện tích lấp là bao nhiêu, mục đích lấp phần rãnh này là để tránh muỗi giãn, vợ chồng ông cũng không trồng cây cối gì, nhà ông M và nhà ông C đều xây 01 đoạn tường 10cm ép vào nhau thành tường 20cm chạy hết phần rãnh ra đến phần ao nhà ông P. Giữa nhà ông M và nhà ông C có tranh chấp mốc giới liên quan đến phần rãnh này. Khi lấp rãnh, chính quyền địa phương cũng không có ý kiến gì, hai bên cũng chưa bao giờ bị phạt vi phạm hành chính. Đây là đất công của nhà nước, nên nếu nhà nước có yêu cầu thu hồi thì ông M cũng chấp hành theo chủ trương chung, tự nguyện dỡ bỏ phần công trình đã xây để trả lại đất công cho nhà nước.

Vào khoảng năm 2010, ông Q có đặt vấn đề xin ông một ít đất để làm nhà, ông M cũng nhất trí cho ông Q một phần nhưng không tự hoàn thiện được thủ tục nên mới sinh ra việc tranh chấp đất. Nay ông Q khởi kiện đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế của cụ D2 và cụ N1 thì quan điểm của ông M là nếu ông Q chứng minh được phần đất này là của cụ D2 thì tòa án cứ căn cứ pháp luật mà làm. Nếu Tòa án phân chia di sản thì đề nghị Tòa án xem xét giải quyết công sức tôn tạo đất của vợ chồng ông. Đối với mảnh vườn mà cụ D2 đã mua cho cụ T6 thì ông M không đề nghị Tòa án phân chia vì đây là tài sản riêng của cụ T6; Ông M không có yêu cầu phản tố.

Tại lời khai của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đứng về phía nguyên đơn là bà Lưu Thị L, bà Vũ Thị D1, bà Lưu Thị V, bà Lưu Thị L1, ông Nguyên Đạt N, anh Nguyên Đạt D, anh Nguyên Đạt A, chị Nguyên Thị T, chị Nguyên Thị M, chị Nguyên Thị H, bà Nguyễn Thị Lệ H1, anh Lưu Minh T1, và anh Lưu Dũng T2 đều nhất trí với lời khai, quan điểm, đề nghị của ông Lưu Chí Q, đồng thời ủy quyền cho ông Q tham gia tố tụng, quyết định toàn bộ mọi vấn đề liên quan đến vụ án, thay những người ủy quyền nhận di sản được hưởng và phải thực hiện nghĩa vụ với nhà nước đối với phần di sản được nhận.

Riêng về đất 03 thì bà D1, bà V, bà L1, ông N, anh D, anh A, chị T, chị M, chị H, bà Lệ H1, anh Minh T1, anh Dũng T2 đều khẳng định không biết gì về việc phân chia đất 03. Bà L khẳng định không biết cụ thể gia đình ông M được chia bao nhiêu đất 03 chỉ biết là nhà bà có một phần đất được chia cùng vị trí với nhà ông M vì diện tích nhỏ, nếu chia riêng mảnh thì tốn diện tích bờ bao nên gia đình bà tự phân chia diện tích đất 03 này cho chị A1, con gái bà L. Sau khi chia ruộng xong thì nhà ông M đã chia trả đầy đủ diện tích ruộng của nhà bà cho chị A1 sử dụng nên nhà bà không có gì liên quan đến ruộng của ông M.

Tại biên bản lấy lời khai của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cụ Nguyên Thị T6, ông Lưu Trí P, ông Đặng Trí K, và bà Phạm Thị H2 đều công nhận hoàn cảnh gia đình, số lượng vợ con của cụ Lưu Phong D2, cụ Nguyễn Thị N1, và cụ Nguyên Thị T6 như ông Lưu Trí Q, ông Lưu Trí M trình bày là đúng.

Đối với con riêng của cụ Nguyên Thị T6 là bà Phạm Thị H2 thì giữa bà H2 và cụ D2 có thời gian sống cùng nhà khoảng một vài năm, sau đó bà H2 về sống cùng ông bà nội ở Đ, Y. Bà H2 và cụ D2 có mối quan hệ thân thiết coi nhau như bố con, khi cụ D2 còn sống thì bà H2 vẫn đi lại thăm nom các cụ.

Vì cụ T6 đã được cụ D2 cho tài sản riêng nên cụ T6, ông P, ông K, bà H2 đều đã có văn bản từ chối nhận di sản. Cụ T6, ông P, ông K, bà H2 không có yêu cầu độc lập.

Ông K, bà D1 được cho đi làm con nuôi nên lấy theo họ của bố nuôi, mặc dù được cho đi làm con nuôi nhưng vẫn đi lại thăm nom và có trách nhiệm với cụ D2.

Tại biên bản lấy lời khai của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đứng về phía ông M là bà Đào Thị M1, anh Lưu Cảnh T4, anh Lưu Chí T3, chị Cao Thị Minh S, chị Nguyễn Thị L2 trình bày: nhất trí với toàn bộ lời khai, quan điểm của ông M, không có yêu cầu độc lập, không nhất trí với yêu cầu chia di sản của ông Q. Ngoài ra, bà M1 đề nghị Tòa án nếu chia di sản phải xét đến phần công sức đóng góp của bà trong việc duy tu, tôn tạo đất.

Anh T3, chị L2 đều khẳng định bố mẹ anh chị chỉ cho anh chị xây nhà trên phần đất tranh chấp nhưng chưa có văn bản cho tặng phần đất này, nếu Tòa án chia phần đất có công trình nhà ở của anh chị vào suất thừa kế của ông M thì anh chị nhất trí không yêu cầu tính giá trị phần công trình mà anh chị đã xây dựng để bồi thường.

Ủy ban nhân dân xã Đ trình bày: Đối với phần rãnh thoát nước mà gia đình ông M đã lấp là đất công và đất dôi dư thuộc quản lý của UBND xã Đ, đề nghị Tòa án nhân dân huyện Khoái Châu căn cứ vào pháp luật hiện hành để giải quyết vụ án, UBND xã Đ không có yêu cầu độc lập. Đối với thông báo trả lại tên cụ Lưu Phong D2 trong sổ sách địa chính thì có sự nhầm lẫn trong số liệu diện tích nhưng số tờ, số thửa là đúng, nên việc trả lại tên cụ D2 vẫn là hợp pháp.

Quá trình xác minh, ban địa chính xã Đ, ban chia ruộng đất xóm Đ vào năm 1993 đều khẳng định: Kể từ khi cụ D2 kê khai chủ sử dụng đất theo bản đồ địa chính thành lập năm 1984 thì cụ D2 chưa có bất kỳ biên bản cho tặng, chuyển nhượng cho ai diện tích đất kê khai của các cụ. Diện tích đất của các cụ biến động theo sổ mục kê, bản đồ địa chính là do sai số khi đo đạc, tính toán. Thời điểm năm 1993, khi chia lại ruộng đất thì thực hiện chính sách chia ruộng từ trong vườn chia ra, nhưng hộ cụ D2 không có người ở nên không chia đất ruộng trừ vào trong vườn. Mặc dù Ban chia ruộng đã lên danh sách dự kiến chia đất 03 cho hộ ông M, nhưng sau khi đối chiếu quy định về chia đất 03 thì nhận thấy bà M1 là cán bộ viên chức đang công tác, ông M là cán bộ viên chức về mất sức nhưng vẫn được hưởng lương hàng tháng nên ông M và bà M1 không được chia ruộng 03. Các con của ông M, bà M1 là anh T3, anh T4 có khẩu tại địa phương nhưng không thuộc đối tượng được chia đất 03. Sau khi chia xong ruộng thì ông M có đề nghị địa phương chia ruộng cho gia đình ông M nên anh T3, anh T4 mỗi người được chia 1/2 suất ruộng là 5,5 miếng ở cánh đồng 11 mẫu chứ không chia ở trong vườn, tổng được 1,1 sào. Tại vị trí chia cho hộ ông M còn thừa 81m2 không thể chia cho ai nên đã chia luôn cho hộ ông M.

Ông Q, ông M, bà M1 và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhất trí với số liệu đo đạc, sơ đồ đất tại biên bản xem xét thẩm định tài sản ngày 27/3/2019, cũng như giá trị đất cùng tài sản là công trình, vật kiến trúc, cây cối có trên đất theo như biên bản định giá tài sản ngày 22/5/2019 và biên bản định giá tài sản bổ sung ngày 03/6/2019, không ai yêu cầu thẩm định, định giá lại tài sản.

