Bản án 04/2018/DS-PT ngày 19/01/2018 về kiện đòi quyền sử dụng đất nông nghiệp

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

BẢN ÁN 04/2018/DS-PT NGÀY 19/01/2018 VỀ KIỆN ĐÒI QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP

Ngày 19 tháng 01năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 20/2017/DSPT ngày 06/10/2017 về việc: “Kiện đòi quyền sử dụng đất nông nghiệp”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 11/2017/DS-STngày 10 tháng 8 năm 2017 của Toà án nhân dân huyện Văn Giang bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 19/2017/QĐ-PT ngày 22tháng 11 năm 2017, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn:Bà Phạm Thị U

Cư trú tại: Phố A, huyện A, tỉnh Hưng Yên

2. Bị đơn: Cụ Chử Thị O,ông Phạm Ngọc H, cụ Phạm Văn L (chết ngày 27/3/2013).

Đều cư trú tại: Thôn C, xã D, huyện A, tỉnh Hưng Yên

3. Những người thừa kế quyền và nghĩa vụ của cụ L: Cụ Chử Thị O, ông Phạm Ngọc H, ông Phạm Văn H, bà Phạm Thị N. Đều cư trú tại: Thôn C, xã D, huyện A, tỉnh Hưng Yên.

- Bà Phạm Thị Y, địa chỉ: Thôn E, xã D, huyện A, tỉnh Hưng Yên

- Bà Phạm Thị H, địa chỉ: Thôn G, xã I, huyện K, Hà Nội.

Đại diện cho những người thừa kế quyền và nghĩa vụ của cụ L: ôngPhạm Ngọc H (theo văn bản ủy quyền ngày 30 tháng 11 năm 2017)

4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Ông Phạm Văn H, bà Đỗ Thị V, bà Chử Thị Q, anh Phạm Anh V, chị Phạm Ánh Q. Đều cư trú tại: Thôn C, xã D, huyện A, tỉnh Hưng Yên.

- Anh Lê Thanh T, anh Lê Thanh B, chị Lê Thị Thanh L. Đều cư trú tại: Phố A, huyện A, tỉnh Hưng Yên.

- Công ty cổ phần VH, địa chỉ: xã L, huyện A, tỉnh Hưng Yên. Người đại diện theo pháp luật: Ông Đào Ngọc T - Tổng giám đốc

5. Người kháng cáo: Ông Phạm Ngọc H - Bị đơn

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện cùng lời khai trong quá trình tố tụng nguyên đơn bà Phạm Thị U trình bày:

Năm 1987, khi Nhà nước chia ruộng cho các hộ, gia đình bà có ba nhân khẩu gồm bà, hai con trai là Lê Thanh T, sinh năm 1982 và Lê Thanh B, sinh năm 1985 được hợp tác xã D chia cho 4,6 sào đất ruộng trong đồng, 6,4 miếng ruộng Nương Cạn ven làng và 1,7 sào ruộng bãi. Đất ruộng bãi mỗi lao động được chia 8,5 miếng, hai con Lê Thanh T và Lê Thanh B còn nhỏ nên hai cháu tính là một lao động. Ông Nguyễn Văn Q khi đó là đội trưởng đội sản xuất trực tiếp giao ruộng cho gia đình bà.

Năm 1987, hộ cụ Phạm Văn L có 6 nhân khẩu gồm: bố mẹ bà (cụ L, cụ O), ông Phạm Ngọc H, bà Phạm Thị H, ông Phạm Văn H, bà Phạm Thị Y. Ông H, bà Y khi đó chưa đủ 18 tuổi nên chỉ tính 2 người bằng 01 lao động, được chia ruộng bãi với tiêu chuẩn 5 lao động bằng 4,25 sào.

Năm 1993, gia đình cụ L có thêm con dâu là Đỗ Thị V, cháu nội Phạm Anh V, cháu Phạm Ánh Q (con ông H, bà Vui), nhưng 03 khẩu lập gia đình lại tách ra ở riêng là ông Phạm Văn H, bà Phạm Thị Y, bà Phạm Thị H nên gia đình cụ L có 6 nhân khẩu được chia đất ruộng ở trong đồng và Nương cạn. Ở Nương cạn mỗi khẩu được chia 1,4 miếng, 6 khẩu được chia 8,4 miếng.

