TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN VIỆT YÊN, TỈNH BẮC GIANG
BẢN ÁN 05/2019/KDTM-ST NGÀY 12/08/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN
Trong các ngày 25 tháng 7 năm 2019 và 12 tháng 8 năm 2019, tại Hội trường xét xử Tòa án nhân dân huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 03/2019/TLST-KDTM ngày 05/01/2019 về Tranh chấp hợp đồng vận chuyển, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 08/2019/QĐXXST-KDTM ngày 27/6/2019, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Công ty TNHH S Việt Nam.
Do ông Shimizu N – Tổng giám đốc là đại diện theo pháp luật.
Địa chỉ: Nhà xưởng CN10-05, lô CN-10, khu công nghiệp V, xã V, huyện V, tỉnh Bắc Giang.
Ủy quyền cho bà Ong Thị T, sinh năm 1979 – Luật sư văn phòng luật sư Vũ Anh H – Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang; địa chỉ: Số nhà 120 đường H, phường H, thành phố B, tỉnh Bắc Giang theo văn bản ủy quyền ngày 15/11/2018 – Có mặt.
2. Bị đơn: Công ty cổ phần Ch Vina Do ông Lee Jeong H… – Giám đốc là đại diện theo pháp luật
Địa chỉ: Tầng 02, Phòng 02 - 07, Tháp A, Tòa nhà L, 67 M, phường A, Q 2, thành phố Hồ Chí Minh. Có mặt.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty cổ phần thương mại và xây dựng Q.
Địa chỉ: Thôn H, xã P, huyện Q, tỉnh Bắc Ninh.
Ủy quyền cho ông Lê Xuân Th – Trưởng phòng vận tải đại diện. Có mặt ngày 12/8/2019.
4. Người phiên dịch:
- Bà Trần Thị Kim Â, sinh năm 1985. Có mặt.
Địa chỉ: Số 7, T, phường T, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh.
5. Người làm chứng:
-Anh Vũ Đình C – Có mặt ngày 12/8/2019.
Địa chỉ: Công ty cổ phần thương mại và xây dựng Q.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn xin khởi kiện và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng như tại phiên tòa hôm nay thể hiện nội dung vụ án như sau:
Nguyên đơn trình bày: Ngày 01/5/2018 Công ty TNHH S Việt Nam (dưới đây viết tắt là Công ty S) ký Hợp đồng vận chuyển với Công ty cổ phần Ch ( dưới đây viết tắt là Công ty Ch) với thời hạn 12 tháng. Trong đó bên thuê vận chuyển là Công ty S, còn bên cung cấp dịch vụ vận chuyển là Công ty Ch. Công ty Ch có trách nhiệm tổ chức thực hiện vận chuyển hàng hóa là miếng dán màn hình điện thoại theo nội dung Công ty S yêu cầu và điều phối xe phù hợp với yêu cầu của Công ty S. Hai bên thỏa thuận với nhau ngoài hợp đồng là Công ty Ch sẽ vận chuyển miếng dán màn hình đã được đóng trong thùng carton theo tiêu chuẩn và quy cách đóng gói được thiết kế bảo đảm tiêu chuẩn sạch và phù hợp với đặc tính của sản phẩm. Các thùng carton được xếp thành từng pallet.
