TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
BẢN ÁN 03/2018/DS-PT NGÀY 30/08/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DÂN SỰ BẢO HIỂM
Trong các ngày 09, 10 và 30 tháng 8 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Trà Vinh mở phiên toà xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 02/2018/TLPT-DS, ngày 26/4/2018 về việc tranh chấp hợp đồng dân sự về bảo hiểm Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2018/KDTM-ST ngày 02/02/2018 của Tòa án nhân dân thành phố T bị kháng cáo và kháng nghị. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 278/2018/QĐ-PT ngày 09 tháng 7 năm 2018 và Thông báo lịch xét xử số 32a/LXX-DS ngày 24 tháng 8 năm 2018 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn:
1. Bà Lê Thị K, sinh năm 1967 (vắng mặt);
Địa chỉ: Khóm 2, thị trấn C1, huyện C1, tỉnh Trà Vinh.
Người đại diện theo ủy quyền của bà Lê Thị K: Ông Trần Văn L, sinh năm 1958; địa chỉ khóm 3, thị trấn T, huyện T, tỉnh Trà Vinh (theo văn bản ủy quyền ngày 20/4/2016, có mặt).
2. Ông Huỳnh Văn H, sinh năm 1948 (vắng mặt) ; Địa chỉ: Ấp S, xã P, huyện T, tỉnh Trà Vinh.
3. Ông Trương Văn T, sinh năm 1961 (có mặt);
4. Bà Nguyễn Thị B, sinh năm 1956 (vắng mặt);
Cùng địa chỉ: Khóm 1, thị trấn T, huyện T, tỉnh Trà Vinh.
5. Ông Trương Văn N, sinh năm 1960 (vắng mặt); Địa chỉ: Ấp X, xã P, huyện T, tỉnh Trà Vinh.
6. Anh Nguyễn Ta L, sinh năm 1985 (có mặt); Địa chỉ: Ấp Đ, xã L, huyện T, tỉnh Trà Vinh.
7. Ông Trần Văn L, sinh năm 1958 (có mặt);
Địa chỉ: Khóm 3, thị trấn T, huyện T, tỉnh Trà Vinh.
8. Bà Nguyễn Thị O, sinh năm 1964 (vắng mặt); Địa chỉ: Ấp A, xã H, huyện K, tỉnh Trà Vinh.
9. Chị Nguyễn Thị Khánh T, sinh năm 1973 (vắng mặt); Địa chỉ: Số 80/21, đường N, thành phố R, tỉnh Kiên Giang.
10. Anh Nguyễn Thế C, sinh năm 1978 (có mặt);
Địa chỉ: Ấp Đ, xã P, huyện T, tỉnh Trà Vinh.
11. Anh Nguyễn Thế V, sinh năm 1976 (có mặt);
Địa chỉ: Số 78/A9, khóm 1, phường 2, thành phố T, tỉnh Trà Vinh.
12. Ông Giảng Văn B, sinh năm 1965 (có mặt);
Địa chỉ: Ấp Nhơn Hòa, xã Tân Hòa, huyện T, tỉnh Trà Vinh.
Người đại diện theo ủy quyền của ông Huỳnh Văn H, ông Trương Văn T, bà Nguyễn Thị B, ông Trương Văn N, anh Nguyễn Ta L, bà Nguyễn Thị O, bà Nguyễn Thị Khánh T, anh Nguyễn Thế C, anh Nguyễn Thế V, ông Giảng Văn B:
Ông Trần Văn L, sinh năm 1958; địa chỉ khóm 3, thị trấn T, huyện T, tỉnh Trà Vinh (theo văn bản ủy quyền ngày 26/02/2016, có mặt).
13. Ông Huỳnh Thanh L, sinh năm 1958 (có mặt);
Địa chỉ: Số 190, Quốc lộ 60, khóm 3, thị trấn T, huyện T, tỉnh Trà Vinh.
14. Anh Lưu Văn Út H, sinh năm 1972 (chết năm 2017); Địa chỉ: Ấp V, xã N, huyện K, tỉnh Trà Vinh.
Người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông Trần Văn Lưu Văn Út H:
1. Bà Nguyễn Thanh T, sinh năm 1972 (có mặt);
2. Chị Lưu Thị Phúc A, sinh năm 1991 (có mặt);
3. Anh Lưu Minh G, sinh năm 1994 (vắng mặt); Cùng địa chỉ: Ấp V, xã N, huyện K, tỉnh Trà Vinh.
Người đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thanh T, chị Lưu Thị Phúc A, anh Lưu Minh G: Ông Trần Văn L, sinh năm 1958; địa chỉ khóm 3, thị trấn T, huyện T, tỉnh Trà Vinh (theo văn bản ủy quyền ngày 29/3/2017, có mặt).
- Bị đơn: Tổng Công ty Cổ phần B
Địa chỉ: Số 26, T, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Văn Lê Văn T, chức vụ: Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần B (vắng mặt).
Người đại diện theo ủy quyền:
1. Bà Trần Thị Chi L, sinh năm 1975, chức vụ: Phó Giám đốc pháp lý Tổng Công ty Cổ phần B; địa chỉ số 52, Đường H, Phường B, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh (theo văn bản ủy quyền số 1436/2018-BM/VP ngày 06/8/2018, có mặt khi xét xử, có đơn xin xét xử vắng mặt khi tuyên án).
2. Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1973, chức vụ: Phó Giám đốc Công ty B Trà Vinh; địa chỉ số 20B, đường P, khóm 1, phường 1, thành phố T, tỉnh Trà Vinh (theo văn bản ủy quyền số 1436/2018-BM/VP ngày 06/8/2018, có mặt).
3. Anh Nguyễn Đức H, sinh năm 1989, chức vụ: Chuyên viên Phòng Pháp chế Tổng Công ty Cổ phần B; địa chỉ số 25/6, Đường N, Phường 15, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh (theo văn bản ủy quyền số 1436/2018-BM/VP ngày 06/8/2018, có mặt).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Đồng Văn L, chức vụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh (vắng mặt).
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Minh T, chức vụ: Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo triển khai thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp tỉnh (theo văn bản ủy quyền số 2777/UQ-UBND ngày 02/8/2018, vắng mặt).
2. Chị Dương Thị Kim P, sinh năm 1981 (vắng mặt);
Địa chỉ: Ủy ban nhân dân xã H, huyện C1, tỉnh Trà Vinh.
3. Ông Nguyễn Thế Đ, sinh năm 1966 (vắng mặt); Địa chỉ: Khóm 3, thị trấn T, huyện T, tỉnh Trà Vinh.
4. Anh Nguyễn Ru B, sinh năm 1987 (vắng mặt); Địa chỉ: Ấp Đ, xã L, huyện T, tỉnh Trà Vinh.
Người đại diện theo ủy quyền của anh Nguyễn Ru B: Ông Trần Văn L, sinh năm 1958; địa chỉ khóm 3, thị trấn T, huyện T, tỉnh Trà Vinh (theo văn bản ủy quyền ngày 20/5/2016, có mặt).
5. Anh Nguyễn Tuấn K, sinh năm 1985 (vắng mặt);
Địa chỉ: Ủy ban nhân dân xã H, huyện C, tỉnh Trà Vinh.
6. Chị Trần Thị H, sinh năm 1983 (vắng mặt);
Địa chỉ: Ủy ban nhân dân xã N, huyện C, tỉnh Trà Vinh.
7. Anh Lê Văn S, sinh năm 1983 (vắng mặt); Địa chỉ: Ấp G, xã H, huyện C1, tỉnh Trà Vinh.
Người đại diện theo ủy quyền của anh Lê Văn S: Ông Trần Văn L, sinh năm 1958; địa chỉ khóm 3, thị trấn T, huyện T, tỉnh Trà Vinh (theo văn bản ủy quyền ngày 28/10/2015, có mặt).
8. Ông Nguyễn Văn N, sinh năm 1947 (vắng mặt); Địa chỉ: Ấp N, xã T, huyện T, tỉnh Trà Vinh.
- Người kháng cáo: Bà Lê Thị K, ông Huỳnh Văn H, ông Trương Văn T, bà Nguyễn Thị B, ông Trương Văn N, anh Nguyễn Ta L, ông Trần Văn L, bà Nguyễn Thị O, chị Nguyễn Thị Khánh T, anh Nguyễn Thế C, anh Nguyễn Thế V, ông Giảng Văn B, ông Huỳnh Thanh L và người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông Trần Văn Lưu Văn Út H là bà Nguyễn Thanh Thủy, chị Lưu Thị Phúc A và anh Lưu Minh G là nguyên đơn và người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn trong vụ án.
- Người kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố T.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Theo đơn khởi kiện và lời khai trong quá trình tố tụng, các nguyên đơn, người đại diện hợp pháp của các nguyên đơn trình bày và có yêu cầu như sau:
Thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013 theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ, các nguyên đơn đã ký hợp đồng bảo hiểm cá tra với Tổng Công ty Cổ phần B do Công ty B Trà Vinh làm đại diện.
