TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
BẢN ÁN 05/2017/HNGĐ-PT NGÀY 03/03/2017 VỀ LY HÔN, TRANH CHẤP CHIA TÀI SẢN CHUNG
Ngày 03 tháng 03 năm 2017, tại trụ sở, Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 33/2016/TLPT-HNGĐ ngày 15/12/2016, về việc “ly hôn và chia tài sản khi ly hôn”. Do bản án sơ thẩm số 12/2016/HNGĐ-ST ngày 27/09/2016 của Tòa án nhân dân huyện A bị kháng cáo bởi nguyên đơn, bị đơn và Quyết định kháng nghị số 01/QĐ-KNPTDS-VKS ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện A. Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 04/2016/QĐ-PT ngày 13/02/2017, Quyết định hoãn phiên tòa số 05/2017/DSPT-QĐ ngày 28/02/2017 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà B, sinh năm 1969.
ĐKHKTT: Thôn D, xã E, huyện A, tỉnh Hải Dương.
Chỗ ở hiện nay: Thôn G, xã H, huyện A, tỉnh Hải Dương. (Có mặt).
2. Bị đơn: Ông C, sinh năm 1961.
ĐKHKTT: Thôn D, xã E, huyện A, tỉnh Hải Dương.
Chỗ ở hiện nay: Thôn D1, xã E, huyện A, tỉnh Hải Dương. (Có mặt)
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
+ Bà I, sinh năm 1966 và Ông K, sinh năm 1964.
Đều có địa chỉ: thôn L, xã M, huyện N, tỉnh Hưng Yên. (Vắng mặt, đã triệu tập hợp lệ lần thứ hai).
+ Chị P, sinh năm 1991.
Địa chỉ: Số 17/125 đường Q, thành phố R, tỉnh Hải Dương. (Vắng mặt, có đơn xin xét xử vắng mặt).
4. Người kháng cáo: Bà B – Nguyên đơn.
Ông C – Bị đơn.
5. Viện kiểm sát nhân dân kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện A.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Bà B và ông C đăng ký kết hôn tại UBND xã E ngày 03/01/1991 trên cơ sở tự nguyện. Sau khi kết hôn, vợ chồng ở chung với gia đình nhà chồng sau đó ra ở riêng. Vợ chồng mâu thuẫn và xác định tình cảm vợ chồng không còn, đề nghị Tòa giải quyết ly hôn. Về con chung, vợ chồng có 02 con chung là chị P, sinh ngày 30/11/1991 và anh S, sinh ngày 21/5/1995. Vì các con đều thành niên nên hai vợ chồng không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Về tài sản chung:
- Vợ chồng thống nhất yêu cầu chia khối tài sản như sau: Nhà xây mái bằng 3 tầng xây dựng năm 2005; 01 lán xe lợp tôn; 01 gian bếp; 01 bể nước; 01 cổng sắt.
- Khối tài sản vợ chồng chưa thống nhất là:
+ Quyền sử dụng đất 553,9m2, tại thửa số 191, tờ bản đồ 01, địa chỉ: Thôn D, xã E, huyện A, tỉnh Hải Dương (GCNQSDĐ số M217498, do UBND huyện A cấp ngày 20/7/1998 mang tên ông C).
+ Tiền chuyển nhượng vườn vải nhận khoán tại thôn T, xã U, thị xã V, tỉnh Hải Dương 560.000.000đ.
Tổng giá trị khối tài sản là: 1.385.084.000đ.