Mỗi pallet gồm 16 thùng carton xếp lên pallet nhựa màu đen, xếp thành 04 tầng đều đặn theo chiều dọc và chiều ngang của pallet hàng được cố định bởi các nẹp cứng chữ V đảm bảo cho các thùng hàng không bị xô lệch, không tạo áp lực cho các thùng hàng phía dưới và không bị biến dạng khi chằng dây đai. Chất lượng hàng hóa để xuất giao cho khách hàng đã được khách hàng giám sát và dán tem đủ tiêu chuẩn xuất hàng. Khi vận chuyển loại hàng hóa này thì yêu cầu cần thiết xe vận chuyển phải đạt tiêu chuẩn về nhiệt độ xe lạnh và chống rung chấn sóc mạnh. Các yêu cầu vận chuyển hàng hóa như vậy đã được công ty vận chuyển Ch nắm rõ. Và cũng chính bởi yêu cầu vận chuyển hàng hóa như vậy nên theo chỉ định của khách hàng, Công ty TNHH S Việt Nam đã phải ký hợp đồng vận chuyển với Công ty Ch. Công ty Ch có trách nhiệm thực hiện những biện pháp phù hợp với đặc tính hàng hóa; vận chuyển hàng hóa chính xác và an toàn đến tận điểm đến bằng nghĩa vụ chú ý của người quản lý tất cả các hàng hóa được Bên A hoặc do đại diện của Bên A (Công ty S) chỉ định ủy nhiệm (Khoản 3 Điều 3 Hợp đồng). Quy trình giao nhận hàng hóa đã được hai bên cùng phối hợp thực hiện. Cụ thể: Khi có nhu cầu vận chuyển, bên S thông báo cho Công ty Ch điều động xe đến. Khi xe đến, Công ty S sẽ bố trí bàn giao hàng hóa cho bên vận chuyển. Công ty Ch (trực tiếp là lái xe) kiểm tra tình trạng các Pallet hàng, ký Biên bản giao nhận và thực hiện các biện pháp phù hợp với đặc tính hàng hóa để đảm bảo vận chuyển an toàn đến địa điểm giao hàng đã được chỉ định. Khi đến địa điểm yêu cầu, lái xe thực hiện các thủ tục giao nhận hàng theo quy định. Kể từ khi Hợp đồng được hai bên ký kết, Công ty Ch đã thực hiện việc vận chuyển hàng hóa (cùng một loại mặt hàng) cho Công ty S được 63 chuyến hàng, hơn 200 pallet (3200 thùng carton hàng hóa) từ địa điểm bốc hàng là Nhà máy của Công ty S đến Kho Ngoại quan Nippon thuộc Cảng Đ, thành phố H. Việc phối hợp giữa các bên không gặp khúc mắc gì. Ngày 30/7/2018, như thường lệ sau khi nhận được thông báo của Công ty S, Công ty Ch đã điều xe tải mang Biển kiểm soát 99C-034…… do lái xe Vũ Đình C điều khiển đến nhận hàng hóa từ Nhà máy của Công ty S tại Khu Công nghiệp V và chuyên chở đến giao hàng cho Khách hàng của Công ty S tại địa điểm: Kho ngoại quan Nippon – thuộc Cảng Đình Vũ, thành phố Hải Phòng. Cũng như các lần giao hàng thực hiện trước đó, nhân viên phụ trách của Công ty S bố trí giao hàng cho bên Công ty vận chuyển Ch (Đại diện là lái xe Vũ Đình C). Lái xe Vũ Đình C sau khi nhận đủ hàng, kiểm tra tình trạng các pallet không có vấn đề gì, ký Biên bản giao nhận hàng và cho xe chạy. Tuy nhiên, tại địa điểm giao hàng được khách hàng chỉ định (kho ngoại quan Nippon tại Hải Phòng), khi mở cửa xe vận chuyển hàng hóa, phía kho ngoại quan đã phát hiện thấy các pallet hàng không được chằng buộc như các chuyến trước. Họ phát hiện 2 Pallet hàng xếp đơn xảy ra bất thường, bị móp méo. Kho ngoại quan đã gửi thông báo qua email vào hồi 18 giờ 29 phút ngày 30/7/2018 cho Công ty S về tình trạng bất thường của hàng hóa. Trong đó