Bản án 03/2020/DS-ST ngày 18/02/2020 về tranh chấp thừa kế tài sản 

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 03/2020/DS-ST NGÀY 18/02/2020 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN 

Trong các ngày từ ngày 14 đến ngày 18 tháng 02 năm 2020, tại tru sơ Toa an nhân dân thành phố Hai Phongxét xử sơ thẩm công khaivụ án thụ lý số 46/2018/TLST-DS ngày 17 tháng 12 năm 2018 về tranh chấp thừa kế tài sản theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 5174/2019/QĐXXST-DS ngày 1 7tháng 12 năm 2019 và Thông báo về thời gian mở phiên tòa số 166/TB-TA ngày 30 tháng 01 năm 2020, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Cụ Đặng Thị A; sinh năm 1934; nơi ĐKHKTT: Số 216 (cũ số 10 B5 Ngõ 183) đường B, phường C, quận D, thành phố Hải Phòng; nơi tạm trú: Thôn E, xã G, huyện H, thành phố Hải Phòng; có mặt khi xét xử, vắng mặt khi tuyên án.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn:Bà Nguyễn Kim I - Luật sư thuộc Công ty TNHH MTV Kthuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; có mặt;

- Bị đơn:Ông Nguyễn Ngọc L, sinh năm 1959; nơi ĐKHKTT: Số 218 đường Nguyễn Đức B, quận D, thành phố Hải Phòng; nơi tạm trú: Tổ 2 Thôn E, xã G, huyện H, thành phố Hải Phòng; vắng mặt (không có lý do);

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1956; nơi cư trú: Số 42/224 đường B, phường C, quận D, thành phố Hải Phòng;có mặt;

2. Ông Nguyễn Quý M, sinh năm 1961; nơi cư trú: Cộng hòa Liên bang Đức; vng mặt (đề nghị xét xử vắng mặt);

3. Bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1963; nơi cư trú: Số 212 đường O, phường P, quận Q, thành phố Hà Nội; có mặt;

4. Ông Nguyễn Văn R, sinh năm 1965; nơi cư trú: Số 54/1 S, phường T, quận U, thành phố Hồ Chí Minh; có mặtkhi xét xử, vắng mặt khi tuyên án.

5. Ông Nguyễn Thế V, sinh năm 1968; nơi cư trú: Số 216 (cũ số 10 B5 Ngõ 183) đường B,phường C, quận D, thành phố Hải Phòng; nơi tạm trú: Thôn E, xã G, huyện H, thành phố Hải Phòng, có mặt;

6. Bà Nguyễn Thị Lệ A’,sinh năm 1970; nơi cư trú: Số 16/266 B’, phường C’, quận D, thành phố Hải Phòng; có mặt;

7. Ông Nguyễn Tất D’, sinh năm 1973; nơi ĐKHKTT: Số 216 (cũ số 10 B5 Ngõ 183) đường B,phường C, quận D, thành phố Hải Phòng; nơi tạm trú: Số 14 đường E’Khu G’, phường H’, quận I’, thành phố Hồ Chí Minh; vắng mặt (đề nghị xét xử vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày04/8/2018, Đơn khởi kiện bổ sung nộp ngày 16/10/2018và quá trình giải quyết tại Tòa án sơ thẩm, nguyên đơn là cụ Đặng Thị A trình bày:

