TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
BẢN ÁN 04/2020/HS-PT NGÀY 09/01/2020 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 09 tháng 01 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 73/2019/TLPT-HS ngày 12 tháng 12 năm 2019 đối với bị cáo Phạm Văn T do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 126/2019/HS-ST ngày 25 tháng 10 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố N, tỉnh Ninh Bình.
Bị cáo có kháng cáo:
Phạm Văn T, sinh năm 1962; tại tỉnh Ninh Bình; nơi ĐKNKTT: Số 12, đường Lê H, phường V, thành phố N, tỉnh Ninh Bình; nơi cư trú: Khu tập thể Công ty cổ phần B, phường T, thành phố N, tỉnh Ninh Bình; nghề nghiệp: Bảo vệ Công ty cổ phần B; trình độ văn hoá: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; đảng phái: Đảng viên Đảng cộng sản Việt nam, đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng theo Quyết định số 45A-QĐ/UBKT ngày 24/12/2018 của Ủy ban kiểm tra Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình; con ông Phạm Đình T1 (đã chết) và bà Trần Thị M; có vợ: Vũ Thị Hồng L; có 02 con; tiền án tiền sự: Không.
Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 21/12/2018 tại Trại tạm giam Công an tỉnh Ninh Bình cho đến nay (có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Bà Trịnh Thị T2 sinh năm 1954, nơi đăng ký nhân khẩu thường trú ở phường K, thành phố N, hiện đang tạm trú tại khu đô thị V, quận L, thành phố H và bà Vũ Thị T3 sinh năm 1960 trú tại số nhà 45 đường P phố 3, phường Đ, thành phố N là bạn bè quen biết với nhau. Đầu năm 2015, bà T3 nói chuyện với bà T2 về việc có con trai là anh Đinh Đức T4 sinh năm 1990 sắp tốt nghiệp khoa tự động hóa ngành điện trường Đại học Điện Lực, bà T3 muốn xin việc cho anh T4 vào công tác ở ngành Công an nhưng chưa biết xin ai, ở đâu. Khoảng tháng 01 năm 2015 gia đình bà T2 tổ chức đám cưới cho con gái nên mời Phạm Văn T đến dự. Tại buổi tiệc cưới bà T2 nghe thấy Phạm Văn T nói chuyện với mọi người là T có nhiều mối quan hệ nên có thể xin việc vào ngành Công an. Sau đó vài ngày bà T2 đến gặp T nói “Có con đứa bạn nó chuẩn bị tốt nghiệp Đại học Điện Lực, cháu thích ngành Công an chú xem có xin được cho cháu không” thì T nói có mối quan hệ rộng với nhiều lãnh đạo cấp cao đặc biệt là trong ngành Công an nên có thể xin việc cho người học từ trường ngoài (không phải trường do Bộ Công an đào tạo) vào làm việc trong ngành Công an. Nghe T nói vậy bà T2 về nói chuyện với bà T3 về việc mình có quen biết với Phạm Văn T có thể xin việc vào ngành Công an. Sau đó bà T3 và chồng là ông Đinh Đức V sinh năm 1956 nhờ bà T2 hẹn gặp Tiến để nói chuyện. Khoảng đầu tháng 3 năm 2015 tại nhà bà Thái ở phường K, thành phố N, bà T2 gặp T và nói có con trai đang học Điện Lực, đến tháng 8 năm 2015 có bằng, nhờ T xin hộ vào ngành Công an. T đồng ý rồi cả hai người về nhà bà T2 tại số nhà 45 đường P, phố 3, phường Đ, thành phố N gặp ông V để trao đổi bàn bạc cụ thể. Khi gặp ông V thì T giới thiệu đang công tác tại công ty B, gia đình có nhiều người làm lãnh đạo ở Bộ Công an nên mỗi năm T được hai xuất, và hứa hẹn sẽ xin cho anh T4 vào công tác tại Tổng cục xây dựng lực lượng Bộ công an với chi phí 600.000.000 đồng. Việc giao tiền sẽ chia làm hai đợt, đợt 1 gia đình ông V đưa cho T 01 bộ hồ sơ và số tiền 200.000.000 đồng; đợt 2 khi nào anh T4 có Quyết định về nhận công tác tại Tổng cục xây dựng lực lượng Bộ Công an thì sẽ đưa tiếp cho T số tiền còn lại 400.000.000 đồng. Khi ông V nói T4 vẫn chưa tốt nghiệp đại học thì T nói cho nợ bằng. Do tin tưởng vào những thông tin mà T đưa ra nên gia đình ông V đã nhất trí nhờ T xin cho con trai là anh Đinh Đức T4 vào công tác tại Tổng cục xây dựng lực lượng Bộ Công an. Ngày 21/3/2015, tại gia đình ông V, T đã nhận 01 bộ hồ sơ xin việc của anh T4 và số tiền 200.000.000 đồng. Ông V yêu cầu T viết giấy biên nhận thì T nói do T là cán bộ nhà nước, không muốn viết giấy biên nhận xin việc. Để tạo lòng tin cho ông V nên T đã viết 01 bản “Hợp đồng: thỏa thuận dân sự” với nội dung T (Bên A) nhận thực hiện hợp đồng trị giá 600.000.000 đồng, chia làm hai đợt: đợt 1 nhận 200.000.000 đồng, đợt 2 nhận 400.000.000 đồng. Bên B là ông Đinh Đức V và bà Vũ Thị T3. Sau khi đọc lại bản hợp đồng do T viết, ông V thấy T không viết rõ nội dung thỏa thuận giữa hai bên nên đã yêu cầu T bổ sung “Phụ lục hợp đồng” vào trang thứ hai của hợp đồng, có nội dung như sau “Cháu Đinh Đức T4 về nhận công tác tại Tổng cục xây dựng lực lượng - Bộ Công an theo chuyên ngành được đào tạo, theo chứng chỉ đại học./.”. Bên dưới hợp đồng thể hiện ngày 21/3/2015 ông V đã giao cho T 200.000.000 đồng, có chữ ký của T dưới mục “Người nhận”.