Sau khi Nhà nước chia lại ruộng năm 1993, bà cho cụ Chử Thị T ở cùng đội tất cả đất ruộng của gia đình, cụ T trả gia đình bà 02 tạ thóc/01 năm, mọi nghĩa vụ và sản lượng cụ T phải nộp. Cụ Chử Thị O khi biết việc đã gặp cụ T xin để lại cho gia đình sử dụng toàn bộ diện tích đất ruộng. Được bà nhất trí cụ T đã giao lại cho gia đình cụ L, cụ O sử dụng toàn bộ đất ruộng đã nhận thuê của gia đình bà.

Năm 1995, các hộ gia đình tại địa phương được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất nông nghiệp. Trong GCNQSD đất nông nghiệp của gia đình bà chỉ thể hiện gia đình bà được giao sử dụng 1591m2  đất trong đồng, không thể hiện về việc được giao 1,7 sào ruộng bãi và 5,6 miếng ruộng Nương Cạn. Diện tích đất ruộng bãi và ruộng Nương Cạn của gia đình bà, cụ L đã tự ý kê khai và được vào giấy CNQSD đất mang tên hộ gia đình ông Phạm Văn L cùng với diện tích đất ruộng giao cho hộ gia đình cụ L. Sau khi biết sự việc này bà đã gặp cụ L đòi lại diện tích đất này thì cụ L xác nhận 1,7 sào ruộng bãi và 5,6 miếng ruộng Nương Cạn là diện tích đất của gia đình bà đã vào GCNQSD đất của cụ L và hứa đến khi nào con bà lớn cụ sẽ trả. Quá trình sử dụng ruộng của gia đình bà, gia đình cụ L không trả thóc, không đóng thuế và sản lượng. Toàn bộ đất ruộng của gia đình bà và của gia đình cụ L, vợ chồng ông Phạm Ngọc H trực tiếp sử dụng từ năm 1993.

Năm 2001, địa phương thực hiện chính sách dồn thửa đổi ruộng, sau khi dồn thửa đổi ruộng chưa làm lại GNCQSD đất. Diện tích đất 1,7 sào đất bãi của gia đình bà quá trình ông H sử dụng đã dồn thửa đổi ruộng, toàn bộ đất bãi của gia đình bà và gia đình cụ L, ông H đã đổi và dồn thành một thửa lớn ở xứ đồng Nương Đỗ. Diện tích 5,6 miếng đất ruộng Nương cạn khi giao cho gia đình bà là ở xứ đồng Thản Đầu, trong GCNQSD đất của gia đình cụ L là thửa 167/5, TBĐ số 3C diện tích 222m2 không dồn thửa đổi ruộng.

Năm 2007, vợ chồng ông Phạm Ngọc H trả gia đình bà 1591m2 đất trong đồng, còn đất ruộng ngoài bãi và Nương Cạn bà nhiều lần đòi nhưng bố mẹ bà và ông Phạm Ngọc H không trả với lý do diện tích đất này nằm trong GCNQSD đất ruộng của gia đình cụ L. Năm 2011, bố mẹ bà cùng với các em họp bàn và nhất trí trả bà 140m2 đấtruộng Nương Cạn và 1,2 sào đất bãi nhưng với điều kiện khi nào Nhà nước chuyển đổi đất thì gia đình bà mới được sử dụng. Không đồng ý với thỏa thuận này nên bà làm đơn khởi kiện buộc gia đình cụ L trả gia đình bà 1,7 sào đất bãi nằm trong số diện tích 2117m2 đất ở xứ đồng Nương Đỗ và 5,6 miếng đất ruộng Nương Cạn ở Thản Đầu, thửa 167/5 TBĐ 3C; ngoài ra phải trả thóc và nghĩa vụ thuế, sản lượng trong thời gian sử dụng ruộng của gia đình bà.Nay bà tự nguyện rút một phần yêu cầu khởi kiện không yêu cầu Tòa án giải quyết những yêu cầu này.

Năm 2013,cụ L chết không để lại di chúc. Cụ L và cụ O có 6 người con gồm: ông Phạm Ngọc H, ông Phạm Văn H, bà Phạm Thị Y, bà Phạm Thị H, bà Phạm Thị N. Vợ chồng ông Phạm Ngọc H ở chung với cụ L và cụ O.

Bị đơn cụ Phạm Văn L (khi còn sống) trình bày

Trước năm 1993, gia đình cụ có 8 khẩu được giao ruộng gồm: 02 vợ chồng cụ, ông H, bà V (vợ ông Phạm Ngọc H), ông Phạm Văn H, bà Phạm Thị H, bà Phạm Thị Y và 02 con của ông Phạm Ngọc H còn nhỏ tính bằng một khẩu, được chia tổng diện tích 5,8 sào đất bãi mà gia đình cụ đang sử dụng.

