TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
BẢN ÁN 02/2020/HS-ST NGÀY 13/01/2020 VỀ TỘI TỔ CHỨC NGƯỜI KHÁC TRỐN ĐI NƯỚC NGOÀI, Ở LẠI NƯỚC NGOÀI TRÁI PHÉP
Ngày 13 tháng 01 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 85/2019/TLST-HS ngày 04 tháng 12 năm 2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 274/2019/QĐXXST-HS ngày 30/12/2019 đối với bị cáo:
Hoàng Công H, sinh ngày: 4/8/1993; Nơi ĐKHKTT: Thôn C, xã S, huyện G, tỉnh Bắc Ninh; nghề nghiệp: Công nhân; trình độ học vấn: 8/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Hoàng Công L, sinh năm 1971 và bà Nguyễn Thị Th, sinh năm 1975; vợ, con: Chưa có; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 01/12/2018 đến ngày 31/01/2019; hiện đang bị áp dụng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt tại phiên tòa.
Nhân thân: Tại bản phán quyết hình sự số 2014 của Tòa án thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc tuyên phạt 7 năm tù về hành vi “Tổ chức người khác vượt Quốc gia”. Chấp hành xong ngày 26/11/2018 và được Trung Quốc trục xuất về nước.
* Ngoài ra còn có 26 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng đầu năm 2013, Hoàng Công H, sinh năm 1993 ở: thôn C, xã S, huyện G, tỉnh Bắc Ninh, trao đổi với bố đẻ là Hoàng Công L, sinh năm 1971, về việc có người bạn là Vũ Đình Th, sinh năm 1981 ở K, xã L, huyện L, tỉnh Bắc Ninh liên hệ được công việc cho người Việt Nam lao động tại Trung Quốc, lương khoảng trên 6.500.000đ đến 7.000.000đ 1 người/1 tháng, mỗi người đi phải nộp từ 2.000.000đ đến 5.000.000đ để làm giấy thông hành, lo tàu xe, đi lại. Nếu ai không có Giấy chứng minh nhân dân thì đi bằng đường vượt biên trái phép. Sau đó, Hoàng Công H và Hoàng Công L đã liên hệ được 24 người đưa sang Trung Quốc để sắp xếp lao động cho họ. H đã thu tiền của 6 người được 24.000.000đ, L thu tiền của 14 người được 62.000.000đ. H và L đến nhờ Trần Văn K, sinh năm 1968, ở Đ, xã Tr, huyện L làm giấy thông hành cho những người có Giấy chứng minh nhân dân. H và L tổ chức đưa sang Trung Quốc lao động làm 2 lần.
Lần thứ nhất, H và L đưa đi tổng số 9 người, cụ thể: Vào ngày 26/02/2013, mọi người tập trung tại nhà L, sau đó L và H thuê xe ô tô chở đến cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn. H thông qua Vũ Đình Thuận, đưa 5 người đi bằng giấy thông hành, còn 4 người không có giấy thông hành, H liên hệ với Phạm Sỹ H1, sinh năm 1990, ở thôn C, đưa sang Trung Quốc bằng đường mòn vượt biên giới trái phép. Những người này sang Trung Quốc chưa có việc làm ngay, phải thuê nhà trọ để ở.
Lần thứ hai, L và H đưa tổng số 16 người, cụ thể: Vào ngày 07/3/2013, Hoàng Công L và Hoàng Công H liên hệ với Trần Văn K đưa 14 người sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn bằng giấy thông hành. Còn 2 người không có giấy thông hành được H đưa sang Trung Quốc bằng đường mòn vượt biên giới trái phép.
Sau khi những người trên sang Trung Quốc, Hoàng Công H và Hoàng Công L liên hệ với Vũ Đình Th, Trần Văn K, xin việc làm thợ mộc và mạ INOX cho những người trên. Trong số 24 người L và H đưa sang Trung Quốc thì có 3 người tự đi xin việc. Có 11 người đang trên đường đến chỗ lao động (1 người đi vượt biên giới, 10 người đi bằng giấy thông hành, ở lại chưa quá 1 tháng) thì bị Cơ quan chức năng của Trung Quốc bắt giữ vào ngày 12/3/2013, đến ngày 17/5/2013 được trả về Việt Nam, những người bị bắt giữ.