Sau khi nhận hồ sơ xin việc và số tiền 200.000.000 đồng của gia đình ông V, T đã không xin việc cho anh T4 theo thỏa thuận mà số tiền này T đã sử dụng vào mục đích cá nhân. Gia đình ông V nhiều lần hỏi về tiến độ xin việc cho T4 thì T nói là do ngành Công an đang tinh giảm biên chế nên phải đợi. Đến cuối năm 2017 do thấy T không xin được việc nên gia đình ông V đã nhiều lần yêu cầu T trả lại tiền nhưng T vẫn khất lần chưa trả. Ngày 27/11/2018 ông V đã làm đơn trình báo, tố giác sự việc nói trên gửi đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình. Ngày 03/12/2018 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình chuyển hồ sơ tố giác đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Ninh Bình để giải quyết. Tại Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Ninh Bình, ông Đinh Đức V đã giao nộp 01 bản “hợp đồng: thỏa thuận dân sự” giữa ông Việt và Phạm Văn T ký ngày 21/3/2015.
Ngày 07/12/2018 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Ninh Bình ra Quyết định trưng cầu giám định số 23 yêu cầu giám định chữ viết, chữ ký mang tên Phạm Văn T trên bản “hợp đồng: thỏa thuận dân sự” đề ngày 21/3/2015 (ký hiệu A) và chữ viết, chữ ký của Phạm Văn T trên tài liệu mẫu so sánh ký hiệu từ M1 đến M3 có phải do cùng một người ký, viết ra không? Tại Kết luận giám định số 01/KLGĐ-PC54-TL ngày 17/12/2018 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Ninh Bình kết luận: “Chữ viết, chữ ký mang tên Phạm Văn T trên tài liệu cần giám định ký hiệu A (trừ chữ viết “bản gốc” tại góc trái trên; chữ viết, chữ ký mang tên Đinh Đức V dưới mục “Đại diện bên B” tại gói trái dưới trang 1; chữ viết “Ngày 21/3/2015 Giao anh Tiến 200.000.000 (Hai trăm triệu đồng)”; “Người giao”, “Người nhận”, chữ viết, chữ ký mang tên Đinh Đức V tại trang 2) so với chữ viết, chữ ký của Phạm Văn T trên các tài liệu mẫu so sánh ký hiệu từ M1 đến M3 là do cùng một người viết, ký ra”.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 126/2019/HS-ST ngày 25/10/2019 Tòa án nhân dân thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình đã quyết định: Tuyên bố bị cáo Phạm Văn T phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 174; điểm b, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự xử phạt Phạm Văn T 05 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giữ 21/12/2018.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, quyền kháng cáo cho bị cáo, bị hại theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 30/10/2019, bị cáo Phạm Văn T có đơn kháng cáo đề nghị xem xét lại toàn bộ bản án vì bản án xử chưa đúng người, chưa đúng tội. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Phạm Văn T vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình tại phiên tòa phúc thẩm sau khi phân tích đánh giá tính chất của vụ án, mức độ nguy hiểm cho xã hội do hành vi phạm tội mà bị cáo đã gây ra và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Văn T; giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 126/2019/HS-ST ngày 29/10/2019 của Tòa án nhân dân thành phố N, tỉnh Ninh Bình.