Tại bản án số 09/2019/DS-ST ngày 05 tháng 8 năm 2019, Tòa án nhân dân huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đã Quyết định:

1/ Căn cứ: Điều 166, Điều 170 của Luật đất đai năm 2013; Khoản 2 Điều 468, Điều 609, Điều 610, Điều 612, Điều 618, Điều 620, Khoản 1 Điều 623, Điều 649, Điều 650, Điều 651, Điều 652, Điều 654, Điều 658, Điều 660, điểm d Khoản 1 Điều 688 của Bộ luật dân sự năm 2015; Khoản 5 Điều 26, điểm c khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 227, Điều 229, Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990; Mục 10 Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế; Điều 12 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án,

2/ Xử:

2.1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lưu Chí Q.

- Xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của cụ Lưu Phong D2 và cụ Nguyễn Thị N1 đối với thửa đất số 253 có diện tích 1054,9m2 và thửa số 254 có diện tích 241,8 m2 đều thuộc tờ bản đồ số 01 năm 1993.

- Ghi nhận sự tự nguyện của cụ T, bà H2, ông P, ông K về việc từ chối nhận kỷ phần thừa kế được hưởng.

- Ghi nhận sự tự nguyện của bà L, bà V, bà L1, bà D1, hàng thừa kế thứ nhất của bà L3 là: ông N, anh D, anh A, chị H, chị T, chị M; hàng thừa kế thứ nhất của ông T7 là: bà Lệ H1, anh Minh T1, anh Dũng T2 về việc đề nghị giao phần di sản được hưởng và nghĩa vụ có liên quan của bà L, bà V, bà L1, bà D1, ông T, bà L3 được hưởng cho ông Lưu Chí Q.

2.2. Phân chia di sản:

2.2.1. Phần thừa kế ông M được phân chia bao gồm:

a. Giao cho ông M được quyền quản lý, sử dụng, định đoạt 606,2m2 đất. Bao gồm:

50m2 đất ở và 556,2 m2 đất vườn thừa tương ứng với giá trị 4.243.400.000đ (Bốn tỷ hai trăm bốn mươi ba triệu bốn trăm nghìn đồng).

Trên phần đất chia cho ông M có các công trình vật kiến trúc gồm: 02 ngôi nhà mái bằng 1 tầng có diện tích 70,4m2 và 33,4m2 và một số công trình kiến trúc khác như cầu thang, lán tôn, tường hoa, tường rào, chuồng gà, sân vườn, 39 cây bưởi, 01 cây na, 04 cây cau, 01 cây mít, 01 cây đu đủ do vợ chồng ông M-bà M1 xây dựng, trồng trọt.

b. Giao cho anh T3- chị L2 được quyền quản lý, sử dụng, định đoạt phần diện tích đất là 233,6m2 , bao gồm: 50m2 đất ở 172,9m2 đất vườn thừa và 10,7m2 đất ao, tương ứng với giá trị 1.613.800.000đ (Một tỷ sáu trăm mười ba triệu tám trăm nghìn đồng).

Trên phần đất giao cho anh T3- chị L2 có các công trình vật kiến trúc gồm: 01 ngôi nhà 1,5 tầng có diện tích 91,7m2, 01 lán tôn có diện tích 43,1m2, 01 sân bê tông có diện tích 64,3m2, 02 trụ cổng, 04 cánh cổng sắt đều do anh T3 - chị L2 làm, 01 cây bưởi, 01 cây nhãn do ông M, bà M1 trồng.

Tổng giá trị tài sản ông M và anh T3-chị L2 được giao là: 4.243.400.000đ+ 1.613.800.000đ = 5.857.200.000đ (Năm tỷ tám trăm năm mươi bảy triệu hai trăm nghìn đồng).

Không đặt ra việc bồi thường giá trị phần công trình xây dựng của anh T3- chị L2, ông M, bà M1 trên phần đất ông M, anh T3- chị L được giao trong vụ án này.

b. Chia cho ông Q được sử dụng 456,9 m2 đt, bao gồm: 200m2 đất ở, 25,8m2 đất vườn thừa và 231,1m2 đất ao, tương ứng với giá trị 2.736.100.000đ (Hai tỷ bẩy trăm ba mươi sáu triệu một trăm nghìn đồng).

Trên phần đất chia cho ông Q có các công trình vật kiến trúc gồm: 01 quán lợp proximang có diện tích 97,7m2 ; 01 sân gạch có diện tích: 28,9m2; 02 sân bê tông có diện tích lần lượt là 13,6m2 và 25,9m2; 02 đoạn tường hoa gắn con tiện có chiều dài lần lượt là 2,4m và 7,15m cao trung bình 0,75m; 01 đoạn tường rào móng gạch khoang hoa sắt vuông có chiều dài 3,5m phía dưới xây gạch cao 0,75cm, phía trên có hàng rào sắt cao 1,1m; 01 cây bưởi có đường kính trung bình từ 02 cm đến 07cm; 05 cây bưởi có đường kính trung bình từ 12cm đến 20cm; 03 cây bưởi có đường kính trung bình trên 20cm; 02 cây sấu có đường kính trung bình từ 15cm đến 20cm; 01 cây hồng bì; 02 cây cau.

- Buộc ông M, bà M1 di chuyển 01 chuồng nuôi gà, 01 chuồng nuôi chó, 02 đoạn hàng rào sắt B40 (mỗi đoạn dài 04m cao trung bình 1,05m), 02 chậu cây cảnh chân đế xếp gạch đá để trả lại phần đất được chia cho ông Q, không đặt ra việc bồi thường giá trị.

- Buộc ông M, bà M1 dỡ bỏ 01 phần lán tôn phía trước ngôi nhà của ông M- bà M1 có chiều dài 7,23m, chiều rộng 0,58m, tổng diện tích 4,2m2 và 03 cột sắt liền với lán có đường kính trung bình 05 cm, cao trung bình 4m để trả lại diện tích đất được giao cho ông Q. Đối với phần lán tôn còn lại ông M phải tự có trách nhiệm gia cố để đảm bảo mục đích sử dụng.

Buộc ông M phải thanh toán chênh lệch phần di sản được hưởng cho ông Q là 3.706.041.355đ. (Ba tỷ bảy trăm linh sáu triệu không trăm bốn mươi mốt nghìn ba trăm năm mươi năm đồng).

Ông M phải có trách nhiệm thanh toán lại cho bà M1 phần công sức và công trình giao cho ông Q nhưng được đối trừ vào trách nhiệm của ông M là 542.150.000đ + 64.008.897đ = 606.158.897 (Sáu trăm linh sáu triệu một trăm năm mươi tám nghìn tám trăm chín mươi bảy đồng) nếu bà M1 có yêu cầu.

Kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật ông Q có đơn yêu cầu thi hành án hợp pháp, nếu ông M chậm thực hiện nghĩa vụ nói trên thì phải chịu lãi theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của BLDS năm 2015.

2.3. Đối với đất công:

Tạm giao cho ông Q tạm quản lý sử dụng 1,8m2 đất rãnh tiêu nước và 27,3m2 đất ao dôi dư.

Tạm giao cho ông M, bà M1 tạm quản lý, sử dụng 22,4m2 diện tích đất rãnh tiêu nước.

Không đặt ra xem xét giá trị bồi thường đối với công trình, lán tôn, cây cối do ông M- bà M1 tạo lập trên phần đất công này.

Ông Q, ông M, bà M1 có nghĩa vụ làm việc với cơ quan có thẩm quyền về những vấn đề phát sinh liên quan đến các diện tích đất này theo quy định của pháp luật.

(Vị trí, kích thước, mốc giới phần đất giao, tạm giao cho ông M, bà M1, ông Q, anh T3 và chị L2 được giao có sơ đồ vẽ kèm theo bản án).

Người được chia, giao quyền sử dụng đất có trách nhiệm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục xin cấp GCNQSDĐ.

Ông Q được nhận kỷ phần của ông Q và kỷ phần của các đồng thừa kế đã ủy quyền cho ông Q nên ông Q có trách nhiệm thanh toán lại quyền, nghĩa vụ tương ứng với giá trị tài sản được hưởng cho các đồng thừa kế đã ủy quyền nếu họ có yêu cầu.

Ngày 18 tháng 8 năm 2019, ông Lưu Chí M, bà Đào Thị M1, anh Lưu Trí T3 và anh Lưu Cảnh T2 kháng cáo toàn bộ bản án; ngày 19 tháng 8 năm 2019 ông Lưu Chí Q kháng cáo yêu cầu được nhận thừa kế bằng hiện vật là phần đất chưa có công trình xây dựng để đối trừ với số tiền chênh lệch ông M phải trả.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Các đương sự không thỏa thuận được về việc giải quyết vụ án nên giữ nguyên nội dung kháng cáo và đều nhất trí với kết quả xem xét, thẩm định lại tài sản của cấp phúc thẩm, đồng thời thống nhất kè ao giá trị 50.000.000 đồng.