Trong thời gian được bảo hiểm, do phát sinh dịch bệnh gan thận mủ làm cá chết thuộc trường hợp được bảo hiểm, nên các nguyên đơn được Công ty B Trà Vinh xem xét bồi thường. Nhưng từng hợp đồng, người được bảo hiểm chỉ nhận được số tiền bồi thường tương đương 70% số tiền được bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm đã ký, cụ thể như sau:
- Bà Lê Thị K tham gia 02 hợp đồng bảo hiểm:
+ Hợp đồng bảo hiểm thứ nhất: Số AD0005/12JA740NN/1201, giấy chứng nhận bảo hiểm ngày 09/9/2012, số tiền bảo hiểm là 4.009.320.000 đồng, ngày phát sinh tổn thất 142 ngày, tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm là 69%. Theo quy định thì bảo hiểm phải bồi thường hợp đồng này là 1.936.501.560 đồng, nhưng chỉ được bồi thường số tiền 1.355.551.000 đồng, bị cắt giảm 580.950.560 đồng.
+ Hợp đồng bảo hiểm thứ hai: Số AD0005/12JA740NN/1202, giấy chứng nhận bảo hiểm ngày 12/9/2012, số tiền bảo hiểm là 10.260.000.000 đồng, ngày phát sinh tổn thất 126 ngày, tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm là 72%. Theo quy định bảo hiểm phải bồi thường hợp đồng này là 5.171.040.000 đồng, nhưng chỉ được bồi thường số tiền 3.619.728.000 đồng, bị cắt giảm 1.551.312.000 đồng.
Tổng số tiền bồi thường của bà Lê Thị K bị cắt giảm theo 02 hợp đồng bảo hiểm là 2.016.687.000 đồng.
- Ông Trần Văn L tham gia 03 hợp đồng bảo hiểm:
+ Hợp đồng bảo hiểm thứ nhất: Số AD0005/12JA740NN/1203, giấy chứng nhận bảo hiểm ngày 01/10/2012, số tiền bảo hiểm là 13.635.000.000 đồng, ngày phát sinh tổn thất 109 ngày, tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm là 65%. Theo quy định bảo hiểm phải bồi thường hợp đồng này là 6.203.925.000 đồng, nhưng chỉ được bồi thường số tiền 4.543.182.000 đồng, bị cắt giảm 1.660.743.000 đồng.
+ Hợp đồng bảo hiểm thứ hai: Số AD0003/12JA740NN/1209, giấy chứng nhận bảo hiểm ngày 07/8/2012, số tiền bảo hiểm là 3.955.200.000 đồng, ngày phát sinh tổn thất 125 ngày, tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm là 70%. Theo quy định bảo hiểm phải bồi thường theo hợp đồng này số tiền 1.938.048.000 đồng, nhưng chỉ nhận 1.356.633.600 đồng, bị cắt giảm 581.414.400 đồng.
+ Hợp đồng bảo hiểm thứ ba: Số AD0001/12JA740NN/1219, giấy chứng nhận bảo hiểm ngày 07/8/2012, số tiền bảo hiểm là 1.730.400.000 đồng, ngày phát sinh tổn thất 144 ngày, tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm là 69%. Theo quy định thì bảo hiểm phải bồi thường theo hợp đồng này số tiền là 835.783.200 đồng, nhưng chỉ được bồi thường 585.048.240 đồng, bị cắt giảm 250.734.960 đồng.
Tổng số tiền bồi thường của ông Trần Văn L bị cắt giảm theo 03 hợp đồng bảo hiểm là 2.492.892.360 đồng.
- Bà Nguyễn Thị B:
Tham gia hợp đồng bảo hiểm số AD0002/12JA740NN/1205, giấy chứng nhận bảo hiểm ngày 12/6/2012, số tiền bảo hiểm là 1.116.500.000 đồng, ngày phát sinh tổn thất 105 ngày, tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm là 65%. Theo quy định bảo hiểm phải bồi thường theo hợp đồng này số tiền là 508.007.500 đồng, nhưng chỉ được bồi thường 355.605.250 đồng, bị cắt giảm 152.402.250 đồng.
- Ông Trương Văn T:
Tham gia hợp đồng bảo hiểm số AD0003/12JA740NN/1210, giấy chứng nhận bảo hiểm ngày 11/9/2012, số tiền bảo hiểm là 6.675.000.000 đồng, ngày phát sinh tổn thất 153 ngày, tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm là 56%. Theo quy định bảo hiểm phải bồi thường theo hợp đồng này số tiền là 2.616.600.000 đồng, nhưng chỉ được bồi thường 1.831.620.000 đồng, bị cắt giảm 784.980.000 đồng.
- Ông Trương Văn N:
Tham gia hợp đồng bảo hiểm số AD0003/12JA740NN/1213, giấy chứng nhận bảo hiểm ngày 03/11/2012, số tiền bảo hiểm là 2.661.360.000 đồng, ngày phát sinh tổn thất 60 ngày, tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm là 36%. Theo quy định bảo hiểm phải bồi thường theo hợp đồng này số tiền 670.662.720 đồng, nhưng chỉ được bồi thường 469.463.904 đồng, bị cắt giảm 201.198.816 đồng.
- Ông Huỳnh Văn H:
Tham gia hợp đồng bảo hiểm số AD0003/12JA740NN/1212, giấy chứng nhận bảo hiểm ngày 10/9/2012, số tiền bảo hiểm là 3.449.600.000 đồng, ngày phát sinh tổn thất 176 ngày, tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm là 27%. Theo quy định bảo hiểm phải bồi thường theo hợp đồng này số tiền là 651.974.400 đồng nhưng chỉ được bồi thường 456.382.080 đồng, bị cắt giảm 195.592.320 đồng.
- Anh Nguyễn Ta L:
Tham gia hợp đồng bảo hiểm số AD0002/12JA740NN/1203, giấy chứng nhận bảo hiểm ngày 08/5/2012, số tiền bảo hiểm là 2.071.584.000 đồng, ngày phát sinh tổn thất 132 ngày, tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm là 72%. Theo quy định bảo hiểm phải bồi thường theo hợp đồng này số tiền là 1.044.078.336 đồng, nhưng chỉ được bồi thường 730.854.835 đồng, bị cắt giảm 313.223.501 đồng.
- Anh Nguyễn Thế C:
Tham gia hợp đồng bảo hiểm số AD0001/12JA740NN/1212, giấy chứng nhận bảo hiểm ngày 27/6/2012, số tiền bảo hiểm là 3.532.200.000 đồng, ngày phát sinh tổn thất 107 ngày, tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm là 65%. Theo quy định bảo hiểm phải bồi thường hợp đồng này số tiền 1.607.151.000 đồng, nhưng chỉ được bồi thường 1.125.005.700 đồng, bị cắt giảm 482.145.300 đồng.
- Ông Giảng Văn B tham gia 02 hợp đồng:
+ Hợp đồng bảo hiểm thứ nhất: Số AD0001/12JA740NN/1221, giấy chứng nhận bảo hiểm ngày 10/9/2012, số tiền bảo hiểm là 1.415.400.000 đồng, ngày phát sinh tổn thất 120 ngày, tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm là 70%. Theo quy định bảo hiểm phải bồi thường hợp đồng này số tiền 693.546.000 đồng, nhưng chỉ được bồi thường 485.482.200 đồng, bị cắt giảm 208.063.800 đồng.
+ Hợp đồng bảo hiểm thứ hai: Số AD0001/12JA740NN/1222, giấy chứng nhận bảo hiểm ngày 04/10/2012, số tiền bảo hiểm là 2.252.800.000 đồng, ngày phát sinh tổn thất 119 ngày, tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm là 70%. Theo quy định bảo hiểm phải bồi thường cho hợp đồng này số tiền 1.103.872.000 đồng, nhưng chỉ được bồi thường 772.710.400 đồng, bị cắt giảm 331.161.600 đồng.
Tổng số tiền bồi thường của ông Giảng Văn B bị cắt giảm là 539.225.400 đồng.
- Bà Nguyễn Thị O:
Tham gia hợp đồng bảo hiểm số AD0008/12PA740NN/1201, giấy chứng nhận bảo hiểm ngày 10/10/2012, số tiền bảo hiểm là 3.072.000.000 đồng, ngày phát sinh tổn thất 137 ngày, tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm là 71%. Theo quy định bảo hiểm phải bồi thường cho hợp đồng này số tiền là 1.526.784.000, nhưng chỉ được bồi thường 1.068.748.800 đồng, bị cắt giảm 458.035.200 đồng.
- Ông Lưu Văn Út H tham gia 02 hợp đồng:
+ Hợp đồng bảo hiểm thứ nhất: Số AD0007/12JA740NN/1201, giấy chứng nhận bảo hiểm ngày 27/6/2012, số tiền bảo hiểm là 9.984.000.000 đồng, ngày phát sinh tổn thất 109 ngày, tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm là 65%. Theo quy định bảo hiểm phải bồi thường cho hợp đồng bảo hiểm này số tiền là 4.542.720.000 đồng, nhưng chỉ được bồi thường 3.179.904.000 đồng, bị cắt giảm 1.362.816.000 đồng.