Đối với quyền sử dụng đất 553,9m2 nêu trên, ông C cho rằng diện tích đất này là của bố mẹ ông là cụ T1, cụ S1 mua lại từ ông T2 cho vợ chồng ở chứ chưa hề có văn bản nào về việc cho tặng hay thừa kế cho vợ chồng ông nên ông không chấp nhận đây là tài sản chung của vợ chồng. Trong khi đó, bà B cho rằng đây là tài sản chung của vợ chồng. Đối với số tiền chuyển nhượng vườn vải ở thị xã V, ông C cho rằng vợ chồng bà I, ông K trước đây đã gửi tiền để mua ½ vườn vải của vợ chồng nên số tiền bán vườn được 560.000.000đ thì ông chia trả cho vợ chồng bà I ông K 280.000.000đ còn lại của vợ chồng ông là 280.000.000đ. Tuy nhiên, bà B không nhất trí và cho rằng số tiền 560.000.000đ bán vườn vải là tài sản chung vợ chồng.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà I và ông K trình bày: Vào khoảng năm 2007-2008, khi bà I ở nước ngoài có gửi cho ông C, bà B tổng số tiền 12000USD để mua ½ vườn vải tại thị xã V, đến năm 2015 bà I và ông C bán lại vườn vải được 560.000.000đ, ông C chia cho bà I số tiền 280.000.000đ, bà I, ông K xác định số tiền này là tài sản của vợ chồng bà. Ông bà không có tài liệu gì về việc gửi tiền mua chung vườn vải và không có yêu cầu độc lập.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị P trình bày: Năm 1993, theo chủ trương chia đất canh tác, chị và bố chị là ông C được giao đất 03 theo tiêu chuẩn của địa phương nhưng do đất trong nhà thừa ra so với hạn mức nên địa phương đã trừ diện tích ruộng ngoài đồng vào vườn trong nhà là 120m2. Như vậy, quyền lợi của chị có 60m2 đất 03 trong tổng số 553,9m2 đất tại thửa số 191, tờ bản đồ 01, địa chỉ: Thôn D, xã E, huyện A, tỉnh Hải Dương (GCNQSDĐ số M217498, do UBND huyện A cấp ngày 20/7/1998 mang tên ông C). Chị tự nguyện tặng cho mẹ chị là bà B toàn quyền sử dụng 60m2 diện tích đất trên và không có yêu cầu gì thêm.
Tại bản án sơ thẩm số 12/2016/HNGĐ-ST ngày 27/9/2016, Tòa án nhân dân huyện A đã quyết định:
Áp dụng Điều 33, Điều 55, Điều 59, Điều 62 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Khoản 1 Điều 167 Luật đất đai năm 2014; Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự năm 2005; Pháp lệnh về án phí lệ phí Tòa án; tuyên xử:
1.Về quan hệ hôn nhân: Xử công nhận thuận tình ly hôn giữa bà B và ông C.
2.Về quan hệ tài sản:
- Xác nhận diện tích 60m2 đất cây hàng năm tại thửa 191 tờ bản đồ số 01, Thôn D, xã E, huyện A, tinh Hải Dương thuộc quyền sử dụng hợp pháp của chị P. Chấp nhận sự tự nguyện của chị P tặng cho bà B toàn bộ số diện tích đất trên.
- Xác nhận khối tài sản chung vợ chồng của bà B và ông C gồm:
+ Quyền sử dụng diện tích 493,9m2 đất bao gồm 200m2 đất ở trị giá 280.000.000đ; 233,9m2 đất trồng cây hàng năm thừa hợp pháp lâu dài trị giá 210.510.000đ; 60m2 đất trồng cây hàng năm thời hạn 20 năm trị giá 54,000.000đ tại thửa 191 tờ bản đồ số 01, Thôn D, xã E, huyện A, tỉnh Hải Dương, tổng trị giá 544.510.000đ.
+ Công trình xây dựng trên đất bao gồm: nhà 3 tầng trị giá 257.294.000đ; bếp trị giá 14.207.000đ; lán xe lợp tôn trị giá 3.400.000đ; bể nước trị giá 4.347.000đ; cổng sắt 1.326.000đ, tổng trị giá 280.574.000đ
+ Số tiền bán vườn vải tại thị xã V 560.000.000đ. Tổng giá trị khối tài sản chung 1.385.084.000đ.
- Giao cho bà B được sử dụng, sở hữu tài sản bao gồm:
+ Diện tích 294,4m2 đất (được gọi là thửa 191-1 trên có nhà 3 tầng) trị giá 260.960.000đ bao gồm: 100m2 đất ở; 134,4m2 đất hàng năm thừa hợp pháp lâu dài; 60m2 đất cây hàng năm thời hạn 20 năm của chị P tặng cho tại thửa 191 tờ bản đồ số 01, Thôn D, xã E, huyện A, tỉnh Hải Dương.
+ Công trình xây dựng trên đất trị giá 280.574.000đ bao gồm: Nhà 3 tầng, bếp, lán xe lợp tôn, bể nước và cổng sắt.
Tổng giá trị tài sản bà B được nhận trị giá 541.534.000đ
- Giao cho ông C sử dụng, sở hữu tài sản gồm:
+ Diện tích 259,5m2 đất (được gọi là thửa 191-2 trên có nhà gỗ lim) trị giá 283.550.000đ bao gồm: 100m2 đất ở; 99,5m2 đất hàng năm thừa hợp pháp lâu dài; 60m2 đất cây hàng năm thời hạn 20 năm tại thửa 191 tờ bản đồ số 01, Thôn D, xã E, huyện A, tỉnh Hải Dương.