Năm 1993, Nhà nước giao lại ruộng đất cho các hộ gia đình tại địa phương nhưng chỉ giao đất trong đồng còn diện tích đất bãi gia đình cụ nhận trước kia vẫn giữ nguyên. Tại thời điểm đó, gia đình cụ có 8 khẩu được chia ruộng gồm 02 vợ chồng cụ, ông H, bà Vui, 02 con ông Phạm Ngọc H, ông Phạm Văn H và vợ là bà Chử Thị Q, mỗi khẩu được chia 1,1 sào đất trong đồng và 1,4 miếng Nương Cạn, do đất trong đồng chia cho gia đình cụ bị thiếu nên địa phương chia thêm đất Nương Cạn cho gia đình cụ nhưng vẫn không đủ.

Bà Phạm Thị U đã tách khẩu từ năm 1986 do vậy việc giao đất bãi, đất đồng của gia đình bà U không liên quan đến diện tích đất gia đình cụ đã được giao. Gia đình cụ cũng không thuê đất ruộng của gia đình bà U.

Sau khi bà U khởi kiện cụ đã cho bà U 1,2 sào đất bãi và 5 miếng đất ruộng Nương Cạn nhưng bà U không đồng ý. Nay bà U khởi kiện, yêu cầu cụ trả lại diện tích đất bãi và diện tích đất ruộng Nương Cạn cụ không nhất trí.

Bị đơn cụ Chử Thị O, người liên quan ông Phạm Văn H: Có lời khai thống nhất với cụ L về số nhân khẩu được chia ruộng và số diện tích đất ruộng được chia vào các năm 1987 và 1993. Cụ O và ông Phạm Văn H khẳng định gia đình cụ L không thuê ruộng của gia đình bà U mà sử dụng đúng diện tích đất ruộng được giao theo tiêu chuẩn, không đồng ý trả ruộng theo yêu cầu của bà U.

Bị đơn, người thừa kế quyền và nghĩa vụ của cụ L- ông Phạm Ngọc H trình bày

Hộ gia đình cụ L được chia ruộng đất nông nghiệp theo đúng tiêu chuẩn và nhân khẩu. Hiện gia đình cụ L đã được cấp GCNQSD đất nông nghiệp hợp pháp. Việc bà U khai nhận cụ O đã xin bà Chử Thị T để sử dụng đất nông nghiệp của gia đình bà U là không đúng. Hiện gia đình ông và gia đình ông Hiển đang sử dụng diện tích đất bãi mà gia đình cụ L được giao. Nay tòa án giải quyết yêu cầu khởi kiện của bà U, ông thay mặt gia đình chấp nhận cho bà U 1,2 sào đất bãi với điều kiện bà U phải xin lỗi gia đình cụ L. Nếu bà U không chấp nhận yêu cầu này thì ông đề nghị tòa án giải quyết vụ kiện theo pháp luật.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Lê Thanh T, Lê Thanh B, chị Lê Thị Thanh L trình bày: Các anh chị có lời khai thống nhất với nhau, đều đề nghị Tòa án giải quyết theo yêu cầu của bà U về việc yêu cầu buộc gia đình cụ L trả lại đất nông nghiệp mà cụ L đang sử dụng của gia đình anh, chị.

Người thừa kế quyền và nghĩa vụ của cụ L bà Phạm Thị Y trình bày: Khi chia ruộng bãi, bà vẫn ở chung với bố mẹ và có được chia ruộng bãi chung trong hộ cụ L.

Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Phạm Thị H, bà Đỗ Thị V, anh Phạm Anh V, chị Phạm Ánh Q, Phạm Thị Y, Chử Thị Q xin vắng mặt và ủy quyền cho ông H tham gia tố tụng trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án.

Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Phạm Thị H, bà Chử Thị Q, bà Phạm Thị N và người làm chứng cụ Chử Thị T Tòa án đã nhiều lần triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt trong suốt quá trình Tòa án giải quyết vụ án không có lý do án nên Tòa án không lấy được lời khai. Cụ Chử Thị T đã chết ngày 09/11/2012.

Bản án dân sự sơ thẩm số 04/2013/DSST ngày 28/02/2013, Tòa án nhân dân huyện A đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị U.

Bản án dân sự phúc thẩm số 13/2016/DS-PT ngày 30/6/2016,Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên đã tuyên hủy Bản án số 04/2013/DSST ngày 28/02/2013 chuyển hồ sơ vụ án về Tòa án nhân dân huyện Văn Giang để xác minh bổ sung và xét xửsơ thẩm lại.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 11/2017/DS-STngày 10 tháng 8 năm 2017, Toà án nhân dân huyện Văn Giang đã quyết định:

Căn cứ các điều 166, điều 167, điều 168, điểm a khoản 1 điều 179 Luật đất đai; Điều 164, điều 166, điều 274, điều 275, khoản 1 điều 482, điều 500 Bộ luật dân sự; Khoản 1 điều 147, điểm b khoản 2 điều 227, điều 228, khoản 2 điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự; Luật phí và lệ phí; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội.

Đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu đòi 03 tấn thóc, đòi thuế sản lượng, hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nguyên đơn Phạm Thị U

Chấp nhận yêu cầu đòi quyền sử dụng đất nông nghiệp của bà Phạm Thị U.

Buộc hộ gia đình cụ Chử Thị O, ông Phạm Ngọc H phải trả lại hộ gia đình bà Phạm Thị U 612m2 đất nông nghiệp trồng cây hàng năm ở xứ đồng Nương Đỗ và 177m2 đất nông nghiệp trồng cây hàng năm thửa đất 167/5 tờ bản đồ 3Cở Thản Đầu, địa chỉ tại Thôn C, xã D, huyện A, tỉnh Hưng Yên (có sơ đồ kèm theo).

Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày bản án này có hiệu lực pháp luật, ông Phạm Ngọc H phải di dời hết cây đang trồng trên đất để trả lại đất cho gia đình bà U sử dụng.

Ngoài ra bản án còn quyết định về án phí, quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật. Ngày 22/8/2017, ông Phạm Ngọc H kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa: Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và có đề nghị xét xử vắng mặt.

Bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và xác định tại thời điểm giao đất ruộng bãi hộ gia đình cụ L có số nhân khẩu gồm: cụ L, cụ O, ông, ông H, bà Y, bà H tương đương tiêu chuẩn của 5 lao động. Do ông H gần đủ 18 tuổi nên gia đình xin cho hưởng bằng 1 lao động. Sở dĩ đất bãi gia đình ông thừa so với tiêu chuẩn là do có nhiều gia đình bỏ hoang ruộng không canh tác nên gia đình nhận vềlàm. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét: không có chứng cứ chứng minh gia đình ông thuê đất bãi của bà U; hai gia đình là hai hộ riêng biệt và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Gia đình ông sử dụng đất theo đúng diện tích nhà nước giao nên không chấp nhận yêu cầu đòi quyền sử dụng đất của bà U.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên phát biểu ý kiến thể hiện:

Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, người tiến hành tố tụng, các đương sự đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Gia đình cụ L đang sử dụng vượt quá tiêu chuẩn đất được chia là 596m2 đất bãi và 202m2 đất Nương Cạn trong khi hộ gia đình bà Ukhông có đất bãi và đất Nương Cạn mặc dù đã được đã được chia. Bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà U là có căn cứ. Tuy nhiên,Tòa án cấp sơ thẩm chưa trừ diện tích đất bãi mà hộ cụ L và bà U bị thu ở Tư Điền để thí điểm trồng dâu nuôi tằm. Buộc gia đình cụ L phải trả bà U 612m2 đất bãi ở xứ đồng Nương Đỗ là thiếu chính xác. Cần trừ 1,4 miếng đất = 50,4m2 đất bãi mà bà U đã bị thu hồi, ông H phải trả cho gia đình bà U 561,6m2 đất ở xứ đồng Nương Đỗ và 177m2 ở xứ đồng Nương Cạn. Đề nghị HĐXX áp dụng khoản 2 Điều 308, Điều 309 BLTTDS. Chấp nhận một phần kháng cáo của ông H, sửa bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Văn Giang.

Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện, khách quan, đầy đủ các chứng cứ lời trình bầy của bị đơn, quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

1. Về xác định tư cách người tham gia tố tụng: Tại đơn khởi kiện bà U khởi kiện yêu cầu cụ Phạm Văn L phải trả gia đình bà 1,7 sào ruộng bãi và 5,6 miếng ruộng Nương Cạn. Cụ L chết ngày 27/3/2012. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ L gồm: bà Chử Thị O, ông Phạm Ngọc H, ông Phạm Văn H, bà Phạm Thị H, bà Phạm Thị Y, bà Phạm Thị U, bà Phạm Thị N.Tòa án nhân dân huyện Văn Giang đã có công văn yêu cầu cử người đại diện thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của cụ L. Quá trình giải quyết vụ án các thừa kế hàng thứ nhất của cụ L không cử người đại diện tham gia tố tụng