Bị đơn ông M, người liên quan bà M1 xác định diện tích đất ở của cụ D2 và cụ N1 đã được giao cho gia đình ông, khi giao đất nông nghiệp thì địa phương đã chia tiêu chuẩn đất nông nghiệp của gia đình vào đất vườn của cụ D2, cụ N1 nên bố me không còn đất để chia thừa kế. Các anh chị em đã họp bàn thỏa thuận chia di sản thừa kế của cụ D2, cụ N1 nhưng ông Q và các anh chị em không thực hiện theo thỏa thuận.

Người liên quan anh T3 xác định nếu giao diện tích đất vợ chồng đã làm nhà cho gia đình thì anh không yêu cầu, đề nghị gì trường hợp giao cho người khác thì yêu cầu được đền bù giá trị tài sản và công sức theo quy định.

Anh T4 xác định vợ chồng sống chung cùng bố mẹ tại nhà đất của gia đình và chưa có công sức đóng góp gì.

Bị đơn, người liên quan đứng về phía bị đơn thống nhất với quan điểm luật sư xác định ông M nộp đơn khởi kiện năm 2014 nên nếu Tòa án căn cứ điểm a khoản 1 Điều 168 BLTTDS năm 2004 trả lại đơn khởi kiện thì vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015 Tòa án không được thụ lý giải quyết lại. Tòa án đã không thụ lý đơn khởi kiện năm 2014 mà sau đó thụ lý vụ án theo đơn khởi kiện năm 2018 của ông Môkhông có nội dung sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện là vi phạm thủ tục tố tụng vì có hai vụ kiện có cùng nội dung và có cùng đương sự. Gia đình đã họp bàn thống nhất phân chia di sản và ông Q đang giữ văn bản thỏa thuận nên đối tượng tranh chấp không còn. Tòa án cấp sơ thẩm xác định công sức và giá trị gia đình đã đầu tư là phù hợp, tại phiên tòa các đương sự đều thống nhất về giá trị kè ao nên không tranh luận. Gia đình ông M dự định được chia 990m2 đất 03, bị trừ 498m2 đất 03 vào đất vườn nhưng thực tế chỉ được giao 477m2 đất 03 với lý do đất thừa không giao cho ai nên giao thêm cho gia đình 81m2 là không phù hợp với vị trí đất trên thực tế. Do đất nông nghiệp của gia đình đã bị giao vào đất vườn thừa do đó phải trừ diện tích đất đã giao trước khi chia thừa kế.

Nguyên đơn ông Q xác định mặc dù anh em đã họp bàn phân chia di sản của bố mẹ nhưng do thỏa thuận không đúng quy định pháp luật nên ông không thực hiện được, ông cùng các chị em đều đã trao đổi với ông M nhưng ông Mô không làm thủ tục nên thỏa thuận không được các bên thực hiện, vì vậy năm 2014 ông đã làm đơn khởi kiện chia thừa kế. Do theo luật, Tòa án đã giải thích cho ông thời hiệu khởi kiện đã hết nên năm 2018 theo hướng dẫn của Tòa án tối cao thì thời hiệu khởi kiện chia di sản của bố mẹ ông là 30 năm tính từ ngày 10/9/1990 do đó ông tiếp tục làm đơn đề nghị Tòa án chia thừa kế tài sản của bố, mẹ. Tòa án sơ thẩm chia thừa kế cho các thừa kế do ông đại diện là 7 anh em phần di sản thừa kế diện tích đất ít hơn giao cho ông M là không phù hợp với thực tế do đó yêu cầu được nhận phần diện tích đất trống còn lại.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên phát biểu ý kiến:

- Việc chấp hành pháp luật của Thẩm phán, những người tiến hành tố tụng, các đương sự tuân thủ đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

- Về nội dung: Cấp sơ thẩm đã điều tra, xác minh tại địa phương có đủ căn cứ xác định gia đình ông M không được cấp hạn mức đất ở mới và không được giao đất nông nghiệp vì cụ T6, ông P là người ký nhận diện tích đất của cụ D2, cụ N1 nên đề nghị bác đơn khởi kiện là không có căn cứ. Cấp sơ thẩm xác định công sức trả gia đình ông M là phù hợp, các đương sự đều không có ý kiến tranh luận và sự thống nhất kè ao giá trị 50.000.000 đồng tại phiên tòa của các đương sự là tự nguyện nên được chấp nhận. Thực tế diện tích đất ông M nhiều hơn diện tích đất giao ông Q và các đồng thừa kế trong khi có thể giao thêm đất từ diện tích đất giao ông M nên theo khoản 2 Điều 660 BLDS cần sửa bản án sơ thẩm. Do đó đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308, Điều 309 BLTTDS không chấp nhận kháng cáo của ông M, bà M1, anh T3 và anh T4; chấp nhận kháng cáo của ông Q: Ghi nhận kè ao giá trị 50 triệu đồng, giao thêm cho ông Q từ 220m2 đến 250m2 và buộc ông M trả chênh lệch giá trị tài sản cho ông Q.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện, khách quan, đầy đủ các chứng cứ, lời trình bầy của các đương sự, quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Về tố tụng:

[1.1] Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án cụ Nguyên Thị T6 chết ngày 07 tháng 10 năm 2019 nhưng quá trình giải quyết vụ án cụ T6 và các con của cụ Lưu Phong D2 và cụ Nguyên Thị T6 là ông Lưu Trí P, ông Đặng Trí K và bà Phạm Thị H2 đều từ chối nhận di sản thừa kế của cụ Lưu Phong D2 nên Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

[1.2] Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án Ông Lưu Trí P, ông Đặng Trí K, bà Phạm Thị H2, chị Nguyễn Thị L2 và chị Cao Thị Minh S đều đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai; bà Lưu Thị L, bà Vũ Thị D, bà Lưu Thị V, bà Lưu Thị L1, ông Nguyên Đạt N, anh Nguyên Đạt D, anh Nguyên Đạt A, chị Nguyên Thị T, chị Nguyên Thị M, chị Nguyên Thị H, bà Nguyễn Lệ H1, anh Lưu Minh T1, anh Lưu Dũng T2 đã được Tòa án triệu tập hợp lệ và đã văn bản ủy quyền cho ông Lưu Chí Q đồng thời đề nghị giải quyết vắng mặt nên Tòa án xét xử vắng mặt những người này theo quy định tại khoản 3 Điều 296 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[1.3] Các đương sự đều công nhận cụ Lưu Phong D2 có hai vợ là cụ Nguyễn Thị N1 và cụ Nguyên Thị T6, tài sản chung của cụ D2 và cụ T6 do cụ T6 quản lý, sử dụng nên đều không có yêu cầu, đề nghị gì đối với tài sản chung của cụ D2 và cụ T6. Đối với ngôi nhà cấp 4 và cây cối do cụ D2, cụ N1 trồng: Các đương sự đều thừa nhận ngôi nhà và cây trồng trên đất do cụ D2, cụ N1 tạo lập đều đã bị mục nát, không còn giá trị sử dụng nên cho đến thời điểm chia thừa kế thì xác định các cụ không còn di sản là nhà, công trình và cây cối gì khác nên không yêu cầu giải quyết. Quan điểm của các đương sự là hoàn toàn tự nguyện và phù hợp pháp luật nên theo quy định tại Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự Tòa án chỉ xem xét giải quyết tài sản chung của cụ D2 và cụ N1 trong phạm vi đơn khởi kiện của đương sự diện tích đất kê khai đăng ký tại thửa số 253, và đất ao kê khai đăng ký thửa số 254 đều thuộc tờ bản đồ số 01 lập năm 1993; địa chỉ thửa đất: thôn Đ, xã Đ, huyện K, tỉnh Hưng Yên.