Số lao động 10 người còn lại được L và H liên hệ công việc làm thợ mộc và mạ INOX cho các cơ sở sản xuất của Trung Quốc (không xác định được địa chỉ cụ thể). Như vậy, trong số 24 người được H đưa sang Trung Quốc lao động thì có 6 người đi bằng vượt biên giới trái phép, 18 người được đưa đi bằng giấy thông hành, có thời hạn 1 tháng. Trong số 18 người đi bằng giấy thông hành thì có 7 người được H liên hệ Công việc và đã ở lại lao động quá hạn ghi trên giấy thông hành; 1 người tự tìm việc làm; 10 người còn lại lao động được hơn 1 tuần thì bị phía Trung Quốc bắt giữ. Căn cứ vào các tình tiết, chứng cứ nêu trên:
Tại bản Cáo trạng số: 95/CT-VKS-P1 ngày 29/11/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã truy tố bị cáo Hoàng Công H về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, ở lại nước ngoài trái phép” theo khoản 2 Điều 275 Bộ luật hình sự 1999.
Tại phiên tòa hôm nay, Hoàng Công H khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như cáo trạng đã truy tố: Do H có quen biết với một số người tìm được việc làm bên Trung Quốc nên H cùng bố là L liên hệ với những người trong họ, trong thôn hoặc khu vực lân cận đang có nhu cầu về việc làm để đưa họ sang Trung Quốc. Mỗi người đi phải nộp từ 2.000.000đ đến 5.000.000đ. Đây là số tiền chi phí cho việc làm giấy thông hành, tàu xe đi lại và giới thiệu việc làm. H và L đã thu tiền của họ tổng số 86.000.000đ. H và L đã nhờ Trần Văn K làm giấy thông hành. Sau đó H, L tổ chức thuê xe 2 chuyến, chở 24 lao động sang Trung Quốc rồi bố trí việc làm cho họ. Trong số này có 6 người vượt biên trái phép, 18 người đi bằng giấy thông hành thì có 07 người được H liên hệ công việc và đã ở lại lao động quá hạn ghi trên giấy thông hành. Một số người chưa kịp có việc làm đã bị bắt giữ rồi được trao trả về Việt Nam. Bị cáo H nhận thức việc làm của mình là sai, là vi phạm pháp luật. Chỉ đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng mức án thấp nhất để bị cáo sớm được về với gia đình và xã hội.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Hoàng Công L có mặt tại phiên tòa trình bày: Bị cáo H có trao đổi, bàn bạc với ông về việc đưa người khác trốn đi nước ngoài và ở lại nước ngoài lao động trái phép. Ông có thu của một số người đi lao động tổng số là 64.000.000đ, số tiền này ông đã đưa lại cho bị cáo H để chi phí cho việc đưa những người này đi lao động trái phép.
Đối với 03 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa đều trình bày có được bị cáo H đưa sang Trung Quốc và ở lại lao động trái phép, khi đi các anh đều phải nộp cho H một số tiền, mỗi người từ 3 đến 5 triệu. Tuy nhiên, các anh không yêu cầu bị cáo H phải bồi thường số tiền các anh đã nộp cho H.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh thực hành quyền công tố tại phiên tòa phát biểu luận tội giữ nguyên Cáo trạng truy tố; sau khi phân tích hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo Hoàng Công H phạm tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, ở lại nước ngoài trái phép”.
Áp dụng khoản 2 Điều 275 BLHS năm 1999; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo Hoàng Công H từ 5 đến 6 năm tù.
Đối với số tiền 86.000.000đ H thu lời bất chính đề nghị HĐXX truy thu sung công quỹ nhà nước.
Bị cáo H không tham gia tranh luận với đại diện Viện kiểm sát, chỉ đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, HĐXX nhận thấy có đủ cơ sở để kết luận: Ngày 26/02/2013 và ngày 07/3/2013, Hoàng Công H và Hoàng Công L tổ chức cho 13 người Việt Nam sang Trung Quốc và ở lại lao động trái phép, trong đó có 6 người đi bằng vượt biên giới trái phép, 7 người đi bằng giấy thông hành qua cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn. Thu lời bất chính 86.000.000đ.