có hình ảnh chụp lại hiện trạng khi mở cửa xe để chuẩn bị dỡ hàng xuống cho thấy các pallet hàng trong xe không được chằng buộc như các chuyến trước. Bên kho ngoại quan Nippon và Khách hàng của Công ty S đã xác nhận, kiểm tra và ghi nhận 07 thùng hàng thuộc 2 Pallet đó bị móp méo, biến dạng, làm toàn bộ số hàng bên trong bị hỏng. Khách hàng của Công ty S đã từ chối nhận 07 thùng hàng này. Số hàng hóa bên trong 7 thùng hàng bị hỏng gồm 22.050 tấm dán màn hình điện thoại theo Hóa đơn (Invoice) xuất hàng số SVN/201807-017 ngày 30/7/2018 của Công ty S. Giá trị thiệt hại được xác định thành tiền là: 22.050 tấm x 0,451USD/tấm = 9,944.55USD, tương đương 230,962,174 VNĐ (Theo tỷ giá của Ngân hàng Mizuho-Ngân hàng sử dụng để nhận tiền- tại ngày 30/07/2018: 1 USD=23,225 VND). Công ty S xác định: Việc gây ra thiệt hại đối với lô hàng nêu trên hoàn toàn do lỗi của bên vận chuyển. Cụ thể, trong chuyến hàng vận chuyển ngày 30/7/2018, bên vận chuyển đã không thực hiện việc chèn, chằng các pallet hàng - là phần việc mà bên vận chuyển (Công ty Ch) phải làm (thực hiện những biện pháp phù hợp với đặc tính hàng hóa) để đảm bảo an toàn khi vận chuyển. Chính việc lái xe của Công ty Ch hôm đó đã không chèn, chằng buộc giữa các pallet hàng đã dẫn đến các pallet hàng bị dịch chuyển trong quá trình vận chuyển, làm tăng áp lực lên các thùng hàng đặc biệt các thùng hàng phía dưới chịu áp lực lớn và bị móp méo, biến dạng, dẫn đến 7 thùng hàng bị hư hỏng. Do đó, Công ty Ch đã vi phạm khoản 3 - Điều 3, Hợp đồng vận chuyển được ký giữa hai bên ngày 01/5/2018, cụ thể đã vi phạm quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ vận chuyển. Căn cứ Hợp đồng vận chuyển đã ký giữa hai bên và các quy định pháp luật có liên quan thì Công ty Ch phải chịu trách nhiệm bồi thường cho Công ty S đối với giá trị hàng hóa bị thiệt hại nêu trên. Giá trị thiệt hại này, Công ty S đã thống kê, tổng hợp thành tiền như đã nêu trên là 230,962,174 VNĐ (tương đương 9,944.55USD). Ngày 10/8/2018, Công ty Swacoo đã thông báo cho Công ty Ch về giá trị thiệt hại và đề nghị Công ty Ch thực hiện việc thanh toán khoản tiền bồi thường như trên nhưng Công ty Ch không thực hiện. Đến nay, mặc dù Công ty S đã gặp trực tiếp đại diện của Công ty Ch nhiều lần cũng như đã gửi văn bản yêu cầu Công ty Ch thanh toán tiền bồi thường thiệt hại nhưng Công ty Ch vẫn không thanh toán. Hiện tại, Công ty S vẫn chưa nhận được bất cứ khoản tiền bồi thường thiệt hại nào từ Công ty Ch.
Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình, Công ty S đã gửi đơn khởi kiện đề nghị Tòa án nhân dân huyện Việt Yên giải quyết buộc Công ty Cổ phần Ch Vina phải thực hiện bồi thường cho Công ty TNHH S Việt Nam toàn bộ giá trị hàng hóa bị tổn thất của Lô hàng hóa (là miếng dán màn hình điện thoại) thuộc Hóa đơn (Invoice) số SVN/201807-017 ngày 30/7/2018 do Công ty Cổ phần Ch Vina trong quá trình thực hiện hợp đồng vận chuyển ký giữa hai bên đã vi phạm nghĩa vụ của bên vận chuyển, để xảy ra hư hỏng hàng hóa, gây thiệt hại cho Công ty TNHH S Việt Nam với số tiền 230,962,174 VNĐ.