Cụ A và cụ X có quan hệ là vợ chồng và sinh được 08 người con chung là bà Nguyễn Thị L, ông Nguyễn Ngọc L, ông Nguyễn Quý M, bà Nguyễn Thị N, ông Nguyễn Văn R, ông Nguyễn Thế V, bà Nguyễn Thị Lệ A’ và ông Nguyễn Tất D’. Vợ chồng cụ Akhông có con nuôi, con riêng. Cụ X chết ngày 18/10/2011, không để lại di chúc. Quá trình chung sống, vợ chồng cụ có hai căn nhà số 216 và 218 đường B, phường C, quận D, thành phố Hải Phòng (viết tắt là nhà số 216, nhà số 218 B). Khi cụ X còn sống, hai cụ đã thống nhất chia cho con trưởng là ông Nguyễn Ngọc L diện tích đất 32m2 và bán thêm cho ông L diện tích đất 20mcủa nhà số 218 đường B với giá 84.000.000 đồng nên vợ chồng ông L sử dụng ngôi nhà số 218 B. Vợ chồng cụ A sử dụng ngôi nhà 02 tầng số 216 đường B, phường C nằm trên diện tích đất 100m2 (đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và khoảng 17m2 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2016, Nhà nước đã thu hồi nhà số 216 B để xây dựng công viên cây xanh và đã bồi thường cho cụ A giá trị tài sản trên đất là 4.812.658.060 đồng và 02 suất tái định cư là Lô đất số 363, 364, mỗi lô đất có diện tích là 63m2 tọa lạc tại khu tái định cư 4,3ha phường Y, quận D, thành phố Hải Phòng (viết tắt là Lô đất số 363 và Lô đất 364). Cụ A đã cho ông V Lô đất số 364. Gia đìnhông L bị thu hồi nhà số 218 B cũng được Nhà nước bồi thường 02 suất tái định cư. Sau khi được tiền đền bù, cụ A đã sử dụng số tiền 2.000.000.000 đồng để mua nhà ở cùng vợ chồng ông Vtại Thôn E, xã G, huyện H, thành phố Hải Phòng; cho ông Vsố tiền 309.000.000 đồng.Cụ A đề nghị các con chung của cụ A với cụ X đến Văn phòng công chứng để làm thủ tục khai nhận thừa kế phần di sản của cụ X nhưng ông L không đồng ý nên cụ A chưa làm được thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng Lô đất số 363.Do vậy,cụ A khởi kiện đề nghị Tòa án phân chia di sản thừa kế đối vớiphần di sản thừa kế của cụ X là ½ giá trị Lô đất tái định cư số 363 và ½ số tiền 4.500.000.000 đồng theo quy định của pháp luật (vì đã cho ông V số tiền 309.000.000 đồng). Cụ A có nguyện vọng được đứng tên quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất của Lô đất số 363 và có trách nhiệm trả bằng giá trị cho các đồng thừa kế khác.

Quá trình giải quyết vụ án, bị đơn - ông Nguyễn Ngọc L không hợp tác, từ chối nhận tất cả các văn bản tố tụng do Tòa án tống đạt hợp lệ, không có quan điểm đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Ngày 31/12/2019, khi tống đạt cho ông L Quyết định đưa vụ án ra xét xử và thông báo kết quả việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ thì ông L từ chối nhận và ghi vào Biên bản tống đạt nội dung:“Tôi không có bổn phận nhận tài liệu này”; khi tống đạt Quyết định hoãn phiên tòa thì ông L đã nhận văn bản nhưng không ký tên tại biên bản tống đạt.

Tại bản tự khai ngày 19/12/2018 và các văn bản khác bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị N, ông Nguyễn Văn R, bà Nguyễn Thị Lệ A’, ông Nguyễn Tất D’ thống nhất trình bày:

Các ông, bà là con chung của cụ X và cụ A. Cụ X chết năm 2011, không để lại di chúc. Các ông, bà nêu trên thống nhất với lời trình bày của cụ A về mối quan hệ huyết thống trong gia đình; tài sản chung của cụ A, cụ X; thống nhất về việc khi cụ X còn sống thì hai cụ đã thống nhất cùng các con chung vừa cho, vừa bán cho ông L diện tích đất để ông L được quyền sử dụng đất ngôi nhà số 218 đường B, còn cụ A, cụ X sử dụng nhà số 216 đường B. Việc Nhà nước thu hồi và bồi thường cho cụ A số tiền và 02 suất tái định cư đúng như cụ A đã trình bày. Nay cụ A khởi kiện yêu cầu chia phần di sản thừa kế của cụ X, bà L, bà N, bà A’, ông R, ông D’ đều nhất trí với nguyện vọng của cụ A.

Do ông D’ hiện đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh, không thể có mặt tại phiên tòa nên có đơn đề nghị Tòa án xét xử vụ án vắng mặt.

