Bản án 03/2020/DS-PT ngày 08/01/2020 về tranh chấp quyền sử dụng đất - ranh đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 03/2020/DS-PT NGÀY 08/01/2020 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT - RANH ĐẤT

Ngày 08 tháng 01 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 171/2019/TLPT-DS ngày 19 tháng 11 năm 2019, về việc tranh chấp quyền sử dụng đất về ranh đất.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 41/2019/DS-ST ngày 17 tháng 10 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Sóc Trăng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 256/2019/QĐ-PT ngày 05 tháng 12 năm 2019 và Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 206/2019/QĐPT-DS ngày 24 tháng 12 năm 2019, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà M. Địa chỉ: Ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà M: Bà M1, là Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Sóc Trăng. Địa chỉ: Số 197, đường Hùng Vương, phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)

2. Bị đơn:

2.1. Bà N. Địa chỉ: ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

2.2. Ông P. Địa chỉ: ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

2.3. Ông Q. Địa chỉ: ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

2.4. Ông O. Địa chỉ: ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà NLQ1. Địa chỉ: Ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

3.2. Bà NLQ2. Địa chỉ: Ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

3.3. Bà NLQ3. Địa chỉ: Ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

3.4. Ông NLQ4. Địa chỉ: Ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

3.5. Bà NLQ5. Địa chỉ: Ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

3.6. Ông NLQ6. Địa chỉ: Ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

3.7. Bà NLQ7. Địa chỉ: Ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

3.8. Bà NLQ8. Địa chỉ: ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

3.9. Ông NLQ9. Địa chỉ: ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

3.10. Ông NLQ10. Địa chỉ: ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

3.11. Ông NLQ11 (đã chết ngày 04/12/2017).

Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông NLQ11:

3.11.1. Ông NKT1. Địa chỉ: Ấp C1, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

3.11.2. Bà NKT2. Địa chỉ: Ấp C2, xã B1, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

3.11.3. Bà NKT3. Địa chỉ: Ấp C3, xã B1, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

3.11.4. Ông NKT4. Địa chỉ: Ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

3.11.5. Bà NKT5. Địa chỉ: Ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

3.11.6. Bà NKT6. Địa chỉ: Ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)

4. Người phiên dịch tiếng Khmer: Bà V, công tác tại Báo Sóc Trăng. (có mặt)

5. Người kháng cáo: Bà M là nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

- Theo đơn khởi kiện ngày 22/8/2016, đơn khởi kiện bổ sung ngày 21/3/2019 cũng như các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn bà M trình bày: Vào năm 1979, chồng bà M là ông NLQ11 có mua đất của ông S (ông NLQ11 và ông S đều đã chết) là một hầm cá vồ và hàng dừa, diện tích 18 tầm đất với giá 150.000 đồng, khi mua không đo đạc cụ thể, khi mua đất có làm giấy viết tay, hiện chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến năm 1990, Ủy ban nhân dân huyện A có đo đạc lại diện tích đất đại trà cho toàn vùng xác định diện tích đất 18 tầm nêu trên tương đương với 1.050m2, diện tích 18 tầm đất này nối tiếp với thửa đất 713 của bà M, tờ bản đồ số 9, tọa lạc ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng, là phần đất bà M sử dụng giáp với phần tranh chấp với bà N. Gia đình bà M sử dụng ổn định 18 tầm đất đến năm 1996 bị ông O tự ý lấn chiếm một phần diện tích ngang 10m, dài 42m. Đến năm 2002, bị ông Q tự ý lấn chiếm một phần diện tích ngang 05m, dài 15m và bị ông P tự ý lấn chiếm một phần diện tích để làm đường thoát nước ngang 02m, dài 05m. Phần đất ông O, ông Q, ông P lấn chiếm nằm trong diện tích 18 tầm của gia đình bà M. Ông O, ông Q, ông P cho rằng không lấn chiếm mà là do bà N chuyển nhượng lại.

Nay bà M yêu cầu Tòa án giải quyết như sau:

- Công nhận phần đất do ông O, ông Q, ông P lấn chiếm (do bà N chuyển nhượng) là đất của bà M.