+ Số tiền bán vườn vải tại thị xã V trị giá 560.000.000đ. Tổng giá trị tài sản ông C được nhận trị giá 843.550.000đ
Ông C phải trả giá trị chênh lệch tài sản bằng tiền cho bà B số tiền 81.753.800đ.
- Về án phí:
+ Bà B phải chịu 100.000đ án phí ly hôn sơ thẩm, 28.931.500đ án phí chia tài sản, bà B đã nộp tổng số tiền tạm ứng là 13.430.000đ theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AB/2014/001745 và AB/2014/001746 ngày 05/6/2015 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện A. Bà B còn phải nộp 15.501.500đ (Mười lăm triệu năm trăm lẻ một nghìn năm trăm đồng).
+ Ông C phải chịu 100.000đ án phí ly hôn sơ thẩm, và 34.471.800đ án phí chia tài sản. Tổng cộng ông C phải nộp 34.571.800đ (ba mươi tư triệu bốn trăm bảy mươi một nghìn tám trăm đồng).
Ngoài ra bản án còn tuyên về quyền kháng cáo, nghĩa vụ chịu lãi suất, trách nhiệm dịch chuyển nhà gõ lui ra khỏi mặt tường nhà 3 tầng và nghĩa vụ thi hành án theo qui định của pháp luật.
Ngày 06/10/2016, bị đơn ông C kháng cáo với nội dung không nhất trí chia đất cho bà B vì diện tích đất 553,9m2 là đất của bố mẹ ông là cụ T1 và cụ S1. Ông C xin được sở hữu nhà 3 tầng và các công trình trên đất và có trách nhiệm trả tiền chênh lệch cho cô B. Ngoài ra, ông C không nhất trí số tiền bán vườn vải 560.000.000đ là tài sản chung vợ chồng vì vợ chồng bà I ông K góp ½ tiền mua vườn vải nên số tiền chung vợ chồng chỉ là 280.000.000đ. Ông C không nhất trí việc xác định chị P được tiêu chuẩn chia 60m2 đất trồng cây hàng năm thời hạn 20 năm nằm trong diện tích 553,9m2.
Ngày 06/10/2016, nguyên đơn bà B kháng cáo không nhất trí bản án sơ thẩm xác định công sức đóng góp vào khối tài sản chung là 45% cho bà B và 55% cho ông C.
Ngày 10/10/2016, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện A kháng nghị cho rằng việc xác định diện tích 60m2 đất trồng cây hàng năm có thời hạn 20 năm theo tiêu chuẩn của ông C là tài sản chung vợ chồng là không đúng từ đó dẫn đến việc tính sai án phí các đương sự phải chịu. Do đó, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án.
Tại phiên tòa, nguyên đơn, bị đơn trình bày giữ nguyên nội dung kháng cáo, đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên nội dung kháng nghị.
Đại diện VKSND tỉnh Hải Dương phát biểu ý kiến: Về chấp hành pháp luật: Người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng chấp hành đúng pháp luật tố tụng từ khi thụ lý đến khi kết thúc phần tranh luận.
Về đường lối giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện A và chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện A trong thời hạn luật định. Nguyên đơn, bị đơn nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đầy đủ và đúng thời hạn nên kháng cáo, kháng nghị hợp lệ, được xem xét theo trình tự phúc thẩm.