Tại văn bản ngày 29/01/2019, ông Nguyễn Quý M trình bày:

Ông M thống nhất với lời khai của bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị N, ông Nguyễn Văn R, bà Nguyễn Thị Lệ A’, ông Nguyễn Tất D’ về quan hệ huyết thống, di sản thừa kế của cụ X và quan điểm đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Do ông M hiện đang sinh sống tại Cộng hòa Liên bang Đức, không thể có mặt trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án nên đề nghị Tòa án giải quyết, xét xử vụ án vắng mặt ông M. Phần di sản thừa kế của ông M được hưởng đề nghị Tòa án giao cho cụ A quản lý.

Tại bản tự khai ngày 19/12/2018 và các văn bản khác, ông Nguyễn Thế V trình bày:

Ông V thống nhất với lời khai của bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị N, ông Nguyễn Văn R, bà Nguyễn Thị Lệ A’, ông Nguyễn Tất D’, ông Nguyễn Quý M về: Quan hệ huyết thống; tài sản chung củacụ A và cụ X; việc cụ A và cụ X vừa cho và vừa bán cho ông L diện tích đất tại nhà số 218 B. Khi Nhà nước thu hồi nhà số 216 B đã bồi thường cho cụ A số tiền 4.812.658.060 đồng và 02 suất tái định cư là Lô đất số 363 và Lô đất 364. Do vợ chồng ông V chung sống cùng cụ A và đăng ký hộ khẩu thường trú tại số 216 B,được xác định là hộ phụ thuộc nên được cấp một suất đất tái định cư có diện tích là 40m2, gia đình ông V đã phải trả tiền mua thêm diện tích đất 23m2 để được quyền sử dụng lô đất số 364. Hiện Ủy ban nhân dân quận D, thành phố Hải Phòng đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Thế V và vợ là bà Phạm Thị K’ được quyền sử dụng diện tích đất 63m2Lô đất số 364 Khu tái định cư 4,3ha, phường Y, quận D, thành phố Hải Phòng. Sau khi nhận tiền bồi thường thì cụ A đã đưa cho ông V số tiền 309.000.000 đồng. Thực tế, ông V đã phải nộp số tiền cho phần diện tích đất giao ngoài định mức và các chi phí khác để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng số tiền là 373.591.000 đồng. Việc vợ chồng ông V đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất số 364 và số tiền cụ A đã đưa 309.000.000 đồng,các anh chị em trong gia đình đều biết và không có ý kiến gì. Không ai có tranh chấp về tài sản này, vì vậy ông V và vợ ông V làPhạm Thị K’ đều đề nghị Tòa án không đưa bà K’ vào tham gia tố tụng trong vụ án.Nay cụ A khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ X, ông V nhất trí với yêu cầu, nguyện vọng của cụ A; ông V tự nguyện đồng ý nhường lại phần thừa kế được hưởng cho cụ A.

Ngoài ra, ông V trình bày lý do mà ông L đã không hợp tác là vì đã không hài lòng khi cụ A nói rằng ông L đã được Nhà nước đền bù 02 suất tái định cư và khoản tiền nhất định khi thu hồi nhà số 218 B nên phần di sản của cụ X chỉ để phân chia cho những người con chung khác của cụ X và cụ A.

Tại phiên tòa:

Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và tự nguyện nộp chi phí thẩm định giá tài sản. Nguyên đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị N, ông Nguyễn Thế V, bà Nguyễn Thị Lệ A’ giữ nguyên nội dung và quan điểm đã trình bàytại các văn bản trong quá trình giải quyết vụ án và tự nguyện nhường lại phần thừa kế được hưởng chocụ A.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Thế Luân giữ nguyên lời trình bày và quan điểm đã nêu trong quá trình giải quyết vụ án; đề nghị được hưởng phần thừa kế theo quy định của pháp luật.

Đi diện Viện Kiểm sát phát biểu ý kiến:

Về thủ tục tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Nguyên đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự. Bị đơn, ông L không chấp hành đúng quyền và nghĩa vụ quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về việc giải quyết vụ án:Có căn cứ để xác định di sản thừa kế của cụ X để lại là ½ giá trị Lô đất số 363 và ½ số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng; tổng giá trị di sản thừa kế của cụ X là: 3.314.610.530 đồng; mỗi suất thừa kế theo luật là: 368.290.058 đồng; cần chấp nhận nguyện vọng của cụ A được quyền sử dụng Lô đất 363 và có nghĩa vụ trả theo kỷ phần cho những người được hưởng di sản thừa kế của cụ X; chấp nhận nguyện vọng của bà L, bà N,ông V và bà A’ nhường lại suất thừa kế của họ cho cụ A.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

- Về tố tụng:

[1] Quan hệ tranh chấp của vụ án về thừa kế tài sản quy định tại khoản 5 Điều 26, khoản 3 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 37 của Bộ luật Tố tụng dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.