- Yêu cầu ông O, ông P, ông Q, bà N trả lại đất lấn chiếm cho bà M, cụ thể:

+ Yêu cầu ông O trả đất lấn chiếm ngang 10m, dài 42m, vị trí nối tiếp thửa 713, tờ bản đồ số 9, tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng.

+ Yêu cầu ông Q trả lại đất lấn chiếm ngang 05m, dài 15m, vị trí nối tiếp thửa 713, tờ bản đồ số 9, tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng.

+ Yêu cầu ông P trả lại đất lấn chiếm ngang 02m, dài 05m, vị trí nối tiếp thửa 713, tờ bản đồ số 9, tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng.

+ Buộc bà N trả cho bà 545m2 là phần đất còn lại trong 1.050m2 theo bằng khoán của bà tại thửa 713, tờ bản đồ số 9, tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng.

- Theo các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn ông P trình bày: Ông P có một miếng đất thổ cư chiều dài 35m đã cất nhà ở từ trước năm 1975 đến nay, không có tranh chấp. Cạnh hướng đông giáp với phần đất thổ cư của ông P trước đây là đất của ông S (đã chết). Lúc ông S còn sống có chuyển nhượng cho bà M một hầm cá vồ và hàng dừa là 08 tầm đất, bà M cho rằng miếng đất của bà M diện tích 1.050m2 là không đúng. Phần đất của ông P đang sử dụng chưa đăng ký quyền sử dụng đất, không biết thửa số mấy, giáp với phần đất của bà NLQ8 và giáp với phần đất của ông S đã bán cho bà M đang sử dụng hiện nay, không biết có liên quan đến thửa 712 của bà NLQ8 hay không. Từ trước đến nay ông P và bà NLQ8 sử dụng đất ổn định có hàng rào, các trụ cột bê tông do bà M cặm, giữa ông P và bà NLQ8 không có tranh chấp. Nay bà M cho rằng ông P chiếm đất của bà M phần diện tích để làm đường thoát nước ngang 02m, dài 05m không đúng sự thật, ông P không có chiếm đất của bà M.

- Theo các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn Q trình bày: Ông Q có một miếng đất thổ cư tính từ nhà trước chạy dài về sau giáp ranh với con mương chiều dài 50m. Ông Q đã ở trên đất này từ trước năm 1975 đến nay và cất nhà ở, làm chuồng bò, chuồng heo, không có tranh chấp. Cạnh hướng đông giáp với phần đất của ông trước đây là đất của ông S (đã chết). Lúc ông S còn sống có chuyển nhượng cho bà M một hầm cá vồ và hàng dừa là 08 tầm đất, bà M cho rằng miếng đất của bà M diện tích 1.050m2 là không đúng. Nay bà M cho rằng ông Q chiếm đất của bà M một phần diện tích ngang 05m, dài 15m không đúng sự thật, ông Q không có chiếm đất của bà M.

- Theo các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn bà N trình bày: Theo bà M khởi kiện cho rằng phần đất bà M đang tranh chấp do bà N chuyển nhượng cho ông O, ông Q, ông P là không đúng. Bà N không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà M vì bà N không có chuyển nhượng đất cho ông O, ông Q và ông P. Phần đất tranh chấp phía sau giữa bà N với bà M thì trước đây là kênh do chính quyền chế độ cũ đào, là đường mương ấp chiến lược sử dụng để vận chuyển lúa, phần đất này do bà N sử dụng từ đó đến nay, sau khi bồi đắp thành đất liền thuộc thửa 711 của bà N giáp với phần đất của bà M nhận chuyển nhượng của ông S, phần đất bà M nhận chuyển nhượng của ông S có hàng dừa làm ranh với thửa đất 711 của bà N. Các cây trồng trên phần đất bà M tranh chấp với bà N thì có cây còng do bà N trồng, còn các cây bình bát là tự mọc.