Bị đơn (Công ty cổ phần Ch) trình bày: Việc ký kết và thực hiện hợp đồng vận chuyển như nguyên đơn trình bày là đúng. Quá trình thực hiện hợp đồng Công ty Ch đã vận chuyển cho Công ty S rất nhiều chuyến hàng thành công, không có sai sót gì. Đối với chuyến hàng ngày 30/7/2018, lái xe xác nhận họ chỉ nhận đủ số pallet hàng như trong biên bản giao nhận mà không kiểm tra việc đóng gói và tình trạng của hàng hóa bên trong như mọi lần khác. Quá trình vận chuyển không xảy ra sự cố, không có va chạm với bất kỳ phương tiện giao thông nào khác. Chỉ đến khi bên vận chuyển tiến hàng giao hàng theo yêu cầu của Công ty S tại kho quan ngoại thì mới phát hiện 02 pallet hàng bị móp méo thùng carton. Sau khi xảy ra sự cố, Công ty Ch đã yêu cầu giám định nguyên nhân và mức độ tổn thất hàng hóa để làm căn cứ xác định lỗi bồi thường. Tuy nhiên, theo Chứng thư giám định ngày 11/9/2018 mà Công ty TNHH giám định V cung cấp thì nguyên nhân gây nên tổn thất của hàng hóa miếng dán màn hình điện thoại là “hàng hóa được đóng trong các bao bì không phù hợp với tính chất hàng hóa”. Công ty Ch xác định không có lỗi trong việc 02 pallet(07 thùng hàng) hàng hóa bị hư hỏng nên không đồng ý bồi thường cho Công ty S.
Ngày 04/4/2019 Công ty Ch nộp tiền tạm ứng án phí cho yêu cầu phản tố yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Việt Yên buộc Công ty S phải thanh toán số tiền vận chuyển theo hợp đồng của tháng 9 và tháng 10 năm 2018 là 20.900.000 đồng.
Tại phiên tòa, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, yêu cầu Công ty Ch bồi thường số tiền 230.900.000 và đồng ý thanh toán cho bị đơn số tiền vận chuyển 20.900.000 đồng và đề nghị đối trừ vào số tiền được bồi thường.
Bị đơn không nhất trí yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và yêu cầu nguyên đơn thanh toán độc lập số tiền 20.900.000 đồng. Tại phiên tòa Công ty Ch xác định chỉ đứng ra ký kết hợp đồng với S còn việc vận chuyển là thuê bên Công ty cổ phần thương mại và xây dựng Q (dưới đây viết tắt là Công ty Q) vận chuyển. Toàn bộ lái xe và xe vận chuyển là của Công ty Q. Sau khi xảy ra sự cố thì Công ty Ch đã phối hợp cùng Công ty Q mời Công ty giám định đến làm việc. Công ty TNHH giám định V giám định nguyên nhân hàng hóa hư hỏng theo yêu cầu của Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bưu điện (công ty Q mua bảo hiểm của công ty trên). Thực tế từ trước đến nay khi vận chuyển hàng cho S thì bên vận chuyển không chằng các pallet hàng nhưng cũng không xảy ra hư hỏng. Ngoài nhận vận chuyển cho Công ty S thì Công ty Ch còn vận chuyển hàng hóa có đặc tính như hàng của Công ty S cho một số công ty khác, khi xảy ra lỗi tương tự thì bên thuê vận chuyển xác định là lỗi do họ xếp hàng hóa không đảm bảo nên khi có sự thay đổi về độ ẩm dẫn đến việc các pallet tạo áp lực lên nhau, gây móp méo các thùng carton và hỏng hàng bên trong chứ không phải lỗi của bên vận chuyển. Công ty Ch xác định nếu phải bồi thường cho Công ty S thì cũng chỉ chấp nhận bồi thường theo “hạn mức tham gia bảo hiểm” đã quy định tại Điều 7 của Hợp đồng vận chuyển đã ký kết giữa hai công ty.