[2]. Về nội dung:

[2.1] Sự thừa nhận của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi liên quan đến vụ án phù hợp với lời khai của người làm chứng, cung cấp của Ủy ban nhân dân xã Đ, cơ sở thôn Đ và hồ sơ địa chính nên theo khoản 2 Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự có đủ căn cứ xác định tài sản chung của cụ D2 và cụ N1 gồm có đất thổ cư kê khai đăng ký thửa số 253, và đất ao kê khai đăng ký thửa số 254 đều thuộc tờ bản đồ số 01 lập năm 1999; địa chỉ thôn Đ, xã Đ, huyện K, tỉnh Hưng Yên cùng tài sản trên đất là nhà ba gian, cây cổ thụ. Xét kháng cáo của bị đơn ông Lưu Chí M và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan xác định đất không phải của cụ Lưu Phong D2 và cụ Nguyễn Thị N1, và đề nghị xem xét gia đình bị trừ đất nông nghiệp vào đất ở thấy:

Ông Lưu Chí M xác định diện tích đất của cụ D2, cụ N1 đã được cấp cho gia đình ông đất ở diện tích 200m2 và khi chia đất nông nghiệp địa phương đã trừ đất gia đình được chia vào đất vườn, Hội đồng xét xử thấy: theo quy định tại khoản 2,3,5 Điều 14; Điều 35 của Luật đất đai năm 1987, khoản 5 điều 28 Nghị định số 30/HĐBT ngày 23/3/1989 thì chỉ được giao đất ở trong khu dân cư cho những hộ chưa có nhà ở trong khi sự thừa nhận của chính gia đình ông M và xác minh tại công an xã Đ, năm 1985 cụ D2 còn sống thì ông M, anh T4 đã có khẩu trong hộ cụ D2 nên đất của cụ D2 không thuộc trường hợp bị thu hồi như ông M trình bày. Mặt khác theo xác minh tại địa phương, tại thời điểm chia hạn mức đất ở năm 1993, các gia đình phải có 03 cặp vợ chồng trở lên mới được tách hoặc cấp hạn mức đất ở mới trong khi ông M vẫn ở trên đất của cụ D2, không tách hộ mới, anh T4, anh T3 đều có tên ở trong sổ hộ khẩu, nhưng còn nhỏ, chưa kết hôn, nên ông M và bà M1 không thuộc trường hợp được cấp mới do đó không được cấp bất kỳ hạn mức đất ở nào. Thời điểm chia ruộng đất năm 1993, ông M không có mặt tại địa phương, nhà đất của cụ D2 không có người ở chỉ có chồng bà L là ông Nguyên Như Đ làm vườn trên đất của cụ D2. Khi đo đất, Ban chia ruộng đất có đề nghị vợ hai của cụ D2 là cụ T6 và ông P ký nhận đất của cụ D2 nhưng họ từ chối vì cụ D2 đã cho mẹ con cụ T6 nhà đất riêng nên ông Đ đã ký nhận thay. Việc đăng ký tên ông M là do cụ D2 đã chết, nhà đất của cụ không có người ở, theo phong tục tập quán bố mất thì ghi tên con trai trưởng là ông M để xác định là đất có chủ chứ không phải ông M đứng ra kê khai. Cán bộ chia ruộng đất cũng xác nhận thời điểm đó ban chia ruộng đất xác định toàn bộ đất trong vườn và ao đều vẫn là của cụ D2. Theo chính sách chia ruộng đất tại địa phương năm 1993 thì hộ cụ D2 được tính là hộ cổ xưa và được chia hạn mức đất ở là 300m2, còn lại bao nhiêu là đất vườn thừa, đồng thời cụ D2 còn có một diện tích đất ao thuộc thửa riêng cũng không phải là đối tượng để chia theo đất 03. Do đó, ông M và gia đình cho rằng hộ gia đình do ông Mô là chủ hộ được nhà nước cấp hạn mức 200m2 đất ở từ đất thu hồi của cụ D2 là không phù hợp với số liệu kê khai tại sổ sách địa chính xã còn lưu giữ về diện tích đất ở được công nhận của cụ D2 là 300 m2. Mặt khác theo cung cấp của cán bộ chia ruộng đất tại địa phương năm 1993, và căn cứ theo sổ sách chia ruộng còn lưu giữ và thực tế tại thời điểm chia ruộng thể hiện: Tại thời điểm chia đất nông nghiệp 03 (năm 1993) thì xã Đ là một trong những xã có chủ trương chia đất 03 trừ vào đất vườn thừa, nếu thiếu mới chia ra ngoài đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm chia đất thì nhà đất của cụ D2 không có người ở nên không chia đất 03 vào vườn thừa. Mặc dù ban chia ruộng cũng đã lập danh sách dự định chia cho hộ ông M 990m2 đất 03, tuy nhiên sau khi đối chiếu quy định tại thời điểm lúc bấy giờ thì ông Mô vừa là công nhân nghỉ mất sức, hưởng trợ cấp hàng tháng, vừa là thương binh nên không được chia đất 03, bà M1 vẫn đang công tác, anh T3 và anh T4 chưa đủ tuổi lao động nên Ban chia ruộng không chia đất cho gia đình ông M. Sau khi đã chia ruộng xong cho các hộ gia đình thì ông Mô về và có yêu cầu xin chia đất nên ban chia ruộng xét thấy ông M, bà M1 đều là cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước nên anh T4 và anh T3 chỉ được giao mỗi người là ½ của một suất ruộng 03 thông thường, tức là 5,5 miếng tương đương 198m2 x 2 = 396m2. Tuy nhiên, tại vị trí đất chia cho anh T4 và anh T3 còn thừa ra 81m2 không thể chia cho người khác vào phần đất này. Do vậy, tổ chia ruộng thống nhất giao cả 81m2 này cho anh T3 và anh T4. Nên tổng diện tích đất 03 của anh T3 và anh T4 được nhận là 477m2 hoàn toàn thuộc cánh đồng khu 11 mẫu, không trừ vào đất vườn của cụ D2. Diện tích đất này cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông M. Việc ông M trình bày trong diện tích 477m2 có 5 miếng đất tương đương 180 m2 là đất 03 của chị A1 con bà L là không đúng, bởi lẽ theo sổ chia ruộng thì hộ ông Đ, bà L cũng được chia 159m2 ở cánh đồng 11 mẫu cùng vị trí đất ruộng ông M được chia phù hợp với lời khai của bà L, chị A1 và quy định tại Điều 7, Điều 8 của Nghị định số 64/CP, ngày 27/09/1993 của Chính phủ về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp thì ông M được trợ cấp mất sức hàng tháng nên không được giao đất mà chỉ được thuê đất nếu có nhu cầu và anh T4, anh T3 chưa đến tuổi lao động trong khi bố mẹ là cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước. Thực tế việc đứng tên ông M trong sổ địa chính xã từ năm 1993 đến năm 2012 theo địa phương cung cấp: lý do chuyển tên từ cụ D2 sang ông M trong sổ địa chính vì khi cụ D2 mất, ông M có khẩu ở đó chứ không có bất kỳ giấy tờ gì của cụ D2 như di chúc, giấy tờ cho tặng, chuyển nhượng, chuyển đổi ... cho ông M; ông M cũng thừa nhận không có bất kỳ giấy tờ và cũng không cung cấp được bất gì giấy tờ gì chứng minh cho việc chuyển tên chủ sử dụng đất từ cụ D2 sang ông M là hợp pháp. Do đó khi có khiếu nại, ngày 28 tháng 12 năm 2014, Ủy ban nhân dân xã Đ đã có Thông báo số 40/TB-UBND về việc giải quyết trả lại tên trong hồ sơ địa chính của UBND xã Đ, mặc dù trong Thông báo có sự nhầm lẫn về số liệu diện tích tuy nhiên số thửa, số tờ là đúng nhưng các bên đều công nhận đã nhận được Thông báo và không có khiếu nại nên quan điểm của bị đơn, người liên quan đứng về phía bị đơn và luật sư về việc đất của cụ D2, cụ N1 đã bị thu hồi cấp cho gia đình ông M đất ở diện tích 200m2 và khi chia đất 03 gia đình đã bị trừ đất vườn thừa vào diện tích đất nông nghiệp được giao là không có căn cứ nên không được chấp nhận.