Ngày 04/8/2016 và ngày 18/10/2016, bà U đề nghị giữ nguyên yêu cầu khởi kiện như đơn khởi kiện năm 2011 và bổ sung thêm yêu cầu: Buộc ông Phạm Ngọc H trả lại cho gia đình bà 1,7 sào đất ruộng bãi nằm trong số diện tích 2136m2 ở xứ đồng Nương Đỗ và 5,6 miếng đất nương cạn ở Thản Đầu thửa 167/5 TBĐ 3C;

Do vậy, việc TAND huyện Văn Giang xác định ông H là người đại diện cho những người thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng của cụ L và là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không đúng quy định của BLTTDS; trong vụ án này ông H tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn và người đại diện cho những người thừa kế quyền, nghĩa vụ tham gia tố tụng (nếu có văn bản cử đại diện). Tòa án cấp phúc thẩm sẽ xác định lại tư cách tham gia tố tụng của ông Phạm Ngọc H cho đúng quy định của pháp luật.

2. Về nội dung: Xét kháng cáo của ông Phạm Ngọc H

Thực hiện Chỉ thị số 100/CT-CW ngày 13/01/1981 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, năm 1987 xã D đã lập hồ sơ và chốt danh sách nhân khẩu trong toàn xã để thực hiện giao đất nông nghiệp cho các hộ gia đình. Căn cứ vào hồ sơ nhân khẩu của các hộ đã chốt năm 1987, năm 1988 UBND xã tiến hành giao đất. UBND xã không trực tiếp giao đất mà giao về cho thôn để trưởng thôn thực hiện. Năm 1988, các gia đình được chia cả đất bãi và đất trong đồng. Mỗi lao động được chia 8,5 miếng đất bãi, lao động chưa đủ 18 tuổi được chia ½ diện tích của một lao động. Đến năm 1993, thực hiện giao đất sử dụng lâu dài cho các hộ gia đình tại địa phương theo nghị quyết 03/NQ của tỉnh ủy Hải Hưng, xã D không chia lại đất bãi chỉ chia lại đất trong đồng.Diện tích đất trong đồng giao năm 1993, đất Nương Cạn mỗi khẩu được giao 1,4 miếng, diện tích đất trong đồng mỗi khẩu được giao 1,1 sào. Sau khi giao lại đất trong đồng, năm 1993 địa phương lập hồ sơ giao đất nông nghiệp đối với cả đất bãi giao năm 1988 và đất trong đồng chia năm 1993. Đến năm 1995 các hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Tại Biên bản giao đất số 65 năm 1993, gia đình cụ Phạm Văn L có 8 nhân khẩu được giao tổng 5.518m2đất nông nghiệp. Cụ thể:

* Đất trong đồng có tổng diện tích là 3401m2

* Đất ngoài bãi gồm  2117m2  (đã được giao theo chỉ thị 100/CT) gồm:198m2 tại thửa 13/46, tờ bản đồ (TBĐ) 1A, xứ đồng bờ Thùng; 306m2 tại thửa 12/48, TBĐ 1A, xứ đồng Nương Đỗ; 803m2 tại thửa 9/10, TBĐ 1B, xứ đồng Tư Điền; 443m2 tại thửa 3/67, TBĐ số 2, ứ đồng Đường Cụt; 367m2 tại thửa 1/52, TBĐ số 2, xứ đồng Hố Bom.

Theo biên bản giao đất số 66 năm 1993, gia đình bà U có 4 nhân khẩu được giao tổng 1.591m2đất nông nghiệp gồm bà Phạm Thị U, anh Lê Thanh T, anh Lê Thanh B, chị Lê Thị Thanh L. Toàn bộ diện tích đất gia đình bà U được giao là đất trong đồng, cụ thể là:216m2 tại thửa 311/4, TBĐ 3B, xứ đồng Vạc 1; 259m2 tại thửa 104/3, TBĐ 3B, xứ đồng Sòi 1; 853m2 tại thửa 46/8, TBĐ 4A, xứ đồng sông Bống 4; 263m2 tại thửa 1/4, TBĐ 4A, xứ đồng Đồng Ngoài

Năm 1995 hộ gia đình cụ L, hộ gia đình bà U được cấp GCNQSD đất, diện tích theo các biên bản chốt giao đất nêu trên.