[2] Tại phiên tòa, ông Nguyễn Tất D’vắng mặt và đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt. Đề nghị này phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự nên Hội đồng xét xử chấp nhận và xét xử vụ án vắng mặtông D’.Ông Nguyễn Quý M hiện đang cư trú tại Cộng hòa Liên bang Đức, đã có quan điểm về vụ án, đề nghị xét xử vắng mặt nên xét xử vắng mặt ông M theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 477 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[3] Ông Nguyễn Ngọc L vắng mặt không có lý do mặc dù đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai nên căn cứ điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự tiến hành xét xử vắng mặt ông Nguyễn Ngọc L.

[4] Về pháp luật áp dụng: CụNguyễn Quý Xchết ngày 18 tháng 10 năm 2011, nay có yêu cầu về chia di sản thừa kế thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 (Bộ luật Dân sự năm 2005) để giải quyết - quy định tại điểm c khoản 1 Điều 688 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

- Về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

[5] Về thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế: Cụ Nguyễn Quý X chết năm 2011 nên theo quy định tại khoản 1 Điều 623 của Bộ luật Dân sự năm 2015 còn thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế.

[6] Về quan hệ thừa kế: Cụ Nguyễn Quý X và cụ Đặng Thị A có quan hệ là vợ chồng. Cụ X và cụ A sinh được 08 người con là bàNguyễn Thị L, ông Nguyễn Ngọc L, ông Nguyễn Quý M, bà Nguyễn Thị N, ông Nguyễn Văn R, ông Nguyễn Thế V, bà Nguyễn Thị Lệ A’ và ông Nguyễn Tất D’. Cụ X, cụ A không có con riêng, con nuôi. Cụ X chết không để lại di chúc nên yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế của cụ X được phân chia theo pháp luật cho hàng thừa kế thứ nhất bao gồm cụ A và 08 người con chung của cụ A và cụ X-Điều 635, Điểm a khoản 1 Điều 676 của Bộ luật Dân sự năm 2005.

[7] Qua lời khai của các đương sự và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ xác định được: Quá trình chung sống cụ X, cụ Acó tạo dựng được tài sản chung là đất và nhà tại số 216 đường B (đã được Sở Xây dựng thành phố Hải Phòng cấp Giấy chứng nhận cho cụ Đặng Thị A và ông Nguyễn Quý X). Ngày 21/4/2017 Ủy ban nhân dân quận D đã có Quyết định số 970/QĐ-UBND; Quyết định thu hồi đất bổ sung số 1819/QĐ-UBND ngày 22/6/2017 về việc thu hồi đất của hộ gia đình cụ Đặng Thị A để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Công viên cây xanh từ bến xe Tam Bạc đến chân cầu đường bộ Tam Bạc tại phường C, quận D. Hộ gia đình cụ Acó 06 khẩu và 02 cặp vợ chồng nên đã được nhận lô đất số 363 tái định cư theo diện hộ chính và lô đất 364 tái định cư theo diện hộ phụ. Tổng số tiền bồi thường hỗ trợ đất đai, vật kiến trúc, cây cối hoa màu khi Nhà nước thu hồi đất của hộ bà A là 4.812.658.060 đồng. Như vậy, có căn cứ để xác định, cụ A và cụ X có khối tài sản chung là Lô đất tái định cư số 363 và số tiền 4.812.658.060 đồng.