- Xét kháng cáo của ông C, HĐXX thấy rằng:
+ Về diện tích đất 553,9m2 có nguồn gốc là 1 phần nằm trong thửa đất của gia đình ông T2. Năm 1991, gia đình ông T2 chuyển vào miền Nam làm ăn nên đã có đơn trả đất hợp tác xã vào ngày 29/12/1991, cụ T1 là bố đẻ ông C đã làm đơn đề nghị UBND xã E cho nhượng lại một phần đất và tài sản trên đất là nhà gỗ lim vào ngày 01/01/1992, văn bản nhượng lại đất và tài sản đều có chữ ký của ông T2, cụ T1 và xác nhận của UBND xã, phần diện tích còn lại UBND xã giao cho người khác. Ngày 02/01/1992, ông C có đơn đề nghị UBND xã cấp diện tích đất 553,9m2 mà cụ T1 mua của ông T2 cho ông C. Vợ chồng C B đã ra diện tích đất này ở từ năm 1992 đến nay. Quá trình sử dụng đất vợ chồng đã xây nhà 3 tầng, công trình phụ, tường bao quanh và làm nghĩa vụ tài chính đầy đủ cho nhà nước. Năm 1998, diện tích đất này đã được cấp GCNQSDĐ mang tên ông C, còn vợ chồng cụ T1 cụ S1 ở thửa đất khác do ông cha để lại. Như vậy diện tích đất 553,9m2 cụ T1 mua của ông T2 là để cho vợ chồng ông C bà B bằng hình thức ông C làm đơn xin cấp đất, vì thời kỳ này (năm 1991, 1992) luật chưa quy định quyền sử dụng đất là tài sản nên không thể thực hiện việc tặng cho được mà phải thông qua hình thức xin cấp đất. Về mặt pháp lý, diện tích đất 553,9m2 là nhà nước giao đất cho ông C bà B, trên bản đồ và số sách địa chính thể hiện thời kỳ 299 mang tên ông T2 và thời kỳ năm 1993 thể hiện tên ông C nên ông C bà B là người sử dụng hợp pháp diện tích đất này. Kháng cáo của ông C cho rằng đất là của bố mẹ ông và không xác định là tài sản chung vợ chồng để chia là không có căn cứ.
+ Về số tiền bán vườn vải ở thị xã V, bà B ông C đều thừa nhận vợ chồng mua của ông B1 năm 1999 và bán vườn vải cho ông C1 vào tháng 6/2015 được số tiền tổng là 560.000.000đ là đúng. Ông C và vợ chồng bà I ông K có khai vào khoảng năm 2007, 2008 ông C bà B định bán vườn vải nhưng vì giá rẻ nên bà I ông K có gửi tiền về cho ông C làm 2 lần tổng 12000USD để mua lại ½ vườn vải nhưng chỉ nói bằng miệng và việc gửi không giấy tờ gì chứng minh nên kháng cáo của ông C cho rằng vợ chồng ông chỉ có ½ số tiền bán vườn vải là không có căn cứ.
+ Về đề nghị của ông C xin được ở nhà 3 tầng, HĐXX thấy rằng bà B hiện không có chỗ ở nào khác nên cần chia cho ông C bà B đều có chỗ ở trên diện tích đất của vợ chồng. Bà B hiện đang cùng con thứ 2 ở nhà 3 tầng, hơn nữa bà là phụ nữ việc xây dựng nhà là khó khăn hơn nam giới nên cấp sơ thẩm giao cho bà B nhà 3 tầng, còn ông C ở nhà gỗ 3 gian là hợp lý, kháng cáo của ông C về phần này là không có căn cứ.
+ Về diện tích đất trồng cây hàng năm có thời hạn của chị P được chia nằm trong diện tích đất 553,9m2: Đây là tiêu chuẩn ruộng đất của chị P mà nhà nước chia cho và trừ vào diện tích đất ở trong nhà khi thực hiện Nghị quyết 03 năm 1993 nên là tài sản riêng của chị P nằm trong phần tài sản chung của vợ chồng ông C bà B. Do đó, khi chia tài sản chung vợ chồng cần tách phần tài sản riêng của chị P đó là phần quyền sử dụng 60m2 đất trồng cây hàng năm có thời hạn ra và trả cho chị P. Kháng cáo của ông C về phần này cũng không có căn cứ.
- Xét kháng cáo của bà B, HĐXX thấy rằng bà B ông C mỗi người đều có công ăn việc làm tạo ra thu nhập cho gia đình, bà B có thu nhập bằng lương tuy thấp nhưng mang tính ổn định, còn ông C có thu nhập cao hơn nhưng không đều, như vậy bà B ông C là người trực tiếp làm ra của cải vật chất tạo nên phần tài sản là nhà, công trình và động sản. Do vậy, cần xác định công sức đóng góp của hai người là ngang nhau. Còn về phần tài sản là quyền sử dụng đất thì vợ chồng ông C bà B có được là do bố mẹ ông C mua của ông T2 và có tiêu chuẩn đất trồng cây hàng năm có thời hạn của ông C được Nhà nước chia trong đó nên cần xác định ông C có công sức tạo lập nên phàn tài sản này hơn bà B với tỷ lệ là 60/40. Kháng cáo của bà B về xác định công sức tạo lập nên khối tài sản chung được chấp nhận một phần.