+ Hợp đồng bảo hiểm thứ hai: Số AD0007/12JA740NN/1204, giấy chứng nhận bảo hiểm ngày 07/8/2012, số tiền bảo hiểm là 5.152.800.000 đồng, ngày phát sinh tổn thất 179 ngày, tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm là 27%. Theo quy định bảo hiểm phải bồi thường cho hợp đồng bảo hiểm này số tiền là 973.879.200 đồng, nhưng chỉ được bồi thường 681.715.440 đồng, bị cắt giảm 292.163.760 đồng.
Tổng số tiền bồi thường ông Lưu Văn Út H bị cắt giảm của 02 hợp đồng là 1.654.997.760 đồng.
- Bà Nguyễn Thị Khánh T:
Tham gia hợp đồng bảo hiểm số AD0007/12JA740NN/1203, giấy chứng nhận bảo hiểm ngày 07/8/2012, số tiền bảo hiểm là 16.272.000.000 đồng, ngày phát sinh tổn thất 64 ngày, tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm là 36%. Theo quy định bảo hiểm phải bồi thường cho hợp đồng bảo hiểm này số tiền là 4.100.544.000 đồng, nhưng chỉ được bồi thường 3.189.321.000 đồng, bị cắt giảm 911.223.000 đồng.
- Anh Nguyễn Thế V tham gia 04 hợp đồng:
+ Hợp đồng bảo hiểm thứ nhất: Số AD0004/12JA740NN/1202, giấy chứng nhận bảo hiểm ngày 12/9/2012, số tiền bảo hiểm là 5.089.190.000 đồng, ngày phát sinh tổn thất 171 ngày, tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm là 30%. Theo quy định bảo hiểm phải bồi thường cho hợp đồng bảo hiểm này số tiền là 1.068.729.900 đồng, nhưng chỉ được bồi thường 748.110.000 đồng, bị cắt giảm 320.619.990 đồng.
+ Hợp đồng bảo hiểm thứ hai: Số AD0004/12JA740NN/1204, giấy chứng nhận bảo hiểm ngày 12/9/2012, số tiền bảo hiểm là 7.351.230.000 đồng, ngày phát sinh tổn thất 172 ngày, tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm 30%. Theo quy định bảo hiểm phải bồi thường cho hợp đồng này số tiền là 1.543.758.300 đồng, nhưng chỉ được bồi thường 1.080.630.810 đồng, bị cắt giảm 463.127.490 đồng.
+ Hợp đồng bảo hiểm thứ ba: số AD0002/12JA740NN/1206, giấy chứng nhận bảo hiểm ngày 13/9/2012, số tiền bảo hiểm là 4.972.800.000 đồng, ngày phát sinh tổn thất 151 ngày, tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm là 56%. Theo quy định bảo hiểm phải bồi thường số tiền 1.949.337.600 đồng, nhưng chỉ được bồi thường 1.364.536.000 đồng, bị cắt giảm 584.801.280 đồng.
+ Hợp đồng bảo hiểm thứ tư: Số AD0004/12JA740NN/1206, giấy chứng nhận bảo hiểm ngày 22/9/2012, số tiền bảo hiểm là 4.928.000.000 đồng, ngày phát sinh tổn thất 160 ngày, tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm là 46%. Theo quy định bảo hiểm phải bồi thường số tiền 1.586.816.000 đồng, nhưng chỉ được bồi thường 1.110.771.200 đồng, bị cắt giảm 476.044.800 đồng.
Tổng số tiền bồi thường của ông Nguyễn Thế V cắt giảm của 04 hợp đồng là 1.844.593.560 đồng.
- Ông Huỳnh Thanh L:
Tham gia hợp đồng bảo hiểm số AD0001/12JA740NN/1208, giấy chứng nhận bảo hiểm ngày 16/5/2012, số tiền bảo hiểm là 6.592.160.000 đồng, ngày phát sinh tổn thất 133 ngày, tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm là 71%. Theo quy định bảo hiểm phải bồi thường cho hợp đồng này số tiền 3.276.303.520 đồng, nhưng chỉ được bồi thường số tiền 2.325.714.048 đồng, bị cắt giảm 950.589.472 đồng.
Theo hợp đồng bảo hiểm mà các nguyên đơn đã ký kết với Công ty B Trà Vinh thì khi phát sinh sự kiện bảo hiểm phía công ty phải bồi thường dựa trên quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm nông nghiệp do Bộ Tài chính ban hành, nhưng B Trà Vinh căn cứ vào Công văn số 897/UBND-NN ngày 21/3/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh để chi trả bồi thường cho các nguyên đơn 70% số tiền phải bồi thường là không đúng hợp đồng bảo hiểm đã ký. Nay các nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Tổng công ty cổ phần B phải trả tiếp cho các nguyên đơn số tiền bảo hiểm còn lại theo hợp đồng bảo hiểm cụ thể nêu trên như sau:
1. Trả cho bà Lê Thị K tổng số tiền là 2.016.687.800 đồng
2. Trả cho ông Trần Văn L tổng số tiền là 2.492.892.360 đồng;
3. Trả cho bà Nguyễn Thị B số tiền là 152.402.250 đồng;
4. Trả cho ông Trương Văn T số tiền 784.980.000 đồng ;
5. Trả cho ông Trương Văn N số tiền 201.198.816 đồng ;
6. Trả cho ông Huỳnh Văn H số tiền 195.592.320 đồng ;
7. Trả cho ông Nguyễn Ta L số tiền 313.223.501 đồng ;
8. Trả cho ông Nguyễn Thế C số tiền là 482.145.300 đồng;
9. Trả cho ông Giảng Văn B tổng số tiền là 539.225.400 đồng .
10. Trả cho bà Nguyễn Thị O số tiền 458.035.200 đồng ;
11. Trả cho ông Lưu Văn Út H hiện nay đã chết có vợ là bà Nguyễn Thanh T, con là chị Lưu Thị Phúc A và anh Lưu Minh G nhận thay tổng số tiền là 1.654.997.760 đồng.
12. Trả cho bà Nguyễn Thị Khánh T số tiền 911.223.000 đồng
13. Trả cho ông Nguyễn Thế V tổng số tiền là 1.844.593.560 đồng.
14. Trả cho ông Huỳnh Thanh L số tiền bị cắt giảm là 950.589.472 đồng.
* Người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày:
Thống nhất với các nguyên đơn về việc thực hiện chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, sự kiện bảo hiểm phát sinh là do dịch bệnh thuộc vào trường hợp được bảo hiểm. Phía Công ty Cổ phần B đã tiến hành các thủ tục đúng theo quy định của pháp luật để bồi thường theo sự thỏa thuận với các hộ nuôi cá và các hộ nuôi đã thống nhất với mức bồi thường cũng như đã có thông báo chấp nhận bồi thường và bãi nại.
Khi ký kết hợp đồng bảo hiểm, Công ty B Trà Vinh đã cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cho người tham gia bảo hiểm đúng quy định. Khi phát sinh tổn thất, tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, các nguyên đơn cùng các bên liên quan đã cùng nhau lập biên bản về việc thỏa thuận bồi thường bảo hiểm cá tra thuộc chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn huyện C, huyện C và huyện T, đã ghi nhận rõ ràng, cụ thể về số tiền chi trả bồi thường, các hộ nuôi xét thấy hợp lý, đồng ý nhận số tiền bồi thường và cam kết không khiếu kiện, khiếu nại gì sau này.
Các nguyên đơn nhận tiền chi trả bồi thường của Công ty B Trà Vinh và thông báo chấp nhận bồi thường và bãi nại cũng có nghĩa là xác nhận trách nhiệm bồi thường bảo hiểm của Ban Chỉ đạo Bảo hiểm nông nghiệp, Tổ thẩm định bồi thường và B chấm dứt tại đây. Hợp đồng bảo hiểm mà các nguyên đơn tham gia cũng đồng thời hết hiệu lực vì Công ty B Trà Vinh đã thanh toán đầy đủ tiền bồi thường cho người tham gia bảo hiểm.
Về phía Công ty B Trà Vinh là Công ty thành viên trực thuộc Tổng Công ty Cổ phần B, với tư cách là thành viên trong Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2011-2013 theo Quyết định số 1336/QĐ-UBND ngày 23/8/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh, B Trà Vinh có trách nhiệm báo cáo thực hiện chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường bảo hiểm theo đúng quy định của pháp luật, đúng nội dung hợp đồng bảo hiểm đã ký kết và đúng theo thỏa thuận thống nhất của các bên.
Theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định mục đích thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiêp đó là khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính của thiên tai, dịch bệnh gây ra và căn cứ bồi thường là bồi thường dựa trên chỉ số thời tiết, dịch bệnh, sản lượng có liên quan đến thiệt hại.
Mặt khác, tại khoản 4 Điều 1 Thông tư số 43/TT-BNNPTNN ngày 23/8/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về cách giải quyết bồi thường khi phát sinh tranh chấp bằng cách xác định mức độ thiệt hại làm căn cứ để hai bên thỏa thuận mức bồi thường.
Như vậy, căn cứ các quy định của pháp luật nêu trên, các nguyên đơn cùng các bên liên quan đã tự nguyện tiến hành thương lượng là hoàn toàn hợp lý và hợp pháp, phù hợp với chủ trương, chính sách chương trình thí điểm và các quy định của pháp luật. Việc thương lượng được thực hiện trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, công khai, minh bạch, không hề bị ép buộc, lừa dối, dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực. Các nguyên đơn có toàn quyền quyết định trong việc ký hoặc không ký biên bản nếu họ không đồng ý, nhưng họ đã đồng ý toàn bộ nội dung thỏa thuận và tự nguyện ký biên bản.