[2.2] Di sản: Như vậy có đủ căn cứ xác định tài sản chung là di sản của cụ Lưu Phong D2 và cụ Nguyễn Thị N1 là đất ở và đất vườn thừa kê khai đăng ký thửa số 253 và đất ao kê khai đăng ký thửa số 254 đều thuộc tờ bản đồ số 01 lập năm 1993; địa chỉ thửa đất: thôn Đ, xã Đ, huyện K, tỉnh Hưng Yên. Theo kê khai tại bản đồ 299 lập năm 1984 thì đất của cụ D2, cụ N1 đều mang tên cụ D2 gồm 3 thửa là thửa số 357 có diện tích 962m2, thửa số 360 diện tích 125m2 là đất rãnh, thửa số 365 diện tích 226m2 là đất ao đều thuộc tờ bản đồ số 114; Theo kê khai tại sổ mục kê và bản đồ năm 1993 thì diện tích đất của hai cụ được kê khai, đăng ký tên ông Lưu Chí M gồm hai thửa là đất thổ cư thửa số 253, diện tích 1023m2 và đất ao thửa số 254, diện tích 225m2 đều thuộc tờ bản đồ số 01. Sự chênh lệch số liệu giữa bản đồ 299 và bản đồ 1993 là do sai số do đo đạc vì quá trình sử dụng cụ D2, ông M cũng không chuyển nhượng hay nhận chuyển nhượng thêm diện tích đất. Căn cứ theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 27/3/2019 và qua đối chiếu số liệu các cạnh của thửa đất được đo vẽ năm 1993 cấp sơ thẩm xác định diện tích đất ông M và gia đình quản lý sử dụng tại thời điểm xem xét thẩm định là 1079,1 m2 và diện tích đất ao là 269,1m2 và qua đối chiếu với số liệu cạnh của các thửa đất được đo vẽ thời điểm năm 1993 thì xác định được đất thổ cư là 1054,9m2 (dôi dư ra so với số liệu kê khai năm 1993 là 1054,9m2 - 1023m2 = 31,9m2 là sai số do tính toán, trước đây tính thủ công còn hiện tại đo bằng máy, có sự chính xác cao hơn); Đất rãnh tiêu nước thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân xã là 24,2m2; Đất ao hợp pháp là 241,8m2 (dôi dư ra so với số liệu kê khai năm 1993 là 241,8m2 - 225m2 = 16,8m2 là sai số do tính toán, trước đây tính thủ công còn hiện tại đo bằng máy, có sự chính xác cao hơn); Đất ao dôi dư là: 27,3m2. Tại phiên tòa các đương sự đều thừa nhận và đề nghị giải quyết theo kết quả thẩm định lại tài sản của cấp phúc thẩm nên di sản của cụ D2 và cụ N1 là là diện tích 300m2 đất ở, 747,6m2 đất vườn thừa kê khai đăng ký thửa số 253, tờ bản đồ số 01 lập năm 1993 giá trị 7.333.200.000 đồng và 241.8m2 đất ao đất ao thửa số 254, tờ bản đồ số 01 lập năm 1993 giá trị 1.209.000.000 đồng; tổng giá trị di sản là 8.542.200.000 đồng, quan điểm của ông M không phù hợp pháp luật nên không được chấp nhận. Đất thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân xã là 27m2, đất Ao dôi dư 27,3m2.

[2.3] Quan điểm của luật sư, bị đơn, người liên quan đứng về phía bị đơn xác định nếu Tòa án cấp sơ thẩm trả lại đơn khởi kiện năm 2014 của ông Q theo quy định của pháp luật thì sẽ phải trả lại đơn khởi kiện năm 2018 của ông Q vì “Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án”, Hội đồng xét xử thấy theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn "Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật: a) Đối với những vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản mà trước ngày 01-01-2017, Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì lý do "thời hiệu khởi kiện đã hết" nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 thời hiệu khởi kiện vụ án đó vẫn còn, thì người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 và điểm d khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015”. Do đó quan điểm của luật sư, bị đơn và người liên quan đứng về phía bị đơn không có căn cứ chấp nhận; cấp sơ thẩm thụ lý, giải quyết vụ án và xác định yêu cầu khởi kiện tranh chấp về thừa kế tài sản là bất động sản của cụ Lưu Phong D2 và cụ Nguyễn Thị N1 của ông Lưu Chí Q là đúng quy định pháp luật vì cụ Lưu Phong D2, chết năm 1986, và cụ Nguyễn Thị N1, chết năm 1957 đều trước ngày 10/9/1990 nên theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế thì thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10/09/1990, và kể từ ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này”, khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự thì từ ngày 01/01/2017, Tòa án áp dụng khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.” [2.4] Các đương sự đều công nhận cụ Lưu Phong D2 và cụ Nguyễn Thị N1 không có di chúc nên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự di sản của cụ D2 và cụ N1 được chia theo pháp luật.

[2.5] Người thừa kế và hàng thừa kế: Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều không có tranh chấp về hàng thừa kế và phù hợp với chứng cứ đã thu thập trong hồ sơ có đủ căn cứ xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nguyễn Thị N1 là cụ Lưu Phong D2 cùng các con là bà Lưu Thị L1, bà Lưu Thị L3, bà Lưu Thị V, ông Lưu Chí M, bà Lưu Thị L, ông Lưu Mạnh T7 (tức T), bà Vũ Thị D1 và ông Lưu Chí Q; và hàng thừa kế thứ nhất của cụ Lưu Phong D2 là cụ Nguyên Thị T6, ông Lưu Trí P, ông Đặng Trí K, bà Phạm Thị H2, bà Lưu Thị L1, bà Lưu Thị L2, bà Lưu Thị V, ông Lưu Chí M, bà Lưu Thị L, ông Lưu Mạnh T7 (tức T), bà Vũ Thị D1 và ông Lưu Chí Q. Do cụ T6 (đã chết) và ông Lưu Trí P, Đặng Trí K, bà Phạm Thị H2 đều từ chối nhận di sản thừa kế nên hàng thừa kế thứ nhất của cụ Lưu Phong D2 và cụ Nguyễn Thị N1 là bà Lưu Thị L1, bà Lưu Thị L3 (đã chết), bà Lưu Thị V, ông Lưu Chí M, bà Lưu Thị L, ông Lưu Mạnh T7 (tức T, đã chết), bà Vũ Thị D1 và ông Lưu Chí Q mỗi người được hưởng phần di sản bằng nhau theo quy định tại khoản 2 Điều 651 Bộ luật dân sự.

[2.6] Về chi phí cho việc bảo quản di sản và công sức quản lý di sản: Các đương sự đều công nhận gia đình ông M đã quản lý, sử dụng di sản của cụ D2, cụ N1 từ sau khi cụ D2 chết nên theo quy định tại khoản 3 Điều 658 Bộ luật dân sự và Án lệ số 06/2016/AL yêu cầu thanh toán chi phí cho việc bảo quản di sản và công sức quản lý di sản của ông M, bà M1 phù hợp quy định của pháp luật nên được chấp nhận. Xét thực tế gia đình ông M đã trông nom, quản lý di sản từ khi cụ D2 chết và có tôn tạo, tu bổ thêm đối với diện tích đất nên quan điểm của luật sư và bị đơn, người liên quan đứng về phía bị đơn nhất trí đối với số tiền cấp sơ thẩm thanh toán công sức quản lý và chi phí cho việc bảo quản di sản là phù hợp nên không có cơ sở chấp nhận quan điểm của ông Q do đó sẽ thanh toán trả gia đình ông M chi phí cho việc bảo quản và công sức quản lý di sản số tiền 1.084.300.000 đồng.

[2.7] Giá trị di sản chia thừa kế của cụ Lưu Phong D2 và cụ Nguyễn Thị N1 là 7.457.900.000 đồng (8.542.200.000 đồng - 1.084.300.000 đồng), do đó giá trị phần di sản mỗi người thừa kế được hưởng là 932.237.500 đồng. Do hàng thừa kế thứ nhất là bà Lưu Thị L1, bà Lưu Thị V, bà Lưu Thị L, bà Vũ Thị D1 và người thừa kế chuyển tiếp (hàng thừa kế thứ nhất) của bà Lưu Thị L3 và ông Lưu Mạnh T7 là ông Nguyên Đạt N, anh Nguyên Đạt D, anh Nguyên Đạt A, chị Nguyên Thị T, chị Nguyên Thị M, chị Nguyên Thị H, bà Nguyễn Thị Lệ H1, anh Lưu Minh T2 và anh Lưu Dũng T3 đều đề nghị giao phần di sản được hưởng cho ông Q nên giá trị phần di sản giao ông Q là 6.525.662.500 đồng (932.237.500 đồng x 7).