Bị cáo nói lời sau cùng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại toàn bộ bản án và giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hình thức đơn kháng cáo của bị cáo Phạm Văn T làm trong hạn luật định nên được chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Phạm Văn T không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Bị cáo cho rằng bị cáo không hứa hẹn xin cho anh Đinh Đức T4 là con của ông Đinh Đức V vào làm việc tại Tổng cục xây dựng lực lượng Bộ Công an, mà chỉ xác định xin cho cháu T4 được tham gia thi tuyển vào ngành Công an, nên bị cáo đã viết 01 bản “Hợp đồng: thỏa thuận dân sự”, đây chỉ là thỏa thuận dân sự, bị cáo không lừa dối ai, khi không xin được việc, gia đình ông V đòi lại tiền, bị cáo đã chi tiêu hết nên bị cáo có hứa hẹn với ông V để một thời gian sau sẽ trả lại tiền, sau đó ông V tố cáo bị cáo lừa đảo là không đúng. Hội đồng xét xử thấy: Hành vi của bị cáo T khi gặp ông V thì T đã giới thiệu mình đang công tác tại công ty B, gia đình có nhiều người làm lãnh đạo ở Bộ Công an nên mỗi năm T được hai xuất, và hứa hẹn sẽ xin cho anh T4 là con ông V vào công tác tại Tổng cục xây dựng lực lượng Bộ công an với chi phí 600.000.000 đồng, chia làm 2 lần; lần đầu T làm bản hợp đồng, tại mục “Phụ lục hợp đồng” trang thứ hai của hợp đồng, có nội dung “Cháu Đinh Đức T4 về nhận công tác tại Tổng cục xây dựng lực lượng - Bộ Công an theo chuyên ngành được đào tạo, theo chứng chỉ đại học”; bên dưới hợp đồng ghi ngày 21/3/2015 ông V đã giao cho T 200.000.000 đồng, có chữ ký của T dưới mục “Người nhận”; sau khi nhận được tiền T đã tiêu sài hết, không xin việc cho anh T, hành vi của bị cáo được chứng minh qua lời khai của người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, lời khai của người làm chứng, các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án và đã được Tòa án cấp sơ thẩm phân tích, đánh giá một cách chi tiết, cụ thể, khách quan, toàn diện tại bản án hình sự sơ thẩm số 126/2019/HS-ST ngày 29/10/2019 của Tòa án nhân dân thành phố N, tỉnh Ninh Bình, như vậy đã có đủ cơ sở kết luận bằng thủ đoạn giả xin việc để lấy tiều tiêu sài sau đó không xin việc, hành vi của bị cáo Phạm Văn T đã có đủ dấu hiệu cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 174 của Bộ luật Hình sự. Bản án sơ thẩm đã xét xử bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan sai.
[3] Xét kháng cáo của bị cáo Phạm Văn T về hình phạt:
Cuối phiên tòa phúc thẩm bị cáo Phạm Văn T đề nghị xem xét giảm nhẹ mức hình phạt, với lý do bản án sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo 05 năm tù là quá nặng.
Hội đồng xét xử xét thấy hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Văn T là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm hại đến quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ. Cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự bị cáo không có; về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự gia đình bị cáo bà Phạm Thị H là em gái của bị cáo đã trả cho gia đình bị hại ông Đinh Đức V toàn bộ số tiền; bị cáo là người có nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu và công tác được tặng thưởng nhiều bằng khen; Mặt khác, bị cáo có mẹ đẻ bà Trần Thị M được Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhì vì có thành tích trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình tặng Bằng khen vì có thành tích tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước; người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b, v khoản 1 và khoản 2 Điều 51 BLHS. Tại phiên tòa phúc thẩm vợ bị cáo xuất trình một đơn đề nghị gia đình có hoàn cảnh khó khăn một mình phải nuôi hai con đang phải ăn học và chăm sóc mẹ già 90 tuổi là người có công với cách mạng có xác nhận của chính quyền địa phương, đây là những tình tiết giảm nhẹ mới tại cấp phúc thẩm được quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy cần giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo để bị cáo yên tâm cải tạo sớm trở về với gia đình và xã hội, sửa bản án hình sự sơ thẩm số 126/2019/HS-ST ngày 25/10/2019 của Tòa án nhân dân thành phố N, tỉnh Ninh Bình về phần hình phạt.
[4] Về án phí: Yêu cầu kháng cáo của bị cáo Phạm Văn T được chấp nhận nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên:
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự, chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Phạm Văn T, sửa bản án hình sự sơ thẩm số 126/2019/HS-ST ngày 25/10/2019 của Tòa án nhân dân thành phố N, tỉnh Ninh Bình về phần hình phạt. Căn cứ vào điểm a khoản 3 Điều 174; các điểm b, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Phạm Văn T 04 (bốn) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam 21/12/2018.
2. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.
3. Án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án, bị cáo Phạm Văn T không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 09/01/2020.
Bản án 04/2020/HS-PT ngày 09/01/2020 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Số hiệu: | 04/2020/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Ninh Bình |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 09/01/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về