Về pháp luật, các nguyên đơn là những người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, nội dung thương lượng không hề trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội, đã cam kết không khiếu kiện, khiếu nại gì sau này và xác nhận trách nhiệm bồi thường bảo hiểm của Công ty B Trà Vinh với Ban Chỉ đạo bảo hiểm nông nghiệp, Tổ thẩm định bồi thường. Do đó, các biên bản thỏa thuận là hoàn toàn hợp pháp, phù hợp với Điều 4 Bộ luật dân sự năm 2005. B đã tiến hành bồi thường theo đúng quy trình, đúng thời hạn, đúng quy định của pháp luật nên việc giải quyết bồi thường bảo hiểm của B đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khẳng định là hợp pháp.
Đối với việc khiếu nại bồi thường của các nguyên đơn đã được Cục quản lý, Giám sát Bảo hiểm - Bộ Tài chính ban hành Công văn số 15059/BTC-QLBH ngày 04/11/2013 và Công văn số 17435/BTC-QLBH ngày 01/12/2014 gửi Ban Chỉ đạo bảo hiểm nông nghiệp tỉnh Trà Vinh kết luận: “B đã giải quyết bồi thường bảo hiểm theo đúng quy định pháp luật kinh doanh bảo hiểm, Quy tắc bảo hiểm tôm, cá ban hành kèm theo Quyết định số 3035/QĐ-BTC cũng như đúng theo nội dung các hộ dân đã thỏa thuận, thống nhất.
Như vậy, Cục quản lý, Giám sát Bảo hiểm - Bộ Tài chính đã khẳng định việc chi trả tiền bồi thường cho các hộ nuôi cá tra là hoàn toàn đúng và đề nghị Ban Chỉ đạo giải thích cho người dân được rõ và giải quyết thắc mắc của người dân.
Đối với các hợp đồng bảo hiểm, sau khi hoàn tất việc giải quyết bồi thường B đã chuyển hồ sơ, làm các thủ tục đòi các nhà tái bảo hiểm. Việc giải quyết yêu cầu đòi tái bảo hiểm đã được B và nhà tái bảo hiểm xác nhận và hoàn tất trong năm 2014. Do đó, hợp đồng bảo hiểm đã chấm dứt hiệu lực, B không còn bất kỳ quyền và nghĩa vụ nào liên quan đến bất kỳ nội dung nào của hợp đồng bảo hiểm.
Vì vậy các nguyên đơn khởi kiện B phải tiếp tục bồi thường là không có cơ sở và hoàn toàn trái pháp luật. Do đó Tổng Công ty cổ phần B đề nghị Tòa án không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn.
* Người đại diện theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ông Phạm Minh T có lời khai như sau:
Theo yêu cầu bồi thường chi trả tiền bảo hiểm cá tra của các nguyên đơn, do trước đó cũng phát sinh 02 lần chi trả tiền bồi thường bảo hiểm cho người nuôi cá có dư luận cho rằng người tham gia bảo hiểm nhận bồi thường có lời, tức là số tiền bồi thường cao hơn giá trị đầu tư thực tế. Đồng thời, cũng có dư luận cho rằng có hiện tượng trục lợi bảo hiểm. Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo tỉnh có chỉ đạo Phòng kỹ thuật sở, chi cục nuôi trồng thủy sản, các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện T, C, C và các tổ công tác giám định bồi thường phối hợp với nhau để khảo sát lại chi phí nuôi cá tra thực tế để so sánh với mức bồi thường hợp đồng theo bảo hiểm có phù hợp hay không. Qua khảo sát và rà soát thì các cơ quan chuyên môn thấy rằng, tùy từng thời điểm thì mức bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm cao hơn khoảng 30% so với giá trị đầu tư thực tế.
Theo đó thì B Trà Vinh có tờ trình số 18/TTr-BM ngày 18/3/2013 gửi Ủy ban nhân dân tỉnh để xin chủ trương Ủy ban nhân dân tỉnh được chi trả bồi thường đối với các hợp đồng tổn thất còn lại theo hình thức thương lượng và vấn đề này được Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất theo Công văn số 897/UBND-NN ngày 21/3/2013.
Sau khi nhận tiền bồi thường theo hình thức thương lượng xong thì có một số hộ dân đã tiến hành gửi đơn đến Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài chính khiếu nại, yêu cầu B chi trả số tiền bồi thường còn lại theo nội dung hợp đồng. Theo đó, Bộ Tài chính đã có công văn số 17435/BTC-CTBH ngày 01/12/2014 trả lời khiếu nại đến các hộ dân được biết.
Trong năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh có giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với B Trà Vinh và Ủy ban nhân dân các huyện mời dân đến giải thích. Tuy nhiên, các hộ không thống nhất và tiếp tục khiếu kiện. Ngày 20/4/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh có Công văn số 22/UBND-NN gửi Bộ Tài chính và Tổng công ty B, trong đó có đề nghị Tổng Công ty B lập thủ tục chi trả tiếp số tiền bồi thường còn lại theo hợp đồng đã ký kết với các hộ dân. Cho đến thời điểm này, Tổng công ty B chưa xem xét giải quyết.
* Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Dương Thị Kim P, ông Nguyễn Thế Đ, ông Nguyễn Ru B, ông Nguyễn Tuấn K, bà Trần Thị H, ông Trần Văn Lê Văn S, ông Nguyễn Văn N vắng mặt nhưng có lời khai như sau:
Các đương sự đều là người đại diện cho các hộ dân ở xã nơi các đương sự cư trú để ký hợp đồng bảo hiểm với Tổng công ty cổ phần B và Công ty B Trà Vinh. Các đương sự đều thừa nhận không có bất cứ quyền lợi gì trong hợp đồng bảo hiểm.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2018/KDTM-ST ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố T đã xử:
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn, buộc các nguyên đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm theo quy định của pháp luật. Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 14/02/2018 tất cả các nguyên đơn và người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông Lưu Văn Út H kháng cáo, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết sửa bản án sơ thẩm, buộc Tổng Công ty Cổ phần B bồi thường số tiền bảo hiểm bị cắt giảm 30% theo như đơn khởi kiện.
Ngày 21/02/2018 Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố T kháng nghị cho rằng các căn cứ mà Tòa án nhân dân thành phố T đã tuyên chủ yếu dựa trên 02 văn bản của Công ty B Trà Vinh: Biên bản về việc thỏa thuận bồi thường bảo hiểm cá tra thuộc chương trình bảo hiểm thí điểm nông nghiệp, thông báo chấp nhận bồi thường và bãi nại. Nhưng thực tế cho thấy những căn cứ pháp lý mà phía Tổng Công ty cổ phần B áp dụng để cắt giảm số tiền bồi thường bảo hiểm cá tra của các nguyên đơn là Công văn số 897/UBND-NN ngày 21/3/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc chi trả bồi thường bảo hiểm cá tra trên địa bàn tỉnh, Biên bản họp ngày 26/3/2013 của Thường trực Ban Chỉ đạo triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp Trà Vinh họp bàn phương án áp giá bồi thường cho các hộ dân tham gia bảo hiểm có hồ sơ bồi thường.
Các văn bản nêu trên là không phù hợp với quy định của pháp luật, trái với hợp đồng bảo hiểm và trái với chủ trương của Chính phủ về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3035/QĐ-BTC ngày 16/12/2011 của Bộ Tài chính về việc ban hành quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm nông nghiệp.