[2.8] Chia hiện vật: Xét kháng cáo được nhận di sản thừa kế bằng đất của ông Q vì ông M không có điều kiện kinh tế để trả số tiền cấp sơ thẩm buộc ông M phải trả các thừa kế trong khi diện tích đất giao ông M có thể giao thêm cho các thừa kế khác, Hội đồng xét xử thấy cấp sơ thẩm căn cứ thực tế hiện trạng tài sản trên đất của cụ D2 và cụ N1 hiện do ông M, bà M1 cùng vợ chồng anh T4 và vợ chồng anh T3 đang sinh sống và quản lý sử dụng để giao ông M tiếp tục quản lý sử dụng diện tích đất đã xây dựng nhà, cùng các công trình trên đất, đồng thời giao vợ chồng anh T3 diện tích đất đã xây dựng nhà cùng các công trình xây là phù hợp. Tuy nhiên cấp sơ thẩm giao ông M quản lý sử dụng tổng diện tích 839,8m2 (theo kết quả thẩm định lại là 836m2) đất ở, đất vườn và giao ông Q cùng các thừa kế khác 125,1m2 (theo kết quả thẩm định lại là 125,6m2) đất ở, đất vườn; và buộc ông M chia chênh lệch giá trị di sản bằng tiền cho ông Q số tiền 3.706.041.375 đồng trong khi ông M nghỉ mất sức không có điều kiện để thanh toán bằng tiền trả các thừa kế khác và thực tế diện tích đất cấp sơ thẩm giao ông M có thể giao thêm cho các thừa kế khác mà không ảnh hưởng đến các công trình xây dựng trên đất là chưa phù hợp quy định khoản 2 Điều 660 Bộ luật dân sự “Đương sự có quyền yêu cầu chia bằng hiện vật”. Mặt khác, ông M cũng chưa có quan điểm tặng cho vợ chồng anh T3, chị L2 hay cho riêng anh T3 đất nhưng cấp sơ thẩm đã giao diện tích đất thừa kế của ông M cho vợ chồng anh T3, chị L2 là vi phạm quyền tự định đoạt của đương sự nên sẽ giao thêm cho ông Quy 255,5m2 đất chưa xây dựng công trình trên đất từ diện tích đất cấp sơ thẩm đã giao cho ông M và giao cho ông M diện tích đất thừa kế của cụ D2 và cụ N1 cấp sơ thẩm giao cho vợ chồng anh T3, chị L2.

[2.8.1] Giao cho ông Lưu Chí M quản lý, sử dụng 347,3m2 đất, bao gồm: 99,5m2 đất ở (347.3 x 300 : 1047,6) và 248,8m2 đất vườn giá trị 2.431.100.000 đồng; cùng các tài sản do vợ chồng ông M, bà M1 tạo lập trên đất: 02 ngôi nhà mái bằng 1 tầng có diện tích 70,4m2 và 33,4m2 và các công trình kiến trúc xây dựng trên đất gồm: cầu thang, lán tôn, tường hoa, tường rào, chuồng gà, sân vườn, 06 cây bưởi, 01 cây na, 05 cây cau, 01 cây mít, 01 cây đu đủ, 01 cây xoài .

[2.8.2] Giao ông M quản lý, sử dụng 233,2m2 đất, bao gồm 64,2m2 (224.3 x 300 : 1047,6) đất ở, 169m2 đất vườn và 8,9m2 đất ao giá trị 1.614.600.000 đồng cùng các tài sản trên đất do ông M, bà M1 tạo lập 01 cây bưởi, 01 cây nhãn và tài sản do vợ chồng anh T3, chị L2 tạo lập gồm 01 ngôi nhà 1,5 tầng, 01 lán tôn, 01 sân bê tông, 02 trụ cổng, 04 cánh cổng sắt.

Tổng giá trị di sản giao ông M là 4.045.700.000 đồng.

[2.8.3] Giao ông Q quản lý, sử dụng 94,9m2 đất gồm 27,2m2 (94.9 x 300 :

1047,6) đất ở và 67,7m2 đất vườn giá trị 664.700.000 đồng cùng 01 quán lợp Proxi măng giá trị 99.010.000 đồng, sân bê tông giá trị 1.276.290 đồng (26,1m2 x 97.800 đồng/01m2 x 50%) và 01 cây sấu giá trị 520.000 đồng.

Giao ông Q quản lý sử dụng diện tích đất 381,1m2 đất gồm 109,1m2 đất ở (381,1 x 300 : 1047,6) và 272m2 đất vườn giá trị 2.667.700.000 đồng cùng các công trình xây dựng trên đất là sân gạch 28,5m2 giá trị 1.952.250 đồng (28,5m2 x 137.000 đồng/01m2 x 50%); sân bê tông 14m2 giá trị 684.600 đồng (14m2 x 97.800 đồng/01m2 x 50%); 02 đoạn tường hoa gắn con tiện dài 2,4m và 7,5m, cao trung bình 0,75m giá trị 1.727.595 đồng (2,4 + 7,5)m x 0,75m x 482.400 đồng x 50%); 01 đoạn tường rào móng gạch, khoang hoa sắt vuông dài 3,5m phía dưới xây gạch cao 0,75cm, phía trên có hàng rào sắt cao 1,1m giá trị 2.764.000 đồng (711.400 đồng/01m2 x 3,5m x (0,75+1,1)m x 60%);

30 cây bưởi giá trị 69.300.000 đồng ( 22 cây đường kính trên 20cm giá trị 55.000.000 đồng, 07 cây đường kính từ 12cm đến 20cm giá trị 14.000.000 đồng, 01 cây đường kính 02cm đến 07cm giá trị 300.000 đồng); 01 cây sấu giá trị 520.000 đồng; 01 cây xoan nâu giá trị 85.000 đồng; 01 cây xoài giá trị 600.000 đồng và 01 cây cau giá trị 330.000 đồng. Các tài sản khác trên đất giao ông Q có thể di dời, dỡ bỏ được mà không ảnh hưởng đến giá trị sử dụng, nên cần buộc ông M, bà M1 di dời, dỡ bỏ ra khỏi phần đất giao cho ông Q mà không đặt ra việc bồi thường gồm 01 chuồng nuôi gà, 01 chuồng nuôi chó, 02 đoạn hàng rào sắt B40, 02 chậu cây cảnh chân đế xếp gạch đá và 01 phần lán tôn phía trước ngôi nhà của ông M- bà M1 có chiều dài 7,14m, chiều rộng (0,50m và 0,40m) và 03 cột sắt liền với lán có đường kính trung bình 05 cm, cao trung bình 4m.

Giao ông Q quản lý, sử dụng 232,9m2 ao giá trị 1.164.500.000 đồng (232,9m2 x 5.000.000 đồng/01m2) và 01 kè ao giá trị 50.000.000 đồng.

Tổng giá trị tài sản giao ông Q là 4.725.669.735 đồng làm tròn là 4.725.670.000 đồng.

(Vị trí, kích thước, mốc giới phần đất giao,và tạm giao cho ông Lưu Chí M, ông Lưu Chí Q có sơ đồ vẽ kèm theo bản án).

Giá trị di sản giao ông Lưu Chí Q là 6.525.662.500 đồng nên sẽ buộc ông Lưu Chí M phải thanh toán trả ông Q chênh lệch giá trị di sản là 1.799.992.500 đồng.

Do ông M được giao diện tích đất trên đất có các tài sản do ông M, bà M1 tạo lập cùng tài sản do anh T3, chị L2 tạo lập, tuy nhiên do anh T3 chị L2 đều có quan điểm nếu diện tích đất có tài sản do anh chị tạo lập được giao cho gia đình thì chưa yêu cầu giải quyết đối với các công trình trên đất và diện tích đất giao ông M do ông cùng bà M1 và vợ chồng anh T4 quản lý, sử dụng do đó không đặt ra giải quyết việc bồi thường đối với các tài sản trên diện tích đất giao ông M.

Chi phí cho việc bảo quản di sản và công sức trông nom quản lý di sản của ông M, bà M1 và giá trị tài sản do gia đình ông M tạo lập giao cho ông Q được tính vào giá trị di sản giao ông M do các đương sự đều không yêu cầu Tòa án giải quyết nên bà M1 và hai con là anh T3, anh T4 có quyền khởi kiện yêu cầu ông M thanh toán trong một vụ kiện khác khi có yêu cầu.

[2.9] Đất công:

Căn cứ vào biên bản xem xét thẩm định tại chỗ có đủ căn cứ xác định quá trình quản lý, sử dụng gia đình ông M đã quản lý, sử dụng diện tích đất công làm rãnh tiêu nước thuộc quyền quản lý của UBND xã Đ là 27m2 và một phần đất ao dôi dư là 27,3m2. Do đất không có tranh chấp và UBND xã Đ và các đương sự đều có quan điểm không đề nghị Tòa án giải quyết trong vụ án nên căn cứ vị trí đất giao cho các đương sự sẽ tạm giao cho ông Q tạm quản lý sử dụng 6,3m2 đất (2,7m2 + 3,6m2) rãnh tiêu nước và 27,3m2 đất Ao dôi dư; Tạm giao cho ông M quản lý, sử dụng 20,7m2 diện tích đất rãnh tiêu nước.

Trên các phần đất rãnh tiêu nước có các công trình, lán tôn, cây cối do gia đình ông M tạo lập trái phép do là đất công nên không đặt ra xem xét giá trị bồi thường.