Tại phiên tòa Công ty Q khai: Công ty Q là đơn vị vận chuyển chuyến hàng ngày 30/7/2018 từ kho của Công ty S tới kho quan ngoại Nippon tại cảng Đình Vũ. Lái xe chở hàng là Vũ Đình C. Sau khi phát hiện có 02 pallet hàng bị hư hỏng, Công ty đã yêu cầu lái xe C làm bản tường trình và có trích trong chứng thư giám định của Công ty TNHH giám định V. Suốt quá trình vận chuyển chuyến hàng không có sai sót hay bất kỳ trục trặc nào trên đường đi vì vậy việc lỗi xảy ra trong quá trình vận chuyển là không đúng. Lái xe Vũ Đình C khai nhận hàng như mọi chuyến chỉ nhận đủ số lượng hàng, không kiểm tra được chất lượng bên trong, lái xe đảm bảo tốc độ, không có sự cố hay sai sót trong suốt hành trình.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Việt Yên tham gia phiên tòa phát biểu quá trình tiến hành tố tụng, xét xử vụ án, Tòa án và Hội đồng xét xử thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Đề nghị HĐXX Tòa án nhân dân huyện Việt Yên áp dụng Điều 262 - Luật thương mại năm 2005 , điều 530, 534, 536, 541 Bộ luật dân sự, Điều 30, 35, 39, 271, 273 BLTTDS; Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án, xử:
- Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc công ty Cổ phần Ch bồi thường cho Công ty TNHH S Việt Nam số tiền 230.900.000 đồng.
- Chấp nhận yêu cầu của bị đơn, buộc công ty TNHH S thanh toán cho công ty Cổ phần Ch số tiền 20.900.000 đồng.
- Về án phí: Công ty Cổ phần Ch Vina phải chịu 11.545.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm; Công ty TNHH S Việt Nam phải chịu 1.045.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp, trả lại Công ty TNHH S 4.725.000 đồng tiền tạm ứng án phí.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thẩm quyền: Tại Điều 12 Hợp đồng vận chuyển đã ký kết giữa Công ty S và Công ty Ch thỏa thuận “Nếu bên A khởi kiện thì tranh chấp đó sẽ được giải quyết tại Tòa án nơi có văn phòng của bên A”. Công ty S có địa chỉ trụ sở khu công nghiệp V, huyện V, tỉnh Bắc Giang nên theo quy định tại Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35; điểm b khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ án “Tranh chấp hợp đồng vận chuyển” trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
[2] Về thủ tục tố tụng: Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, người đại diện theo pháp luật của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa. Tại phiên tòa, Công ty Ch cử bà Trần Thị Kim  là người phiên dịch và được HĐXX chấp nhận.
[3] Về căn cứ áp dụng luật: Hợp đồng vận chuyển giữa hai Công ty được ký kết căn cứ vào Luật thương mại 2005 và Bộ luật dân sự năm 2015 nên HĐXX áp dụng quy định tại Luật thương mại 2005, Bộ luật dân sự năm 2015 và Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 khi giải quyết vụ án là phù hợp.
[4] Về xác định tư cách người tham gia tố tụng:
Khi Tòa án thụ lý vụ án Công ty S có người đại diện theo pháp luật là ông Fukuda H. Ngày 16/7/2019 Công ty có thông báo về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật là ông Shimizu N. Việc thay đổi này đã được đăng ký tại Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Bắc Giang. Công ty xác định vẫn giữ nguyên ủy quyền cho bà Ong Thị T tham gia tố tụng nên HĐXX chấp nhận.
Tại phiên tòa ngày 25/7/2019 Công ty Ch thừa nhận thuê Công ty Q trực tiếp vận chuyển hàng hóa cho Công ty S, HĐXX xét thấy việc đưa Công ty Q vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cần thiết và phù hợp với quy đinh tại Điều 68 Bộ luật TTDS. Anh Vũ Đình C là người trực tiếp nhận hàng và điều khiển xe chở hàng nên cần đưa anh C vào tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng.