- Đối với bị đơn ông O: Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án đã cấp, tống đạt hợp lệ thông báo thụ lý vụ án và các văn bản tố tụng cho ông O theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, nhưng ông O không gửi ý kiến bằng văn bản cho Toà án biết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, ông O cũng không đến Toà án để tham gia phiên họp về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

- Theo các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà NLQ8 trình bày: Phần đất bà NLQ8 đang sử dụng giáp với đất của bà M, ông Q và ông P. Phần đất của bà NLQ8 thuộc thửa 712 có nguồn gốc là của cha chồng bà NLQ8 là ông R (đã chết) từ năm 1962, bà NLQ8 ở trên đất này đến nay chưa đăng ký quyền sử dụng đất, bà NLQ8 cũng không biết vì sao các phần đất tranh chấp giữa bà M, ông Q và ông P lại liên quan đến thửa 712 của bà NLQ8. Do phía sau thửa 712 có 01 cái mương hình chữ L, giáp qua đất của ông P và ông Q đi thẳng theo con rạch giáp xuống giáp thửa 711 của bà N nên mới liên quan đến thửa 712 của bà NLQ8. Tuy nhiên, thửa 712 của bà NLQ8 với đất của bà M, ông P, ông Q đã có hàng rào làm ranh cố định, không có tranh chấp, các cột bê tông cặm ranh là do bà M cặm. Bà NLQ8 không có tranh chấp gì với bà M, ông P và ông Q, bà NLQ8 cũng không có yêu cầu gì.

- Theo các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà NLQ1 trình bày: Phần đất của vợ chồng bà NLQ1 và ông Q sử dụng trước đây mua của người khác, giáp với phần đất của ông R (cha chồng bà NLQ8), bà NLQ1 và ông Q chưa đăng ký quyền sử dụng đất, không biết thửa số mấy, không biết có liên quan đến thửa 712 của bà NLQ8 hay không. Từ trước đến nay gia đình bà NLQ1 sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp, có hàng rào ngăn cách và có các trụ bê tông cặm làm ranh thì do bà M tự cặm.

Sự việc được Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Sóc Trăng thụ lý, giải quyết. Tại bản án dân sự sơ thẩm số 41/2019/DS-ST ngày 17 tháng 10 năm 2019 đã quyết định căn cứ khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, khoản 2 Điều 158, Điều 271, khoản 1 và 3 Điều 273, Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; khoản 1 và 3 Điều 27 Pháp lệnh số 10/2009/PL-UBTVQH12 ngày 27/02/2009; điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 1 Điều 48 Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Điều 203 Luật Đất đai năm 2013.

Tuyên xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà M, về việc: Yêu cầu ông O trả đất lấn chiếm ngang 10m, dài 42m; Yêu cầu ông Q trả lại đất lấn chiếm ngang 05m, dài 15m; Yêu cầu ông P trả lại đất lấn chiếm ngang 02m, dài 05m thuộc vị trí nối tiếp thửa 713, tờ bản đồ số 9, tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng và yêu cầu buộc bà N trả cho bà 545m2 (diện tích theo đo đạc thực tế 280,10m2) là phần đất còn lại trong 1.050m2 theo bằng khoán của bà tại thửa 713, tờ bản đồ số 9, tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng. Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên chi phí thẩm định, định giá; án phí dân sự sơ thẩm và thông báo quyền kháng cáo cho các đương sự theo luật định.

Ngày 28/10/2019, nguyên đơn bà M kháng cáo bản án sơ thẩm nêu trên, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết xem xét lại toàn bộ vụ án vì bản án sơ thẩm tuyên chưa xem xét tất cả hồ sơ, bằng khoán do bà M cung cấp.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn bà M không rút lại đơn khởi kiện và vẫn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo; Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày tranh luận và đề nghị Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa để đo đạc, thẩm định lại phần đất tranh chấp vì kết quả thẩm định của Tòa án cấp sơ thẩm là chưa chính xác nên từ đó không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là chưa đủ căn cứ; trường hợp không đo đạc, thẩm định lại phần đất tranh chấp thì đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận đơn kháng cáo của nguyên đơn, căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Đại diện VKSND tỉnh Sóc Trăng phát biểu ý kiến về việc tuân thủ và chấp hành pháp luật tố tụng của những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm. Về nội dung vụ án, Đại diện VKSND tỉnh Sóc Trăng phát biểu quan điểm về tính có căn cứ và hợp pháp của kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận đơn kháng cáo của nguyên đơn, căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra các chứng cứ tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng, ý kiến phát biểu và đề nghị của Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng, Hội đồng xét xử nhận định:

Về tố tụng: [1] Người kháng cáo; nội dung và hình thức đơn kháng cáo; thời hạn kháng cáo là đúng theo quy định tại các Điều 271, 272, 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nên kháng cáo của nguyên đơn bà M là hợp lệ và đúng luật định.