Sau khi bị cắt giảm 30% số tiền bồi thường bảo hiểm, các hộ dân nhiều lần gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan cấp tỉnh và trung ương. Ngày 12/3/2015, Bộ Tài chính có Công văn số 3712/BTC-QLBH về việc khiếu nại bồi thường bảo hiểm cá tra. Theo nội dung công văn, Bộ Tài chính đề nghị Tổng Công ty Cổ phần B phối hợp với Ban Chỉ đạo bảo hiểm nông nghiệp tỉnh Trà Vinh và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, giải quyết vụ việc báo cáo Bộ Tài chính. Ngày 20/4/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh có Công văn số 22/UBND - NN về việc chi trả tiền bồi thường bảo hiểm cá tra trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, trong đó có đề nghị Tổng Công ty Cổ phần B tiếp tục bồi thường số tiền 30% còn lại đúng theo hợp đồng đã ký kết cho các hộ dân nuôi cá tra tham gia bảo hiểm. Nhưng phía Tổng Công ty Cổ phần B không thực hiện việc chi trả. Từ đó xét thấy bản án sơ thẩm số 01/2018/KDTM - ST ngày 02/02/2018 của Tòa án nhân dân thành phố T đã tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn đã gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của các nguyên đơn, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh xét xử phúc thẩm theo hướng sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn, buộc Tổng Công ty Cổ phần B phải tiếp tục thanh toán cho các nguyên đơn số tiền bảo hiểm bị cắt giảm là 30%.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên đơn khởi kiện và yêu cầu kháng cáo, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Trà Vinh tham gia phiên tòa giữ nguyên quyết định kháng nghị. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
* Ý kiến trình bày tranh luận của các nguyên đơn cho rằng: Khi thỏa thuận bồi thường thiệt hại bảo hiểm, lúc đó do Ban Chỉ đạo và B Trà Vinh cho rằng thực hiện theo chỉ đạo tại Công văn số 897/UBND-NN của Ủy ban nhân dân tỉnh, do không được nghe công bố nội dung Công văn 897/UBND-NN nên các nguyên đơn tin là chủ trương của Nhà nước, vì tiền đóng phí bảo hiểm được Nhà nước hỗ trợ 60% và do B kéo dài thời gian chi trả nợ Ngân hàng chồng chất nên đã chấp nhận nhận số tiền 70%. Sau khi nhận tiền mới tìm Công văn số 897/UBND-NN của Ủy ban nhân dân tỉnh và một số văn bản khác có liên quan thì biết số tiền bị cắt giảm 30% B Trà Vinh thực hiện không đúng thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, có văn bản xin chủ trương Ủyban nhân dân tỉnh Trà Vinh bồi thường theo ý chí của B mà không trực tiếp thỏa thuận với người mua bảo hiểm là áp đặt ý chí. Việc làm này của B là có sự lừa dối làm cho người được bồi thường bảo hiểm không biết được, nếu biết được thì không ai bỏ số tiền hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng trong khi nuôi cá bị lỗ, mắc nợ Ngân hàng, nên việc ký các văn bản thỏa thuận và bãi nại bồi thường không mang tính gàng buộc người dân phải thực hiện, không có giá trị pháp lý.
* Ý kiến trình bày tranh luận của đại diện bị đơn cho rằng:
- Việc cắt giảm 30% số tiền bảo hiểm là không đúng hợp đồng đã ký. Nhưng việc cắt giảm này các bên tham gia bảo hiểm tự nguyện thỏa thuận với nhau thống nhất mức bồi thường, người được bảo hiểm cũng đã ký văn bản thông báo chấp nhận bồi thường và bãi nại, đồng ý nhận số tiền bồi thường và cam kết không khiếu kiện, khiếu nại gì sau này.
- Sau khi ký văn bản thỏa thuận bồi thường đến thời gian B chi trả tiền cho các hộ dân là khoảng thời gian dài, các hộ dân có đầy đủ thời gian suy nghĩ để thay đổi ý kiến nhưng không ai phản đối là thể hiện sự tự nguyện đúng ý chí của mình, nên việc các hộ dân cho rằng B áp đặt ý chí là không đúng.
- Đối với việc khiếu nại bồi thường của các nguyên đơn đã được Cục quản lý, Giám sát Bảo hiểm - Bộ Tài chính ban hành Công văn số 15059/BTC-QLBH ngày 04/11/2013 và Công văn số 17435/BTC-QLBH ngày 01/12/2014 gửi Ban Chỉ đạo bảo hiểm nông nghiệp tỉnh Trà Vinh kết luận: B đã giải quyết bồi thường bảo hiểm theo đúng quy định pháp luật kinh doanh bảo hiểm, Quy tắc bảo hiểm tôm, cá ban hành kèm theo Quyết định số 3035/QĐ-BTC cũng như đúng theo nội dung các hộ dân đã thỏa thuận, thống nhất. B đã thực hiện trách nhiệm chi trả đầy đủ số tiền bồi thường bảo hiểm theo biên bản thỏa thuận. Các hộ dân đã nhận tiền bồi thường đồng thời ký văn bản thông báo chấp nhận bồi thường và bãi nại gửi B.
Như vậy, Cục quản lý, Giám sát Bảo hiểm - Bộ Tài chính đã khẳng định việc chi trả tiền bồi thường cho các hộ nuôi cá tra là hoàn toàn đúng và đề nghị Ban Chỉ đạo giải thích cho người dân được rõ và giải quyết thắc mắc của người dân.
- Đối với các hợp đồng bảo hiểm, sau khi hoàn tất việc giải quyết bồi thường B đã chuyển hồ sơ, làm các thủ tục đòi các nhà tái bảo hiểm. Việc giải quyết yêu cầu đòi tái bảo hiểm đã được B và nhà tái bảo hiểm xác nhận và hoàn tất trong năm 2014. Do đó, hợp đồng bảo hiểm đã chấm dứt hiệu lực, B không còn bất kỳ quyền và nghĩa vụ nào liên quan đến bất kỳ nội dung nào của hợp đồng bảo hiểm.
* Ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa:
Thẩm phán thụ lý vụ án và Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuân thủ trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật. Về nội dung vụ án, đại diện Viện kiểm sát cho rằng:
- Tòa án cấp sơ thẩm xác định vụ án kinh doanh thương mại theo khoản 1 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là không chính xác. Vì khoản 1 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: Tranh chấp kinh doanh thương mại là những tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận. Trong vụ án này, các nguyên đơn đều không có đăng ký kinh doanh và doanh nghiệp bảo hiểm tham gia chương trình này theo Quyết định 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ cũng không vì mục đích lợi nhuận. Do đó, chưa thỏa mãn điều kiện của vụ án kinh doanh thương mại. Thiếu sót này của cấp sơ thẩm không ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên đương sự trong vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm điều chỉnh lại quan hệ pháp luật tranh chấp theo khoản 3 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
- Tòa án cấp sơ thẩm xử bác yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn là không đúng với tình tiết khách quan của vụ án, bởi vì:
Thứ nhất, sau khi thiệt hại (cá chết) xảy ra, thì Tổ giám định và đại diện Tổng Công ty Cổ phần B đã tiến hành kiểm tra thực tế, xác định mức độ thiệt hại cụ thể của từng hộ nuôi cá. Kết quả cho thấy cá chết do bệnh là có thật, không có trường hợp trục lợi bảo hiểm xảy ra và đều thuộc trường hợp được bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm đã ký kết. Số tiền bồi thường của từng người cũng được tính đúng theo Quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm tôm cá ban hành hành kèm theo Quyết định 3035/QĐ-BTC ngày 16/12/2011 của Bộ Tài chính. Do đó về nguyên tắc Tổng Công ty Cổ phần B phải bồi thường đúng theo tỷ lệ thiệt hại mà hợp đồng đã ký kết.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 14 Thông tư số 121/2011/TT-BTC ngày 17/8/2011 của Bộ Tài chính (hướng dẫn một số điều của Quyết định 315) quy định: Đến ngày 31/12/2013, căn cứ kết quả hoạt động triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm bị thua lỗ do hoạt động kinh doanh thí điểm bảo hiểm doanh nghiệp ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ tài chính sẽ có cơ chế hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ. Thế nhưng, Tổng Công ty Cổ phần B không báo cáo về trên mà làm tờ trình Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh xin cắt giảm tiền bồi thường bảo hiểm là sai quy định.
Thứ hai, hợp đồng bảo hiểm là một dạng của hợp đồng dân sự, theo Điều 388 Bộ luật dân sự năm 2005 nay là Điều 385 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Chủ thể trong hợp đồng này là người mua bảo hiểm với Tổng Công ty cổ phần B, nếu các bên có nhu cầu thay đổi nội dung hợp đồng hoặc cần thương lượng về các vấn đề có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình, thì phải do chính 02 chủ thể này trực tiếp thỏa thuận. Thế nhưng, tất cả các biên bản thỏa thuận bồi thường đều do Ban chỉ đạo bảo hiểm (Tổ giám định bồi thường và cán bộ nông nghiệp của tỉnh, huyện và đại diện Ủy ban nhân xã) đứng ra thỏa thuận với người mua bảo hiểm là không đúng chủ thể.
Thứ ba, Điều 4 Bộ luật dân sự 2005 quy định: Trong quan hệ dân sự các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào áp đặt bên nào, thì mới phát sinh hiệu lực và buộc các bên phải thực hiện. Tuy nhiên, trong thỏa thuận này đã thể hiện sự áp đặt là có sự can thiệp của cơ quan nhà nước, thể hiện tại Công văn số 897/UBND-NN ngày 21/3/2013 của Ủy ban nhân tỉnh Trà Vinh chỉ đạo và cho phép Tổng Công ty Cổ phần B thỏa thuận bồi thường theo hướng cắt giảm. Và Biên bản họp triển khai phương án bồi thường bảo hiểm cá tra, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh là Thường trực Ban chỉ đạo bảo hiểm họp ngày 26/3/2013 đề ra phương án thương lượng là: Giao cho Ban chỉ đạo các huyện sắp xếp mời từng hộ (không mời tập trung) và chọn những hộ có khả năng thương lượng thành công để triển khai đầu tiên nhằm tạo thuận lợi cho các trường hợp thương lượng tiếp theo. Điều này cho thấy có sự bất bình đẳng và áp đặt trong thỏa thuận: Giữa một bên là cán bộ nhà nước với một bên là người dân (được nhà nước hỗ trợ 60% phí bảo hiểm), từ đó người dân có tâm lý nễ nang vì ý thức chấp hành theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh nên ký vào biên bản thỏa thuận trong tình trạng không tự nguyện.