[5] Nội dung vụ án:
Xét yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ của Viện kiểm sát nhân dân huyện Việt Yên:
Ngày 19/7/2019 Viện kiểm sát nhân dân huyện Việt ra Yêu cầu số 08/YC- VKS-DS yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Việt Yên “đưa anh Vũ Đình C là lái xe ô tô biển kiểm soát 99C-034.37 tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và thu thập tài liệu về việc giao hàng giữa Công ty S và anh Vũ Đình C vào ngày 30/7/2018 để xác định tình trạng hàng hóa tại thời điểm này như thế nào để từ đó xác định trách nhiệm của các bên”. Tại phiên tòa ngày 25/7/2018 nguyên đơn cung cấp cho HĐXX biên bản giao hàng ngày 30/7/2018 giữa Công ty S và lái xe Vũ Đình C. Đối với yêu cầu đưa lái xe C vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là không có căn cứ chấp nhận bởi lẽ lái xe Vũ Đình C chỉ là lái xe của Công ty vận chuyển, không bên nào có yêu cầu về việc xác định trách nhiệm của lái xe Vũ Đình C trong vụ án này. Hơn nữa đây là vụ án tranh chấp hợp đồng vận chuyển giữa hai Công ty, không xác định tư cách cá nhân.
Xét yêu cầu khởi kiện của Công ty S:
Ngày 01/5/2018 Công ty TNHH S (ký Hợp đồng vận chuyển với Công ty cổ phần Ch Vina với thời hạn 12 tháng. Trong đó bên thuê vận chuyển là Công ty S, còn bên cung cấp dịch vụ vận chuyển là Công ty Ch. Công ty Ch có trách nhiệm tổ chức thực hiện vận chuyển hàng hóa là miếng dán màn hình điện thoại theo nội dung Công ty S yêu cầu và điều phối xe phù hợp với yêu cầu của Công ty S. Ngày 30/7/2018, lái xe Vũ Đình C điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 99C 034…… đến kho của Công ty S nhận hàng. Hàng hóa được đóng gói theo tiêu chuẩn trong các thùng carton và được đóng thành các pallet hàng, Công ty S đã xếp hàng lên xe (thực hiện đầy đủ các công việc quy định tại Điều 3 hợp đồng).
Lái xe của bên vận chuyển sẽ kiểm kê đủ số lượng hàng và ký nhận vào biên bản giao nhận hàng (có chữ ký xác nhận giữa bên giao là Hoàng Văn C, bên nhận là Vũ Đình C). Sau khi kiểm kê hàng thì lái xe Vũ Đình C vận chuyển hàng đến cảng quan ngoại Đình Vũ theo đúng lộ trình, trên đường không có sự cố. Khi đến cảng thì bàn giao hàng, mở thùng xe bên nhận hàng phát hiện có 02 pallet hàng có 07 thùng hàng bị móp méo và hỏng hàng hóa bên trong. Các bên cùng xác nhận sự việc là có 22.050 tấm dán màn hình điện thoại bị hư hỏng. Như vậy, việc hàng hóa bị hư hỏng đã xảy ra trong quá trình vận chuyển. Nguyên nhân dẫn đến hàng hóa bị hư hỏng theo Công ty S xác định là do lái xe không chằng các pallet hàng, còn phía Công ty Ch xác định theo chứng thư giám định là do việc đóng gói hàng hóa không đảm bảo. Xét thấy khi ký kết hợp đồng giữa hai công ty không có điều khoản nào quy định về việc sử dụng chứng thư giám định nên chứng thư giám định của Công ty TNHH giám định Việt Tín chỉ có giá trị đối với bên yêu cầu giám định là Công ty Ch theo quy định tại Điều 262 Luật thương mại năm 2005. HĐXX không căn cứ vào chứng thư giám định mà Công ty Ch cung cấp để xác định lỗi của các bên. Do không có căn cứ vật chất xác định về lỗi xảy ra việc hư hỏng hàng hóa nên lấy mốc thời gian và dựa vào công việc cụ thể mà các bên thỏa thuận với nhau trong hợp đồng để xác định thời gian xảy ra sự cố và xác định lỗi. Công ty S đã thực hiện đầy đủ phần việc của mình, hoàn thành nghĩa vụ trong việc vận chuyển khi xếp hàng lên xe. Tại thời điểm này hàng hóa nguyên vẹn, không móp méo và lái xe của bên vận chuyển hàng hóa đã tiến hành vận chuyển. Đến địa điểm giao hàng, khi mở thùng xe thì phát hiện hàng hóa bị hỏng. Như vậy, từ thời điểm bắt đầu vận chuyển, trách nhiệm bảo quản hàng hóa thuộc về bên công ty vận chuyển và việc hàng hóa bị hư hỏng là thuộc lỗi của Công ty Ch. Do Công ty Ch có lỗi làm hư hỏng hàng hóa nên phải có trách nhiệm bồi thường cho Công ty S theo quy định tại Điều 541 Bộ luật dân sự 2015 và yêu cầu khởi kiện của Công ty S là có căn cứ chấp nhận.