2. 1. Tại cấp sơ thẩm cụ L, cụ O, ông Phạm Ngọc H, ông Phạm Văn H trình bầy: năm 1987- 1988 gia đình cụ L có 8 khẩu được chia ruộng gồm cụ L, cụ O, 2 vợ chồng ông H, 02 con ông Phạm Ngọc H, ông Phạm Văn H, bà Phạm Thị H, bà Phạm Thị Y được chia 5,8 sào (bằng 2.088m2) ruộng bãi tương đương với tiêu chuẩn của 7 lao động. Ông Phạm Ngọc H kết hôn với bà V tháng 10 năm 1988, hai con của ông H là Phạm Anh V và Phạm Ánh Q đều sinh năm 1990. Do đó có căn cứ xác định tại thời điểm lập hồ sơ giao ruộng năm 1987 bà Vui chưa kết hôn với ông H; anh V, chị Q sinh sau thời điểm giao ruộng nên năm 1988 không được chia ruộng bãi cùng gia đình cụ L; Thời điểm đó ông Phạm

Văn H và bà Y chưa đủ 18 tuổi được tính bằng một lao động trưởng thành nên theo quy định gia đình cụ L được chia ruộng bãi theo tiêu chuẩn cho 5 lao động gồm 6 người là cụ L, cụ O, ông Phạm Ngọc H, ông Phạm Văn H, bà Y, bà Phạm Thị H.

Theo UBND xã D - huyện A cung cấp: Bà U, anh Lê Thanh B, anh Lê Thanh T thuộc đối tượng được chia ruộng bãi vào năm 1987; ôngNguyễn Văn Q nguyên là đội trưởng sản xuất (trực tiếp chia ruộng cho các hộ gia đình năm 1987) khẳng định có chia 1,7 sào ruộng bãi cho 02 lao động của hộ bà U; Lời khai của ông Chử Trọng B thể hiện: Tại thời điểm giao ruộng gia đình cụ L số khẩu gồm vợ chồng cụ L, ông Phạm Ngọc H, ông Phạm Văn H, bà Y và bà Phạm Thị H, do có nhân khẩu trong hộ lúc đó thành viên gần đủ 18 tuổi và theo nguyện vọng của gia đình xin thêm thành 1 lao động. Do đó tổng lao động của hộ cụ L là 5,5 lao động, gia đình bà U có 2 lao động được giao ruộng gồm bà U và 2 con chưa đủ 18 tuổi. Ông là người trực tiếp giao ruộng cho hộ cụ L và ghi cụ thể số lao động của từng hộ vào sổ ghi chép của cá nhân đã xuất trình cho Tòa án; ông Phạm Văn T - nguyên trưởng thôn C (từ năm 1989 đến năm 2001) cung cấp: khoảng năm 1991-1992 UBND xã thu một phần đất bãi đã chia cho các hộ gia đình ở xứ đồng Tư Điền để thí điểm trồng dâu nuôi tằm, hộ gia đình cụ L bị thu 4,5 miếng; hộ gia đình bà U bị thu 1,4 miếng để sử dụng vào dự án; sau đó xã sử dụng phần đất này nên các hộ bị xã thu đất không đủ đất được chia theo tiêu chuẩn năm 1988. Phần đất còn lại ở xứ đồng Tư Điền xã khuyến khích các gia đình còn đất ở đó trồng dâu nuôi tằm. Gia đình cụ L có trồng dâu nuôi tằm nhưng do diện tích hộ gia đình cụ L và bà U còn ít (gia đình cụ L sử dụng cả của gia đình Uyên) nên gia đình cụ L đổi đất cho các gia đình khác để lấy đất Tư Điền thành thửa có diện tích 2,23 sào.

Như vậy khi thí điểm trồng dâu nuôi tằm, đất bãi không chia thêm, không chia lại, sau khi bị thu hồi còn lại giữ nguyên như khi chia năm 1988. Do đó có cơ sở xác định: theo tiêu chuẩnđất ngoài bãi của hộ gia đình cụ L được giao có diện tích bằng: (8,5miếng x 36m2) x 5,5 lao động = 1.683m2; hộ gia đình bà U được giao (8,5miếng x 36m2) x 2 lao động = 612m2. Thực hiện thí điểm trồng dâu nuôi tằm hộ cụ L bị thu 4,5 miếng bằng 162m2 còn 1521m2, hộ bà U bị thu 1,4 miếng bằng 50,4m2 còn 561,6 m2