[8]Tuy nhiên, trong số tiền 4.812.658.060 đồng, hộ gia đình ông V được bồi thường, hỗ trợ là 387.189.590 đồng (ông V đề nghị lấy tròn là 387.000.000 đồng); các đồng thừa kế khác nhất trí với lời trình bày của ông V nên cần phải trừ đi số tiền này trong tổng số tiền Nhà nước bồi thường khi thu hồi nhà số 216 B là: 4.812.658.060 đồng - 387.000.000 đồng= 4.425.658.060 đồng (1). Theo Chứng thư thẩm định giá số V19010142/CT-TĐG ngày 11/11/2019 của Công ty Cổ phần Thẩm định và Công nghệ L’ thì Lô đất tái định cư số 363 có trị giá: 2.550.000.000 đồng. Tuy nhiên, để chính thức được nhận Lô đất số 363 thì người sử dụng đất hợp pháp phải nộp số tiền là: 5.499.000 đồng/m2(Thông báo số 700/TB-UBND ngày 22/8/2017 của Ủy ban nhân dân quận D về việc nhận lô đất số 363). Tổng số tiền phải nộp để được sử dụng Lô đất số 363 là: 346.437.000 đồng (Theo Công văn số 3791/UBND-ĐC2 ngày 29/6/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư tại phường Y, quận D), nên cần trừ đi số tiền này; trị giá Lô đất 363 là: 2.550.000.000 đồng - 346.437.000 đồng = 2.203.563.000 đồng (2). Tài sản chung của cụ A và cụ X là: (1)+(2)= 6.629.221.060 đồng. Di sản thừa kế của cụ X để lại là: 6.629.221.060 đồng : 2 = 3.314.610.530 đồng.Cụ A và các đồng thừa kế của cụ X đều xác nhận, cụ X chết không để lại di chúc nên nay có yêu cầu thì di sản thừa kế của cụ X sẽ được chia theo pháp luật. Cụ thể: 3.314.610.530 đồng : 9 = 368.290.058 đồng. Như vậy, mỗi người thừa kế được hưởng di sản thừa kế của cụ X là: 368.290.058 đồng.Phần tài sản cụ A được hưởng trong khối tài sản chung vợ chồng là: 3.314.610.530 đồng. Bà L, bà N, bà A’ và ông V tự nguyện nhường lại phần thừa kế được hưởng cho cụ A nên tổng giá trị phần di sản thừa kếcụ A được hưởng là: 1.841.450.290 đồng. Xét nguyện vọng của cụ Ađược quyền sử dụng diện tích lô đất tái định cư 363 và có trách nhiệm trả cho các đồng thừa kế khác bằng giá trị là phù hợp với mong muốn của 07 đồng thừa kế là bà L, ông M, bà N, ông R, ông V, bà A’, ông D’ và phù hợp với quy định tại các Điều 219, Điều 635, Điều 674, Điều 675 của Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 167 của Luật Đất đainên chấp nhận, giao cho cụ A được quyền sử dụng Lô đất số 363. Cụ Acó nghĩa vụ hoàn trả cho ông L, ông M, ông R, ông D’ mỗi ngườisố tiền là 368.290.058 đồng. Phần di sản thừa kế ông M được hưởng, ông Mđề nghị giao cho cụ A quản lý, cụ A đồng ý nên cần chấp nhận đề nghị này.

- Về án phí dân sự sơ thẩm và chi phí thẩm định giá tài sản:

[9]Cụ Đặng Thị A phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần tài sản được hưởng thừa kế và phần thừa kế của các đồng thừa kế là bà L, bà N, bà A’ và ông V nhường cho theo quy định của pháp luật - khoản 3 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14. Tuy nhiên, cụ A thuộc trường hợp người cao tuổi, có đơn xin miễn tạm ứng án phí, án phí nên được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí đối với phần di sản thừa kế cụ A được hưởng của cụ X - theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14; Điều 2 Luật Người cao tuổi. Ông Nguyễn Ngọc L là người cao tuổi nhưng không có đơn xin miễn án phí; quá trình tố tụng giải quyết vụ án không thực hiện nghĩa vụ của đương sự nên không miễn án phí cho ông Nguyễn Ngọc L. Ông L phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật. Ông Nguyễn Quý M, ông Nguyễn Văn R và ông Nguyễn Tất D’phải nộp án phí theo quy định của pháp luật - khoản 2 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm a khoản 7 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về chi phí định giá tài sản, cụ A tự nguyện chịu cả và đã nộp cho Công ty thẩm định giá - Công ty Cổ phần Thẩm định và Công nghệ L’( Điều 164, Điều 165 Bộ luật Tố tụng dân sự).