Công ty S xác định số hàng hóa bên trong 07 thùng hàng bị hỏng gồm 22.050 tấm dán màn hình điện thoại theo Hóa đơn (Invoice) xuất hàng số SVN/201807- 017 ngày 30/7/2018 có giá trị thành tiền là: 22.050tấm x 0,451USD/tấm = 9,944.55USD, tương đương 230,962,174 VNĐ (Theo tỷ giá ngày 30/07/2018: 1 USD = 23,225 VND) và yêu cầu Công ty Ch phải bồi thường cho Công ty S toàn bộ số tiền trên. Tại biên bản hòa giải ngày 14/6/2019 và tại phiên tòa đại diện theo ủy quyền của Công ty S yêu cầu Công ty Ch bồi thường số tiền 230.900.000 đồng. Tại Điều 7 của Hợp đồng ký kết giữa hai bên có thỏa thuận “Bên B phải bồi thường trong hạn mức tham gia bảo hiểm cho bên A trong trường hợp phát sinh những thiệt hại do lỗi của bên B” và tại phiên tòa Công ty Ch nêu quan điểm nếu phải bồi thường thì chỉ bồi thường theo hạn mức tham gia bảo hiểm, không đồng ý mức bồi thường mà Công ty S đưa ra. Tuy nhiên, Công ty Ch không cung cấp được hợp đồng bảo hiểm vì vậy không có căn cứ để xác định hạn mức bảo hiểm để tính số tiền bồi thường. Tại phiên tòa phía Công ty Ch chỉ cung cấp cho Hội đồng xét xử bảo hiểm trách nhiệm dân sự của xe ô tô BKS 99C- 034….. và hợp đồng vận chuyển giữa Công ty Ch và Công ty Q. Việc công ty Ch không mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự là chưa thực hiện đúng quy định tại khoản 4 Điều 534 Bộ luật dân sự. Do Công ty Ch không cung cấp được tài liệu xác định mức bồi thường khác nên cần chấp nhận mức bồi thường là số tiền 230.900.000 đồng theo yêu cầu của Công ty S.
Xét yêu cầu phản tố của Công ty Ch:
Công ty Ch thực hiện hợp đồng vận chuyển cho Công ty S. Hai bên xác nhận sau sự cố ngày 30/7/2018 hai bên vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng và Công ty S còn nợ Công ty Ch tiền vận chuyển của tháng 9 và tháng 10 năm 2018 với tổng số tiền là 20.900.000 đồng. Công ty S đồng ý thanh toán trả số tiền trên nhưng đề nghị được khấu trừ vào số tiền bồi thường thiệt hại, công ty Ch không đồng ý và yêu cầu thanh toán độc lập. Xét yêu cầu phản tố của Công ty Ch là có căn cứ, cần chấp nhận, buộc Công ty S phải thanh toán cho Công ty Ch số tiền 20.900.000 đồng theo Điều 536 Bộ luật dân sự và được đối trừ vào số tiền Công ty Ch phải trả cho Công ty S.