Ông Q, ông M phải có nghĩa vụ làm việc với cơ quan có thẩm quyền về những vấn đề phát sinh liên quan đến các diện tích đất này theo quy định của pháp luật.

Người được chia, giao, tạm giao quyền sử dụng đất có trách nhiệm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

[3] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên tại phiên tòa là có căn cứ nên được chấp nhận.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[6] Án phí: Do sửa Bản án sơ thẩm nên đương sự không phải chịu án phí phúc thẩm và tính lại án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 cấp sơ thẩm miễn án phí cho ông M là phù hợp pháp luật nhưng miễn toàn bộ án phí cho ông Q là chưa đúng vì theo khoản 3 Điều 12 của Nghị quyết thì “Trường hợp các đương sự thỏa thuận một bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp mà bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp thuộc trường hợp được miễn nộp tiền án phí thì Tòa án chỉ xem xét miễn án phí đối với phần mà người thuộc trường hợp được miễn phải chịu theo quy định của Nghị quyết này. Phần án phí, lệ phí Tòa án mà người đó nhận nộp thay người khác thì không được miễn nộp.”. Do người thừa kế chuyển tiếp của bà Lưu Thị L3 là anh Nguyên Đạt D, anh Nguyên Đạt A, chị Nguyên Thị T, chị Nguyên Thị M, chị Nguyên Thị H; và của ông Lưu Trí T7 là anh Lưu Minh T2 và anh Lưu Dũng T3 không thuộc trường hợp được miễn án phí nên ông Q phải chịu án phí tương ứng với giá trị di sản những người này được hưởng gồm án phí người thừa kế chuyển tiếp của bà Lưu Thị L3 phải chịu án phí sơ thẩm tương ứng với giá trị di sản 776.864.000 đồng (932.237.500 đồng : 6 x 5) là 35.074.500 đồng, và người thừa kế chuyển tiếp của ông Lưu Trí T7 (tức T) phải chịu án phí tương ứng với giá trị di sản 621.491.000 đồng (932.237.500 đồng : 3 x 2) là 28.859.500 đồng; tổng cộng 73.934.000 đồng.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308; Điều 309 và khoản 2 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự;

các Điều 611, 613, 615 Điều 623; Điều 649; Điều 650; Điều 651; Điều 357 và Điều 468 Bộ luật dân sự. Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, xử:

Chấp nhận kháng cáo của ông Lưu Chí Q, không chấp nhận kháng cáo của ông Lưu Chí M, bà Đào Thị M1, anh Lưu Chí T3 và anh Lưu Cảnh T4; Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 09/2019/DS-ST ngày 05 tháng 8 năm 2019 của Toà án nhân dân huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của ông Lưu Chí Q đối với di sản của cụ Lưu Phong D2 và cụ Nguyễn Thị N1 là đất ở, đất vườn thừa thửa số 253 và đất ao thửa số 254 đều thuộc tờ bản đồ số 01, lập năm 1993 địa chỉ thôn Đ, xã Đ, huyện K, tỉnh Hưng Yên.

Xác nhận cụ Lưu Phong D2, chết năm 1986 có hai vợ là cụ Nguyễn Thị N1, chết năm 1957 và cụ Nguyên Thị T6, chết năm 2019 đều không có di chúc.

Xác nhận con chung của cụ Lưu Phong D2 và cụ Nguyễn Thị N1 là bà Lưu Thị L1, bà Lưu Thị L3 (đã chết), bà Lưu Thị V, ông Lưu Chí M, bà Lưu Thị L, ông Lưu Mạnh T7 (tức T, đã chết), bà Vũ Thị D1 và ông Lưu Chí Q.

Xác nhận con chung của cụ Lưu Phong D2 và cụ Nguyên Thị T6 là ông Lưu Trí P và ông Đặng Trí K; cụ Nguyên Thị T6 có 01 con riêng là bà Phạm Thị H2.

Xác nhận bà Lưu Thị L3, chết năm 2016 và ông Lưu Mạnh T7, chết năm 2013 đều không có di chúc. Hàng thừa kế thứ nhất của bà Lưu Thị L3 là ông Nguyên Đạt N, anh Nguyên Đạt D, anh Nguyên Đạt A, chị Nguyên Thị T, chị Nguyên Thị M và chị Nguyên Thị H; hàng thừa kế thứ nhất của ông Lưu Mạnh T7 là bà Nguyễn Thị Lệ H1, anh Lưu Minh T1 và anh Lưu Dũng T2.

Công nhận sự tự nguyện của cụ Nguyên Thị T6, ông Lưu Trí P, ông Đặng Trí K và bà Phạm Thị H2 từ chối nhận di sản thừa kế của cụ Lưu Phong D2.

Xác nhận di sản của cụ Lưu Phong D2 và cụ Nguyễn Thị N1 là diện tích đất gồm 300m2 đất ở, 747,6m2 đất vườn thừa kê khai, đăng ký thửa số 253 và 241,8m2 đất ao kê khai, đăng ký thửa số 254 đều thuộc tờ bản đồ số 01, lập năm 1993; địa chỉ thửa đất: thôn Đ, xã Đ, huyện K, tỉnh Hưng Yên giá trị 8.542.200.000 đồng (Tám tỷ năm trăm bốn mươi hai triệu hai trăm nghìn đồng ).

Thanh toán trả ông Lưu Trí M chi phí cho việc bảo quản và công sức quản lý di sản số tiền 1.084.300.000 đồng (Một tỷ không trăm tám mươi bốn triệu ba trăm nghìn đồng) Giá trị di sản chia thừa kế của cụ Lưu Phong D2 và cụ Nguyễn Thị N1 là 7.457.900.000 đồng (Bẩy tỷ bốn trăm năm mươi bẩy triệu chín trăm nghìn đồng) Hàng thừa kế thứ nhất của cụ Lưu Phong D2 và cụ Nguyễn Thị N1 là bà Lưu Thị L1, bà Lưu Thị L3, bà Lưu Thị V, ông Lưu Chí M, bà Lưu Thị L, ông Lưu Mạnh T7 (tức Tê7), bà Vũ Thị D1 và ông Lưu Chí Q được hưởng phần di sản bằng nhau giá trị 932.237.500 đồng (Chín trăm ba mươi hai triệu hai trăm ba mươi bẩy nghìn năm trăm đồng).

Công nhận sự tự nguyện của bà Lưu Thị L1, bà Lưu Thị V, bà Lưu Thị L, bà Vũ Thị D1, và người thừa kế chuyển tiếp (hàng thừa kế thứ nhất) của bà Lưu Thị L3 và ông Lưu Mạnh T7 là ông Nguyên Đạt N, anh Nguyên Đạt D, anh Nguyên Đạt A, chị Nguyên Thị T, chị Nguyên Thị M, chị Nguyên Thị H, bà Nguyễn Thị Lệ H1, anh Lưu Minh T1, anh Lưu Dũng T2 về việc đề nghị giao phần di sản được hưởng và nghĩa vụ có liên quan cho ông Lưu Chí Q; giá trị di sản giao ông Lưu Trí Q là 6.525.662.500 đồng (Sáu tỷ năm trăm hai mươi lăm triệu sáu trăm sáu mươi hai nghìn năm trăm đồng).

Chia di sản bằng hiện vật:

Giao ông Lưu Chí Q quản lý, sử dụng 94,9m2 đất gồm 27,2m2 (94.9 x 300 :

1047,6) đất ở và 67,7m2 đất thửa số 253, tờ bản đồ số 01 lập năm 1999; địa chỉ: thôn Đ, xã Đ, huyện K, tỉnh Hưng Yên kích thước phía Đông giáp đất công 3,77m, phía Nam giáp đất giao ông Lưu Chí M 6,51m và 14,77m, phía Tây giáp đường 04m, phía Bắc (2,25+4,13+5,01+0,52+2,64)m (hình GHXLF trong sơ đồ kèm theo); giá trị 664.700.000 đồng cùng 01 quán lợp Proximăng giá trị 99.010.000 đồng, sân bê tông giá trị 1.276.290 đồng và 01 cây sấu giá trị 520.000 đồng.