Thứ tư, trong các biên bản thỏa thuận bồi thường thiệt hại đều không nêu rõ tổng số tiền của từng người được bồi thường theo hợp đồng là bao nhiêu, số tiền bị cắt giảm bao nhiêu, lý do vì sao cắt giảm. Do chưa được giải thích rõ nội dung sự việc mà đã đưa ra quyết định từ bỏ quyền lợi của mình, nên sau đó người tham gia bảo hiểm nhận thấy quyền lợi mình bị xâm phạm, đã gửi đơn khiếu nại.
Từ phân tích trên cho thấy, chủ thể tham gia trong biên bản thỏa thuận bồi thường không đúng, có sự bất bình đẳng giữa các bên, nên việc các nguyên đơn ký vào biên bản thỏa thuận là không tự nguyện. Do đó, chưa đảm bảo về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 122 Bộ luật dân sự năm 2005 (nay là điểm b khoản 1 Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015), vì vậy các biên bản thỏa thuận này vô hiệu, không có giá trị buộc các bên phải thực hiện (theo Điều 127 Bộ luật dân sự năm 2005). Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, chấp nhận kháng nghị số 01/QĐKNPT-VKS-DS ngày 21/02/2018 của Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố T, chấp nhận kháng cáo của 14 nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm số 01/2018/KDTM-ST ngày 02/02/2018 của Tòa án nhân dân thành phố T theo hướng buộc Tổng công ty Cổ phần B thanh toán cho các nguyên đơn số tiền 30% bảo hiểm còn lại.
[1] Về thẩm quyền giải quyết vụ án: Hợp đồng bảo hiểm cá tra được ký kết giữa 14 nguyên đơn và Công ty B Trà Vinh (Công ty thành viên của Tổng Công ty cổ phần B) có trụ sở chi nhánh tại Trà Vinh, nên tranh chấp xảy ra Tòa án nhân dân thành phố T thụ lý giải quyết là đúng thẩm quyền.
[2] Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Các đương sự tranh chấp với nhau về khoản tiền chi trả theo hợp đồng bảo hiểm cá tra, Tòa án cấp sơ thẩm xác định tranh chấp hợp đồng bảo hiểm là đúng, nhưng xác định vụ án kinh doanh thương mại là chưa chính xác, bởi vì trong vụ án này, các nguyên đơn đều không có đăng ký kinh doanh và doanh nghiệp bảo hiểm tham gia chương trình này theo Quyết định 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng chính phủ cũng không vì mục đích lợi nhuận. Do đó, chưa thỏa mãn điều kiện của vụ án kinh doanh thương mại. Thiếu sót này của cấp sơ thẩm không ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên đương sự trong vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm khắc phục chuyển thành vụ án dân sự và xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là: Tranh chấp hợp đồng dân sự về bảo hiểm theo quy định tại khoản 3 Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 như ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa.
[3] Quá trình tố tụng cũng như tại phiên tòa phúc thẩm, các bên đương sự thống nhất xác định số tiền bảo hiểm cá tra bị cắt giảm theo từng hợp đồng đúng như yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn. Thống nhất với nhau về các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án là đúng và có thật như án sơ thẩm đã nhận định.
[4] Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 của hợp đồng bảo hiểm tôm, cá (bút lục số 13, tập I) được ký kết giữa các nguyên đơn và bị đơn có quy định: Người bảo hiểm và chủ hợp đồng bảo hiểm đồng ý rằng khi phát sinh sự kiện bảo hiểm thì việc bồi thường tổn thất được tính theo bản tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm quy định tại Điều 9 của quy tắc bảo hiểm tôm, cá là một cách tính hợp lý và phù hợp theo giá trị đã được các bên “đồng ý trước”.
[5] Điều 9 của quy tắc bảo hiểm tôm, cá được (bút lục 338, tập I) quy định như sau: Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả cho người được bảo hiểm số tiền bồi thường được tính theo công thức sau: Số tiền bồi thường = (tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm x số tiền bảo hiểm) x (100% - 30% mức khấu trừ do người được bảo hiểm tự gánh chịu).
[6] Việc các nguyên đơn thỏa thuận với Công ty B Trà Vinh (sau đây viết tắt là B) ký kết các hợp đồng bảo hiểm cá tra là tự nguyện, đúng pháp luật. Đây là loại hợp đồng có thỏa thuận trước về bồi thường tổn thất được quy định tại Điều 2 của hợp đồng bảo hiểm. Sau khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra, từng hộ nuôi cá đều được giám định thiệt hại, Tổ giám định bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp và Giám đốc B cùng ký xác nhận vào tờ trình bồi thường cho từng hộ nuôi cá bị thiệt hại đúng như số tiền phải bồi thường như hợp đồng đã ký. Như vậy đã thể hiện rõ không có dấu hiệu trục lợi của người tham gia bảo hiểm.
[7] Sau khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra (cá chết do bị bệnh gan thận mủ), các nguyên đơn và B đã thực hiện đầy đủ hồ sơ giải quyết bồi thường do Bộ Tài chính quy định. Nhưng B không thực hiện đúng thời hạn giải quyết bồi thường (quy định của Bộ tài chính là 30 ngày, không tính ngày nghỉ, lễ kề từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ bồi thường thiệt hại) mà kéo dài thời gian để xin ý kiến Ủy Ban nhân dân tỉnh cho chủ trương giải quyết bồi thường, cụ thể như sau:
- Ngày 15/3/2013, Ban Chỉ đạo triển khai bảo hiểm nông nghiệp tỉnh có báo cáo số 103/BC-BCĐBHNN (bút lục 485 - 489, tập I) gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh.
- Ngày 18/3/2013, B Trà Vinh có Tờ trình số 18/TTR-BMTV (bút lục 490 - 492, tập I) gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh với nội dung:
+ Xác định mức bồi thường theo quy định hiện hành tại Quyết định số 3035/QĐ-BTC ngày 16/11/2012 của Bộ Tài chính ban hành kèm theo Quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm nông nghiệp đối với đối tượng bảo hiểm cá tra chưa hợp lý. Qua tính toán thực tế cho thấy mức bồi thường áp dụng theo quy định hiện hành cao hơn khoảng 1,25-1,5 lần chi phí người nuôi đã đầu tư tương ứng theo từng thời điểm (trong đó, chưa tính đến phần sản phẩm không thu hồi). Đây là một trong những nguyên nhân đẫn đến hiện tượng trục lợi Chương trình bảo hiểm; gây khó khăn trong công tác quản lý; làm xáo trộn, ảnh huởng đến tình hình sản xuất tại địa phương, tạo dư luận xấu trong xã hội và làm suy giảm lòng tin của nông dân đối với Chương trình.
+ Đối với các trường hợp tổn thất bảo hiểm cá tra đã và đang được B xác lập hồ sơ nhưng chưa chi trả bồi thường: Cho phép B Trà Vinh áp dụng Hướng dẫn số 14/HD-SNN-KT ngày 15/03/2013 của Sở Nông nghiệp tỉnh hướng dẫn định mức đầu tư vốn lưu động nuôi cá tra thâm canh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh để thỏa thuận áp bồi thường các trường hợp nêu trên cho đến thời điểm áp dụng văn bản mới của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Quyết định số 3035/QĐ-BTC.
+ Việc thỏa thuận bồi thường áp dụng theo Hướng dẫn số 14/HD-SNN- KT đảm bảo nguyên tắc: Xác định số tiền bồi thường tương ứng với tổng chi phí cải tạo ao hồ, thức ăn, con giống, thuốc phòng bệnh, công lao động, thu hoạch và các khoản chi phí thực tế khác như: Phí mua bảo hiểm, nhiên liệu… mà người nuôi đã đầu tư tính từ thời điểm thả nuôi ban đầu đến ngày bị thiệt hại xác lập hồ sơ bồi thường. Đồng thời, số tiền bồi thường đảm bảo không vượt quá 75% mức bồi thường tương ứng theo quy định hiện hành.
+ Nếu được Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh cho chủ trương như trên, thì Ban chỉ đạo địa phương, Tổ thẩm định bồi thường và B Trà Vinh sẽ tổ chức thỏa thuận với các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm bị tổn thất bồi thường theo Hướng dẫn số 14/HD-SNN-KT thành công sẽ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khoảng 15 tỷ đồng.
[8] Ngày 21/3/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Công văn số 897/UBND-NN (bút lục 493, tập I) với nội dung: Giao Thường trực Ban Chỉ đạo triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tỉnh phối hợp với Công ty B Trà Vinh và các ngành có liên quan kiểm tra mức độ thiệt hại thực tế, xác định số tiền bồi thường tương ứng với tổng chi phí như: Cải tạo ao hồ, con giống, thức ăn… và các chi phí khác. Trên cơ sở đó, thỏa thuận với hộ nuôi cá tham gia bảo hiểm để tiến hành chi trả bồi thường.
[9] Thực hiện Công văn số 897/UBND-NC nêu trên, ngày 21/3/2013 Thường trực Ban Chỉ đạo triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tỉnh Trà Vinh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) chủ trì cuộc họp, thành phần gồm có các thành viên trong Ban Chỉ đạo và Giám đốc B Trà Vinh. Tại biên bản họp (bút lục 494 - 497, tập I), chủ trì kết luận như sau:
“1. Về xác định số tiền bồi thường theo giá trị đầu tư thực tế:
- Căn cứ Hướng dẫn số 14/HD-SNN-KT ngày 15/3/2013 của Sở Nông nghiệp và PTNT làm căn cứ chính để áp dụng tính toán các khoản chi phí.