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các Điều 219, Điều 635, Điều 674, Điều 675, điểm a khoản 1 Điều 676 của Bộ luật Dân sự năm 2005;

Căn cứ vàokhoản 1 Điều 623, điểm c khoản 1 Điều 688 của Bộ luật Dân sự năm 2015;

Căn cứ vào Điều 167 của Luật Đất đai;

Căn cứ vàokhoản 2 Điều 147, Điều 164, Điều 165 của Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm a khoản 7 Điều 27, điểm đ khoản 1, khoản 3 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Điều 2 Luật Người cao tuổi.

Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

1. Phần giá trị tài sản cụ Đặng Thị A được hưởng trong khối tài sản chung của cụ Đặng Thị A và cụ Nguyễn Quý X là: 3.314.610.530 đồng. Cụ Đặng Thị A được hưởng phần di sản thừa kế của cụ Nguyễn Quý X để lại trị giá 368.290.058 đồng và 04 suất thừa kế của bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị N, bà Nguyễn Thị Lệ A’, ông Nguyễn Thế V, tổng cộng: 1.841.450.290 đồng. Giao cho cụ Đặng Thị A được quyền sử dụng Lô đất số 363 có diện tích 63m2ta lạc tại khu tái định cư 4,3haphường Y, quận D, thành phố Hải Phòngvà có nghĩa vụ hoàn trả cho các đồng thừa kế khác phần mà họ được hưởng thừa kế của cụ Nguyễn Quý X, cụ thể như sau:

- Cụ Đặng Thị A có nghĩa vụ hoàn trả cho ông Nguyễn Ngọc L, ông Nguyễn Quý M, ông Nguyễn Văn R và ôngNguyễn Tất D’mỗi người số tiền là 368.290.058 đồng(Ba trăm sáu mươi tám triệu hai trăm chín mươi nghìn không trăm năm mươi tám đồng).

- Cụ Đặng Thị A có trách nhiệm quản lý và giao lại cho ông Nguyễn Quý M phần di sản thừa kế ông Mđược hưởng của cụ Nguyễn Quý X.

Kể từ ngày ông Nguyễn Ngọc L, ông Nguyễn Quý M, ông Nguyễn Văn R và ông Nguyễn Tất D’có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong khoản tiền nêu trên, hàng tháng cụ Đặng Thị A còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền chưa thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Dân sự tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

2. Về án phí dân sự sơ thẩm và chi phí thẩm định giá tài sản:

- Cụ Đặng Thị A được miễn tiền án phí dân sự sơ thẩm đối suất di sản thừa kế được hưởng từ cụ Nguyễn Quý X.

- Cụ A phải chịu 56.194.806 đồng (Năm mươi sáu triệu một trăm chín mươi tư nghìn tám trăm linh sáu đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm do được củabà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị N, ông Nguyễn Thế V và bà Nguyễn Thị Lệ A’ tặng cho suất thừa kếhọ được hưởng của cụ Nguyễn Quý X.

- Bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị N, ông Nguyễn Thế V và bà Nguyễn Thị Lệ A’ không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

- Cụ Đặng Thị A tự nguyện chịu cả chi phí thẩm định giá tài sản. Cụ Đặng Thị A đã nộp đủ số tiền này.

- Ông Nguyễn Ngọc L, ông Nguyễn Quý M, ông Nguyễn Văn Rvà ông Nguyễn Tất D’mỗi người phải chịu 18.414.503 đồng (Mười tám triệu bốn trăm mười bốn nghìn năm trăm linh ba đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Trong thời hạn 15 ngày (Mười lăm ngày), kể từ ngày tuyên án, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị N, bà Nguyễn Thị Lệ A’ và ông Nguyễn Thế V đều có quyền kháng cáo lên Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

Trong thơi han 15 ngày (Mười lăm ngày) kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết cụ Đặng Thị A, ông Nguyễn Ngọc L, ông Nguyễn Văn R, ông Nguyễn Tất D’đều có quyền kháng cáo lên Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

Trong thơi han 01 tháng (Một tháng) kể từ ngày bản án được tống đạt hợp lệ, ông Nguyễn Quý M có quyền kháng cáo lên Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

293
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 03/2020/DS-ST ngày 18/02/2020 về tranh chấp thừa kế tài sản 

Số hiệu:03/2020/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đà Nẵng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 18/02/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;