- Xét kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện A, HĐXX thấy rằng: diện tích 60m2 đất trồng cây hàng năm có thời hạn là tiêu chuẩn ruộng canh tác của ông C được Nhà nước chia khi thực hiện Nghị quyết 03 năm 1993 và trừ vào đất trong nhà vì diện tích đất ở của vợ chồng ông C nhiều hơn theo quy định. Tuy nhiên diện tích đất này ông C có được trong thời kỳ hôn nhân và trừ vào đất trong nhà, theo Luật đất đai năm 2013 thì diện tích đất này được coi là đất ở. Căn cứ quy định tại Điều 33 Luật HNGĐ năm 2014 và quy định tại Điều 27 Luật HNGĐ năm 2000 thì quyền sử dụng đất do vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng trừ các trường hợp được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc thông qua các giao dịch, hợp đồng bằng tài sản riêng. 60m2 đất trồng cây hàng năm có thời hạn của ông C được Nhà nước chia theo tiêu chuẩn để canh tác và được trừ vào đất ở trong nhà vào thời kỳ hôn nhân và không thuộc ba trường hợp quy định tại các Điều luật nêu trên nên cần xác định đây là tài sản chung vợ chồng. VKSND huyện A kháng nghị cho rằng 60m2 đất trồng cầy hàng năm trừ vào diện tích đất trong nhà của vợ chồng C B là tài sản riêng của ông C là không có căn cứ.
Bản án sơ thẩm còn có những sai sót cần rút kinh nghiệm, đó là: một số tài sản chung của vợ chồng mà bà B yêu cầu chia như 3 gian nhà gỗ lim, bộ sập gụ, tủ chè, tivi… Sau đó bà B lại rút không yêu cầu thì cần phải tuyên đình chỉ đối với yêu cầu này trong phần quyết định của bản án; Trong phần bản án nhận định về xác định công sức đóng góp của vợ chồng vào khối tài sản chung nhưng không tuyên trong bản án là chưa đầy đủ. Bản án tuyên buộc ông C phải dịch chuyển nhà gỗ lim 3 gian ra khỏi mặt ngoài tường nhà 3 tầng về phía đông là ảnh hưởng đến kết cấu của nhà vì nhà được xây bao quanh là tường gạch chỉ có mái, cột kèo bằng gỗ nếu dịch chuyển thì phá hết tường xây quanh nhà như vậy là gây thiệt hại cho ông C, cấp phúc thẩm phải tuyên lại cho phù hợp.
Từ những phân tích trên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị đơn, kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện A, chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm.
Về án phí: Bản án sơ thẩm bị sửa nên các đương sự kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Các đương sự phải chịu án phí sơ thẩm tương ứng với phần tài sản mà mình được hưởng.
Các phần khác của bản án không có kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử không xem xét và có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì những lẽ trên,
Áp dụng Khoản 2 Điều 308, Khoản 1 Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự,
QUYẾT ĐỊNH
1. Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông C và Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện A, chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn bà B về công sức đóng góp đối với phần tài sản không phải là quyền sử dụng đất chung của vợ chồng là ngang nhau.
2. Áp dụng Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000; Điều 59, 62 Luật HNGĐ năm 2014; Điều 147, Khoản 2 Điều 305 Bộ luật tố tụng dân sự; Luật đất đai 1993, 2003; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án;
Xử:
- Xác định vợ chồng ông C, bà B có khối tài sản chung gồm:
+ Quyền sử dụng diện tích 493,9m2 đất, trong đó có 200m2 đất ở trị giá 280.000.000đ; 233,9m2 đất trồng cây hàng năm thừa hợp pháp lâu dài trị giá 210.510.000đ; 60m2 đất trồng cây hàng năm thời hạn 20 năm trị giá 54,000.000đ tại thửa 191 tờ bản đồ số 01, Thôn D, xã E, huyện A, tỉnh Hải Dương, tổng trị giá 544.510.000đ.
+ Công trình xây dựng trên đất bao gồm: nhà 3 tầng trị giá 257.294.000đ; bếp trị giá 14.207.000đ; lán xe lợp tôn trị giá 3.400.000đ; bể nước trị giá 4.347.000đ; cổng sắt 1.326.000đ, tổng trị giá 280.574.000đ
+ Số tiền bán vườn vải tại Chí Linh 560.000.000đ. Tổng giá trị khối tài sản chung 1.385.084.000đ.