[2] Tại phiên tòa hôm nay, các bị đơn là bà N, ông P, ông Q, ông O; những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà NLQ1, bà NLQ2, bà NLQ3, ông NLQ4, bà Bà NLQ5, ông NLQ6, bà NLQ7, bà Bà NLQ8, ông NLQ9, ông NLQ10; những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông NLQ11 là ông NKT1, bà NKT2, bà NKT3, ông NKT4, bà NKT5, bà NKT6 đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai để tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt không lý do; việc vắng mặt của họ cũng không ảnh hưởng đến việc xét xử. Do vậy, Hội đồng xét xử căn cứ khoản 3 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, tiến hành xét xử vụ án.

[3] Nguyên đơn bà M và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa để đo đạc, thẩm định lại phần đất tranh chấp. Xét thấy, Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành thẩm định phần đất tranh chấp rất nhiều lần và theo nội dung đơn kháng cáo nguyên đơn bà M cũng không có đưa ra yêu cầu thẩm định lại phần đất tranh chấp, nên đề nghị này của nguyên đơn bà M và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là không có căn cứ để Hội đồng xét xử chấp nhận.

Về nội dung :

[1] Các phần đất tranh chấp trong vụ án giữa bà M với bà N, ông P và ông Q nằm ở vị trí tiếp giáp với thửa đất số 713, tờ bản đồ số 09, tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng do bà M đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân huyện A cấp ngày 05/3/1992 với diện tích là 1.050m2. Bà M cho rằng nằm tiếp giáp với thửa đất số 713 có một phần đất diện tích 18 tầm mà chồng bà M là ông NLQ11 nhận chuyển nhượng của ông S vào năm 1979, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng vào năm 1990 đã được Ủy ban nhân dân huyện A đo đạc đại trà xác định diện tích đất là 1.050m2. Xét thấy, trong suốt quá trình giải quyết vụ án bà M không cung cấp được tài liệu, chứng cứ để chứng minh việc Ủy ban nhân dân huyện A có đo đạc đại trà đối với phần đất này; trường hợp đất đã được đo đạc vào năm 1990 thì lý do tại sao khi bà M tiến hành đăng ký để được cấp giấy chứng nhận (theo đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất ngày 17/12/1991) đối với rất nhiều thửa đất liền kề gồm các thửa 713, 1045, 510, 321, 480, 935, 320, 420, tờ bản đồ số 09, tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng nhưng đối với phần đất này thì bà M lại không đăng ký; “Giấy sang đất ngày 19/01/79” do bà M cung cấp cho Tòa án cũng chỉ là bản photo mà không xuất trình được bản chính, nội dung của tài liệu này không xác định được vị trí, tứ cận, diện tích đất... Do đó, việc bà M cho rằng các bị đơn lấn chiếm đất của bà M phần đất nằm tiếp giáp với thửa đất số 713 mà ông NLQ11 nhận chuyển nhượng của ông S vào năm 1979 là không có căn cứ.