Giao ông Lưu Chí Q quản lý sử dụng diện tích đất 381,1m2 đất gồm 109,1m2 đất ở (381,1 x 300 : 1047,6) và 272m2 đất vườn thửa số 253, tờ bản đồ số 01 lập năm 1993; địa chỉ: thôn Đ, xã Đ, huyện K, tỉnh Hưng Yên kích thước phía Bắc giáp đất giao ông Lưu Chí M 19,62m và 19,23m, phía Đông (1,83+11,94)m, phía Nam 21,97m, phía Tây giáp đất giao ông Lưu Chí M 29,47m và đường 5,55m (hình EPP1NOQD trong sơ đồ kèm theo); giá trị 2.667.700.000 đồng cùng các công trình xây dựng trên đất là sân gạch 28,5m2, giá trị 1.952.250 đồng; sân bê tông 14m2, giá trị 684.600 đồng; 02 đoạn tường hoa gắn con tiện dài 2,4m và 7,5m, cao trung bình 0,75m giá trị 1.727.595 đồng;

01 đoạn tường rào móng gạch, khoang hoa sắt vuông dài 3,5m phía dưới xây gạch cao 0,75cm, phía trên có hàng rào sắt cao 1,1m giá trị 2.764.000 đồng; 30 cây bưởi giá trị 69.300.000 đồng; 01 cây sấu giá trị 520.000 đồng; 01 cây xoan nâu giá trị 85.000 đồng;

01 cây xoài giá trị 600.000 đồng và 01 cây cau giá trị 330.000 đồng.

Giao ông Lưu Chí Q quản lý, sử dụng Ao diện tích 232,9m2 thửa số 254, tờ bản đồ số 01 lập năm 1993; địa chỉ: thôn Đ, xã Đ, huyện K, tỉnh Hưng Yên kích thước phía Đông 13,02m, phía Nam 11.50m, phía Tây giáp đường 16,93m, phía Bắc giáp đất giao ông Lưu Chí M (2,78+1,14+6,79+5,38+0,79)m (hình BCTSRV trong sơ đồ kèm theo) giá trị 1.164.500.000 đồng và kè ao giá trị 50.000.000 đồng.

Giao cho ông Lưu Chí M quản lý, sử dụng 347,3m2 đất; bao gồm: 99,5m2 đất ở (347.3 x 300 : 1056,3) và 247,8m2 đất vườn số 253, tờ bản đồ số 01 lập năm 1993; địa chỉ: thôn Đ, xã Đ, huyện K, tỉnh Hưng Yên kích thước phía Bắc giáp đất giao ông Lưu Chí Q 6,51m và 14,77m, phía Đông giáp đất công 16,79m, phía Nam giáp đất giao ông Lưu Chí Q 19,23m và 19,62m, phía Tây giáp đường 5,06m (hình EFLXP1P trong sơ đồ kèm theo); giá trị 2.431.100.000 đồng cùng các tài sản do gia đình ông Mô tạo lập trên đất gồm 02 ngôi nhà mái bằng 1 tầng có diện tích 70,4m2 và 33,4m2, và các công trình kiến trúc xây dựng trên đất gồm: cầu thang, lán tôn, tường hoa, tường rào, chuồng gà, sân vườn, 06 cây bưởi, 01 cây na, 05 cây cau, 01 cây mít, 01 cây đu đủ, 01 cây xoài.

Giao ông Lưu Chí M quản lý, sử dụng 233,2m2 đất, bao gồm 64,2m2 (224.3 x 300 : 1047,6) đất ở, 169m2 đất vườn thửa số 253 đều thuộc tờ bản đồ số 01 lập năm 1993 và 8,9m2 đất Ao thửa số 254, tờ bản đồ số 01 lập năm 1993; đều địa chỉ: thôn Đ, xã Đ, huyện K, tỉnh Hưng Yên kích thước phía Bắc giáp đất giao ông Lưu Chí Q 29,47m, phía Đông 8,52m, phía Nam giáp Ao giao ông Lưu Chí Q (2,78+1,14+6,79+5,38+0,79)m, phía T giáp đường (2,29+0,99+8,79)m (hình CDQRSTC trong sơ đồ kèm theo) giá trị 1.614.600.000 đồng cùng các tài sản trên đất do ông M, bà M1 tạo lập gồm 01 cây bưởi, 01 cây nhãn và tài sản do vợ chồng anh T3, chị L2 tạo lập gồm 01 ngôi nhà 1,5 tầng, 01 lán tôn, 01 sân bê tông, 02 trụ cổng, 04 cánh cổng sắt.

Buộc ông Lưu Chí M di dời, dỡ bỏ 01 chuồng nuôi gà, 01 chuồng nuôi chó, 02 đoạn hàng rào sắt B40, 02 chậu cây cảnh chân đế xếp gạch đá và 01 phần lán tôn phía trước ngôi nhà của ông M, bà M1 có chiều dài 7,14m, chiều rộng (0,50m và 0,40m) diện tích 3,2m2 cùng 03 cột sắt liền với lán có đường kính trung bình 05 cm, cao trung bình 4m và phải tự gia cố phần lán tôn còn lại để giao trả đất cho ông Lưu Chí Q.

Tạm giao ông Lưu Chí Q quản lý, sử dụng đất rãnh tiêu nước diện tích 2,7m2 kích thước phía Bắc 0,83m, phía Đông 3,76m, phía Nam 0,63m, phía Tây giáp đất giao ông Lưu Chí Q 3,77m (hình HIKX trong sơ đồ kèm theo); và 3,6m2 kích thước phía Bắc 1,84m, phía Đông 1,96m, phía Nam 02m, phía Tây giáp đất giao ông Lưu Chí Q 1,83m (hình P1P2MN trong sơ đồ kèm theo); và 27,3m2 đất ao kích thước phía Đông (2,72+10,55+1,81)m, phía Nam (8,95+2,47+1,01+0,59)m, phía Tây 13,02m, phía Bắc 11,50m (hình AZBVRYUW trong sơ đồ kèm theo).

Tạm giao ông Lưu Chí M quản lý, sử dụng đất rãnh tiêu nước diện tích 20,7m2 kích thước phía Bắc 0,63m, phía Đông 16,80m, phía Nam 1,84m, phía Tây giáp đất giao ông Lưu Chí M 16,79m ( hình P1XKP2 trong sơ đồ kèm theo).

Ông Lưu Chí M và ông Lưu Chí Q có trách nhiệm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

(Vị trí, kích thước và ranh giới đất ở, đất vườn và đất Ao và đất tạm giao giao cho ông Lưu Chí Q và ông Lưu Chí M xác định theo sơ đồ kèm theo Bản án và là phần không tách rời của Bản án) Buộc ông Lưu Chí M thanh toán trả ông Lưu Chí Q chênh lệch giá trị di sản số tiền 1.799.992.500 đồng (Một tỷ bẩy trăm chín mươi chín triệu chín trăm chín mươi hai nghìn năm trăm đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Không giải quyết đối với tài sản gia đình ông Lưu Chí M và vợ chồng anh Lưu Chí T3, chị Nguyễn Thị L2 tạo lập trên phần đất giao ông Lưu Chí M và chi phí cho việc bảo quản cùng công sức quản lý di sản của gia đình ông Lưu Chí M. Bà Đào Thị M1, anh Lưu Cảnh T4, anh Lưu Chí T3, chị Nguyễn Thị L2 và chị Cao Thị Minh S có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết đối với chi phí cho việc bảo quản cùng công sức quản lý di sản và tài sản trên phần đất giao ông Lưu Chí M khi có tranh chấp trong một vụ án khác.

Án phí: Ông Lưu Chí M, bà Đào Thị M1, anh Lưu Cảnh T4 và anh Lưu Chí T3 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm; hoàn trả lại anh Lưu Cảnh T4 và anh Lưu Chí T3 mỗi người 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2016/0001390 và AA/2016/0001389 cùng ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Khoái Châu.

Ông Lưu Chí Q, bà Lưu Thị L, bà Lưu Thị V, bà Lưu Thị L1, bà Vũ Thị D1, và người thừa kế chuyển tiếp (hàng thừa kế thứ nhất) của bà Lưu Thị L3 và ông Lưu Mạnh Tùng là ông Nguyên Đạt N, bà Nguyễn Thị Lệ H1 không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Ông Lưu Chí Q phải chịu án phí tương ứng với giá trị di sản người thừa kế chuyển tiếp (hàng thừa kế thứ nhất) của bà Lưu Thị L3 và ông Lưu Mạnh T7 là anh Nguyên Đạt D, anh Nguyên Đạt A, chị Nguyên Thị T, chị Nguyên Thị M, chị Nguyên Thị H, anh Lưu Minh T3, anh Lưu Dũng T4 được nhận là 73.934.000 đồng.

Các Quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị cấp phúc thẩm không xem xét có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, 7, 7a, 7b và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

749
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 06/2020/DS-PT ngày 12/03/2020 về tranh chấp thừa kế tài sản

Số hiệu:06/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hưng Yên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 12/03/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;