- Xác định chị P (con đẻ ông C bà B) có quyền sử dụng diện tích 60 m2 đất trồng cây hàng năm có thời hạn nằm trong diện tích đất 553,9m2 tại thửa 191 tờ bản đồ số 01, Thôn D, xã E, huyện A, Hải Dương. Chấp nhận sự tự nguyện của chị P tặng cho bà B phần diện tích đất này.
- Xác định bà B ông C có công sức đóng góp ngang nhau đối với loại tài sản chung không phải là quyền sử dụng đất và ông C có công sức đóng góp nhiều hơn bà B với tỷ lệ 60/40 đối với tài sản chung là quyền sử dụng 493,9m2 đất. Bà B được hưởng giá trị phần tài sản chung là 638.091.000đ, ông C được hưởng 746.993.000đ.
- Giao cho bà B được sử dụng và sở hữu các tài sản sau: Quyền sử dụng diện tích đất 278,5m2 trên có nhà 3 tầng và các công trình phụ, trong đó có 218,5m2 đất là tài sản chung (gồm 100m2 đất ở, 118,5m2 đất trồng cây hàng năm lâu dài) và 60m2 đất trồng cây hàng năm có thời hạn của chị P tặng cho tại thửa 191 tờ bản đồ số 01, Thôn D, xã E, huyện A, tỉnh Hải Dương trị giá 246.650.000đ (không tính giá trị diện tích đất chị P tặng cho); nhà 3 tầng trị giá 257.294.000đ; bếp trị giá 14.207.000đ; lán xe lợp tôn trị giá 3.400.000đ; bể nước trị giá 4.347.000đ; cổng sắt 1.326.000đ; tổng trị giá tài sản bà B được giao là 527.224.000đ. Vị trí, kích thước đất nhà có sơ đồ kèm theo.
- Giao cho ông C được sử dụng và sở hữu tài sản gồm: Quyền sử dụng diện tích 275,4m2 đất trên có nhà gỗ lim 3 gian (trong đó có 100m2 đất ở, 115,4m2 đất trồng cây hàng năm lâu dài và 60m2 đất trồng cây hàng năm có thời hạn) tại thửa 191 tờ bản đồ số 01, Thôn D, xã E, huyện A, tỉnh Hải Dương, trị giá 297.860.000đ; số tiền bán vườn vải ở thị xã V là 560.000.000; tổng giá trị tài sản ông C được giao là 857.860.000đ. Vị trí, kích thước đất nhà có sơ đồ kèm theo.
- Ông C phải trả cho bà B số tiền chênh lệch tài sản là 110.867.000đ.
- Ông C có trách nhiệm xây bức tường áp sát mặt ngoài tường nhà 3 tầng phía giáp nhà gỗ lim để đỡ phần đầu hồi nhà gỗ lim tránh hư hỏng và mở lối đi từ đường xóm vào khu đất mà ông được giao sử dụng.
- Bà I và ông K phải có trách nhiệm trả cho ông C 280.000.000đ tiền bán vườn vải ở thị xã V.
- Đình chỉ giải quyết yêu cầu phân chia số tài sản mà bà B rút gồm: 1 bộ sập gụ tủ chè, 1 tủ tivi, 1 bộ bàn ghế, 1 tivi Panasonic, 1 đầu kỹ thuật số, 3 bàn vi tính, 1 hòn non bộ, 3 giường đôi và những khoản nợ vợ chồng nợ.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành có đơn yêu cầu mà người phải thi hành án chậm trả số tiền trên thì còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.
3. Về án phí:
- Về án phí phúc thẩm: Bản án sơ thẩm bị sửa nên bà B và ông C không phải chịu án phí phúc thẩm. Hoàn trả lại cho bà B 200.000đ tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm bà đã nộp theo biên lai thu tiền số AB/2014/007420 ngày 06/10/2016 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện A. Hoàn trả ông C 200.000đ tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm ông đã nộp theo biên lai thu tiền số AB/2014/007419 ngày 06/10/2016 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện A.
- Về án phí sơ thẩm:
+ Bà B phải chịu án phí chia tài sản là 29.523.640đ được trừ vào tổng số tiền tạm ứng là 13.330.000đ theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AB/2014/001746 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện A. Bà B còn phải nộp 16.193.640đ.
+ Ông C phải chịu án phí chia tài sản là 33.879.720đ.
Các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự./.
Bản án có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 03/03/2017.
Bản án 05/2017/HNGĐ-PT ngày 03/03/2017 về ly hôn, tranh chấp chia tài sản chung
Số hiệu: | 05/2017/HNGĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Dương |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 03/03/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về