[2] Hơn nữa, căn cứ vào quá trình thực tế sử dụng đất của các bên thấy rằng các phần đất tranh chấp được đánh các ký hiệu A, B, D1 và D2 theo sơ đồ vị trí đất ngày 12/4/2017 hiện do các bị đơn quản lý, sử dụng. Theo sự thừa nhận của các đương sự thì xung quanh phần diện tích đất 749,8m2 tại thửa đất số 713, tờ bản đồ số 09, tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng (ký hiệu C) mà bà M thực tế đang quản lý, sử dụng có cặm các trụ bê tông để ngăn cách với các phần đất tranh chấp với ông Q (ký hiệu A), ông P (ký hiệu B) và bà N (ký hiệu D1); bà M cũng thừa nhận việc bà M cặm các trụ bê tông này để làm ranh giới đất. Theo khoản 1 Điều 175 và khoản 2 Điều 176 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”; “Chủ sở hữu bất động sản chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình. Các chủ sở hữu bất động sản liền kề có thể thỏa thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của các chủ thể đó. Trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung…”. Việc bà M tự cặm các trụ bê tông ngăn cách phần đất của bà M với các phần đất của các bị đơn thể hiện việc bà M thừa nhận ranh đất theo vị trí các trụ bê tông này là ranh giới đất giữa các bên. Do đó, việc bà M cho rằng ông Q, ông P và bà N lấn chiếm các phần đất tranh chấp đánh các ký hiệu A, B và D1 là không có căn cứ. Riêng đối với phần đất tranh chấp với bà N đánh ký hiệu D2 theo như xác nhận của bà N, bà NLQ8, ông P và bà NLQ1 thì phần đất này ngày xưa là phần kênh ấp chiến lược do chính quyền chế độ cũ đào, người dân địa phương sử dụng đường kênh này để vận chuyển lúa, về sau này đường kênh bị bồi đắp thành đất liền đều do bà N quản lý, sử dụng; phần đất này là một cái bờ gắn liền với thửa đất của bà N và nằm cao hơn phần đất tại thửa đất số 713 mà bà M đang quản lý, sử dụng. Do đó, việc bà M cho rằng bà N lấn chiếm phần đất tranh chấp đánh ký hiệu D2 cũng là không có căn cứ.

[3] Từ những phân tích nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà M là có căn cứ, đúng pháp luật. Do đó, Hội đồng xét xử quyết định không chấp nhận kháng cáo của bà M; căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[4] Đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn tại phiên tòa là không có căn cứ, nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.

[5] Đề nghị của Đại diện VKSND tỉnh Sóc Trăng tại phiên tòa là có căn cứ, nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[6] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do bản án sơ thẩm được giữ nguyên nên bà M phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, nhưng do bà M là người cao tuổi và có đơn xin miễn nộp án phí, nên bà M được miễn nộp án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, điểm đ khoản 1 Điều 12 và khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308, khoản 1 Điều 148 và khoản 6 Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; điểm đ khoản 1 Điều 12 và khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử: Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn bà M.

- Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 41/2019/DS-ST ngày 17 tháng 10 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Sóc Trăng như sau:

Căn cứ khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, khoản 2 Điều 158, Điều 271, khoản 1 và 3 Điều 273, Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; khoản 1 và 3 Điều 27 Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án; điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 1 Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Điều 203 Luật Đất đai năm 2013.

[1] Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà M, về việc: Yêu cầu ông O trả đất lấn chiếm ngang 10m, dài 42m; Yêu cầu ông Q trả lại đất lấn chiếm ngang 05m, dài 15m; Yêu cầu ông P trả lại đất lấn chiếm ngang 02m, dài 05m thuộc vị trí nối tiếp thửa đất số 713, tờ bản đồ số 09, tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng và yêu cầu buộc bà N trả cho bà M 545m2 (diện tích theo đo đạc thực tế 280,1m2) là phần đất còn lại trong 1.050m2 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà M tại thửa đất số 713, tờ bản đồ số 09, tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng.

[2] Về chi phí thẩm định, định giá với tổng số tiền là 4.863.500 đồng: Bà M phải chịu 4.863.500 đồng, nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng mà bà M đã nộp là 5.000.000 đồng. Như vậy, bà M được nhận lại số tiền đã nộp thừa là 136.500 đồng (Một trăm ba mươi sáu nghìn năm trăm đồng), nhận tại Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Sóc Trăng.

[3] Về án phí dân sự sơ thẩm: Bà M được miễn nộp án phí dân sự sơ thẩm và được nhận lại số tiền tạm ứng mà bà M đã nộp là 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu số 0002932 ngày 22/8/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện A, tỉnh Sóc Trăng.

- Án phí dân sự phúc thẩm: Bà M được miễn nộp án phí dân sự phúc thẩm và được nhận lại số tiền tạm ứng mà bà M đã nộp là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu số 0000020 ngày 05/11/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện A, tỉnh Sóc Trăng.

- Bản án này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

216
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 03/2020/DS-PT ngày 08/01/2020 về tranh chấp quyền sử dụng đất - ranh đất

Số hiệu:03/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Sóc Trăng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 08/01/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;