Xét mối quan hệ của Công ty S, Công ty Ch và Công ty Q:
Hợp đồng vận chuyển được ký kết giữa hai Công ty S và Công ty Ch nên mọi phát sinh từ hợp đồng sẽ được giải quyết trực tiếp giữa hai Công ty. Công ty Ch thuê Công ty Q vận chuyển hàng hóa mà không có sự thống nhất của Công ty S là vi phạm Điều 9 của hợp đồng. Tại phiên tòa đại diện Công ty S và Công ty Q nhiều lần tranh luận về việc Công ty S biết hay không biết việc Công ty Q vận chuyển thuê cho Công ty Ch. Xét thấy nội dung này không quyết định đến việc giải quyết vụ án nên HĐXX không xem xét Hợp đồng vận chuyển được ký kết giữa Công ty Q và Công ty Ch. Như vậy, mối quan hệ giữa Công tuy Ch và Công ty Q sẽ được giải quyết trong vụ án khác nếu các bên đương sự có yêu cầu, không giải quyết nội dung trên trong vụ án này.
[6] Về án phí: Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận, yêu cầu phản tố của bị đơn được chấp nhận nên các đương sự phải chịu án phí theo quy định tại khoản 2 và khoản 5 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBNTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí tòa án.
Vì các lẽ trên,
NỘI DUNG VỤ ÁN
Căn cứ Điều 262 Luật thương mại năm 2005; Căn cứ Điều 530, 534, 536, 541 Bộ luật dân sự;
Căn cứ Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm b khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, Điều 271, Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Căn cứ khoản 2 và khoản 5 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBNTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, xử:
(1) Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH S Việt Nam và Chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty cổ phần Ch vina.
Buộc Công ty cổ phần Ch vina phải bồi thường cho Công ty TNHH S Việt Nam số tiền 230.900.000 đồng (Hai trăm ba mươi triệu chín trăm nghìn đồng).
Được đối trừ vào số tiền theo yêu cầu của Công ty cổ phần Ch vina với số tiền là 20.900.000 đồng (Hai mươi triệu chín trăm nghìn đồng).
Công ty cổ phần Ch vina còn phải bồi thường cho Công ty TNHH S Việt Nam số tiền là 210.000.000 đồng ( Hai trăm mười triệu đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468- Bộ luật dân sự tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy địnhh tại Điều 2 – Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
(2) Về án phí: Công ty TNHH S Việt Nam phải chịu 1.045.000 đồng tiến án phí sơ thẩm, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 5.770.000 đồng theo biên lai số AA/2012/05252 ngày 05/01/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Việt Yên. Hoàn trả lại Công ty TNHH S Việt Nam 4.725.000 đồng ( Bốn triệu bảy trăm hai mươi năm nghìn đồng) đã nộp tạm ứng án phí.
Công ty cổ phần Ch vina phải chịu 11.545.000 đồng (Mười một triệu năm trăm bốn mươi năm nghìn đồng) tiền án phí sơ thẩm. Được trừ vào số tiền 522.000đồng( Năm trăm hai mươi hai ngàn đồng) đã nộp tạm ứng án phí theo biên lai số 05350 ngày 04/4/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Việt Yên. Công ty Ch vina phải nộp tiếp số tiền án phí là: 11.023.000đồng (Mười một triệu không trăm hai mươi ba ngàn đồng).
(3) Quyền kháng cáo: Báo cho các đương sự có mặt biết được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự vắng mặt được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày được tống đạt bản án.
Bản án 05/2019/KDTM-ST ngày 12/08/2019 về tranh chấp hợp đồng vận chuyển
Số hiệu: | 05/2019/KDTM-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Việt Yên - Bắc Giang |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 12/08/2019 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về