- Số tiền bồi thường theo giá trị đầu tư thực tế: không vượt quá 70% so với số tiền bồi thường hiện hành tương ứng với từng thời điểm nhất định.
2. Chuẩn bị hồ sơ bồi thường:
- Giao Tổ giám định bồi thường (theo huyện) phối hợp với B Trà Vinh tính toán, xác lập sổ tiền bồi thường theo giá trị đầu tư thực tế tại khoản 1 cho từng trường hợp tổn thất cụ thể, đồng thời có so sánh với mức bồi thường hiện hành để làm cơ sở giải thích, thuyết phục trong quá trình thương lượng.
- Giao B biên soạn mẫu biên bản thương lượng bồi thường và bản cam kết đối với các hộ đã đồng ý nhận tiền thương lượng bồi thường, đảm bảo không khiếu nại về sau.
3. Phương án tổ chức thương lượng:
Trên cơ sở chuẩn bị xong công việc theo khoản l, 2 nêu trên. Ban chỉ đạo các huyện phối hợp với B Trà Vinh, Tổ giám định bồi thường mời nông hộ tiến hành thương lượng, đàm phán. Ban chỉ đạo các huyện sắp xếp mời từng nông hộ (không mời tập trung) và chọn những nông hộ có khả năng thuơng lượng thành công cao để triển khai đầu tiên nhằm tạo thuận lợi cho các trường hợp thương lượng tiếp theo”.
[10] Từ chủ trương trên, từ ngày 08 đến ngày 17 tháng 4 năm 2013, B Trà Vinh đã phối hợp với Ban Chỉ đạo bảo hiểm nông nghiệp các huyện: T, C và C1 cùng với từng hộ nuôi cá có thiệt hại được bảo hiểm tiến hành lập biên bản thỏa thuận bồi thường, ký thông báo chấp nhận bồi thường và bãi nại, sau đó B đã chuyển tiền vào tài khoản từng hộ bị thiệt hại kết thúc việc bồi thường.
[11] Trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm nông nghiệp theo Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính có nhiều Văn bản chỉ đạo thực hiện cụ thể là:
+ Công văn số 18352/BTC-QLBH, ngày 28/12/2012 “V/v đẩy mạnh công tác quản lý rũi ro và phòng chống bảo hiểm nông nghiệp” (bút lục 451 - 457, tập I). Tại nội dung 2 của văn bản có nêu:
“2. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm:
- Tăng cường công tác thẩm định rủi ro trước khi ký kết các hợp đồng bảo hiểm;
- Đối với các hợp đồng bảo hiểm đã được ký kết cần tăng cường công tác quản lý, giám sát người được bảo hiểm tuân thủ chặt chẽ các điều khoản, điều kiện theo hợp đồng bảo hiểm;
- Đối với các hợp đồng bảo hiểm có phát sinh bồi thuờng, cần tập trung giải quyết như sau:
+ Đối với các hồ sơ tổn thất đã đủ điều kiện để giải quyết bồi thường mà xét thấy không có dấu hiệu trục lợi cần giải quyết nhanh chóng, đầy đủ kịp thời cho các hộ dân, đảm bảo tài chính cho tái đầu tư sản xuất;
+ Đối với các hồ sơ chưa hoàn thiện cần rà soát lại việc thực hiện quy trình nuôi thả, quy trình chăm sóc, chữa bệnh cho tôm, cá và quy trình khiếu nại bồi thường. Nếu nhận thấy có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm cần phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng liên quan để xác định nguyên nhân, mức độ tổn thất thực tế làm cơ sở cho công tác giải quyết khiếu nại bồi thường bảo hiểm theo nguyên tắc bồi thường không vượt quá giá trị tổn thất thực tế và theo các quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm”.
+ Thông báo số 84/TB- BTC ngày 07/02/2013 của Bộ Tài chính (bút lục 610 - 614, tập I) kết luận (đoạn đầu trang 4): “Các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện giải quyết bồi thường bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm, quy định tại quy tắc, điều khoản bảo hiểm nông nghiệp và quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo sự nhất quán và bình đẳng”.
+ Công văn số 8939/BTC-QLBH ngày 10/7/2013 “V/v phối hợp triển khai thực hiện bảo hiểm tôm, cá theo Quyết định số 315/QĐ-TTg” (bút lục 498, tập I). Tại nội dung 1 của văn bản có nêu:
“1. Về thực hiện quy tắc bảo hiểm tôm, cá:
1.1. Đối với các hợp đồng bảo hiểm tôm, cá đã ký kết trước ngày Quyết định số 1042/QĐ-BTC có hiệu lực (ngày 08/5/2013):
a. Đối với các hợp đồng bảo hiểm tôm, cá ký kết trước ngày Quyết định số 1042/QĐ-BTC có hiệu lực: Các doanh nghiệp bảo hiểm áp dụng theo quy định tại Quyết định số 3035/QĐ-BTC và Quyết định số 1442/QĐ-BTC của Bộ Tài chính.
b. Đối với các hợp đồng bảo hiểm tôm, cá còn hiệu lực và chưa phát sinh trách nhiệm bảo hiểm: Các doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp chặt chẽ với địa phương tập trung công tác đề phòng hạn chế tổn thất, kiểm soát quy trình quản lý rủi ro, xác định dịch bệnh chặt chẽ.
c. Đối với các hợp đồng bảo hiểm tôm, cá đã phát sinh trách nhiệm bồi thường, các doanh nghiệp bảo hiểm cần tập trung giải quyết như sau:
- Đối với các hồ sơ tổn thất đã đủ điều kiện để giải quyết bồi thường mà xét thấy không có dấu hiệu trục lợi, cần giải quyết nhanh chóng, đầy đủ kịp thời cho các hộ dân, đảm bảo tài chính cho tái đầu tư sản xuất.
- Đối với các hồ sơ chưa hoàn thiện, cần rà soát lại việc thực hiện quy trình nuôi thả, quy trình chăm sóc, chữa bệnh cho tôm, cá và các quy trình khiếu nại, bồi thường. Nếu nhận thấy có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm cần phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng liên quan để xác định nguyên nhân, mức độ tổn thất thực tế làm cơ sở cho công tác giải quyết khiếu nại bồi thường bảo hiểm theo nguyên tắc bồi thường không vượt quá giá trị tổn thất thực tế và theo các quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm”
[12] Những văn bản nêu trên của Bộ Tài chính đã thể hiện sự nhất quán, rõ ràng trong việc chỉ đạo giải quyết bồi thường bảo hiểm là: Giải quyết bồi thường phải theo hợp đồng bảo hiểm đã ký, chỉ khi xác định có dấu hiệu trục lợi thì mới xác định nguyên nhân, mức độ tổn thất để bồi thường theo giá trị tổn thất thực tế. Và vấn đề này qua 02 lần bồi thường trước đó Ban chỉ đạo và B đã thực hiện bồi thường đầy đủ cho người mua bảo hiểm nên không phát sinh khiếu nại.
[13] Việc B có Tờ trình số 18/TTR-BMTV gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh xin chủ trương giải quyết bồi thường như trên là không đúng pháp luật, trái với ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính. Từ việc này nên dẫn đến Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Công văn 897/UBND-NN chỉ đạo giải quyết mức độ thiệt hại thực tế là không phù hợp với thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, trái với Quyết định số 3035/QĐ-BTC ngày 16/11/2012 ban hành kèm theo Quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm nông nghiệp và các văn bản chỉ đạo nêu trên của Bộ Tài chính.
[14] Thực hiện Công văn 897/UBND-NN của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh, Thường trực Ban Chỉ đạo triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tỉnh Trà Vinh tổ chức cuộc họp có phân công trách nhiệm từng thành viên như đã diện dẫn ở phần trên là thể hiện có sự tính toán, chuẩn bị trước để thực hiện theo ý chí của mình. Biên bản thỏa thuận bồi thường căn cứ vào Công văn 897/UBND-NN, nội dung biên bản không thể hiện ý kiến của người được bồi thường là thể hiện sự áp đặt ý chí của B trong việc thỏa thuận thương lượng bồi thường với các nguyên đơn. Vi phạm Điều 4, 5 và Điều 6 của Bộ luật dân sự năm 2005, nên thỏa thuận không không hợp pháp.
[15] Tại Công văn số 22/UBND-NN ngày 20/4/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh (bút lục 465, tập I) gửi Bộ Tài chính và Tổng công ty cổ phần B với nội dung: “Để giải quyết dứt điểm việc khiếu nại bồi thường bảo hiểm cá tra, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh thống nhất tiếp tục bồi thường số tiền 30% còn lại cho đúng với hợp đồng bảo hiểm đã ký cho các hộ dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp; đồng thời đề nghị Tổng công ty cổ phần B chỉ đạo B Trà Vinh lập thủ tục chi trả bồi thường bổ sung cho các hộ nuôi cá tra tham gia bảo hiểm nông nghiệp theo quy định”. Văn bản này của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo của cơ quan hành chính cao nhất tại địa phương đồng thời là Ban chỉ đạo thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp tỉnh theo Quyết định số 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013, phù hợp với các quy định của Bộ Tài chính, đúng với bản chất của vụ án nên có tính ràng buộc B phải thực hiện.