Theo GCNQSD đất nông nghiệp của hộ gia đình cụ L: Đất ngoài bãi của gia đình cụ L có tổng diện tích 2117m2, tương đương với diện tích của 7,5 lao động được chia đất bằng 2083m2. Diện tích đất có sự chênh lệch như vậy là do thời điểm đó việc đo đạc chỉ bằng căng dây, trừ bờ hoặc đất xấu; cách tính lao động theo nhân khẩu trên cơ sở số người sinh sống thực tế trong mỗi hộ, nếu con gái đi lấy chồng nhưng vẫn sống cùng bố mẹ thì vẫn được chia ruộng và họ vẫn là thành viên của hộ sản xuất (theo cung cấp của ông Trử Trọng Bình). Căn cứ tiêu chuẩn hộ gia đình cụ L chỉ được chia ruộng bãi cho 5,5 lao động,nhưng diện tích thực tế được giao theo GCNQSD đất nông nghiệp thừa diện tích của 02 lao động bằng 1,7 sào đúng bằng diện tích đất bãi theo tiêu chuẩn được chia của gia đình bà U. Trên thực tế có việc bà U đã đi lấy chồng nhưng vẫn sống cùng gia đình cụ L nên việc được chia đất bãi là có cơ sở. Thực trạng diễn ra tại địa phương trong thời điểm giao ruộng là nhận ruộng khoán phải nộp sản lượng nên nhiều hộ gia đình không đủ lao động để sản suất, không đảm bảo sản lượng cho nên có thể cho người khác làm để nộp sản lượng.Mặt khác, các thành viên trong gia đình cụ L khẳng định không sử dụng đất ruộng của gia đình nào khác; năm 2007 gia đình cụ L đã trả lại gia đình bà U diện tích đất trong đồngvà sau khi bà U khởi kiện cụ Lđã họp gia đình thống nhất chấp nhận cho lại bà U 1,2 sào đất bãi và 5 miếng đất ruộng Nương Cạn. Bởi vậy có căn cứ khẳng định hộ gia đình cụ L đang sử dụng diện tích đất bãi vượt quá tiêu chuẩn được chia, trong đó có561,6 m2đất bãi tiêu chuẩn của hộ gia đình bà U.

2.2. Về diện tích đất Nương Cạn: Năm 1993, UBND xã D giao đất nông nghiệp trong đồng và Nương Cạn cho các hộ gia đìnhtại địa phương.Thời điểm này, hộ cụ L có 08 nhân khẩu được giao đất nông nghiệp ở Nương Cạn gồm cụ L, cụ O, ông Phạm Ngọc H, bà V, anh V, chị Q, ông Phạm Văn H, bà Q; Hộ bà U có 4 khẩu gồm bà U, anh Lê Thanh T, anh Lê Thanh B, chị Lê Thị Thanh L mỗi khẩu được chia 1,4 miếng.

Theo cụ L, vì đất trong đồng gia đình cụ được giao không đủ diện tích của 8 khẩu nên được giao thêm đất ở Nương Cạn. Ông Phạm Văn T là trưởng thôn thực hiện việc chia ruộng trong đồng cho các hộ gia đình năm 1993 cung cấp:đất Nương Cạn có giá trị kinh tế cao nên chỉ chia đúng chia đủ không chia thêm ruộng Nương Cạn cho gia đình nào và xác nhận có chia ruộng Nương Cạn cho gia đình bà U với 4 nhân khẩu được chia 5,6 miếng, đại diện hộ gia đình cụ L nhận hộ gia đình bà U diện tích đất này.

Năm 1993, các thành viên trong gia đình cụ L kể cả các con của ông H sinh năm 1990 đều được chia ruộng trong đồng và Nương Cạn. Bà U và các con của bà đều được chia ruộng trong đồng, nên việc bà U và các con chỉ được chia ruộng trong đồng, không được chia Nương Cạn trong khi đất ở Nương Cạn có giá trị kinh tế cao hơn là không phù hợp.

Theo GCNQSD đất nông nghiệpcủa gia đình cụ L: Đất ở Nương Cạn gồm các thửa có diện tích như sau: Thửa 325/1 diện tích 383m2; Thửa 167/5 diện tích222m2, tổng diện tích 605m2 tương đương với 12 xuất, thừa 4 xuất bằng 201m2 đúng bằng tiêu chuẩn đất Nương Cạn của 4 mẹ con bà U. Đồng thời UBND xã Dcung cấp: diện tích đất ruộng Nương Cạn của gia đình bà U được chia nằm trong GCNQSD đất của gia đình cụ L quản lý (BL 38, 39, 106, 107).

Như vậy có căn cứ khẳng định hộ gia đình cụ L đang sử dụng diện tích đất ở Nương cạn vượt quá tiêu chuẩn được giao, hộ gia đình bà U có được giao đất ở Nương Cạn theo tiêu chuẩn và diện tích đất Nương Cạn của hộ bà U được chia nằm trong diện tích đất Nương Cạn hộ cụ L đang sử dụng.Do thửa đất 167/5 tờ bản đồ 3C đã bị thu hồi 45m2, phần diện tích đất còn lại là 177m2.. Tiền đền bù hỗ trợ đối với diện tích đất 24 m2của hộ bà U bị thu hồi,cụ O đã nhận và sử dụng, nay bà U tự nguyện không yêu cầu cụ O phải trả bà số tiền này nên không đặt ra xem xét. Bà U tự nguyện yêu cầu hộ cụ O phải trả lại bà phần diện tích đất còn lại là 177m2.