Theo quy định tại điểm c mục 3.2 phần I của Thông tư số 09/2006/TTLT/BLĐTBXH – BCA – VKSNDTC – TANDTC thì hành vi của H thuộc trường hợp “Gây hậu quả rất nghiêm trọng”. Do vậy, có căn cứ xét xử bị cáo Hoàng Công H phạm tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, ở lại nước ngoài trái phép” theo khoản 2 Điều 275 Bộ luật hình sự năm 1999 như Cáo trạng đã truy tố là phù hợp.
Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội trước khi BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành, khi xét xử thì BLHS năm 2015 đã có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, đối chiếu quy định tại Điều 275 BLHS năm 1999 và Điều 349 BLHS năm 2015 thì đối với hành vi phạm tội của bị cáo xét xử theo quy định tại Điều 275 BLHS năm 1999 có khung hình phạt nhẹ hơn quy định tại Điều 349 BLHS năm 2015. Do vậy, theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo HĐXX áp dụng BLHS năm 1999 để xét xử đối với bị cáo Hoàng Công H.
Hành vi phạm tội của bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính về xuất, nhập cảnh và pháp luật của Nhà nước về việc đưa người Việt Nam đi lao động tại nước ngoài. Hành vi đó phải bị xử lý nghiêm bằng pháp luật hình sự, cách ly bị cáo khỏi xã hội một thời gian để có tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung.
[2]. Xét về vai trò, nhân thân, các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo, HĐXX nhận thấy: Bị cáo Hoàng Công H là người khởi xướng, trao đổi, bàn bạc với L để tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, ở lại nước ngoài lao động trái phép, đồng thời H cũng là người trực tiếp thu tiền của một số lao động và trực tiếp tổ chức 2 lần đưa những người này sang Trung Quốc và ở lại lao động trái phép nên bị cáo có vai trò chính trong vụ án. Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo H đã cùng với L 02 lần tổ chức cho 06 người vượt biên trái phép sang Trung Quốc nên phải chịu tình tiết tăng nặng: “Phạm tội nhiều lần” theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS 1999. Về tình tiết giảm nhẹ H thành khẩn khai báo, tỏ thái độ ăn năn hối cải; H đã đến cơ quan công an đầu thú, đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 BLHS 1999 cần xem xét khi lượng hình.
[3]. Về trách nhiệm dân sự: Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa đều trình bày khi đi sang Trung Quốc và ở lại lao động trái phép có nộp cho H một khoản tiền, mỗi người từ 3 đến 5 triệu. Tuy nhiên, các anh không yêu cầu bị cáo H phải trả lại cho các anh số tiền này. Do vậy, HĐXX không đề cập giải quyết.
[4]. Về biện pháp tư pháp: Đối với số tiền 86.000.000đ là số tiền do H thu của những người đi lao động là bất chính, do vậy cần truy thu để sung công quỹ nhà nước.
Đối với các đối tượng theo H khai: Phan Văn D và Vũ Đình Th vắng mặt tại địa phương; Trần Văn K và Tô Thị M không thừa nhận hành vi như H khai nên Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ, khi nào có đủ căn cứ xử lý sau là phù hợp.
Đối với Phạm Sỹ H1 quá trình điều tra không đủ căn cứ chứng minh H1 cùng với H và L đưa người sang Trung Quốc trái phép nên không xử lý là phù hợp.
Đối với những lao động đã xuất cảnh trái phép và ở lại Trung Quốc lao động trái phép, Cơ quan an ninh điều tra chuyển tài liệu đến Công an huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh để xử lý theo thẩm quyền là phù hợp.
Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm. Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố bị cáo Hoàng Công H phạm tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, ở lại nước ngoài trái phép”.
Áp dụng khoản 2 Điều 275; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 33 Bộ luật hình sự năm 1999, xử phạt: Bị cáo Hoàng Công H 6 (sáu) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian đã tạm giữ, tạm giam từ ngày 01/12/2018 đến ngày 31/01/2019.
2. Về biện pháp tư pháp: Áp dụng Điều 41 BLHS năm 1999.
Truy thu của bị cáo Hoàng Công H số tiền 86.000.000đ để sung công quỹ nhà nước.
3. Về án phí: Bị cáo Hoàng Công H phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được tống đạt bản án hoặc niêm yết bản án.
Bản án 02/2020/HS-ST ngày 13/01/2020 về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, ở lại nước ngoài trái phép
Số hiệu: | 02/2020/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bắc Ninh |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 13/01/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!