[16] Từ những vấn đề pháp lý như trên, án sơ thẩm xử bác yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn là chưa xem xét toàn diện các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, dẫn đến quyết định không đúng bản chất vụ án gây thiệt hại cho các nguyên đơn. Vì vậy có đủ cơ sở để chấp nhận kháng nghị số 01/QĐKNPT-VKS-DS ngày 21/02/2018 của Viện Trưởng Viện kiếm sát nhân dân thành phố T, chấp nhận kháng cáo của 14 nguyên đơn và ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sửa bản án sơ thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ khoản 3 Điều 26, khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
- Áp dụng Điều 46 của Luật kinh doanh bảo hiểm;
- Áp dụng các Điều 4, 5, 6 và Điều 579 của Bộ luật dân sự năm 1995;
- Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Chấp nhận toàn bộ kháng cáo của các nguyên đơn và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố T. Sửa Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2018/KDTM-ST ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố T.
Tuyên xử:
1. Về trách nhiệm bồi thường: Buộc Tổng Công ty Cổ phần B có trách nhiệm bồi thường tiền bảo hiểm cá tra cho các nguyên đơn với số tiền cụ thể như sau:
- Bồi thường cho bà Lê Thị K số tiền 2.016.687.800 đồng (hai tỷ không trăm mười sáu triệu sáu trăm tám mươi bảy nghìn tám trăm đồng).
- Bồi thường cho ông Trần Văn L số tiền 2.492.892.360 đồng (hai tỷ buốn trăm chín mươi hai triệu tám trăm chín mưới hai nghìn ba trăm sáu mươi đồng).
- Bồi thường cho bà Nguyễn Thị B số tiền 152.402.250 đồng (một trăm năm mươi hai triệu bốn trăm lẻ hai nghìn hai trăm năm mươi đồng).
- Bồi thường cho ông Trương Văn T số tiền 784.980.000 đồng (bảy trăm tám mươi bốn triệu chín trăm tám mươi nghìn đồng).
- Bồi thường cho ông Trương Văn N số tiền 201.198.816 đồng (hai trăm lẻ một triệu một trăm chín mươi tám nghìn tám trăm mười sáu đồng).
- Bồi thường cho ông Huỳnh Văn H số tiền 195.592.320 đồng (một trăm chín mươi lăm triệu năm trăm chín mươi hai nghìn ba trăm hai mươi đồng).
- Bồi thường cho anh Nguyễn Ta L số tiền 313.223.501 đồng (ba trăm mười ba triệu hai trăm hai mươi ba nghìn năm trăm lẻ một đồng).
- Bồi thường cho anh Nguyễn Thế C số tiền 482.145.300 đồng (tám trăm bốn mươi hai triệu một trăm bốn mươi lăm nghìn ba trăm đồng).
- Bồi thường cho ông Giảng Văn B số tiền 539.225.400 đồng (năm trăm ba mươi chín triệu hai trăm hai mươi lăm nghìn bốn trăm đồng).
- Bồi thường cho bà Nguyễn Thị O số tiền 458.035.200 đồng (bốn trăm năm mươi tám triệu không trăm ba mươi lăm nghìn hai trăm đồng).
- Bồi thường cho ông Trần Văn Lưu Văn Út H hiện nay đã chết có vợ là bà Nguyễn Thanh T, con là chị Lưu Thị Phúc A và anh Lưu Minh G nhận số tiền là 1.654.997.760 đồng (một tỷ sáu trăm năm mươi bốn triệu chín trăm chín mươi bảy nghìn bảy trăm sáu mươi đồng).
- Bồi thường cho bà Nguyễn Thị Khánh T số tiền 911.223.000 đồng (chín trăm mười một triệu hai trăm hai mươi ba nghìn đồng).
- Bồi thường cho anh Nguyễn Thế V số tiền 1.844.593.560 đồng (một tỷ tám trăm bốn mươi bốn triệu năm trăm chín mươi ba nghìn năm trăm sáu mươi đồng).
- Bồi thường cho ông Huỳnh Thanh L số tiền 950.589.472 đồng (chín trăm năm mươi triệu năm trăm tám mươi chín nghìn bốn trăm bảy mươi hai đồng).
2. Về án phí:
2.1. Án phí dân sự sơ thẩm sơ thẩm:
- Các nguyên đơn không phải chịu. Hoàn trả tiền tạm ứng án phí do các nguyên đơn đã nộp cụ thể như sau:
+ Bà Lê Thị K được nhận lại số tiền 37.300.000 đồng (ba mươi bảy triệu ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0004068 ngày 13/4/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
+ Ông Trần Văn L được nhận lại số tiền 43.790.000 đồng (bốn mươi ba triệu bảy trăm chín mươi nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0002724 ngày 03/02/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
+ Bà Nguyễn Thị B được nhận lại số tiền 3.800.000 đồng (ba triệu tám trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0002729 ngày 13/4/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
+ Ông Trương Văn T được nhận lại số tiền 17.690.000 đồng (mười bảy triệu sáu trăm chín mươi nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0002730 ngày 03/02/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
+ Ông Trương Văn N được nhận lại số tiền 5.000.000 đồng (năm triệu đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0002732 ngày 03/02/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
+ Ông Huỳnh Văn H được nhận lại số tiền 4.880.000 đồng (bốn triệu tám trăm tám mươi nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0002733 ngày 04/02/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T..
+ Anh Nguyễn Ta L được nhận lại số tiền 7.800.000 đồng (bảy triệu tám trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0002727 ngày 03/02/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
+ Anh Nguyễn Thế C được nhận lại số tiền 11.600.000 đồng (mười một triệu sáu trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0002731 ngày 03/02/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
+ Ông Giảng Văn B được nhận lại số tiền 12.780.000 đồng (mười hai triệu bảy trăm tám mươi nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0002728 ngày 03/02/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
+ Bà Nguyễn Thị O được nhận lại số tiền 11.160.000 đồng (mười một triệu một trăm sáu mươi nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0002736 ngày 04/02/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
+ Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Lưu Văn Út H là bà Nguyễn Thanh T, bà Lưu Thị Phúc A và ông Lưu Minh G được nhận lại số tiền 30.800.000 đồng (ba mươi triệu tám trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0002725 ngày 03/02/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
+ Bà Nguyễn Thị Khánh T được nhận lại số tiền 19.660.000 đồng (mười chín triệu sáu trăm sáu mươi nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0002726 ngày 03/02/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
+ Anh Nguyễn Thế V được nhận lại số tiền 33.660.000 đồng (ba mươi ba triệu sáu trăm sáu mươi nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0002742 ngày 15/02/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
+ Ông Huỳnh Thanh L được nhận lại số tiền 20.250.000 đồng (hai mươi triệu hai trăm năm mươi nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0002735 ngày 04/02/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
Buộc Tổng Công ty cổ phần B phải chịu 121.377.789 đồng (một trăm hai mươi mốt triệu ba trăm bảy mươi bảy nghìn bảy trăm tám mươi chín đồng).
2.2. Án phí dân sự phúc thẩm:
Người kháng cáo không phải chịu. Hoàn trả tiền tạm ứng án phí cho người kháng cáo đã nộp cụ thể như sau:
- Bà Lê Thị K được nhận lại số tiền 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0015551 ngày 23/02/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
- Ông Trần Văn L được nhận lại số tiền 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0015549 ngày 23/02/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
- Bà Nguyễn Thị B được nhận lại số tiền 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0015554 ngày 23/02/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
- Ông Trương Văn T được nhận lại số tiền 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0015553 ngày 32/02/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
- Ông Trương Văn N được nhận lại số tiền 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0015555 ngày 23/02/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
- Ông Huỳnh Văn H được nhận lại số tiền 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0015552 ngày 23/02/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
- Anh Nguyễn Ta L được nhận lại số tiền 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0015556 ngày 23/02/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
- Anh Nguyễn Thế C được nhận lại số tiền 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0015558 ngày 23/02/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
- Ông Giảng Văn B được nhận lại số tiền 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0015559 ngày 23/02/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
- Bà Nguyễn Thị O được nhận lại số tiền 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0015557 ngày 23/02/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
- Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Lưu Văn Út H là bà Nguyễn Thanh T, bà Lưu Thị Phúc A và ông Trần Văn Lưu Minh G được nhận lại số tiền 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0015550 ngày 23/02/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
- Bà Nguyễn Thị Khánh T được nhận lại số tiền 300.000 đồng theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0015561 ngày 23/02/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
- Anh Nguyễn Thế V được nhận lại số tiền 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0015560 ngày 23/02/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
- Ông Huỳnh Thanh L được nhận lại số tiền 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0015548 ngày 23/02/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.
Khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7,7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tạiĐiều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Các quyết định khác của án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
Bản án 03/2018/DS-PT ngày 30/08/2018 về tranh chấp hợp đồng dân sự bảo hiểm
Số hiệu: | 03/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Trà Vinh |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 30/08/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về