2.3. Căn cứ ruộng chia khoán năm 1988; đất Nương Cạn chia năm 1993, khi giao đất, đại diện hộ gia đình cụ L nhận đất thay hộ gia đình bà U và sau đó sử dụng. Đến cuối năm 1993 địa phương chốt biên bản giao đất nông nghiệp cho các hộ gia đình để cấp GCNQSD đấtvì vậy đã xảy ra việc đất Nương Cạn và đất bãi của gia đình bà U được chia đã kê khai vào trong biên bản giao đất nông nghiệp của hộ cụ L. Khi cấpGCNQSD đất do cán bộ phụ trách chỉ căn cứ vào sổ sản lượng của đội sản xuất dẫn đến việc hộ bà U có được giao đất bãi, đất Nương Cạn nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Từ những phân tích và nhận định nêu trên, có căn cứ xác định: Năm 1988, gia đình bà U được giao 1,7 sào đất bãi, năm 1993 gia đình bà U được giao 5,6 miếng đất ở Nương cạn. Năm 1991-1992 UBND xã thu một phần đất bãi đã chia cho các hộ gia đình ở xứ đồng Tư Điền để thí điểm trồng dâu nuôi tằm, hộ gia đình bà U bị thu 1,4 miếng còn lại 561,6 m2. Gia đình cụ O, ông Phạm Ngọc H đang sử dụng diện tích đất ruộng bãi và đất ở Nương Cạn của gia đình bà U, nên yêu cầu khởi kiện của bà U buộc gia đình cụ L trả gia đình bà 1,7 sào (612m2) đất bãi ở xứ đồng Nương Đỗ và 5,6 miếng (201m2) đất ở xứ đồng Nương Cạn được chấp nhận 1 phần. Do diện tích đất nông nghiệp có tranh chấp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tháng 12 năm 1995 nên cần áp dụng Luật đất đai năm 1993 để giải quyết. Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng quy định của Luật đất đai năm 2013 là chưa phù hợp. Tòa án cấp phúc thẩm sẽ sửa bản án để đảm bảo sự áp dụng thống nhất pháp luật.

Do kháng cáo của ông Phạm Ngọc H được chấp nhận một phần nên ông H không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, khoản 1 Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự. Chấp nhận một phần kháng cáo củaông Phạm Ngọc H, sửa bản án sơ thẩm.

Căn cứ Điều 20, Điều 42, Điều 73 Luật đất đai 1993; Điều 179 Luật đất đai 2013; Điều 164, điều 166, điều 274, điều 275 Bộ luật dân sự 2015.

Chấp nhận yêu cầu đòi quyền sử dụng đất nông nghiệp của bà Phạm Thị U.

Buộc hộ gia đình cụ Chử Thị O, ông Phạm Ngọc H phải trả lại hộ gia đình bà Phạm Thị U561,6m2 đất nông nghiệp trồng cây hàng năm ở xứ đồng Nương

Đỗ và 177m2 đất nông nghiệp trồng cây hàng năm tại thửa đất số 167/5 tờ bản đồ 3Cở Thản Đầu, địa chỉ tại thôn C, xã D, huyện A, tỉnh Hưng Yên (có sơ đồ kèm theo).

Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, hộ gia đình cụ O, ông Phạm Ngọc H phải di dời hết cây đang trồng trên đất để trả lại đất cho gia đình bà U sử dụng.

Các đương sự có trách nhiệm liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất được giao.

Về án phí:

- Án phí sơ thẩm: Cụ Chử Thị O, ông Phạm Ngọc H mỗi người phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Bà Phạm Thị U không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Hoàn trả bà U số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 2.000.000đồng theo biên lai thu số 015447 ngày 06/12/2011 của Chi cục THA dân sự huyện Văn Giang.

- Án phí phúc thẩm: Hoàn trả ông Phạm Ngọc H 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm ông H đã nộp theo biên lai thu số 015536 ngày 23/08/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Văn Giang.

Những quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không giải quyết, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, người được thi hành án và người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệuthi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

705
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 04/2018/DS-PT ngày 19/01/2018 về kiện đòi quyền sử dụng đất nông nghiệp

Số hiệu:04/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hưng Yên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 19/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;